Mặc Chi Đồng

Chương 43




Note: Sửa lại một chi tiết nhỏ ở chương 6 – Chu Thích Hoài đi du học khi mười mấy tuổi, không phải ‘hơn mười tuổi’.



Mặc Đồng vẫn như trước bình tĩnh chào Chu Thích Hoài: “Chu tiên sinh, đã về rồi?”

Chu Thích Hoài gọi cậu lại, “Mặc Đồng, đến xem cái này.”

Anh ta mở chiếc hộp to kia ra, đem những vật ở bên trong lấy ra từng cái một đặt lên bàn.

Đó là một bộ mô hình kiến trúc cực kỳ tinh xảo, nhà cửa điển hình ở phương Nam.

Mặc Đồng nhìn, không nói gì.

Chu Thích Hoài nói, “Đây là hôm nay tôi đến trường cậu đem về đấy. Mặc Đồng, cái này, cậu hẳn là vẫn chưa làm xong. Chúng ta… Tôi đã nói chuyện với Hạo Thiên rồi, đem chuyện công ty tạm thời giao cho cậu ta, chúng ta, kỳ nghỉ này, đến Chu Trang, Đồng Lý, Mộc Độc, ở lại đó mấy ngày, để cậu làm xong bộ mô hình này, được không?”

Mặc cúi đầu, chậm rãi nói, “Chu tiên sinh, thật ra anh không cần phải phí tâm như vậy đâu, cái này, bất quá chỉ là chút sở thích nhỏ, không làm xong cũng không sao, không phải là chuyện quan trọng gì.”

Chu Thích Hoài xoay người đi, “Nhưng tôi rất muốn cậu có thể hoàn thành nó. Chúng ta… mượn cách này… Có lẽ… Thử một lần… Dùng một cách hoàn toàn khác… mà ở cùng nhau thử xem.”

Anh ta nói ngập ngừng, giọng trầm trầm, dường như những lời này đã bị nén lại trong lòng anh ta thật lâu, rất khó khăn mới nói được ra.

Mặc Đồng có chút khó hiểu ngẩng đầu nhìn Chu Thích Hoài, nhưng chỉ nhìn thấy bóng lưng anh ta.

Một tuần sau là nghỉ đông. Chu Thích Hoài dẫn theo Mặc Đồng, mang một ít vật dụng hàng ngày, bảo tài xế lái xe đưa bọn họ đến Chu Trang. Trong chiếc hộp đặt trên ghế sau còn có rất nhiều những mảnh gỗ khác nhau, đó là chuẩn bị cho Mặc Đồng.

Mặc Đồng nhìn cảnh sắc mùa đông lướt qua ngoài cửa xe, nhớ lại lúc này năm ngoái, cậu còn đang nằm trên giường bệnh, cậu từng nói với Chu Thích Hoài trong lúc mơ màng, “Thật ra… đôi khi… cũng không phải… ủy khuất như vậy.”

Ngay cả hiện tai, Mặc Đồng cũng không cảm thấy ủy khuất; cậu nhìn người đàn ông cạnh mình, dù đang ngồi nhưng lưng vẫn thẳng tắp, vầng trán rộng, ngũ quan sắc bén. Chuyện giữa anh ta và cậu, không lẽ chỉ dùng hai chữ ‘ủy khuất’ là có thể tóm lược được sao?

Đó là một loại mâu thuẫn đấu tranh kiểu ‘muốn gần nhau thì không thể, lại cũng không dám; muốn xa nhau thì không buông ra được, lại không cam lòng’.

Mặc Đồng chỉ có thể nhắm mắt lại, đem hết mọi chuyện nhốt ngoài cửa lòng.

Đường đi cũng không hề gần, khi đến nơi Mặc Đồng gần như đã mệt rũ.

Thì ra, Chu Thích Hoài đã thuê trước một căn nhà tại Chu Trang.

Xe chỉ có thể chạy đến đầu con ngõ nhỏ, mang đồ đạc xuống, dàn xếp xong xuôi, Chu Thích Hoài liền bảo tài xế đi.

Căn nhà này là của một đôi vợ chồng già, con cái hai người đều đã ly hương, ra ngoài làm ăn, có chút thành công, nhiều lần muốn đón cha mẹ về, hai người không nỡ rời quê, nhưng tuổi già cũng không khỏi thấy cô đơn, nên đem căn nhà nhỏ cho thuê.

Chu Thích Hoài cùng Mặc Đồng ở lại chỗ này.

Nghỉ ngơi một đêm, Mặc Đồng mới có tinh thần thưởng thức cái thị trấn nhỏ vùng sông nước danh tiếng nức trời mấy năm gần đây này.

Lúc này cũng không phải mùa du lịch, hơn nữa, căn nhà này của đôi vợ chồng già ở nơi khá hẻo lánh, trên đường vẫn chưa thấy cảnh sóng người lớp lớp.

Có một mạch nước nhỏ chảy ngang nhà; con đường cũ xưa hẹp nhưng rất chỉnh tề, tĩnh mịch và đơn sơ. Mùa đông, những sợi dây leo khô quắt buông xuống trên chiếc cầu cong cong, vươn ra đung đưa giữa trời, lay động theo cơn gió, đến xuân hẳn là một mảnh xanh biếc. Nước sông như ngọc bích chầm chậm chảy, những ngôi nhà gạch cổ san sát nhau, chen chúc bên hai bờ sông, chiếc cầu đá đẹp đẽ tinh tế bắc ngang giữa.

Đó là một khung cảnh rất thanh đạm tao nhã, ngay cả thời gian dường như cũng trôi chậm lại.

Chu Thích Hoài cũng dường như biến thành người khác, mỗi ngày mặc quần áo cực kỳ bình thường, quán xuyến hết mọi chuyện vụn vặt trong nhà; thậm chí, anh ta còn đi chợ mua thức ăn.

Nói là chợ, nhưng bất quá chỉ là một nơi nông dân và mấy người bán rau tụ lại bán buôn. Con đường cực kỳ cực kỳ hẹp, hai bên là người bán hàng, chính giữa là lối đi hẹp, chỉ đủ một người đi qua, chen chúc nhau rất hỗn loạn. Nhưng vì đồ rẻ lại tươi mới, nên thu hút rất nhiều người.

Mặc Đồng lần đầu tiên thấy anh ta mang bao lớn bao nhỏ từ chợ trở về, trên ống quần đầy vết bùn, kinh ngạc mà đứng ngây ra, lời nói đều bị nghẹn lại trong họng.

Mà khi cậu thấy Chu Thích Hoài mặc vào chiếc tạp dề trắng kẻ ô, đi vào căn bếp nho nhỏ, mắt chút nữa rớt ra ngoài.

Chu Thích Hoài đưa tay ra trước mặt cậu ngoắc ngoắc, cười một chút, vùi đầu nấu cơm.

Mặc Đồng lúc này mới bừng tỉnh, vụng về chạy đến giúp.

Chu Thích Hoài nói, “Cậu thấy hơi kỳ quái phải không, Mặc Đồng? Thật ra, đây là việc tôi cực kỳ quen thuộc khi còn bé. Khi đó, cha mẹ đều đi làm, kiếm chút tiền ít ỏi đến đáng thương, cha còn thường bị bắt vì tội đầu cơ. Trong nhà, chuyện lớn chuyện nhỏ cùng với trách nhiệm chăm sóc mấy đứa em đều đặt hết lên vai tôi. Nhưng hồi tưởng lại, cũng không khổ cực gì mấy.”

Anh ta chậm rãi nói, trong giọng nói không có chút bất mãn hay oán giận nào, chỉ có chút cô đơn.

Anh ta không giống ngày xưa, trên mặt thường xuất hiện nụ cười thân thiết nhưng đầy ý vị thâm sâu, khiến lòng người bối rối. Trái lại, giờ trên mặt anh ta thường là một vẻ bình tĩnh thuần khiết, thỉnh thoảng còn có chút gì đó vô thố, ánh lên trong mắt anh ta.

Đó không phải là một Chu Thích Hoài mà Mặc Đồng quen.

Cuộc sống của bọn họ yên ả không chút gợn sóng.

Hai người giống như đứng ở hai bờ của một con sông, không có cách nào gặp được nhau.

Chỉ có vào đêm, trên giường, bọn họ sẽ vẫn như cũ nhiệt liệt yêu nhau; dường như, đây là cách duy nhất để hai người có thể thân cận.

Họ yên lặng yêu nhau thật lâu, trong cơn khoái cảm không ngăn nổi như sóng triều, có nhuộm một chút tuyệt vọng, tuyệt vọng vì không cách nào chạm được vào nội tâm của đối phương.

Mỗi lần qua đi, Mặc Đồng thường cuộn người lại trong lòng Chu Thích Hoài, đầu đặt trước ngực anh ta, không nhìn thấy nét mặt, chỉ nghe được tiếng thở gấp nho nhỏ của anh ta.

Còn Chu Thích Hoài, thường thường xoay người cậu thiếu niên lại, để cậu đưa lưng về phía mình, từ sau ôm lấy cậu, đặt trán trên mái tóc ướt mồ hôi của cậu.

Bọn họ đến đã được một tuần. Chu Thích Hoài âm thầm đợi một cơ hội, một cơ hội nho nhỏ, giống như một hòn đá nhỏ không được chú ý, nhưng lại có thể đánh thức mặt nước đang say ngủ.

Cơ hội kia đến rất nhanh.

Một buổi tối, bỗng nhiên cúp điện.

Ở thành thị lớn nhiều năm, bọn họ đều đã quên mùi vị cúp điện.

Mặc Đồng lục lọi trong căn phòng tối đen, thật khó khăn mới tìm được trong ngăn kéo một ngọn nến đã dùng qua.

Chu Thích Hoài cũng tìm tìm, bật chiếc bật lửa đánh ‘tách’, cầm tay Mặc Đồng thắp nến lên.

Một điểm sáng nhỏ như hạt đậu, rọi vào mặt hai người.

Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều ngày qua Mặc Đồng nhìn kỹ Chu Thích Hoài, Chu Thích Hoài cũng vậy.

Mặc Đồng phát hiện, trong ánh sáng lờ mờ, khuôn mặt Chu Thích Hoài trông trẻ lạ thường; ánh nến làm mờ đi góc cạnh cùng vẻ sắc bén của khuôn mặt anh ta, chỉ để lại vẻ mềm mại cùng bất lực. Cậu mơ hồ nhớ lại Chu Thích Hoài từng nói, “Nỗi ủy khuất khi còn trẻ, khắc sâu tận xương.” Trong ánh nến, bất quá là một linh hồn trẻ tuổi chìm trong bất lực cùng sầu khổ như mình, hai bên đau đớn nhìn nhau.

Trong mắt Mặc Đồng chầm chậm dâng lên một làn nước.

Lúc này, mấy giọt sáp nến nóng hổi rơi xuống, chia ra rơi vào trên tay hai người, cả hai cùng run lên.

Chu Thích Hoài kéo tay Mặc Đồng, nhúng vào trong nước.

Trong dòng nước lạnh buốt thấu xương, hai bàn tay nắm chặt nhau.

Ngọn nến tắt, chỉ còn lại bóng tối tràn ngập khắp phòng.

Trong căn nhà nhỏ vốn không có điều hòa, không có điện, ngay cả thảm điện cũng không có.

Hai người nằm cạnh nhau trên giờng, thân thể Chu Thích Hoài ấm áp, Mặc Đồng lại lành lạnh, lạnh đến hơi run run.

Chu Thích Hoài chậm rãi ôm cậu thiếu niên vào lòng, thân thể cao to hoàn toàn bao kín cậu trong vòng ôm.

Đêm đó, bọn họ không làm tình.

Ôm chặt nhau, nặng nề ngủ.