Mộc Cẩn Hoa Tây Nguyệt Cẩm Tú

Quyển 2 - Chương 45: Khổng tước bay về miền đông nam* (1)




Tôi la to: “Phi Bạch, cứu tôi, tôi đang ở chỗ này.”

Tiếng đàn dần mãnh liệt hơn, như sấm sét xé ngang bầu trời, rọi sáng đêm tối u ám. Tiếng đàn kia tựa như đáp lại lời kêu cứu của tôi, hoàn toàn áp chế tiếng sáo. Tiếng đàn mang theo nỗi đau thương đến ngọt ngào cùng sự vui mừng khôn xiết khi tìm lại vật đã mất, lại như lời an ủi nhẹ nhàng, lời hứa hẹn thân mật lặng lẽ tiến vào lòng tôi.

Nước mắt tôi tuôn rơi, Phi Bạch đang ở gần đây, nhưng rõ ràng Tề Phóng đã nói quân cứu viện của đại ca phải tới bình minh mới vào thành, chẳng lẽ Phi Bạch lén tới Tử viên trước?

Tôi đang định kêu thêm mấy tiếng thì tiếng sáo bỗng trở nên chói tai, giống như đang tức giận. Thằng bé đang nâng vai tôi chợt điểm vào huyệt câm rồi im lặng đi tiếp.

Bắp chân của tôi vẫn chảy máu, tiếng Trường tương thủ càng lúc càng xa, tiếng sáo càng thêm réo rắt quái đản, tôi lại không thể nói gì nên vô cùng nôn nóng. Hai thằng bé này muốn mang tôi đi đâu?

Ánh trăng chiếu sáng, một nữ tử cầm ô trắng nhẹ nhàng hạ xuống trước mặt chúng tôi. Bà u oán đứng đó, người mặc áo trắng, váy trắng, tay cầm ô trắng chậm rãi quay lại. Trên trán người đó quấn khăn trắng, tóc cài hoa trắng, gương mặt đang cười trông hệt như đào hát, trát phấn trắng toát, mày đen kẻ đậm, đôi mắt diễm lệ như hoa đào, cánh môi đỏ chót như sắp chảy máu đến nơi. Giữa đêm khuya thế này, nhìn bà ta còn đáng sợ hơn cả mấy thằng bé kia.

Bà ta vọt xuống cạnh chúng tôi, chiếc dù trắng vừa xoay nhẹ, hai đứa bé kia còn chưa kịp đánh trả đã bị xé thành bốn năm phần.

Tôi thấy thế mà muốn ngả ngửa xuống đất. Người kia duỗi tay nhẹ nhàng đỡ lấy tôi, chỉ dùng một tay đã nâng được tôi dậy. Nhưng bà ta không giải huyệt trên chân tay cho tôi mà chỉ giải huyệt câm, rồi túm lấy tôi bay về phía trước. Tôi đau tới mức nghiến răng rên rỉ một hồi, nhưng vừa nhìn thấy gương mặt nghiêng nghiêng yêu mị của bà thì đã sợ hãi không dám mở miệng kêu cứu mạng nữa. Hồi lâu sau, tôi mới cố lấy dũng khí hỏi: “Xin, xin hỏi người là ai?”

Dải lụa trắng trên trán bà bay bay trong trời đêm, lướt qua không trung, bay qua trăng sáng. Bà hơi nghiêng đầu, đôi mắt như nước liếc về phía tôi, lạnh lẽo tới độ khiến tôi không dám nhiều lời nữa. Đôi mày ngài ưu sầu hơi chau lại, môi son khẽ mở: “Vị vong nhân(1).”

Giọng nói của bà ấy vừa chậm vừa nhẹ, nhưng lại gợi tiếng lên tiếng vọng giữa không trung nghe thật đau thương. Tình cảnh này khiến tôi cảm thấy Tiểu Thiện trong Thiện nữ u hồn chắc cũng chỉ đến thế này, lông tơ cứ phải gọi là dựng hết cả lên, tôi đành run run ngậm miệng.

Tiếng sáo vang lên, lại có vài đứa bé lướt tới quanh chúng tôi. Tiếng đàn của Phi Bạch cũng mơ hồ truyền tới, tựa như đang tìm kiếm tôi. Người kia đứng giữa không trung, nức nở mấy tiếng, tựa như tiếng khóc của quỷ, bà cất tiếng hát: “Trắng như tuyết trên núi, sáng tựa trăng giữa mây. Nghe lòng chàng hai ý, thiếp đành đoạn tình này. Hôm nay chén sum họp, đầu sông tiễn sớm mai. Lững thững theo dòng nước, nước mãi chảy đông tây. Buồn đau lại buồn đau, vợ chồng chẳng nên than. Mong người lòng chỉ một, bạc đầu chẳng xa nhau. Chiếc cần sao lay động, đuôi cá sao cong cong. Nam nhi trọng ý khí, sao tiền bạc thay lòng!(2)

Bài bà ấy hát chính là Bạch đầu ngâm của Trác Văn Quân(3), tiếng hát trong trẻo trầm bổng, lại như mũi tên bằng kim cương xuyên thủng trời đêm. Tiếng sáo tức thì ngưng bặt, đám trẻ thì chỉ lẩn quẩn trong Tây lâm, không tiến về phía trước, tiếng đàn của Phi Bạch đứt đoạn, âm cuối chuyển điệu dần ẩn vào bầu trời đêm.

Tôi cảm thấy màng nhĩ đau nhói, đầu óc choáng váng, mùi máu tanh xông lên cổ họng. Trong lúc hoảng hốt, người kia đã mang tôi tới trước cửa một trạch viện rất quen thuộc. Bà ngừng hát, giải hết huyệt đạo cho tôi rồi đẩy tôi vào bên trong. Tôi yếu ớt tỉnh lại, kinh ngạc phát hiện thì ra bà ấy đã đưa tôi vào Tây Phong Uyển.

Nhà cửa trong Tây Phong Uyển không bị đốt bỏ, cả rừng hoa mai dưới ánh trăng như đang lạnh lùng nhìn chúng tôi, trong sân tuyết đã phủ một lớp dầy. Hồi trước Phi Bạch luôn sai Vi Hổ và Tố Huy quét tuyết thật sạch, năm ngoái tôi cùng Tố Huy còn đắp một người tuyết nữa. Tạ tam nương vì muốn dỗ chúng tôi vui còn đem cả bộ quần áo màu đỏ trong rương cho người tuyết. Dáng người Tam nương mập mạp thành ra bộ áo kia rất vừa với người tuyết. Khi ấy Tố Huy còn ồn ào, bảo bộ áo này nhất định là hỉ phục lúc Tam nương gả cho cha cậu. Tam nương xoay tay định đánh Tố Huy mấy cái thì cậu ta đã trốn biến ra sau xe lăn của Phi Bạch. Phi Bạch nghiêm mặt, thản nhiên mắng Tố Huy mấy câu, nhưng đôi mắt phượng vẫn nhìn người tuyết chăm chú, tôi biết, thật ra anh ta cũng rất thích người tuyết này.

Chuyện cũ hiện ra trước mắt, tôi còn đang ngây ngẩn nhớ lại thì người kia đã kéo tôi vào Thưởng Tâm các. Bà kề sát vào tai tôi, hỏi: “Nói cho ta biết, cửa vào Ám cung ở chỗ nào?”

“Tôi không hiểu bà đang nói về cái gì?” Tôi lạnh lùng đáp rồi lùi lại một bước, cách xa khỏi bà ta một chút. Người này là bạn hay thù còn chưa biết, không thể cả tin được. Không ngờ bà ta lại lướt tới sát tôi, hai tay bóp chặt cổ tôi rồi nhấc lên: “Ngươi làm thế thân cho Nguyên Phi Yên, lại còn dẫn một nghìn binh lính ra khỏi Ám trang, sao lại không biết lối vào Ám cung được?”

“Bà cũng biết tôi đi ra từ Ám trang, sao tôi biết Ám cung gì đó được?” Tôi cố gắng hít vào.

Tay người kia lỏng ra một chút, bà buồn bã  nói: “Lối vào Ám cung cũng chính là lối vào Ám trang. Ngươi phải biết, nếu không chịu nói, về sau ngươi sẽ không được gặp lại cái người đàn khúc Trường tương thủ kia nữa.”

Cảnh vật trước mắt bắt đầu mơ hồ, tôi oán hận đáp: “Không gặp được anh ta nữa là may mắn của tôi.”

Bà ta buông tôi xuống, sát khí trong đôi mắt đỏ sậm dần tan đi, bà mơ màng nhìn tôi một hồi, nhẹ nhàng lặp đi lặp lại câu tôi vừa nói: “Không gặp được chàng là may mắn của ta.”

“Nhưng ta vẫn cứ muốn gặp chàng,” Đôi mắt không có tiêu cự của bà trừng về phía trước, “Vì tìm chàng, ta lang thang ở Tây Vực đã biết bao nhiêu năm… Trên đời này có vài người rồi cuối cùng ngươi cũng phải gặp, có một số việc rồi cũng phải đối mặt.”

Bà ta bỗng tỉnh táo lại, nở một nụ cười thật quỷ dị, tay kia vặn thật mạnh cái chân đang bị thương của tôi. Ngay lập tức, tôi nghe thấy tiếng khớp xương chân bị gãy, vết thương ban đầu vốn chỉ là do mấy thằng nhóc quỷ kia dùng chỉ bạc ghì chảy máu thì bây giờ đã bị xé toang ra, máu chảy không ngừng, đau nhói đến tận tim. Máu từ bắp chân nhỏ tí tách xuống sàn ngọc lưu ly trong Thưởng Tâm các.

Cuối cùng bà ta cũng quẳng tôi xuống. Tôi ngã ngồi xuống giữa vùng máu, tay bưng vết thương đang không ngừng chảy máu, miệng mắng to: “Bà điên kia, tôi với bà không thù không oán, vì sao lại hại tôi?”

“Ngươi chớ trách ta, cũng không thể trách ta được,” Bà ta buồn bã đáp: “Ai bảo ngươi được nam nhân của Nguyên gia coi trọng chứ. Đàn ông của Nguyên gia toàn là lũ ma quỷ, phàm là nữ nhân bị ma quỷ nhìn trúng thì đều có số phận bi thảm nhất trên đời, vậy nên đàn ông của Nguyên gia đã đáng chết thì đám đàn bà của Nguyên gia càng đáng chết hơn.”

Ánh mắt của bà ta vừa tàn nhẫn vừa hưng phấn: “Bởi vì chỉ khi nữ tử mà bọn họ yêu thích nhất chết đi, đám đàn ông Nguyên gia mới càng đau khổ.”

“Tôi không hiểu bà đang nói gì?” Tôi lạnh lùng nói: “Tôi chỉ là một tỳ nữ nho nhỏ, căn bản không phải nữ nhân được Nguyên gia chó má gì đó sủng ái.”

“Nếu ngươi chỉ là tỳ nữ nho nhỏ thì sao tên tiểu nghiệp chướng kia lại không quản việc bị chấn đứt tâm mạch, liều mạng đối đầu với Ma âm công của ta.” Tiểu nghiệp chướng? Xem ra bà ta với Nguyên gia và Phi Bạch là địch chứ không phải bạn rồi, số tôi thật khổ, vừa mới thoát khỏi hang cọp đã lọt vào ổ sói!

Bà ta đứng dậy, đôi mắt chậm rãi quét một vòng, sau cùng ánh mắt rơi xuống bức họa Tạ phu nhân chỗ điện thờ, chính là nơi đặt cơ quan. Bà ta thoáng liếc về phía tôi, xoay tay vặn trục tranh.

Bức tranh Tạ phu nhân bị thu vào để lộ ra cửa ngầm. Bà ta cười quỷ dị, kéo cái chân bị thương của tôi tiến vào cửa ngầm. Tôi đau đớn hét lên rồi chìm vào bóng tối.

Có tiếng ‘tách’ nhỏ vang lên, một ngọn lửa nhỏ lóe lên từ móng tay bà ta, chiếu sáng không gian trong đường hầm. Trước mắt chúng tôi có ngã rẽ lớn, bà ta liếc tôi một cái, tôi thở hổn hển nói: “Tôi theo người khác chạy thoát thân, trong này tối như bưng, căn bản không biết đã đi đường nào.”

Bà ta cười khẽ, nhẹ nhàng xoay vòng eo, cất tiếng hát: “Mộng lý mộng hề câu thị mộng, lộ minh lộ ám giai thị lộ hề.” (Trong mộng ngoài mộng đều là mộng, đường sáng hay tối thì cũng đều là đường.)

Bà ta phất tay áo dài, kéo tôi sang lối bên phải. Tôi thầm kêu khổ, thực ra tôi vẫn còn nhớ mang máng trước đây Vi Hổ dẫn tôi và Tố Huy đi lối bên trái để tiến vào Ám trang.

Bà ta bắt đầu cười khanh khách: “Trước nay Tây Phong Uyển đều là lối vào của Nguyên gia Ám cung. Người có thể ở lại Tây Phong Uyển cũng là chủ nhân tương lai của Ám cung. Nếu nhị ca đã ban Tây Phong Uyển cho chủ tử nhà ngươi thì nó tất nhiên phải biết bí mật của Ám cung.”

Sao người phụ nữ kia lại hiểu rõ nơi này như vậy? Chẳng lẽ bà ta cũng là người nhà họ Nguyên, đã là người của Nguyên gia thì sao lại căm thù đàn ông của Nguyên gia đến vậy?

Chủ tử của tôi là Phi Bạch, bà ta nói ‘nếu nhị ca đã ban Tây Phong Uyển cho Phi Bạch’, chẳng lẽ nhị ca trong lời bà chính là Nguyên Thanh Giang? Tôi lạnh lùng nói: “Bà nói mình là Vị vong nhân, nghe giọng điệu này, chẳng lẽ bà là Vị vong nhân của Nguyên gia.”

Bà ta ngừng cười, ánh mắt dần mơ hồ: “Trước đây, nơi này tên là Tây Tuyền Uyển, bởi vì ở đây có suối nước nóng có thể chữa bệnh. Nhưng đại ca bảo tên này nghe không hay nên đổi thành Tây Phong Uyển. Nhị ca vẫn thường lén dẫn ta tới đây tìm đại ca, về sau Tây Phong Uyển mới về tay nhị ca. Khi ấy nhị ca vẫn còn sẵn lòng chia sẻ mọi bí mật với ta, vậy nên ta và Minh lang dọn tới đây ở cùng huynh ấy.”

Bà ta đột nhiên mở miệng, tuôn ra một đống sự việc, tôi nghe mà thấy đầu óc choáng váng, không kìm được bèn hỏi: “Vậy đại ca của bà thì sao?”

Bà ta nhìn tôi, dưới ánh nến u ám, gương mặt trát đầy thuốc màu của bà kề sát vào tôi, đôi mắt kẻ đậm nhìn vô cùng yêu mị. Hình như bà ta có chút khó hiểu vì tôi không biết tới việc này, bà nhẹ nhàng đáp: “Huynh ấy… chết rồi.”

Tôi hơi rùng mình nhưng bà ta vẫn điên cuồng nói tiếp: “Huynh ấy quá yếu ớt, đi lạc vào địa cung này, đụng phải một Ám sát nên không ra được nữa.” Đột nhiên bà ta vươn một ngón tay tái nhợt chỉ vào tôi: “Huynh ấy chết ở chỗ ngươi đang đứng đó.”

Tôi hoảng sợ đứng bật dậy, loạng choạng nhảy lò cò sang chỗ khác.

“Huynh ấy quá yếu ớt. Ở Nguyên gia này có thể làm tôi làm tớ, có thể vô tình vô nghĩa, có thể lòng lang dạ sói, đê tiện vô sỉ, lại có thể vừa điên vừa ngốc, chỉ là không được phép yếu ớt.” Bà ta tỏ vẻ khinh thường, tựa như người đang nói tới không phải anh trai bà ta vậy, “Trong Nguyên gia này, yếu ớt tức là phải chết, ngay cả một Ám sát nho nhỏ của Ám cung mà huynh ấy cũng không đối phó được thì làm sao tiếp nhận được nghiệp lớn và Minh cung của cha? Quy củ Ám cung là ngoại trừ chủ nhân của Minh cung có thể ra vào thoải mái, thì bất cứ ai cũng không được tự tiện xông vào Ám cung. Trên lý thuyết thì đại ca là thế tử Nguyên gia, là người thừa kế của Nguyên gia, Ám cung hẳn nên thả huynh ấy trở về. Có điều Ám thần thời đó quá kiêu ngạo, hắn cho rằng, đến cả gia tộc mà đại ca cũng không thể thống lĩnh được thì nói gì tới Ám cung lợi hại nhất của Nguyên gia. Vì vậy hắn mặc cho tên Ám sát kia đánh đại ca tới chết.”

-*-*-*-*-*-*-

(1) Vị vong nhân: Người đàn bà ngày xưa khi chồng đã chết rồi thường tự xưng là mình là “Vị vong nhân” (未亡人) nghĩa là người chưa chết, ý muốn nói phận đàn bà buộc phải theo chồng, lẽ ra chồng chết phải chết theo, nếu còn sống sót thì là người đáng chết mà chưa chết.

(2) Bài thơ Bạch đầu ngâm của Trác Văn Quân, bản dịch thơ của Điệp Luyến Hoa, nguồn thivien.net

Phiên âm:

Ngai như sơn thượng tuyết,

Kiểu nhược vân gian nguyệt.

Văn quân hữu lưỡng ý,

Cố lai tương quyết tuyệt.

Kim nhật đấu tửu hội,

Minh đán câu thuỷ đầu.

Tiệp điệp ngự câu thượng,

Câu thuỷ đông tây lưu.

Thê thê phục thê thê,

Giá thú bất tu đề.

Nguyện đắc nhất tâm nhân,

Bạch đầu bất tương ly.

Trúc can hà niệu niệu,

Ngư vĩ hà si si.

Nam nhi trọng ý khí,

Hà dụng tiền đao vi.

(3) Trác Văn Quân là tài nữ người Lâm Cùng đời Tây Hán (nay thuộc Cùng Lai, Tứ Xuyên), giỏi đàn, thiện âm luật. Nàng xuất thân phú quý, là con của đại phú thương thời đó là Trác Vương Tôn, lấy chồng nhưng sớm thành quả phụ.

Tư Mã Tương Như đến uống rượu nhà họ Trác, biết trong nhà có quả phụ trẻ, gảy khúc “Phượng cầu hoàng” do chàng sáng tác. Văn Quân nửa đêm bỏ nhà theo Tương Như, hai người tới Thành Đô sống một thời gian nhưng nhà nghèo nên lại trở về Lâm Cùng, mở quán bán rượu.

Tương truyền Tư Mã Tương Như sau khi làm bài “Trường Môn phú” nói lên nỗi lòng A Kiều, giúp nàng lấy lại được sủng ái của quân vương thì chàng cũng trở thành người trong mộng của bao nhiêu tiểu thư mệnh phụ chốn kinh thành, chàng quên mất Trác Văn Quân tài hoa đa tình đang mỏi mắt chờ chàng ở chốn Thành Đô.

Rồi một hôm nàng đang ngồi tựa cửa, chợt có người dâng đến một phong thư của chàng, mở bức lụa trắng tinh mà lòng những xốn xang. Nào ngờ trên mảnh lụa chỉ vỏn vẹn vài chữ “Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm ngàn vạn”(Trong tiếng Hán có 14 chữ chỉ con số, vậy là còn thiếu một chữ “ Ức “ ( một vạn vạn = 100 triệu). Chữ này đồng âm với chữ ‘Nghĩa’, tức là không còn tình nghĩa vợ chồng nữa.) Thưa thớt như bước chân người trở về, lạt lẽo như lòng kẻ phụ phàng. Người đưa thư còn bảo chàng dặn lấy hồi âm ngay. Tâm cuồng ý loạn, vừa hận vừa đau nàng cầm bút đề luôn một mạch:

“Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi, chỉ hẹn rằng ba bốn tháng, nào ngờ lại năm sáu năm, bảy dây trống trải đàn cầm, tám hàng thư không thể gởi, chín mối bội hoàn dang dở, mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông, trăm tương tư, ngàn dằn vặt, muôn chung nào nỡ oán chàng. Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang, trăm cô liêu tựa mười hiên vắng, mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn, tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người, tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời, tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai, tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi, tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn, chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi, tháng hai gió gảy tiếng rã rời. Ôi! chàng, chàng ơi, nguyện cho được sau một kiếp, chàng hoá gái để em làm trai.”

Tư Mã Tương Như nhận thư giật mình, chiều hôm ấy xe ngựa cao quý nhằm hướng Thành Đô mà trở về.

Cũng lại có tục truyền, sau khi đến Tràng An lâu ngày, khi về Thành Đô, thấy dung nhan của Trác Văn Quân trở nên già đi, Tương Như nảy sinh ra ý nghĩ lấy vợ lẽ. Trác Văn Quân biết tin, trong lòng rối bời, liền viết bài “Bạch đầu ngâm”, lại thêm một bài “Giã biệt thư”, bài thơ có đoạn, “Mong được tấm lòng chàng, bạc đầu không chia cách”. Đọc bài thơ đầy thương cảm của vợ, Tư Mã Tương Như hết sức cảm động, nhớ lại quãng năm tháng hai vợ chồng sống ân ái với nhau, ông liền xóa bỏ ý định lấy vợ lẽ, rồi trở về quê cũ với Trác Văn Quân. Từ đó về sau hai vợ chồng sống ân ái với nhau cho đến khi từ giã cõi đời. Bài thơi “Bạch đầu ngâm của Trác Văn Quân tình sâu nghĩa nặng, rung động lòng người, và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Nguồn: thivien.net, hoasontrang.us

-*-*-*-*-*-*-

* Khổng tước bay về miền đông nam (Khổng tước đông nam phi): là tên một bài nhạc phủ đời Hán, đầu tiên được thấy trong “Ngọc đài tân vịnh” do Từ Lăng người nước Trần ở Nam triều biên soạn, đề là “Cổ thi vi Tiêu Trọng Khanh thê tác” (Bài cổ thi làm thay vợ Tiêu Trọng Khanh). “Nhạc phủ thi tập” xếp bài này vào “Tạp khúc ca từ”, đề là “Tiêu Trọng Khanh thê”. Hậu nhân thường dùng câu đầu làm đề nên còn gọi là “Khổng tước đông nam phi”

Tóm tắt nội dung: Cuối thời Đông Hán vào khoảng niên hiệu Kiến An, có một viên lại nhỏ tên Tiêu Trọng Khanh, có vợ là Lưu thị. Lưu thị bị mẹ của Trọng Khanh ruồng rẫy buộc phải trở về nhà và nàng tự thề sẽ không bao giờ lấy chồng nữa. Song gia đình lại bức hôn khiến nàng phải trầm mình tự tận. Người chồng hay tin vợ mất bèn lấy tấm lụa của vợ dệt hôm nào buộc lên cành cây trước sân thắt cổ tự tử. Hai nhà đều thương con, cho hợp táng bên núi Hoa sơn, phía đông phía tây trồng tùng bách, bên phải bên trái trồng ngô đồng. Cành lá những cây đó chằng chịt, ở trong tự nhiên xuất hiện một cặp chim bay nhảy, líu lo không lúc nào rời nhau; người trong miền gọi là chim uyên ương.