Nghề Nào Cũng Có Trạng Nguyên

Chương 1




Tuy trên hoàng lịch viết tháng này đang là mùa thu nhưng ở thôn Tiểu Quy dưới chân Vô Quy Sơn, mùa đông tới rất sớm, mới hạ tuần tháng chín, khắp đất trời đều đã nhuốm màu sương.

Trong rừng chỉ có tùng bách là còn lại chút sắc xanh, phần nhiều đều đã trơ cành; cỏ dại khắp núi cũng mang màu vàng héo úa. Các thôn dân đã đổi sang y phục mùa đông từ lâu, từng món y phục khoác thêm lên người, co đầu rụt cổ để chống lại gió núi từ phương Bắc thổi tới; gió núi ấy lạnh như dao cạo xương, xuyên qua vải vóc, thấm vào da thịt, cạo đến ngay cả xương cũng đau.

Đồng ruộng đã thu hoạch xong, không còn bóng dáng hoa màu nữa, chỉ có các loại cỏ dại sức sống mạnh mẽ mới có thể chui ra khỏi đất. Thôn Tiểu Quy nằm ở phía Tây Bắc nước Đại Ung, do yếu tố thời tiết mà một năm miễn cưỡng thu hoạch được hai mùa, nếu mùa đông muốn lợi dụng đất đai để trồng hoa màu rau dại gì gì đó để có thể gắng gượng no bụng cũng là suy nghĩ xa vời, nơi đây chỉ có đất hoang, mặc kệ các loại cỏ dại mọc lung tung, đợi đến mùa xuân năm sau mới cày lên được chút đất màu mỡ.

Vào thời tiết này, các nông dân toàn bộ đều vào trong trấn tìm công việc ra sức để làm, không ai chăm sóc đất đai không trồng trọt gì cả. Thế là, một mảng đất lớn trở thành nơi vui chơi cho mấy đứa trẻ trong thôn; bọn chúng có thể tìm trong ruộng chút rau dại ăn được, có thể đào chuột đồng rắn nhỏ cho nhà thêm món ăn, đôi khi may mắn còn có thể bắt được một hai con thỏ hoang.

Ngày hôm đó, mặt trời hiếm khi ló đầu ra, tuy thời tiết vẫn lạnh khiến tay chân người ta rét run nhưng không ngăn được lòng ham chơi của bọn trẻ khắp thôn khắp núi. Mấy đứa trẻ lớn hiếu động tinh nghịch dẫn mấy đứa nhỏ hơn cầm cây trúc gậy gỗ chơi đánh đánh gõ gõ khắp ruộng, tìm hang chuột đồng thỏ hoang, thỉnh thoảng còn chơi đánh trận, cầm cây trúc gậy gỗ quơ quơ tạo ra tiếng gió, ngươi đánh ta chặn ngươi đuổi ta chạy loạn thành một đám.

Các cô bé hoặc khom lưng hoặc ngồi xổm trong ruộng thì an tĩnh hơn nhiều, trên tay họ đều cắp theo một giỏ trúc nhỏ, cố gắng mở to mắt tìm rau dại ăn được giữa đám cỏ dại để hái về nhà, thỉnh thoảng còn phải dùng tay làm xẻng xới đất tìm củ ăn được, vận may tốt một chút thì có thể đào được khoai lang khoai sọ đậu phộng gì đó không bị chủ ruộng phát hiện, vậy thì quá may mắn_____dĩ nhiên, khả năng xảy ra loại may mắn này vô cùng nhỏ. Dù sao thì ruộng của thôn Tiểu Quy thực sự sức sản xuất quá nghèo nàn, thu hoạch có hạn, người nông dân khi thu hoạch hoa màu không khỏi vô cùng cẩn thận, cẩn thận tìm kiếm, chỉ còn thiếu đào ba thước đất lên thôi, như vậy sao có thể để rơi lương thực?

Thôn Tiểu Quy ở khu vực biên cương cực Bắc của quốc gia, lại là một sơn thôn, địa hình không bằng phẳng, đất đai không màu mỡ, khí hậu không tốt, văn hóa yếu kém, văn không hưng, võ không thịnh, chính là nơi hoang vu hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc mà người bình thường hình dung, trăm ngàn năm qua luôn là nơi lưu đày tội phạm. Nếu không phải Đại Ung lập quốc hai trăm năm qua đều sinh ra các đế vương hùng tài vĩ lược, dám mở rộng lãnh thổ quốc gia về phương Bắc hơn nghìn dặm, khiến cho các tội phạm lưu đày có nơi lý tưởng hơn để lựa chọn chịu khổ chịu tội thì e rằng bây giờ thôn Tiểu Quy chính là vùng đất ác không khác gì địa ngục, là nơi mà nếu phạm tội thì thà bị mất đầu còn hơn đến để lưu đày trong nhận thức của con người chốn kinh thành phồn hoa.

Nhưng, cho dù hiện tại có vùng phương Bắc giá lạnh hơn để thôn Tiểu Quy trở thành nơi áp chót thì địa vị của thôn Tiểu Quy cũng không cao lên được bao nhiêu, vẫn là vùng đất ác trong mắt người đời, các quan viên muốn lập nên thành tích, muốn vơ vét của cải đều vĩnh viễn sẽ không xem huyện thành nhỏ có thôn Tiểu Quy là nơi làm việc lý tưởng, thậm chí có thể nói là tránh còn không kịp, thà rằng đau khổ ở kinh thành đợi chức quan nơi khác thiếu người, đợi ba năm hay năm năm đều được, miễn là không phải tiếp nhận ấn quan nơi huyện thành hoang vu phía Bắc này.

Cho nên mấy trăm năm nay, bất luận triều đại thay đổi thế nào, vị trí huyện lệnh huyện Vĩnh Định nếu không phải bỏ trống thì chính là do những người không có bối cảnh không có thân phận, đường làm quan vô vọng nhưng cứ muốn làm quan tới đảm nhiệm. Huyện lệnh nào cũng mặt nhăn mày nhó đến nhậm chức, sau khi lĩnh ngộ được hàm ý sâu sắc của câu “vùng khỉ ho cò gáy nhiều điêu dân” thì hoặc là đóng cửa sống mơ mơ màng màng, hoặc là cố gắng hết sức tìm cách luồn cúi bợ đỡ, chỉ mong có thể sớm ngày thoát khỏi bể khổ; thật sự trốn không thoát thì vứt chức quan bỏ đi cũng là tình huống thường gặp.

Không ai chịu tiếp nhận chức vị này, triều đình thường phái một huyện lệnh đến làm tới khi chết già cũng không thuyên chuyển. Về cơ bản, triều đình bỏ mặc những nơi không ai chịu tới như thế, Lại bộ mỗi ba năm khảo hạch thành tích quan lại luôn bỏ qua mấy tiểu huyện này không thèm để ý. Hậu quả của việc buông xuôi tự sinh tự diệt chính là: huyện lệnh lẳng lặng vứt chức quan bỏ đi không người truy cứu, mà tên vẫn cứ nằm trong danh sách Hộ bộ để Hộ bộ đỡ phải vắt óc đi dụ dỗ những kẻ ngốc nghếch không rõ tình hình tới nhận công việc khổ sai này.

Tình huống hiện tại của huyện nha huyện Vĩnh Định chính là một nha môn có lại không có quan (lại: là nhân viên công vụ bậc thấp, lo việc văn thư giấy tờ), dù sao cũng không có công vụ gì cần xử lý, những việc vặt vãnh thông thường đều do các bô lão thôn trưởng địa phương tự giải quyết, không báo lên trên; nếu xảy ra đại sự_____chẳng hạn như trộm cắp hoặc người ngoài đến xâm phạm gì gì đó thì tự có quân đội đóng giữ ở phương Bắc xử lý. Có thể nói trong huyện Vĩnh Định, rất nhiều thôn trấn làng xóm đều mạnh ai nấy lo, dù sao cũng không phải là vùng đất béo bở gì, dĩ nhiên không có người ngấp nghé.

Thôn Tiểu Quy mấy trăm năm qua đều do người nhà họ Vương làm thôn trưởng, tất cả mọi việc do Vương gia định đoạt, pháp lệnh bên ngoài đổi tới đổi lui cũng thế, chủ nhân hoàng cung đổi người cũng vậy, hết thảy dường như không chút liên quan gì đến sơn thôn nhỏ bé này, dù sao tất cả mọi người chỉ nghe theo thôn trưởng_____

Thôn trưởng nói: giang sơn đổi chủ, con dân Đại Trần chúng ta từ nay đổi gọi thành con dân Đại Ung! Các thôn dân ồ lên một tiếng, ra vẻ đã biết.

Thôn trưởng nói: huyện lệnh nào đó đến nhậm chức, huyện lệnh nào đó cầm pháp lệnh Đại Ung bảo người dân nộp thuế, huyện lệnh nào đó bị một đám thổ phỉ khổng lồ không biết tên đánh cho một trận, huyện lệnh nào đó suốt đêm mang theo gia quyến chạy mất...các thôn dân vẫn ồ một tiếng, ra vẻ đã biết.

Thôn trưởng nói: năm nay mưa ít, phải tranh nước. Các thôn dân tranh cho tốt, chúng ta đánh thôn Đại Thụ phía Đông, chặn thôn Lý Gia phía Tây, cướp thôn Đại Phong phía Nam; tóm lại, năm nay thôn chúng ta không đủ nước tưới thì ba thôn kia cũng đừng mong được mùa! Các thôn dân kích động giơ cao hai tay______trên tay là đủ loại hung khí gậy gỗ, cuốc xẻng, dao chặt củi, búa rìu các thứ, cần gì có đó.

Thôn Tiểu Quy rất nghèo, là nơi nghèo nhất huyện Vĩnh Định, nghèo đến mức không nộp nổi thuế, nghèo đến mức vào mùa đông có thôn dân chết rét, chết đói là chuyện thường, cho nên vì sinh tồn, bọn họ rất đoàn kết, cũng rất nhanh nhẹn dũng mãnh. Mà các đời Vương thôn trưởng sở dĩ có thể có tiếng nói trong thôn, được thôn dân ủng hộ đương nhiên là vì họ luôn rất được lòng dân. Không biết là bởi Vương thôn trưởng phúc hậu gia truyền hay bởi thôn dân quả thực quá dũng mãnh, khiến Vương gia không dám có tâm tư ỷ thế hiếp người. Tóm lại, uy vọng của cả nhà Vương thôn trưởng từ xưa tới nay luôn giống như Hoàng đế được tôn sùng vậy, chỉ cần không xuất hiện một người thừa kế thôn trưởng tính cách quá tệ là được, từ đó suy ra, dù có qua trăm ngàn năm nữa, chủ nhân hoàng cung đổi đến mười mấy họ thì thôn trưởng thôn Tiểu Quy vẫn cứ thuộc về Vương gia.

Mà ruộng đất nhà Vương thôn trưởng chính là nơi tìm bảo vật ưa thích nhất của các cô bé, các nàng luôn có thể tìm được chút thức ăn trên đất nhà Vương thôn trưởng. Nếu nhà người khác khi thu hoạch sẽ tìm kiếm trên ruộng đất ít nhất bảy tám lần để đảm bảo không có hoa màu lương thực bị rơi hay sót lại thì nhà Vương thôn trưởng chỉ tìm kiếm ba lần, dù còn lương thực bị rơi hay bị sót cũng mặc kệ, xem như cho những người nghèo trong thôn chút cơ hội sống.

Lúc này, trong số các cô bé đi tìm lương thực cả ngày, cuối cùng cũng có người kêu lên vui vẻ:

- Ha ha! Ta đào được một củ khoai!

Tiếng hoan hô của cô khiến các cô bé đang đào xới xung quanh toàn bộ đều vây lại.

- Tiểu Phương, khoai bao lớn? Mau cho ta nhìn với.

- Lớn cỡ nắm tay đấy!

Một cô bé khoảng bảy tám tuổi đắc ý giơ cao củ khoai màu đen to cỡ nắm tay cô; nhưng mà, thân là một cô bé dinh dưỡng không đủ trong thời gian dài, một năm không được mấy bữa no bụng, nắm tay của cô quả thực rất nhỏ, chỉ có da bọc xương, căn bản không thấy chút thịt nào.

Củ khoai nhỏ như vậy, dù là đứa trẻ hai tuổi ăn cũng không đủ no, nhưng lại khiến tất cả những cô bé xung quanh hâm mộ.

- Thật tốt, ta chỉ kiếm được cọng cải, cải này khó nuốt lắm.

- Trong giỏ của ta chỉ có rễ đắng thôi.

- Đào được chỗ nào vậy? Chừa ta chỗ đó, ta cũng muốn đào.

Một cô bé ngang ngược đẩy cô bé vừa đào được khoai kia ra, chiếm địa điểm.

- Tiểu Phương, đệ đệ ta còn chưa mọc răng, chỉ có thể ăn chút cháo, củ khoai này ngươi cho ta nha, ta dùng những thứ này đổi cho ngươi.

Một cô bé dùng vài lá rau cải trong giỏ đến thương lượng.

Cô bé tên Tiểu Phương vốn không muốn đổi nhưng thấy các cô bé xung quanh nhìn chằm chằm củ khoai trên tay mình bèn thầm cân nhắc, nuốt nước miếng, miễn cưỡng đồng ý, nhưng vẫn phải ra điều kiện. Cô nói:

- Đại Nữu, trừ mấy lá rau này, ngươi còn phải cho ta một miếng dưa muối.

- Ta chỉ có thể cho ngươi một miếng nhỏ thôi, miếng nhỏ nhất ấy, như vậy mẹ ta mới không chú ý, chứ để bà ấy phát hiện sẽ đánh ta.

- Vậy được.

Giao dịch đạt thành, hai bên xem như hài lòng với kết quả này.

Cô bé tên Tiểu Phương tuổi còn nhỏ, thân thể yếu ớt, gia cảnh lại đặc biệt nghèo, sau khi bị chen đẩy qua một bên, không chiếm được chỗ đất tốt may mắn đào được củ khoai vừa rồi; chỗ đó đã bị mấy cô bé tương đối to khỏe chiếm mất, dù bọn họ có đào thật lâu vẫn không đào được thứ gì có thể ăn cũng không muốn nhường chỗ cho người khác.

Tiểu Phương nhìn quanh, giống như đang tìm gì đó nhưng không thấy, bèn rũ mi xuống, chậm rãi đi về hướng ít người. Trong giỏ của cô chỉ có vài rễ đắng, đừng nói là không thể khiến cô no một bữa, trong nhà cô còn bốn miệng ăn nữa, nhưng chỗ đất tốt có thể đào được khoai đã bị chiếm mất rồi, cô phải làm sao đây? Thôi đi, cô vẫn nên đi tới ruộng phía Tây bên kia xem xem có thể có rau cỏ gì ăn được hay không. Thân là một trong những gia đình cực kỳ nghèo trong thôn, chấp nhận số phận và thức thời là những kỹ năng sinh tồn tất yếu cần có.

- Tiểu Phương, ngươi đi đâu đấy?

Đại Nữu đang bận đào đất, ngẩng đầu quan tâm đến Tiểu Phương, cất tiếng hỏi.

Tiểu Phương co người lại trả lời:

- Ta qua bên kia xem xem có rau cỏ gì ăn được hay không.

Cô chỉ vào mảnh ruộng trụi lủi phía Bắc.

- Bên đó không có gì hết, bọn này đã tìm rồi, một chút màu xanh cũng không thấy nữa là, phía sau mảnh ruộng đó đều là cỏ khô, không ăn được.

Đại Nữu tốt bụng cho biết.

- Ta vẫn nên tìm thử xem...Dù sao bên đây cũng không có chỗ cho ta đào.

Tiểu Phương sợ hãi quét mắt nhìn các cô bé đã chiếm một khoảnh đất lớn.

Đại Nữu cũng nhìn thoáng qua, thở dài, không nói nữa, lòng thầm nghĩ lát về sẽ tìm miếng dưa muối to to chút cho nhà Tiểu Phương, trong giỏ Tiểu Phương không có gì coi được cả, cho dù có cũng không để lâu được.

- Vậy ngươi đừng đi xa, trời sắp tối rồi, chúng ta nên nhanh chóng về thôn trước khi trời tối.

- Ừ, biết rồi.

Trong lúc đám trẻ bận rộn, bầu trời rất nhanh chuyển sang màu mực; tuy canh giờ vẫn còn sớm nhưng sắc trời đã dần đen, gió núi cạo xương liên tục thổi từng cơn, khiến người ta lạnh run cầm cập, ngón tay như sắp bị đông cứng, mới có người nói muốn về. Sau đó, cả đám trẻ từ lớn tới bé, từ nam tới nữ tụm năm tụm ba vào thôn.

Vật họp theo loài, người chia theo đàn, những người gần giống nhau đương nhiên sẽ đi cùng nhau; người có gia cảnh tốt một chút sẽ đi cùng người có gia cảnh ăn ngày ba bữa, vì thế đương nhiên cũng sẽ chia thành những nhóm khác nhau rất rõ ràng. Những đứa trẻ mà y phục ít vá hơn, mặc ấm hơn sẽ ngẩng đầu sải bước đi phía trước; còn những đứa trẻ mà y phục vá chằng vá đụp hoặc y phục trên người là do đủ thứ vải hỗn tạp may thành, miễn cưỡng xem như y phục đương nhiên sẽ rụt rè đi ở sau cùng của đoàn người...có lẽ, có đám người phía trước chắn gió sẽ khiến những đứa trẻ áo quần rách rưới mỏng manh căn bản không đủ để chống lạnh này có thể cảm thấy ấm hơn một chút về tâm lý.

Mà cô bé tên Tiểu Phương kia hiển nhiên đi ở sau cùng bọn trẻ. Nhà cô cực kỳ nghèo, người nghèo trong thôn đều sống ở phía Tây Bắc của thôn, gần bãi tha ma, là nơi đón gió nên càng rét dữ; hễ là người có chút năng lực đều sẽ không chọn sống ở nơi này – nơi mà bất kỳ thôn dân nào không nơi nương tựa không nhà không cửa đều có thể đến xây nhà. Mảnh đất này luôn vô chủ, cho không cũng chẳng ai cần.

Từ khi Tiểu Phương mới ra đời, nhà cô đã sống ở đây, tính ra cũng bảy năm rồi. Không biết nên xem như may mắn hay bất hạnh, Tiểu Phương nghèo khó như vậy mà cũng có hàng xóm.

Hàng xóm duy nhất của nhà cô từ trong thôn dọn ra đã hai năm, ở trong căn nhà đất cách nhà cô hai mươi bước, là một đôi cô nhi quả phụ. Dù nhà Tiểu Phương khá nhiều người nhưng phụ mẫu cả ngày vì để cho cả nhà bốn miệng ăn không bị chết đói chết rét vào mùa đông mà liều mình nỗ lực, nhưng so với hai mẹ con này, Tiểu Phương cảm thấy mình vẫn hơi có tư cách thương hại hàng xóm.

Tiểu Phương tốt xấu gì cũng có cha_____tuy cha cô đã bị mất nửa cánh tay, nhưng ít ra vẫn còn sống, còn có thể làm chút việc nhà nông nhẹ nhàng. Nhưng hàng xóm của cô – Bạch đại nương và nữ nhi sáu tuổi Tiểu Vân của bà còn bi thảm hơn! Cha Tiểu Vân vốn là thợ săn giỏi đứng đầu trong thôn, tuy nhà không có ruộng đất nhưng nhờ Bạch đại thúc vừa làm thợ săn vừa làm tiều phu mà cuộc sống trôi qua không tệ; ngờ đâu hai năm trước Bạch đại thúc vào sâu trong núi săn heo rừng thỏ hoang gì đấy rồi không về nữa, mọi người đều nói nhất định đã dữ nhiều lành ít.

Quả nhiên, nửa năm sau, một thợ săn trong thôn phát hiện một đống xương trắng bị dã thú gặm trong một khe núi kín đáo; dựa vào y phục trên bộ xương để phán đoán thì đó là Bạch đại thúc không thể nghi ngờ.

Thế là, Tiểu Vân vốn được xem như người trong thôn may mắn không lo ăn mặc bỗng chốc trở nên mất cha, mùa đông năm cha Tiểu Vân qua đời, cô bé ấy và mẹ suýt chết đói. May mà năm trước xem như được mùa, nhà thôn trưởng có lương thực cứu tế mới có thể để hai mẫu tử đáng thương này kéo dài hơi tàn, cầm cự đến mùa xuân.

Haiz, Tiểu Phương ra vẻ người lớn thở dài.

Cô thích có người bạn chơi hoàn cảnh giống nhau, nhưng thấy nhà Tiểu Vân thảm như vậy thật tội nghiệp. Bạch đại thúc nếu có thể không chết thì tốt biết mấy.

Nhưng, nói ra thì, Tiểu Vân rốt cục đi đâu vậy? Rõ ràng khi cô đào được khoai thì cô bé ấy vẫn còn đó mà, Tiểu Vân chỉ nói với cô phải tránh đi thật xa, rồi lại tìm cô bé ấy hội họp sau; nhưng khi mọi người cùng nhau trở về, cô cũng không thấy Tiểu Vân đâu, hay là vẫn đang ở trong mảnh ruộng nào đó?

Đám trẻ sau khi về thôn Tiểu Quy thì ai về nhà nấy, người đi cùng càng lúc càng ít, cuối cùng chỉ còn lại một mình Tiểu Phương sống ở xa nhất. Nhà cô ở hướng Tây Bắc của thôn, cách trung tâm của thôn rất xa. Cô khép tấm áo bông không đủ ấm chặt hơn, hai tay khoanh trước ngực, cảm thấy như vậy sẽ ấm hơn một chút, sau đó một mình run rẩy bước đi, thỉnh thoảng giậm giậm chân để đôi chân tê cóng có thêm chút sức.

Sau khi quẹo qua một con đường nhỏ lên dốc, chợt có người từ bên rừng phi lao gọi cô.

- Tiểu Phương!

- A, Tiểu Vân, sao hôm nay ngươi lại đi trước vậy?

Thấy người hàng xóm mà trong lòng đang nghĩ đến, Tiểu Phương nhanh chóng chạy tới hỏi.

- Ta chạy về trước. Trong nhà thiếu củi, ta tới đây nhặt ít cành khô đem về.

Tiểu Vân là một cô bé mặt vàng vọt vì đói, tuy mới sáu tuổi nhưng cao hơn Tiểu Phương bảy tuổi nửa cái đầu; ngoại trừ tướng mạo tương đối cao, vì ở trong tình trạng bị đói lâu ngày nên gầy đến mức da bọc xương, thoạt nhìn cũng không tốt hơn Tiểu Phương chỗ nào, thậm chí còn thảm hơn một chút.

- Muốn nhặt củi thì trên đường về tiện thể nhặt luôn, sao lại chạy về trước?

Tiểu Phương nghi hoặc hỏi xong, chợt nghĩ đến gì đó liền vội vàng nín thở, nhìn chung quanh, xác định chỉ có hai người họ mới dùng âm lượng rất nhỏ hỏi:

- Ngươi...đào được nhiều khoai hơn đúng không?

Hỏi xong, cô vội vã kéo Tiểu Vân, nhìn tới nhìn lui sau lưng cô bé.

- Gùi của ngươi đâu?

- Đây.

Tiểu Vân vứt sợi dây cỏ trên tay, kéo Tiểu Phương đi đến một khe núi nhỏ khô cạn, chỉ vào cái gùi cô bé giấu trong đó cho cô nhìn.

- Woa.

Tiểu Phương vội dùng tay che miệng, giống như sợ bị người khác nghe thấy. Cô mở to mắt, ngơ ngác chỉ vào số khoai hơn nửa gùi cũ kỹ kia, một chữ cũng không thốt ra được.

Tiểu Vân có chút buồn cười kéo bàn tay che miệng của Tiểu Vân ra, nói:

- Ngươi bây giờ dù có la rách họng cũng chẳng ai nghe đâu.

- Tiểu Tiểu Tiểu Vân! Ta không có hoa mắt chứ? Trời tối không sai, nhưng mắt ta rất tốt, không thể nào nhìn nhầm được, ta không phải đang nằm mơ chứ?

- Không nhìn nhầm, đúng là nửa gùi khoai, chỗ đất chúng ta phát hiện kia, chỗ cỏ khô ấy, có một dây khoai chưa được thu hoạch, bị khuất trong đất và trong khe, nhà thôn trưởng chưa đào, bỏ sót, hời cho chúng ta.

- Từ đầu ngươi đã biết chỗ đất đó có nhiều khoai rồi à?

Tiểu Phương nghĩ đến đống khoai đó có thể giúp hai nhà họ ăn được một bữa no thì nước miếng không khỏi ứa ra, cô không ngừng nuốt lại.

- Ta sao có thể biết chứ?

Tiểu Vân bĩu môi, nói:

- Ta chỉ nghĩ, khoai luôn mọc thành chùm, nếu ngươi có thể đào được trên lớp đất cạn một củ, thì đào sâu thêm nữa, rất có khả năng sẽ đào được nhiều hơn. Ta nghĩ, ruộng của nhà thôn trưởng, nếu có thể đào được chút lương thực thì chính là chỗ mà hôm nay ngươi đào.

- Cho nên ngươi mới bảo ta cầm củ khoai đó đi thật xa, rồi giả vờ như phát hiện được khoai ở bên kia, dẫn dắt mọi người qua đó đào, sau đó ngươi sẽ lén tìm ở chỗ chúng ta phát hiện khoai để tránh cho vị trí bị chiếm mất, khoai đào được cũng sẽ không bị cướp, đúng không?

Tiểu Phương hiểu ra nói.