Ngục Thánh

Quyển 3 - Chương 103: Con rối




Khi Tuyệt Tưởng Thành sắp nửa đêm thì cách đó hàng vạn cây số, Phi Thiên thành đã bước sang ngày mới được bốn tiếng.

Tờ mờ sáng, Hỏa Nghi lên tàu điện. Gã rung đùi suốt chuyến tàu, miệng ngáp ngắn ngáp dài vì ngủ chưa đẫy mắt. Ngó ảnh phản chiếu mờ mờ trên kính cửa sổ, gã tự thấy mình đáng tởm: áo quần là lượt, tóc tai gọn gàng, trông rất có dáng người thừa kế họ Hỏa. Gã gãi cổ sồn sột, bàn tay ngấp nghé chuồi lên chực vò bét mái tóc chỉn chu. Gã cảm giác cái mùi “Hỏa Dương” thoang thoảng đâu đây trong súc áo quần bóng lộn này.

Năm giờ, tàu điện tới bến. Hỏa Nghi xuống tàu, ôm bó hoa Bất Tử bước qua những đoạn phố lát đá xám ở ngoại ô phía tây quận Trăng Khuyết(*). Phố vắng tanh vắng ngắt, gió biển xao xác, cánh hải âu xào xạc quanh nóc mấy tòa thánh đường. Người dân thủ đô không sống ở đây cũng hiếm khi qua lại chố này. Đi một quãng, Hỏa Nghi dừng chân trước cánh cổng sắt sơn xanh gắn tấm biểnNghĩa Trang Thành Phố. Gã ho hắng vài tiếng rồi tiến vào nghĩa trang, rón rén trên con đường nhỏ len lỏi giữa những trảng cỏ xanh dựng bia mộ. Gã ngó nghiêng, không biết nên dừng chân ở đâu. Mất ít phút làu bàu trách cứ ông anh không dặn dò kỹ, gã bước theo trí nhớ bập bõm thời thơ ấu. Khi còn là thằng nhóc bé lủn xủn, gã từng đến nghĩa trang này.

Đương rảo chân, Hỏa Nghi bắt gặp một nhóm người mặc đồ đen quây quanh bia mộ, tay ôm hoa Bất Tử. Hỏa Nghi bước tới, chào hỏi bọn họ rồi đặt hoa trước mộ, cúi đầu nhìn dòng chữ khắc trên bia mà gã từng thấy mười lăm năm trước:

Giáo sư Đinh Lục
7459 – 7502
Xin tưởng nhớ vì những đóng góp cho Phi Thiên quốc
Vạn Thế phù hộ



Hỏa Nghi hơi ngẩng đầu nhìn nhóm người. Gã biết họ. Anh chàng đang đọc lời cầu nguyện và hai cô gái là ba đứa con của cố giáo sư, còn người đàn bà yếu ớt trong tay hai cô con gái là bà Đinh Lục. Mười lăm năm trước, Hỏa Nghi nhớ bà Đinh Lục liêu xiêu như cái cây mảnh dẻ bị gió quật, ba đứa con lại quá nhỏ để giúp mẹ chúng đứng vững trong tang lễ.

Do quan hệ hai gia đình thân thiết nên mỗi năm Hỏa Viên đều tới viếng mộ Đinh Lục. Giờ Hỏa Viên bệnh nặng, Hỏa Nghi “xung phong” đi thay dù trước nay luôn chối đây đẩy. Không phải vì trách nhiệm hay quan hệ gia đình, mà bản danh sách Đề Án Ngục Thánh mới khiến Hỏa Nghi hăng hái. Tờ phiếu nhập kho cho biết Đinh Lục là phó chủ nhiệm đề án.

Kết thúc buổi cầu nguyện, cả đám cúi đầu trước bia mộ rồi lặng lẽ rời nghĩa trang. Hỏa Nghi nhớ tang lễ mười lăm năm trước đầy tiếng khóc than thê lương của bà Đinh Lục. Mười lăm năm sau, người đàn bà ấy không khóc nhưng tang lễ nhuốm mưa thuở nào vẫn bám vấy bước chân tiều tụy, phải nhờ hai cô con gái dìu vai mới đi nổi. Hỏa Nghi bèn ghé đầu hỏi nhỏ anh con trai lớn:

-Bác nhà anh vẫn khỏe chứ?

Anh chàng quay ra nhìn mẹ mình rồi khẽ đáp:

-Vẫn khỏe. Nhưng cứ độ này bà lại khó ở… cậu hiểu đấy…

Hỏa Nghi gật gù. Gã biết tại sao bà Đinh Lục khó ở. Gã nhớ tang lễ mười lăm năm trước đầy mưa lẫn cơn điên dại của người đàn bà mất chồng. Cũng bởi ký ức đó mà gã luôn ngại viếng mộ cố giáo sư Đinh Lục.

Rời nghĩa trang, năm người nghỉ chân ở thánh đường kế bên để uống trà, tán gẫu. Chủ đề chuyện trò tất nhiên xoay quanh vị cố giáo sư, nhưng gia đình Đinh Lục chỉ nói chuyện vui, không ai nhắc lại ngày mất của ông dù chỉ một lời. Được một lúc, ba người con ra ngoài vì những cuộc điện thoại. Dưới mái vòm thánh đường, Hỏa Nghi đối mặt bà Đinh Lục. Người đàn bà hỏi gã trai trẻ:

-Nghe nói cha cậu vẫn nằm viện? Ông ấy sao rồi?

-Vẫn thế, thưa bác. – Hỏa Nghi cúi đầu – Tuổi già mà!

Bà Đinh Lục gật đầu thông cảm. Hai người im lặng vì quá ít chuyện để nói, thành thử đôi mắt họ giả đò bận rộn ở những ô cửa sổ thánh đường. Bỗng nhiên Hỏa Nghi lên tiếng:

-Cháu không biết nhiều về giáo sư, bác biết đấy, hồi đấy cháu nhỏ quá! Chỉ nghe mẹ kể rằng họ Hỏa nhiều lần mời gọi gia nhập nhưng giáo sư luôn từ chối.

-À, phải! – Bà Đinh Lục khẽ cười – Ông ấy không phải người dễ thỏa hiệp.

Hỏa Nghi tiếp tục:

-Cháu đã đọc hết sách do giáo sư viết. Cháu không theo chuyên ngành sinh hóa nhưng thấy chúng rất hay! Tiếc là cháu không thể học hỏi giáo sư.

-Đừng tâng bốc quá đáng thế, chàng trai! – Người phụ nữ che miệng cười – Cha cậu là bậc thầy ngành sinh hóa, cậu không học hỏi ông ấy còn hỏi ai?

-Chuyện cha và con trai mà, thưa bác! – Hỏa Nghi gãi đầu gãi tai.

Bà Đinh Lục gật đầu thông cảm. Hỏa Nghi nhỏ giọng:

-Chỉ tiếc giáo sư ra đi sớm. Cháu nghe mẹ kể ông ấy bị nhiễm độc hóa học khi nghiên cứu. Đáng lẽ không nên có tai nạn đó…

Gương mặt hiền hòa của bà Đinh Lục bỗng đanh lại. Hỏa Nghi bất giác hối hận vì sa vào chủ đề này quá sớm. Người đàn bà nhổm lưng, gằn giọng:

-Gia Áo nói với cậu như vậy(**)? Không, chàng trai, cậu là người thừa kế họ Hỏa nhưng rất nhiều chuyện mà cậu chưa biết. Tai nạn nghiên cứu ư? Không, đó không phải sự thật!

Bất thình lình người đàn bà chồm tới, mắt long sòng sọc nhìn Hỏa Nghi. Mười lăm năm trước, Hỏa Nghi từng thấy cái nhìn điên dại này đâm bổ vào người cha của gã.

-Ông ấy bị người ta giết! – Bà Đinh Lục nghiến răng – Tôi đã kêu nhiều lần, nhưng đám chính phủ khốn nạn không thèm nghe! Ông ấy bị giết! Cậu hiểu không, Hỏa Nghi? Tại sao người ta đối xử với chồng tôi như thế khi ông ấy cống hiến cho Phi Thiên?

Hỏa Nghi vội lùi ra xa. Sự việc chỉ chấm dứt khi ba người con chạy vào ghìm chặt bà Đinh Lục xuống ghế rồi vỗ vỗ lưng. Cơn kích động qua đi, người đàn bà vội ôm mặt cúi người trước Hỏa Nghi:

-Xin lỗi Hỏa Nghi, hãy quên chuyện này đi! Cảm ơn cậu đã tới! Chúng tôi rất cảm kích!

Hỏa Nghi gật gật vâng dạ rồi chuồn thẳng. Gã vừa đi vừa tháo hết khuy cài áo, vò bét mái tóc và trở lại bộ dạng lôi thôi quen thuộc khi về tàu điện. Nhưng chừng ấy chưa đủ làm Hỏa Nghi quên ánh mắt bà Đinh Lục. Gã vẫn sợ nó như buổi đầu tiên của mười lăm năm trước. Song chuyến viếng thăm giúp gã xác nhận giáo sư Đinh Lục không chết vì tai nạn. Ông ta bị thủ tiêu. Gã có cơ sở để tin tưởng luận điểm ấy.

Trở lại nhà riêng, Hỏa Nghi thả mình xuống ghế, mắt đăm đăm ngó hộp bảo mật cùng tập bìa bản danh sách. Vì những thứ này mà Vô Phong lặn lội hàng ngàn cây số ở Băng Thổ, giờ là Kim Ngân. Hỏa Nghi từng lấn cấn về những dấu vân tay trên hộp vì chúng không thuộc về Ái Nữ hay bất cứ ai. Nhưng giờ gã khẳng định chúng là của Ái Nữ, “hàng thật giá thật”. Còn dấu vân tay mà Ái Nữ dùng khi nhập học trường sĩ quan hay tham gia Thổ Hành là giả. Gã có cơ sở để chứng minh điều đó.

Hỏa Nghi bật máy chiếu, mở hộp thư điện tử và nhấp vào bức thư mới nhất. Thư nặc danh, gửi từ tối hôm qua, nội dung chẳng có gì ngoài dòng chữ nhắc nhở thư mục đính kèm. Hỏa Nghi nhấp thư mục, hàng trăm tập tin âm thanh xuất hiện. Chúng ghi âm những đoạn đối thoại trong chiến dịch truy bắt Quỷ Vương, bắt đầu từ ngày 8 tháng 7 năm ngoái – khi nhóm công chúa lần đầu đặt chân tới Hỗn Nguyên, trung tâm thu nhận là Thần Sấm. Không tính khoảng thời gian bọn Vô Phong đến Xích Quỷ hoặc những lúc bộ đàm hỏng hóc, mọi cuộc điện đàm được lưu trữ đầy đủ. Hỏa Nghi tìm được vô số đoạn hội thoại giữa nhóm công chúa, đại thánh sứ Tây Minh, thuyền trưởng Nhất Long hay nhân viên Thần Sấm. Việc ghi âm nhằm đảm bảo mọi người tác chiến đúng kế hoạch, đồng thời kiểm tra khi cần thiết.

Hỏa Nghi lần xuống cuối thư mục, tìm tập tin ngày 28 tháng 9 năm ngoái. Ở thời điểm này Vô Phong và công chúa mất tích ở Bãi Lầy Chết; còn tại sa mạc, bọn Mai Hoa liên minh với Đạt Ba đánh Quỷ Nhãn. Hỏa Nghi tua đoạn ghi âm rồi nghe được một giọng nói lẫn tiếng gió ào ào:

Báo cáo thành trì, đội tìm kiếm đã qua Bãi Lầy Chết, nhưng không thấy tung tích bồ câu. Nhắc lại, chúng tôi không tìm thấy bồ câu!

Đoạn ghi âm sử dụng mật ngữ. Hỏa Nghi biết rõ “thành trì” là Thần Sấm, “đội tìm kiếm” là sáu người Thổ Hành, còn “bồ câu” ám chỉ công chúa. Sau vài âm thanh nhiễu sóng, Hỏa Nghi nghe thấy một giọng khác vang lên:

Tính sao đây, Bạch Điểu? Trở lại Bãi Lầy hay đi đâu? Tôi nghĩ công chúa chết rồi, ai sống được ở Bãi Lầy Chết chứ?

Chết cũng phải thấy xác.” – Người tên Bạch Điểu trả lời – “Nhưng cũng chưa hết hy vọng, có thể công chúa không rơi vào Bãi Lầy mà lạc ở đâu đó giữa Hồi Đằng.

Hai giọng khác vang lên, Hỏa Nghi đoan chắc chúng thuộc về anh em sinh đôi Lôi Quân – Lôi Vũ. Gã rất ấn tượng hai người này nên vừa nghe là nhận ra ngay:

Phải, tôi cũng nghĩ công chúa còn sống. Tin tôi đi, cổ đẹp vậy, Vạn Thế sẽ bảo vệ cổ!

Cổ là nhân vật chính mà, chết sao được? Hế hế!

Dù gì chúng ta vẫn phải chờ chỉ thị. Kiểm tra quân dụng rồi nghỉ ngơi đi!” – Bạch Điểu nói.

Đoạn ghi âm nhiễu loạn vài giây rồi thêm vài giây im lặng nữa trôi qua. Bất thình lình giọng Bạch Điểu vang lên:

Thú? Cậu đến rồi hả? Có tin tức của công chúa không?

Thú cười khanh khách:

Không, tao chẳng biết công chúa nào cả. Tao đến vì sáu thằng bọn bay. Chúng mày đang giữ nó, đúng không? Thứ mà thằng lỏi con Ái Nữ giao cho chúng mày, nôn ra đây!

“Thứ nào vậy? Bọn tôi không hiểu!” – Bạch Điểu nói.

Trang 3, trang 8, trang 15. Bản danh sách đề án.” – Thú cười khành khạch – “Giao nó ra, Hội Đồng sẽ xem xét cho bọn bay. Nào, chúng mày có nhiều thứ để mất mà? Đừng vì Ái Nữ mà từ bỏ tương lai chứ? Hi hi hi!

Im lặng một lúc, chợt Bạch Điểu trả lời cùng tiếng rút kiếm:

Mày vẫn làm con chó săn trung thành của mấy lão pháp quan, nhỉ? Nhưng nghĩ một đánh sáu được à? Tự tin quá đấy, Thú!

Bạch Điểu vừa dứt lời, Thú gầm lớn, súng nổ rền vang, cùng lúc ấy đoạn ghi âm kết thúc. Hỏa Nghi ngửa người trên ghế đoạn thở hắt ra. Gã nghe đoạn ghi âm nhiều đến độ thuộc từng câu từng chữ. Ngày 28 tháng 9 năm 7516, Thú không tham gia cùng bọn Mai Hoa mà tới Bãi Lầy Chết thủ tiêu sáu thành viên Thổ Hành, tất cả vì bản danh sách. Nó chứng minh rằng sau ngần ấy năm, những người phục vụ Đề Án Ngục Thánh vẫn bị săn lùng.



Trong lúc Hỏa Nghi đặt chân tới nghĩa trang thì ở Tuyệt Tưởng Thành, cuộc đối thoại giữa bọn Vô Phong với Chu Thịnh mới chỉ bắt đầu. Tên tóc đỏ hỏi:

-Bản án tử? Ý ông là chính phủ Phi Thiên thủ tiêu họ? Tại sao?

-Có rất nhiều lý do… – Chu Thịnh đáp – Nhưng cá nhân tôi cho rằng bối cảnh Tâm Mộng là nguyên nhân chính. Cậu nên biết một chút về thời đại hai mươi năm trước.

Vị bác sĩ mời bọn Vô Phong dùng trà. Tên tóc đỏ và Y Man chẳng hơi đâu quan tâm ly trà thiết mộc đang dần nguội, họ dành hết sự chú ý vào Chu Thịnh. Vị bác sĩ thở một hơi rồi kể:

-Trong kỷ nguyên hiện đại, bản chất chiến tranh Tâm Mộng là quang tố. Xung đột giữa các nước, giữa Phi Thiên và Lưu Vân, hay tình trạng hỗn loạn ở Kim Ngân… tất cả đều do quang tố. Hai mươi năm trước, Phi Thiên có ba nhân vật lớn: Liệt Giả sắp trở thành Tổng Lãnh; Bất Vọng trở thành người đứng đầu Bảy Người Mạnh Nhất và thủ lĩnh Tiểu Đoàn Kiếm Sắt; người kín tiếng hơn cả là Mãnh Hổ, thủ lĩnh đội Thổ Hành. Nhờ ba người họ mà Phi Thiên thường chiến thắng trong các cuộc xung đột, thu về vô số mỏ quang tố. Nói cách khác, trong thời gian đó Phi Thiên đạt đỉnh điểm sức mạnh quân sự. Nếu xảy ra chiến tranh toàn diện, Phi Thiên chắc chắn chiến thắng.

Chu Thịnh nhấp ngụm trà, sau tiếp tục:

-Bởi Phi Thiên quá mạnh lại thêm bối cảnh tranh giành quang tố, thế giới bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, kể cả những đồng minh của phi Thiên. Các đồng minh sợ Phi Thiên sẽ lũng đoạn liên minh bằng sức mạnh quân sự. Tình báo cho biết Băng Hóa đã phát triển một thứ gọi là “Mắt Trắng”. Không loại khoa học kỹ thuật hay phép thuật nào chống được đôi mắt đó.

-Đôi mắt của người chết? – Vô Phong buột miệng.

Chu Thịnh gật đầu:

-Phải. Tin tình báo cho biết Lưu Vân và Bắc Thần cũng phát triển vũ khí sinh học. Tình thế buộc Phi Thiên phải có giải pháp chống lại Mắt Trắng và những vũ khí sinh học khác. Vậy là Đề Án Ngục Thánh ra đời.

Vị bác sĩ thở dốc, dường như việc kể lể là hơi quá sức với một người sở hữu cái cổ ngắn như ông ta. Đợi Chu Thịnh uống hết tách trà, Vô Phong cất lời:

-Tôi hiểu. Quay lại bản danh sách, sao Phi Thiên phải thủ tiêu những người phục vụ đề án thay vì bảo vệ họ? Và tại sao bản danh sách quan trọng như thế?

Chu Thịnh đáp:

-Trong vụ tấn công khu thí nghiệm, Liệt Giả đánh cắp bảy bản thể Ngục Thánh. Phi Thiên chỉ giữ được ba: 117, 357 và 497. Hội Đồng Pháp Quan yêu cầu chúng tôi quay lại nghiên cứu ba bản thể này, tiếp tục tạo ra những Ngục Thánh mới. Nhưng rất ít người quay lại, số ấy không quá hai chục. Đề Án Ngục Thánh làm chúng tôi phát điên. Những đứa trẻ, những tử tù, những người lang thang… hàng trăm người chết vì căn bệnh tự miễn dịch khi cấy ghép tế bào. Chúng tôi nghiên cứu khoa học, không phải lũ giết người. Mặt khác, cả hai vị chủ nhiệm và phó chủ nhiệm, Hỏa Viên lẫn Đinh Lục đều từ chối quay lại dự án. Người phản đối gay gắt nhất là Đinh Lục. Tôi nghe đồn ông ấy có ý định rời bỏ Phi Thiên.

Thở một hơi nhớ chuyện cũ, vị bác sĩ tiếp lời:

-Cuộc chạy đua vũ trang kéo theo cuộc chiến tình báo và phản gián. Các nhà khoa học, nghiên cứu sinh trở thành mục tiêu săn đuổi. Vài kẻ đã phản bội quốc gia, chạy sang những nước đối địch. Tới năm 7502, chúng tôi nghe tin Đinh Lục qua đời. Một vụ tan nạn thí nghiệm – chính phủ thông báo thế. Nhưng chúng tôi hiểu rằng ông ấy bị thủ tiêu. Phi Thiên sợ Đinh Lục bán tài liệu đề án cho nước khác, họ ra tay trước. Chúng tôi hoang mang, không biết cái chết của Đinh Lục chỉ là cảnh cáo hay là khởi đầu của một vụ thanh trừng? Chúng tôi không phải đợi lâu để biết câu trả lời. Vài tháng sau, nhiều người tiếp tục ra đi cùng nguyên nhân tai nạn hoặc ngã bệnh. Hỏa Chính – người anh em cùng cha khác mẹ của Hỏa Viên, kẻ cầm đầu nhóm người quay lại đề án – đã thỏa thuận với Hội Đồng Pháp Quan. Hỏa Chính là con buôn, y trao đổi thông tin từng đợt, mỗi lần khoảng năm cái tên. Hội Đồng theo đó lần tìm đồng thời hậu thuẫn Hỏa Chính xây dựng thế lực trong dòng họ.

-Hội Đồng không giữ bản danh sách à?

-Không, nó thuộc về họ Hỏa. Kể cả hoàng đế cũng không được động vào bản danh sách. Họ Hỏa có đặc quyền như thế.

-Thế Hỏa Viên không ngăn chặn sao?

-Ai cũng có điểm yếu. Hỏa Viên làm khoa học giỏi bao nhiêu thì ngoại giao đối nội kém bấy nhiêu. Ông ta không thể chống lại Hỏa Chính. Hơn nữa Hỏa Chính có pháp quan chống lưng, Hỏa Viên đành bó tay. – Chu Thịnh thở dài.

-Vậy sau đó…?

Chu Thịnh nói:

-Năm 7502, chúng tôi nghe tin Hỏa Phu gia nhập đội Hỏa Chính. Chúng tôi đã nghĩ Hỏa Phu biến chất. Nhưng sự tình hoàn toàn khác. Năm 7503, ông ấy đánh cắp bản danh sách, sau trốn sang Băng Thổ rồi mất tích ở đó(***). Thực tế là ông ấy bị truy sát. Nhờ Hỏa Phu, chúng tôi không bị sờ gáy suốt một thời gian dài, đồng thời có cơ hội rời khỏi Phi Thiên. Sau đấy Hội Đồng sử dụng Thổ Hành. Chúng tôi bị bắt, bị tra khảo để khai ra những người khác. Năm này qua năm khác, từng người chúng tôi bị giết. Số may mắn sống sót thì bị ác mộng giày vò, kẻ phát điên, kẻ mất trí. Theo lời Mục Á, chỉ duy nhất tôi còn sống trong trạng thái bình thường. Bản danh sách bị xé trang 3, trang 8, trang 15 nên Mục Á không thể biết những người ở ba trang giấy đó còn sống hay không.

-Ông biết đội Thổ Hành năm ấy thế nào không?

-Không. – Chu Thịnh lắc đầu – Tôi chỉ biết đội trưởng Thổ Hành là Mãnh Hổ, không hơn.

Vô Phong ôm đầu ngẫm nghĩ. Lời Chu Thịnh hoàn toàn trùng khớp với những manh mối mà hắn tìm được. Hắn hỏi:

-Vậy Mục Á kể cho ông nghe những gì?

-Mọi thứ, từ Hỏa Phu đến Thát Khan. – Chu Thịnh trả lời – Hỏa Phu đã kể mọi chuyện cho vợ chồng Mục Á. Nhờ Mục Á mà tôi mới biết tin tình báo, Mắt Trắng, lý do khai sinh Đề Án Ngục Thánh hay chuyện nội bộ họ Hỏa. Cô ấy cũng kể cho tôi nghe tại sao Hỏa Phu tiếp tục nghiên cứu Ngục Thánh.

Chu Thịnh ngừng nói để pha trà. Mỗi lần như thế, tên tóc đỏ sốt ruột khôn tả. Pha xong tách trả mới, Chu Thịnh nói:

-Suốt từ thời kỳ đầu cho tới sau này, người Phi Thiên luôn cố gắng tạo ra Tế Bào Ngục Thánh, hoặc Tế Bào 7 Mạch như các vị gọi. – Ông ta quay sang Y Man – Tôi thuộc tổ nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi biết nội lực là chìa khóa, bản chất nội lực là tín hiệu sóng não, hoặc “mộng lưu” như Thát Khan gọi. Nhưng trải qua hàng trăm cuộc thí nghiệm, chúng tôi không tạo nên bất cứ tế bào nào mà chỉ sinh ra những oan hồn. Chắc cậu thấy những dải lá bùa ở khu thí nghiệm? – Vị bác sĩ lại quay sang Vô Phong – Chúng tôi đã giăng bùa nhằm xua đuổi oan hồn, nhưng oan hồn quá nhiều, bùa phép cũng vô dụng. Nơi ấy thành thử bị bỏ hoang.

Chu Thịnh im lặng một lúc, sau tiếp lời:

-Hỏa Phu muốn chế tạo Tế Bào Ngục Thánh theo hướng tích cực. Ông ấy tin nó sẽ giải quyết những căn bệnh nan y. Ông ấy chọn Thát Khan vì nhìn ra tiềm năng của anh ta. Nhưng Thát Khan làm được nhiều hơn thế. Chúng tôi chỉ dùng thuyết cải tạo Trí Uẩn làm cảm hứng, còn Thát Khan dùng nó như công cụ. Anh ta đúng, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ cho máy phát nội lực chạy qua năm điểm. Một quy trình đơn giản nhưng vô cùng phức tạp, những công thức mà anh ta để lại, chúng thực sự vĩ đại. Rất vĩ đại! Hai trăm thành viên đề án rốt cục không bằng một bộ não Thát Khan. Nhưng quan trọng hơn cả, anh ta giúp tôi giải đáp mối nghi ngờ bấy lâu nay: nội lực chính là linh hồn. Nó giúp tôi hiểu hơn về các bản thể Ngục Thánh, đặc biệt là cậu, 117.

Giáo sư Y Man vội ngắt lời:

-Khoan, tại sao anh bạn này liên quan? Không lẽ…

-Tạo vật hoàn mỹ nhất đang ở trước mắt ông đấy, giáo sư à! – Chu Thịnh nói – Mấy người vẫn luôn hướng tới loại tế bào tái sinh, từ đấy mở ra cánh cửa bất tử, phải không? Chúng đang ở đây, trong cơ thể anh bạn này.

Y Man há hốc miệng vẻ không tin nổi. Chu Thịnh nhìn tên tóc đỏ đoạn nói:

-Chắc cậu đã thấy căn phòng đặt mười một quan tài thủy tinh ở khu thí nghiệm? Chiếc quan tài 117 của cậu nằm lệch so với tất cả, thấy chứ(****)? Điều trùng hợp là nếu tính theo Vòng Lặp, cậu không theo Vòng Lặp nào, phép toán “7 x ? = 11” vô nghiệm. Một dạng biến dị. Nhưng khi ấy chúng tôi không hề biết Vòng Lặp, chúng tôi đặt lệch chiếc quan tài vì lý do khác: cậu là bản thể duy nhất sống dậy từ cõi chết.

-Tôi không hiểu?!

-Việc cấy ghép tế bào cần hai yếu tố: nội lực và một bản thể hoàn chỉnh. Chỉ như vậy, nội lực mới phát huy vai trò điều tiết, giúp các cơ quan thích ứng Tế Bào Ngục Thánh, tránh căn bệnh tự miễn dịch. Bởi vậy trong Đề Án Ngục Thánh, chúng tôi không dùng mẫu mô nhỏ lẻ mà phải sử dụng con người hoàn chỉnh. Chắc cậu đã biết mình là xác chết? Phải, một xác chết nguyên vẹn qua nhiều cuộc thí nghiệm. Tôi không thuộc tổ cấy ghép nên không rõ họ xử lý cậu ra sao, nhưng Hỏa Phu nói rằng cậu thích ứng rất tốt với tế bào. Chỉ có duy nhất một khiếm khuyết: não của cậu không hoạt động do chết quá lâu. Nhà xác chỉ giúp da thịt, nội tạng cậu nguyên lành chứ không giữ được tế bào não. Vì não không hoạt động, cơ thể cậu dần mất liên lạc, các cơ quan thiếu đồng bộ, căn bệnh tự miễn dịch phát sinh. Để giải quyết vấn đề, tổ cấy ghép đã cấy vào đầu những tín hiệu sóng não hay chính là “mộng lưu”.

-Cấy tín hiệu sóng não? Bằng cách nào?

-Máy phát nội lực. Hẳn cậu biết rằng những bộ não trong cỗ máy vẫn hoạt động(*****)? Bởi lẽ chúng vẫn còn mộng lưu. Tổ cấy ghép đã trích xuất những mộng lưu và cấy vào não cậu. Nhờ thế mà cậu sống lại.

Vô Phong bần thần ngó lên tấm gương đặt ở góc phòng. Chưa bao giờ hắn tự nhìn mình lâu đến thế. Im lặng một hồi, hắn nói:

-Nói vậy… tôi chỉ là một vật chứa?

Chu Thịnh nhăn mặt. Ông ta cố tìm những từ ngữ khác nhằm giảm bớt sự thật phũ phàng song vô ích. Vị bác sĩ nói khẽ:

-Nhiều mộng lưu hợp thành nội lực, nội lực chính là linh hồn. Xin lỗi nhưng đúng là vậy. Suy nghĩ, cảm quan, cảm xúc, tính cách, hành động, ngay cả những lời cậu đang nói đây… tất cả đều không phải của cậu, vì linh hồn cậu đã chết từ lâu lắm rồi! Hiện tại cậu là vật chứa, là con rối chứa đựng linh hồn người khác.

(*) hoa Bất Tử bảy cánh, màu trắng, không tàn dưới nắng mưa, người Phi Thiên chỉ dùng nó trong lễ tang, xem lại Quyển 3 Chương 53

(**) mẹ Hỏa Nghi là bác sĩ Gia Áo, đã ly dị, xem lại Quyển 3 Chương 63

(***) dữ liệu họ Hỏa cho thấy Hỏa Phu mất tích sau chuyến công tác Băng Thổ vào năm 7503, xem lại Quyển 3 Chương 60

(****) trong khu thí nghiệm, chiếc quan tài 117 bị đặt lệch, xem lại Quyển 3 Chương 64

(*****) Y Man đã cho Vô Phong những tín hiệu sóng não từ máy phát nội lực, xem lại Quyển 3 Chương 97

Sáu thành viên Thổ Hành đã chết gồm: Bạch Điểu, anh em Lôi Quân – Lôi Vũ, Tất Tử, Hắc Thử và Tàn Thi. Xem lại Quyển 3 Chương 52