Những Mùa Hoa Mãi Nở

Chương 28: Hoa hải đằng




“Anh nhìn em như vậy làm gì?” Tôi ngồi nghịch nghịch mấy cây hoa hải đằng phía trước khuôn viên bệnh viện, Thành ngồi cạnh tôi vào một buổi chiều đầy nắng.

Không khí mùa xuân vẫn còn quanh quẩn trên khắp các con đường. Nắng vẫn còn vàng hoe, ấm áp. Từng đàn chim bay lượn trên không trung tạo ra hình chữ V trên nền trời xanh thẳm. Gió thổi lùa qua mấy tán cây, trước mấy lối đi vẫn còn tấp nập người qua lại, những đứa bé chơi đùa, người già chống gậy, những người công nhân lao dọn vệ sinh. Mọi người ai nấy cũng bận rộn với cuộc sống của riêng mình.

“Em biết chuyện gì rồi phải không?” Thành hỏi.

“Em thì biết gì chứ?” Tôi cười cay đắng, nụ cười này so với khóc còn tệ hơn. Không phải anh không biết, tôi biết chắc là anh biết, nhưng anh vẫn muốn hỏi cho đến khi tôi nguyện ý nói ra. Thành là như vậy. Lúc nào anh cũng bày ra trước mặt tôi một dạng không đổi, dịu dàng và thấu hiểu.

“Em đừng lừa anh, khả năng của em không tới.”

Tôi nghểnh cổ phùng má với anh: “Anh biết rồi còn chạy đi hỏi em làm gì, phí công!”

Nói xong tôi phun phì bông hải đằng trong miệng ra. Anh trợn mắt nhìn tôi: “Em ngậm lung tung thứ gì trong miệng đó? Có biết bẩn không? Có biết nguy hiểm không?”

“Không có gì, chỉ là cọng cỏ thôi, loại này còn là thuốc quý nha. Anh không biết đâu. Ha ha.”

Tôi cười gượng gạo, thật tình chỉ biết loài hoa này được ví như thần hộ mệnh của những bệnh nhân ung thư máu và đem lại sức hồi sinh như sức sống của mùa xuân mới, còn việc ăn vào có sao không thì chưa nghe nói. Lúc nãy nhập tâm quá lỡ xé ra cho vào miệng nên giờ phải chống chế nói như vậy. May mà nó không có độc.

Anh xoa đầu tôi, “Đừng trách cậu ấy.”

“Em hỏi thật anh nha, anh có thiếu nợ cậu ấy mấy tỷ hay không khi nào trúng số em thay anh trả, anh đừng bày ra bộ dạng như thiếu nợ cậu ấy như vậy em thấy nhức mắt lắm!” Cuối cùng tôi cũng nói hết thắc mắc trong lòng ra, phun phì phì hết mấy thứ còn sót lại trong miệng.

Anh cũng không để ý mà chậm rì rì trả lời: “Thì chính vậy, anh nợ cậu ấy.”

“Bao nhiêu? Lương anh gấp mấy lần em chẳng lẽ không đủ trả?”

“Em ngây thơ thật, nếu chỉ thiếu tiền thôi thì đâu đến nỗi vậy.” Cũng đúng. Nhưng mà...

“Em biết rồi, là anh không muốn nói, ừ, được lắm, em coi anh là bạn bè mấy năm rồi có chút chuyện cũng không nói, có chuyện gì mọi người đều hùa lại giấu giếm em.”

“Thật ra lúc nghe em và cậu ấy kết hôn anh cũng không cảm thấy bất ngờ.” Anh không để ý đến thái độ trách móc của tôi mà cũng thành công chuyển đề tài, tôi cũng không nói gì, tiếp tục lắng nghe: “Từ lúc đầu anh đã biết kết quả sẽ như vậy, em cũng đừng cố chấp nữa. Em biết bác sĩ nói gì với anh không, là cậu ấy bảo vệ em quá tốt. Anh cũng thấy, mọi người ai cũng thấy. Xét cho cùng cậu ấy cũng vì em, nếu lần này em có chuyện gì chắc cậu ấy chạy về trực tiếp đem anh quẳng xuống biển cho cá mập ăn rồi.”

“Thời buổi này cá mập cũng không dễ có trên biển, nên anh yên tâm được rồi.” Tôi cười cười chọc anh.

“Em không trách cậu ấy chứ?” Anh hỏi nghiêm túc.

“Em biết cậu ấy làm việc gì đều nghĩ đến em. Nhưng mà, không yêu có nghĩa là không, dù có biện bạch thế nào cũng không thể hóa trắng thành đen, anh hiểu không? Em chỉ buồn vì tại sao cậu ấy lại như vậy, từ bỏ mọi thứ vì em, không đáng. Anh biết tên công an trẻ lúc sáng đến lấy lời khai không? Cậu ta trực tiếp gọi em là cái đuôi nhỏ của Phát, đột nhiên em thấy thật buồn cười. Hóa ra hồi cấp một em nổi danh với cái tên dễ thương đó em cũng không biết.”

“Em không biết sự ỷ lại của em hình thành từ lúc nào, lúc nhỏ em đi theo cậu ấy, cậu ấy đi đâu em đi đó, cậu ấy làm gì, chơi gì em lẩn quẩn theo phía sau. Cậu bạn kia học chung với tụi em hồi lớp ba. Cậu ấy nói em nổi tiếng không phải vì em là con của giáo viên trong trường, mà bởi Phát. Lúc nào cậu ấy cũng có một con nhóc nhỏ xíu con, tóc ngắn, hay khóc nhè đi sau lưng.”

“Lớn lên cũng vậy, cậu ấy làm gì em cũng học làm theo, cậu ấy chơi với ai em cũng lại gần làm quen với người đó, có lẽ cả đời này em sinh ra chỉ là một đứa bám đuôi không có đủ tư cách xuất hiện ngang hàng với cậu.”

“Anh đừng thấy cậu ấy đối xử tốt với em thì không lo, em không lo cậu ấy có đối tốt với em hay không, thứ mà em lo là tình cảm cậu ấy đối với em là gì, thương hại sao? Em không cần. Chỉ cần cậu ấy nói với em một câu thôi, nửa đời sau em không tin tự mình không lo được cho mình. Mấy năm nay ra đời tự mình làm ăn em cũng không phải là không lớn lên, không biết suy nghĩ.”

Thành không nói gì, chỉ nhìn tôi chăm chú. Thật ra trước giờ tôi không có thói quen nói nhiều, nhất là với anh, chỉ là, sau nhiều chuyện trong lòng cảm thấy khó chịu muốn đem anh ra làm cái thùng rác cho đỡ phải nặng lòng.

Sau một lúc lâu, Thành hỏi: “Em nghĩ cậu ấy không yêu em mà là đang thương hại?”

Tôi không do dự gật đầu.

Anh cười: “Tình yêu chỉ có thể ngộ, không thể cầu. Anh ví dụ cho em thấy, giả sử em muốn tìm một người chồng, thay vì em đặt mục tiêu người đó thế nào, hãy nhìn xem xung quanh có ai hợp tiêu chuẩn không. Em khư khư ôm cái tiêu chuẩn của mình thì vĩnh viễn em cũng không tìm được một người như vậy.”

Đạo lý của anh rất đúng. Nhưng mà anh không hiểu vấn đề giữa chúng tôi. Làm sao tôi không hiểu là anh đang khuyên tôi quay đầu lại, trân trọng hạnh phúc bây giờ với Phát. Nhưng khoảng cách giữa hai chúng tôi, cái khoảng cách đã hình thành hơn hai mươi năm qua không cách nào rút lại được. Tôi cũng đã qua cái khoảng thời gian bốc đồng cho rằng chỉ có tình yêu mới sống được.

Tám năm qua tôi học được rất nhiều, giữ một người trong lòng không khó chịu như mọi người vẫn nghĩ. Ít ra, khi mở rèm cửa sổ nhìn qua bên kia, tôi có thể nhìn thấy cậu ấy mỉm cười với mình.

Có lẽ lần này buông tay là cho cậu ấy một cơ hội, cũng là cho tôi thời gian tự nhìn nhận lại tình cảm của chính mình. Tôi không sai, cậu ấy cũng không sai, vốn dĩ hai người không sai nhưng ở bên cạnh nhau chưa chắc đã đúng.



Mọi người lũ lượt kéo đến thăm tôi, ông nội tôi với ông nội Phát cùng nhau đến. Nhìn hai nguời thoải mái trò chuyện với nhau tôi khẽ thở dài. Vấn đề khi nào cưới, đãi tiệc ở đâu, chuyện khách khứa thế nào luôn quay bay vèo vèo trong phòng. Đầu tôi như muốn vỡ ra.

Thành đứng bên cạnh tôi chỉ cuời cười, rõ ràng là anh đang nhạo báng tôi không thể thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Sau lần tâm sự khoảng cách xa lánh vô hình giữa tôi và anh biến mất. Tôi sẽ bình thản tiếp nhận quan tâm của anh, anh cũng nói là sẽ không cố chấp nữa. Chúng tôi có thể làm bạn thân, anh cũng có thể chúc phúc cho tôi.

….​

Ba tôi vẫn không nói chuyện phẫu thuật cho tôi biết. Lúc tôi ngủ ba mới bàn với chú Phong chuyện sẽ để Phát về nói chuyện với tôi cũng tính chuyện phẫu thuật. Tôi quay lưng vào vách tường, nước mắt không nhịn được cứ tuông ra.

Tôi cũng nghe chú Phong nói lần tai nạn này là Thành chịu thay Phát. Vốn dĩ bên bị cáo vụ án chú Phong đang theo một mực ép bên nguyên phải bỏ khởi tố. Bên kia cùng tiền mua chuộc không được lấy tính mạng Phát ra làm mồi nhử. Chú Phong dặn Phát phải cận thận nên mấy lúc đi với tôi hiếm khi nào lái xe đi mà chỉ gọi taxi, tôi còn tưởng tính khí đại gia cậu ấy trỗi dậy. Lúc lên máy bay chú Phong mới thở phào nhẹ nhõm không còn lo lắng nữa, vậy mà không ngờ Thành vì chạy xe Phát mà bị hại.

Vụ án xử hôm qua, thêm vụ cố ý gây thương tích cùng với mua chuộc nữa bên bị cáo thua thảm hại. Cũng may Thành vững tay lái kịp thời tránh, nếu không chắc hai người chúng tôi cùng nhau chui vào lớp đất lạnh rồi.

Mấy vụ phức tạp rắc rối đó ba và chú Phong quyết định không nói cho tôi biết, nhưng đâu biết rằng vì đợi Phát về mà tôi còn chưa ngủ mới nghe được tất tần tật thế này.

Phát về lúc mười hai giờ đêm, dự lễ trao bằng xong cậu ấy đi chuyến máy bay sớm nhất quay về, biết cậu ấy vì lo cho mình trong lòng tôi cũng nhộn nhạo. Tôi còn thức nhưng tự dưng lại sợ đối diện với cậu ấy. Cậu ấy ở lại với tôi, nói ba và chú Phong về nhà, hai ông già cũng vui vẻ đi về.

Ba và chú đi không lâu thì Phát có điện thoại, cậu ấy bước ra ngoài nghe. Tôi nghĩ làm gì phải lén lút đi ra ngoài như vậy nên cố ý xuống giường bước ra theo.

Cậu ấy đi cuối hành lang mới nghe, tôi núp chỗ chân cầu thang gần đó gần như nín thở để cậu không nghe thấy tiếng thở nặng nề của mình.

“Tìm anh có chuyện gì?”

“…”

“Vừa về đến, không sao.”

“…”

“Anh đã nói em không cần xen vào chuyện riêng của anh.”

Cô gái bên kia nói gì đó rất nhiều, tôi nghe cậu ấy lặng thin thật lâu, mới khẽ nói.

“Chuyện của giáo sư là do anh sắp đặt, ông ấy cũng không phải không đồng ý. Chỉ là một cuộc phẫu thuật nhỏ đối với ông ấy không có vấn đề.”

“…”

“Em biết một người bác sĩ đứng trên bàn mổ tinh thần phải vững mà, không phải sao?”

“…”

“Đúng vậy, là vì cô ấy.”

“…”

“Em đừng cố ý gây chuyện.”

“…”

“Được rồi, khi nào trở về gọi anh đến đón. Chúng ta nói chuyện rõ ràng.”

Câu cuối cùng tôi nghe được là cô ấy trở về sẽ nói chuyện rõ ràng. Vậy không phải đã đủ rõ ràng rồi hay sao? Giọng nói đó truyền qua điện thoại chỉ nghe được một giọng nữ mơ hồ nếu không tôi cũng muốn biết họ nói gì.

Đi trở về phòng bệnh, nằm xuống một lúc lâu mới thấy Phát quay trở lại. Anh trăng chiếu vào gương mặt của cậu ấy. Gương mặt mệt mỏi, râu dài ra nhiều rồi, thật nhếch nhác. Đột nhiên muốn vươn người lên, nắm lấy góc áo sơ mi trắng của cậu rồi nói với một câu, “Chỉ cần cậu có chút thích mình, hay là, lấy nhau đi”. Nhưng tôi không có can đảm, chỉ nghĩ vậy rồi thôi, nhắm mắt tiếp tục ngủ.