Phù Dung Trì

Quyển 12 - Chương 5: Tết ở kinh thành




- Thế nào rồi?

Sở thái y vừa bước ra cửa đã bị một bóng áo vàng chặn lại. Ông rất bình tĩnh khom người thỉnh an, không dám màu mè mà nói luôn:

- Tâu thánh thượng, Quận chúa điện hạ bị cảm nhẹ, chỉ cần uống vài thang thuốc sẽ chóng khỏi. Thời tiết này trẻ nhỏ rất dễ nhiễm lạnh, cần phải chú ý mặc ấm...

- Vậy còn chứng đau đầu?

- Tâu, cảm mạo cũng kèm theo nhức đầu, đây là chuyện bình thường!

- Phải không? Trẫm thấy Tư Tư đau đến không ngủ được, có khi nào là bệnh khác?

- Chuyện này...

Sở thái y do dự không dám nói bừa, ông cũng thấy chứng nhức đầu của Quận chúa hơi quái lạ, rõ ràng xem mạch không có gì bất thường. Lão đại phu vuốt bộ râu bạc, lấy kinh nghiệm mấy chục năm hành nghề mà đáp:

- Trong cơ thể con người, tay chân bệnh dễ trị nhưng đầu có bệnh thì rất khó. Não bộ có cấu trúc phức tạp, hiện tại chưa một ai am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này... Lão phu thiết nghĩ, cách tốt nhất bây giờ là chờ đợi và quan sát, chỉ cần Quận chúa không xuất hiện hôn mửa thì sẽ không đáng ngại!

Ca Dương nhíu mày không hài lòng nhưng cũng hiểu Thái y đã làm hết sức, vì vậy hắn phất tay cho phép ông lui ra. Bây giờ là cuối đông, trời rất lạnh, hai hôm trước Khương La hứng chịu trận bão tuyết đầu tiên trong một thập kỉ qua. Rét đậm khiến cho hoa màu thất thu, nhiều đàn gia súc chết rét, tuyết lấp kín nhiều cửa ngõ làm các địa phương bị cô lập. Thiên tai xảy ra bất ngờ, triều đình trở tay không kịp. Suốt ba ngày Ca Dương không trở về Dụ Kiến cung, thượng triều liên miên bởi vì dân tình ngoài kia đang đói khổ. Hắn ra lệnh mở kho lương thực ở các Châu, phái quân đội nhanh chóng khai thông đường liên tỉnh, vận chuyển thuốc men và chăn bông cứu tế. Mọi năm hoàng thượng phong bút* vào ngày mười lăm tháng Chạp, hôm nay đã mười hai mà tấu chương còn chất đầy ba cái bàn trong thư phòng. Có lẽ phen này sẽ bận đến giáp tết.

*phong bút: Ngừng nhận trình tấu để nghỉ tết.

Hội họp mấy ngày liền, khi Ca Dương trở về thì thấy phòng ốc vắng tanh, lúc này Tiểu Ninh Tử mới báo hắn biết Tư Tư bị ốm nặng. Quận chúa bị bệnh là chuyện không nhỏ nhưng mà chính sự còn cấp thiết hơn, Ninh công công chậm trễ báo cáo bị mắng một trận nhớ đời. Triều phục chưa thay, hoàng thượng liền chạy tới Tương Đông Hiên, đi qua mấy lớp rèm nhìn thấy cô bé con thường ngày hoạt bát đang nằm ngủ mê man, nàng so với tấm chăn còn bé hơn. Liễu mama nói Tư Tư bị sốt liên tục, sáng nay vừa giảm một chút, đã ăn vơi nửa chén cháo thịt. Mấy năm nay nghỉ đông ở kinh thành, Tư Tư rất ít bệnh, cùng lắm chỉ ho hen ít hôm là khỏi, lần này con bé bệnh rất nặng.

Ca Dương sốt ruột áp lòng bàn tay vào gò má đỏ ửng, hắn nhìn lò than xung quanh phòng, lại nhìn ô cửa sổ đóng chặt. Tương Đông Hiên là một trạch viện nhỏ, cấu trúc nhà ba gian quay đầu về một cái sân. Bởi vì Tư Tư mà nơi này được tu sửa và bài trí rất tốt nhưng vào mùa đông vẫn còn bất tiện. Ca Dương suy nghĩ một lát, dứt khoát ôm nàng và cả chăn bông trở về Dụ Kiến cung.

Trong các quốc gia phát triển về kiến trúc, Khương La có thứ hạng nhất nhì mà thành tựu lớn nhất chính là tòa Dụ Kiến của hoàng đế. Tòa nhà này không nói đến hệ thống mật thất và địa đạo chằng chịt, cũng không nói đến thiết kế móng đặc biệt chống chọi với động đất. Ở Dụ Kiến cung, cái khác biệt lớn nhất là hầm địa long nằm sâu mười thước so với nền móng. Trong Tàng Kinh Các vẫn còn lưu giữ một bản vẽ sao chép của Tổ sư xây dựng cung Dụ Kiến. Theo như bản vẽ này, bên dưới tòa nhà có rất nhiều ngọc thạch được đẽo gọt, kê chồng lên nhau theo cấu trúc đối xứng. Loại ngọc này nhạy cảm với nhiệt độ, co giãn tốt. Vào mùa hè nó tự động mở “cửa thủy”, đem mạch nước ngầm làm mát từ trong ra ngoài. “Cửa hỏa” mở vào mùa đông, đưa địa nhiệt của nham thạch làm nóng từ dưới lên trên. Thời gian đầu thiết kế này bị phản đối kịch liệt, bởi vì phong thủy quan niệm dưới nhà có nước chảy là nghèo túng, họ cũng không tin tưởng dùng nước có thể làm cho ngôi nhà mát mẻ hơn. Bên cạnh đó địa nhiệt rất nguy hiểm, bởi vì lửa đất là lửa không thể chế ngự. Miền Tây Khương La có một nơi gọi là “Vành đai Hỏa Diệm Sơn”, thời xa xưa khi những ngọn núi lửa này còn hoạt động không ai dám sinh sống xung quanh, khói và bụi có thể vùi lấp một cánh rừng, khi nham thạch phun trào quét sạch một vùng màu mỡ.

Cho nên, Dụ Kiến cung ngày xưa là một tòa nhà rỗng không, thậm chí bị phủ nội vụ biến thành nhà chứa củi. Mãi đến khi Thiên Vĩnh đế lên ngôi, tình cờ đọc được bản vẽ về tòa nhà này, ông ta không nói hai lời lập tức cho trùng tu sửa chữa, dọn đồ vào ở. Kể từ đấy, mọi người mới có nhận thức đúng đắn về giá trị của ngôi nhà, các đời hoàng đế tiếp theo vẫn giữ lại Dụ Kiến làm chính cung. Đáng tiếc là bản vẽ ngày xưa bị rách một trang, cho nên không ai biết được toàn bộ quá trình xây dựng.

Nói tóm lại, cung Dụ Kiến là tòa nhà độc nhất vô nhị, cũng chỉ có hoàng đế bệ hạ mới được diễm phúc hưởng thụ khí hậu ôn hòa suốt năm. Vào mùa đông, trong cung không cần đốt nhiều than củi, vách tường và cả cây cột nhà cũng tỏa ra hơi ấm. Với tình trạng sức khỏe của Tư Tư, Ca Dương quyết định để nàng ở lại đây cho đến hết năm. Khương La là một quốc gia có bề dày lịch sử nghìn năm, quy củ phép tắc cũng vì thế nhiều hơn bình thường, càng không nói là lễ nghi trong cung đình. Lễ bộ trong triều và phòng Lễ trong cung là hai nơi mà hoàng thượng tránh như tránh tà, nếu không cần thiết sẽ chọn đường vòng, bởi vì cãi lý với mấy lão già ấy rất hại não. Một trong số những quy định khiến lòng hắn căm phẫn nhất là không cho phép hoàng đế ở chung với bất cứ ai, cho dù là phi tần hay Hoàng hậu cũng không được ngủ ở long sàn, không được qua đêm ở Dụ Kiến. Nhà của hoàng thượng là tuyệt đối bất khả xâm phạm, có thể đến chơi một lát, ngồi lại một lát nhưng trước khi trời tối xin mời rời đi! Bởi vì cái quy tắc chết tiệt này mà Ca Dương chỉ có thể xây một Tương Đông Viện nằm phía sau chính cung. Ban ngày Tư Tư ở thư phòng học chữ cũng phải làm lén lút, tránh cho Lễ bộ nói Quận chúa không hiểu phép tắc, xâm phạm thánh địa. Nói như vậy, làm vua sẽ chịu cảnh cô đơn chiếc bóng suốt đời, muốn thân cận với phi tử cũng phải đến nhà họ làm khách? Khi Ca Dương có ý định sửa lại Tổ chế, tất cả quan nhân trong Lễ bộ đã quỳ xuống can gián. Hắn mới nói một câu mà mấy lão già cổ hủ kia đã nói hết một tràn, nào là đạo lý triết học nhân sinh, nào là ví dụ sống động cụ thể. Quả thật bất khả xâm phạm là một phương thức tốt để bảo đảm an toàn, nó cũng được khởi xướng từ thời đại trung cổ, bởi một hoàng đế có thói đa nghi trầm trọng, luôn hoang tưởng mình bị theo dõi và ám sát. Sau khi nghe Lễ bộ cùng hợp xướng, kẻ khóc người than, Ca Dương buồn phiền sai thị vệ lôi hết ra ngoài, từ đó không nhắc lại chuyện này nữa...

Trong trí nhớ của hắn, Hạ Hầu Vĩnh Khang cũng từng đối đầu với Tổ chế, có một đoạn thời gian hắn cùng Dung phi sống như vợ chồng, quanh quẩn trong Dụ Kiến cung, không thèm nhìn Lễ bộ vào mắt. Sự biệt đãi đem tới lòng ghen tuông phẫn nộ trong hậu cung, từ đấy đám phi tử có kẻ thù chung. Phải nói rằng Hạ Hầu Vĩnh Khang là một hoàng đế thành công nhưng là một người đàn ông thất bại. Hắn phạm nhiều sai lầm ngớ ngẩn vì tự phụ, cũng bỏ sót nhiều tiểu tiết vì nghĩ rằng không đáng quan tâm. Thật ra thiên tử cũng là con người, mà con người xưa này luôn bị thao túng bởi số mệnh. Càng cường đại người ta càng có tham vọng khống chế mọi thứ nhưng họ không biết sức lực mình bé nhỏ dường nào so với ngòi bút của Ti Mệnh thiên quân!

Ca Dương đem Tư Tư đặt xuống giường đơn, gọi người để một lò than nhỏ bên cạnh, như vậy là đủ ấm. Ninh công công không đợi ai nhắc nhở, liền có cách phong tỏa tin tức, những người hầu cũ vẫn ở nguyên trong Tương Đông Viện, nếu không có ai ngu ngốc đem chuyện này tiết lộ thì mọi người sẽ không biết bệ hạ giữ quận chúa trong chính cung của mình. Có lẽ vì thuốc thang của ngự y phát huy tác dụng, cũng có thể vì khí hậu ấm áp cho nên ngày hôm sau Tư Tư đã khỏe lại, bắt đầu xuống giường chạy lăng xăng.

Một đêm nọ Ca Dương làm việc đến khuya, từ thư phòng trở về tẩm điện thì sao mai đã lấp lánh trên bầu trời. Vụ thiên tai cuối năm khiến công việc đột ngột nhiều lên, hoàng thượng dời phong bút lại năm ngày, cũng chính là ngày mai. Vì thế hắn tranh thủ đọc hết số tấu chương còn sót lại, hôm sau ngủ muộn cũng không ai trách. Hành lang trong cung vẫn sáng, cứ cách mười bước là treo một lồng đèn. Ninh công công ngáp ngắn ngáp dài, bước chân lề mề đi theo phía sau. Trời đang dần ấm lại, mai trong vườn thượng uyển bắt đầu trổ nụ, cái tết ở kinh thành là cái tết náo nhiệt, mà cái tết ở hoàng cung là cái tết trống vắng...

- Tiểu Ninh Tử, ngươi không về nhà đón năm mới à?

- Nô tài không về đâu ạ, phụ mẫu thân sinh mất cả rồi, bà con trong họ thì... Bệ hạ cũng biết mà, với thân phận thái giám mà về quê khác gì để người ta chê cười?

- Tốt xấu gì trẫm cũng cho ngươi quan vị Tứ phẩm, đường đường là công công Tổng quản chẳng lẽ không ngẩng cao đầu được?

- Haizzz... Mọi chuyện không đơn giản như vậy ạ! Từ nhỏ nô tài đã vào cung, đã chấp nhận cuộc sống này, bước ra ngoài không thể sinh tồn được!

Vào một đêm thanh tĩnh như thế này người ta dễ nói câu thật lòng. Theo quy chế, cung nhân phục vụ trên ba năm sẽ có hai ngày nghỉ tết. Trước mười lăm tháng Giêng các cung nữ vẫn thường thay ca cho nhau, tranh thủ trở về báo hiếu cha mẹ. Hoàng cung có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu câu chuyện, ai cũng biết chốn cung cấm thâm sâu khó lường, đã bước vào thì không rõ ngày ra. Có rất nhiều người giống như Tiểu Ninh Tử, học cách chấp nhận số phận, xóa sạch quá khứ trước kia, biến nơi này thành nhà, không còn quan tâm mình từ đâu đến nữa...

- Nếu không có nhà để về thì đành ủy khuất ngươi ở lại đây ăn tết với trẫm vậy... Năm nay cũng như năm ngoái, năm tới cũng như năm nay... Thật ra trẫm không thích lễ tết!

Sau khi hoàng đế phong bút, quan nhân ở Hàn Lâm Viện lục đục nghỉ tết, các phòng viện gói ghém đồ đạc trở về nhà, để lại phía sau là bàn ghế bám bụi và những chiếc nghiên đã khô mực. Mỗi sáng con đường dẫn đến đại điện vắng lặng không thấy cảnh xe ngựa nô nức như ngày thường. Bên ngoài và bên trong bốn bức tường thành là hai thế giới cách biệt. Ngoài kia nhộn nhịp khẩn trương, nhà nhà quét tước dọn dẹp, chợ búa sắm sửa ồn ào, không khí lễ lộc bám lên váy áo mới tinh và những nụ cười rạng rỡ đón người thân từ xa trở về. Trong này cũng là ngày tết, những mái ngói lát ngọc thờ ơ im lặng, những tượng rùa tượng lân bất động đứng nhìn, những ngọn đèn lồng mang sắc đỏ ảm đạm, cung điện được trang hoàng không ai ở, con đường được quét sạch không ai đi... Lúc đêm khuya, âm thanh thường nghe thấy chỉ là tiếng bước chân đều của đội thị vệ và tiếng gõ mõ uể oải của thái giám gác đèn.

Ca Dương không thích ngày tết.

- Ngày mai là hai mươi tháng Chạp rồi, trẫm đã hứa với Hòa An vương hai mươi ba đưa Tư Tư trở về. Chuyến đi này đem theo hai thái y, con bé chỉ vừa khỏi bệnh. Hành lý và quà ngươi nhớ kiểm tra lại... À phải rồi, Thái hậu không nhận cây nhân sâm Mạc quốc đem tới, ngươi lấy nó cho Quận chúa mang về đi!

- Nô tài tuân lệnh.

- Thưởng tết cho hậu cung thì cứ theo lệ, làm giống năm ngoái, nếu Hoàng hậu yêu cầu gì thêm thì ngươi tự cân nhắc.

- Vâng ạ.

Hai chủ tử tiếng được tiếng không bàn chuyện năm mới tẻ nhạt, thoáng chốc đã trở về tẩm cung. Sau khi thay ngoại bào Ca Dương ghé qua phòng Tư Tư nhìn con bé một lát. Đó là gian phòng thông với tẩm điện, rất dễ qua lại. Những ngày sắp về nhà Tư Tư có vui lẫn buồn, nàng nhớ phụ thân, ca ca và tẩu tẩu. Nàng cũng lưu luyến anh họ nữa. Ước gì Sa Đà và Đế Đô cách nhau một con phố, vậy thì Tư Tư có thể chạy qua chạy lại mỗi ngày rồi!

Ca Dương ra hiệu cho cung nữ im lặng, tự mình đi vào trong phòng, qua lớp rèm giường có thể thấy rõ khuôn mặt hồng hào đáng yêu của tiểu quận chúa. Hình như nàng ngủ không ngon, chân mày non nớt khẽ nhíu lại, miệng ê a nói mớ. Sau khi hết cảm Tư Tư vẫn bị đau đầu, Ca Dương lo sợ nàng mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo nào đó nhưng tất cả ngự y đều khẳng định con bé khỏe mạnh. Ba ngày nữa phải trả nàng về nhà, lại chờ mòn mỏi đông năm sau. Năm nào cũng vậy nhưng hoàng đế vẫn không quen ly biệt.

Ca Dương cúi đầu nhìn cô em họ của hắn, bàn tay giơ ra áp lên trán nàng, khe khẽ vuốt ve. Tư Tư giống như cảm nhận được sự quan tâm, dần dần thôi lẩm bẩm mà thở sâu ngủ say. Hắn cười cười, càng nhìn càng thấy nàng giống con mèo hoa. Rồi không biết ma xui quỷ khiến thế nào, hắn đột nhiên cởi giày trèo lên giường. Giường đơn không đủ rộng, Ca Dương nằm nghiêng mắt mơ màng nhìn nửa bên mặt trắng hồng nhỏ nhắn của cô bé. Hắn đột nhiên có suy nghĩ, Hạ Hầu Bảo Ngọc năm ba tuổi cũng ngây thơ non nớt giống hệt nàng!

Ca Dương cười nhạt, hắn biết mình không nên hoài niệm quá nhiều về quá khứ, thi thoảng nhớ lại thôi cũng đủ đau lòng. Hắn là Chu Lạc Ca Dương, hắn phải sống tiếp cuộc đời dài phía trước...

Ca Dương nhìn Tư Tư, ngắm một lúc lâu thì rơi vào giấc ngủ. Giường nhỏ thực sự ấm áp, vẫn tốt hơn long sàn mấy nghìn lần!

Một giấc ngủ rất ngắn cũng rất dài, khi Ca Dương mở mắt đã nhìn thấy một khuôn mặt tròn vành đang kề sát lại. Cô nhóc nghịch ngợm dùng sợi lông chổi cọ cọ vào mũi hắn. Nàng cười híp mắt, nét thanh xuân rạng rỡ, một người thiếu nữ từ thời khắc này mới bắt đầu tỏa ra hương sắc...

- Hoàng đế bệ hạ... Ngài đã hứa tham dự lễ chải đầu của muội, tại sao bây giờ còn nằm đây ngủ hả? Ngài không thể thất hứa, “quân vô hí ngôn” nha!!!