Phù Dung Trì

Quyển 6 - Chương 3: Đau lòng




遇合之初 芙蓉作帳錦重重,

比翼和鳴玉露中.

人道瑤池春似海,

月明飛下一雙鴻.

Ngộ hợp chi sơ

(Trương Hồng Kiều)

Phù dung tác trướng cẩm trùng trùng,

Tỷ dực hoà minh ngọc lộ trung.

Nhân đạo Dao Trì xuân tự hải,

Nguyệt minh phi hạ nhất song hồng.

- Dịch thơ-

Phù dung làm trướng gấm trùng trùng,

Chắp cánh hoạ lời dưới móc trong.

Người bảo Dao Trì, xuân như biển,

Đêm trăng bay xuống một đôi hồng.

Phần VI: Ngô Hà Huy kể chuyện

Giữa tháng Sáu, hoàng thượng hồi kinh. Ải Bình Thành chính thức giao cho Đô Dư Mân trấn giữ. Đoàn quân mang theo vinh quang được dân chúng cầm cờ hoa nghênh đón. Ta cảm thấy đi đánh giặc cũng có nhiều cái lợi, ít nhất được ngồi trên lưng ngựa tháp tùng bệ hạ là có thể hưởng ké một chút hào quang. Ta rất nhớ Minh Nguyệt, không biết nàng có khỏe không? Chắc là ngày đêm ăn ngủ không ngon rồi. Trong mắt nàng, ta vẫn là tên nhóc nhát gan thuở bé. Mỗi lần thấy ta bị bắt nạt, Minh Nguyệt sẽ chạy ra ngăn cản, che chở ta ở phía sau. Nàng cứ tưởng mình là nữ trung hào kiệt, đại anh hùng hay bảo mẫu gì đó. Thật ra từ năm 8 tuổi ta đã dư sức hạ đo ván mấy ca ca nhưng ta muốn che giấu bản thân, vì ta thích được nàng bảo hộ như vậy.

Ngồi nhớ thê tử một hồi, cổng hoàng cung đã hiện ra trước mắt. Ta xin bệ hạ cho phép trốn bữa tiệc tẩy trần, muốn nhanh chóng về nhà ôm vợ. Lời còn chưa nói xong thì đã thấy Tiểu Ninh Tử lóng ngóng ở cửa thành, hắn vẫy vẫy cây phất trần, chân nhảy nhảy giống con nhái bén... Cái tên công công mặt bột này, cách chào đón cũng thật đặc biệt!

Không biết hắn nói cái gì, chung quanh ồn ào không nghe rõ. Hoàng thượng nheo mắt nhìn, dường như đọc được khẩu hình. Ta chỉ thấy Ca Dương vèo một cái kéo mạnh dây cương. Bạch Phong Tú Mã hí vang một tiếng, cả khối cơ bắp bay vọt lên, phóng qua đầu chúng quan nhân. Tiếng la kinh hãi, tiếng thét chói tai, hoàng thượng đã chạy qua cổng cung!

Ta ngơ ngác không biết chuyện gì, theo bản năng cũng thúc ngựa đuổi phía sau. Ca Dương xưa nay rất kiềm chế, chưa từng thấy hắn thất thố như vậy. Con đường Hoàng Hoa là lối đi chính trong cung điện, nếu không phải việc khẩn, tin chiến sự, tin Quốc tang thì không được phép cưỡi ngựa. Ca Dương không để quy cũ trong mắt, phăng phăng một đường chạy về hướng Tây. Ta gấp rút đuổi theo, sẵn tiện vớt Tiểu Ninh Tử ném ra sau lưng:

- Chuyện gì thế?

Ta vừa điều khiển ngựa, vừa quay đầu hỏi lớn. Tên thái giám mếu máo:

- Chết rồi, chết hết rồi...

- CHẾT? Ai chết?

Suy nghĩ đầu tiên của ta là Thái hậu, bà ấy không phải rất khỏe mạnh sao?

- Sen, sen chết hết rồi!

- Hả? Là cái đầm sen kia?

Tiểu Ninh Tử khóc bù lu bù loa, đầu gật như giã tỏi. Tâm trạng của ta liền trầm xuống. U Trì là một nơi đặc biệt đối với Ca Dương, nếu có chuyện gì xảy ra, chắc chắn là sẽ lớn chuyện. Thấy bóng hoàng đế vội vã, thị vệ cũng không hiểu cớ sự chạy theo, quan thần phía sau cũng đuổi tới, cung nhân dọc đường ngơ ngác nhìn một đoàn rồng rắn.

- Ơ... Triều đình tổ chức thi đua ngựa từ bao giờ thế?

Ta là người thứ hai đến nơi. Theo trí nhớ của ta, U Trì không phải hiếm lạ gì, nó chỉ là một cái đầm, cái đầm rộng lớn, trừ cây sen thì chẳng có gì khác. Hoa ở U Trì giống như hút hết tinh anh trong đất, hồng thắm một màu, nở xòe rực rỡ, bốn mùa lúc nào cũng như là mùa xuân. Nhìn khắp hoàng thành, trừ vườn thượng uyển được chăm bón hàng ngày thì U Trì chính là khu vườn dại xinh đẹp nhất, phảng phất một phong thái cổ điển mà kì bí như chính quá khứ của nó.

Vào giờ khắc này, ta chỉ còn thấy bóng lưng u tịch của Ca Dương, phía ngoài kia là một cái đầm chết. Màu xanh đâu? Màu hồng đâu? Chỉ có những xác cây héo úa, chìm xuống mặt nước bùn. Sen bị chết hàng loạt, cái đầm bốc mùi hôi của thực vật hoai mục, gợi lên từng trận buồn nôn.

- Phù Dung... Phù Dung... PHÙ DUNG!!!

Tiếng gọi từ lẩm bẩm trở thành tiếng thét, Ca Dương giận dữ đưa hai tay vò đầu, biểu cảm còn kinh dị hơn lúc tiên đế và Thái tử qua đời. Ta hốt hoảng chạy tới đỡ hắn, Tiểu Ninh Tử cũng nhào lên ôm lấy hắn

- Hoàng thượng, hoàng thượng, nô tài vô dụng, nô tài không bảo vệ được U Trì. Bệ hạ đi không lâu thì đầm sen đột nhiên không nở hoa, lá cây từ từ héo đi, chết dần chết mòn không cứu được... Bệ hạ, bệ hạ, người giết nô tài đi!

Tiểu Ninh Tử như con gấu đeo dính Ca Dương, khóc không nên lời. Còn hoàng đế thì như chả nghe thấy gì, ngài giãy giụa, ngài gào to, ngài vùng khỏi tay ta, đá Tiểu Ninh Tử sang một bên, nửa chạy nửa bò nhào xuống nước. Ta lấy chút bình tĩnh cuối cùng ra lệnh cho Ngự lâm quân:

- Ngăn hết người ngoài lại, đuổi ra xa, không để ai nhìn thấy hoàng thượng!

Lính ngự lâm qua đào tạo nghiêm khắc, trong tình huống nào cũng biết phải làm gì. Ta thu xếp xong quay trở lại thì đã thấy mấy ám vệ bao vây Ca Dương. Nếu không phải trường hợp khẩn cấp, ám vệ sẽ không lộ diện giữa ban ngày ban mặt. Bệ hạ phát điên rồi, hắn đánh cả thuộc hạ của mình, chỉ một lòng muốn nhảy xuống hồ. Ta nhìn không nổi nữa, cắn răng kéo tay hắn, tát vào mặt hắn, vừa khuyên vừa mắng:

- Hoàng thượng! Bệ hạ! Chu Lạc Ca Dương! Ngươi phát điên cái gì đấy? Có tỉnh táo lại cho ta không? Mẹ kiếp!

Ca Dương đã phát điên tới đầu tóc bù xù, đôi mắt vốn có thần giờ lại dại ra, sắc mặt quằn quại đau thương không thể nào diễn tả nổi. Hắn vô thức tung ngân chỉ, cánh tay ta bị cứa mấy đường.

- Buông ra! Buông trẫm ra! Phù Dung, nàng ở đâu, nàng ra đây, ta không cho phép nàng rời đi, không có lệnh của trẫm không ai được bỏ đi! Aaaaa...

Cuối cùng thì hắn vẫn thoát khỏi gọng kiềm, nhảy xuống nước. Mấy tên ám vệ nhìn nhau, giống như ngầm đưa ra quyết định. Họ cũng lặn xuống, mặt nước sôi sục, bọt trào trắng xóa. Lát sau Ca Dương được kéo lên, hắn đã bị đánh ngất, long bào dính đầy bùn đất không nhìn ra màu vàng kim, ta cũng không nhận ra hoàng đế của thường ngày nữa. Tiểu Ninh Tử rất lanh lẹ đem một cái khăn lông tới, bao toàn bộ người Ca Dương lại rồi để ám vệ vác lên vai đưa về Tân Kiến cung.

Ta ở lại xử lý hậu sự, trấn an đám người hóng hớt bên ngoài. Sự việc ngày hôm đó chỉ truyền ra một cách ngắn gọn: Cái đầm sen bệ hạ yêu thích đã không còn, hoàng thượng đau buồn nghỉ ngơi vài ngày!

Khi ta bước vào Tân Kiến cung, Ca Dương đã được đặt lên giường và thay quần áo sạch sẽ. Tiểu Ninh Tử nôn nóng lau mặt cho ngài, hỏi các Ngự y:

- Thế nào? Thế nào?

Trương thái y nhíu chặt chân mày, bắt mạch cho bệ hạ. Lưu thái y khám thì khám mắt, mấy người khác loay hoay chung quanh.

- Long thể của hoàng thượng không vấn đề gì nhưng tinh thần bị kích động, để bệ hạ uống thuốc an thần, ngủ một giấc có lẽ khá hơn.

Các thái y khác cũng đồng tình rồi nhanh chóng kê toa, cung nữ không dám chậm trễ một giây chạy đi xắc thuốc. Chờ khi tẩm phòng yên ắng lại, ta mới ngồi xuống quan sát bệ hạ, nói chuyện với Tiểu Ninh Tử:

- Chuyện này rốt cuộc là thế nào?

Hắn lau lau mồ hôi cho Ca Dương rồi mếu máo kể:

- Nô tài không biết. Hoàng thượng đi mới ba ngày thì sen trong hồ mắc bệnh, búp sen không nở mà rụng hết, từ từ lá cây cũng héo chết. Nô tài đã gọi Ngự y tới xem nhưng họ bảo trước giờ chỉ khám cho người, không biết trị bệnh cho thực vật. Nô tài lại sai người đi tìm mấy nông phu chuyên trồng sen lấy hạt. Họ nói nước trong đầm nhiễm độc, muốn cứu phải rút hết nước ra. Mà Ngô học sĩ cũng biết đó, cái đầm ấy rộng như vậy, sâu như thế, làm sao mà rút hết nước đi được? Nô tài chỉ còn bất lực trơ mắt nhìn, cũng không dám báo tin đến hệ hạ, sợ ảnh hưởng tới tâm trạng của ngài ở chiến trường... Hu hu hu... Đều do nô tài đáng chết, có chút việc mà cũng không làm tốt...

Trong phòng chỉ còn tiếng khóc của Ninh thái giám, các cung nữ cũng cúi đầu len lén lau lệ. Họ đi theo bệ hạ nhiều năm, tuy bản thân mơ hồ nhưng vẫn hiểu rõ bệ hạ đặt nhiều tình cảm vào nơi đó. Ta nhìn tình huống than khóc giống như nhà có tang, lòng vừa hoài nghi, vừa tò mò, vừa lo lắng, vừa bất an...

Ca Dương ngủ rất lâu, lâu tới nỗi Thái y cũng hốt hoảng. Lượng an thần vừa phải, lẽ ra bệ hạ nên tỉnh rồi chứ. Mọi người sợ hãi túc trực, thấy hơi thở của ngài lúc nhanh lúc chậm, nét mặt vật vã khó chịu, thường xuyên nói mớ những câu vô nghĩa. Tiểu Ninh Tử cứ một giờ là ơi à gọi hoàng thượng, gọi mãi ngài vẫn không chịu dậy. Căng thẳng kéo dài tới ngày thứ ba, cuối cùng Ca Dương cũng mở mắt. Khi ta biết tin vội vã vào cung, hoàng thượng vẫn mặc trung y ngồi trên giường, nét mặt ngơ ngác như con nai lạc mẹ. Thì ra bệ hạ cũng có lúc yếu đuối.

- Hoàng thượng cảm thấy tốt chứ?

Hắn mím môi, nhìn lên đỉnh mành, sau đó hỏi ta một câu quái lạ:

- Ngươi có tin vào luân hồi không?

- À... Cái này là quan niệm nhân gian, vi thần không rành lắm...

Ca Dương rũ mắt xuống, dùng tay trái xoay xoay chiếc nhẫn đầu rồng trên ngón tay phải:

- Trẫm có một giấc mơ. Trong mơ thấy mình có rất nhiều vàng bạc, có rất nhiều mỹ nữ, có cả một giang sơn... Nhưng mà trẫm trong giấc mơ rất khổ sở, bởi vì trẫm yêu một người, người đó lại vì hận trẫm mà tự vẫn. Thân thể nàng lạnh như băng, sắc môi nhợt nhạt,... Trẫm ôm nàng thật lâu, thật lâu... Nàng chưa từng ngoan ngoãn như vậy, cứ nằm im trong vòng tay để trẫm yêu thương...

- Bệ hạ...

- Trẫm nghĩ đó là kiếp trước của mình, bởi vì không cam lòng mà đổ một nửa bát canh của Mạnh Bà xuống sông Vong Xuyên, chỉ vì không muốn quên tất cả, không muốn mất hết hồi ức về nàng...

Ca Dương thì thầm, giọng nói nhỏ dần, cuối cùng cười chua chát:

- Nàng đi rồi, như thế cũng tốt. Linh hồn nàng siêu thoát, có thể có cuộc sống mới, có thể gặp một người đàn ông thật lòng yêu nàng, không thương tổn nàng, không khiến nàng ngày đêm rơi lệ,... Nhưng mà... Trẫm không muốn... Trẫm thà giam cầm nàng mãi mãi trong cái hồ đó, mỗi ngày có thể nhìn, có thể ngắm, có thể cảm nhận nàng vẫn ở quanh đây... Và rồi một ngày nào đó, khi trẫm không cần thân xác này nữa có thể dẫn nàng cùng trở về luân hồi, cùng sinh ra trong một thế giới khác, làm lại từ đầu... Nhưng mà, nàng không muốn cùng trẫm, nàng bỏ đi rồi, trẫm không còn cơ hội nào nữa, không cách nào tìm được nàng nữa. Phải làm sao, phải làm sao, làm sao?

Ta ngồi im lặng để Ca Dương muốn nói gì thì nói, để hắn giải tỏa hết tâm sự trong lòng. Lời hắn nói rõ ràng hơn lúc trước, ta cũng không biết phải hiểu như thế nào, đại khái là một bí mật không nên tìm hiểu. Sau lần ấy Ca Dương lại càng khép kín bản thân, chính ta cũng không thể xuyên thủng cái vỏ cố chấp của hắn.

Luẩn quẩn với núi tấu chương, mỗi sáng đúng giờ thượng triều, hội hè nát rượu hoặc hoang đường cùng đám tần phi. Hắn hưởng thụ những gì mình đang có và làm tròn bổn phận của một quân vương. Cuộc sống như thế có phải rất tốt không?

Ta cũng không rõ. Lúc vui hắn cười, lúc giận hắn cười, lúc buồn hắn cười, lúc khổ sở cũng chỉ cười. Dần dần hắn không có bộ mặt nào khác ngoài nụ cười...

Nhiều năm cứ vậy trôi qua, hậu cung kẻ vào người ra, trừ Hoàng hậu nương nương thì không có ai giữ được thánh sủng cho tới cuối cùng. Phi tử của hắn nhiều như vậy nhưng tới năm ba mươi vẫn chẳng có con. Thái hậu ngày càng gấp, lại nhét vào không ít mỹ nữ.

Thời gian này ta từ chức học sĩ lên Thái học sĩ, rồi Thái phó Hàn Lâm Viện. Lý Minh Nguyệt sinh một trai một gái, bọn trẻ rất thông minh, rất đáng yêu. Mỗi lần Ca Dương thấy chúng vây quanh ta viết chữ, hắn đều nhìn thật lâu. Ta cười hỏi hắn sao không sớm về hậu cung kiếm một Thái tử, Ca Dương cười nhạt bảo rằng đợi Minh Châu quận chúa gả đi, hắn sẽ nhận con của nàng làm con thừa tự. Chu Lạc Tương Tư là cái gai mềm trong lòng Ca Dương. Hắn xem nàng như con gái, của hồi môn cũng chuẩn bị từ lâu, chỉ chờ tìm được một quận công vừa có tài vừa có đức để nàng yên bề gia thất.

Năm tháng như thoi đưa, lá cây cứ xanh rồi vàng, sông cứ đầy rồi cạn... Ca Dương luôn sống mơ mơ hồ hồ, chỉ khi ngồi trên chiến mã mới tỉnh táo một chút. Hắn giống như cái bóng lẻ loi, ẩn dật trong hoàng thành, mãi cho tới khi ba mươi ba tuổi thì một kì tích xảy ra. Trung Lương lại đưa tới thập nhị công chúa hòa thân, nàng chính là biểu muội của Hoàng hậu nương nương. Nhớ năm xưa Triệu Hoàng hậu bằng một điệu Phù Dung Lưu Hương mà một bước bay lên cành làm phượng hoàng. Nay có thêm Triệu Phi Liên cũng bằng chính vũ khúc ấy, khiến bệ hạ trước mặt toàn triều ôm lấy nàng, từ đó trở thành Hoàng quý phi nương nương dưới một người trên vạn người, hưởng hết ân sủng, khiến Ca Dương hồn mê phách đảo...

Haizzz... Chuyện này kể ra cũng rất dài dòng, thôi cứ học theo Hòa An vương, kết lại bằng một câu: Cứ từ từ mà kể, không gấp, không gấp...!