Phúc Khí Thần Bộ

Chương 1-2




Mẫu thân từng nói, ta là người rất may mắn.

Bà kể rằng, lúc sinh hạ ta rất khó khăn, vật vã một ngày một đêm ta mới chịu chui ra, nhưng ngờ đâu toàn thân lại tím đen, hơi thở yếu ớt.

Bà đỡ vốn là người có kinh nghiệm, thấy vậy liền phán rằng ta không thể sống nổi, khuyên phụ thân mẫu thân ta đừng quá đau lòng, cứ coi như chưa từng sinh ra ta. Nhưng dẫu sao ta cũng là con đầu lòng của hai người, phụ thân ta lúc ấy bi phẫn muốn chết nhưng hận nỗi chẳng có nơi nào để phát tiết, vậy là ông liền đấm mạnh lên vách tường.

Đánh đến mức cửa sổ cũng phải run bần bật, cả gian nhà rung chuyển.

Đó cũng chính là tuyệt kĩ thành danh của phụ thân – Phi Vân chưởng.

Nếu không phải vì uất ức tới cực điểm thì ông cũng không sử dụng nó vào thời điểm như thế này

Mà điểm mấu chốt ấy là, Phi Vân chưởng khiến gian nhà rung liên hồi, lan tới chiếc bàn mà ta đang nằm trên, khiến ta bị chấn động phun ra một ngụm máu đen, ta sống lại như một kỳ tích!

Có lẽ vì bị ngạt trong bụng mẫu thân quá lâu, dẫn đến nghẹn khí, sau khi ta sống lại, các đại phu đến xem bệnh cho ta đều chẩn đoán rằng ta sẽ trở thành một kẻ ngớ ngẩn, bởi dù họ có vỗ ta thế nào ta cũng không khóc lấy một tiếng, chỉ mở thật to đôi mắt, nhìn họ̣ mà cười một cách ngây ngô vô tội.

Mẫu thân ta lần đầu sinh con, lòng đau như cắt, nhưng rồi cũng nghĩ thông mà nói rằng: “Ngốc thì ngốc! Dù ngốc cũng vẫn là con trai của Ngọc Linh Lung ta, ta không tin Thất Xảo Linh Lung ta đây không dạy nổi nó.”

Vậy là, ta bước vào đời với nụ cười khờ khạo, cũng kể từ đó thế gian xuất hiện thêm một người tên “Dư Phúc Thường” – con cá nhỏ đã thoát khỏi lưới của Diêm Vương.

Mẫu thân đặt tên cho ta là “Phúc Thường”, vừa hay phụ thân ta lại họ Dư, đại nạn không chết, dư   phúc nhiều nhiều, thường thường trường trường cửu cửu. [đại nạn không chết, sẽ được hưởng thêm nhiều phúc lộc, luôn có được cuộc đời dài lâu]

Lấy tên là “Phúc”, ta lớn lên dưới sự chăm sóc, bảo bọc của phụ thân mẫu thân, quả thực chỉ mắc đôi ba thứ bệnh vặt, chứ bệnh nặng thì chẳng thấy bao giờ. Chẳng qua bởi  khi mới sinh ra suýt chút nữa thì phải trở lại địa phủ báo danh với lão Diêm Vương, nên không đủ ba hồn bảy phách như người bình thường, mà thiếu đi tâm nhãn. [Tâm nhãn = thông minh, lanh lợi, thấu hiểu sự đời, lòng người]

Khi muội muội kém ta hai tuổi lên hai, bắt đầu biết làm nũng khiến phụ thân mẫu thân yêu thương, và cũng biết túm lấy tóc bắt nạt ta, thì ta rốt cuộc cũng học được từ đơn đầu tiên trong đời mình.

Không phải “Phụ thân” cũng chẳng phải “Mẫu thân”, mà là “Muội”.

Hơn nữa giọng nói còn muôn phần nịnh nọt đến mức đáng xấu hổ.

Hóa ra, mẫu thân nói có gậy tốt ắt sinh hiếu tử quả thực không có sai.

Ta tuổi tuy nhỏ nhưng đã kiểm nghiệm chân lý này trong thực tiễn không biết bao lần rồi.

Năm lên tám, ta luyện trung bình tấn [tấn pháp cơ bản của võ thuật] vậy mà tiểu ướt năm cái quần liền, khiến phụ thân không thể chịu nổi, cho rằng tuyệt kĩ võ công “Kim Lăng thần bộ” không người nối nghiệp, gần như tuyệt vọng với ta.

Mà mẫu thân lại vốn là một “Gia Cát thần toán” [ý chỉ thông tuệ] thì mạnh mẽ hơn nhiều.

Bà cho rằng ta tuy thiên tư thiếu hụt, nhưng vẫn có đôi mắt rất thành thật, là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ lại kiên định, mà chứng cứ của nàng lại chính là… năm cái quần ướt sũng của ta, nhìn coi, bị phụ thân bắt đứng trung bình tấn suốt bốn canh giờ, vẫn ngoan ngoãn không rời khỏi góc tường dù chỉ một bước, kể cả khi tiểu ra quần rồi cũng quyết không lùi bước, sự cứng cỏi này, những đứa trẻ tự cho mình thông minh, hiểu biết hơn người sao có được cơ chứ?

Bà còn bảo, phàm là người thông minh, làm gì cũng mưu lợi, chắc gì đã chịu khổ công học từ căn bản, chẳng thể có kiến thức vững như kẻ ngốc, phụ thân có đứa con trai như ta, thực sự là phúc phận của ông đấy.

Phụ thân nghe xong, dở khóc dở cười, mới đầu là xem xét lại ta một hồi, thế nhưng dẫu ta theo ông luyện võ tới tận năm mười tuổi, nhưng ngoài Trung Bình tấn ra thì vẫn chẳng có chút tiến bộ.

Gỗ mục không thể điêu khắc, phụ thân cũng không hề nghiêm khắc đốc thúc ta luyện công.

Lúc nào tâm tình tốt thì kiên nhẫn dạy ta mấy chiêu, bắt ta học cho thật nhuần nhuyễn mấy món võ phòng thân đó, còn lại thì đều qua loa đại khái mặc ta tự do thoải mái, không yêu cầu gì thêm.

Mẫu Thân thần cơ diệu toán của ta cảm thấy ta có lẽ không có thiên phú võ thuật, nhưng ít nhiều gì cũng phải được thừa hưởng chút thiên phú toán học của bà chứ.

Vậy là năm ta mười tuổi, mẫu thân tiếp nối cây gậy của phụ thân, dạy ta đủ loại bát hành ngũ quái, toán học kì lạ, rồi lại cả y thuật, ba năm khổ luyện, khiến mũi ta thính như mũi chó, chỉ cần ngửi một cái liền biết bát thuốc trên tay là thạch tín hay lưu huỳnh, không ngu ngốc mà uống phải. Hơn nữa, cái mũi này còn tiện lợi ở chỗ, mỗi lần bị mẫu thân nhốt trong ngũ hành trận không thoát ra được, đói đến hoa mắt chóng mặt, thì chỉ cần đi theo mùi thức ăn từ phòng bếp tỏa ra liền có thể thoát thân. Mỗi lần như vậy ta đều nhận ra trong mình xuất hiện một nghị lực phi thường, một đường xuyên qua tầng tầng lớp lớp trận đồ, tìm được đến đúng phòng ăn.

Trong quá trình khổ luyện, tình cảm giữa ta và muội muội lại rất tốt.

Bản thân muội ấy khi mới lên hai đã bộc lộ bao nhiêu ưu điểm thừa hưởng từ phụ mẫu, phải nói là thông minh vô cùng, nhưng hiềm nỗi xung quanh chẳng có bạn bè để chơi cùng, nên đành phải quấn quít lấy một kẻ ngốc như ta — Dẫu sao phụ mẫu cũng đã dặn dò, đừng để ta ra ngoài một mình, để nhỡ đâu có bị người ta bắt nạt, cũng có muội ấy ra ứng phó, như vậy yên tâm hơn nhiều.

Khi đó muội muội thường thích đến bờ sông hái hoa dại, cỏ dại rồi trang điểm cho ta.

Muội ấy thường bảo ta rất xinh xắn, mặc bộ váy hoa của muội ấy vào nhất định còn xinh đẹp hơn nữa.

Trò chơi giả gái này tới khi muội muội tìm được bạn chơi mới ngưng hẳn.

Chuyện là có một hôm, khi đang đi theo bờ sông để về nhà thì muội muội nhìn thấy một con chó hoang bị người ta đánh đang hấp hối. Vậy là con bé mang nó về, chăm sóc thật tốt, sau đó, ngày nào cũng nhiệt tình huấn luyện chú chó nhỏ, không thèm chơi với ta.

Nàng gọi chú chó nhỏ kia là A Hoàng, còn nói nó so với ta nghe lời hơn nhiều.

Thực khiến ta đau lòng mãi thôi.

Em gái không thèm để ý tới ta, ta cũng chỉ đành tiếp tục cuộc sống thường nhật, vừa quay cuồng, nghiêng ngả thoát ra khỏi trận đồ của mẫu thân, cũng chẳng ai đưa ta đi chơi, chỉ có thể đưa chân đến phòng bên cùng phụ thân mặt đen xì mà luyện võ công thôi.

May mắn là thời kì này cũng không kéo dài quá lâu.

Chú chó muội muội cho là rất trung thành ấy lại tự dưng phát điên, vì một miếng xương mà cắn chủ nhân rồi bỏ chạy.

Tuy rằng muội muội ta là một đứa đa tài khéo léo, một khi ra khỏi nhà thì từ ông lão tám mươi tuổi cho đến đứa nhỏ ba tuổi đều vô cùng nghe lời nhưng đây là một con chó nhỏ không hiểu tiếng người, muội ấy dẫu có tài năng đến đâu đi nữa thì cũng chắc gì đã dạy nổi nó!

Mẫu thân xót xa ái nữ vô cùng, liền ra lệnh không cho nuôi bất cứ một thú cưng nào nữa, nếu từ nay về sau muội muội ta còn dám dẫn một con chó hoang nào về, thì nhất định sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Thế nên, muội muội tài trí của ta liền khảng khái đem ta ra làm thế thân cho A Hoàng.

Trải qua hai tháng đau đớn “tang cẩu”, muội ấy cũng thay đổi khẩu vị với ta, không muốn ta hóa trang thành tiểu cô nương nữa mà cực ham thích một trò chơi khác mang tên “Phi đĩa”. Thẳng thừng huấn luyện ta, để rồi dẫu muội ấy có phi cành cây, lá cây, chân gà hay vân vân gì̀ đó ta cũng có thể ngậm trở về.

Đến năm ta mười ba tuổi, phụ mẫu cái gì có thể dạy đều dạy ta hết nhẵn rồi, vẫn không hoàn toàn tuyệt vọng với việc giáo dưỡng. Hai người đều thấy rằng, ta đối với võ công hay ky quan kỳ học [thiết kể trận pháp *có lẽ vậy*] đều khó có thể lĩnh ngộ, nhưng có lẽ có thể trở thành một trạng nguyên.

Vì thế mà hai người liền ôm ảo tưởng đẹp đẽ mang ta đến “Nam Sơn học viện” nổi tiếng toàn thành, nhờ Đông Quách lão sư giảng dạy cho ta.

Xuất phát từ lòng kính ngưỡng với “Kim lăng thần bộ” tức phụ thân ta, và lòng kính trọng dành cho mẫu thân ta, Gia Cát nương tử Ngọc Linh Lung đã từng nhiều lần hiệp trợ trượng phu [chồng] phá nhiều kỳ án, lại nhìn gương mặt ta sinh ra thanh tú nhã lệ, không hề giống thằng đần chậm hiểu, Đông Quách tiên sinh liền vui vẻ nhận ta.

Đáng tiếc, ta mới ở “Nam Sơn học viện” có ba ngày, mà bao nhiêu hào quang huy hoàng đều biến mất hết trơn hết chọi, chỉ hận sắt xấu không thể mài thành dao, chỉ hận học trò quá ngu dốt mà thôi.

Nhưng phu tử vẫn cố gắng dạy ta Tam Tự Kinh và Bách gia tính* nhập môn.

*Bách gia tính: Họ của trăm nhà, là cuốn sách ghi lại các họ phổ biến của Trung Quốc

Đông Quách tiên sinh dạy ta nửa năm mà ta cũng mãi dậm chân tại “Triệu Tiền Tôn Lý” còn biến ra sau đó là đến “Dư Phúc Thường”, tiên sinh thấy ta ngu dốt vốn không thể đào tạo được, lại sợ làm xấu mặt phụ mẫu ta nên không thể đuổi học ta, đành lợi dụng quyền chức sắp xếp cho ta làm một thư đồng rảnh rỗi. Dù sao ta cũng là người có nề nếp, bảo ta mài mực ta quyết không mài qua loa cho xong, bảo ta rót trà, ta cũng không mang nước chưa sôi ra trêu chọc thầy giáo, chỉ cần ta chớ có cười ngu, cố gắng làm ra vẻ cao thâm khó lường, thì sẽ chẳng có đệ tử nào bắt thóp được cả, thời gian còn lại trong lớp học, ta đều tâm hồn treo ngược cành cây, hoặc tìm Chu Công ăn lẩu*.

* Tìm Chu Công ăn lẩu = Ngủ gật

Những năm ở Nam Sơn, ta thường ra ngồi lặng im ở gốc cây tùng xong núi, ngẩng đầu nhìn trời, nhìn áng mây trắng trôi qua, trong lòng tràn đầy những suy nghĩ xa xôi; lại cúi đầu nhìn Nam Sơn, mắt nhắm mắt mở, như đi vào cõi thần tiên, tâm hồn không biết phiêu dạt nơi nào. Chẳng màng chi những ánh mắt dị nghị của sư huynh đệ đồng môn, khiến bao người chú ý.

Cứ thế mãi, mấy sư huynh đệ cũng có kẻ đâm dao sau lưng đến mách với tiên sinh, hỏi ta là ai mà được hưởng đặc quyền như vậy, đến lớp không cần nghe giảng, tự tiện chạy chơi ở hậu sơn cũng không bị quản thúc hay chịu phạt. Tiên sinh bị chất vất như vậy, thẹn quá hóa giận, mắng lũ đệ tử học hành không nên thân, còn tiện thể tâng bốc rằng ta là đại trí giả ngu! Hỏi họ rằng có từng thấy ai có thể từ sáng đến tối đều ngồi nghĩ ngợi với dáng vẻ vừa thâm sâu, vừa suy tư chưa? Ngẫm ra nhất định phải là một tài năng đáng quý! Không giống mấy người bọn họ bụng dạ hẹp hỏi, tưởng rằng học được Thiên gia thi, Bách gia tính thì giỏi rồi đấy à? Nghiên cứu học thức quan trọng phải có ngộ tính, mà ta ngồi suy ngẫm giữa trời đất như vậy chính là “ngộ”, tương lai nói không chừng có thể viết nên huyền thoại, lập thành nghiệp lớn.

Tiên sinh cứ vậy chụp cho ta cái mũ của một bậc anh tài vô tiền khoáng hậu, “Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”*, khiến các sư huynh đệ nghe xong liền nhìn ta với ánh mắt vô cùng kính nể, vơi đi vài phần khinh miệt lúc trước, điều này khiến ta cảm kích vô cùng! Tiên sinh nói ta sau này có thể trở thành một đại thi hào, một nhà tư tưởng lớn, những lời này khiến ta trằn trọc cả một đêm, rồi hạ quyết tâm không thể phụ sự kì vọng của tiên sinh, tương lai nhất định phải viết một cuốn sách để cảm tạ ân dạy dỗ của tiên sinh — tuy rằng không thể viết “Luận ngữ” như thánh nhân đời xưa nhưng ít ra cũng có thể viết ra một cuốn “Đông Quách tiên sinh truyện” ca ngợi tấm gương sáng chói muôn đời!

*Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả: tương đương, vô tiền khoáng hậu, trước nay chưa từng có

Đáng tiếc sau khi ta thổ lộ rõ ràng suy nghĩ này với tiên sinh, thì mặt mũi Đông Quách tiên sinh đầu tiên xám xịt cả lại, tiếp đó thì đen kịt lại như than chì, liên tục xua tay giận dữ nói: “Thôi thôi thôi, ta cũng không cần ngươi dốc sức vì sư phụ này làm gì, chỉ cần mai sau nếu có ai hỏi sư phụ ngươi là ai, ngươi đừng nói ra tên ta là được!”

Vậy là ta lăn lộn ở “Nam sơn học viện” được hai năm, phụ mẫu đến thăm ta, đều vì ta tận tình tuân theo sư lệnh, bày ra bộ mặt cao thâm khó lường không có tý ngốc nghếch nào mà xém tý nữa bị hù chết.

Rốt cuộc cũng vô cùng vui vẻ vì cuối cùng ta cũng tìm được một danh sư, dù là trong khí chất hay hành vi thì đều có sự thay đổi lớn.

Mọi chuyện chỉ bại lộ bởi một viên quan kiểm sát việc học.

Đó là một lần bại lộ vô cùng thành công.

Hay nói cách khác, chính là ta thành công rồi, nhưng ta cũng suýt chút nữa lộ ra bộ dạng ngu ngốc trước mặt người ngoài, khiến tiên sinh chẳng dám giữ ta lại nữa.

Học viện Nam Sơn không giống với những trường tư thục thông thường, mà là một Quốc viện. [kiểu giống Quốc Tử giám]

Qua bao triều đại lịch sử, có rất nhiều đệ tử học tại đây làm quan trong triều, cho nên chế độ thi lên cấp cũng vô cùng nghiêm khắc.

Hai năm một lần, quan Sử bộ lại đến kiểm tra học vấn của cái đệ tử, từ đó lựa chọn ra các nhân tài ưu tú, đầu tiên là cấp cho tư cách đồng sinh [người chưa thi tú tài], để bọn họ có thể vượt cấp tham gia khoa cử năm sau.

Tại học đường cứ nửa tháng có một kì thi nhỏ, hết một tháng có một kì thi lớn, ta thì do được tiên sinh nhắm mắt cho qua, nên cũng chẳng ham thích gì mấy cuộc thi này.

Mà vị quan kiểm sát Dương Kì Phương lên lớp dạo gần đây cũng rất thực tế, cho rằng chỉ chúi đầu đọc sách sẽ khiến tư duy cứng nhắc, hữu thư không bằng vô thư, ông không thích áp dụng biện pháp thi viết, mà thích vấn đáp, cho nên sau khi ông tự mình đứng ra tuyển chọn nhân tài, thì được đám đệ tử đặt cho biệt hiệu Dương Tam Vấn.

Họ̣c trò có thể trả lời hết ba câu hỏi của ông, thì có thể đat được tư cách đồng sinh ưu tú, và đương nhiên, những câu hỏi ấy cũng vô cùng lắt léo, chuyên chọn những điểm không ai nghĩ tới để kiểm tra năng lực phản ứng cũng như trình động kiến thức với các bộ môn khoa không chính quy của đám học trò.

Đương nhiên, cái phần thi vấn đáp tại chỗ này không có phần ta.

Trông sư phụ đắc ý nhìn một đám học trò tâm hồn phơi phới bước vào phòng nhỏ, xong lại lầm lầm lũi lũi đi ra, ta vô cùng tò mò chẳng biết câu hỏi được đặt ra khó nhằn đến mức nào.

Đương nhiên, cũng chỉ có thể thầm nghĩ trong lòng vậy thôi.

Ngâm thơ, đối thơ, điền từ ta đều không biết, điểm duy nhất có thể khen ngợi ấy là vẽ tranh, nhưng sư phụ sau nhiều ngày khai phá ta thì nghẹn ngào thất vọng rằng không thể dạy dỗ ta thành một danh gia, bởi ta chỉ biết vẽ khuôn mặt mà thôi. Tuy rằng nói gương mặt được ta vẽ lại là chính xác đến từng chi tiết, ngay đến những vết rỗ lớn nhỏ, hay nốt ruồi cũng không hề sai lệch vị trí, nhưng ta lại chẳng thể hiểu nổi kĩ thuật chau chuốt cho bức tranh thêm đẹp.

Trên cơ bản, con người đều là kẻ thích tự lừa mình dối người, nhìn những bức tranh ta vẽ quá giống thật,làm các vị sư huynh đệ náo động cả lên bảo ta vẽ họ xấu đi.

Mà nhất là sư nương, được hôm hứng chí bảo ta vẽ cho một bức, vừa xem tranh xong thì nổi giận đùng đùng.

Ta không giống như họa sĩ ngày xưa, có thể chau chuốt nên khuôn mặt tựa hoa hồng, mặt sư nước có bao nhiêu vết rỗ lõm ta đều vẽ ra hết không chừa cái nào, vậy là sư nương trước giờ luôn cho mình khá là xinh đẹp phải chịu sự xỉ nhục trước nay chưa từng có.

Vậy coi như cái điểm mạnh duy nhất của ta cũng bị người khác xem thường, ta còn không có sở trường nào để thể hiện trước mặt mọi người, đừng nói đến chuyện vượt qua kì sát hạch của Dương Tam Vấn.

Cả học viện suốt ba ngày căng thẳng, với ta lại là những ngày thung dung, tự tại.

Nhưng việc ngoài ý muốn lại xảy ra vào đêm trước ngày Dương Tam Vấn rời đi.

Vì sợ ta lộ ra chân tướng, mà sư phụ trước giờ luôn sắp xếp ta ở hậu viện cách xa khu kí túc, trong ba ngày quan kiểm sát đến lại càng thêm nghiêm ngặt thực thi kế hoạch “kim ốc tàng kiều”.

Ta thì liên tục ăn no rồi ngủ, hoàn toàn nghe theo lời phụ thân dặn dò lúc trước, phải nghiêm túc chấp hành lệnh của tiên sinh. Ba ngày qua dù là đi vệ sinh cũng ở trong phòng, không ra khỏi cửa nửa bước.

Vào đêm cuối cùng, ta không nhịn được liền trốn đi nhà xí.

Đương nhiên, nếu như ta biết văn nhân nho sĩ đều có thói quen mất ngủ thì đi tản bộ đêm, thì dù có nghẹn chết ta cũng quyết không ra khỏi phòng đâu!

Ánh trăng đêm đó rất đẹp, chiếu xuống những khóm cúc tỏa ánh vàng lấp lánh.

Mà ta sau khi xả hết “nỗi buồn” tích tụ suốt ba ngày cũng vô cùng khoan khoái.

Ha ~ Toàn thân đều rất thư thái, niềm vui lớn nhất của đời người chính là đây.

Thế nhưng, trên đường từ nhà xí trở về phòng, ta lại bắt gặp một ông già mày cong cong, mắt cong cong, dưới cằm có một chòm râu thật dài.

Dáng vẻ thật đặc biệt! Ta nghĩ vậy.

Nếu để vẽ một bức tranh, thì trên giấy hẳn sẽ xuất hiện hình một con dê. Mà khí chất của ông ấy, nếu buộc phải nghĩ, thì giống như một con dê hình người chạy vào thư viện của chúng ta vậy.

“Xin chào “Dương” tiên sinh.”

Sư phụ đã dạy ta, phải lịch sự với người khác, ấy chính là cái gọi là lễ nhiều người cũng khó trách ta! Vậy nên mặc dù ta nhiều lần ngơ ngẩn đắc tội với người khác, như dẫu sao cũng đối với họ vài bậc lễ nghĩa nên cũng chẳng mấy ai trách tội làm gì.

Cho nên ta lộ ra nụ cười hòa ái ngốc nghếch, chào hỏi Dương tiên sinh không hiểu vì sao đột ngột xuất hiện ở hậu viện.

Hắn “A” một tiếng, chòm râu dưới cằm rung rung, giống như dê đang nhai cỏ, thật buồn cười.

Ta cố gắng đè cơn buồn cười của mình xuống, bởi lẽ chính sư phụ đã nói rằng, ta mỗi lần thả lỏng một chút là liền cười như thằng ngớ ngẩn. Mà đúng vậy thật, ông cụ kia đang nhìn ta chau hết cả mày lại.

“Ngươi cũng là đệ tử của học viện?”

Dương tiên sinh coi bộ tâm tình không tốt lắm, sắc mặt thật âm u giống như bị nghẹn vậy, rất giống… rất giống ta lúc vội vàng muốn vào nhà xí.

Chẳng lẽ bị táo bón?

Nghe nói động vật ăn cỏ không hay bị táo bón đâu, vì cây cỏ có nhiều chất xơ giúp nhuận tràng.

Nói như vậy, thì ông ấy chính là động vật ăn cỏ đầu tiên bị táo bón.

Đáng thương thay!

Ta vô cùng đồng cảm với ông.

Đúng rồi, nghe nói hoa cúc là cây tính hàn, hoa, thân, lá sau khi nghiền ra sẽ trở thành một thức trà thanh nhiệt hảo hạng, chắc có ích cho ông ấy.

Thế là ta gật đầu với ông lão một cách thật thân thiện, ý bảo ông chờ một chút.

Quay người về phía bồn hoa, hái lấy một cành hoa cúc.

“Tốt lắm, vậy ta hỏi ngươi, ngươi có biết lai lịch của học viện này không?”

Ông lão có lẽ hiểu được ý tứ của ta, liền đứng sát phía sau, vừa tò mò xem ta đang làm gì, vừa hỏi vấn đề mà tất cả đệ tử của học viện Nam sơn đều biết.

Đương nhiên, ấy là chỉ những đệ tử bình thường. Lúc ta mới vào học, Đông Quách tiên sinh cũng đã làm cả một bài diễn văn dài dằng dặc về nguồn gốc của học viện Nam Sơn, trải qua bao nhiêu triều đại, quang vinh hiển hách nhường nào, nhưng làm sao mà ta nhớ nhiều như vậy được?

Được rồi, làm chính sự quan trọng hơn.

Ta hái một đóa cúc đang nở rộ, cười hì hì đặt vào tay ông lão, thứ này sẽ giúp chữa bệnh táo bón của ông đấy.

“Đây là đáp án của ngươi?”

Ông lão nhận hoa xong, thì đột nhiên kích động.

“Đúng, đúng vậy, ‘Thải cúc đông li hạ, du nhiên kiến nam sơn’*. Học viện Nam Sơn khi mới thành lập, cũng có ý nghĩa như vậy. Tâm tính thanh nhã, ung dung của Đào Uyên Minh tiền bối năm xưa, mới chính là gốc rễ của học viện Nam Sơn chúng ta! Tiếc thay, tiếc thay! Người tiến vào quan trường ngày một nhiều, mà lũ học trò lại quên mất cốt cách ‘không khom lưng vì năm đấu gạo’* của Đào tiền bối. Mở miệng thì nào là thành lập vào năm Thái Tổ, ngậm miệng cũng lại Minh Tổ đích thân đề tên Học viện Nam Sơn! Hầy, tất cả đều quên, quên hết sạch nguồn gốc, kẻ sĩ không màng danh lợi nay còn lại mấy ai? Cổ nhân nói rằng: ‘Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn’*. Đóa cúc này chính là căn bản cho tinh thần của Đào tiền bối…”

*Thải cúc đông li hạ, du nhiên kiến nam sơn: Hái cúc bên rào đông, nhàn nhã ngắm Nam sơn. Đây là một câu thơ của Đào Uyên Minh.

*Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn: Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. Đây là lời dạy con của Khổng Minh.

Ta chỉ tặng Dương tiên sinh đây có một cành hoa, vậy mà ông ấy bô lô ba la ca cả một bài như thế làm gì chứ?

Ta chẳng hiểu gì hết, nhưng sư phụ có dạy trong lúc người khác đang nói mà cắt ngang hoặc bỏ đi thì rất thiếu lễ độ, vậy nên ta vẫn nở nụ cười ngu ngơ trước sau như một, đứng bên khóm cúc nghe Dương tiên sinh chỉ dạy.

Đoạn vị Dương tiên sinh đây nói từ cuộc đời của Đào Uyên Minh tiên sinh cho tới tác phẩm “Đào nguyên kí” của ông, nói tới say sưa mê mải, đến giờ mới sực tỉnh ra mà “hừ” một tiếng, lại trưng ra cái vẻ mặt táo bón sống không bằng chết hỏi ta: “Ta lại hỏi ngươi, tiên đế từng phong cây ngân hạnh là ‘hộ quốc bảo thụ’. Ai cũng biết, cây ngân hạnh còn được gọi là cây công mẫu [đực cái], ta hỏi ngươi, loại cây nào muốn phân biệt đực cái, thì phải làm thế nào?”

“Quan sát tất cả các đóa hoa đã nở trên cả hai cây. Hình dáng bên ngoài của ngân hạnh đực và cái không khác gì nhau, chỉ có điều, khi cây cái nở hoa vào tháng tư, thì chùm hoa của cây đực vẫn còn rất nhỏ, gồm nhiều bông hoa nhỏ màu vàng nhạt kết lại với nhau, rủ xuống giống như con sâu róm, hình dáng từa tựa nam căn. Một chùm hoa của cây cái gồm 6, 7 bông hoa mọc thành một nhóm, ở giữa có một cuống dài, trên đầu cuống tách ra làm hai, môi bên là một noãn hình cuống rốn.”

Hê hê, chuyện này hỏi ta là phải rồi.

Ta ngày nào cũng chạy chơi ở sau núi, làm gì có loại hoa cỏ cây cối, chim bay thú chạy nào mà ta không biết chứ.

Huống chi, phía sau núi là cả một rừng ngân hạnh.

Sư phụ thường dạy bảo chúng ta trong việc học là phải biết gì nói đấy, nói cho bằng sạch.

Hiếm có dịp có người tới học hỏi ta, sao có thể không nghiêm túc trả lời cơ chứ! (mà càng hiếm khi ta biết câu trả lời thế này)

“Hình dáng từa tựa nam căn? Thô tục! Thô tục! Đúng thật là, không hỏi ngươi mấy vấn đề linh tinh ngoài lề này nữa. Ta hỏi ngươi “Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư đạo”* là của vị danh gia nào?”

*Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố ky ư đạo: Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước.  Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo. Trích từ “Đạo đức kinh” là cuốn sách được viết bởi triết gia nổi tiếng Lão tử.

Dương tiên sinh nhìn ta, thổi râu trừng mắt hồi lâu, lại còn giáo huấn ta, chắc thấy hỏi ta có bấy nhiêu tôi thì ít quá, nghĩ một lúc, lại gật gù đắc ý phun ra một mớ sách vở.

Người này đến là kì!

Sao vừa gặp ta đã hỏi hết chuyện này tới chuyện nọ vậy chứ?

Bị mắng một trận, lại còn bị hỏi thứ mình chẳng biết, vậy nên ta quyết ý quay đầu, tính lách qua người ông ta.

Thế nhưng, vừa ngẩng đầu lên cái đã thấy một nhân vật không ngờ tới xuất hiện, dọa ta tới hồn vía lên mây.

“Sư… sư… sư…”

Ta lắp ba lắp bắp như vậy, hoàn toàn là bởi Đông Quách lão tiên sinh nhà ta đang trưng ra bản mặt tức giận đen xì xì đứng ở cửa hoa viên, có vẻ đã đứng đó nghe rất lâu rồi.

Xong đời!

Tiên sinh nghiêm lệnh không cho ta được phép ra khỏi cửa nửa bước, ta dám tự tiện ra ngoài lại còn cùng người ta nói chuyện tào lao một hồi, nhất định sẽ bị bắt chép phạt.

Chép phạt đáng sợ lắm ấy.

Ta quả thực không hiểu mấy cái hàng chữ ấy viết cái gì, mỗi một chữ đều như đinh đóng vào đầu, lần nào cũng mệt tới giã cả người ra.

“Là ‘Đạo đức kinh’ của Lão tử đúng không? Khụ, cái thằng nhóc này đúng là chẳng nghe lời gì cả, rõ ràng đã bảo ngươi đừng vội xem mấy thức sách cao thâm đó làm gì, người lại cứ tự xem trước!” Thấy ta phát hiện ra sự có mặt của tiên sinh, lại còn “sư” nửa ngày trời cũng không hạ câu được, Đông Quách tiên sinh cái khó ló cái khôn, đi ra từ chỗ giấu mình, cười làm lành với “Dương” tiên sinh: “Thanh tra Dương, thằng nhóc này năm nay mới vào học viện, ta sợ cùng một lúc mà dạy nhiều quá thì nó không tiếp thu được, nên mới bảo ngoài “Luận ngữ”, “Đại học”, “Trung dung” thì những thứ khác đọc ít một chút. Có ngờ đâu, nó vẫn cứ tự ý xem thêm, vậy nên vừa nhìn thấy ta ở đằng xa liền sợ hãi không nói nên lời.”

“Trẻ nhỏ dễ dạy, trẻ nhỏ dễ dạy! Cậu bé này biết vận dụng kiến thức đã học, lại đối đáp linh hoạt, không hề cứng nhắc rập khuôn như những kẻ khác, thật là kì tài trăm năm có một! Đông Quách tiên sinh, lần này ta đến Nam sơn tìm mãi trong đám học trò chẳng thấy kẻ nào xứng với cái danh Đồng sinh ưu tú cả, còn tưởng phải tay không ra về, nào ngờ cuối cùng vẫn thấy được một viên minh châu giữa biển cả! Thực không uổng chuyến này!”

Đáp lễ với Đông Quách tiên sinh, Dương tiên sinh kia cười vui vẻ, bộ dạng táo bón ban đầu cũng thuyên giảm đi phần nào, mà sư phụ ta nghe được mấy lời này cũng vô cùng vui sướng, hai người cười khoái trí, khiến ta chẳng thể nào hỏi được ban nãy vừa xảy ra chuyện gì.

Sau ta mới biết được, những câu hỏi của Dương tiên sinh lần này toàn là dạng hiếm có, lắt léo, trêu chọc cả đám học sinh nghiêm trang đàng hoàng, đùa dai đến mức họ bốc hỏa, ba ngày tuyển sinh đã trôi qua, nhưng lại chẳng tìm được một Đồng sinh nào.

Tốt xấu gì học viện Nam Sơn cũng là ngôi trường lớn hàng đầu nơi đây, nếu không tìm ra được một học trò đạt chuẩn nào, thì khó bề ăn nói.

Tối hôm đó còn đang âu lo không biết viết báo cáo nhiệm vụ ra sao, lại chẳng ngờ gặp được bông hoa quý giữa rừng hoa là ta đây.

Theo như lời của Dương tiên sinh, ta chẳng những trả lời câu hỏi một cách vô cùng linh hoạt, mà còn nắm rõ cả những kiến thức thường thức, nhất là khi ông hỏi tới ‘Đạo đức kinh’ ít người lưu ý đến mà ta vẫn biết được mới tài, phần còn lại thì khỏi phải nói (đương nhiên là nhờ Đông Quách tiên sinh cái khó ló cái khôn chạy ra che giấu hộ, nếu không ta làm sao biết nổi lai lịch của ‘Đạo đức kinh’ kia chứ).

Chớp mắt cái, nhiệm vụ của thanh tra Dương đã hoàn thành, học viện Nam sơn cũng giữ được mặt mũi. Ai nấy đều vui vẻ.

Vậy là, ngày hôm sau ta cầm bức thư tiến cử đồng sinh có in con dấu lớn, ngắm ba chữ “Dư Phúc Thường” như rồng bay phượng múa được viết trên đó. Ta nghiên cứu bản công văn đó suốt ba ngày trời mới hiểu ra, mình bắt được cái vận may mà người ta cầu chẳng được.

Ta dành được vinh quang cho học viện, Đông Quách tiên sinh rất vui vẻ.

Nhưng ông cũng không dám giữ ta lại nữa.

Bởi một là, được tuyển làm Đồng sinh là chuyện ngoài ý muốn, năm sau phải tiếp tục tham gia khoa cử.

Hai là ông thấy ta ở đây được hai năm, mới mười lăm tuổi đã vượt qua các đệ tử khác mà dành được danh hiệu Đồng sinh, ông coi như không phụ sự ủy thác của phụ thân ta, cùng chỗ học phí gia đình ta bỏ ra.

Vậy là đến ngày thứ ba, ta vui vui vẻ vẻ được mọi người đội cho vương miện thần đồng, khi những việc làm ngờ nghệch khiến người ta nghi ngờ của ta còn chưa rò rỉ ra bên ngoài, Đông Quách tiên sinh cùng ta chia tay trong nước mắt, ông còn tiễn ta ra đến tận xe ngựa mà người nhà cử đến, con đường tìm tòi học hỏi ngắn ngủi mà huy hoàng của ta đến đây kết thúc.