Sông Đông Êm Đềm

Chương 7




Đoàn xe dừng lại nghỉ đêm bên cạnh một nấm kurgan 1 to bè bè, toàn cát vàng, chẳng có cây cối gì cả.

Một đám mây từ phía tây bay tới. Mưa nhỏ giọt dưới cái cánh đen ngòm của nó. Ngựa dã được đưa ra ao uống nước. Trên con đê, những cây liễu buồn rũ rượi uốn lưng dưới làn gió. Một ánh chớp in hình méo mó lên làn nước đầy rong xanh, sóng gợn lăn tăn như vẩy cá. Làn gió bủn xỉn vẩy xuống vài giọt mưa, như ban của bố thí cho những bàn taỳ đen sì của mặt đất.

Sau khi bị chằng hai chân sau, những con ngựa được thả cho đi ăn cỏ. Ba anh chàng bị cắt gác. Những người còn lại nhóm lửa, treo nồi lên gọng xe nấu ăn.

Khristonhia được trao cho việc nấu nướng. Hắn vừa ngoáy cái muỗng trong nồi vừa kể chuyện cho mấy anh chàng Cô- dắc ngồi quanh nghe:

- Có một cái kurgan cao đại khái cũng như cái nầy. Mình bèn nói với ông cụ nhà mình, ông cụ nay đã mồ yên mả đẹp: "Cha ơi, nếu không có phép tắc gì mà cha con ta cứ moi ruột cái kurgan ra, thì ông ataman 2 có làm rầy rà không nhỉ?".

- Nó đang tán phét cái gì ở đấy thế? - Stepan hỏi. Anh ta vừa ở chỗ những con ngựa trở về.

- Mình đang kể chuyện mình và ông cụ nhà mình đi tìm của đây. Ông cụ nhà mình đã mồ yên mả đẹp rồi, cầu Chúa cho cụ được hưởng phúc nơi thiên đường.

- Hai cha con cậu tìm của ở đâu thế?

- Chỗ ấy là sau cái khe Fechisovaya đấy cậu ạ. Mà cậu cũng biết cái kurgan Merkulov chứ?…

- Phải, phải… - Stepan ngồi xổm bỏ một hòn than nhỏ lên lòng bàn tay lăn đi lăn lại hòn than, chẩu môi mãi mới châm được điếu thuốc.

- Thôi mình kể nốt nhé. Ông cụ bèn bảo mình: "Thôi được, Khristonhia ạ, cha con ta đi đào cái kurgan Merkulov đi". Vốn là ông cụ nhà mình đã được ông nội mình cho biết rằng trong kurgan có giấu của. Nhưng của chôn thì đâu phải bất cứ người nào cũng có thể được hưởng. Ông cụ nhà mình bèn cầu Chúa: "Lạy Chúa cho tôi được của, tôi sẽ dựng một ngôi nhà thờ thật đẹp". Thế là cha con mình quyết chí đi đào kurgan. Kurgan là đất công của trấn, cho nên chỉ còn lo về phía lão ataman. Trời sẩm tối thì cha con mình ra đi. Chờ đến khi trời tối hẳn, cha con mình buộc chân sau con ngựa cái rồi mang xẻng bò lên đỉnh kurgan, và bắt đầu đào thẳng từ trên đỉnh xuống. Đào mãi được một cái hố chừng hai ác- sin. Chỗ ấy không là đất, mà phải nói là đá mới đúng: kurgan đắp quá lâu đời nên đã rắn chắc. Người mình ướt đẫm cả. Ông cụ nhà mình luôn miệng cầu nguyện, còn mình thì anh em ạ, các cậu có tin được không, trong bụng cứ sôi sùng sục… Mùa hè thường hay ăn uống bậy bạ như thế nào thì các cậu cũng biết đấy: hết sữa chua lại nước kvas 3 Bụng đau thắt, tưởng chết ngay được… ông cụ nhà mình nay đã mồ yên mả đẹp rồi, cầu Chúa cho cụ được hưởng phúc nơi thiên đường, ông cụ nhà mình bèn bảo mình: "Hừ, Khristonhia, mày thật là một của rác rưởi! Tao thì cầu nguyện mà mày thì có cái ăn vào bụng cũng không giữ lại được. Tao không thể nào thở được nữa rồi". Rồi ông cụ nhà mình lại nói: "Thôi cút xuống dưới chân kurgan kia, không tao lại cho một xẻng chặt phăng đầu mày đi bây giờ. Đồ chết tiệt, mày đến làm cho bao nhiêu của đều lẩn hết xuống đất mất thôi!" Mình nằm dưới chân kurgan, bụng đau nhoi nhói như kim châm. Nhưng ông cụ đã quá cố nhà mình hồi ấy thật là quái quỷ xương đồng da sắt! Cụ vẫn cắm cúi đào một mình. Cụ đào, cụ bới cho tới khi thấy một tấm đá phẳng. Cụ bèn gọi mình lên. Mình luồn một cái thuốn xuống dưới, bẩy tấm đá ấy lên… Và các cậu ạ, các cậu hãy tin mình. Hôm ấy trăng sáng, bên dưới tấm đá lóng la lóng lánh những…

- Thôi đi Khristonhia, cậu chỉ bịa! - Petro không nhịn được nữa.

Anh chàng vừa nói vừa mỉm cười, vê vê bộ ria.

- Sao lại "bịa"? Cút mẹ cậu đi đằng nào thì đi! - Khristonhia xốc xốc cái quần rộng thùng thình, đưa mắt nhìn tất cả mọi người đang nghe. - Không, mình không bịa đâu? Lạy Chúa tôi, đúng như thế đấy!

- Ừ thế thì cậu kể hết cho ngành ngọn đi xem nào!

- Thế là các cậu ạ, cứ thấy lóng la lóng lánh. Mình nhìn kỹ thì ra toàn là than cháy dở. Trong hố tất cả có tới bốn mươi mera 4 ấy. Ông cụ nhà mình liền bảo: "Khristonhia ạ, mày thử mò xuống bới ra xem nào". Mình bèn mò xuống, đào đào bới bới mãi cái của tội của nợ ấy cho đến lúc mặt trời mọc. Sáng ra, mình ngước mắt nhìn lên thì thấy ngay lão, lão đã lù lù ở đấy rồi.

- Ai cơ chứ? - Tomilin đang nằm soài trên tấm áo ngựa cũng phải chú ý.

- Lão ataman chứ còn ai nữa. Lão tới đó trên một chiếc praletka 5. "Ai cho phép chúng mày làm thế, hai thằng liều lĩnh bừa bãi nầy?" Hai cha con mình cứ là ngậm tăm. Lão bèn giữ cả hai rồi bắt lên trấn. Năm kia toà án ở Kamenskaia đã có trát gọi, nhưng ông cụ nhà mình đoán trước được chuyện ấy, nên cụ đã kịp về chầu Chúa trước rồi. Họ bèn làm lấy lệ một tờ giấy chứng thực rằng ông cụ không có tên trong danh sách những người còn sống nữa.

Nồi cháo bốc khói nghi ngút, Khristonhia nhấc xuống rồi đến bên chiếc xe để lấy cùi dìa.

Stepan chờ Khristonhia lấy cùi dìa về rồi mới hỏi:

- Thế sau đó ông cụ nhà cậu làm thế nào? Hứa hẹn cất một toà nhà thờ rồi không xây nữa, có phải không?

- Stepan ạ, sao cậu xuẩn thế, chỉ được một đống than mà cũng xây nhà thờ à?

- Đã hứa rồi thì phải làm chứ?

- Than với củi thì chẳng có điều kiện điều kiếc gì cả. Còn như được của thật…

Tiếng cười rộ làm rung cả ngọn lửa. Khristonhia đang cắm cúi với cái nồi cũng phải ngẩng cái đầu ngốc nghếch, rồi chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cũng phá lên cười khồ khồ, át cả tiếng mọi người.

--- ------ ------ ------ -------

1 Nấm mồ, các dân tộc thời cổ đắp to như cái gò.

2 Ataman là cái tên mà dân Cô- dắc ở nước Nga thời Nga Hoàng dùng để gọi các thủ lĩnh được bầu ra ở tất cả các cấp. Đứng đầu toàn Quân khu sông Đông thì có ataman quân khu. Đứng đầu các trấn có các ataman trấn. Khi một chi đội Cô- dắc ra trận thì có bầu một ataman đặc biệt, gọi là ataman hành binh. Theo nghĩa rộng thì ataman có nghĩa là thủ lĩnh. Sau khi tầng lớp Cô- dắc sông Đông hoàn toàn mất hết quyền tự trt, danh hiệu ataman của tất cả các quân khu Cô- dắc được trao cho Đông cung thái tử. Trên thực tế, các quân khu Cô- dắc là do các ataman được bổ nhiệm chỉ huy (Lời chú của bản tiếng Nga).

3 Một thứ nước uống vị hơi chua làm bằng bột, bánh mì, hoa quả (ND).

4 Một mera bằng khoảng 26,24 lít (ND).

5 Một thứ xe ngựa kiểu nhẹ, bốn bánh, có hai chỗ ngồi (ND).