Sông Đông Êm Đềm

Chương 70




Cả lính khoá ba cũng bị gọi đi cùng một lượt với lính khoá hai. Các trấn, các thôn hai bên sông Đông đều vắng tanh vắng ngắl, cứ như tất cả nhân dân vùng sông Đông đều đi gặt, đi làm các công việc ngày mùa.

Năm ấy, một vụ gặt cay đắng đã diễn ra rầm rộ trên các vùng biên giới: Thần chết đã xách cổ không biết bao nhiêu người dân lao động, và đâu phải chỉ có một người đàn bà Cô- dắc đầu tóc rũ rượi gào khóc người đã khuất: "Ôi anh yêu dấu, anh ơi là anh ơ- ơ- ơi! Anh bỏ em để đi với ai thế nầy, anh ơi là anh ơi? "

Những người thân yêu gục xuống khắp bốn phương, đổ ra như suối dòng máu Cô- dắc, và không bao giờ mở mắt nữa, không bao giờ tỉnh lại nữa, mà chỉ tan rữa dưới lời cầu hồn của hoả lực pháo binh ở Áo, ở Ba Lan, ở Phổ… Có lẽ gió đông cũng không đưa lại cho họ nghe thấy tiếng khóc của mẹ già vợ dại. Tinh hoa của dân Cô- dắc đã rời bỏ nhà cửa xóm làng và tiêu ma trong chết chóc, chấy rận, kinh hoàng tại các nơi đó.

Một ngày tháng chín đẹp trời, có đám mây mỏng dính như mạng nhện, mầu trắng sữa óng ánh những sắc cầu vồng, xốp như bông, bay qua thôn Tatarsky. Vùng mặt trời băng huyết gắng gượng nở một nụ cười goá bụa, màu xanh đồng trinh, khắc khổ của nền trời mom tinh khiết và kiêu hãnh đến khó chịu. Bên kia sông Đông, khu rừng bắt đầu nhuốm sắc vàng hiện lên sầu thảm, những cây tiêu huyền phản chiếu một thứ ánh sáng bềnh bệch, những cây sồi để rơi vài chiếc lá hiếm hoi đầy những hoa văn chạm khắc, chỉ những cây xích dương là xanh rờn như chọc vào mắt, và sức sống hừng hực ấy đã làm vui mắt những con ác là bay nhanh vùn vụt.

Hôm ấy ông Panteley Prokofievich nhận được một bức thư từ đơn vị chiến đấu gửi về. Bức thư ấy do Dunhiaska mang từ nhà dây thép về. Khi trao bức thư ấy, người chủ sự dây thép đã hạ mình cúi chào, lắc lắc cái đầu hói, khoát rộng hai tay:

- Cô hãy vì Chúa mà thứ lỗi cho tôi, tôi đã lỡ bóc bức thư nầy ra xem trước. Cô về nói hộ với ông nhà như thế nầy nhé: cô bảo rằng bác Firk Sidorovich bác ấy đã bóc thư như vậy chỉ vì bác ấy rất muốn biết tình hình ngoài ấy đánh nhau ra sao thôi… Thôi cô thứ lỗi cho tôi nhé và cô về thưa hộ với cha, với ông Panteley Prokofievich như thế nhé.

Khác hẳn ngày thường, nom người chủ sự dây thép ngơ ngơ ngác ngác. Ông ta đưa tiễn Dunhiaska mà không biết rằng mũi mình đang dây đầy mực:

- Bên nhà ta đừng bực mình vì tôi nhé, lạy Chúa cứu thế… tôi có là nơi quen thuộc thì mới… - Người chủ sự dây thép lắp bắp nói sau lưng Dunhiaska những lời chẳng mạch lạc gì cả, rồi lại cúi chào lần nữa. Cô bé thấy vậy giật nẩy mình, và cảm thấy như đã được báo trước điều gì.

Về tới nhà, Dunhiaska hồi hộp quá, mãi không lấy được bức thư trong ngực áo ra.

- Có nhanh lên không, con bé nầy? Ông Panteley Prokofievich vừa quát lên vừa vuốt chòm râu nảy bần bật.

Dunhiaska lấy được chiếc phong bì ra, nói liến thoắng:

- Bác chủ sự dây thép bác ấy bảo vì địa chỉ cho nên bác ấy đã lỡ đọc bức thư, và cha đừng giận bác ấy.

- Mặc xác bác ấy! Của thằng Griska à? - Ông già sốt ruột hỏi, hơi ông thở hổn hển phả cả vào mặt Dunhiaska - Hình như của thằng Grigori phải không? Hay của thằng Petro?

- Không phải đâu cha ạ… thư nầy tay người khác viết đấy.

- Thôi mày đọc đi, đừng làm tình làm tội người ta nữa? - Bà Ilinhitna kêu lên rồi nặng nề lăn tới chiếc ghế dài (hai chân bị sũng nặng, nên khi đi bà rất ít nhấc chân, thành thử nom cứ như lăn trên những bánh xe nhỏ).

Natalia hổn hển chạy từ ngoài sân vào đứng bên bếp lò. Nàng áp chặt hai bàn tay lên ngực, cái cổ tàn tật còn mang vết sẹo vẹo sang một bên, nụ cười run run xao xuyến trên môi như một điểm nắng.

Nàng chỉ chờ được Grigori hỏi thăm một lời, được Griska nhắc tới, dù chỉ sơ sơ, qua quít, miễn là có gì đền bù cho cả tấm lòng quyến luyến, trung thành của nàng chẳng khác gì của một con chó.

- Còn con Daria đâu rồi? - Bà già khẽ hỏi.

- Có câm đi không! - Ông Panteley Prokofievich gầm lên (ông điên tiết, hai con mắt trợn tròn xoe) rồi ra lệnh cho Dunhiaska đọc

"Tôi xin báo để ông rõ…- Dunhiaska vừa bắt đầu đọc đã khuỵu trên chiếc ghế dài xuống, người run bần bật, rồi thất thanh gào lên - Cha ôi! Cha yêu của con ơi! Ới mẹ ơi? Anh Griska nhà ta! Hu! Hu! Anh Griska! bị chúng nó giết rồi!

Một con ong vò vẽ lăn vào vướng trong đám là cây phong lử thảo héo hon, cứ vo vo đập mình mãi vào một khung cửa sổ. Ngoài sân, một con gà mái kêu cục cục, coi bộ đến là bình an vô sự. Qua cánh cửa mở toang, một tiếng cười của con nít vẳng từ xa vào trong phòng, lanh lảnh như tiếng nhạc ngựa.

Mặt Natalia rúm ró như bị chuột rút, nhưng nụ cười vừa nãy rung rung hai bên mép chưa kịp tan hẳn.

Ông Panteley Prokofievich đứng dậy, đầu ngật ngẩt như lên chứng kinh giật. Ông ngơ ngác, ngây dại nhìn Dunhiaska lăn lộn dưới đất.

" Tôi xin báo để ông rõ là con trai ông, chiến binh Cô- dắc Grigori Panteley Melekhov thuộc trung đoàn Cô- dắc sông Đông số 12 đã chết trận đêm 16 tháng mười Hai năm nay trong trận chiến đấu ở gần thành phố Kamenko- Strumilovo. Con trai ông đã hy sinh anh dũng, mong rằng đối với ông đó cũng là một niềm an ủi trước một sự mất mát không gì đền bù lại được. Các đồ vật riêng còn lại sẽ chuyển cho người anh ruột của chiến binh là Petro Melekhov. Con ngựa sẽ giữ lại trung đoàn.

Đại đội trưởng đại đội bốn, thượng uý Polkonikov

Bộ đội chiến đấu

Ngày 18 tháng chín năm 1914".

Sau khi nhận được tin báo Grigori chết trận, ông Panteley Prokofievich lập tức suy nhược hẳn đi. Trước mắt những người thân thuộc, mỗi ngày ông già đi trông thấy. Kết cục nặng nề hình như đang xồng xộc đến với ông, không tránh đâu cho thoát. Trí nhớ ông sút kém, xét việc cũng đâm ra lẩm cẩm. Ông cứ gù gù cái lưng lang thang khắp nhà, da đen xạm lại như màu gang, toàn bộ lâm trạng hỗn loạn của ông đều lộ rõ trong ánh mắt lừ đừ, nóng rực.

Ông tự tay cất bức thư của viên đại đội trưởng xuống dưới chỗ để các hình thánh. Mỗi ngày ông ra phòng ngoài đến mấy lần, giơ ngón tay vẫy Dunhiaska.

- Ra đây cha bảo.

Dunhiaska bước ra.

- Mày mang bức thư viết về thãng Grigori ra đây. Đọc đi! - Ông lão ra lệnh rồi lo lắng đưa mắt về phía cái cửa ăn vào phòng trong.

Sau cánh cửa ấy, bà Ilinhitna đang bị hành hạ bởi nỗi đau buồn không lúc nào nguôi.

- Mày đọc thật khẽ thôi nhé, cứ như đọc thầm cho mình nghe ấy, - Ông nháy mắt nom rất láu cá, rồi thu nhỏ người lại, đưa mắt về phía cái cửa, - đọc khẽ thôi nhé, kẻo mẹ mày… đến tai vạ mất…

Dunhiaska nuốt nước mắt đọc câu đầu. Ông Panteley Prokofievich thường là ngồi xổm xuống nghe, nhưng vừa nghe đến đấy ông đã giơ thẳng bàn tay đen thủi, to lù lù như móng ngựa.

- Thôi! Phần dưới tao biết rồi… Lại đem vào, đặt xuống dưới những hình thánh đi… Thật khẽ thôi nhé, nếu không mẹ mày… - Rồi ông lại nháy mắt một cách đáng ghét, người co quắp như miếng vỏ cây bị bén lửa.

Tóc ông bạc từng đám, chẳng bao lâu trên đầu đã đầy những đốm trắng loá mắt, chòm râu cũng mỗi ngày một thêm nhiều sợi bạc.

Ông bắt đầu ăn như thần trùng, ăn bừa bãi bẩn thỉu, ăn nhiều vô kể.

Sau lễ cầu hồn chín ngày, cha Visarion và bạn bè thân thuộc được mời đến dự bữa ăn tưởng nhớ đứa con chết trận Grigori của gia đình.

Ông Panteley Prokofievich nuốt vội nuốt vàng, ăn lấy ăn để, những sợi mì bám từng vòng từng vòng trên râu ông. Mấy ngày gần đây bà Ilinhitna đã lo sợ theo dõi chồng. Bà thấy vậy, khóc oà lên:

- Kìa bố nó? Bố nó làm sao thế?

- Có gì mà làm sao? - Ông già luống cuống rời cặp mắt đục ngầu khỏi cái bát đã vơi hẳn.

Bà Ilinhitna xua tay quay đi, được chiếc khăn tay thêu hoa vo tròn lên chùi nước mắt.

- Cha ạ, cha ăn cứ như người ba ngày chưa có gì vào bụng ấy! - Daria trừng mắt nói giọng đanh ác.

Ăn ấy à? Ừ, phải, thế… thế… thế… tôi sẽ không thế nữa… - Ông Panteley Prokofievich lúng túng, ngơ ngác nhìn một lượt những người ngồi quanh bàn rồi nhay nhay cặp môi, nín lặng, mặt mày nhăn nhăn nhó nhó, ai hỏi gì cũng không trả lời nữa.

- Phải cứng rắn lên mới được, Prokofit ạ. Tại sao con lại tuyệt vọng đến như thế? - Sau bữa ăn tưởng niệm, lão cố đạo Visarion an ủi ông. - Cái chết của Grigori là một cái chết thần thánh con chớ nên làm Thượng đế giận dữ. Có con trai vì đức vua, vì Tổ quốc độ vòng gai chịu nạn mà con… Như thế là tội lỗi đấy, Panteley Prokofievich ạ, con có tội đấy… Thượng đế sẽ không tha thứ cho đâu!

- Con sẽ làm như thế, thưa cha… con sẽ cứng rắn "Hy sinh anh dũng", ông đại đội trưởng cũng đã viết như thế.

Ông già hôn tay lão cố đạo rồi vịn tay vào cái rầm cửa, khóc oà lên, người run bần bật. Đây là lần đầu tiên ông khóc suốt trong thời gian từ khi được tin con trai chết trận đến nay.

Từ hôm ấy, ông đã thắng được cái yếu đuối của mình và tinh thần dần dần trở lại bình thường.

Mỗi người hàn gắn một cách vết thương trong lòng mình.

Sau khi nghe Dunhiaska đọc tin báo Grigori chết trận. Natalia chạy vùng ra sân nuôi gia súc: "Tự tử quách cho xong? Đối với mình bây giờ tất cả thế là hết! Mau mau lên thôi!" - ý nghĩ ấy theo đuổi nàng, rát như lửa bỏng. Natalia vật vã lăn lộn trong tay Daria và chỉ cảm thấy nhẹ nhõm một cách sung sướng khi đã bất tỉnh.

Nhưng tránh sao được cho nàng, lúc tỉnh lại và nhớ ngay những chuyện xảy ra. Nàng sống một tuần trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê rồi lại quay về với thế giới thực tế, người đổi khác hẳn, trầm lặng hẳn đi, chìm trong một sự suy nhược đen tối… Người chết vô hình đã đến ở trong nhà Melekhov, và những người sống cứ phải thở cái hơi thây ma như phớt ánh xanh xanh.