Sống Như Tiểu Cường

Chương 36




Tôi đã làm quen dần với công việc của mình, nỗ lực làm việc hơn bất cứ ai. Lúc này tôi cần một công việc ổn định hơn bao giờ hết, một công việc mà đến tháng được lĩnh lương, vì mẹ đang sống ở đây, một ngày nào đó chị Trần cho người khác thuê phòng, tôi còn phải giúp mẹ tìm phòng mới. Tôi cười thân thiện với bất cứ ai nhìn tôi với ánh mắt ghen ghét, hết lần này đến lần khác, đến khi họ ngại không còn nhìn tôi bằng con mắt ghen ghét nữa.

Ngày nào tôi cũng tranh pha trà, rót nước, sắp xếp bàn làm việc cho giám đốc Giang và tổ trưởng Sa, hành đồn của tôi làm cho các đồng nghiệp khác không hài lòng vì họ cũng phải tỏ thái độ làm việc chăm chỉ nếu không muốn bị coi là quá kém cỏi.

Tôi đang đợi ngày lĩnh lương vì thời tiết ngày càng lạnh hơn rồi, tôi phải mua cho mẹ một chiếc chăn bông.

Buổi trưa tôi không ăn cơm ở công ty vì ở đó rất đắt, tôi về ăn cùng mẹ, Tứ Mao và Tiểu Thúy, như vậy có thể tiết kiệm được chút ít.

Công ty cách chỗ ở của tôi không xa lắm, ngày nào tôi cũng đi bộ về, ngày trước đi học trên thị trấn đường còn xa hơn bây giờ nhưng tôi cũng đi bộ suốt.

Hôm nay thời tiết thật tuyệt, đầu đông hiếm khi có được thời tiết thế này lắm, tôi đem tài liệu đi gửi cho một công ty khác, công việc cũng rất thuận lợi nên trốn về nhà sớm một chút, gần đến khúc rẽ, thấy chị Trần đang nói chuyện với một người đàn ông tôi bèn tiến lên nghe ngóng.

Tôi thấy người đàn ông kia nói: "Chị Trần, chỗ chị vẫn chưa có phòng trống à? Lần trước em hỏi chị bảo sắp có, sao bây giờ vẫn chưa có thế?"

Tôi bỗng thấy sợ, nếu chị Trần mà lấy lại phòng thì chỉ còn nước để mẹ quay về thị trấn, thật ra tôi rất muốn mẹ ở lại đây thêm một thời gian.

Chị Trần nói với người đàn ông kia: "Cậu đến hỏi bao nhiêu lần rồi? Chưa chán hả? Đã bảo hết phòng cho thuê từ lâu rồi mà lại."

Tôi chợt hiểu tại sao giá phòng của chị Trần rẻ thế mà vẫn chưa có người đến thuê, hóa ra chị ấy từ chối người ta cho thuê.

Người đàn ông thất vọng bỏ đi.

Tôi đến phía sau chị Trần nói với chị: "Chị Trần, em cảm ơn chị."

Chị ta quay lại, làm như không hiểu hỏi lại tôi: "Cảm ơn tôi cái gì?"

Tôi lặp lại: "Chị Trần, cảm ơn chị."

Chị ta đanh mặt nói: "Chẳng qua tôi ghét cái thằng cha đó nên không muốn cho thuê, đợi khách tử tế đến là mẹ cậu phải đi đấy, cả cậu và Tứ Mao nếu không trả đủ tiền nhà thì cũng thế."

Nếu hôm qua chị ấy nói thế thì tôi tin chứ hôm nay tôi đã hiểu chị ấy là người khẩu xà tâm phật, đợi khi tôi nhận lương, thế nào tôi cũng trả thêm tiền thuê nhà của tôi và mẹ, tôi chỉ là kẻ lừa đảo, nhưng không phải là kẻ ăn xin, tôi đã được nhiều người đối xử tốt rồi, không thể đòi hỏi thêm gì nữa.

Chị ấy nhìn tôi, giấu một nụ cười, ném một cái chìa khóa về phía tôi, chị ấy nói: "Trong nhà kho của tôi, vẫn còn một cái chăn không dùng đến, lát nữa lấy về cho mẹ cậu dùng tạm."

Chị Trần quay lưng đi lên gác, tôi với theo: "Chị Trần, cảm ơn chị!"

Chị ấy chẳng quay lại, chỉ đáp lời tôi: "Làm gì mà ầm ỹ lên thế!"

Tôi ôm chăn chạy lên phòng mẹ, mẹ lại không có ở đó, thường thì giờ này mẹ đang ở đây nấu ăn rồi, tôi để chăn lên giường.

Ánh mặt trời chiếu qua cửa kính rọi vào căn phòng tôi ngắm khắp lượt, hóa ra không phải tất cả đều u ám.

Năm nọ, có một vị lãnh đạo huyện trình độ văn học uyên thâm đem những thể nghiệm sau bao năm công tác của mình viết thành một cuốn sách, đồng thời quảng cáo đến lãnh đạo các thị trấn trong huyện, các Chủ tịch thị trấn sau khi đọc xong cuốn sách hết sức ca ngợi, họ đều nói sách có giá trị khai thác cao thế sao không cho ra đời sớm hơn, đúng là sách cũng có chút giá trị gợi mở thật, các vị chủ tịch thị trấn trong lúc quá kích động lũ lượt đem khoản tiền trợ cấp thiên tai ra mua cuốn sách này.

Chủ tịch thị trấn tôi cũng may mắn tranh được mấy nghìn cuốn và đem phát cho mọi người trong buổi lễ trợ cấp thiên tai, đến người mù văn hóa như mẹ tôi cũng được phát cho một quyển. Không có tri thức thật là đáng sợ, mẹ tôi đã thốt lên những lời bực bội: "Cái thứ này có tác dụng gì chứ? Có ăn thay cơm được không?". Bà không bao giờ hiểu được tầm quan trọng của món ăn tinh thần, kỳ thực lúc cơm không có mà ăn, ngồ lật quyển sách ra đọc cũng là cái thú tiêu khiển không tồi.

Tuy thế quyển sách vẫn được giữ lại, có lúc dùng để cắt ướm cái giầy, có lúc lại kê cái chân bàn cho nó cân.

Tôi vớ lấy quyển sách, cầm lật lật vài trang, giữa trang sách có vô tình kẹp một tấm ảnh, trên ảnh là mẹ hồi còn trẻ đang bế tôi trong đùm tã lót, nhưng bố lại đang dắt tay một đứa con gái khoảng hai ba tuổi.

Trong nhà còn vài bức ảnh chụp tôi với bố mẹ, đó là do chú Bảy hồi còn làm diễn viên đã ăn bớt được cuộn phim của công về chụp, nhưng từ trước đến nay tôi chưa nhìn thấy một bức ảnh nào khác có hình đứa con gái ấy.

Cô ấy là ai? Tại sao lại xuất hiện trong bức ảnh của gia đình mình?

Tôi quan sát kĩ bức ảnh, có lẽ chụp vào mùa hè, mọi người đều mặc ít quần áo, trên cổ đứa con gái có một cái bớt màu đỏ.