Tam Cứu Nhân Duyên

Chương 26: Hối hả




Ta cùng hai người bọn họ cưỡi ngựa ra khỏi thành. Tiểu Trầm quả thực giống như muốn phát điên, hễ mở miệng ra là tiểu sư muội thế này, tiểu sư muội thế kia, cũng không thèm che giấu nét hoan hỉ vui sướng trong mắt, trái ngược hoàn toàn với tâm trạng u ám của ta lúc này. Nếu không phải niệm tình hắn đã giúp đỡ chăm sóc Hữu Sinh, thì ta đã bóp chết hắn từ lâu, cho tiểu sư muội kia còn chưa về nhà chồng đã thành quả phụ.

Ta lấy cớ đầu vẫn còn choáng do say rượu, suốt cả quãng đường không hé răng nói nửa lời. Trình Viễn Đồ cũng nghiêm mặt không lên tiếng, chẳng biết đang suy nghĩ cái gì. Nhưng đi mãi rồi cũng đến lúc phải chia tay, ở ngã ba đường, mọi người đều ôm quyền chào từ biệt, sau đó mỗi người một ngả. Lúc trước ta phiền não vì Tiểu Trầm lải nhải mãi không thôi, giờ bọn họ đều đi hết, ta lại thèm được nghe ai đó nói chuyện cho nghe, nếu không trong đầu ta sẽ chỉ đầy ngập hình ảnh đêm trước, cứ như vậy có lẽ ta phát điên lên mất.

Ta để cho ngựa tùy ý đi trên đường, chậm rãi hít thở bầu không khí tự do quen thuộc, nó vẫn tươi mát ngọt ngào như trước, nhưng lại thêm một vài phần chua xót. Hốc mắt bất giác ửng đỏ, nước mắt đã viền quanh mặt từ lúc nào ta cũng không hề hay biết. Ta không lau đi, để mặc cho từng giọt lệ chậm rãi rời vào không khí, tựa như thứ tình cảm ăn sâu bén rễ trong lòng,không ngừng day dứt cho đến khi tim ta bị mài thành tro bụi, hay tan nát thành muôn ngàn mảnh nhỏ.

Đến giờ ta mới hiểu tâm trạng của những người chí sĩ yêu nước, chỉ vì mưu cầu một tương lai mới mà bỏ lại tất cả gia đình vợ con, dấn thân vào con đường cách mạng gian khổ. Trước khi ta từng cho rằng bọn họ ra đi chẳng qua đều là vì trốn tránh cha mẹ quản giáo, trốn tránh thi cử học hành, hôn nhân sắp đặt, lao động cực khổ, nếu không thì cũng là bất mãn với cuộc sống hôn nhân hiện tại mà không dám vứt bỏ, cho nên mới tìm lấy một cái cớ hoàn chỉnh, không còn phải cố sống cho qua ngày đoạn tháng, biết đâu may mắn còn có thể gặp được một đồng chí nữ trẻ tuổi cùng chung chí hướng, khỏi phải sống trong sự ức chế hết ngày này sang tháng khác …. Hiện giờ ngẫm lại mới thấy, trong mấy trăm vạn con người, chỉ cần có một kẻ giống như ta thật sự ra đi vì lý tưởng, vậy thì cách mạng thắng lợi nhưng cái giá phải trả cũng thật là đắt.

Mất hai ngày ta mới trở về đến trấn cũ, hoàn cảnh quen thuộc làm cho ta vui buồn lẫn lộn. Tựa như một trận mưa tên dồn dập không có hồi kết, lần lượt từng kỉ niệm cùng cảm giác hết thảy dồn dập tìm về, không cho ta trốn chạy, cũng không có đường trốn chạy.

Cứng Đầu thấy ta trở về, quả thực giống như là …. không có cách nào khác để diễn tả cái sự vui sướng như điên lúc này, chỉ thiếu điều quỳ xuống trước mũi giày ta, ba quỳ chín lạy tôn ta lên làm thánh. Chỉ trong vòng một canh giờ, cả đống người đổ xô tới gặp ta, tất cả đều tìm đến mua bếp lò với than, trong đó có mấy người ngày hôm qua vừa mới đến mua. Ta đương lúc sôi sục lửa giận lại không có chỗ phát hỏa, cho nên gặp đâu mắng đấy, mà ai ai cũng cười tươi như hoa nở, vô cùng cao hứng ôm hàng rời đi. Đứng lại đó, ta còn chưa nói xong!

Ban đêm đối với ta cũng là một sự thống khổ, đủ thứ chuyện vặt vãnh xôn xao cùng nhiều tiếng thì thầm khe khẽ từ bốn phương tám hướng đánh lại, ta muốn chắn cũng không nổi. Ta đã thay đổi chỗ còn như thế, huống chi là Hữu Sinh, ngày ngày chỉ có thể ở một chỗ, đủ biết bi thương đến mức nào. Lại nghĩ hiện giờ hắn một mình ở trong phòng tối, ta lại không thể ở đó giúp hắn khuây khỏa, những lúc đau đớn, hắn chỉ đơn độc một người mà cam chịu, nghĩ đến đây nước mắt lại tràn ra như nước lũ …..

Ta đúng là không nên sống. Nhưng nếu ta vẫn ở lại đó, vậy thì ngày ngày chỉ biết đi trên cùng một con đường, hoặc tự giam mình ở thư viện hay đi loạn khắp nơi không mục đích, sớm muộn gì ta cũng sẽ không chịu nổi, cứ chết dần chết mòn, khiến cho Hữu Sinh cũng khổ lây. Thật chẳng khác gì trước mặt là vực sâu vạn dặm, sau lưng là núi đen sừng sững, không có đường để thoát.

Cả một đêm dài, ta trằn trọc không ngủ, trái tim trong lồng ngực vẫn nhảy lên gấp gáp, tay chân run rẩy không thôi, quả thực sống không bằng chết.

Ta cũng hiểu được tình cảnh của những người bị trúng độc, cực độ thống khổ! Có ai đó làm ơn giúp ta quên đi tấn cực hình này, dù chỉ trong chốc lát thôi cũng được, để cho ta có thể thanh thản một chút ….

Lúc này ta lại càng hiểu được Hữu Sinh là người kiên cường đến mức nào, trải qua bao nhiêu cực khổ, phải chịu sự phản bội ghê tởm như vậy nhưng cái tâm tính thanh khiết ôn hòa kia vẫn y nguyên không hề suy suyển, vẫn biết khóc, biết cười, vẫn ngượng ngùng, vẫn quan tâm, vẫn có thể yêu sâu sắc như xưa. Hắn chưa bao giờ cố tình lảng tránh những thống khổ đã qua, hai bờ vai gầy yếu vẫn gắng sức cam chịu, cắn răng cố nén đau thương để cho ta rời khỏi bên người hắn.…. Càng nghĩ đến đó, ta càng không chịu nổi, chỉ mong có thể quên đi hết thảy….

Ta thật sự là nhát gan, không dám đối mặt với lương tâm chính mình, vì thế ngay ngày hôm sau, ta đã rời khỏi trấn, một đường chạy đến quân doanh, y hẹn đến làm hộ y cho binh sĩ. Mọi sự trong nhà đều giao cả cho Cứng Đầu tự mình quản lý, sau khi kiểm tra ta mới phát hiện, chúng ta ngày càng ăn nên làm ra, kì lạ là hắn mặc dù không thích học tập, nhưng chỉ cần nói đến kinh doanh thì hiểu rõ mồn một, thậm chí không cần chỉ cũng biết. Ta dặn dò đủ thứ xong xuôi, sau đó leo lên Lộ Lộ rời khỏi trấn ngay giữa buổi trưa.

Hai chục ngày tiếp theo, ta đều bôn tẩu trên đường. Hết nơi ruộng đồng tuyết phủ trắng xóa lúc bình minh đến rừng cây tiêu điều lá rụng, hết ven hồ nước trong vắt như gương soi đến dải đê ngập màu xanh dương liễu; có đôi khi trên đường ta bắt gặp những người đồng hành, vừa đi vừa trò chuyện trên trời dưới biển, lại có lúc chơi đùa cười cợt với lũ trẻ bên đường. Khi vượt qua một khúc sông, ta lặng yên lắng nghe người lái đò chất phác vừa chèo thuyền vừa thong thả ngâm xướng, tô điểm thêm vào tiếng kêu vang của một vài con chim nước chao liệng. Những ngọn núi cao chìm trong mây mù, trăm ngàn tiếng lá thông reo trong gió hòa lẫn những câu thơ ngắn ngủi thốt lên trong lúc xuất thần. Ta không ngừng tự nói với chính mình, nếu ta lưu lại nơi đó, hết thảy mọi thứ đều sẽ không thể xảy ra, trong đó có cả cái không khí tươi mới yên bình mà ta vốn ưa thích. Nhưng mỗi giây mỗi phút trôi qua, ta đều không thể ngăn mình nghĩ tới Hữu Sinh, không ngừng suy đoán, giờ này phút này, hắn đang làm gì ….

Không, không thể nói là mỗi một giây, bởi có một ngày sáng sớm sương giá giăng đầy trời, ta đã đến được đỉnh núi, nhưng lại muốn đi xuống một sườn núi hẹp, một nơi chỉ có chiều dài 10 thước bề ngang một thước, ở nơi đó sườn núi nhô ra sừng sững cong cong như lưng cá, cả hai bên đều là vách núi đen sâu vạn trượng, chỉ có một sợi xích sắt đen hoen rỉ vắt ngang qua lưng chừng núi. Người dẫn đường nói, nếu ta không có võ công thì đừng cố đi qua, bởi tại đây gió núi thổi mạnh, sườn núi vừa lạnh lại trơn, nếu như trượt chân rơi xuống thì vô phương sống sót.

Không biết là do triền núi kia khiêu khích tâm trạng ta, hay là do ta phân vân chính mình còn muốn sống tiếp hay không, chỉ biết rằng ta vẫn một mực lần bước đi lên lưng núi, hai tay nắm xích sắt, hai mắt không dời hai bàn chân. Ta lần lượt tự hỏi bản thân: ta lúc này, có phải vẫn còn biết quý trọng sinh mệnh hay đã vứt nó sang một chỗ? Nếu như câu trả lời là phải, lập tức đôi chân sẽ bị thôi thúc mà bước lên từng bước. Ta không biết mình đã đi được bao lâu, chỉ biết khi ta tới bờ đối diện, mồ hôi lạnh đã túa ra ướt sũng cả lưng áo. Ta đột nhiên phát hiện, giữa cái khoảnh khắc sinh mệnh mong manh như sợi chỉ mành treo chuông, ta không hề mảy may nghĩ tới hắn. Cho nên ta không thể nói, mỗi giây mỗi phút ta đều không quên được hắn.

Ta mất bao lâu mới hiểu được, bản thân không thể chu toàn cả hai phía. Nếu ta ở lại Vương phủ, cái bản tính ưa thích tự do, luôn luôn hướng tới ngao du thiên hạ của ta sẽ không được thỏa mãn, lâu dần tính ngạo mạn cũng sẽ chết đi, bản thân ta cũng sẽ u ám ảm đạm, ngày không thể ăn, đêm không thể ngủ. Hữu Sinh hiểu rõ điều này, cho nên mới cố cam chịu để ta rời đi. Nhưng hôm nay tự do tự tại giữa bốn bề thiên địa, ta cũng tự mình vỡ lẽ, cái tâm yêu thương hắn cũng không thể trọn vẹn, mà nếu đã không thể trọn vẹn, vậy thì để cho ta chết đi! Nôn nóng cùng buồn bực, tưởng niệm cùng bất an, ta phát điên mất thôi!

Ta đến nơi quê hương của tơ lụa, công việc bận rộn mau chóng lấp đầy đầu óc, xua đi cái sự muộn phiền giằng xé nội tâm mỗi khi rảnh rỗi. Hết thảy tinh thần và sức lực đều đổ dồn vào công việc, cũng nhờ đó mà trong lòng thư thái hơn một chút.

Ta thuê phòng ốc, chọn mua những loại tơ lụa hạ đẳng đơn sắc, thuê bảy tám người phụ nữ làm thợ may, tay nghề cũng không cần cao lắm, tự tay thiết kế hộ y cho binh lính. Ta nghĩ mỗi người lính khi bị thương trên chiến trường, đến lúc băng bó không thể không cởi quần áo, vì thế liền thiết kế chiếc áo trước sau có bốn mảnh, cộng thêm cả tay áo, mỗi mảnh đó đều gắn lại với nhau bằng dây hoặc nút, nếu bị thương thì chỉ cần cởi nút thắt, mảnh áo phủ trên miệng vết thương có thể tháo bỏ nhanh chóng, như vậy sẽ không phải bỏ phí một chiếc áo. Ta tự mình cắt may tấm áo đầu tiên làm mẫu, sau đó tất cả đều giao lại cho bọn họ. Những cô nương đó may vá thành thạo, đường kim mũi chỉ thoăn thoắt làm cho ta choáng váng, tự nhiên cảm thấy mình thật là kém cỏi ….

Một lần rảnh rỗi, ta vẩn vơ suy nghĩ, tự nhiên ngán ngẩm vì sao nữ nhân mỗi tháng đều gặp phải nguyệt sự phiền toái, băng vệ sinh thô sơ cũng ra đời từ đó, chỉ là hai tầng vải bông, bên trong đổ đầy tàn hương hoặc tro than, dùng xong có thể giặt sạch là dùng lại được. Tuy rằng thua xa sản phẩm hiện đại, nhưng vẫn còn hơn tầng tầng lớp lớp vải thô. Tiếp đó là nguyên bộ đồ lót đi kèm, ta tìm một vài tiểu cô nương nhanh mồm nhanh miệng đi tiếp thị hàng. Rất nhanh sau đó hàng làm ra không kịp bán, một cửa hàng độc quyền buôn bán cũng mọc lên do ta làm chủ , cũng nhân tiện giúp đỡ các chủ hiệu khác bán được hàng, thành lập liên minh kinh doanh, mọi người chung sống hòa bình, không tổn hại hòa khí. Một thành trấn đã đứng vững, ta lại đến một thành trấn khác mở rộng địa bàn. Từ đó công việc khắp nơi cứ ùn ùn đổ xuống, không có lúc nào rảnh tay.

Không làm thì thôi, đã làm thì phải làm đến cùng, ta tiếp tục lấn sân sang bồn cầu vệ sinh. Trước tiên là phải có một cái chum thật lớn để hứng lấy chất thải, một nửa chôn dưới đất, chỉ chừa lại nắp đậy bên trên. Bồn cầu trong phòng có van ở dưới đáy, thông đến ống dẫn bằng đất nung, nối thẳng đến cái chum ở bên ngoài. Mỗi lần xong việc chỉ cần lấy nước rửa trôi bồn cầu, tuy rằng bên ngoài khó tránh khỏi có mùi, nhưng bên trong lại tương đối sạch sẽ. Sản phẩm vừa ra mắt đã có người mua hết, quả thực là tiêu thụ không kịp. Nhà giàu trong thành đều muốn có, những người không có đều tự lấy làm hổ thẹn. Tiếng lành đồn xa, bao nhiêu người đổ xô đến tranh nhau mua bán, đến nỗi thành trấn ta ở giao thông nhất thời trở nên hỗn loạn, tắc đường triền miên, bởi vì đường xá chật ních toàn xe ngựa chở người đến mua bồn cầu.

Lợi nhuận từ bồn cầu thật sự khủng khiếp, nhu cầu cũng càng ngày càng lớn, một mình ta không thể kham nổi, đành phải gửi thư gọi đám người tứ thiếu A đến hỗ trợ. Bọn họ thấy ta đều kính cẩn lễ phép, căn bản không ngờ chỉ trong thời gian ngắn mà ta có thể làm ra cơ nghiệp lớn như vậy. Ta tự mình dẫn bọn họ đi hướng dẫn cung cách làm ăn cùng quản lý kinh doanh, mỗi ngày ân cần dạy bảo. Vốn dĩ trước đây ở quê cũ, cả bọn đều bị người ta cho là chơi bời lêu lổng, đến đây lần này tự nhiên lại phát hiện thì ra trên đời cũng có chỗ mình dùng được, vậy nên ai nấy đều phấn đấu quên mình. Có lẽ mấy vị bằng hữu này trời sinh tuy học hành không đến nơi đến chốn, nhưng đầu óc cũng không có gì xấu xa, hoặc có thể do ta dạy dỗ mát tay, chỉ cần hướng dẫn một chút là hiểu được, lâu dần thành thạo, rất nhanh có thể độc lập quản lý một phương. Chúng ta cũng bỏ vốn dựng vài cái nhà xưởng, sản xuất chum vại, bồn cầu, ống dẫn, huấn luyện nhân viên lắp đặt, ….

Cẩn thận ngẫm lại, tính cả than cùng lò đốt, ngoại trừ hộ y cho binh sĩ là do Trình đại ca đặt làm, tất cả tiền tài của ta đều từ những gì mọi người cho là dơ bẩn thấp hèn. Nhất là bồn cầu, trên thế gian có ai dám bỏ qua thể diện mà thử làm cái đó. Xem ra cha Cứng Đầu nói cũng đúng, ta thật sự là kẻ tự mình cam chịu thấp hèn, nhưng lại không hề day dứt lương tâm, có lẽ cảm thấy bản thân mình thích hợp làm công việc hạ đẳng đó. Tất cả mọi người đều có nhu cầu cần đáp ứng, đối với ta thì bạc vào tay thật nhiều mới là tốt nhất.

Bởi vì số lượng tiền đổ vào túi ngày càng nhiều, mà ta lại không muốn để người khác quản lý, vậy nên đành phải thành lập Vân Khởi Ngân Trang. Lúc đầu lập ra chỉ là hỗ trợ việc kinh doanh giữa xí nghiệp với khách hàng, sau cũng kiêm nhiệm quản lý sổ sách cho khách hàng của các tiệm buôn khác. Lập ra ngân trang đối với ta cũng coi như là an ủi đôi phần, ít nhất chúng ta làm trong ngành ngân hàng, vẫn cao cấp hơn so với buôn bán bồn cầu. Nhưng ở cái thời đại cổ xưa này, chủ ngân hàng cũng tương đương đám con buôn hèn mọn không đáng nói, đều bị cho là chỉ biết giật tiền của thiên hạ, không có gì thanh nhã cao quý.

Trước mặt ta ai nấy đều tỏ ra cung kính, nhưng sâu trong đáy mắt vẫn có chút khinh thị, nghĩ rằng ta chẳng qua chỉ là hạng trọc phú mới phất mà thôi. Cho dù lưng đeo bạc vạn cũng không trốn được người đời khinh bỉ. Có đôi khi ta cũng thấy tủi thân, thật sự muốn đăng biển đề mấy chữ: “Ta tốt nghiệp khoa Trung Văn đại học B, cũng biết đọc Kinh Thi cùng Luận Ngữ!” Nhưng xung quanh căn bản không có ai có thể cùng ta chia sẻ nỗi lòng …. Không, không thể nghĩ, không được …. Ta không dám đào lên mớ kí ức xa xưa kia một lần nữa, chỉ có thể ngày ngày vùi đầu vào làm việc, tìm cách kiếm miếng cơm manh áo!

Nhưng ban đêm lại hoàn toàn trái ngược! Ta nằm trên giường, cố gắng đi vào giấc ngủ, nhưng không sao ngăn được dòng cảm xúc dồn dập đánh tới như một cơn hồng thủy! Những lần trò chuyện bên sông dưới ánh chiều tà, những câu chuyện cười vu vơ ngắn ngủi, bàn tay ta từng nằm gọn trong tay người đó, nụ hôn cuồng nhiệt mà đau đớn lúc chia tay. Đến bây giờ ta mới hiểu được câu nói “Khi ấy chỉ coi là chuyện tầm thường”[1] đau đớn day dứt đến bực nào.

Ta liều mạng bươn chải, chỉ mong đến khi tắt nắng có thể ngủ an giấc. Nhưng cho dù có bận đến tối tăm mặt mũi, trong thâm tâm vẫn chỉ là một mảnh vô vọng tan nát.

Đầu mùa hạ, kì hẹn với Trình Viễn Đồ cùng Tiểu Trầm đã tới. Hộ y đã sớm hoàn thành, hàng thêu nho nhỏ khi xưa giờ đã thành phường thêu lớn, chuyên bán đồ dùng phụ nữ. Ta sắp xếp ổn thỏa người làm cùng sự vụ, cùng đoàn xe chở hộ y khởi hành đi về hướng bắc.

Ta trở lại trấn cũ, thấy tiểu tử Cứng Đầu giờ đã thành thủ lĩnh một phương, tuy vẫn chỉ biết cam chịu mỗi khi ta mắng mỏ, nhưng giờ hắn đã biết nhìn ra cơ hội, có thể độc lập phát triển sự nghiệp. Ta bỏ tiền mua đứt mỏ than đá kia, lại mở tiếp Vân Khởi Ngân Trang ở trấn trên, để cho Cứng Đầu đảm nhiệm việc kinh doanh than, bản thân về sau chỉ ở sau mành làm chỉ điểm.

Về lại thành trấn đầu tiên ta đặt chân tới, cầm trong tay cuốn y thư mà Tiểu Trầm gửi tới, ta biết hắn đã kết được mối lương duyên, trong lòng không khỏi dâng lên nỗi phiền muộn. Đoàn xe vẫn trên đường bắc thượng, nhưng đường đi lại vòng quanh trấn nhỏ. Lòng ta bùi ngùi vô hạn, cũng buồn bực vô hạn.

Ta lại nhớ tới cái đêm trong miếu hoang đổ nát, nhớ tới buổi sáng ngày đó, nhớ chúng ta đã nhìn nhau hồi lâu, nhớ hắn kéo tay ta nắm chặt …. Nhớ tới những điều ta tưởng đã quên mất từ lâu, cuối cùng đành phải cố gắng xua đi hết thảy suy nghĩ! Ta hận không thể xoay người đào tẩu, chỉ vì có chuyện cần làm.

Ta tìm tới Lí lang trung, lúc hắn nhìn thấy ta, khuôn mặt từng trải quen thuộc mừng rỡ muốn phát điên, thiếu chút nữa xông tới ôm ta. Ta trả lại hắn 12 lạng bạc, tặng cho hắn y thư. Nâng cuốn y thư trong tay, hai bàn tay hắn run rẩy, rưng rưng nói với ta, những lời ta nói với hắn khi trước, từng câu từng chữ đều là thật, ngày hôm nay hắn có được so với dĩ vãng từng làm, không biết hơn bao nhiêu mà kể.

Ta để lại một phần ngân lượng, giúp hắn tìm một trợ thủ cùng trang bị để thành lập phòng thuốc Bách Y Đường thứ nhất.

Mọi người nghe tin ta trở về đều tập trung ở nhà Lí lang trung, hương thân phụ lão già trẻ gái trai đều tề tựu cả trong sân, đồng thanh đề nghị ta giảng sách một lần nữa. Ta không thể nói nên lời, chỉ có thể nhẹ nhàng cự tuyệt, trong lòng cũng vô cùng áy náy.

Ta mời toàn bộ người trong trấn đến Khinh Phong Lâu ăn bữa cơm, những ai không có chỗ đành ngồi ra cả mặt đường. Mọi người hoan hỉ vui mừng, còn ta cố nén không rơi lệ, bánh bao trước mặt cũng không thể nuốt trôi.

Ta không dám ở lại qua đêm, sợ rằng nhớ lại ta sẽ phát điên, chỉ có thể trao ngân lượng để giúp người dân trong trấn tu sửa cầu đường, còn cho bọn tiểu khất cái chút bạc, bảo bọn họ đi về phía nam làm việc. Sau đó khi đêm xuống, ta rời khỏi trấn, đánh xe đi tới biên quan.