Tên Của Đóa Hồng

Chương 55




KINH TRƯA (tt và hết)

Tác giả: Umberto Eco

Sách đã nhiều mà còn có nhiều ghi chú, bản cuộn nhiều hình vẽ, vòm thiên đàng, thư mục các kỳ hoa dị thảo được chép lên những trang giấy rời, có lẽ là bút tích của người quá cố! Chúng tôi lục xét mọi ngõ ngách trong phòng thí nghiệm một lúc lâu. Thầy William mặt lạnh như tiền, còn nhích cả xác chết để xem bên dưới có gì không, rồi lục lạo bên trong chiếc áo dòng. Chẳng có gì hết. Thầy William giải thích:

- Phải làm thế thôi. Severinus giam mình trong phòng với quyển sách, còn quản hầm thì cũng không giữ nó…

Tôi hỏi: - Liệu quản hầm có giấu nó trong áo dòng không?

- Không. Quyển sách thầy thấy hôm nọ dưới bàn Venantius rất to, nếu quản hầm dấu nó dưới áo thì ta phải thấy ngay.

- Bìa nó như thế nào?

- Thầy không biết. Nó mở ngỏ và thầy chỉ thoáng thấy có vài giây, đủ để biết nó bằng tiếng Hy Lạp, ngoài ra thầy không nhớ gì hơn. Chúng ta hãy tiếp tục, quản hầm không mang theo nó và thầy nghĩ Malachi cũng không.

Benno xác nhận: - Chắc chắn là không. Khi quản hầm túm lấy ngực Huynh ấy, rõ ràng là Huynh không thể dấu gì ở dưới áo được.

- Tốt. Hay cũng có thể là xấu. Nếu quyển sách không có trong phòng này, hiển nhiên đã có ai khác ngoài Malachi và quản hầm vào đây trước.

- Thế thì có một người thứ ba đã giết Severinus ư?

- Có quá nhiều người - thầy nói.

Tôi hỏi: - Nhưng mà, ai có thể biết được quyển sách nằm ở đây?

- Jorge chẳng hạn, nếu Huynh ấy nghe lén chúng ta.

- Đúng, nhưng Jorge không thể giết một người khỏe mạnh như Severinus, với một vũ lực như thế.

- Dĩ nhiên là không. Ngoài ra, con đã thấy Jorge đi về phía Đại Dinh, và toán lính đã thấy Huynh trong nhà bếp, ngay trước khi họ gặp quản hầm. Thế nên Huynh không có đủ thời giờ để đến đây rồi đi về bếp.

- Hãy để con suy nghĩ – Tôi nói, cố tình bắt chước thầy – Alinardo cũng quanh quẩn trong khu vực gần đây, nhưng lão đứng còn không vững, nên không thể áp đảo được Severinus. Quản hầm có ở đây, nhưng thời gian từ lúc hắn rời bếp đến khi toán lính ập vào quá ngắn ngủi, con nghĩ, thật khó có thể kịp gọi Severinus mở cửa, tấn công và giết người, rồi lục lạo lung tung. Malachi có thể đến trước tiên, vì Jorge nghe chúng ta nói chuyện ở tiền sảnh, bèn vào phòng thư tịch kể cho Malachi có một quyển sách của Thư viện đang ở trong phòng thí nghiệm của Severinus. Malachi đến đây, thuyết phục Severinus mở cửa và giết Huynh ấy, chỉ có Trời mới biết tại sao. Nhưng nếu Huynh tìm được sách thì nhận ra nó ngay, đâu cần lục lọi làm gì, vì Huynh là quản thư viện mà! Thế còn ai nữa?

- Benno, - thầy William nói.

Benno lắc đầu quầy quậy. – Không, thưa sư Huynh William, Huynh biết tính tôi tò mò ghê lắm. Nếu tôi đã vào đây và có khả năng đi ra cùng với quyển sách, thì tôi còn đứng đây với Huynh làm gì. Lúc này tôi sẽ chiêm ngưỡng báu vật của mình ở nơi nào khác…

Thầy William mỉm cười nói: - Lý luận khá vững vàng đấy. Tuy nhiên, Huynh cũng không biết quyển sách ấy như thế nào. Có lẽ Huynh đã giết người và bây giờ nấn ná ở đây để nhận diện quyển sách.

Mặt Benno đỏ bừng, hắn lên tiếng phản đối: - Tôi đâu phải là kẻ sát nhân!

Thầy William triết lý nói: - Mãi đến khi phạm tội giết người thì mình mới thành kẻ sát nhân. Dẫu sao, quyển sách đã mất, và điều này cũng chứng minh Huynh đã không để nó ở đây.

Nói xong, thầy quay lại ngắm nghía xác chết. Đến lúc đó, thầy mới thấm thía cái chết của người bạn mình rồi nói: - Tội nghiệp Severinus! Tôi đã nghi ngờ cả Huynh và các thuốc độc của Huynh nữa. Huynh biết trước sẽ bị bẫy thuốc độc nên đã đeo găng tay vào. Huynh sợ tai họa ở trần gian, nào ngờ nó đến từ thiên đàng…

Thấy lại nhặt chiếc lồng cầu lên và chăm chú quan sát nó: - không hiểu tại sao họ lại dùng vũ khí kỳ lạ này…

- Vì nó ngay tầm tay…

- Có lẽ. Nhưng còn có những vật khác như chai lọ, dụng cụ làm vườn… Đây là một kiểu mẫu tiêu biểu cho kỹ xảo kim loại và thiên văn học. Nó bị hỏng rồi… Lạy chúa tôi! – Thầy la lên.

- Phần thứ ba của mặt trời bị đập nát, phần thứ ba của mặt trăng và phần thứ ba của tinh tú… - Thầy trích dẫn.

Tôi thừa biết đó là từ sách Mặc khải của thánh Tông đồ John, bèn thốt lên: - Hồi kèn thứ tư.

- Đúng rồi. Trước tiên là mưa đá, rồi máu, rồi nước và bây giờ là tinh tú… Nếu đúng như vậy thì phải xem xét lại mọi việc… Kẻ sát nhân không ngẫu nhiên tấn công, mà đang theo một phương án… Nhưng có thể tưởng tượng được chăng, có một đầu óc quỉ quyệt đến nỗi chỉ ra tay giết người khi có dịp theo lời dạy trong sách Mặc khải?

- Việc gì sẽ xảy ra với hồi kèn thứ năm – Tôi kinh hoàng hỏi, óc cố nhớ lại: “Ta trông thấy một ngôi sao từ trời rơi xuống, và người đó được ban cho chìa khóa của hố sâu không đáy…”. Ai đó sẽ chết đuối trong một giếng nước à?

- Hồi kèn thứ năm còn tuyên hứa nhiều điều khác nữa. “Từ hố sâu bốc khói từ một lò nung lớn, từ đó lũ cào cào sẽ nhảy ra chích đốt loài người, nọc của chúng cũng độc như nọc bọ cạp. Bọn cào cào hình dáng trông như ngựa, đầu đội vương miện vàng, miệng mọc răng sư tử…” Kẻ sát nhân của chúng ta có thể có sẵn nhiều phương tiện khác nhau để thực hiện các lời dạy trong sách… Nhưng chúng ta không nên theo đuổi những điều hão huyền, mà nên thử nhớ lại điều Severinus nói, khi Huynh ấy báo cho chúng ta đã tìm được quyển sách…

- Thầy bảo Huynh ấy đem quyển sách đến cho thầy, Huynh nói không được…

- Huynh có nói thế và liền đó cuộc nói chuyện của chúng ta bị gián đoạn. Tại sao Huynh ấy không thể mang nhỉ? Một quyển sách mang đi đâu mà chẳng được. Và sao Huynh ấy lại đeo găng tay? Trên bìa sách có chất gì liên hệ đến thuốc độc đã giết Berengar và Venantius chăng? Một cái bẫy bí ẩn, một đầu ngón tẩm thuốc độc…

- Một con rắn!

- Sao không phải là cá voi chứ? Không, chúng ta lại theo đuổi những điều hão huyền rồi. Như chúng ta thấy, thuốc độc phải ngấm vào bằng đường miệng. Ngoài ra, Severinus không nói chính xác rằng không thể mang sách đó đến được, mà chỉ nói muốn cho thầy xem nó ở đây. Sau đó, Huynh mang găng tay vào… Như thế, chúng ta biết phải mang găng tay mới cầm sách được. Benno, nếu Huynh tìm được quyển sách như vẫn hằng hy vọng, thì Huynh cũng làm như thế. Vì Huynh rất sốt sắng, nên hãy giúp tôi thêm điều này. Trở lại phòng thư tịch và theo dõi Malachi. Chớ để Huynh ấy lọt khỏi mắt Huynh.

- Xin vâng! – Benno đáp và đi ra, trông có vẻ vui sướng vì nhiệm vụ mới.

Chúng tôi không thể cầm chân các tu sĩ khác lâu hơn nữa, nên họ tràn vào phòng. Đã qua giờ ăn, có lẽ Bernard đang nhóm phiên tòa trong phòng nguyện. Thầy William nói: - Chúng ta chẳng làm gì được hơn.

Ra khỏi bệnh xá, hai thầy trò vất bỏ cái giả thuyết nghèo nàn của tôi. Khi băng qua vườn rau, tôi hỏi thầy có thực tin Benno không. Thầy đáp:

- Không hẳn, nhưng điều mà chúng ta bảo thì Huynh ấy đã biết rồi, và chúng ta đã làm Huynh ấy sợ quyển sách. Rốt cuộc, bảo Huynh ấy rình Malachi, chúng ta cũng khiến Malachi theo dõi Huynh ấy, hiển nhiên chính Malachi cũng đang tự tay tìm quyển sách.

- Vậy thì quản hầm muốn gì?

- Rồi chúng ta sẽ biết. Dĩ nhiên hắn cần một vật gì đó và cần nó ngay để thoát khỏi mối nguy hiểm đang đe dọa. Vật này chắc Malachi phải biết, nếu không, làm sao giải thích được sự van xin khẩn khoản của Remigio…

- Dẫu sao, quyển sách đã biến mất…

- Đây là một việc kỳ cục nhất. – Thầy William nói, khi chúng tôi đến nhà nguyện. – Nếu quyển sách ở đó, như Severinus đã nói, thì hoặc giả nó đã bị lấy đi hay vẫn còn ở đó.

Tôi kết luận: - Vì nó không có ở đấy, vậy có người đã lấy nó đi.

- Cũng có thể suy luận trên một bình diện nhỏ hơn. Vì mọi bằng chứng đều khẳng định rằng không ai có thể lấy nó đi…

- Vậy thì nó vẫn ở đó. Nhưng nó lại không có đó.

- Khoan đã. Chúng ta nói nó không có đó vì chúng ta đã không tìm thấy nó. Nhưng có lẽ chúng ta không tìm ra vì không thấy nó nằm ở chỗ nào.

- Nhưng chúng ta đã tìm khắp nơi mà!

- Chúng ta tìm, nhưng không thấy. Hay là thấy, mà không nhận ra… Adso, Severinus tả quyển sách như thế nào? Huynh ấy nói câu gì?

- Huynh ấy bảo đã tìm thấy một quyển sách không phải của mình, bằng tiếng Hy Lạp.

- Không! Thầy nhớ ra rồi. Huynh ấy bảo một quyển sách lạ. Đối với người học thức như Severinus thì một quyển sách bằng tiếng Hy Lạp chẳng có gì lạ, cho dù Huynh ấy không biết tiếng Hy Lạp thì vẫn có thể nhận ra mặt chữ. Và một học giả cũng không gọi một quyển sách Ả Rập là lạ lùng, dù người ấy không biết tiếng Ả Rập chăng nữa…

Thầy ngưng nói – Sao lại có quyển sách Ả Rập trong phòng thí nghiệm của Severinus?

- Nhưng sao Huynh ấy gọi quyển sách Ả Rập là lạ?

- Đó mới là vấn đề. Nếu Huynh ấy gọi nó là lạ lùng thì do vì nó trông lạ lùng, ít ra là đối với Huynh ấy, một dược thảo sư, chớ không phải quản thư viện… Trong thư viện có thể có nhiều quyển sách xưa, đóng lại thành một tập, gồm những bài lạ lùng khác nhau, bài thì tiếng Hy Lạp, bài thì tiếng Xy-ri…!

- …Và bài thì tiếng Ả Rập! – Tôi hét lên, choáng váng vì sự sáng ý này.

Thầy William lôi tôi xềnh xệch ra khỏi tiền sảnh và đẩy tôi chạy về phía bệnh xá.

- Đồ quỉ Đức! Đồ ngỗng đực! Đồ ngu! Mi chỉ nhìn những trang đầu mà không xem hết.

Tôi há hốc mồm cãi lại: - Nhưng thưa thầy, chính thầy là người xem những trang con đưa và bảo nó là tiếng Ả Rập chớ không phải Hy Lạp.

- Đúng thế, Adso, thầy mới chính là đồ quỉ. Nào lẹ lên! Chạy!

Chúng tôi trở lại phòng thí nghiệm, nhưng vất vả lắm mới vào được, vì các tu sinh đang khiêng xác ra. Những người hiếu kỳ khác đang đi lung tung trong phòng. Thầy William chạy xổ đến chiếc bàn và nhặt các quyển sách lên để tìm quyển sách giết người. Thầy quăng đi hết quyển này đến quyển kia trước đôi mắt kinh ngạc của những người có mặt, rồi lại mở chúng ra đóng chúng lại. Than ôi, quyển sách Ả Rập không còn ở đó nữa. Tôi chỉ lờ mờ nhớ quyển sách bìa cũ, không cứng cáp, mòn nhiều, bọc những nẹp kim khí mỏng.

- Ai đã vào đây sau khi tôi đi? – Thầy William hỏi một tu sĩ. Người này nhún vai: rõ ràng ai muốn vào thì vào, sao biết đấy là ai.

Chúng tôi cố suy nghĩ các khả năng có thể xảy ra. Malachi ư? Có thể. Quản thư viện biết vật mình cần, có lẽ đã rình thấy chúng tôi đi ra tay không, bèn quay lại, đầy tự tin. Còn Benno? Tôi nhớ khi thầy trò tôi chế giễu nhau về quyển sách tiếng Ả Rập, Huynh ấy đã cười khúc khích. Lúc ấy tôi tưởng Huynh cười sự dốt nát của tôi, nhưng có lẽ Huynh cười vì sự ngờ nghệch của thầy: Huynh đã biết rõ những lớp vỏ khác nhau ngụy trang các bản viết xưa, và có lẽ đã nắm được cái điều mà khi ấy chúng tôi chưa kịp nghĩ ra – đó là, Severinus không biết tiếng Ả Rập và do đó sẽ thật kỳ quặc nếu Huynh ấy giữ trong đám sách của mình một quyển sách không đọc được. Hay có một người thứ ba chăng.

Thầy William ngượng chín người. Tôi cố an ủi thầy, bảo suốt ba ngày nay thầy đã tìm kiếm một quyển sách Hy Lạp thì đương nhiên là khi xem xét, thầy phải loại đi tất cả các sách không phải tiếng Hy Lạp. Thầy đáp rằng con người tất phải sai lầm, nhưng có những kẻ sai lầm hơn người khác bị gọi là ngốc, trong đó có thầy. Thầy tự hỏi, không biết một người không có khả năng nghĩ ra rằng các bản văn cũng được đóng thành bộ, điều mà ngay cả tu sinh cũng biết, trừ những thằng ngu như tôi, người ấy có xứng đáng theo học ở Paris và Oxford không? Hai tên hề như thầy trò tôi sẽ thành công vẻ vang tại các chợ phiên, và chúng tôi nên theo nghề đó thay vì đi gỡ rối các bí ẩn, nhất là chúng tôi còn phải đấu trí với những kẻ khôn ngoan hơn mình nhiều. Thầy kết luận:

- Than vãn cũng chẳng ích chi. Nếu Malachi lấy sách thì Huynh ấy đã trả nó cho Thư viện. Và chúng ta chỉ tìm ra nó nếu biết cách xâm nhập “finis Africae”. Nếu Benno lấy sách, Huynh ấy phải suy đoán rằng trước sau gì thầy cũng nghi ngờ và sẽ trở lại phòng thí nghiệm và như thế Huynh ấy phải vội vã hành động ngay. Vậy Huynh ấy phải đang cất giấu nó, và ắt hẳn không giấu nó trong phòng mình, là nơi mà chúng ta sẽ đến thẳng để tìm gặp. Thôi, hãy trở lại nhà nguyện, xem thử trong cuộc hỏi cung, quản hầm có khai điều gì hữu ích không. Dẫu sao, thầy vẫn chưa rõ kế hoạch của Bernard, hắn lùng bắt nạn nhân của mình trước khi Severinus chết, hẳn vì những lý do khác.

Chúng tôi trở về nhà nguyện. Lẽ ra chúng tôi nên đến phòng Benno, vì sau này chúng tôi mới biết, anh bạn trẻ này không đánh giá cao thầy William và không ngờ thầy quay lại phòng thí nghiệm nhanh như thế. Nghĩ rằng mình không bị lùng kiếm trong khu vực đó, Benno đi thẳng về phòng để giấu quyển sách.

Nhưng tôi sẽ kể việc này sau. Trong lúc này, nhiều biến cố rối ren và quan trọng đang diễn ra, khiến mọi người tạm quên đi quyển sách bí ẩn. Dầu không quên nó, chúng tôi đã bị lôi cuốn vào những trách nhiệm khẩn cấp khác liên quan đến sứ mệnh mà thầy William chung qui hoàn thành.

Chú thích:

(1) “De plantis libri tres ”

(2) “Thesaurus herbarum ”