Tên Tôi Là Đỏ

Chương 8




TÔI LÀ ESTHER

Tôi biết tất cả các vị đều tự hỏi Shekure đã viết những gì trong lá thư tôi chuyển cho Siyah. Vì đây cũng là điều tò mò của tôi, tôi đã học được mọi thứ cần biết. Vậy nếu các vị muốn biết, hãy giả vờ như đang lật ngược những trang của câu chuyện và để tôi kể cho các vị nghe những gì xảy ra trước khi tôi giao lá thư đó.

Bây giờ, trời đang tối dần, tôi đã trở về nhà chúng tôi ở khu Do Thái nhỏ bé cổ kính ở cửa sông Halic với ông chồng Nesim của tôi, hai người già đang hồng hộc thở, cố giữ ấm bằng việc đút thêm củi vào lò. Đừng để ý chuyện tôi tự gọi mình "già". Khi tôi chất những món hàng của tôi - cả những món rẻ tiền lẫn quý giá, chắc chắn là để dụ dỗ các bà như nhẫn, bông tai, dây chuyền và đồ trang sức rẻ tiền - vào những chồng khăn tay lụa, găng tay, khăn trải giường và vải may áo sơ mi đủ màu được gửi qua những con tàu Bồ Đào Nha, khi tôi khoác lên vai cái bị đó, thì Esther là một cái muôi và Istanbul là một cái ấm đun nước, không có một con phố nào tôi không qua. Không có một chuyện ngồi lê đôi mách hay một lá thư nào mà tôi không mang từ nhà này sang nhà khác, và tôi đã đóng vai bà mối cho phân nửa các cô gái chưa chồng ở Istanbul, nhưng tôi không bắt đầu vụ kể lể dài dòng này để khoác lác đâu. Như tôi nói, chúng tôi đang nghỉ ngơi vào buổi tối và cốc cốc ai đó đang đứng ngoài cửa. Tôi đi ra mở cửa và thấy Hayriye, cô gái nô lệ ngờ nghệch đó, đang đứng trước mặt. Cô ta cầm một lá thư trên tay. Tôi không dám chắc là do lạnh hay do kích động, nhưng cô ta run cả người khi giải thích những ý muốn của Shekure.

Thoạt tiên tôi cho rằng lá thư này sẽ được gửi cho Hasan, điều đó giải thích vì sao tôi quá kinh ngạc. Các vị đã biết về ông chồng của Shekure xinh đẹp mà, anh ta không trở về sau chiến tranh - theo tôi cái mạng anh ta đã kết thúc từ lâu rồi. Các vị cũng biết, người chinh phu không bao giờ trở về đó cũng có một đứa em trai si tình, nồng nhiệt tên là Hasan. Vì vậy hãy hình dung sự ngạc nhiên của tôi khi thấy rằng lá thư của Shekure không có ý dành cho Hasan, mà cho một người khác. Lá thư này nói gì? Esther điên lên vì tò mò, và cuối cùng tôi đã xoay xở đọc được nó.

Nhưng chao ôi, chúng ta không biết rành nhau đến thế, đúng không? Thật lòng mà nói, tôi hết súc lúng túng và lo lắng. Các vị sẽ chẳng bao giờ biết tôi đã đọc lá thư này như thế nào đâu. Có lẽ các vị sẽ chê cười và xem thường tôi vì thói chộn rộn - như thể chính quí vị không hề thóc mách như những bác phó cạo vậy. Tôi chỉ kể lại cho các vị những gì tôi biết qua việc đọc lá thư. Đây là những gì Shekure ngọt ngào đã viết:

Siyah kính mến, anh là vị khách đến chơi nhà em vì có quan hệ thân thiết với cha em Nhưng đừng mong đợi em gật đầu. Nhiều việc đã xảy ra từ khi anh ra đi. Em đã lấy chồng, và có hai con trai mạnh khỏe, dũng cảm. Một đứa là Orhan, là đứa anh thấy vừa mới đến xưởng vẽ. Trong khi em chờ đợi chồng em trở về trong suốt bốn năm qua, em chẳng nghĩ đến gì khác. Có thể em cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng và yếu đuối khi sống với hai đứa con và người cha già. Em thấy thiếu vắng sức mạnh và sự che chở của người đàn ông, nhưng không cho phép ai nghĩ rằng họ có thể lợi dụng hoàn cảnh của em. Vì thế em sẽ rất vui nếu anh đừng đến thăm chúng em nữa. Trước đây anh đã từng làm em khó xử, và sau đó em đã phải chịu nhiều đau khổ để lấy lại danh dự trong mắt cha em! Cùng với lá thư này, em cũng gửi lại bức tranh anh đã vẽ và gửi cho em khi anh còn là một chàng trai bốc đồng nhưng còn thiếu khôn ngoan. Em làm điều này để anh không còn ấp ủ bất kỳ hy vọng sai lầm nào hoặc hiểu sai bất cứ giấu hiệu nào. Quả là sai lầm khi tin rằng người ta có thể yêu khi nhìn một bức tranh. Tốt nhất là anh nên thôi hẳn đừng đến nhà chúng em nữa.

Shekure tội nghiệp của tôi, em không phải một nhà quý tộc mà cũng không phải là tổng trấn với một con dấu ly kỳ để đóng lên lá thư của em! Ở cuối trang, cô ấy ký mẫu tự đầu của tên cô, nó trông như một con chim nhỏ bé sợ hãi. Không có gì hơn.

Tôi vừa nói tới con dấu 1. Có lẽ các vị đang tự hỏi làm cách nào tôi mở và dán lại những lá thư niêm bằng sáp này. Nhưng thực tế lá thư hoàn toàn không được niêm gì cả. "Mụ Esther đó là một người Do Thái mù chữ," Shekure thân mến của tôi đã nghĩ như vậy. "Mụ ấy không bao giờ hiểu được ta viết gì đâu". Quả thực tôi không đọc được những gì viết trong đó, nhưng tôi luôn luôn có thể nhờ người khác đọc giùm. Và đối với những gì không được viết ra, tôi vẫn có thể sẵn sàng tự "đọc" được. Các vị bối rối, đúng không?

Hãy để tôi trình bày theo kiểu này, như thế thậm chí kẻ ngu đần nhất cũng sẽ hiểu:

Một lá thư không chỉ được truyền đạt bằng các con chữ. Một lá thư, giống như cuốn sách, có thể đọc được bằng cách ngửi, sờ mó, vuốt ve. Vì thế người thông minh sẽ nói, "Vậy tiếp tục đi, đọc coi thư nói gì với bạn!" trong khi kẻ chậm hiểu sẽ nói, "Vậy tiếp đi đọc coi hắn viết gì trong đó" Giờ hãy lắng nghe những điều khác mà Shekure đã nói:

1. Dù em đã bí mật gửi lá thư này bằng cách nhờ Esther, người đã biến việc phát thư thành một vấn đề thương mại và thói quen, nhưng em cho thấy rằng em không có ý định che giấu điều đó một chút nào.

2. Việc em đã gấp nó lại như một cái bánh nướng quả thực ngụ ý bí mật và huyền bí. Nhưng bức thư không bị niêm kín và có một bức tranh to gửi kèm. Hàm ý rõ ràng là, "Xin hãy giữ bí mật của chúng ta bằng mọi giá," vốn phù hợp với một lời mời gọi tình yêu hơn là một lá thư cự tuyệt.

3. Hơn nữa, mùi của lá thư khẳng định lối giải thích này. Hương thơm này đủ nhẹ để tạo sự mơ hồ - phải chăng cô ta đã cố tình tẩm nước hoa cho lá thư? - nhưng đủ cám dỗ để thổi bùng lên sự tò mò của người đọc - đây là mùi thơm của nước hoa hay mùi của bàn tay nàng? Và một mùi thơm vốn đủ để làm hài lòng người đàn ông tội nghiệp đã đọc lá thư này cho tôi nghe, chắc chắn sẽ có cùng tác động đối với Siyah.

4. Tôi là Esther, người không biết đọc mà cũng không biết viết, nhưng đây là điều tôi biết: dù dòng chữ và nét chữ có vẻ nói rằng "Ôi, tôi đang vội, tôi viết cẩu thả và không chú ý cẩn thận," song những chữ này vốn ríu rít một cách tao nhã như thể đang chìm vào làn gió nhẹ, lại truyền đạt một thông điệp hoàn toàn trái ngược, thậm chí cụm từ của cô ấy "vừa mới đến" khi nói tới Orhan ngụ ý rằng lá thư đã được viết ngay giây phút đó, để lộ một mánh khóe rõ ràng như sự cẩn thận chứa trong mỗi dòng.

5. Bức tranh được gửi kèm lá thư mô tả nàng Shirin xinh đẹp nhìn hình ảnh chàng Husrev đẹp trai và yêu ngay, như được kể trong câu chuyện mà thậm chí tôi, Esther người Do Thái, cũng biết rõ. Mọi cô gái bị tình phụ ở Istanbul đều thích câu chuyện này, nhưng tôi chưa từng thấy ai gửi đi một bức tranh minh họa liên quan đến nó.

Điều này lúc nào cũng có thể xảy ra với các vị, những người may mắn biết chữ: Một thiếu nữ vốn không biết chữ nhờ các vị đọc một lá thư tình cô ấy nhận được. Lá thư quá gây ngạc nhiên, linh động và bối rối đến độ chủ nhân của nó, dù lúng túng trước việc bị các vị chia sẻ bí mật về những chuyện tình cảm riêng tư nhất của cô ta, xấu hổ và lo lắng, nhưng vẫn yêu cầu các vị đọc lại lá thư một lần nữa. Các vị đọc nó lần nữa. Cuối cùng, các vị đọc lá thư quá nhiều lần đến độ cả hai thuộc lòng nó. Rồi ngay sau đó cô ta sẽ cầm lá thư và nói, "Anh ấy nói câu đó ở chỗ này hả?" và "Anh ấy nói câu đó chỗ kia sao?" Khi các vị chỉ ra những chỗ tương ứng, cô ta sẽ nghiền ngẫm những đoạn đó, tuy vẫn không thể hiểu những chữ viết ở đó. Khi cô ta nhìn vào những con chữ cong cong, đôi khi tôi quá xúc động đến độ quên rằng mình cũng không biết đọc hoặc viết và cảm thấy nỗi thôi thúc muốn ôm chặt những cô gái mù chữ đang rỏ nước mắt xuống trang giấy đó.

Rồi cũng có những người đọc thư thật sự đáng ghét; cầu mong các vị đừng giống ai trong số đó: Khi cô gái cầm lá thư trong tay để được sờ nó lần nữa, ước ao nhìn ngắm nó mà không hiểu chữ nào nằm ở đâu. những kẻ khó ưa này thường nói với cô, "Cô định làm gì nữa? Cô không biết đọc, cô muốn coi cái gì nữa?" Một số họ thậm chí còn không trả lại lá thư, rồi cư xử với nó cứ như nó là của họ. Nhiều lần, nhiệm vụ bắt chuyện với họ và đòi lại lá thư lại rơi vào tôi, Esther. Tôi là loại phụ nữ tử tế như vậy đó. Nếu Esther thích các vị, cô ấy cũng sẽ đến giúp đỡ các vị.

--- ------ ------ ------ -------

1 Bản tiếng Anh dùng chữ Seal, vừa có nghĩa là con dấu, vừa là dấu niêm phong. Thời xưa người ta niêm phong bằng cách đổ một ít sáp gắn hai mép phong bì lại rồi áp con dấu riêng của mình (thường là mặt của chiếc nhẫn) vào lớp sáp nóng.