Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 228: Kế mới của Vũ Văn




Hôm nay là ngày mười lăm tháng bảy, theo truyền thống là ngày lễ Vu Lan, triều đình được nghỉ triều một ngày.

Sau khi sau khi phúng viếng Dương Tố xong, Ngu Thế Cơ cũng không về phủ nghỉ ngơi mà đi thẳng đến hoàng cung. Hôm nay ở trước cửa Dương phủ xảy ra một chuyện, ông ta cho rằng cần thiết phải báo cho Thánh Thượng biết.

Ngu Thế Cơ từng là danh gia thư pháp, văn học gia nổi tiếng triều Trần. Dương Quảng vô cùng yêu mến tài văn chương và thư pháp của ông ta, khiến cho con đường làm quan của ông ta thuận buồm xuôi gió đạt đến chức vị cao Nội Sử Thị Lang.

Đến cuối cùng ông ta trở thành người đứng đầu trong bảy địa vị cao trong Nội Các. Dù không nêu rõ nhưng trên thực tế chính là bảy Tể tướng trong triều Tùy. Ông ta giữ chức Tể Tướng Nội Sử Thị Lang chuyên quản lý việc cơ mật. Cũng không phải dựa vào thư pháp và văn học mà lại dựa vào một bản lĩnh khác, đó là hiểu rõ Thánh ý. Bản lĩnh hiểu rõ Thánh ý này của ông có thể nói là văn võ trong triều không ai sánh bằng, trong đó có Dương Tố.

Làm một Hoàng đế, có rất nhiều chuyện không thể nói, trong lòng đau đáu mà lại không thể để cho các đại thần biết nhưng lại hy vọng có người có thể đoán được tâm tư của mình, đem những điều mình muốn làm mà không thể nói ra làm tốt thay cho mình.

Các đời Hoàng đế qua các triều đại đều như thế, thần tử có bản lĩnh hiểu rõ thánh ý qua các thế hệ cũng xuất hiện liên tiếp. Đỉnh cao như đám người Tiêu Hà, Dương Tố, Ngụy Trưng, Lý Lâm Phủ.

Không thể nghi ngờ Ngu Thế Cơ cũng là người tài giỏi đỉnh cao ở lĩnh vực ấy. Ông ta biết Tùy đế Dương Quảng căm thù đến tận xương tuỷ đối với chế độ tuyển quan hiện nay, cho nên ông ta mới dám nhận hối lộ, lợi dụng chức quyền bán quan thăng chức, chèn ép những người đối lập mình. Ông ta biết chỉ cần mình chịu phá vỡ cấm cố của chế độ Cửu Phẩm công chính, ông có thể đạt được Thánh ý, về phần các loại việc nhỏ như bán quan trả đũa, Thánh Thượng sẽ không để ở trong lòng. Nước quá trong ắt không có cá, chức vị quá thanh liêm sẽ làm cho Thánh Thượng cảm thấy ông ta không có nhược điểm để túm được mà không dùng ông ta. Việc này cũng tương tự năm xưa Tiêu Hà chiếm ruộng đất của dân chúng, tự hủy danh tiếng. Làm việc phải để lại chút nhược điểm cho bề trên, đó mới là hành động cao minh.

Chuyện thứ hai mà Ngu Thế Cơ có thể hiểu được tâm tư của Dương Quảng chính là Dương gia. Trong thời gian Dương Tố bệnh nặng, Dương Quảng cách hai ba ngày lại phái hoạn quan tới thăm bệnh. Đây không phải là quan tâm tới bệnh tình của Dương Tố mà là muốn biết khi nào thì Dương Tố chết, thậm chí ngay cả việc phong Dương Tố làm Sở Quốc Công cũng là Dương Quảng sau khi nghe xong lời nguyền rủa của một thuật sĩ nói rằng: Triều Tùy có tai ương, giới hạn nơi đất Sở, cho nên đã thay đổi phong Dương Tố làm Sở quốc công, chính là muốn đem tai ương này đổ hết lên Dương Tố.

Từ việc Dương Quảng sâu nặng với người sống bạc bẽo với người chết mà Ngu Thế Cơ nhìn ra sự kiêng kỵ của hắn đối với Dương gia, ông ta liền quyết định lần thứ hai đi phúng Dương phủ. Tỏ ra là kính trọng Dương phủ nhưng trên thực tế là chuẩn bị ra tay với Dương phủ, đón trước hùa theo Thánh ý.

Mà sự đối chọi ngầm giữa Dương gia và Dương Nguyên Khánh cùng với việc Thái Tử và công chúa Nhạc Bình đều là chỗ dựa của Dương Nguyên Khánh, ông ta tin rằng nhất định Thánh Thượng sẽ vô cùng hứng thú đối với chuyện này.

Xe ngựa của Ngu Thế Cơ nhanh chóng tiến vào Đoan Môn. Đoan Môn là cửa chính của hoàng cung, tương đương với Chu Tước Môn của Trường An. Hai bên sườn trong Đoan Môn phân bố các quan thự (công sở) của triều đình.

Tiếp tục từ Đoan Môn đi vào trong là Cung thành, xe ngựa của Ngu Thế Cơ dừng ở trước Ứng Thiên Môn của cung thành, chờ Thánh Thượng tuyên triệu mình vào.

Cửa chính cung thành gọi là Ứng Thiên Môn, đại điện nghị sự chủ yếu đều ở bên trong cung thành. Càn Nguyên điện là cung thành đệ nhất đại điện, cũng là nơi mà hàng ngày lâm triều, còn nơi mà Dương Quảng hàng ngày làm việc chính là ở điện Tuyên Chính điện Thiên điện, nằm ở góc phía Tây Bắc Càn Nguyên điện. Quần thể kiến trúc này chiếm chừng hơn mười mẫu đất, trong này rất gần với Nội Sử Tỉnh và Môn Hạ Tỉnh. Dương Quảng có thể bất cứ lúc nào cũng truyền triệu Nội Sử.

Dương Quảng đăng cơ đã hơn hai năm, hắn đã dần dần củng cố được địa vị của mình. Sau một thời gian hắn đã thực hiện chế độ cải cách trên diện rộng, Dương Quảng đã đem tất cả kế hoạch sắp đặt thật tốt. Đầu tiên chính là đi tuần Giang Nam, hướng về phía Nam Trường Giang để tỏ rõ uy nghiêm của Hoàng Đế Đại Tùy, quy thuận dân tâm Giang Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Hoàng Đế Đại Tùy đi tuần tra Giang Nam, đối với việc quy thuận của dân chúng phía Nam có ý nghĩa vô cùng trọng đại.

Kênh Thông Tế năm ngoái đã đào móc hoàn thành, kênh Hàn cũng đã đào xong, có thể đi thuyền từ Lạc Dương đến thẳng Giang Đô. Nửa năm trước Dương Quảng đã hạ lệnh Công Bộ Thị Lang Ngư Câu La chế tạo mấy vạn chiếc thuyền lớn, lúc này thuyền lớn đã chế tạo xong, trang bị bên trong cũng đã tiến vào kết thúc, rất nhanh hắn liền muốn khởi hành đi Giang Nam, bắt đầu đi tuần lần đầu tiên ngay sau khi đăng cơ.

Hôm nay là lễ Vu Lan, Dương Quảng vừa mới tham gia buổi pháp hội Thủy Lục xong từ Pháp Hoa tự của Lạc Thủy trở về, nghỉ ngơi trong chốc lát hắn lại bắt đầu đứng trước tấm bản đồ tiếp tục nghiên cứu hành trình đi Giang Nam. Hắn từng trấn thủ mười năm tại Giang Đô, rất có tình cảm với Giang Nam. Lần đi tuần này hắn có cảm giác như khoác áo gấm về nhà khiến trong lòng hắn tràn ngập sự chờ mong.

Đang suy nghĩ thì một gã hoạn quan đứng ở cửa bẩm báo:

- Bệ hạ, Ngu Thị Lang đến rồi, chờ được triệu kiến.

Dương Quảng biết lúc này Ngu Thế Cơ tìm hắn chắc có chuyện cần thiết, hơn nữa hắn cùng đang muốn Ngu Thế Cơ viết một bài phát biểu Giang Nam, thông cáo với phụ lão các Châu phía Nam.

- Tuyên hắn yết kiến!

- Bệ hạ có chỉ, tuyên Nội Sử Thị Lang Ngu Thế Cơ yết kiến!

***

- Bệ hạ có chỉ, tuyên Nội Sử Thị Lang Ngu Thế Cơ yết kiến!

Giọng nói cao vút của thị vệ truyền xuống, một lát sau hoạn quan dẫn theo Ngu Thế Cơ vội vàng đi đến. Ngu Thế Cơ đi vào ngự thư phòng khom người hành lễ:

- Vi thần Ngu Thế Cơ tham kiến bệ hạ!

- Ngu ái khanh miễn lễ!

Hôm nay Dương Quảng tham gia pháp hội Thủy Lục tại Pháp Hoa tự, tinh thần rất khá liền cười nói:

- Trầm vừa nghĩ đến muốn tìm ái khanh, ái khanh đã đến rồi. Thật là khéo quá!

Ngu Thế Cơ nghe Dương Quảng nói muốn tìm mình, ông ta liền không nói đến việc của mình nữa, khom người nói:

- Xin bệ hạ chỉ bảo!

- Là thế này, trẫm đã quyết định ít ngày nữa đi tuần Giang Nam, cần viết một thông cáo tới các phụ lão phía Nam, muốn hiểu dân ý phía Nam này. Bài thông cáo này ái khanh hãy chấp bút cho trẫm!

Tim Ngu Thế Cơ nảy lên, Thánh Thượng muốn đi tuần Giang Nam. Tuy rằng Hoàng Hà vừa mới chế tạo thuyền xong nhưng tất cả mọi người đều nghĩ việc đi tuần phía Nam là việc của năm sau, không ngờ Thánh Thượng lại ít ngày nữa đi tuần rồi, đây thật là một việc cơ mật trọng đại.

Ông ta không dám biểu lộ sự hưng phấn khi biết được cơ mật này, lập tức khom người xuống nói:

- Thần tuân chỉ, không biết bệ hạ khi nào thì cần?

- Không vội, ba ngày là được.

Lúc này, Dương Quảng liếc nhìn bên hông Ngu Thế Cơ một cái. Bên hông Ngu Thế Cơ có mang theo một miếng ngọc bội cực phẩm, vừa nhìn là biết rất có giá trị, hắn bỗng nhớ tới một lời đồn đại trên phố, liền cười hỏi:

- Ngu ái khanh, nghe nói huynh đệ ngươi nhà nghèo. Chợ phường có nhiều đồn đại nói ngươi giàu mà quên tình nghĩa huynh đệ, không chịu giúp đỡ, là vì sao?

Em trai của Ngu Thế Cơ chính là Ngu Thế Nam cũng là một đại gia thư pháp đương thời, rất có danh tiếng. Quan hệ giữa hai huynh đệ cực kỳ tốt, ở Giang Nam được xưng là “Nhị Ngu” nổi danh ngang với Lục Nhị Tây Tấn.

Nhưng Ngu Thế Nam là người thanh cao, không muốn uốn gối trước quy tắc quan trường nên đến nay chỉ là giữ chức quan Thư ký Lang nhỏ bé, bổng lộc ít, gia cảnh bần hàn so với huynh trưởng Ngu Thế Cơ quyền cao chức trọng, gia cảnh giàu có thì khác biệt một trời vực. Ngu Thế Cơ cũng không giúp đỡ người em này nhưng quan hệ giữa hai người vẫn cứ khăng khít. Ngu Thế Cơ liền bị thế nhân châm biếm là kẻ” giả nghĩa”, ngay cả Dương Quảng cũng nghe nói đến.

Ngu Thế Cơ khom người đáp:

- Huynh đệ thần quý mến nhau không bởi vì tiền bạc. Hơn nữa, hiện nay sự giàu có của thần tất cả đều do Thánh Thượng ban tặng. Với tài năng của mình, nếu hắn cũng muốn giàu có thì rất dễ dàng nhưng mà hắn không làm và cũng không muốn. Dù thế nhân có châm chọc thế nào thần cũng không thể tùy tiện đem những thứ Thánh Thượng ban tặng mang cho người ta. Cho dù là huynh đệ cũng không thể.

Câu trả lời của Ngu Thế Cơ vô cùng hợp lòng Dương Quảng, hắn hài lòng gật gật đầu cười nói:

- Rất đúng, huynh đệ mến nhau ở tình cảm không phải vì tiền, là trẫm sai rồi.

Dừng lại một chút, hắn lại hỏi:

- Ngu ái khanh, ngươi muốn gặp trẫm có việc gì?

- Hồi bẩm bệ hạ, hôm nay lần thứ hai thần đi tế Dương Tư Đồ đã phát hiện ra một chuyện thú vị. Thần cảm thấy việc này nên nói cho bệ hạ biết.

Ngu Thế Cơ nhắc tới Dương Tố, sự tươi cười trên mặt Dương Quảng biến mất. Hắn thản nhiên hỏi:

- Ngươi nói đi, là chuyện gì?

Ngu Thế Cơ liền đem sự việc hôm nay mà mình tận mắt chứng kiến nghe thấy ở trong Linh bằng (lều của người chết) nói cho Dương Quảng nghe. Dương Quảng ngẩn ra, Dương Nguyên Khánh quay về kinh sao? Sao hắn lại không biết.

Ngu Thế Cơ đoán ý qua sắc mặt và lời nói, từ vẻ mặt của Dương Quảng, ông ta liền biết Dương Nguyên Khánh là tự tiện nhập kinh, cũng là vì nhận lệnh. Ngu Thế Cơ thở dài nói:

- Nguyên Khánh tuy rằng tuổi còn trẻ nhưng dù sao cũng là thần tử biên ải nắm giữ trọng binh trong tay, không thể tùy ý vào kinh, càng không thể không cho Thánh Thượng biết. Thần cảm thấy cần phải cảnh cáo hắn, để cho hắn hiểu được được trọng trách của mình.

Có thể nói là Ngu Thế Cơ tính toán chu toàn, ông ta ở trước mặt Dương Quảng cảnh cáo Dương Nguyên Khánh tự tiện vào cung, kỳ thật không phải là nhằm vào Dương Nguyên Khánh, mà là chĩa kiếm vào Thái Tử Dương Chiêu. Ông ta muốn nói cho Dương Quảng biết, quan hệ giữa Nguyên Khánh và Dương Chiêu vô cùng mật thiết, mà Dương Nguyên Khánh lại bí mật vào cung, ắt hẳn trong đó có bí mật gì mà không muốn cho ai biết? Ông ta nói chuyện vòng vo là để cho Dương Quảng tự mình liên tưởng.

Sự cao minh của Ngu Thế Cơ là ở chỗ không hề đề cập chút nào tới Dương Chiêu nhưng lại chĩa thẳng vào Dương Chiêu. Dương Chiêu dừng lại ở kinh thành mà không về, còn Dương Nguyên Khánh chưa được nhận chiếu chỉ đã quay về, việc này vốn là hai sự việc nhưng Ngu Thế Cơ lại khéo léo gắn kết lại với nhau. Ông ta tin rằng lời mình nói rất rõ ràng rồi, hẳn là Thánh Thượng sẽ hiểu ý tứ của mình.

Trên mặt Dương Quảng không tỏ chút thái độ nào, dường như không chút ảnh hưởng bởi lời nói của Ngu Thế Cơ, chỉ cười cười nói:

- Ông nội của Nguyên Khánh ốm chết, hắn phải về cúng thất tuần, nếu như sau khi đợi được phê chuẩn rồi mới trở về vậy thì Linh bằng sẽ phải dỡ đi. Đây là việc làm hiếu thuận, nếu là trẫm cũng sẽ làm như thế. Việc này trẫm sẽ không trách hắn, Ngu ái khanh quá lo lắng rồi.

Ngu Thế Cơ tâm kế thâm sâu giết người vô hình nhưng hôm nay ông ta đã phạm phải một sai lầm trí mạng là ông ta không hiểu được vị trí thật sự của Dương Nguyên Khánh ở trong lòng Dương Quảng. Ông ta đã quên Dương Quảng từng ban thưởng Thiên Tử Kiếm cho Dương Nguyên Khánh. Dương Quảng sẽ không tin Dương Nguyên Khánh tự ý vào kinh là có ý đồ gì mà chỉ là về chịu tang mà thôi. Sự nhắc nhở của ông ta khiến cho Dương Quảng nhớ tới sự qua lại thân cận gần đây giữa ông ta và Tề Vương, việc này khiến trong lòng Dương Quảng có chút không hài lòng, đã hoàn toàn làm mất hết biểu hiện tốt đẹp ngày hôm nay của ông ta.

Thái độ của Dương Quảng khiến cho Ngu Thế Cơ cảm thấy hẫng hụt. Trong lòng ông ta bất chợt có chút kinh hoảng. Ông ta không dám nhiều lời nữa, vội vàng nói:

- Là ty chức nghĩ nhiều rồi, không nên nói nhưng việc nhàm này cho Thánh Thượng, thần thật có tội nói bừa!

- Không sao, ngươi có thể kịp thời bẩm báo với trẫm là rất tốt, chỉ có điều từ nay về sau bất luận việc gì cũng không cần phải liên tưởng nhiều, thêm suy đoán cá nhân vào.

Dương Quảng kín đáo cảnh cáo ông ta.

Ngu Thế Cơ liên tục nhận sai rồi cáo lui.

Đợi Ngu Thế Cơ đi xa rồi, Dương Quảng lại trầm tư một lúc mới nói với lão hoạn quan bên cạnh:

- Đi nói với Dương Nguyên Khánh một tiếng bảo hắn tới đây gặp trẫm, trẫm có chuyện muốn hỏi hắn.

***

Xe ngựa của Ngu Thế Cơ ra khỏi Hoàng thành, tùy tùng tiến lên hỏi:

- Sứ quân, giờ đi đâu?

Ngu Thế Cơ vốn theo kế hoạch là đi Tề vương phủ, nhưng Thánh Thượng đã cảnh cáo khiến trong lòng ông ta có chút bất an, liền nói:

- Về phủ!

***

Phủ đệ của Ngu Thế Cơ ở Phường Nghi Nhân, xây dựng ngay gần đường lớn, là một tòa nhà lớn chiếm gần ba mươi mẫu đất. Ngu Thế Cơ có bốn con trai, trong có có ba người là con đẻ của ông ta, còn người kia là Hạ Hầu Nghiễm con riêng của vợ sau.

Hôm nay tâm trạng Ngu Thế Cơ rất không tốt. Lần đầu tiên ông ta không đoán đúng được tâm tư của Thánh Thượng. Ông ta biết mình có thể đã khiến cho Thánh Thượng không vui, lời nói liên quan tới Thái Tử không thể xem thường, nếu nói chuẩn, lợi ích cũng không nhiều, mà nói sai thì hậu hoạn lại vô cùng. Hôm nay rõ ràng là ông ta nói sai rồi.

Ngu Thế Cơ thở dài, lo lắng đi vào thư phòng. Đến cửa thư phòng đã thấy con riêng Hạ Hầu Nghiễm của mình đứng ở cửa.

Hạ Hầu Nghiễm là con của vợ kế Tôn Thị với người chồng trước sinh ra. Ngu Thế Cơ rất thích Tôn Thị, yêu ai yêu cả đường đi, vì vậy đứa con riêng Hạ Hầu Nghiễm này ông ta cũng rất yêu quý. Cho dù Hạ Hầu Nghiễm ở bên ngoài cậy quyền thế ông ta làm điều xằng bậy, Ngu Thế Cơ cũng không chút nào để trong lòng, chỉ cần không gây ra tai vạ lớn, ông ta sẽ không hỏi đến.

Hạ Hầu Nghiễm năm nay mới mười chín tuổi, dáng người đẹp đẽ, vẻ mặt phấn chấn, tướng mạo vô cùng tốt nhưng tính cách thì lại giả dối âm độc, giỏi hại ngầm sau lưng người khác. Dù gã là con riêng nhưng hiện tại mẫu thân Tôn Thị của gã làm chủ tại Ngu gia. Tôn Thị rất có bản lĩnh, quản lý trên dưới Ngu gia đâu ra đây, Hạ Hầu Nghiễm được sự sủng ái của mẫu thân nên địa vị tại Ngu phủ rất cao, thậm chí còn vượt trên cả mấy con trai khác của Ngu Thế Cơ, khiến quan hệ giữa mẹ con gã và ba con trai khác của Ngu Thế Cơ rất ác liệt.

Hạ Hầu Nghiễm thấy phụ thân liền bước lên trước hành lễ:

- Con có việc tìm phụ thân!

- Chuyện gì?

Mặc dù tâm trạng Ngu Thế Cơ không tốt nhưng ông ta kiềm chế rất giỏi, sẽ không tỏ sắc mặt tức giận ra trước mặt người nhà. Hạ Hầu Nghiễm càng thêm cung kính, giọng điệu của gã cũng trở nên rất nhẹ nhàng.

- Có phải phụ thân rất có hứng thú với Dương Nguyên Khánh đúng không?

Ngu Thế Cơ lập tức dừng bước:

- Dương Nguyên Khánh?

Ông ta hơi sửng sốt, vội vàng hỏi:

- Vì sao con lại nhắc tới người này?

Hạ Hầu Nghiễm đang định giải thích, Ngu Thế Cơ lại khoát tay ngăn gã lại:

- Vào phòng nói!

***

Trong thư phòng, Hạ Hầu Nghiễm liền đem việc hôm qua gặp Dương Nguyên Khánh lúc vào thành kể tường tận tỉ mỉ cho phụ thân nghe, cuối cùng nói:

- Con thấy Vũ Văn Trí Cập có thù hận sâu đậm với Dương Nguyên Khánh, sau đó lại đi tra hỏi mới biết Vũ Văn Thuật và Dương Nguyên Khánh thù hận còn sâu hơn. Con cảm thấy rằng có lẽ phụ thân có hứng thú đối với tin tức này.

Hai năm trước Vũ Văn Thuật và Dương Nguyên Khánh trên đại điện vì việc gian lận tại cuộc thi Võ Cử mà xảy ra trận ác đấu, lúc ấy Ngu Thế Cơ cũng ở ngay trong buổi triều nên tận mắt nhìn thấy. Nguồn gốc nảy sinh thù oán này ông ta biết rõ, nhưng vừa rồi Hạ Hầu Nghiễm lại nhắc tới con thứ của Dương Huyền Cảm là Dương Vanh, ông ta lại cảm thấy hứng thú đối với người này.

Ông liền hỏi:

- Dương Vanh mà con nói đến đó, con đã tiếp xúc với nó sao?

Hạ Hầu Nghiễm cười lắc đầu:

- Người này con vốn chẳng bao giờ để ý tới, nhưng gần đây hắn ta có ý lấy lòng con, có lẽ là muốn phụ thân giúp hắn mưu cầu chức tước. Con đã hỏi qua những người khác, tất cả mọi người đều nói người này thay đổi thất thường không đáng tin. Con cũng không muốn kết giao với hắn, chỉ là muốn hắn thay con nghe ngóng tình hình của Dương Nguyên Khánh.

Dương Vanh chính là con thứ của Dương Huyền Cảm. Buổi sáng Dương Huyền Cảm còn nhờ vả mình mưu cầu chức tước cho hắn. Ngu Thế Cơ trầm tư một lát, liền nói:

- Con hãy kết giao với người này, ta cần biết nhiều chuyện từ chỗ nó. Con hiểu chưa?

Hạ Hầu Nghiễm gật gật đầu:

- Con hiểu!

Hai cha con đang nói chuyện, bên ngoài cửa truyền đến tiếng bẩm báo của quản gia:

- Lão gia, bên ngoài có một người tên là Dương Vanh, hắn nói có chuyện quan trọng muốn tìm công tử.

Mới nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã tới. Hai cha con nhìn nhau mỉm cười hiểu ý.

Thời gian giữa trưa, Vũ Văn Hóa Cập một mạch chạy vào trong phủ chạy thẳng vào trong thư phòng của phụ thân. Vũ Văn Hóa Cập đang đảm nhiệm Thái Phó Thiếu Khanh, chủ quản mã chính Đại Tùy, nhưng chức quan này không xứng với y. Nếu bảo y tự cao tự đại, uy phong thì còn được chứ nếu đi hiệu chỉnh sổ sách, xây dựng cải tạo chuồng ngựa đủ các loại việc linh tinh thì cho tới bây giờ y chẳng quan tâm đến, trên cơ bản cũng là một số Thiếu Khanh làm hết.

Mấy ngày nay, Vũ Văn Hóa Cập luôn luôn phụng lệnh phụ thân điều tra một sự kiện, hôm nay rốt cuộc y đã điều tra ra chút manh mối liền vội vàng trở về bẩm báo với phụ thân.

Vũ Văn Hóa Cập đi một mạch rất nhanh đến trước thư phòng của phụ thân, vừa đúng lúc người em Vũ Văn Trí Cập từ một con đường nhỏ bên cạnh đi ra.

- Đại ca!

Vũ Văn Trí Cập vội vàng đứng sang bên cung kính hành lễ với huynh trưởng. Trong ba huynh đệ Vũ Văn, quan hệ giữa Vũ Văn Hóa Cập và Vũ Văn Trí Cập cũng như với phụ thân rất tốt. Mà người con thứ hai Vũ Văn Sĩ Cập mấy năm trước sau khi lấy Nam Dương Công chúa vào phủ Phò mã thì quan hệ giữa hai huynh đệ phai nhạt đi rất nhiều.

Quan trọng hơn là tính tình Vũ Văn Sĩ Cập và hai huynh đệ hoàn toàn khác nhau, cái gọi là khác đạo thì không cùng mưu đồ, rất nhiều chuyện bọn họ thảo luận không đi đến đâu cả.

- Đệ đứng lên đi! Ta có chuyện khiến đệ cảm thấy hứng thú.

Vũ Văn Hóa Cập nói một hai câu với em trai, hai người cùng nhau đi vào thư phòng Văn Văn Thuật.

Hôm nay là ngày nghỉ triều, Vũ Văn Thuật ở trong nhà nghỉ ngơi. Vũ Văn Hóa Cập gõ cửa rất lâu mới nghe thấy âm thanh tức giận của Vũ Văn Thuật từ trong phòng vọng ra.

- Là ai?

- Phụ thân, là chúng con, Hóa Cập và Trí Cập, có chuyện quan trọng muốn bẩm báo.

Một lúc lâu sau Vũ Văn Thuật mới nói:

- Vào đi!

Hai huynh đệ đẩy cửa đi vào, thấy phụ thân Vũ Văn Thuật từ trong buồng đi ra, theo sau là một thị thiếp tóc tai rối loạn, quần áo không chỉnh tề, vẻ mặt đỏ bừng. Vũ Văn Trí Cập nhìn thấy thị thiếp này lập tức mắt sáng lên. Thật là một nữ tử kiều mỵ, ánh mặt gã cứ dán lên người nữ tử này.