Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 864: Sát chiêu của Thái Tử




Đây là một trận chiến không cần phải lo lắng. Mười ngàn kỵ binh tinh nhuệ đánh với gần năm ngàn bộ binh. Trên đường núi lại không thể bày trận nên bộ binh không thể hình thành thương trận đối kháng kỵ binh.

Lại thêm quân Đường bị đánh lén, lòng quân rối loạn. Sau khi liều chết vài lần thì quân đội gần như sắp tan rã, đã trở thành sự giết hại của một phía. Con đường chạy trốn khắp bốn phía đều bị phá hỏng. Ngoại trừ đầu hàng ra thì không còn bất kì lối thoát nào nữa.

Đến bước đường cùng, quân Đường đều giơ tay đầu hàng, binh lính quỳ rạp trên mặt đất cầu xin tha thứ. Trận bao vây Sài Thiệu cũng nhanh chóng kết thúc. Những tên thân vệ kẻ chết người đầu hàng. Đùi Sài Thiệu bị đâm trúng một thương, lật người rớt khỏi ngựa.

Lúc này, Sài Thiệu ngồi dưới đất, sắc mặt âm trầm như nước. Một nữ hộ binh quân Tùy đang nhanh chóng băng bó cầm máu vết thương trên đùi gã, xung quanh là mấy chục tên binh lính quân Tùy tay cầm hoành đao.

Một gã lang tướng chạy vội tới, chắp tay với Bùi Hành Nghiễm bẩm báo:

- Khởi bẩm tướng quân, đã thống kê xong tất cả số quân Đường đầu hàng, tổng cộng hơn bốn ngàn người. Quân ta thương vong chưa tới trăm người, trong đó có 22 người chết trận.

Bùi Hành Nghiễm gật đầu:

- Thu thập hết thi thể các huynh đệ đã bỏ mình rồi mang theo tù binh lập tức trở về huyện Lương Xuyên.

Sau khi tóm được tên cá lớn Sài Thiệu này, quân Tùy bắt đầu rút quân về hướng tây. Họ ápải hơn bốn ngàn tù nhân chậm rãi hành quân, Sài Thiệu thì bị nhốt trong một chiếc xe ngựa, hai bên trái phải xe ngựa có mấy trăm kỵ binh lẫn trong đội ngũ trông chừng.

Sài Thiệu mệt mỏi tựa vào vách xe, ngơ ngác nhìn đồi núi hai bên. Trong lòng gã tràn đầy chua xót khó tả. Gã bị quân Tùy bắt được đồng nghĩa với chuyện gã định thực hiện trong Quan Nội đã hết hi vọng.

...

Khá lâu sau, từ phía đông, một đội kỵ binh hơn ba ngàn người chạy tới, nhanh như chớp xông vào khu quân Tùy từng mai phục. Quân Tùy vội vàng rút binh nên rất nhiều thi thể người chết trận không kịp vùi lấp. Nhìn bất cứ chỗ nào trên mặt đất cũng thấy rải rác binh khí hỏng cùng những vệt máu lớn đến ghê người.

Lý Tú Ninh xoay mình xuống ngựa, nhìn cảnh tượng thê thảm bốn phía một cách mờ mịt. Quân Tùy đã lui khỏi từ rất sớm, nàng tới chậm một bước. Lý Tú Ninh dù sao cũng là phận nữ. Tuy nàng đã sai người tới báo tin cho chồng rằng đừng tới giúp nàng, nhưng nàng vẫn không yên lòng, phái thêm vài tên kỵ binh nữa đi báo tin. Không ngờ ở nửa đường đám kỵ binh gặp phải bại binh chạy thoát từ chiến trường, thế nên Lý Tú Ninh mới hay rằng chồng nàng đã gặp mai phục.

Lúc này vài tên quân Đường tìm được một gã bại binh là giáo úy từ trong rừng. Tên giáo úy này may mắn trốn lên núi. Thấy quân Tùy đi xa gã mới lặng lẽ xuống núi. Bọn lính đưa kẻ này tới trước mặt Lý Tú Ninh:

- Công chúa điện hạ, người này biết được một ít tình hình.

Lý Tú Ninh bước nhanh đến trước mặt gã, nhìn gã trông hơi quen, hình như là một gã lính cũ từng đi theo nàng lúc trước. Đặc điểm lớn nhất của nữ nhân là có thể nhớ rất nhiều chuyện quá khứ. Nhất là về phương diện tên người và những chi tiết nhỏ thì trí nhớ của nữ nhân vượt xa nam nhâm.

- Ngươi là...Trương Thuận sao?

Cuối cùng Lý Tú Ninh cũng nhớ ra tên của gã.

Tên giáo úy quỳ gối trước mặt nàng, lệ tuôn rơi:

- Đúng là tiểu nhân, thưa công chúa điện hạ.

Lý Tú Ninh vội hỏi hắn:

- Sao quân Đường lại bị bại? Chẳng lẽ các ngươi không nhận được tin của ta ư?

- Vì nhận được tin công chúa cầu cứu nên phò mã mới tới cứu viện! Còn có cả vòng tay của công chúa làm vật tin nữa.

Lý Tú Ninh ngây dại, dường như cảm thấy trời đất quay cuồng. Không cần nói nàng cũng đã hiểu, chắc chắn là người đưa tin nàng phái ra bị quân Tùy bắt được, vòng tay của nàng còn bị lợi dụng ngược lại. Sau một lúc lâu, nàng mới ổn định tinh thần, hỏi tiếp:

- Vậy phò mã đâu? Chàng có thoát được không?

Viên giáo úy đau buồn, lắc đầu:

- Phò mã bị quân Tùy bao vậy, cuối cùng bị bắt giữ rồi. Công chúa! Hơn năm ngàn huynh đệ, hầu hết đã trở thành tù bình. Chúng ta đã không thể địch lại họ nữa rồi.

Giáo úy được dẫn đi. Lý Tú Ninh đi vài bước, tới nơi chồng nàng bị bắt. Những cơn gió núi chiều hoàng hôn thổi xào xạc rừng cây. Nhìn con đường lớn trống trải, nước mắt Lý Tú Ninh trào ra. Nàng chậm rãi ngồi trên mặt đất, vùi mặt vào đầu gối, nước mắt lặng lẽ tuôn. Ba nghìn binh lính chỉ biết im lặng nhìn công chúa, không ai dám đi tới khuyên nàng.

Khóc xong một lát, Lý Tú Ninh đứng lên lau khô nước mắt, nhảy lên thúc ngựa tới trước mặt Uất Trì Cung:

- Uất Trì tướng quân, ngài dẫn quân tới Lũng Tây tìm Tần Vương điện hạ. Ta muốn quay về Trường An bẩm báo với phụ hoàng.

Uất Trì Cung trầm giọng nói:

- Công chúa điện hạ, quân Tùy mang theo tù binh nên hành quân không nhanh, chúng ta có thể đuổi theo. Hơn nữa Vân Thiên Bảo còn có mấy ngàn quân Đường, có thể đánh được một trận với chúng.

Lý Tú Ninh lắc đầu:

- Đa tạ sự trọng nghĩa của Uất Trì tướng quân, nhưng phò mã còn nằm trong tay quân Tùy. Ném chuột vỡ đồ, chúng ta không thể hành động thiếu suy nghĩa. Tốt nhất vẫn phải nghĩ cách để phụ hoàng cứu viện.

Uất Trì Cung thấy nàng không chịu chiến với quân Tùy nên đành bỏ ý nghĩ này. Gã chắp tay với Lý Tú Ninh:

- Vậy ty chức sẽ tới quận Lũng Tây, mong công chúa điện hạ bảo trọng.

- Uất Trì tướng quân đi đường cẩn thận.

Lý Tú Ninh cũng giống nam nhân chắp tay thi lễ. Nàng quay đầu ngựa lại, hô to với đám thân binh của mình:

- Theo ta về Trường An!

Nàng vung roi quất mạnh, chiến mã vọt như bay. Lý Tú Ninh mang năm trăm gia binh chạy về Trường An.

...

Tin tức quân Sài Thiệu bị quân Tùy mai phục và bắt làm tù binh rất nhanh truyền tới triều đình. Cho dù triều đình đã quá quen với việc quân Đường bại trận, nhưng tin Sài Thiệu bị bắt vẫn như cũ làm toàn triều khiếp sợ.

Đây là viên quan cấp bậc cao nhất bị quân Tùy bắt được từ khi Tùy Đường giao chiến tới nay. Việc Sài Thiệu bị bắt đem lại ảnh hưởng ác liệt gấp bội so với Độc Cô Hoài Ân và Khuất Đột Thông.

Sài Thiệu bị bắt khiến Lý Uyên bị đả kích nặng nề. Sài Thiệu và Lý Kiến Thành giống nhau, đều là phụ tá đắc lực cho Lý Uyên từ rất sớm, trước cả khi khởi binh ở Thái Nguyên. Thậm Chí Lý Uyên còn xem Sài Thiệu là đại tướng cầm binh đứng thứ ba sau Lý Kiến Thành và Thế Dân.

Giờ Sài Thiệu bị bắt làm Lý Uyên gần như mất lòng tin vào tương lai. Cả buổi chiều Lý Uyên tự nhốt mình trong ngự thư phòng, bất kỳ ai cũng không gặp. Trước cửa ngự thư phòng la liệt các đại thần đang lo lắng đứng đó nghị luận không biết nên khuyên thánh thượng như thế nào.

Lúc này có thị vệ hô to:

- Thái tử điện hạ giá lâm!

Các đại thần đều dạt sang hai bên. Lý Kiến Thành vội vàng đi tới, y cũng đã biết việc Sài Thiệu bị bắt.

Tuy chuyện này có ảnh hưởng rất lớn nhưng lợi ích của Đường triều bị tổn hại thậm chí còn chưa bằng cái chết của Khuất Đột Thông, càng không nói đến việc Lý Thúc Lương bỏ mình. Thế nên chỉ cần xem qua một chút thì chuyện này thật ra cũng không có gì quá mức không ổn cả.

Lý Kiến Thành đến trước cửa thư phòng, nhóm người vây quanh y đều mồm năm miệng mười nói:

- Điện hạ, ngài phải khuyên nhủ bệ hạ nghĩ thoáng lên chút. Thắng bại là chuyện thường của nhà binh, đừng vì thế mà làm hại đến long thể.

Lý Kiến Thành chắp tay với mọi người:

- Đa tạ tất cả quan tâm, ta sẽ cố khuyên phụ hoàng. Mời mọi người về triều phòng ổn định lại tâm tình của triều đình, buổi triều sáng sớm mai vẫn cử hành như thường.

Mọi người lại nói thêm vài câu rồi tự tản đi. Lý Kiến Thành bước nhanh tới trước cửa ngự thư phòng, cao giọng nói:

- Phụ hoàng, Kiến Thành cầu kiến!

Sau một lúc, thanh âm mệt mỏi của Lý Uyên truyền ra:

- Vào đi!

Lý Kiến Thành đẩy cửa vào ngự thư phòng. Trong phòng không có hoạn quan, chỉ có phụ hoàng Lý Uyên đang khoanh tay đứng trước cửa sổ, ngẩng đầu nhìn trời xanh mây trắng đến ngây ra. Lý Kiến Thành vội tiến lên thi lễ:

- Nhi thần tham kiến phụ hoàng!

Sau một lúc lâu, Lý Uyên mới hỏi:

- Bọn họ đi chưa?

- Hồi bẩm phụ hoàng, bọn họ đã được nhi thần khuyên trở về triều phòng rồi.

Lý Uyên thở dài thật lâu:

- Cứ chiến lại bại, làm sao bây giờ?

- Phụ hoàng, xưa Lưu Bang thua Hạng Vũ mười lần, rốt cục mới thành công tại một trận Cai Hạ, thành lập Hán triều kéo dài bốn trăm năm. Lần này Sài Thiệu bị bắt thật ra chỉ là một thất bại nhỏ, không làm suy giảm chủ lực quân Đường. Phụ hoàng cần gì phải bi quan như vậy?

Lý Kiến Thành nhẹ nhàng khuyên cha. Y hiểu được tâm tình của phụ thân. Sau hàng loạt thất bại, lão đã mất đi lòng tin. Bây giờ nhất định phải xây dựng lần nữa niềm tin của phụ thân.

Những lời Lý Kiến Thành nói Lý Uyên đều biết, nhưng vấn đề là lão không phải Lưu Bang, mà Dương Nguyên Khánh cũng chẳng phải Hạng Võ hữu dũng vô mưu. Sức chiến đấu của quân Đường yếu hơn hẳn quân Tùy, đây là một chuyện không thể chối cãi.

Quan trọng hơn là thủ hạ đại tướng thiện chiến của Dương Nguyên Khánh lại rất nhiều: Lý Tĩnh, Từ Thế Tích, La Sĩ Tín, Tần Quỳnh, Bùi Hành Nghiễm, Tô Định Phương,… Còn y lại chẳng có nhiều như vậy, hầu như toàn bộ dựa vào con thứ Thế Dân đánh đông dẹp tây.

Hơn nữa văn thần Tùy triều cũng rất có năng lực, trị quốc gọn gàng. Hiện giờ Tùy triều chỉ vì Hà Bắc và Trung Nguyên làm ảnh hưởng nên tạm thời quốc lực không mạnh.