Thiên Huyền Địa Hoàng

Chương 121




Năm giờ sáng nhưng tiết trời mùa đông vẫn tối tăm mờ ảo, tôi không đi qua phòng khách mà từ cửa sổ nhảy xuống, tiến ra cổng, đi khỏi nhà, muốn đến bến xe bus để tới đài hóa thân Diệp Bách Thọ. Đi bộ khá xa, phải đi ra khỏi hương Triệu Khuyển Hà, qua trường học rồi dừng chân ở một bệnh viện nhỏ.

Sáng sớm tinh mơ của khí trời mùa đông, rét ghê gớm, gió vù vù cứ quất liên hồi vào mặt ran rát, người qua lại thưa thớt ẩn hiện trong đám sương mù tựa như mấy bóng đen lặng lẽ lặp lại công việc thường nhật. Đi gần tới nơi thì ấm người, bớt lạnh, xung quanh sương mù như dày đặc hơn, chợt có giọng nữ cất tiếng gọi.

“Anh Dương!”

“Anh Dương?” Chẳng lẽ gọi tôi? Tôi dừng bước quay lại, là một cô bé, có chút quen mặt. Tôi đứng ngốc một lúc chờ cô bé mở miệng bắt chuyện.

“Em là Trương Hằng, mấy ngày trước anh có tới nhà em đưa di thể của bố.”

Cô bé nói vậy tôi mới nhận ra. Nhưng lần đó trông cô bé nhiều sức sống hơn, bây giờ thì như đang ốm nặng, gầy quá, như que củ di động

-Nhà em an táng cho chú Trương Tú chưa?

Cô bé gật gật. Trông có vẻ buồn hơn. Sương mù là là bay tới, bao phủ lấy cái trạm chờ xe.

-Em từ trong bệnh viện ra là tới khám bệnh sao? Hay mẹ em ốm?

Cô bé lắc lắc. Nơi chờ xe bus khá đông người từ trong bệnh viện tụ tập lại, trai gái đều có đủ, hầu hết là những đứa trẻ còn khá nhỏ trong độ tuổi từ 12 đến 14. Mọi người không nói chuyện, lặng lẽ trầm mặc đứng chờ xe, sắc mặt đều tái nhợt, như thể rủ nhau cùng lăn ra ốm.

-Mẹ em đâu? Em định về nhà?

Cô bé lại lắc lắc.

Vùng sương mù dập dềnh như có một đám sinh vật li ti bay lượn trong không khí. Một vật đen đen từ từ đậm dần, càng lại gần trông càng có vẻ to lớn, tỏa ra khí thế áp bức, tựa như người ngồi trên thuyền mái chèo, nhìn một con cá mập lượn lờ ngay sát mặt nước, khiến người ta vô thức kinh sợ.

Con quái thú đó có hai mắt phát sáng, càng đến gần bến càng rực lên như bó đuốc, cuối cùng xua tan đi sương mờ khói ảnh hiện ra chân chính là chiếc xe trở khách cực kỳ bình thường, chẳng qua có chút tồi tàn xuống cấp. Có điều xe quả thật chạy êm ái nhẹ nhàng như máy bay giấy lướt ngang không trung.

Tiếng hú còi báo hiệu không hề phát ra, tiếng động cơ lăn bánh cũng chẳng buồn cất lời, thành ra cái việc nó đỗ lại ngay sát bên khiến cho người ta không khỏi rờn rợn nghi kỵ. Chẳng qua là ngoài tôi để ý ra thì hình như không ai thèm bận tâm mấy cái tiểu tiết dở hơi đó.

Mọi người rất trật tự lên xe, không huyên náo ồn ào, tôi đứng một bên chờ họ lên hết, cô bé quay lại nhìn nhìn, sau đó đi theo bạn lên trước, dường như muốn nói gì đó lại mở miệng không được.

“Anh nhắn với mẹ dùm em. "Con xin lỗi vì không thể ở bên cạnh mẹ. Xin mẹ đừng đau lòng. Mẹ hãy giữ gìn sức khỏe và không cần khóc nữa!”

Mấp máy mãi cuối cùng cũng thốt ra một câu nho nhỏ như muỗi vo ve. Nếu không phải nhờ nhĩ lực của tôi hơn người, hẳn cũng chẳng nghe rõ nội dung. Chỉ là trong lúc não bộ còn đang bận xử lý thông tin thì cô bé đã chui vào xe.

“Cậu có định lên không?”

Tôi giật mình bởi một giọng nói thều thào như sắp đứt hơi, phát ra sau lưng. Quay ra nhìn, là một nam nhân tầm ba mươi mấy. Tóc lòa xòa xơ xác như rễ tre che gần hết khuôn mặt vốn hốc hác mà tái nhợt như thể ốm đói lâu năm. Đôi mắt trũng sâu thâm quần chẳng khác con gấu trúc, xem ra mất ngủ kinh niên. Người thì cao như cây sào lại gầy như cành liễu, hai bờ vai co lại, cái cổ rụt xuống, hai bên tay như vượn buông thõng, thoạt nhìn khiến gã càng u tối thâm trầm, khiến người ta sởn da gà.

Tôi lách người cho gã lên, lại nghiêng nghiêng đầu ngẫm nghĩ, hình như gặp qua đâu? Bất chợt, lão lái xe bực bội gầm gừ.

“Đi xuống!” Lão hung hãn trừng mắt đứng bên cửa lên, nhìn chằm chằm vào gã mình hạc xương mai như nhìn một con vật khốn khổ.

“Cho tôi lên đi”. Giọng của gã khẩn khoản van xin, tựa như việc được nên xe là cực kỳ cấp thiết quan trọng.

“Không được phép lên xe.” Lão lái xe lạnh lùng rít thêm một câu nữa, đồng thời giơ chân thô bạo đạp một phát. Gã gầy trơ xương liền như chiếc lá vèo cái bay ra, đập bộ xương khô xuống nền đất.

Tôi trơ mắt đứng nhìn cảnh tượng có chút phi lý. Dù người ta không có tiền đi xe cũng không cần tàn nhẫn như vậy chứ?

Tôi nhìn lão lái xe, trông cứ như một con quạ mang theo điềm báo chết chóc và xui xẻo, tần ngần không biết có nên bước lên hay thôi. Đôi mắt lão như vực tối, không có tròng trắng, sâu thăm thẳm chẳng có lấy chút ánh sáng, chất giọng cổ quái tràn ngập lạnh lẽo vô tình, tựa như một cái máy chỉ biết làm việc theo mệnh lệnh, cứng ngắc, không khoan nhượng.

“Ngươi...có lên không?”

Tôi vô thức lắc lắc đầu từ chối. Bên khung cửa sổ xe, Trương Hằng nhìn tôi, gương mặt cô bé nhợt nhạt lại ẩn chứa nét tang thương như thể vừa trải qua thời kỳ tâm lý khó khăn. Đôi mắt trống rỗng vô hồn vốn khiến người ta không đọc được suy nghĩ nhưng mơ hồ vẫn cảm thấy dường như cô bé đang rất thương tâm chuyện gì. Chiếc xe này không chạy về nhà hay trường học, cô bé định đi đâu? Chẳng lẽ chán đời bỏ nhà đi bụi?

Tôi định bước lên hỏi, cửa xe đóng lại rồi từ tốn lăn bánh.

“Cho tôi lên đi, cho tôi lên đi mà”.Gã gầy chật vật ngồi dậy, rồi cuống quýt đuổi theo, miệng còn tha thiết nài nỉ. Tôi không hiểu nổi, không đi được chuyến này thì đi chuyến khác, sao mà khổ sở như thể đó là chiếc duy nhất giúp được gã?

Chiếc xe di chuyển êm ru như thể bay vào trong yên vụ và rồi rất nhanh tan biến. Sương mù vẫn luẩn quẩn quanh đây, người qua lại chẳng có mấy ai, chỉ có tiếng gió rét buốt vẫn cặm cụi bám vào người sống, tham lam hút đi hơi ấm ít ỏi.

Gã quay trở lại bến xe thất tha thất thểu như một kẻ thất tình. Tôi nhìn gã rồi cũng đi theo. Bến xe chỉ còn lại hai người, trầm mặc hồi lâu không muốn nói năng. Hôm nay thời tiết bị sương mù thôn tính, tầm này giờ rồi mà cứ âm u ảm đạm khiến lòng người trùng xuống chẳng sao cười nổi.

Tôi nhìn cái dáng gã ngồi, nhớ ra là gặp ở đâu rồi. Chính là lúc tôi đưa di thể chú Vương Quân về nhà thì gặp gã ta rồi đờ đẫn một chỗ trên chiếc ghế gỗ bập bênh.

-Anh, là người thân của chú Vương Quân phải không?

“Cậu là ai?” Gã nhúc nhích đầu, chất giọng hờ hững.

-Tôi chính là người hôm kia đưa di thể chú Vương Quân về nhà, có gặp qua anh ở đó nhưng chắc anh không để ý.

“Di thể Quân Quân? Nó sao lại chết?” Gã mơ hồ hỏi, trông như thể xác ở đây mà linh hồn lạc tới vùng đất xa xăm nào đó.

-Thím Vương không nói gì cho anh hay sao?

“Thím Vương nào chứ?” Gã có vẻ sửng sốt.

Hả? Anh ta sống trong căn nhà đó bao lâu mà không biết anh trai đã lấy vợ? Mà khoan, sao anh ta lại gọi anh trai là “Nó?”

-Chính là vợ chú Vương Quân.

“Cậu nói bậy. Tôi còn chưa kết hôn, sao nó có thể lấy vợ?” Gã bác bỏ, có vẻ khá chắc chắn.

-Anh, anh tên là gì?

“Tôi tên Vương Đình, tôi chỉ muốn được lên chiếc xe kia thôi. Chiếc xe đó trở Thu Sương của tôi đi rồi. Tôi muốn tìm lại cô ấy. Tôi phải tìm lại cô ấy!”

Anh ta vừa nói mắt lại dõi về nơi xa xôi mờ mịt nào đó. Tôi không biết mình sẽ chờ bao lâu mới có chuyến xe tiếp theo, cũng có chút quan tâm tò mò về người Vương Đình này nên lân la gợi chuyện.

Vương Đình không nhìn tôi, mắt vẫn dõi vào màn sương mù bồng bềnh trước mắt, tựa như có một đám sinh vật phù dù nhún nhảy trong không khí, tiết ra chất dịch gây cảm giác nôn nao khó chịu.

Chất giọng gã khàn khàn trầm lạnh cất lên, không phải kể lể cho tôi nghe, tựa như nói cho chính bản thân vậy.

Vương Đình nói anh ta là đầu bếp trong trại tâm thần của trấn Nhị Giới Câu, tại đó lại để ý đến một cô bé bị gia đình gởi tới điều trị. Thật ra nói vậy cho nó nhân văn, bệnh thần kinh vốn rất khó chữa khỏi, đa phần là cứ thế điên điên dại dại đến hết đời. Chủ yếu gia đình không muốn nuôi dưỡng cái người thân thích dở dở ương ương đó nữa, đóng lệ phí, nhờ người khác trông nom dùm là có thể dứt áo rồi.

Cô bé kia kém Vương Đình 10 tuổi, so với những bệnh nhân khác thì bệnh tình có vẻ nhẹ hơn, cũng có ngoại hình ưa nhìn hơn. Được đám bác sĩ y tá cho biết Thu Sương có mối tình rất ngọt ngào đáng ngưỡng mộ với anh bạn trai cùng chỗ làm ở nội thị. Yêu nhau đã mấy năm cũng tính làm đám cưới thì đùng một cái hai người chia tay. Anh ta cưới con gái của một thương nhân giàu có.

Còn Thu Sương vì quá thất vọng, tự tử nhưng không thành, sau khi được cứu, thần trí từ đó trở lên lúc bình thường thì trầm lặng như khúc gỗ, khi lên cơn thì như bị tiêm thuốc động kinh, như con điên luôn miệng hết khóc rồi cười, hết cười lại chửi bới la hét ầm ĩ. Cuối cùng người nhà chịu đựng không nổi gởi cô vào đây, chẳng qua tựa như quăng đi một cục nợ to tướng.

Dù sao người nhà cũng là tin tưởng cái bệnh viện tâm thần vốn lúc trước cũng là một tu viện có tiếng là giàu lòng thương người, hay giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi hoặc người già không ai chăm sóc. Chỉ gã là người trong cuộc, ít nhìu cũng nhìn thấu một ít vấn đề kinh tởm của cái tu viện có lịch sử hơn trăm năm.