Thiên Huyền Địa Hoàng

Chương 126: Bút ký của bố (hạ)




Tôi lại ra bậc thềm, dựa vào ánh trăng lưỡi liềm trên cao, xuyên qua những tầng mây mỏng, soi xuống thế gian, mở cuốn bút ký đọc tiếp. Thật ra lão bố viết cũng không nhiều, mỗi trang đề vài dòng nhăng nhít phía trên, phía dưới minh họa bằng ảnh của tôi. Xem ra ông bố thích chụp hình tôi hơn cả, chữ trong cuốn bút ký cộng lại chắc chưa được chục trang giấy, chủ yếu toàn ảnh là ảnh. Về phải tìm xem cái máy ảnh có còn ở nhà hay không đã. Tôi nghiêng đầu, hình như mình biết chụp hình thì phải?

Tôi vỗ vỗ vai trấn an thằng bé, nói nếu không nhớ bản thân là ai cũng không sao. Nói nếu không muốn tìm về quê nhà cũng được, cứ việc ở lại đây. Dù sao thằng bé cũng đã sống trong căn nhà này 10 năm rồi. Vậy thì hãy cứ coi đây chính là nhà. Hơn nữa tôi cũng khá yêu quý thằng bé, liền hỏi ý bảo nhóc Dương Dương có thể coi tôi là bố được không.

Dương Dương chớp mắt nghiêng đầu nhìn tôi hồi lâu, tựa như là đắn đo nghiền ngẫm, cũng có thể đơn giản là không hiểu câu hỏi. Tôi hỏi lại thằng bé, có thể nhận tôi làm bố không. Nó quả thật vẫn mở to mắt ngây ngô lạ lẫm như đứa trẻ.

Xem ra, quả thật không những bị mất trí nhớ mà IQ cũng nhân tiện vơi bớt một nửa. Tôi vỗ vỗ vai thằng bé, nói nó thôi thì cứ gọi tôi một tiếng bố đi, coi như trả phí sinh hoạt. Nhưng mất cả ngày trời nó vẫn không mở lời gọi. Mà dù tôi có liếng thoắng mồm mép bên cạnh, nhóc Dương Dương cũng chỉ lắc đầu. Haizz

Rồi đến một hôm, tôi thấy thằng bé vuốt ve con mèo ú, để thanh kiếm vất chỏng trơ bên cạnh. Nhóc Dương Dương chủ động mở miệng hỏi han, hỏi cái thứ mềm mại mượt mà này là gì. Tôi vui mừng hết sức. Điều đó cho thấy thằng bé Dương Dương bắt đầu thấy tò mò quan tâm về thế giới xung quanh, dù cho nó có đặt ra mấy câu hỏi ngờ nghệch ngốc nghếch cực kỳ, tôi cũng vui vẻ lý giải.Tôi vừa giải thích đồng thời cũng dạy thằng bé viết chữ. Xem ra mất ký ức thì trí nhớ về con chữ cũng theo đó bị xóa bỏ, ngay cả những kiến thức thông thường cũng trở về số không, ngộ ghê.

Đầu tiên tôi dạy thằng bé tên mình và nó thì viết như thế nào, sau đó mới dạy tiếp tới các chữ khác. Mỗi ngày học vài chục chữ, nhóc con nhìn tôi viết rồi làm theo, khả năng ghi nhớ tên của đồ vật rất mau lẹ, xem ra IQ cũng đâu tệ hại. Thế nhưng nó lại viết chữ theo cảm giác chứ không theo thứ tự. Việc làm theo đúng tuần tự con chữ lại khiến nhóc ta gặp khó khăn.

Tôi lấy đồ vật khắp nhà làm vật mẫu ví dụ, cũng may nhóc Dương Dương cực kỳ chăm chỉ luyện tập. Nó thường dành mười mấy tiếng một ngày để tập viết, dường như cực kỳ chuyên tâm. Nếu như tôi không bảo dừng tay nghỉ ngơi, thằng bé Dương Dương có thể cứ liên tù tì ngoáy bút chẳng mệt mỏi. Tôi không nghĩ nó thích thú chuyện đó, vẻ mặt vẫn chẳng bộc lộ xúc cảm gì. Có cảm giác tựa như chuyển mục tiêu từ việc đờ đẫn nhìn mây trôi lá rơi thành việc khác thôi.

Việc học tập đối với thằng bé diễn ra cực suôn sẻ nhanh chóng, một năm trôi qua là nhóc Dương Dương có thể bắt đầu cầm sách tự đọc. Việc đọc sách cũng say mê chú tâm tới mức cũng cần tôi tới bên nhắc nhở mới buông tay. Bây giờ hứng trí bừng bừng, tôi mang chiếc máy ảnh ra chụp thằng bé, bất cứ khi nào rảnh rỗi. Chỉ là chiếc Sony A3000 khá nhỏ nhẹ, có thể bỏ túi mang đi khắp nơi, tôi mua từ hồi bà xã còn sống, chủ yếu chụp ở nhà đám thú cưng, cây cảnh. Sau khi vợ mất tôi vất nó vào xó tủ, cây cối gì đó cũng lười chăm, chó mèo gì đó cũng lười nuôi.

Thằng bé chỉ thích ở trong thư phòng, ngồi trên chiếc ghế gỗ xếp đọc sách rồi ăn ngủ cũng tại đó luôn. Nhiều lúc tôi ngứa mắt ngứa miệng lại thúc ép nó ra ngoài ăn, về phòng mà ngủ. Nói chung là nó cũng vâng dạ nghe lời, nhưng khi tôi bảo nó ra ngoài cùng thì nó không tuân theo.

Nó cứ ru rú ở trong nhà đọc sách rồi lại đọc sách, mớ sách đó được sưu tầm từ thời cụ kỵ, nó ham thích tôi đương nhiên cao hứng, có điều vẫn vì thằng bé mà ra nhà Vương Quân đặt mua ít tạp trí tranh truyện phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Một năm rồi lại một năm bình đạm yên ổn trôi qua, tôi thật sợ nó mắc bệnh tự kỷ, rủ rê năn nỉ ỉ ôi thằng nhóc Dương Dương ra ngoài mấy lần mà cứ bị lắc đầu khước từ.

Mãi năm năm sau, thằng bé mới nhìn chằm chằm vào chiếc xe đạp tôi định dắt đi ra ngoài, hỏi làm sao cũng đi được như tôi. Tôi nghe thế đương nhiên hào hứng chọn một ngày đẹp trời khô ráo chỉ dạy. Nhưng thằng bé lại không chịu ra khỏi nhà, làm sao mà tập trong cái sân chật hẹp bé tí tẹo này được. Tôi ở bên cạnh gạ gẫm dò la mấy buổi, mãi thằng nhóc Dương Dương mới thỏ thẻ nói bên ngoài quá nhiều người, nó sợ.

Nó sợ, thật chẳng ngờ vậy mà lại vì lý do hoang đường đó nên trốn tránh trong nhà 15 năm trời? Được rồi, tôi biết con người đôi khi đáng sợ chẳng khác ma quỷ, nhưng không phải ai cũng lồ lộ bản chất tàn ác đó. Người cũng có dăm bảy loại, không thể đánh đồng, chỉ là thằng bé bây giờ chưa biết cách nhận diện cũng như phòng tránh, hơn nữa có thể do quá khứ bị nhiều người lừa dối hãm hại, cho nên tạo ra bóng đen trong tâm lý.

Lựa lúc sáng sớm tinh mơ, lúc người qua lại hầu như không có, con đường vắt ngang qua nhà cực kỳ vắng vẻ, dạy nó tập đi xe đạp.Tập đi được xe là cả một quá trình gian nan khổ ải, ngã nên ngã xuống ti tỉ lần tới mức tôi xót nó mà cũng thương cho cái xe tôi đi cả chục năm trời không sao, đến khi rơi vào tay thằng bé có một tháng thôi mà tơi tả tả tơi. Học hành thành tài xong thì chiếc xe cũng vì sự hành hạ vô ý của thằng bé mà thảm hại tới mức cong vành bể bánh, cuối cùng tôi đành phải chia tay với “chiến hữu” ở tiệm sửa xe đạp, tiện thể mua hai em khác thay thế.

Rồi, biết đi xe mà vẫn ở nhà thì phí của quá, tôi lại thể hiện chút công phu mồm mép dụ dỗ thằng bé. Nói với nhóc Dương Dương, chỉ cần có tôi ở bên, sẽ không có bất cứ nguy hiểm gì có thể đe dọa được. Tôi sẽ bảo vệ nó, bằng bất cứ giá nào. Hơn nữa nơi này là vùng thôn quê dân dã, người dân lương thiện phúc hậu, chỉ cần nhóc Dương Dương nghe lời bố, đứa trẻ ngoan ngoãn thì ai cũng yêu mến. Tóm lại, tôi lải nhải mấy lời sến súa trong phim truyền hình dài mấy trăm tập giáo dục gia đình gì đó mà quên mất tên rồi. Nói một thôi một hồi cả tuần trời mới thuyết phục được thằng bé vẻ mặt vẫn cực kỳ ngu ngơ đi theo.

Lựa sáng sớm hoặc chiều muộn ra con sông gần nhà chụp cảnh bình minh hoặc hoàng hôn, tiện thể truyền dạy chút kỹ năng nhiếp ảnh, sau đó tiện đà lại dạy nhóc ta tập bơi. Rõ ràng trí nhớ về mặt lý thuyết cực kỳ chính xác, thế nhưng đến khi vận dụng vào thực hành lại khác xa một trời một vực. Để có thể khiến thằng bé chụp được một bức bình thường nhất, nghĩa là không bị ngiêng trái lệch phải, hay là mất góc, cụt trên mất dưới, mấy tháng trời sau nhóc Dương Dương mới cho ra một tấm coi được.

Còn vụ học bơi cũng thê lương thảm hại không kém, vung tay đạp chân kiểu gì chỉ di chuyển trong 2 m vuông nước thôi mà học từ mà hè năm này sang đến mùa hè năm sau vẫn chìm nghỉm như thường. Nhưng cũng vì thường xuyên ra ngoài dần dần Dương Dương cũng bớt lảng tránh sợ hãi con người. Thật ra theo quan sát tỉ mẩn của tôi, nhóc con Dương Dương đó hờ hững lãnh đạm với con người thì đúng hơn, vẻ mặt cùng chất giọng của nó không giống đang sợ sệt cái gì hết.

Cũng không thể cứ để nó chỉ biết cắm mặt vào đọc sách xem truyện, tôi lại dạy nó tập quét dọn nhà cửa, giặt giũ áo quần, đặc biệt là nấu ăn. Đầu tiên là quét nhà, thật tình tôi chưa từng gặp qua thằng bé nào như con nhà mình, nó quét kiểu gì một hồi sau không thấy có tí rác nào để hót. Mỗi ngày giặt có hai bộ đồ thôi mà ngày nào cũng phải hỏi đi hỏi lại công thức giặt đồ, có thứ công thức như vậy tồn tại sao?

Vẫn là nấu ăn hình như quá sức với thằng bé hơn cả, cắm cơm điện thôi mà cũng có thể khiến cho cái món cơm trên sống dưới kê tứ bề nhão nhoét. Luộc rau tráng trứng đơn giản hai món như thế mà cũng khiến nó xoay xở cho cái bếp đổ vỡ tung tóe. Qủa là cao thủ. Vẫn là mất vài năm sau tôi mới dám dời mắt để thằng bé một mình loay hoay trong bếp tự nấu một bữa cơm một canh hai mặn tử tế.

Thời gian vùn vụt trôi mau, lâu lâu hai bố con lại song hành đạp xe vào nội thị, tới mấy trung tâm mua sắm sầm uất thưởng ngoạn, hoặc ghé thăm siêu thị hưởng chút khí lạnh điều hòa, cho thằng bé tiếp xúc với mấy thứ văn minh hiện đại cho đỡ ngu người.

Đó được xem như là bước tiến xa trong việc giúp thằng nhóc Dương Dương hòa nhập với cộng đồng. Dù sao tôi cũng tới tầm tuổi xế bóng, không thể cứ mãi ở bên chăm bẵm từng li từng tí. Mai sau tôi không còn, thằng nhóc phải có đủ bản lĩnh để đối phó với xã hội đầy nhiễu nhương kia. Nếu như thằng bé cứ thế này, mãi không chịu thay đổi, làm sao tôi nhắm mắt xuôi tay an lành?

Chuyện cuối cùng khiến tôi canh cánh trong lòng chính là làm sao cho thằng bé Dương Dương lấy được vợ. Nó cứ nhìn thấy người là mặt đơ như cây cơ, miệng cũng câm như hến thế kia thì gái nào đổ cho nổi. Tôi cũng không biết mình có thể sống tới ngày tháng năm nào, vẫn nên tự thân vận động tìm khắp làng trên xóm dưới xem có cô bé nào xinh xắn ngoan hiền làm mai cho thằng bé. Nhân lúc còn sống khỏe, có thể nhìn thấy nó lấy vợ sinh con, tôi mới mỉm cười đi gặp lão bà được.

Tôi gấp cuốn bút ký lại, khi bóng tối một lần nữa bao phủ vạn vật. Gió lạnh buốt như thét gào khắp khu nghĩa trang mang theo những bông tuyết tinh khôi reo rắc lên những tán cây bách tiêu điều, thả lên những bia mộ tang tóc, khiến cho cả không gian càng nhuốm vẻ tịch mịch bi thương.

Ngẩng đầu nhìn bầu trời bị mây mù dày đặc che lấp tất cả ánh sáng của trăng sao, nhìn nhìn một lúc lâu rồi thở dài, đi thắp cho bố nén nhang.

Tôi lúc trước tựa như một số không tròn trĩnh, không gì hết. Dùng hình ảnh ẩn dụ so sánh, có lẽ tựa như một hài nhi mới trào đời, may mắn lọt vào vòng tay của bố, nhờ thế mới có tôi của ngày hôm nay. Tôi vô cùng biết ơn ông ấy, công dưỡng dục như tái sinh, còn to lớn hơn nghĩa sinh thành, tôi nghĩ vậy.

Tôi lặng người nhìn di ảnh của ông hồi lâu mới xoay thân bỏ đi. Đi ngang qua những ô vuông thờ cúng tro cốt người hỏa thiêu lại nhìn thấy một con chó nằm cuộn tròn trên nền tòa nhà bách linh lạnh lẽo. Nó rất gầy, như chỉ còn da bọc xương. Sao nó lại phải nằm ngủ ở ngoài trời buốt giá? Lại gầy như bị bỏ đói lâu ngày? Chủ của nó đâu rồi? Hay đây là chó lang thang không ai cần đến? Người ở trong này vậy mà không thể cho chút thức ăn gì sao? Cũng không phải thời kỳ khan hiếm thực phẩm. Trên người tôi lại chẳng có thứ gì ăn được.

Chợt nó nhúc nhích cái tai, đầu ngẩng lên nhìn phía ngoài. Nó đứng dậy, đuôi phe phẩy, sủa một tiếng vui vẻ phấn kích rồi chạy tới bên một người. Con chó lượn xung quanh thân kẻ đó mấy vòng rồi cọ cọ đầu vào chân vô cùng thân thiết, xem ra đó chính là chủ nhân rồi. Chính là cái người tối đó nói chuyện với tôi đây mà.

Ông lão nhìn tôi một chút rồi mở miệng hỏi, gương mặt bớt đau buồn, thoáng chút thanh thản.

-Cậu về rồi sao?

Tôi gật nhẹ, bước tới bên. Lão nhân lại hỏi.

-Cậu sẽ trở lại chứ?

-Đấy là dĩ nhiên.

Lão gật gật, rồi hơi cúi người vươn tay xoa xoa đầu con chó, sau đó xoay người bỏ đi, con chó nhìn tôi sủa một tiếng cũng cong đuôi chạy quấn quýt theo chủ, không có vẻ gì gầy yếu đói khổ cả.