Thiệu Hoa

Chương 61: Đàn Cello




Thứ bảy, thầy giáo Hà lại tới.

Thiệu Hoa hôm trước vừa mới khâu mấy mũi trên đầu, hôm nay vẫn còn có chút đau, anh thật sự chẳng có chút tâm tư nào học chữ nổi, Tiểu Hà vừa đến anh đã lôi kéo người ta nói chuyện phiếm.

“Nghe nói năm nay cậu vừa mới đỗ học viện âm nhạc?”

“Đúng.”

“Vậy cậu học gì?”

“Đàn Cello.”

“Vậy sao…” Thiệu Hoa kích động nói: “Học mấy năm rồi?”

“Cũng sắp được 12 năm rồi, bố tôi là thầy giáo dậy Cello, từ nhỏ đã dạy tôi rồi.”

Thiệu Hoa ngả đầu ra sau, nghĩ nghĩ rồi có chút ngại ngùng nói: “Vậy cậu hiện tại có tiện về nhà lấy Cello của cậu đến đây được không? Để tôi bảo Tiểu Trần đưa cậu đi.”

“Thiệu tiên sinh?” Tiểu Hà có chút nghi hoặc.

“Phiền phức vậy thì thôi.” Nói xong, Thiệu Hoa đứng lên đi đến cạnh giàn âm hưởng, sờ soạng một chút rồi lấy ra một đĩa nhạc bỏ vào máy chạy nhạc.

“Elgar, E Minor” Tiểu Hà không nghĩ tới Thiệu Hoa lại bật bản hòa tấu “ Violinkonzert e-Moll op. 64” của Sir Edward Elgar.

“Ha ha, cậu cũng thích khúc này sao?”

“Thích.”

Bọn họ nói rất nhiều chuyện về đàn Cello, chẳng biết lúc nào trời đã chuyển tối. Đương nhiên ít nhất có một người là hoàn toàn không có cảm giác trời tối.

“Thiệu tổng, ăn cơm thôi.” Tiểu Trần nói.

“Tiểu Hà, hôm nay cậu ở lại đây ăn cơm cùng chúng tôi đi, tiện thể dạy tôi làm thế nào để dễ dàng ăn cơm chứ hiện tại đều là Tiểu Trần giúp tôi gắp đồ ăn vào bát.”

“A, vậy thì, xin được quấy rầy.” Tiểu Hà thấy có chút ngại nhưng cậu tự cảm thấy bản thân và Thiệu Hoa nói chuyện rất hợp nhau, nghĩ cũng muốn cùng người ta tán gẫu thêm chút nữa nhưng phải ăn cơm như thế nào thì cậu thật sự không biết phải dạy như thế nào nữa, bởi vì cậu ít ra còn nhìn được mờ mờ, đại khái vẫn xác định được phương hướng. Khi ăn cơm ở nhà mẹ cậu sẽ nói cho cậu biết trước mặt có những món ăn gì, khi đi học cao trung thì bạn học cũng lấy đồ ăn giúp cậu cho nên việc ăn uống cũng rất dễ dàng; lúc còn học tiểu học, trung học cậu đều là mang hộp cơm đi ăn, bên trong có thức ăn, có cơm, thật giống như Thiệu Hoa của hiện tại.

(Ở Trung Quốc chia ra ba cấp học phổ thông: tiểu học, trung học – ứng với trung học cơ sở ở VN, cao trung – ứng với trung học phổ thông ở VN)

Ăn xong cơm tối, bọn họ lại ngồi nói chuyện thêm nhiều giờ.

Thứ bảy lại tới.

Đại khái học xong một tiếng đồng hồ, Thiệu Hoa cuối cùng cũng nhận biết được chữ “a”, tiến độ học tập của anh thật đúng là chậm.

“Thiệu tiên sinh, tôi mang đàn Cello đến.”

“Sao cậu không nói sớm?” Thiệu Hoa vẻ mặt đầy hưng phấn.

Tiểu Hà còn chân thành nói: “Sợ ảnh hưởng đến việc học của anh.”

“Ha ha.” Thiệu Hoa cười lắc đầu.

Thiệu Hoa sau khi thưởng thức xong một đoạn nhạc do Tiểu Hà kéo thì nói: “Có thể cho tôi thử một chút không?”

“Anh cũng biết kéo đàn sao?”

“Trước kia đã từng học qua nhưng đã hơn 20 năm chưa cầm đàn rồi, hơn nữa tay trái sử dụng không được tốt. Cậu đừng cười tôi đấy.”

“Không đâu, không đâu.” Tiểu Hà đứng lên, đổi vị trí ngồi cho Thiệu Hoa.

Thiệu Hoa đỡ chiếc đàn Cello cực đại, tay phải lấy cung hơi hơi run. Khi âm thanh của nốt nhạc đầu tiên vang lên anh chợt cảm thấy hốc mắt mình có chút cay cay. Anh liếm môi, bắt đầu kéo đàn. Một đoạn nhạc đơn giản chỉ dùng để luyện tập nhưng đứt quãng gián đoạn, là tay trái sử dụng không tốt hay là quên nhạc phổ, hay là đã nhiều năm không dùng đàn.

“Ngón giữa của anh không tốt lắm?” Tiểu Hà vừa nghe là có thể nhận ra, mấy âm cần phải ấn bởi ngón giữa dường như không nghe thấy gì hết.

“Phải. Mấy ngón tay cũng đều không linh hoạt, ngón giữa thì xem như hỏng rồi.”

“Lúc kéo đoạn thấp, có lẽ có thể dùng ngón áp út thay thế một chút.”

“Ý kiến hay!” Thiệu Hoa thử lại, quả nhiên hiệu quả không tồi.

Buổi tối Thiệu Hoa lại giữ Tiểu Hà ở lại ăn cơm, ăn cơm xong, anh còn đi theo xe đưa Tiểu Hà về đến tận nhà.

Trên đường trở về, Thiệu Hoa nói với Tiểu Trần: “Tiểu Trần, cậu đi đến một cửa hàng bán cầm.”

“Vâng.”

Thiệu Hoa mua một chiếc Cello. Suốt một tuần kế tiếp, anh cứ không có việc gì là sẽ ngồi nhà kéo đàn. Anh bỗng nhiên phát hiện việc làm này đối với tay trái của anh rất có lợi. Mới kéo hai ngày mà cảm giác các ngón tay đã linh hoạt hơn so với trước kia một chút.

Thứ bảy tuần sau.

“Tiểu Hà cậu đã đến rồi!” Thiệu Hoa vô cùng hưng phấn.

“Thiệu tiên sinh.”

“Đến đây, cậu nghe thử đi.” Nói xong, Thiệu Hoa liền đỡ lấy đàn rồi kéo.

Chờ Thiệu Hoa kéo xong một khúc, Tiểu Hà liền nói: “ Thiệu tiên sinh, chúng ta bắt đầu học chữ nổi đi.”

“Chờ một chút, cậu nghe thử thêm khúc này nữa.”

Cứ như vậy suốt một buổi chiều, trong phòng chỉ nghe thấy tiếng đàn Cello… Tiểu Hà cảm thấy vị học trò lớn tuổi này thật khó dạy.