Thiếu Nữ Đánh Cờ Vây

Chương 7




Chị tôi thì thầm:

- Hình như chị có mang.

Sau bữa cơm tối, chị theo tôi vào phòng và tôi buộc phải chúc mừng chị. Tôi hỏi chị xem đã đi gặp bác sĩ riêng của nhà chưa.

Chị ngập ngừng và đỏ mặt nói:

- Chị chưa gặp bác sĩ, chị sợ lắm…

- Thế sao chị biết?

- Chị chậm kinh đã mười ngày nay rồi.

Tim tôi đập thình thịch. Tôi cũng vậy, tôi bị chậm kinh đã mươi ngày nay rồi.

- Chị có chắc không?

Nguyệt Châu nắm tay tôi.

- Hành kinh của chị đều lắm. Lần này chắc rồi! Tối đi ngủ, chị rất chóng mặt. Sáng ra hay bị buồn nôn. Chị thèm dưa muối chua. Người ta vẫn bảo rằng ưa của chua sẽ đẻ con trai. Em có nghĩ là chị sẽ có con trai không?

Tôi dửng dưng trước niềm vui của chị và khuyên chị nên khám bác sĩ.

- Chị sợ lắm. Sợ nhất là họ lại bảo chị không có thai. Chị chưa nói với ai, bí mật này chỉ mới có em biết thôi. Sáng nay, em gái ạ, chị thấy lại hạnh phúc. Chị ôm bụng mà như cảm thấy con chị nằm trong bụng đang sống bằng máu thịt chị. Nếu có con, chị sẽ chẳng cần gì tới sự bội bạc, ruồng bỏ hay dối trá của anh ấy nữa. Chị sẽ lại bắt đầu một cuộc sống mới!

Nỗi vui ríu rít của chị khiến tôi sợ đến lạnh người. Chị mong có con vô cùng còn tôi mà có mang chắc chết mất.

Sau khi Nguyệt Châu ra, tôi ngồi trước bàn viết. Tay cầm bút lông, tôi vạch những nét đen trên giấy dó, đếm đi đlại chu kỳ hành kinh. Đáng ra tôi phải bị cách đây chín ngày rồi mới phải.

Tôi buông mình xuống giường. Đầu ong ong. Tôi không biết bị chóng mặt như thế trong bao lâu. Khi tôi tỉnh dậy, đồng hồ điểm nửa đêm. Tôi thay đồ đi nằm.

Trong bóng tối tôi không sao ngủ được. Thật kỳ lạ khi biết rằng trong tôi có một cuộc sống đang nảy mầm, thân thể tôi sẽ đơm hoa kết trái!

Mắt nó sẽ giống Mẫn. Nếu là con trai, nó sẽ rất quyến rũ, vui tươi như anh, thông thái và nghiêm trang như ba tôi. Nếu là con gái, nó sẽ mang đôi môi đỏ của tôi, nước da trơn mịn của tôi. Nó sẽ giống chị tôi về tính đòi hỏi, tính ghen, giống mẹ tôi ở dáng đi kiêu hãnh. Khi còn bé, nó sẽ được Kinh cho đi chơi, anh vẫn kiêu ngạo và chua chát như thế. Nó sẽ đến quảng trường Thiên Phong, sẽ chơi cờ vây và có ngày sẽ thắng cả mẹ nó.

Tay tôi vuốt ve trên bụng và quay về với thực tại.

Mẫn đang bị người Nhật cầm tù, biết bao giờ mới được thả ra? Tôi không biết gia đình anh. Nếu tôi đến gặp họ, họ sẽ đuổi tống tôi đi. Ở trường, tên tôi sẽ được bêu trên bảng, tôi sẽ bị đuổi học vì làm ô danh tên trường. Chuyện tày đình sẽ lan truyền trong khắp thành phố. Dù tôi có chấp nhận sự nhục nhã, ba mẹ sẽ không thể nào chấp nhận nổi những cái nhìn dè bỉu, những lời bình phẩm, rỉ rót của thiên hạ. Bọn trẻ con sẽ vừa ném đá vào Nguyệt Châu vừa hát: em mày là con đĩ!

Tôi bật đèn. Bụng tôi phẳng phiu, dưới rốn, một vệt lông mờ chạy xuống tận chỗ lông mu. Ngày bé, mỗi khi bà vú tắm cho tôi, bà thường bảo nhiều lông như thế sẽ sinh con giai đầu lòng.

Tôi sẽ quỳ xuống trước mặt ba mẹ. Tôi sẽ rập đầu xuống đất để xin ba mẹ rộng lòng thương. Tôi sẽ đi ở ẩn ở nơi nào xa tít tắp để sinh con và chờ ngày Mẫn và Kinh được tha.

Ngày hạnh phúc ấy sẽ đến: sẽ có hai bóng đàn ông cùng đi về phía ngôi nhà mái rạ khuất nẻo trên bình nguyên. Và cửa sẽ mở ra.

62.

Ngày mùng 7 tháng bảy, sau một cuộc tập luyện ban đêm. Trung đoàn đồn trú tại Phong Đài điểm danh thiếu một binh sĩ. Quân đội Trung Quốc từ chối không cho chúng tôi khám xét thành phố Vương Bình. Những phát súng đầu tiên đã nổ ra.

Ngày 8 tháng bảy, cuộc giao tranh thứ hai bùng ra quanh chiếc cầu ở thung lũng Lau sậy.

Ngày 9 tháng bảy, bộ tổng tham mưu ra lệnh cho các trung đoàn đang đóng trên đồng bằng vùng Bắc Kinh chuẩn bị chiến đấu. Tại Tôkyô, chính phủ chịu sức ép quốc tế tỏ ra nhún nhường: “Không nên làm trầm trọng tình hình, vấn đề nên được giải quyết tại chỗ.”

Bộ tổng tham mưu đề xuất ngừng bắn với bốn điều kiện: quân Trung Quốc rút lính đồn trú quanh thung lũng Lau sậy, quân Trung Quốc phải đảm bảo an toàn cho binh lính Nhật, phải giao nộp bọn khủng bố, phải xin lỗi.

Phía Trung Quốc bác bỏ tất cả.

Ngày 10 tháng bảy, nhiều tiểu đoànGiới Thạch tiến về phía Bắc Kinh. Các đội quân tăng cường đầu tiên thuộc các trung đoàn Mãn Châu của chúng tôi vượt qua Trường thành.

Ngày 11 tháng bảy, chính phủ tại Tôkyô rút cuộc cũng nhượng bộ trước tình hình khẩn cấp và điều quân tăng cường từ Triều Tiên sang.

Tiếng ầm rung chuyển mặt đất. Phi đội máy bay ném bom đầu tiên bay về phía Trung Hoa nội địa. Bên sườn các máy bay, chúng tôi tự hào nhìn thấy cờ tổ quốc: mặt trời đỏ rực nổi trên nền tuyết

Tiếng kêu khắp nơi: tiến về Bắc Kinh! Tiến về Bắc Kinh!

63.

Bộ máy tuyên truyền của quân Nhật bắt đầu hoạt động. Sự cố thung lũng Lau sậy là tin sốt dẻo trên các báo. Các bài xã luận lên án những tướng lĩnh Trung Quốc đang ủng hộ bọn khủng bố và vi phạm các hiệp định hoà bình. Họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay và đưa lời xin lỗi chính thức đối với Thiên hoàng.

Mẹ vốn đã quen với tình trạng chiến tranh từ thủa bé, đặt lòng tin vào sự chán nản chung và vào tài ngoại giao của Mỹ, chắc sẽ làm dịu bớt những kẻ hiếu chiến. Bà thở dài: người Nhật lại một lần nữa sẽ lại đòi bồi thường tài chính. Dư luận thì phấn khởi: hoàng đế Mãn Châu vẫn giữ cho đất nước ở ngoài cuộc. Cuộc chiến Trung Quốc - Nhật Bản đối với những người hèn nhát này vẫn sẽ chỉ là một trận hoả hoạn ở bên kia bờ sông: cảnh tượng nhìn để giải trí.

Trắng trở thành đen, những người yêu nước bị giam cùng bọn hiếp dâm và giết người. Quân đội ngoại bang tuần tiễu trong thành phố chúng tôi và chúng tôi cám ơn họ vì đã giữ gìn hoà bình. Phải chăng sự hỗn loạn bên ngoài này đã làm rối loạn nhịp sống của tôi?

Càng ngày, chị tôi càng nở nang, hớn hở. Mỗi tiếng cười của chị làm tôi thắt lòng. Con chị sẽ là niềm vui của cả nhà, còn con tôi sẽ bị nguyền rủa.

Vương Ma đã dành sáu đêm liền để may xong tấm che bụng cho cháu trai tương lai của tôi. Chị ta thêu trên nền lụa đỏ những bông sen, cây mai, cây đào, hoa đỗ quyên nở đỏ trong một khu cườn thần tiên có những vòm lá xanh và mây mờ màu bạc. Công trình đáng nể ấy làm tôi mỉm cười: con trai tôi sẽ được bọc trong quần áo cũ nhưng nó sẽ là đứa trẻ đẹp nhất trên đời.

64.

Một người đàn bà tiến đến, mũ rộng vành, váy lụa óng ánh theo bước chân uể oải. Tôi không kịp tự hỏi mình xem cô ta là ai, cô ta đã ngồi xuống cạnh tôi, thở hồng hộc.

Nắng hắt lên mặt em một vẻ gì bí ẩn qua lớp đan trên mũ. Một đường gân xanh nhỏ chạy dài trên thái dương bên phải và biến vào trong chân tóc. Nhiều nốt ruồi lấm tấm trên nền da nâu. chúng nhỏ bé và giống như những giọt lệ.

Có tiếng cạch sắc gọn. Em vừa đi một quân. Tay em thoáng dừng phút chốc trên bàn cờ. Móng tay sạch sẽ, tô màu cam.

Tôi vẫn lắng nghe tiếng quân cờ đi. Nó thể hiện tư duy của đối phương. Hồi mới gặp nhau, cô gái cầm quân cờ bằng ngón trỏ và ngón giữa, đặt quân lên bàn cờ với tiếng cạch nghe vui vui. Rồi tiếng kêu trở nên trầm đục cho tôi biết tâm lý u ám của người chơi. Hôm nay, tiếng kêu lại ngắn, sắc và trong veo. Cô gái đã lấy lại tự tin và sức sống!

Quả thật là em đang phản công một cách rất độc đáo.

Trong khi em đang dạo một vòng trong khu rừng bên cạnh, tôi suy nghĩ về ván cờ bằng một phương pháp đặc biệt. Chúng tôi đã đi hơn trăm nước, tôi không tính toán nữa và nhìn bàn cờ như một hoạ sĩ nhìn bức tranh dở dang. Quân đen của tôi như những điểm mực nho để tôi vẽ nên các nét tranh và các khoảng trống. Chỉ có sự toàn thiện thẩm mỹ mới có thể đưa tới chiến thắng trong cờ vây.

Cô gái người Hoa quay trở lại. Khi em ngồi xuống, bóng mũ em ve vuốt trên ngực tôi. Chiếc ruy băng cài trên mũ phất phơ theo gió và giữ nhịp trái tim tôi. Tôi không thể đoán được tại sao em lại giả trang là người lớn. Tôi không biết tên em, không biết tuổi, không biết hàng ngày em làm gì. Em giống như ngọn núi nổi bật trên bầu trời đầy mây để rồi lại chìm lắng trong sương mù.

Có tiếng ì ầm ngắt dòng mơ mộng của tôi. Máy bay của chúng tôi mang nặng bom trên đôi cánh thép đang bay qua đầu chúng tôi. Tôi liếc mắt nhìn đối phương, cô gái chẳng hề ngẩng đầu nhìn lên.

Bay qua nước Trung Quốc đối với đồng đội của tôi còn dễ hơn việc tôi nhìn rõ các ý nghĩ của cô gái chơi cờ vây.

65.

Có ai bước vào phòng tôi và lắc mạnh. Chị Nguyệt Châu đang định đánh thức tôi để đi chợ ngày chủ nhật chăng?

Tôi quay lưng lại.

Người kia không bỏ đi mà lại ngồi lên giường tôi, kéo vai tôi và rên rỉ.

Tôi tức quá nhảy chồm dậy và mở to mắt: không phải Nguyệt Châu mà là Hương đang khóc.

- Đi nhanh lên! Những người kháng chiến sẽ bị hành hình sáng nay.

Tôi nghẹn thở.

- Ai bảo cậu thế?

- Bà giữ cổng ký túc xá. Hình như là cả đoàn sẽ bị diễu qua Bắc môn. Mặc quần áo nhanh lên, tớ sợ là muộn mất!

Tôi vớ ngay chiếc áo dài đầu tiên tìm thấy. Tay tôi run đến mức không thể cài áo được. Tôi vừa xoắn tóc bới thành búi vừa bước ra khỏi phòng.

Con đi đâu? - Ba hỏi.

Tôi cố can đảm nói dối:

- Con có hẹn chơi một ván cờ. Con bị muộn rồi!

Đến đầu vườn, tôi đụng phải Nguyệt Châu đang bước qua cổng, chị tóm tay tôi:

- Em đi đâu đấy?

- Thả em ra, sáng nay em không đi chợ đâu.

Chị nhìn Hương ánh mắt không mấy thiện cảm và kéo tôi ra:

- Chị phải nói với em một việc.

Tôi rùng mình. Không biết chị có biết gì về Mẫn và Kinh không đây?

- Đêm qua chị không ngủ…

- Chị nói đi, em đang vội đây!

Chị tiếp:

- Hôm qua, chị đi khám ở bác sĩ Trương. Chị không có thai. Đấy chỉ là tưởng tượng.

Cả một suối nước mắt tràn ra. Tôi nói để gỡ khỏi tay chị:

- Chị phải đi khám người khác, bác sĩ cũng có thể nhầm chứ.

Mặt chị bơ phờ:

- Sáng nay chị lại bị hành kinh rồi!

Nguyệt Châu tựa cả người vào tay tôi. Tôi kéo chị về tận nhà. Vương Ma và chị bếp vội đến giúp tôi. Tranh thủ lúc lộn xộn, tôi chuồn đi.

Tại cổng thành phía Bắc, hàng trăm người xúm xít quanh tường thành. Lính Nhật dùng báúng đẩy lùi đám đông. Máu tôi như đông lại. Giờ tôi mới ý thức rằng có chuyện gì khủng khíêp lắm sắp xảy ra.

Sau lưng tôi, một ông già nói xoèn xẹt:

- Ngày xưa, trước khi chết, tử tù được cho uống say, còn hát váng cả tai. Rồi đao phủ hạ kiếm xuống loé lên một cái như chớp. Thường thì thân người vẫn còn đứng yên một lúc trong khi đầu đã lăn long lóc xuống rồi. Máu phọt từ cái cổ có khi cao đến hai thước ấy chứ!

Những người nghe ông ta nói chặc lưỡi. Họ đi xem hành hình như xem biểu diễn vậy. Tôi tức giận dẫm lên chân lão già vô lại và lão kêu lên.

Một đứa trẻ hét to:

- Họ đến đấy! Họ đang đến đấy!

Tôi kiễng chân lên và thấy một con bò đen đang kéo một chiếc xe thùng trên đó có thứ như cái lồng nhốt ba người. Miệng họ đầy máu và họ thốt ra những lời nguyền không ai nghe ra tiếng gì.

Có ai đó thì thầm sau lưng tôi:

- Họ bị cắt lưỡi rồi.

Tim tôi thắt lại. Những tử tù bị tra tấn chết đi sống lại, trông họ đều giống nhau và chỉ còn là những tấm thân tơi tả đầy máu còn thở mà thôi.

Nhiều chiếc xe chầm chậm đi qua Bắc môn. Hương không chịu được nữa và bảo sẽ đợi tôi trong phố. Như có một sức mạnh điên rồ nào đó nâng đỡ, tôi muốn xem họ tới cùng. Tôi phải biết được Mẫn và Kinh có chết hay không.

Đoàn xe dừng lại trên một bãi đất trống. Binh lính mở lồng và dùng lưỡi lê thúc tử tù bước lên. Một người trong số họ trông như đã chết. Hai tên lính lôi người đó đi như một túi bột mì thủng.

Có tiếng rú lên. Một người đàn bà ăn bận sang trọng có hai người hầu gái khoẻ mạnh dìu, vẹt những người đứng quanh bà ta ra và lao tới sát vòng vây của lính.

- Mẫn con ơi!

Từ xa, một người tù quay lại. Anh quỳ xuống lạy ba lần về phía chúng tôi. Tim tôi như ngừng đập. Lính nhảy xổ vào Mẫn và đánh anh.

Các tử tù quỳ thành một hàng.

Một người lính phất cờ, tất cả đều giương súng.

Mẹ Mẫn ngất đi.

Mẫn không nhìn tôi. Anh không nhìn ai hết. Chẳng có gì tồn tại ngoài tiếng sột soạt trong cỏ, tiếng kêu yếu ớt của côn trùng, gió thổi mơn man trên gáy anh.

Tôi có được anh nghĩ tới chút nào không, tôi là mẹ của con anh cơ mà?

Đội hành quyết lên đạn.

Mẫn quay đầu lại. Anh đăm đăm nhìn một tử tù khác bên trái mình. Rốt cuộc tôi cũng nhận ra Đường! Họ mỉm cười với nhau. Mẫn khó nhọc nghiêng người và đặt môi mình lên má người kia.

Tiếng súng vang lên.

Tai tôi lùng bùng. Tôi ngửi thấy mùi rỉ sắt trộn lẫn mùi mồ hôi người. Phải chăng đó là mùi cái chết? Tôi rùng mình lợm mửa. Ruột tôi thắt lại và tôi nghiêng người để nôn.

66.

Lan co người trên ghế, cô giận tôi:

-Anh thay lòng đổi dạ rồi - cô điếm Mãn Châu than thở.

Tôi nằm dài trên giường cô. Đáng ra phải cởi quần áo cho tôi như mọi khi, cô lại vặn vẹo chiếc khăn tay.

-Trước kia vài ba ngày anh lại đến với em. Thế mà hai tuần nay không thấy anh đâu. Anh theo con nào rồi?

Tôi thử cãi lý với cô:

-Từ khi anh đóng quân ở đây, anh chỉ biết có mỗi em thôi. Em chẳng việc gì phải ghen cả.

Quả thật thời gian gần đây, tôi không thấy cô ta hấp dẫn nữa. Tôi thấy da cô hơi ram ráp, thịt nhẽo. Vần vau mãi cũng chán.

Mắt cô ầng ậng nước:

-Em không tin. Em yêu anh còn anh lại mê đứa khác.

-Em hâm à. Anh có thể được lệnh thuyên chuyển bất kỳ lúc nào và không quay trở lại thành phố này nữa. Rồi anh sẽ hy sinh. Thế thì em yêu anh để làm gì?. Không nên gắn bó với một kẻ qua đường như anh. Em phải yêu kẻ nào mà cưới được em ấy . Quên anh đi.

Cô ta lại càng khóc dữ. Nước mắt cô ta làm tôi kích động. Tôi đẩy cô lên giường. Lột váy cô ta ra.

Nằm dưới người tôi, mặt Lan đỏ bừng. Giữa hai tiếng nức nở, cô ta gào lên vì khoái cảm. Tôi xuất tinh. Lạc thú của tôi không còn phong độ như trước.

Lan nằm dài bên tôi phì phèo thuốc. Tay kia còn rỗi phe phẩy quạt. Tôi cũng châm một điếu.

-Anh nghĩ gì vậy? - Cô ta hỏi với giọng u ám.

Tôi không trả lời. Khói thuốc trắng bị quạt xua đi chầm chậm toả thành nhiều vòng từ từ lên trần.

-Cô ta là người Hoa hay người Nhật? - Lan gặng.

Tôi đột ngột vùng dậy.

67.

Tôi lang thang trong các phố, người đờ đẫn.

- Cậu về nhà đi - Hương nài.

- Để tớ yên.

- Xin cậu đấy, đi về đi.

- Tớ ghét nhà tớ.

- Hay cậu khóc đi vậy. Khóc thật to vào, cố lên.

- Tôi không có nước mắt.

Nó mua bánh nhồi thịt của một bác bán hàng rong.

- Thế ăn tí chút vậy!

- Bánh nhân thịt của cậu hôi lắm.

- Sao lại thế, thơm đấy chứ.

- Thiu rồi. Cậu không thấy rau trong đấy chua rồi à? Mùi như mùi máu ấy. Vứt đi, vứt ngay nếu không…

Ruột gan tôi lại lộn nhào và tôi nôn. Hương sợ quá quẳng ngay mớ bánh cho lũ mèo đang lượn quanh.

Tôi ngồi co quắp lại. Hương bảo:

- Này anh Kinh còn sống đấy!

Tin vui này cũng chẳng đủ.

- Tớ có thai với một người đã chết rồi. Tớ phải tự tử thôi.

- Cậu điên rồi à!

Hương nắm vai tôi lắc:

- Cậu điên rồi! Nhận là cậu nói năng nhăng nhít đi!

Tôi không trả lời.

Hương úp mặt vào lòng bàn tay:

- Thế thì treo cổ tự tử đi cho xong! Không ai cứu được đâu!

Im bặt lúc lâu rồi nó hỏi:

- Cậu đã gặp bác sĩ chưa? Nhỡ không sao thì sao?

- Tớ chẳng tin ai cả.

- Tớ sẽ tìm cho cậu một bác sĩ.

- Để làm gì cơ chứ? Mẫn phản bội tớ rồi. Tớ phải chết thôi.

68.

Cô gái người Hoa đến trước tôi. Cô đặt các quân cờ lên bàn. Mắt cô sưng mọng có quầng thâm. Cô không chải đầu và mớ tóc được cuốn thành một búi to giản đơn. Cô đi một đôi giầy trong nhà.

Nom cô giống một bệnh nhân vừa trốn khỏi bệnh viện.

Trong khi tôi chơi, cô nhìn chằm chằm vào một cành liễu. Cái nhìn của cô làm tôi lo ngại. Đột nhiên, như người buồn nôn, cô rút ra một chiếc khăn tay bịt cả mũi cả miệng.

Tôi là người mắc bệnh sạch sẽ nên không thể chịu được là người mình có thể hôi và làm phiền đến cô gái. Tôi hít thở thật sâu: chỉ có mùi cỏ úa như báo hiệu cơn mưa sắp tới.

Hay cô ngửi thấy mùi của Lan trên người tôi? Cô điếm xức nước hoa nhiều quá đáng lên cả lên người cả lên quần áo. Cô ta ghen và thích sở hữu nên tìm mọi cách để lại dấu ấn trên người tôi.

Trời tối sầm xuống, một làn gió nóng ẩm ướt cuốn lá khô xoay tròn. Những người chơi cờ ồn ào xếp quân cờ lại.

Cô gái mải suy nghĩ vẫn không cựa quậy. Tôi đưa ra nhận xét rằng chúng tôi là những người duy nhất còn ngồi lại trên quảng trường. Cô không nói gì, ghi lại thế cờ trên tờ giấy và bỏ đi không chào tôi.

Thái độ kỳ quặc này khiến tôi nghi ngại. Tôi đứng dậy gọi một chiếc xe tay. Nấp mình dưới mái xe, tôi ra lệnh cho anh phu xe đi theo cô gái.

Thiếu nữ đi bộ qua các phố đang náo nhiệt: những nhà buôn tháo gỡ các gian hàng, các bà đang rút quần áo, người đi bộ xô đẩy nhau. Mấy lần tôi suýt để mất dấu cô.

Lũ chim én làm tổ dưới ô văng nhà kêu chí choé đầy tuyệt vọng. Trời đen sầm, những giọt nước to tướng bắt đầu rơi. Chẳng mấy chốc cả thác nước đổ xuống chúng tôi trong tiếng sấm ì ầm.

Cô gái người Hoa dừng lại bên rìa một khu rừng. Tôi xuống xe và nấp sau một thân cây.

Cô dấn sâu vào trong đám mù mịt màu xanh lá. Chớp nhoằng nhoằng soi rõ dáng người thanh mảnh. Tựa như có mảnh ruy băng ánh bạc lên lỏi trong các cành lá. Con sông phình lên trong cơn mưa, chảy về phía đông thành từng cuộn nước nhỏ lấp lánh ánh chớp. Nó giống tấm khăn phủ đen ngòm trải tới tận chân trời trước khi hoà vào màn đêm.

Cô gái lách xuống những con sóng quằn quại. Tôi lao ra. Đột nhiên, cô ta dừng lại. Tôi kìm chân và nằm sấp xuống đất.

Dáng bất động của cô gái trái ngược hẳn với dòng sông sôi sục. Hàng chục tiếng sấm rền nối đuôi nhau. Cây cối oằn người dưới sức gió. Có cành cây gẫy và xé thân cây ra khi nó rơi xuống.

Kỷ niệm về trận động đất quay lại với tôi.

69.

Mùi máu thấm vào cơ thể tôi. Ngập vào dưới lưỡi tôi, phì ra đằng mũi tôi. Nó theo tôi dai dẳng đến tận phòng.

Tôi ngâm mình trong bồn. Tôi xát xà phòng lên mặt, lên cổ, lên đôi tay thấm đẫm cái chết thối tha của tôi. Mưa rơi. Tại sao ông trời lại đổ nhiều nước mắt thế xuống đời này? Thần thánh có khóc cho nỗi bất hạnh của tôi không? Tại sao những dòng thác từ trời rơi xuống lại không rửa sạch được những nỗi khổ đau, dơ bẩn của chúng ta?

Tôi lăn xuống giường. Gió thổi không đều nghe giống như tiếng thì thầm của hồn ma bóng quỷ đang chập chờn bay lên hạ xuống. Phải chăng Mẫn cùng Đường đang cười phá lên?

Họ có bị giam cùng xà lim không? Họ có cầm tay nhau để cùng nhìn cuộc đời trôi qua như một dòng sông chìm vào hư vô không? Họ đã từng hôn nhau trước khi tôi gặp Mẫn hay không? Họ đã làm tình với nhau chưa? Là người tự do, chắc chị ta đã không tự nguyện dâng hiến cho anh. Nhưng vào đêm cuối cùng của cuộc đời, họ có trao thân cho nhau, má kề má, trán áp trán, vết thương sát với vết thương, dưới cái nhìn của cai ngục hay không?

Chị ta đã đón nhận anh trong bụng mình, trong tâm hồn mình. Anh đã quỳ xuống, như người hành hương rửa tội, đã hoà nhập vào thân chị. Anh đã ôm xiết chị ta với sức mạnh của mình. Dịch từ người anh đã chảy, máu họ đã hoà trộn vào nhau. Chị đã trao cho anh, anh giải thoát cho chị.

Tôi giật mình choàng dậy.

Mẫn đã phản bội tôi. Tôi phải chết.

70.

Cô gái quay lại.

Như một hồn ma, cô tách xa khỏi dòng sông và ra khỏi khu rừng. Ngoài kia, dưới cơn mưa, mọi phố xá đều giống nhau, đều không một bóng người. Trong bóng tối, thiếu nữ chập chờn dẫn tôi tới một thế giới khác.

Đột nhiên cô biến mất: tôi lao lên tìm cô nhưng vô hiệu.

Có một chiếc xe tay nhô ra từ màn mưa mù mịt và chấp nhận kéo tôi về tiệm ăn Chiđôri.

Đại uý Nakamura chờ tôi trong một phòng riêng biệt. Anh mời tôi nâng cốc vì vinh quang của Thiên Hoàng. Sau ba ly rượu sakê và vài miếng cá sống, tôi cúi mình thật thấp trước đại uý:

- Đại uý, tôi không hoàn thành nhiệm vụ anh giao. Xin anh hãy trừng phạt nghiêm khắc.

Một nụ cười dấp dính nơi khoé miệng anh:

- Đại uý, tôi không thể phân biệt được một tay gián điệp với một công dân hiền lành bình thường. Trên quảng trường Thiên Phong, tôi quên mất trách nhiệm của mình, tôi chỉ chơi cờ thôi.

Anh dốc cạn cốc rượu sakê, nhìn thẳng vào mắt tôi nói từng từ tách bạch:

- Trang Tử đã nói: “Mất ngựa, làm sao biết lại chẳng phải là điều hay?”. Một người thông minh không bao giờ phí thời gian của mình.

Rồi anh thêm:

- Trung uý có biết là hồi xưa tôi yêu một cô gái Trung Hoa không?

Tôi đỏ mặt, tại sao lại có chuyện tâm sự thế này nhỉ?

- Tôi sang Trung Quốc cách đây mười lăm năm. Ở Thiên Tân, t được nhận vào làm tại một nhà hàng Nhật Bản, ông bà chủ là người Kôbê. Tôi rửa chén đĩa, dọn nhà, chạy việc vặt, được nuôi ăn và cho ở trong một cái phòng nhỏ xíu. Thỉnh thoảng lắm mới có vài phút thảnh thơi, tôi thường ngồi bên cửa sổ. Bên kia đường có một tiệm ăn Tàu nổi tiếng về món bánh nhân thịt. Có một cô gái thường đến nhà từ sáng sớm mang theo thực phẩm và chập tối lại ra khỏi nhà đó tay xách đầy rác. Tôi cận nên chỉ thấy được dáng người thanh thanh và bím tóc dài cô ta buông sau lưng. Cô mặc bộ đồ đỏ, nom như một vệt lửa đi trong phố. Khi cô ta dừng bước, tôi có cảm giác như cô ta ngẩng đầu và nhìn tôi. Vì nhìn không rõ nên tôi cứ nghĩ là thấy cô ta cười và tim tôi đập mạnh.

Đại uý ngừng kể để rót cho tôi một cốc sakê mới và dốc cạn cốc của anh. Mặt anh bắt đầu đỏ phừng phừng.

- Một hôm tôi lấy hết can đảm để vào tiệm ăn kia với cái cớ là đặt một món gì đó. Cô ấy đứng đằng sau quầy hàng. Khi tới gần, tôi nhìn rõ từng nét, từng nét một trên gương mặt cô. Lông mày dầy, mắt đen. Tôi xin mua bánh nhận thịt. Cô không hiểu tiếng Nhật, tôi bèn vẽ chiếc bánh trên một tờ giấy. Cô ấy nghiêng người sau lưng tôi để xem. Tóc cô ấy trượt xuống, sượt qua má tôi.

Lại thêm một chai nữa, là chai thứ năm tôi uống cùng đại uý. Gió đã dịu và trời im tiếng sấm, chỉ còn nghe tiếng mưa rơi đều đều.

- Cô ấy thậm chí còn không biết viết tên mình bằng tiếng Trung Quốc. Chúng tôi chẳng có cách nào nói chuyện được với nhau. Chỉ có mỗi cách nhìn nhau không biết chán.Tôi thì chỉ nhìn thấy màu đỏ của áo và màu bím tóc đen huyền. Tôi tự tưởng tượng ra khuôn mặt của cô ấy, mà tôi chỉ nhìn thoảng thấy được thôi. Hồi đó tôi nghèo lắm và quà của tôi cho cô ấy là những bó hoa dại mọc ven vệ đường. Tôi ném chúng xuống phía dưới cửa sổ của tiệm ăn. Cứ chập tối, cô ấy lại mang cho tôi bánh nhân thịt mới ra lò còn nóng hổi. Tôi cũng không thể nào ăn được những chiếc bánh do tay cô ấy mới nặn ra nên thường giữ chúng cho tới khi chúng hỏng.

Một hôm, cũng như hôm nay này, trời mưa suốt buổi chiều. Nhiều khách hàng trú mưa trong nhà hàng chúng tôi và ăn mì nóng. Quá nửa đêm, tôi ra khỏi nhà bỗng có ai ôm chầm lấy tôi. Chính là cô ấy. Cô ấy run cầm cập và mưa quá nên tôi cũng chẳng biết là cô ấy khóc hay cười nữa. Tôi ôm cô ấy trong tay và ngồi lên bệ tường. Chúng tôi ôm hôn nhau và thì thầm bằng tiếng của mình những lời yêu đương. Tôi quên cả lạnh, cả đêm tối, cũng chẳng để ý thời gian trôi qua.

Đại uý im lặng lúc lâu. Rồi anh nổi giận và lại gọi một chai sakê nữa. Anh rót rượu cho chúng tôi mà tay run. Rượu rơi cả lên áo anh nhưng anh không để ý. Máu chảy rần rật trên thái dương tôi. Tôi lắng nghe câu chuyện của đại uý với sự chăm chú không kiềm chế của một người say. Đại uý đang không biết tìm từ gì cho đúng. Có chuyện gì bi thảm đã xảy ra cho con người cô độc này?

- Ngày hôm sau, tôi mang tất cả tiền dành dụm được và vào một cửa hàng tạp hoá Nhật. Tôi chẳng có đủ tiền để mua một chiếc kimônô, thôi thchiếc ôbi cũng được vậy. Món quà đó chính là liều thuốc độc mà tôi đã vô tình rót vào trong ly mật ngọt của mối tình. Quan hệ của chúng tôi chẳng bao lâu bị phát giác. Một tháng sau, cô gái biến mất không để lại dấu vết gì.

Im lặng nặng nề trên bàn rượu của chúng tôi.

- Mãi lâu sau, khi tôi nhập ngũ, tôi tìm cách dò hỏi về số phận cô ấy. Tiệm ăn đã đóng cửa từ lâu. Nhà chủ là những tay do thám, nay đã biến mất không còn tăm tích. Sau khi biết được cô giúp việc đi lại với một người Nhật, chúng đã giết cô ấy…

“Mặt trăng đâu còn nữa,

Mùa xuân không còn là xuân năm xưa!

Chỉ còn lại mình tôi

Vẫn là tôi thủa ấy!”

Anh bật nức nở.

Mai đây chúng tôi sẽ trở thành cát bụi. Nào có ai bận tâm về mối tình của một người lính?