Thiếu Phụ Đam Mê

Chương 25




Được bốn tháng, Laurent tính tới việc rút rỉa lợi lộc mà hắn mong mỏi từ cuộc hôn nhân. Hắn đã bỏ vợ mình và chạy trốn bóng ma Camille ba ngày sau đám cưới, nếu lòng hám lợi đã không cầm chân gã ở lại cửa tiệm của ngõ hẻm này. hắn chấp nhận những đêm kinh hãi, ở lại giữa những mối lo sợ làm hắn nghẹn thở, chỉ để không mất đi món lợi từ tội ác của hắn. Nếu rời bỏ Thérèse, hắn sẽ lại rơi vào cảnh bần cùng, hắn buộc phải giữ lấy chỗ làm của mình, còn ở lại bên nàng, hắn ngược lại có thể thoả mãn những thèm muốn được lười nhác của hắn, sống phè phỡn mà không phải làm gì cả, bằng lợi tức mà bà Raquin đã sang tên cho vợ hắn. Hắn phải tin chắc rằng hắn sẽ lỉnh đi với bốn mươi mấy ngàn francs, nếu hắn có thể chuyển nó thành giấy bạc, nhưng bà hàng xén già được Michaud hiến kế đã cẩn thận bảo vệ quyền lợi của cô cháu gái trong khế ước.

Thế là Laurent thấy mình bị ràng buộc vào Thérèse bởi một sợi dây bền chắc. Để bồi thường cho những đêm nghiệt ngã, hắn muốn ít ra mình cũng được bảo dưỡng trong cảnh nhàn hạ sung sướng , ăn uống phủ phê, áo quần ấm áp, trong túi rủng rỉnh tiền bạc cần thiết để thoả mãn những cơn bốc đồng của mình. Chỉ với giá đó, hắn mới bằng lòng ngủ chung với xác chết kẻ chết trôi.

Một buổi tối, hắn tuyên bố với bà Raquin và người vợ là mình đã đâm đơn nghỉ việc, và hắn rời khỏi sở làm vào cuối kỳ lương nửa tháng. Thérèse có một cử chỉ bất an. Hắn lại hấp tấp bổ sung là mình sẽ thuê một xưởng nhỏ để trở lại với nghề hội hoạ. Hắn huyên thuyên dông dài về nỗi buồn chán của công việc đang làm, về những chân trời bao la mà nghệ thuật rộng mở cho hắn. Hiện tại khi có xu nào trong túi, và có thể thử thách sự thành công, hắn muốn nhìn xem liệu mình có khả năng làm lớn chuyện hay không. Bài diễn từ tràng giang mà hắn hoa mỹ ngâm nga về quyết tâm này chỉ đơn giản che đậy một ham muốn ghê gớm được trở lại với cuộc sống cũ ở xưởng vẽ.

Thérèse mím môi không một lời đáp lại, nàng không hề muốn Laurent hoang phí cái gia tài nhỏ bé bảo đảm sự tự do của mình. Khi người chồng hỏi dồn để mong kiếm được sự ưng thuận của nàng, nàng đáp lại vài lời ngắn gọn. Nàng cho hắn hiểu rằng nếu rời bỏ sở làm, hắn sẽ không được lợi lộc gì cả và sẽ hoàn toàn sống tự túc.

Trong khi nàng nói, Laurent nhìn nàng với vẻ gay gắt khiến nàng bối rối và nghẹn trong cổ họng lời cự tuyệt mà nàng muốn bày tỏ, nàng tin rằng mình đọc được trong đôi mắt của kẻ đồng loã ý nghĩ đe doạ này "Tôi sẽ nói tất cả, nếu cô không bằng lòng". Nàng bắt đầu ấp úng. Lúc đó bà Raquin kêu lên rằng lòng mong mỏi của đứa con trai yêu quý của bà rất đúng đắn và cần phải tạo phương tiện để hắn trở thành một con người tài năng. Bà già tốt bụng chiều chuộng Laurent như đã từng chiều chuộng Camille, bà hoàn toàn mềm lòng trước những lời ve vuốt không tiếc công sức của gã đàn ông trẻ tuổi, bà lệ thuộc và luôn luôn chiều theo ý hắn.

Như thế đã quyết định nhà nghệ sĩ sẽ thuê một xưởng vẽ và lĩnh mỗi tháng một trăm francs cho những chi phí linh tinh hắn phải tiêu tốn. ngân quỹ gia đình vì thế phải điều chỉnh lại, tiền lời có được từ việc buôn bán tạp hóa dành để trả tiền thuê cửa tiệm và chỗ ở, và gần như đủ cho những chi dụng hàng ngày trong nhà, Laurent lấy tiền thuê xưởng vẽ và chi tiêu mỗi tháng từ lợi tức hàng năm hai ngàn mấy trăm francs, phần còn lại của lợi tức đó đáp ứng những nhu cầu chung. Theo cách này, họ sẽ không phạm vào vốn. Thérèse tạm yên tâm. Nàng bắt người chồng thề là sẽ không bao giờ vượt quá số tiền hắn được chu cấp. Vả chăng nàng tự nhủ Laurent không thể chiếm đoạt số tiền bốn mươi ngàn francs nếu không có chữ ký của nàng, và nàng quyết định dứt khoát không ký vào bất kỳ giấy tờ nào cả.

Ngay hôm sau, Laurent thuê ở cuối đường Mazarine một xưởng nhỏ mà hắn thèm muốn từ một tháng nay. Hắn không muốn bỏ sở làm mà không có một chỗ ẩn thân để thảnh thơi ban ngày tránh xa Thérèse. Đến cuối kỳ lương nửa tháng, hắn giã biệt các bạn đồng sự. Grivet sửng sốt vì sự ra đi của hắn. Một người đàn ông trẻ, lão nói. Có một tương lai sáng đến thế ở phía trước, một người đàn ông trẻ chỉ trong bốn năm đã đạt được số tiền lương mà lão, Grivet , phải mất đến hai mươi năm mới đạt tới! Laurent càng khiến lão kinh ngạc hơn khi cho lão biết mình sẽ sống trở lại trọn vẹn với nghiệp hội hoạ.

Cuối cùng người nghệ sĩ dời đến xưởng vẽ của mình. Xưởng này là một loại tầng trên cùng vuông vức, ngang dọc khoảng năm hay sáu thước, trần nhà nghiêng đột ngột thành dốc thẳng có khoét một cửa sổ rộng để lọt vào một làn ánh sáng trắng và sống sượng lên sàn nhà và các bức tường đen đúa. Những tiếng động của đường phố không tới được độ cao này. Căn phòng yên lặng, tẻ nhạt, phía trên mở ra bầu trời, giống như một cái hang, một cái hầm khoét vào trong đất sét xám. Laurent trang trí cái hầm này được chăng hay chớ, hắn mang đến hai chiếc ghế dựa đã mất lớp rơm nhồi, một cái bàn hắn kê sát tường để nó khỏi sụm xuống đất, một chiếc tủ búp phê nhà bếp cũ kỹ, hộp màu và giá vẽ của hắn, tất cả sự xa xỉ của nơi này là một chiếc đi văng rộng hắn mua ba mươi francs ở một hiệu buôn đồ cũ.

Hắn ở đó mười lăm hôm không màng tới việc sờ mó cọ vẽ. Hắn đến vào khoảng giữa tám và chín giờ, nằm nghỉ hút thuốc trên đi văng để chờ đến trưa, sung sướng với buổi sáng và cả thời gian dài trong ngày còn trước mặt. Vào buổi trưa, hắn đi dùng bữa rồi vội vã quay trở lại, để được một mình, để khỏi nhìn thấy gương mặt xanh xao của Thérèse nữa. Ở đó, hắn tiêu hoá thức ăn, hắn ngủ nghê nằm ườn cho đến chiều tối. Xưởng vẽ của hắn là một chốn bình yên nơi hắn không run sợ. Một hôm vợ hắn đề nghị ghé thăm chồ ẩn náu quý báu của hắn, nàng đến gõ cửa, hắn không chịu mở. Buổi tối hắn bảo với nàng là mình đã trải qua một ngày viếng thăm viện bảo tàng Louvre. Hắn sợ Thérèse vào đó mang theo bóng ma của Camille.

Cuối cùng sự vô công rồi nghề làm hắn nặng trĩu. Hắn mua một khung vải và bắt tay vào việc. Không đủ tiền để trả cho các cô người mẫu, hắn quyết định vẽ tuỳ hứng mà không bận tâm đến mẫu vẽ. hắn bắt đầu với một đầu người đàn ông.

Mặt khác, hắn cũng không giam mình như thế nữa. hắn làm việc trong hai hoặc ba giờ mỗi sáng và sử dụng buổi xế chiều để lang thang đây đó trong Paris và những vùng ngoại ô. Chính khi trở về từ một trong những chuyến đi chơi dài hơi đó mà hắn gặp trước Viện hàn lâm người bạn cũ hồi thời trung học đã được bạn bè hoan nghênh trong kỳ triển lãm vừa qua.

- Lạ chưa! Là cậu đấy ư! – chàng hoạ sĩ kêu lên – Chà! Anh bạn Laurent tội nghiệp, tưởng rằng không gặp lại cậu nữa rồi. Cậu đã gầy đi.

- Tôi đã cưới vợ - Laurent trả lời, giọng bối rối.

- Lấy vợ! Cậu ư! Cái đó không làm tôi ngạc nhiên nữa khi thấy cậu buồn cười thế này... vậy bây giờ cậu làm gì?

- Tôi thuê một xưởng nho nhỏ, tôi vẽ vời chút ít, vào buổi sáng.

Laurent kể lại chuyện hôn nhân của mình trong vài lời, rồi hắn trình bày những dự tính tương lai của mình bằng một giọng sôi nổi. Người bạn nhìn hắn, với một vẻ ngạc nhiên khiến hắn luống cuống và e dè. Sự thật là chàng hoạ sĩ không tìm thấy trong người chồng của Thérèse gã thanh niên thô lậu và tầm thường ngày trước. Tuồng như anh ta thấy Laurent có dáng điệu phong lưu, khuôn mặt thon lại với sắc mặt xanh xảo ra vẻ lịch sự, toàn cơ thể gã có tư thế chững chạc và mềm mỏng hơn.

- Mà cậu đã trở nên một chàng trai ngon lành ra phết – chàng nghệ sĩ không ngăn được kêu lên – cậu có tư thế của một ông đại sứ thời thượng đấy. Cậu theo trường phái nào vậy?

Hắn khó nhọc chịu đựng sự quan sát đó. Hắn không dám lánh đi đột ngột.

- Cậu có muốn ghé lên xưởng tôi chốc lát không? – cuối cùng hắn hỏi người bạn không chịu buông tha cho hắn.

- Sẵn lòng – anh ta trả lời.

Hoạ sĩ không biết gì về những thay đổi mà anh ta quan sát, nên muốn thăm xưởng vẽ của người bạn cũ. Đã hẳn, anh ta không leo lên năm tầng lầu để xem những tác phẩm mới của Laurent, chắc chắn sẽ khiến anh ta buồn nôn, anh ta chỉ có mong duy nhất là thoả mãn trí tò mò của mình.

Khi đã lên tới nơi và liếc nhìn những bức hoạ treo trên tường, sự ngạc nhiên của anh ta tăng lên bội phần. Trên đó có năm mẫu hoạ, hai đầu đàn bà và ba đầu đàn ông, được vẽ với một năng lực thực sự, dáng vẻ đậm và chắc, mỗi mẫu nổi bật bởi những mảng lộng lẫy trên các nền xám sáng. Chàng hoạ sĩ bước nhanh đến gần, và ngẩn người, thậm chí không tìm cách che giấu sự ngạc nhiên.

- Chính cậu đã thực hiện mấy cái này à? – anh ta hỏi Laurent.

- Vâng – hắn trả lời – Đây là những phác thảo tôi sẽ dùng cho một bức tranh lớn mà tôi sẽ thực hiện.

- Này, không đùa đấy chứ, cậu thực sự là tác giả của những tác phẩm thiên tài này à?

- Đúng thế. Tại sao tôi không phải là tác giả?

Chàng hoạ sĩ không dám trả lời. "Bởi vì những bức hoạ này là của một nghệ sĩ, còn cậu thì bao giờ cũng chỉ là một tay thợ ghê tởm". Anh ta đứng im lặng thật lâu trước những mẫu hoạ. Hẳn là những phác thảo này còn vụng về, nhưng nó có một sắc thái kỳ lạ, một cá tính mạnh mẽ đến nỗi chúng báo trước một chiều hướng nghệ thuật triển vọng hơn. Như thế đó thuộc về thứ hội hoạ trải nghiệm. Chưa bao giờ người bạn của Laurent nhìn thấy những phác thảo đầy hứa hẹn cao xa đến thế. Khi đã xem xét kỹ càng các bức hoạ, anh ta quay sang tác giả.

- Cái này, thành thật mà nói – anh ta nói với hắn – tôi không thể tin là cậu có khả năng vẽ được như thế. Cậu học ở chỗ quái quỷ nào mà được tài năng như vậy? Cái này không phải tự nhiên mà được.

Và anh ta ngắm nghía Laurent mà giọng nói của hắn anh ta thấy êm ái hơn, mỗi cử chỉ có cái gì đó lịch thiệp. Anh ta không thể đoán nổi sự chấn động kinh khủng đã làm thay đổi người đàn ông này, cùng lúc phát triển ở hắn những sợi thần kinh của phụ nữ, những cảm giác sắc sảo và tinh tế. chắc hẳn một hiện tượng lạ thường đã tựu thành trong cơ thể của kẻ giết Camille. Khó mà phân tích để thâm nhập vào những chiều sâu như thế.

Laurent có thể trở thành nghệ sĩ cũng như hắn trở nên nhát gan, sau những rối loạn to lớn xáo trộn thể xác và tinh thần của hắn. Ngày trước, hắn ngộp thở dưới sức nặng của dòng máu, hắn quáng mắt bởi làn hơi khoẻ khoắn dày đặc bao quanh hắn, giờ thì gầy ốm đi, luôn run sợ, hắn có sự hứng khởi bồn chồn, những cảm giác sắc sảo và thống thiết của những tính khí dễ kích động. Trong cuộc sống luôn luôn khiếp sợ, tư duy của hắn mê sảng, và thăng hoa đến chỗ xuất thần của thiên tài, căn bệnh có thể nói là tinh thần, chứng loạn thần kinh khiến toàn bộ con người hắn bị chấn động, phát triển trong hắn một thiên hướng nghệ thuật với một sự minh mẫn kỳ lạ, từ khi hắn giết người, thân xác hắn như nhẹ bổng đi, còn trí não điên loạn dường như bao la, và trong sự rộng lớn ra đột ngột của tư tưởng, hắn thấy diễn ra những ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, những cơn mộng tưởng của thi nhân. Và chính vì thế những cử chỉ của hắn mang vẻ tao nhã bất ngờ, vì thế những tác phẩm của hắn trở nên đẹp, đột nhiên có cá tính và sống động.

Người bạn của hắn không cố gắng hơn nữa để giải thích sự ra đời của người nghệ sĩ này. Anh ta ra đi với nỗi kinh ngạc. trước khi đi, anh ta nhìn thêm lần nữa những bức hoạ và nói với Laurent.

- Tôi chỉ có điều tiếc muốn nói với cậu, đó là tất cả các phác thảo có vẻ họ hàng với nhau. Năm chiếc đầu kia giống nhau. Chính những phụ nữ không biết tại sao có dáng vẻ dữ dội làm cho họ giống như những người đàn ông giả dạng...Cậu cũng biết, nếu cậu muốn thực hiện một bức hoạ với những phác thảo đó, cậu cần phải thay đổi vài thứ trong diện mạo, nhân vật của cậu không thể toàn là anh em với nhau, điều đó sẽ buồn cười đấy.

Anh ta ra khỏi xưởng, vừa cười vừa nói thêm trên thềm cầu thang:

- Nói thực, anh bạn già, điều này làm tôi thú vị khi ghé thăm cậu. Giờ thì tôi sắp tin những chuyện thần kỳ... lạy Chúa! Hãy cứ nghiêm chỉnh như vậy!

Anh ta đi xuống. Laurent quay trở vào xưởng vẽ, cực kỳ bối rối. Khi người bạn lưu ý hắn là mọi cái đầu đó có một vẻ họ hàng với nhau, hắn bất chợt quay đi để che giấu vẻ tái mét của mình. Chính sự giống nhau định mệnh đó đã làm hắn bàng hoàng. Hắn chậm rãi đến đứng trước bức hoạ, hắn càng ngắm nghía chúng, từ bức này qua bức khác, mồ hôi lạnh càng ướt đẫm lưng.

- Anh ta có lý – hắn thì thào – chúng giống nhau hết thảy...Chúng giống Camille...

Hắn lùi lại, ngồi xuống đi văng mà mắt không thể rứt ra khỏi những cái đầu của mẫu hoạ. Cái đầu tiên là một bộ mặt người già, với một hàm râu bạc trắng, ẩn sâu hàm râu trắng đó, nhà nghệ sĩ nghĩ ra chiếc cằm khẳng khiu của Camille. Mẫu thứ hai thể hiện một thiếu nữ tóc hoe, và thiếu nữ đó nhìn hắn với cặp mắt xanh lơ của nạn nhân của hắn. Ba cái đầu còn lại mỗi cái biểu thị một nét nào đó của người chết trôi. Tưởng chừng như Camille hoá thân thành ông già, thành thiếu nữ, mang đồ giả trang để làm vui lòng hoạ sĩ đã tạo ra cho mình, nhưng luôn luôn giữ đặc tính chung của diện mạo. Có một sự giống nhau kinh khủng giữa những cái đầu, chúng có vẻ đau đớn và khiếp đảm, chúng như bị đè bẹp dưới cùng một cảm giác hãi hùng. Mỗi cái đầu có một nếp nhỏ bên trái miệng, nó kéo hai môi làm cho chúng nhăn nhó. Nếp nhăn đó, Laurent nhớ đã gặp trên gương mặt co rúm của người chết trôi, tạo cho chúng một dấu ấn ghê tởm như nhau.

Laurent hiểu rằng hắn đã nhìn quá kỹ Camille ở nhà xác. Hình ảnh xác chết ghi đậm nét trong hắn. Giờ đây, bàn tay hắn trong vô thức mãi mãi khắc hoạ những đường nét của bộ mặt ghê gớm đó mà ký ức về nó đeo đuổi hắn ở mọi nơi.

Dần dà, gã hoạ sĩ khi ngửa người trên đi văng, tin rằng mình thấy những bộ mặt đó sống động lên. Và có năm Camille trước mặt hắn, năm Camille mà những ngón tay của hắn đã dốc sức tạo nên, và bởi một sự lạ lùng đáng kinh hãi, chúng mang mọi tuổi tác và mọi giới tính. Hắn chồm dậy, xé toạc những bức hoạ và ném chúng ra bên ngoài. hắn nhủ thầm mình sẽ khiếp sợ đến chết trong cái xưởng vẽ này, nếu tự hắn mang vào đây những bức chân dung của nạn nhân.

Một nỗi lo sợ hắn vừa cảm nhận, hắn sợ rằng không thể vẽ được một cái đầu nữa nếu không phải là cái đầu của kẻ chết trôi. Hắn muốn biết ngay lập tức liệu hắn có làm chủ bàn tay mình hay không. Hắn đặt một tấm vải trắng lên giá vẽ, rồi lấy đầu than phác qua vài nét một khuôn mặt. Gương mặt giống Camille. Laurent thô bạo xoá đi phác hoạ đó rồi thử lai một lần nữa. Trong một giờ, hắn vật lộn với định mệnh thúc đẩy những ngón tay hắn. Mỗi phác hoạ mới là một lần hắn trở lại với cái đầu của kẻ chết trôi. Hắn hoài công căng thẳng ý chí, cố tránh những đường nét quá quen thuộc, nhưng vô ích, hắn vẫn kẻ những nét vẽ đó, vẫn phục tùng các cơ bắp và những dây thần kinh nổi loạn của mình.

Ban đầu hắn mau chóng vứt bỏ những ký hoạ, rồi sau đó hắn chuyên chú điều khiển than vẽ một cách chậm rãi. Kết quả cũng vẫn vậy. Camille nhăn nhó và đau đớn, xuất hiện không ngớt trên khung vẽ. Gã nghệ sĩ liên tục phác hoạ những cái đầu khác nhau nhất, những cái đầu của thiên thần, của thánh nữ với những vầng hào quang, những chiến binh La mã đội mũ sắt, những đứa trẻ tóc hoe và tóc hồng, những tên cướp già mặt đầy sẹo, và bao giờ, bao giờ người chết trôi cũng sống dậy, gã lần lượt là thiên thần, thánh nữ đồng trinh, chiến binh, trẻ con và tướng cướp. Thế rồi Laurent lao vào biếm hoạ, hắn phóng đại các đường nét, hắn tạo ra những sắc diện quái gở, hắn bịa ra những cái đầu lố lăng, và kết quả chỉ khiến những chân dung đầy ấn tượng của nạn nhân hắn càng trở nên khủng khiếp hơn. Cuối cùng hắn vẽ những thú vật, những con chó và con mèo, lũ chó mèo đó cũng lờ mờ tựa như Camille.

Một cơn cuồng dại ngấm ngầm xâm chiếm lấy Laurent. Hắn đâm toạc khung vải mà lòng tuyệt vọng nghĩ đến tác phẩm lớn của mình. Giờ đây không cần phải suy nghĩ về nó nữa, hắn cảm thấy rõ ràng rằng từ nay, hắn sẽ không vẽ gì ngoài cái đầu của Camille, và như người bạn đã bảo hắn, những bộ mặt giống nhau cả thảy, trông sẽ buồn cười. Hắn tưởng tượng tác phẩm của mình sẽ như thế nào, hắn nhìn thấy trên hai vai của các nhân vật, đàn ông cũng như đàn bà, bộ mặt nhợt nhạt và kinh hoàng của người chết đuối, cảnh tượng kỳ lạ mà hắn gợi ra như thể với hắn có một vẻ nực cười ghê gớm và làm hắn phẫn nộ.

Thế là hắn không dám sáng tạo nữa, hắn sợ luôn luôn làm sống lại nạn nhân trong từng nét cọ nhỏ nhặt nhất. Nếu muốn sống bình yên trong xưởng vẽ, hắn không bao giờ nên vẽ nữa. Cái ý nghĩ những ngón tay của hắn có khả năng tiền định và vô thức không ngừng tái hiện chân dung Camille khiến hắn khiếp sợ nhìn lại bàn tay mình như thể đối với hắn bàn tay đó không còn thuộc về hắn nữa.