Thời Hoàng Kim

Chương 14: Hồng phất chạy trốn trong đêm (6)






Phần này của cuốn sách nói về chính tôi, có thể so sánh đôi chút với Lý Tịnh và Hồng Phất. Tôi ở nhà cao tầng màu xanh, trước mặt có bãi cỏ khô vàng. Trên đó bày mấy thứ kỳ dị, nếu bạn muốn tin thì đó là cầu trượt, ngựa gỗ cho trẻ con chơi. Nhưng trẻ con không dám chơi, nếu ngồi lên đó thì đít sẽ trát đầy đất, nếu đít còn nguyện vẹn – tôi nói thế vì gỗ đã bong và cong vênh thành những mảnh rất sắc. Tòa nhà có những hành lang tối và thang điện sáng đèn nê-ông. Thang máy đưa tôi lên tầng bảy sau đó tôi len lỏi đi giữa các thùng giấy và xe đạp hỏng, mùi ớt bột và mùi dầu rán cá sặc sụa, thứ mùi ấy chẳng liên quan gì đến căn hộ của tôi vì bếp của chúng tôi để không, cáu bẩn những bụi đất, bây giờ là mùa hè, tôi và cô Oanh uống nước ở vòi. Tôi ở một nơi như thế, tối thì bật ngọn đèn tám oát ngồi nghĩ cách chứng minh định lý Fermat rồi hơn bốn mươi tuổi lúc nào không biết. Chỗ ở của tôi chẳng khác gì thành Lạc Dương đầy bùn và thành Tràng An đầy đất. 

Tôi đã kể, tôi ở chung với cô Oanh. Nói “  ở chung”  hình như có ẩn ý rằng chúng tôi có quan hệ tình dục. Nói thật lòng cái ẩn ý mất dạy ấy luôn quấy tôi. Nó làm tôi nghĩ vẩn vơ, ngủ không yên. Cô bé người cao, khi thì tết đuôi sam khi để xõa tóc, ra khỏi nhà thì mặc váy nâu sơmi trắng, trông người thon thả hẳn lên. Tuy người cao nhưng cô vẫn đi đôi giày cao gót trông cho có dáng. Tôi biết cô tường tận như vậy vì tôi là cái gương trang điểm của cô, mỗi lần ăn mặc trang điểm xong xuôi đều chạy sang phòng tôi hỏi được không. Nhưng tôi nói thì cô không bao giờ nghe. Tôi thấy cô trang điểm chẳng khác đi mấy, tôi bảo cô phải nhuộm tóc vàng, bôi mắt xanh, đảm bảo mẹ đẻ cũng không nhận ra. Lãnh đạo không cho cô đi làm với bộ dạng như thế, họ sẽ cạo đầu cạo mi cô như quả trứng cho coi. Cho nên khi ra ngoài cô trang điểm ăn mặc vừa phải, không biết không mặc gì thì trông cô thế nào. 

Gần đây tôi và cô kết với nhau. Tuy đuôi mắt có chút chân chim nhưng khá xinh. Mùa hè tôi nghiên cứu nịt vú cô qua lớp áo trong suốt, nhìn đến phát ngấy, muốn kêu thành tiếng lời dạy của Milan Contra. Lần đầu nghe tôi kêu như thế, cô vừa khóc vừa quậy ầm lên, còn dọa mách lãnh đạo, sau rồi không khóc nữa, bắt tôi đi cọ toa-lét. Thực ra tôi không có ý gì xấu, chỉ buột miệng kêu lên khi hồn bay đi đâu mất. 

Tôi cọ bồn xí bằng nước rửa ống nghiệm sau đó rửa bằng xà phòng giặt, sáng bóng như gương. Ai đến chơi thấy nhà bếp cáu bẩn rồi vào nhà xí đều ngạc nhiên. Cho nên khách đến đều được tôi đưa đi thăm nhà xí. Gần đây nghe tôi kêu, cô không bắt tôi đi cọ toa-lét nữa, cũng không dọa mách lãnh đạo mà cười tít mắt bảo: “Khi khác nhé”. Tôi đã kể rồi, câu Contra dạy đó là: “cởi”. Cô nói khi khác là khi khác sẽ cởi cho tôi xem. Nhưng khi khác có nghĩa là khi khác, chẳng bao giờ đến khi ấy cả. Tôi buột miệng nói ra từ ấy chẳng biết nó chui ra từ phần nào của đại não, chỉ biết từ khi cô bắt tôi cọ toa-lét thì chúng tôi thân thiện hơn. Khi có khách cô thường dẫn sang tôi giới thiệu, anh Vương Nhị, nhà toán học, đang chứng minh định lý Fermat và viết tiểu thuyết. Khi tôi có khách thì cô ra vào ngó nghiêng, nhất là khi có khách nữ. Có lần một cậu học sinh đến gặp tôi, cậu ta nói giọng cao du dương như con gái, cô dòm ngó mấy lần vẫn chẳng yên, khi cậu ta về rồi cô chạy sang cúi xuống gầm giường để săm soi. Tôi hỏi làm sao vậy, cô bảo, tôi nghe có tiếng con gái, anh giấu nó ở đâu rồi? 

Tôi ra khỏi nhà không bao giờ khóa cửa phòng. Cô thường chạy sang thoải mái. Khi có khách, cô sang lấy thuốc lá và gạt tàn, tôi lúc nào cũng sẵn tuy tôi không hay hút. Trên bàn hay để hai tập bản thảo, một là chứng minh định lý Fermat, một là tiểu thuyết “Hồng Phất chạy trốn trong đêm” bạn đang xem. Tập trước thì cô không hiểu, tập sau chắc xem hết rồi, cô còn lấy bút viết vẽ lung tung trên bản thảo của tôi, chỗ nói về những chuyện tế nhị, cô phê “cứt chó”, chỗ tôi nói tôi bốn mốt tuổi, cô phê “định trách ai?”, chỗ tôi nói về đôi vú của cô, cô phê “không hai thì ba à?”. Ý tôi không nói thế, nhưng nếu cô có ba vú thì tôi cũng không phản đối. Chất lượng là quan trọng nhưng số lượng nhiều thì càng tốt. 

Chuyện chúng tôi cặp với nhau là như thế này: Một buổi chiều cô bảo tôi sang phòng cô, cô nói lung tung nhiều lắm. Bạn biết chúng tôi ở cùng căn hộ rất lâu rồi, cho nên chuyện gì cũng chẳng làm tôi chú ý. Tôi chỉ để ý cô ăn mặc chỉnh tề, còn đi cả giày cao gót và thoa chút phấn nữa như sắp sửa đi đâu. Có thể cô nhờ tôi tưới hoa hoặc nhờ việc gì khác. Trong trường hợp như thế tôi không cần nghe cũng bằng lòng ngay vì nghe thì cũng quên, chẳng nghe làm gì. Tôi nhìn qua lớp áo mỏng thấy xu chiêng của cô màu trắng có chút hoa văn như một thứ đồ sứ. Nắng chiều hắt vào phòng làm lóa mắt tôi, mấy sợi tóc trán của cô hơi ngả vàng. Mặt cô hồng rực, cằm và cổ lấm tấm mồ hôi. Thực ra ba lăm độ và có nắng chiếu thẳng vào cũng không nóng đến thế. Tôi nhìn chằm chằm vào cô rồi quát lên câu Contra dạy tôi – rồi sợ. Tôi không biết cô nói gì, tôi chờ cô chỉ tay bảo tôi đi cọ toa-lét. Nhưng cô không nói gì, yên lặng đứng thẳng oai nghiêm như đội trưởng lính đánh thuê. Căn phòng bỗng tối sầm lại: cô đã buông rèm. Rồi cô cởi hết quần áo – cặp vú đẹp như hai trái cây chín, bụng dưới có chút lông mỏng đen nhánh như thoa dầu. Tất cả câu chuyện là thế. Đó là lần duy nhất trong đời tôi gặp chuyện vô lý đến thế. 

Nói về tôi một chút. Bao nhiêu năm nay tôi không thay đổi mấy, lấy ảnh hồi mười bảy tuổi ra xem, bây giờ ngoài mái tóc đã bạc ra, còn thì trông vẫn thế. Hồi mười bảy mặt tôi đã có nếp nhăn, vừa cao lêu đêu vừa gầy. Hồi ấy đi lao động ăn uống kém quá, lãnh đạo bảo tôi làm cấp dưỡng, chắc là thấy tôi mặt mũi chất phác thành thật. Công việc khó khăn ở chỗ ở đây toàn người phía bắc, ai cũng đòi ăn bánh bao. Đổi gạo lấy bột mì không khó, kiếm nồi hấp cũng dễ, cái khó là bột nở. Cái bánh nặn xong và hấp chín vẫn to như nhau thì gọi là mì viên chết, vừa cứng vừa dai, thái thành miếng cũng khó. Tôi nghĩ một mệnh phụ cũng y như thế, ban ngày vênh mặt lên, tối đến nằm như tấm ván quan tài. Lãnh đạo cũng như thế. Nếu bột nở đều thì hấp lên sẽ dẻo và trắng nõn, ăn rất ngon. Hồng Phất phận tôi tớ nửa đời người, khi làm quý tộc vừa hoạt bát vừa ngoan nết, Lý Vệ công rất hài lòng, phần lớn quý tộc loại hai là như thế. Dở nhất là bột nở quá tràn ra ngoài miệng khay, có nghĩa là bọt quá nhiều, sờ tay vào dính nhoét. Hấp lên có mùi chua thiu. Các bạn tôi trông thấy loại bánh ấy là cầm ném tôi như ném lựu đạn. Về sau tôi rút kinh nghiệm chuẩn bị bữa ăn xong là lẩn vào rừng, mọi người ăn xong mới về. Quý tộc loại ba giống loại bánh bao này ở chỗ tính khí kỳ quặc, chứng thần kinh hoang tưởng như mùi bánh bao thiu. Các ông chồng của họ cứ lẩn như chạch, không chịu về nhà. Là đàn bà như thế là sự nghiệp một đời thất bại, như tôi bị tinh giản biên chế từ khoa nghiên cứu đi bán cá mắm. Đó không phải tôi mất khả năng nghiên cứu mà là đối với lãnh đạo tôi mất mùi thơm ngon rồi. Về sau lãnh đạo thấy tôi không đáng tin cậy bèn thay người khác, nhưng người này làm còn dở hơn tôi. 

Hồi trẻ tôi làm tiếp phẩm, nhà bếp có con ngựa thồ, giống ngựa Vân Nam bé nhỏ. Tôi và nó rất thân thiện, gặp tôi là nó liếm tay, bí quyết rất đơn giản: người ăn gì nó ăn nấy, nó thích ăn cải, dưa chuột, cà thì không ăn. Khi đi chưa có hàng nó để tôi cưỡi, đến chỗ râm mát tôi lăn ra ngủ, nó đi ăn cỏ. Trong phần quan trọng nhất của cuộc sống chúng tôi tuyệt nhiên không thể bằng nó, mùa xuân đến chúng nó muốn làm gì thì làm, chẳng cần tặng hoa, chẳng cần báo cáo đơn vị, thay đổi hộ khẩu. Còn tôi hơn bốn mươi tuổi chưa biết sinh hoạt tình dục là gì. Thánh nhân dạy rằng người ta khác với súc vật, là để nhắc nhở ta đừng đòi hỏi quá nhiều trong đời sống. Thời trẻ tôi thấy nhiều vụ tự tử nhưng chưa thấy con ngựa nào nhảy xuống vực cả, nguyên nhân chính là ở chỗ đó. Giả sử ngủ một giấc tỉnh dậy tôi biến thành ngựa, nó biến thành anh tiếp phẩm thì tôi cũng chẳng buồn, người buồn e rằng chính là nó. 

Nghĩ đến con ngựa này tôi cảm thấy đàn bà đối xử với tôi không bằng mấy con ngựa cái đối xử với nó. Tất nhiên tôi chẳng mong họ vô tư khảng khái như mấy con ngựa cái. Tôi cũng chẳng lương thiện như con ngựa đực, ai cưỡi lên tôi là tôi quật xuống ngay. Tóm lại trước khi câu chuyện xảy ra tôi nói một câu: “cởi” và rất sợ có một cái tát. Nhưng rất may cô sững người và đỏ mặt nói: Bây giờ có sớm quá không? Có cái mở đầu ấy rồi tôi bèn phát huy năng lực ngôn ngữ ngắn gọn có uy lực của tôi – không quá sớm – khẩu khí như một mệnh lệnh, có vẻ cô thích nghe. Cô kéo rèm xuống. Nhưng về sau những lời nói đó trôi tuột khỏi đầu óc tôi không để lại dấu vết. Tuy nhiên tôi là gã độc thân bốn chục tuổi làm chuyện đó không thạo mặc dù đã rất cố gắng. 

Kết quả ở chung căn hộ là vậy đó, điều đó cho thấy chúng tôi đều không chống nổi cám dỗ. Thực ra chẳng ai cám dỗ ai cả mà chúng tôi đều bị chuyện ở chung cám dỗ, cũng cho thấy chúng tôi đã bị kích thích cao độ rồi, chạm vào là nổ cái bùm. Không biết tại sao lãnh đạo thấy để mọi người luôn ở trong trạng thái ấy thì hơn. Tất nhiên tôi cũng có thể nghĩ ra hộ lãnh đạo chân lý này: Nếu người ta sắp chết đói, sắp chết khát, sắp chết “thèm” thì bánh bao thiu cũng ngon, nước đái ngựa cũng ngon, con lợn sề cũng coi được. Vì ai cũng nghĩ vậy cho nên hiện trạng thấp kém của chúng ta mới tươi sáng. Thời “cách mạng văn hóa” có câu chuyện cười: Nghệ sĩ hề đôi Hầu Bảo Lâm đưa ra câu hỏi cho đàn anh Hoa La Canh:  Làm thế nào để xếp ba que diêm thành hai hình tam giác?  Chắc bạn biết rồi, đó là xếp một hình tam giác sau đó ấn nhẹ một bên nhãn cầu rồi nhìn tam giác đó. Nếu lãnh đạo cũng nghĩ như vậy thì giống Hầu tiên sinh rồi đó. 

Về sau Oanh giải thích cho tôi chuyện phạt cọ toa-lét là thế này: muốn nhìn cũng được, nhưng đừng có lấm la lấm lét, nhìn người ta méo mó đi. Về sau mỗi lần cô cởi quần áo là quay thẳng vào tôi như tôi là cái máy ảnh. Tôi hiểu tại sao mấy vị họa sĩ hiện đại vẽ đàn bà lại méo xệch đi như thế, thì ra họ có thói xấu là nhìn trộm. 

Oanh đọc bản thảo của tôi, đoạn hai chúng tôi làm chuyện ấy cô có vẻ không thỏa mãn. Cô bảo Vệ công còn vẽ cho Hồng Phất cả một tập tranh, anh lại viết sơ sài có mấy chữ không ra làm sao cả. Thế là tôi làm lại: Hôm đó trời rất nóng, ánh nắng chiều chiếu xiên vào căn phòng, bên ngoài cửa kính bụi bay đỏ trời. Cô ngồi trên giường, má in mấy vệt lằn chiếu cói, mắt đỏ, rõ ràng là vừa ngủ dậy nhưng quần áo nghiêm chỉnh, mặt vẫn có làn phấn trang điểm. Trước đây khi nói chuyện với tôi, cô không như thế này cho nên tôi ngờ ngợ có chuyện gì xảy ra, tôi hơi ngơ ngác. Mặc dù không nghe cô nói gì nhưng tôi nghĩ chắc mình có điều gì dở đây. Về sau mới biết, đó là từ anh tiếp phẩm tôi biến thành con ngựa. Nếu sự biến hình ấy xảy ra trước năm tôi hai mươi tuổi thì tôi nhất định sẽ vô cùng thích thú, nhưng bây giờ đã bốn mươi, mức độ thích thú khác đi nhiều lắm. 

Oanh bảo, cô muốn nói chuyện này với tôi từ lâu rồi, cô cảm thấy chúng tôi ở thế này, chẳng để ý gì đến nhau mà chỉ làm khổ nhau thôi. Cô không nói ra nhưng tôi hiểu nếu người con gái khác trông bộ dạng của tôi sẽ cho một cái tát nhưng vì chúng tôi đã sống cạnh nhau lâu rồi, cô thông cảm, đã biết rõ làm tình với nhà toán học sẽ như thế nào và cô đã có chuẩn bị tinh thần, cho nên không đánh tôi mà chỉ tuyệt vọng, cam chịu và nhìn tôi một cách khó hiểu. Về sau thực tế cho thấy nói chuyện với một người chưa chết thì ít nhiều vẫn có tác dụng, cho dù anh ta có ngủ hay giả ngây. Khi nghe, tôi nghĩ đến những điều chẳng có chút liên quan gì đến điều Oanh đang nói. Tôi để dành điều này cho các nhà tâm lý học xem xét. Cảm giác ngỡ ngàng vừa qua đi, tôi nói: “cởi!”. Câu nói mới nghe có vẻ lạc lõng nhưng xét đến những điều Oanh đang nói thì tạm coi là ăn nhập, một bên má tôi giật giật chuẩn bị ăn đòn, nhưng chỉ là sợ hão. Cô đã chấp nhận kiến nghị của tôi. 

Tối hôm đó chúng tôi hưởng thụ một cuộc giao hoan phi pháp. Trước đó tôi ngồi dựa lưng vào tường, Oanh nằm ưỡn người vắt qua đùi tôi, đầu và chân đặt trên đệm. Có thể tưởng tượng ở ngoài thành Lạc Dương, một nơi vắng vẻ không một bóng người, Vệ công và Hồng Phất cũng thế này chăng. Rồi sau đó chẳng bao lâu (trong mơ là một năm, đời thực là hai ba mươi năm), Hồng Phất thành bà già móm, Vệ công thành ông già còng, chẳng làm được những chuyện bây giờ chúng tôi đang làm mà chỉ ở vậy chờ chết. Vấn đề là ở chỗ bây giờ còn làm gì nữa hay không làm gì cả. Tôi nói với Oanh: Tôi nhất định chứng minh được định lý Fermat, nếu không thì chết không nhắm được mắt. Cô hỏi, cái đó có ích gì không, tôi bảo chẳng có ích gì, chỉ để thế hệ sau chết nhắm được mắt. Tôi nói vậy cũng không chắc vì không nhắm được mắt còn do nhiều thứ chứ đâu chỉ có Fermat. Chẳng qua tôi ăn phải bùa mê, cứ phải làm cho xong. Lý Vệ công không nói chuyện Fermat với Hồng Phất, vì ông chứng minh ra rồi, ông nói chuyện xây một cái thành khác với thành Lạc Dương – hoàn toàn là một  utopia  . Hồng Phất nghe những lời ma quỷ đó, nghĩ ông điên quá mất rồi, cho nên rất thích thú, khoái cảm dâng lên như thủy triều. Nhưng chính Vệ công cũng không ngờ rằng chỉ mười năm sau, tòa thành  utopia  đó đã được xây xong. Ông và Hồng Phất ở trong đó mà cảm thấy chẳng ra làm sao. Trong đầu của Lý Vệ công là cả một tòa thành gồm đủ cả đường to ngõ nhỏ, hè lát gạch. Ông phải ra lệnh bao nhiêu người nhổ cỏ, bao nhiêu người quét đường, phải biết hôm nay bao nhiêu xe lương thực vào thành, bao nhiêu xe đang trên đường. Tóm lại bộ óc ông là cái máy tính lưu trữ bao nhiêu số liệu và dựa vào đó để ra quyết sách. Khổ hết chỗ nói. 

Oanh nằm trên đùi tôi, đôi vú nhọn lên và thân hình dài ra. Tôi rất lo cô bị đau cột sống, cô bảo tôi đừng lo, cô đã từng tập thể dục nhịp điệu, giáo viên bảo cột sống cô là tốt nhất so với mọi bộ phận khác. Oanh lật sấp cho tôi xem, quả là khác thường, trông lưng cô như lưng cá tầm. Nếu xét cả việc làm tình thì chẳng cỗ máy nào bằng con người, cho dù đó là sản phẩm của IBM hay HP. 

Nhưng đó là chuyện buổi tối, ban ngày còn một lần nữa. Ban ngày là lần thứ nhất: Oanh kéo rèm xuống cho phòng tối lại, cởi váy thả xuống đất thành một vòng tròn màu xám, còn cô thì trắng nõn như vừa mọc lên từ trong cái vòng tròn đó. Sau đó cô cởi áo, quay mặt vào tường và quỳ trên giường. Thời gian trôi rất chậm chạp, tôi lại ngơ ngẩn. Oanh quay lại quát tôi: Nào, có giúp không thì bảo! Tôi giúp cô tháo móc xu chiêng, sau đó nhắm một mắt, ra phía trước nhìn. Bạn nên biết tôi chưa cận thị bao giờ cho nên viễn thị sớm, nhìn gần rất kém, nhưng nhìn hay không nhìn không quan trọng. Ngoài một vài cảm giác lạ còn thì làm chuyện ấy cũng giống như trèo một cái cây nhẵn bóng mà thôi. 

Trên đường đi tiếp phẩm, tôi rất hay trèo cây, nhưng cái cây này khác lắm, trèo lên thấy rất đã, tôi kể lại với Oanh, cô bảo: Rất cám ơn anh đã coi em như cái cây, điệu bộ của anh lúc đó cũng rất tuyệt, mắt giương tròn nhìn trên nhìn dưới, nụ hoa đâm vào mắt cũng không biết. Em thấy mình đang chữa mắt cho anh đấy – câu nói của Oanh làm tôi nhớ lại hồi làm thợ hàn, vô ý không đeo kính bảo vệ là bị viêm kết mạc thể điện quang, đau đớn vô cùng. Cách chữa trị duy nhất là nhận một thiếu phụ đang kỳ cho con bú làm mẹ nuôi, vắt sữa vào mắt. Tôi đã có mẹ nuôi như thế, trẻ hơn tôi nhiều, chữa xong tôi đứng dậy mắt nhìn lại tinh tường, thấy rõ tất cả, người thon thả, cặp vú hoàn chỉnh như tưởng tượng sau lớp áo. Đó là điều vô lý tôi đã gặp duy nhất cho đến nay. 



Về sau chúng tôi làm chuyện ấy đều ở trong phòng Oanh. Phòng cô rộng hơn, lại có giường đôi, đèn mười lăm oát nhưng nhìn rõ hơn ban ngày. Oanh mân mê cái ấy của tôi ra chiều ngẫm nghĩ. Nó vừa to vừa dài, cứng ngắc nhưng chắc không chịu nổi cái bấm của móng tay. Tôi hỏi cô nghĩ gì, lúc đầu cô không chịu nói, về sau bảo: Em nói thế này anh đừng giận – nhìn bề ngoài con người anh, thì lẽ ra nó không như thế này. Tôi hỏi bề ngoài tôi thế nào, Oanh bảo bề ngoài khá là ủ rũ. Tôi vẫn chưa rõ nhưng Oanh không nói tiếp, cô bảo: Không nói chuyện ấy nữa, cơm chín thì ăn đi kẻo nguội mất. Một sự so sánh rất thanh nhã, cho thấy cô vẫn còn chút tính cách thục nữ. Khi xong chuyện, tôi mới biết mình trúng mũi tên độc của Oanh. Cô bảo bề ngoài tôi là tướng bất lực. Cho dù vậy cô vẫn làm chuyện này với tôi, đó là một điều kỳ quặc. Oanh cười và nói: Em thấy anh suốt ngày lơ nga lơ ngơ, trông buồn cười lắm (nhưng sau đó không thấy buồn cười nữa), không hiểu đang nghĩ gì thì em muốn biết. Một người con gái muốn biết người con trai nghĩ gì thì chỉ dùng nhan sắc để quyến rũ, thậm chí dạng hai chân ra, ấn đầu anh ta vào giữa bầu ngực (Oanh đọc đến đây phê vào: ai ấn đầu anh?) thế tôi mới biết cô không ấn đầu tôi. Nói thế có vẻ tào lao nhưng có thể tin được. Kinh Thánh nói: được người như được cá. Được người có nghĩa là biết người, chuyện này thật thú vị. Có người chỉ nhìn cũng biết là một con cá diếc ươn. Có người phải làm tình thì mới biết anh ta là con cá kiếm vàng. Tôi thuộc loại này. Về sau Oanh gọi tôi là cá kiếm vàng, tôi cũng có cảm giác như vậy. Thế là lần thứ hai trong đời tôi gặp chuyện vô lý, tôi cắm sâu cái của tôi vào trong người Oanh. 

Lý Vệ công và Hồng Phất trốn khỏi thành Lạc Dương, đêm đó ngủ lại trên triền dốc, dưới một gốc cây to. Trời đã tối không nhìn rõ là cây gì. Hồng Phất nằm trong lòng Vệ công và âu yếm hỏi: Anh yêu, anh kể về thành Tràng An của anh đi. Vậy có phải giữa hai người đã có tình yêu? Giao Nhiễm vẫn bám theo họ, đang nấp ở gần bên nghe thấy câu nói đó ghen đến phát điên. Trước khi chúng tôi làm tình, Oanh nói, Bây giờ anh đừng ngây ngô nữa nhé, được không? Nhưng chuyện đó tôi có làm chủ được đâu. Tôi giả dối nói: Anh yêu em. Oanh bảo: Bẻm mép vừa chứ! Làm chuyện ấy xong cô lại hỏi: Điều anh vừa nói có thật không, nhưng tôi lại quên mình nói gì rồi. Oanh nổi cáu xoay mông lại phía tôi. Thế cũng hay, Oanh có cặp mông rất đẹp, tôi lấy tay ấn thử, cô quát: Đừng có đụng vào! Về sau Oanh mua cho tôi cặp kính viễn thị, tức giận ném cho tôi bảo: đeo vào mà nhìn cho rõ! Thật là một lô-gích kỳ lạ, tôi nhìn thấy hay không nhìn thấy thì việc gì đến cô nhỉ. 

Sau khi làm tình tôi có nghĩ đến việc cưới. Trước kia chuyện này không phải nghĩ ngợi gì nữa, ý tôi muốn nói là nhất định phải đăng ký kết hôn bởi vì có nhiều món bở lắm. Những năm sáu mươi được một ít tem vải, những năm bảy mươi được phiếu mua tủ, những năm tám mươi được mấy ngày nghỉ phép. Vả lại hồi đó đăng ký không mất tiền. Bây giờ thì chẳng được lợi lộc gì ngoài được bao tránh thai miễn phí, đăng ký kết hôn mất khối tiền, Oanh đi nhận bao tránh thai lại phải khai kích cỡ như lột trần tôi ra giữa bàn dân thiên hạ, thà đi mua còn hơn. Đối với người khác thì có lợi là được ưu tiên phân nhà, đối với chúng tôi thì khác, hai người đã có một căn hộ là quá cả tiêu chuẩn rồi. Lẽ ra còn được một chỉ tiêu sinh con, nhưng Oanh đã có một con với chồng trước chưa chắc đã được sinh nữa   (   [5]  )  . Huống hồ tôi cũng chẳng thích thú gì nuôi con, tuy rằng thấy đám t*ng trùng khỏe mạnh trong bao cao su mất tiền mua về bị vứt sọt rác cũng tiếc lắm. Là một người Trung Quốc, sinh ra tôi đã tiếc của. Nhưng cái này không tiếc được. Tôi biết trong t*ng trùng có hàng tỷ đứa bé, nếu sinh ra bắt tôi nuôi cả từng ấy đứa thì tôi sống hay tôi chết? Tôi thương tôi nhưng tôi cũng thương cái thế giới này nữa. Do đó nghĩ đến sinh con là tôi nổi da gà. Đối với tôi, chỉ làm gì đó nếu đủ hai điều kiện: một là vô hại, hai là thích thú. Cho nên tôi mới đi chứng minh định lý Fermat. Vệ công thì ngược lại, đi thiết kế xây dựng thành Tràng An, vừa có hại vừa chẳng hứng thú gì. Ở đây nên dẫn ra lời bình của Oanh, ở dưới phần bình luận của tôi về chuyện cưới, cô phê: “Không biết xấu hổ à, ai thèm cưới?”. Trong tất cả mọi lời bình của cô, câu này làm cho tôi khoái đến cực điểm. Vì tôi quá sợ cưới. 

Bây giờ tôi nói tại sao tôi cứ hay ngẩn ngơ, đó là vì tôi cảm thấy mình hay gặp chuyện vô lý, vì vậy tôi rất đa nghi. Thí dụ tôi đi làm gặp phải cuộc họp bèn nghĩ: Họp cái cứt chó gì thế này? Tại sao người ta thích họp thế? Thực ra chẳng ai muốn họp cả nhưng không họp không được. Không biết bạn nghĩ sao chứ tôi không hiểu được cho nên cứ ngẩn ngơ. Đến hôm khác đi làm không thấy họp thế là lại ngơ ngẩn: sao thế này mọi khi họp kia mà, sao hôm nay lại không. Thế là chỉ riêng chuyện họp thôi đã hai lần ngẩn ngơ ngơ ngẩn. Ngay cả chuyện cương cứng cũng thế. Trước kia thấy lạ, chẳng có gì tại sao lại cương lên, bây giờ lại thấy lạ tại sao đã cương lên là có chuyện. Tóm lại, với tất cả những gì tôi gặp trong đời này chỉ có thể khái quát bằng một câu “học chẳng bao giờ đủ”. 

Ban ngày tôi cởi xu chiêng cho Oanh, “binh” một tiếng, nó bật ra như hai cánh buồm no gió trước mắt tôi để bắt đầu cuộc hành trình dài. Tôi liên tưởng đến cái nồi cao áp, mở ra “bùm” một cái không cẩn thận thì vỡ mũi. Sau đó cô bò xuống chiếc đệm tím như con nhái, mặt hồ tím, con nhái trắng. Tôi cũng bò lên người cô như con nhái, thế rồi cái cứng ngắc ấy nối chúng tôi lại với nhau, nó quan trọng lắm. 

Trong căn phòng tối thui, Oanh bò trên người tôi như con rái cá trắng bò trên cành cây tìm cách qua sông trong đêm mưa mù mịt. Hoặc giả tôi như con khỉ to đang ôm dưới bụng một con khỉ con lần mò trên cành cây. Tiếng Oanh nói: Cứ thế, cứ thế, đừng dừng lại. Rất tiếc là đoạn phim rất đẹp không dài. Lại nghĩ ngay đến Fermat. Không còn mưa, khỉ cũng biến đi đâu rồi. Oanh cốc vào đầu tôi: Ghét thế không biết! Fermat chứng minh ra rồi còn gì? Tôi nói: Chứng minh ra chứ chưa phải viết ra. Viết thành luận văn hẳn hoi còn mệt lắm, mà đấy không phải chuyện của em. Oanh bảo cô cần con khỉ độc chứ không cần công thức toán. Một con người như thế chỉ là một đống ký hiệu toán học như đống thủy tinh vụn chất lên, lắc một cái kêu xủng xoẻng. Một sự liên tưởng quái đản, Fermat làm tôi biến thành muối silicát. Nếu làm chuyện ấy vào ban ngày thì tôi nhìn được đồi cát đỏ xa xa, tưởng tượng mình là con ngựa thồ ngày trước. Con người là thứ động vật làm chuyện này thì biến thành súc gỗ, nằm dài ra đó không cựa quậy, trong khi ngựa vừa chạy vừa làm xong việc, chả trách ngựa con vừa lọt lòng mẹ đã biết chạy. Đã qua hai mươi năm, anh bạn ngựa của tôi chắc đã chết, da đã làm giày rồi. Lúc ấy bất kể tôi nhìn thấy gì thì cũng chỉ ngửi thấy một thứ mùi, đó là mùi bột nở, chua chua ngòn ngọt rất dễ chịu, mùi của Oanh lúc đó, thứ mùi làm cho người tôi nóng rực. 



Tôi đã chứng minh xong định lý Fermat (tôi sẽ nói đến sau, đó là việc vô lý thứ ba tôi gặp phải) mỗi khi làm chuyện ấy với Oanh tôi lại đeo kính viễn lên. Thực ra tôi làm thế cho oai thôi, tôi đang đắc chí vì đã trở thành một người tài và cuộc đời tôi đã thay đổi. Oanh giơ hai tay lên đầu bám thành giường chân dạng ra, thân hình cô thành một chữ Y trắng nõn. Tôi cúi xuống hôn, Oanh quay đầu không cho hôn, cô bảo tôi: Cẩn thận cái kính! Tôi bỏ kính ra cô vẫn không chịu, cô bảo: Đừng làm trò ma mãnh nữa, mà không giống đâu. Theo chỗ tôi biết trước khi làm tình người ta hay nói đại loại những câu như “anh yêu em”, rồi hôn vài cái, chuyện ấy tất nhiên cô ta thích, nếu không thích thì kết với tôi để làm gì? Oanh bảo vớ vẩn, ai kết với anh? Tôi bảo thế tại sao lại làm chuyện ấy với tôi. Cô bảo: Vì chẳng có việc gì làm cả. Tôi bảo: Thế thì ta làm đi. Cô bảo: Đồ khốn kiếp, thế anh đang làm gì đấy? Thì ra tôi quên béng mất là chúng tôi đang trần như nhộng và đang làm tình. Tôi hay đãng trí thế cho nên cũng chẳng thấy lạ. Điều lạ là cô cứ cãi nhau với tôi thế mà vẫn đạt đến cao trào khoái cảm. Nhưng cũng có phần công lao của tôi, lơ nga lơ ngơ thế nhưng vào cuộc vẫn khá mạnh mẽ. Xong chuyện rồi tôi bảo em đừng trách anh ngu nga ngu ngơ, nghĩ ngợi lung tung, đó là cách sống của anh. Lúc ấy tôi khá nghiêm chỉnh. Oanh bảo: Ai thèm trách anh? Giọng nói cũng mềm đi, chúng tôi ngồi ôm nhau. Lát sau Oanh bảo: Anh có điều gì thì nói đi. Tôi không nói gì. Cô bảo: Anh về phòng đi, em đi ngủ đây. Tôi đứng dậy đi, nửa chừng sực nhớ ra tôi nói: Đúng rồi, anh yêu em. Oanh bảo: Cút, cầm quần áo về! Từ chuyện này bạn biết tại sao đến bây giờ bốn mươi tuổi tôi vẫn chưa vợ. Oanh hay bảo phải cho tôi đi bệnh viện An Định (bệnh viện thần kinh lớn nhất của Bắc Kinh và cũng là tên gọi chung cho mọi bệnh viện thần kinh). Nhưng tôi không có bệnh, tôi chỉ muốn giữ truyền thống vẻ vang thời còn trẻ. 

Thời trẻ tôi đi lao động ở đội sản xuất, trời nắng như thiêu như đốt, bụng không bao giờ no, đôi lúc hai mắt cứ dại đi không cưỡng được. Chẳng phải riêng tôi mà ai cũng đờ đẫn như thế. Còn sau này đi học đại học cũng thế, nghe giảng chính trị, khoa yêu cầu hai tay để trên bàn, mắt nhìn thẳng vào giảng viên. Nhưng lúc đó đầu óc mọi người vẫn để đâu đâu. Chuyện sau đây chứng minh rõ: Khi chuông reo, tan lớp, tôi bị một quả thụi giữa lưng, thằng đấm tôi nói: Vương Nhị, đề ấy tao vừa giải được rồi! Sau đó nó kể lại tôi nghe, hoàn toàn là các thuật ngữ toán, không dính gì đến bài giảng chính trị cả. Sự thực chứng minh rằng thời trẻ chúng tôi chỉ có ngu ngơ đãng trí mới sống nổi. Chẳng qua tôi giữ gìn phẩm chất ấy cho đến tuổi trung niên. Tôi kể cho Oanh nghe, cô không tin, bảo: Em chẳng kém anh mấy tuổi, những gì anh trải qua thì em cũng trải qua, tại sao em lại không có tật ấy như anh. Tôi mới giải thích, tật ấy là do toán học gây ra. Lớp tôi có một cô lấy chồng, một hôm nấu mì cho chồng ăn, bỏ cả chiếc dép lê vào nồi. Cô ấy cực xinh, như tiên giáng trần ấy, thế rồi đi lấy một lão già hom hem. Lớp tôi cũng có nhiều anh chàng khôi ngô tuấn tú nhưng không ai lấy vợ là bạn học cùng khoa bởi vì hai người không đầu sống với nhau thì nguy hiểm lắm. 

Tôi làm chuyện ấy với Oanh đều phải dùng bao cao su – càng phi pháp càng không thể thiếu. Nó làm cho việc này trở thành chuyện chơi chơi thôi. Khi chơi tôi chợt nghĩ đến việc chứng minh định lý Fermat cũng là tình cờ. Toán học và tình dục chẳng liên quan gì đến nhau. Tuyệt đối không thể kết luận rằng: khi không giải được một đề toán thì cần có quan hệ tình dục với đàn bà. 

Oanh bảo tôi rằng: Cái mà em ghét nhất đó là định lý Fermat. Anh đã chứng minh nó khi làm chuyện ấy thực sự làm em buồn nôn. Tôi nghĩ một định lý toán học chẳng có gì làm người ta buồn nôn, cô ghét cái kiểu phân tâm của tôi. Tôi đã nghĩ đến nó nửa đời người rồi, nó tự nhiên như khi cảm cúm thì hắt hơi vậy. Bạn không thể đòi hỏi người đàn ông bị cảm cúm không được hắt hơi khi làm tình. 



Tôi viết định lý Fermat thành luận văn, tự tay đưa đi đến tạp chí khoa học, đưa tận tay một bạn học thời đại học. Trước đó tôi còn đưa cho mấy vị giáo sư xem, họ cười ha ha: Chứng minh định lý Fermat rồi à? Hay quá, hay quá, xuống bài đi – cứ như là tôi đang đánh bạc. Nếu một ai đó trong mấy lão già này đọc một trang thì mặt trời mọc lên đằng tây. Bạn tôi bảo nhất định sẽ đọc vì chứng minh đâu có dễ. Sau đó anh ta bảo sẽ ở lại đây không bao lâu nữa vì anh ta sẽ đến làm việc tại một công ty máy tính, dễ kiếm tiền hơn. Tôi biết ngay là phịa, anh ta sẽ không đọc luận văn này. Định lý này tôi chứng minh mười năm, anh ta muốn đọc hiểu thì phải tập trung hoàn toàn tâm sức vào đó hai tuần. Đọc vớ vẩn là không hiểu được. Thế là tôi bảo còn phải sửa chút ít và cầm về luôn. Trước khi ra về tôi và anh ta đã không ăn ý với nhau. Anh ta bảo: Cậu làm cái này có ích gì? Ý anh ta là tôi chứng minh định lý Fermat là không có hại. Bởi vì có ích là có hại. Thí dụ cái ấy của tôi đeo bao cao su thì chẳng có ích gì cho nên vô hại. Thí dụ như thế nhiều nhiều lắm. Tôi đi dưới nắng chang chang hồi lâu mới về đến nhà, suýt bị cảm, công sức mười năm trời để được một cái chờ đợi thế này, cáu quá châm lửa đốt bản luận văn. Oanh trông thấy vội đến dập lửa, hành động ấy cho tôi chút an ủi – ít ra cũng còn một người trân trọng lao động của tôi. Sau đó Oanh xem qua tập bản thảo rồi đưa cho tôi và nói: Đốt tiếp đi, tưởng là tiểu thuyết kia chứ. Tôi điên lên ném tất cả các sách toán đi, thề rằng từ này sẽ quên hẳn toán học. Nhưng thế cũng có chỗ vô lý – tôi đang làm việc tại khoa toán, quên hết toán học thì lấy gì bỏ vào mồm? 

Buổi tối Oanh bảo tôi: Anh viết tiểu thuyết đi, đừng theo toán học nữa. Toán vừa mệt óc vừa vô vị, lại chẳng dùng được vào việc gì. Tôi bảo ý kiến của cô có chỗ lệch lạc. Cô không hiểu toán chỉ biết chữ Trung Quốc, đáng lẽ nên nói ngược lại, đừng viết tiểu thuyết nữa, theo ngành toán thôi. Học chữ Trung Quốc rối rắm không hề nhẹ nhõm hơn toán học, huống hồ đọc tiểu thuyết cần năng lực thẩm mỹ, đâu phải biết chữ là đủ. Thực ra cái gì cũng phải mệt óc mới thú vị. Chỉ có câu cuối cùng là còn chút ý nghĩa, đó là thuần túy toán học hay tiểu thuyết đều chẳng có ích gì. 

Cho đến cách đây không lâu tôi còn hưởng định mức lương thực ba mươi hai cân, cho thấy tôi chẳng hề được trọng dụng, nhưng tôi chẳng quan tâm. Điều tôi quan tâm là có thích thú hay không. Oanh bảo đúng, đúng, thích lắm, thích lắm! Hai chân cô quặp chặt lấy tôi và túm tóc tôi mà giật. Tất nhiên cô biết thế nghĩa là thế nào nhưng tôi cho là cô cố tình lái đi. Tôi thích thú không phải ở chỗ ấy. Chắc tôi phải lấy một nhà nữ toán học làm vợ vì nghe tin tôi chứng minh được định lý Fermat thì cô ta sẽ nổi hứng ngay và lập tức thay bộ đồ lót cho thật khêu gợi. Nhưng nhà toán học nữ không còn nhiều, có cũng không đẹp, tôi chỉ nhớ có  na na, va va  gì đó, không Ba Lan thì cũng Nga, có cống hiến về lý thuyết xác suất, nếu còn sống, không một trăm thì cũng chín mươi tuổi. Nếu Oanh không chèo kéo tôi thì tôi cũng chẳng tìm kiếm ai cả. Bây giờ thì muốn ân hận cũng không được, đàn bà là một loại  heroin  , dính vào đố gỡ ra được. 

Vì tôi đưa in tập chứng minh định lý Fermat mà chuyện tôi và Oanh đổ vỡ, trông thấy tôi là cô bảo: Anh đi mà làm tình với mụ người Nga hơn trăm tuổi đi, tôi không chèo kéo anh, thế rồi đóng sập cửa phòng trước mũi tôi. Bạn biết đấy, tôi là người cần cù, chịu thương chịu khó, tuy rất nóng tính, lại bị cô kích động nhưng vẫn thất thểu đi cọ toa-lét. Lát sau nghĩ bếp bẩn, lại đi cọ bếp. Điều đó cho thấy tôi là người lương thiện, thế mà Oanh cười sau cửa rồi mở cửa nói: Đồ tồi! Không vào đi đứng đấy làm gì. Có một việc tôi rất hài lòng đó là về sau tôi chẳng phải cọ rửa nhà bếp nhà xí nữa. Chỉ thấy eo lưng Oanh rất nhỏ, trong ánh sáng ảm đạm, cô như cây cầu nhỏ cho tôi đi qua. Cặp chân thon và dài như vũ nữ ba-lê rất đẹp. Chắc có liên quan đến việc cô chơi thể dục nhịp điệu. Tôi nói vậy vì tôi xấu xa lắm, từ nhỏ đã sống bừa bãi vô kỷ luật, lớn lên chưa làm được bất cứ việc gì. Chết chắc xuống địa ngục, nhưng chưa chết. Căn cứ mọi tiêu chuẩn tôi đáng bị vụt cho nát đít, nhưng chưa nát. Không những thế tôi lại đang làm tình với cô gái khá xinh, đang căm thù tôi vì tôi yêu toán học, vậy mà tôi vẫn cưỡi lên người cô. Tôi chơi ác với thế giới này mà chưa bị trừng phạt. Tôi kiếm chác được nhiều, Oanh bảo, anh đang làm em thỏa mãn, người kiếm chác được là em. Nhưng cô làm mình làm mẩy, xong chuyện ấy cô khóc tức tưởi. Đáng lẽ tôi nghĩ tôi làm cô tức, tôi lại được phần hơn. Nhưng tôi lại nghĩ: Không thể dửng dưng như thế được. Tôi ngồi với Oanh trong bóng tối một lát rồi nói: Thôi mà đừng khóc nữa, anh đi cọ toa-lét đây. Nhưng cô kéo tôi lại và nói: Tại sao anh cứ phải trêu tức em? Tôi bảo: Trêu tức em thì đã sao? Cô nói: Ôm em nằm một lát. Việc ấy thì tôi làm được, thế là tôi nằm xuống. Nằm một lát Oanh lại khóc rồi lại nín, hỏi tôi: Anh thành chàng ngố từ bao giờ? Tôi bảo: Mười tuổi, nghĩ một lát tôi bảo: ba tuổi. Oanh bật dậy cưỡi lên tôi, lấy chiếc tất dài thắt cổ tôi và quát: Nói anh yêu em, không thì chết. Tôi bảo: Anh là thằng ngố. Cô bảo: Mặc kệ anh ngố hay không ngố, nói! Tôi nói. Oanh đang ngồi trên ngực tôi, cũng chẳng sao, thời nay âm thịnh dương suy mà. Giường đôi là để cho hai người nằm, thân thể cô mịn màng là để ôm – sung sướng đê mê, chúng tôi đi vào giấc mộng. 

Tôi nói chuyện xảy ra có chỗ không hợp lẽ thường với thế giới hiện thực. Trong thế giới hiện thực có một nhà toán học Vương Nhị chứng minh định lý Fermat mười năm không xong, đó là hợp lẽ thường. Nếu anh ta chứng minh ra mà không thể công bố được, cũng hợp lẽ thường. Bực mình về nhà đốt bản thảo đi cũng hợp lẽ thường. Cuối cùng có cô hàng xóm làm tình với anh ta và an ủi anh ta, thế là không hợp lẽ thường. Anh ta phải tự sát mới hợp lẽ thường. 

Về chuyện tình và lý, cần nói thêm thế này: Nếu chúng tôi tâm đầu ý hợp, dục vọng bừng bừng như lửa cháy nhưng vẫn kiềm chế, cho đến khi có vị lãnh đạo chú ý đến và đứng ra vun vào cho hai người thì đó là một kịch bản truyền hình hợp tình hợp lý. Nhưng có thể không có một vị lãnh đạo đứng ra vun vào như thế thì kịch bản không hợp tình hợp lý và làm cho chúng tôi khổ sở cả đời. Đối với chuyện hợp tình hợp lý, ta đừng quá ngây thơ. 



Gần đây tôi đi công tác mấy lần, thí dụ họp hội nghị tập san. Tôi là biên tập viên toán học của “Toán Lý Hóa”, không thể đẩy cho ai được. Đến ga xe lửa người nằm la liệt, mùi nước đái khai mù, cái mùi bốc lên từ chính những con người đó. Có điều lạ là nhà xí lại không có mùi đó mà chỉ thấy cay mắt. Trong toa xe nóng như cái lồng hấp, mọi người đều không ngừng ăn, vỏ trứng, vỏ trái cây, đủ thứ ném xuống sàn tàu, tôi nghĩ nên đem theo con lợn thì tốt. Trong hoàn cảnh như thế này thấy mình nên là một người tài – nơi bán vé có ghi bán vé nằm theo mười bốn bậc, theo tôi biết người tài được xếp bậc mười ba theo bậc hành chính. Con người ta cứ làm hành khách một lần thế nào cũng có thay đổi. 

Sau khi tôi thành người tài (chuyện này nói sau) đã đi nước ngoài một chuyến, cùng với Berkeley (tên lóng gọi cậu phó khoa) đi Mỹ tham gia hội toán học hàng năm. Tôi mang theo thùng lớn thùng nhỏ, qua các hải quan ở sân bay, vừa say máy bay vừa say lệch múi giờ, mặc quần áo không vừa người, ngồi như cây gỗ ở hội trường, người ta nói mười câu thì chín câu không hiểu, cảm thấy vô cùng tồi tệ, loáng thoáng nghe Berkeley nói hắn và tôi cùng chứng minh được định lý Fermat. Muốn bác bỏ vài câu mà đành giương mắt ếch bởi vì lưỡi đánh rơi ở nhà rồi. Họp xong tôi đến ba rạp xem phim trốn một đêm (vì không muốn nhìn mặt thằng Berkeley). Về đến nhà, Oanh bảo tôi khác quá. Thì ra vẻ chân chất ngây thơ biến mất, bây giờ có vẻ bụi bặm nắng gió, ánh mắt hung tợn dày dạn. Thế có nghĩa là trên đường đi người ta trở nên dày dạn. 

Bây giờ kể tôi trở thành người tài như thế nào và định lý Fermat được công bố như thế nào. Thằng Berkeley phó chủ nhiệm khoa tìm tôi nói: Nghe nói anh đã chứng minh xong định lý Fermat? Tôi bảo: Đúng thế. Hắn bảo: Cho tôi xem. Tôi bảo: Không. Hắn lại bảo: Anh không nên bảo thủ, có thể có chỗ chứng minh sai mà không biết. Tôi nghĩ: Thằng nhóc, về tuổi mày phải gọi tao bằng chú! Nhưng không thể không cho hắn xem. Nghe nói xem xong hắn bảo mọi người: Dù sao anh ta cũng chưa hề du học tại Berkeley của bang Cali – vậy có nghĩa là tôi đã chứng minh đúng. Nếu tôi chứng minh sai thì hắn sẽ bảo: Đi Berkeley học đi đã rồi hãy chứng minh. Cứ làm như định lý Fermat dính với Berkeley. Về sau khoa công bố, luận văn đăng trên báo của trường, tôi thành người tài cấp nhà trường, mỗi tháng được thêm một trăm tệ, thấp hơn mong đợi, thuần toán học mất giá, nhưng dù sao cũng ăn nói được với mọi người. Nhưng trong lòng vẫn rất khó chịu, không hiểu trong đời mình đã làm những gì, đi cuốc đất, rối loạn tâm lý, tóc hoa râm, gầy như que củi, những thứ đó có liên quan gì với việc ngày nay tôi thành người tài không. Tôi chỉ làm đến người tài, chưa làm lãnh đạo. Nếu làm lãnh đạo thì không biết điên đầu đến mức nào. 

Khi trở thành người tài tôi mới biết trước đây mình nông cạn quá. Tôi vẫn nghĩ người lãnh đạo chẳng qua là một số người tài. Bây giờ là “học giả trung thanh niên có cống hiến xuất sắc”, tôi có thể dự các cuộc họp với các nhân vật cỡ bự, trên hội trường không chỉ có thằng béo ngồi sau thụi một quả vào lưng tôi, không chỉ có thằng Berkeley định cho tôi đi bán cá mắm, mà còn bí thư, hiệu trưởng, và những người tai to mặt lớn hơn. Hai lãnh đạo khoa tôi còn phải cầm sổ cầm bút đến đây, nghe được một câu không mặn không nhạt là cắm cúi ghi ghi chép chép. Chúng nó đâu có xứng làm lãnh đạo. Tôi đến đây không dám ngủ nữa, nghĩ vẩn vơ cũng không dám, hai mắt giương lên, mỗi khi ánh mắt hiệu trưởng quét đến là tôi mỉm cười ra vẻ hiểu nhau. Về sinh lý cũng thay đổi, trước đây một buổi sáng đi tiểu ba lần, nay sáu lần. Mỗi tuần làm tình với Oanh ba bốn lần, nay rút xuống còn một, mà một lần cũng không đủ cứng. Nghĩ mà sợ: mới là người tài mà đã èo uột thế, làm lãnh đạo chắc thụt vào trong luôn? 

Gần đây Berkeley cũng thăng chức, làm phó viện trưởng viện Lý. Hắn tìm tôi gọi tôi là ông Vương (làm người tài là thế, nếu không thì gọi: Vương Nhị) nói muốn cùng đứng tên viết bài báo với tôi. Hắn giải thích: Tôi giỏi văn chương, một vấn đề rối tinh mà viết ra rất sáng sủa. Hắn cũng giỏi văn nhưng nay sa sút rồi vì tiếng Anh khá lên. Tôi nghe nhưng chẳng nói gì. Hai chúng tôi viết chung một cuốn sách giáo khoa, trong cuốn sách đó trăm phần trăm là tôi viết, nay viết cuốn thứ hai, Berkeley còn sẵn sàng gây sức ép với hội đồng để sớm xét tôi là giáo sư. Tôi thấy chẳng có gì đáng nói, chỉ có một câu: Đời là thế, nếu tôi không gặp một phó chủ nhiệm hiểu toán học thì chứng minh ra định lý Fermat cũng bằng không. Cứ nghĩ Trung Quốc đông người thế, trí tuệ thế, ai cũng thấy phải có hằng hà sa số thành tích. Nhưng bấm đốt ngón tay tính chẳng thấy gì. Nguyên nhân là ở đó. 

Bây giờ tôi đang viết một cuốn sách lịch sử toán học có tên là “Trung Quốc không có thuật toán”, bắt chước tác phẩm nổi tiếng “Mặt trận phía Tây không có gì lạ” của Remark. Thuật toán trong tiếng Anh là  algorithm  . Cuốn sách nói toán học của Trung Quốc có đề bài có đáp án nhưng không có thuật toán. Ai đã đọc “Cửu chương toán thuật” và “Chu bế toán kinh” đều đồng ý với nhận xét này – thí dụ: Trong “câu tam cổ tứ huyền ngũ” thì  câu tam cổ tứ  là đề bài,  huyền ngũ  là đáp án, còn thuật toán chẳng thấy đâu. Trong này có vấn đề thuộc bản chất, tức là người Trung Quốc coi thuật toán chính là bản thân con người cho nên không thể viết ra. Thí dụ, một người biết khai căn bậc hai, anh ta không biết rằng mình đã học được thuật toán khai căn mà tưởng rằng trong cơ thể (chính xác hơn là trong tim) mình có một cấu tạo nào đó làm cho mình khai được căn cho nên không có thuật toán. Nếu bạn cứ muốn phải có thuật toán thì người ta mổ bụng moi tim ra, máu me be bét cho bạn xem. Cũng như vậy, nếu muốn viết một thuật toán xen vào giữa “câu tam cổ tứ” và “huyền ngũ” thì chỉ có cách trói một con người to đùng đang sống sờ sờ vào đó. Đây là một phát hiện có tính cơ bản, có thể giải thích rất nhiều vấn đề ngoài toán học. Thằng Berkeley không nghiên cứu lịch sử toán học, chẳng biết Remark là ai mà lại cứ muốn viết tên mình trước tên tôi, mà tôi thì không cho không được, vì ai cũng biết tôi là người cùng nghiên cứu và là trợ lý của hắn, cho nên dù tôi không viết tên hắn thì cũng sẽ có người cố tình viết vào. 

Đến bây giờ tôi chứng minh định lý Fermat đã được một năm. Mọi chuyện vẫn như năm ngoái: Tôi và Oanh không ở chung nữa mà sống chung, đã viết xong “Hồng Phất chạy trốn trong đêm”, đăng luận văn toán học, đã thành người tài. Tất cả đã qua một mùa hạ lúc rét lúc nóng và một mùa đông mịt mù khói mây. Cuốn tiểu thuyết đáng lẽ chỉ viết đến đây là hết. Theo tôi mọi nút thắt đã gỡ xong xuôi. Có Lý Tịnh tài trí hơn người, tính cách ngây thơ, rình rập chờ thời; có Hồng Phất tuyệt thế giai nhân, suốt đời loanh quanh trong vườn đá, đôi lúc ra ngoài chơi nhởn nhơ; có Giao Nhiễm ở chung với Hồng Phất và coi đó là lãnh đạo đang thử thách mình. Lại có cả tôi và Oanh. Chỉ có một điểm không viết rõ ra nhưng ai cũng biết – ai cũng chờ đợi, như khi dự một  party  vô duyên vô vị, chưa muốn ra về chẳng qua vì chờ một niềm vui bất ngờ. Thế rồi tôi chứng minh xong định lý Fermat thế là họ bỏ về,  party  kết thúc. Viết gì thêm đều là thừa. 

Theo tôi nghĩ, chúng sinh chen chúc đầy thế gian, ai cũng đang mơ giữa ban ngày. Kẻ ăn xin mơ vàng, kẻ độc thân mơ gái đẹp, đến cả chó cũng mơ ăn thịt khỏi ăn cứt. Vậy thì nhà toán học mơ chứng minh một định lý lớn thì cũng là hợp lẽ. Trên đời này bao giờ cũng có một điều để có thể mơ trở thành sự thật nhưng chưa thành sự thật thì đã tỉnh. Chúng ta cần giấc mơ đó vì thế giới hiện thực nhạt nhẽo quá. Bây giờ tôi không mơ nữa, nhưng vẫn sống trên đời, cho nên câu chuyện ba kẻ hào kiệt trốn khỏi thành Lạc Dương còn lâu mới kết thúc.