Thuyết Đường

Chương 17: Trước ải quan, Nguyên Bá xé đôi mình Thiên Tích




Đây hãy nói chuyện Tấn Dương cung ở Thái Nguyên. Từ khi Tùy Dạng Đế say vui thuyền hoa sắc đẹp với cung phi khác ở Dương Châu thì hai nàng Dương phi và Doãn phi sầu oán đêm ngày.

Một hôm thấy quan Tư Lễ giám là Bùi Tịch đi qua bèn gọi vào hỏi :

- Chẳng hay ông có biết bao giờ Thánh thượng về?

Bùi Tịch vốn biết khí vận âm dương, bèn đáp :

- Thánh thượng còn về đâu nữa. Hiện đã có Chân chúa ra đời, triều đình sắp có cuộc thay đổi lớn.

Hỏi rằng Chân chúa là ai?

Tịch đáp khẽ :

- Nào phải ai xa. Chính là Đường công Lý Uyên đó.

Hai nàng mừng lắm, bàn mưu kế, rồi vời Lý Uyên vào. Lý Uyên thực tình giữ lễ vào hầu. Hai người đàn bà nói :

- Có quốc sự cần bàn với tiên sinh. Nhưng hãy xin mời uống chén rượu cho đỡ lạnh đã, rồi xin nói.

Bèn rót rượu đưa mời, Lý Uyên vừa ráo chén thì say ngả nghiêng bởi vì rượu có thuốc mê. Hai người đàn bà bế vào đặt trên giường bát tiên, và buông kín màn gấm. Sau đó, lấy thuốc giải mê cho uống. Lý Uyên tĩnh dậy thấy mình nằm trên giường mỹ nhân, thất kinh nhảy xuống lạy. Hai người đàn bà nói :

- Đã đến nước này, ông muốn làm quan hưu hay làm quan tư hưu?

Lý Uyên ngơ ngác hỏi :

- Thế nghĩa là thế nào?

Hai người đàn bà nghiêm mặt đáp :

- Muốn làm quan hưu thì lập tức đóng tù xa bỏ vào chở lên Giang Đô, cáo tội nửa đêm trèo tường lách cửa vào phòng hãm hiếp chúng ta rồi ngủ tại long sàng, tang chứng có tỳ nữ biết.

Rồi lại đổi ra dáng điệu lẳng lơ con mắt đong đưa liếc :

- Còn như đấy thích làm tư hưu thì chàng ôi, đêm xuân đáng ngàn vàng, hãy cùng hai thiếp mây mưa cho thỏa. Có sẵn ngai vàng đó, đủ tán vàng tán tía long bào kia, khá lên ngôi cửu ngũ, thu thiên hạ vào tay.

Lý Uyên chẳng biết tiến lui sao, đành chọn cách làm tư hưu vậy.

Thế là trên long sàng hôm đó, mây mưa dào dạt suốt năm canh. Mờ sáng hôm sau trở dậy, sai vời Kiến Thành, Thế Dân, Nguyên Cát, Nguyên Bá và bọn Lý Tịnh, Thiên La, Lý Thuần Phong và các tướng vào thương lượng.

Thế Dân có ý muốn bỏ hôn quân vô đạo đã lâu, nói rằng :

- Ngày nay suốt bờ cõi đều thấy anh hùng khởi loạn, dân chúng oán hôn quân thấu tới trời xanh. Trong nước muôn dân không thể cứ đóng sưu cao thuế nặng, cam sống lầm than mà thờ một kẻ bạo chúa vô luân đó mãi. Vậy cơ hội tốt đã đến rồi. Thái Nguyên núi biển, sông sâu, thành vững, lương nhiều, tướng giỏi. Dân tình lại đồng tâm oán ghét hôn quân. Ta không nên bỏ lỡ dịp này, xin phụ thân và chúng tướng quyết định ngay đi!

Lý Uyên cúi đầu ngẫm nghĩ, xin khất ba ngày. Trong ba ngày đó các quan văn võ thân tín kéo nhau vàp sụp lạy mà xin Lý Uyên quyết định đi. Anh em Nguyên Bá cũng nài xin thân phụ không nên hiềm tỵ nữa. Bùi Tịch đến sau cũng rập đầu tung hô vạn tuế mà rằng :

- Mạt thần có biết đôi chút khí vận suy thịnh của âm dương, nay lòng trời đã định trừ Dạng Đế, lòng dân đã mong trừ diệt hôn quân vậy Thánh thượng nên thể với lòng trời ý người mà muốn lên ngôi mưu sự bình an cho bách tính, đó là hợp thiên đạo và nhân tâm vậy!

Các quan thảy đều tung hô vạn tuế. Lý Uyên bị ép, ngửa mặt lên trời nói :

- Lý Uyên tôi ở vào cái thế không đừng được, xin Hoàng Thiên chứng giám cho!

Rồi đó, Bùi Tịch dâng áo mũ Thiên tử. Đường công bước lên ngôi cửu ngũ. Bá quan văn võ vào chầu. Lý Uyên lấy hiệu là Đường vương, lập Kiến Thành làm Thế tử, phong Lý Tịnh là Hộ quốc Quân sư, Bùi Tịch, Viên Thiên La làm Tả hữu thừa tướng. Ba ngày sau đã ban bố thánh chỉ cho muôn dân biết.

Đường vương sai Nguyên Bá vào chiếm đoạt Tràng An.

Nguyên Bá phụng thánh chỉ, mang có một vạn quân, đi đến đâu thành tan ải vỡ như chỗ không người, thế mạnh như vũ bão, thiên hạ không ai địch nổi hai chùy, phá Hà Nội, đoạt Đồng An, chiếm Tràng An.

Bá quan rước Đường vương lên ngôi Hoàng đế.

Đường vương khiêm tốn từ chối, tôn Đại vương Dương Hưu lên ngôi Hoàng đế. Khi đó quyền chính vẫn ở tay Đường vương, là vì Dương Hưu mới lên mười tuổi.

Đây nói: La Nghệ ở Yên Sơn nghe biết La Thành đã phản triều đình, theo Tây Ngụy, thì giận mà chết ngất đi, khi tỉnh dậy thét tướng điểm quân đi bắt La Thành trị tội.

Vừa lúc đó, lại bỗng có tin Hậu Minh vương Đậu Kiến Đức ở Minh Châu sai Lưu Hát Thát làm Nguyên soái, Tô Định Phương làm tiên phong kéo đại binh đến cách Yên Sơn hai mươi dặm.

Hai tin đến liền một lúc khiến lão Nguyên soái tròn mắt, dựng râu, nhảy ngay lên ngựa xông ra đánh. Thấy Tô Định Phương, La Nghệ múa thương đánh liền. Định Phương thấy La Nghệ hung dữ quá phải thua chạy. La Nghệ đuổi theo, Phương giương cung bắn suốt qua mắt lão tướng.

La Nghệ bưng mắt chạy vào. Định Phương vây kín Yên Sơn. Vào đến hậu đường, La Nghệ rút tên ra, mắt và máu vọt ra theo, lão tướng kêu lên một tiếng rồi lăn ra chết.

Tần phu nhân ôm xác chồng khóc rống lên. Nghĩa tử La Xuân khuyên dỗ phu nhân nín khóc để bàn việc tẩu thoát kẻo giặc đang vây như kiến ở bên ngoài.

La Xuân nói :

- Xin thiêu hóa ngay di hài Nguyên soái, con lấy xương giắt vào hành lý, đưa cả gia quyến đến Kim Dung với anh La Thành con là yên ổn.

Phu nhân sai gia tướng đem linh cữu đi thiêu hóa, nhặt xương vụn gói lại. Rồi chờ nửa đêm, La Xuân cùng gia tướng hết sức bình sinh phá vòng vây đưa Tần phu nhân thẳng tới Kim Dung.

La Thành thấy mẹ và gia quyến đều tan tác, giật nảy mình, biết ngay có sự chẳng lành. La Xuân kể rõ sự tình. La Thành lăn ra khóc, đến nỗi chết ngất đi. Thúc Bảo và đủ mặt chúng tướng thăm hỏi, ai cũng động lòng thương La nguyên soái và căm giận Định Phương.

Tần mẫu và La phu nhân, hai chị em ôm nhau than khóc. La Thành phát tang trong phủ. Các tướng sĩ đều để tang La nguyên soái ba ngày.

Cô Sơn vương Dương Lâm ở Đăng Châu từ khi biết việc Lý Uyên chiếm đoạt Tràng An, mà quá nửa thiên hạ đã mất về tay các phản vương thì lo sợ lắm. Dương Lâm thấy Dạng Đế cũng đêm ngày sợ hãi thì nghĩ ra một mẹo để cho các phản vương giết hại lẫn nhau. Dương Lâm nói với Dạng Đế sai viết mười tám đạo chỉ vời mười tám phản vương cùng đến võ trường Dương Châu thí võ. Hễ ai tài hơn thì lập đứng đầu để rồi thay ngôi Thiên tử, vì Dạng Đế ốm yếu xin nhường.

Trong giáo trường có thiên binh vạn mã mai phục và dùng hỏa pháo để thiêu đốt chết các phản vương. Lại sai người con nuôi là Âu Nhạc mai phục đại quân ở núi Long Lâu. Võ Văn Thành Đô thì bảo vệ thánh giá ở vườn Tây Uyển.

Thế là khắp nơi các phản vương đều mắc mưu rầm rộ kéo đến Dương Châu thí võ.

Cô Sơn vương nghe tin Ngữ Thiên Tích anh hùng lắm, viết thư mời đến ải. Thiên Vương chặn đường các phản vương, bắt họ phải đến trước ải thí võ với Thiên Tích đã, hễ đỗ võ thử mới được qua ải vào giật giải Trạng nguyên.

Thiên Tích đang muốn đến Dương Châu giết Dương Lâm nay được giấy mời thì mừng lắm :

- Nếu vậy, thằng giặc già này sẽ chết bởi tay ta phen này.

Rồi điểm toàn quân tinh nhuệ đến Thiên Sơn quan. Chờ đúng ngày nghe tin chúng phản vương đang sắp binh mã đi qua cửa ải, Thiên Tích lên ngựa ra đứng đón, nói to lên rằng :

- Ta là Ngữ Thiên Tích, vâng lệnh Cô Sơn vương, muốn các phản vương phải đánh thử với ta mười hiệp, thắng được võ cử rồi mới qua ải tới cướp giải trạng nguyên. Nếu không đánh mà vào thua trước ngựa ta thì không được vào trong thi.

Các phản vương đóng trại giữa đồng. Ngay lúc đó Ngữ Văn Thiệu cũng đem binh tới. Thấy các phản vương thuật đầu đuôi, Ngữ Vân Thiệu nói :

- Tích là em tôi, để tôi ra bảo hắn một câu rồi các đại huynh vào ải, can gì phải thí võ cho thêm chuyện!

Rồi ra gọi Thiên Tích. Trông thấy anh đứng đầu các phản vương, Tích ghé tai nói nhỏ :

- Em vâng lời lão già Cô Sơn vương đến đây là có ý đón các phản vương mà dặn rằng ở trong trường thi có quân mai phục hại chúng ta đấy. Nhưng mà cũng để nhân kế nó mà hại nó. Đã là anh hùng thì sợ gì mà không vào hang bắt cọp! Song đại huynh nên dặn chúng phản vương phải đề phòng lắm đó.

Thiệu quay về nói rõ lời em dặn. Chúng phản vương mừng lắm. Sau đấy Vân Thiệu cùng các phản vương kéo binh vào trong ải, rồi đến thẳng Dương Châu, đóng dinh ở chung quanh thành liền như bát úp.

Đây nói Lý Nguyên Bá đi Tây Phiên về nghe biết Tần vương (tiểu Thế Dân) đã đến Dương Châu thí võ thì cũng vào xin phép phụ vương để đến Dương Châu. Đường vương căn dặn :

- Con chớ nên sinh sự, cũng không nên giết ai nhé!

Nguyên Bá vâng dạ vác chùy lên ngựa đi liền tới ải Thiên Vương thấy có mấy phản vương chạy đến kính cẩn lạy chào. Nguyên Bá xuống ngựa thi lễ, hỏi :

- Sao các ông không vào thành lại đứng cả ở đây?

Chúng vương đáp :

- Tướng giữ ải này vâng lệnh Cô Sơn vương bắt các phản vương phải thí võ với hắn mười hiệp đã, nếu được hắn sẽ cho vào, thua thì bị đuổi quay trở lại.

Nguyên Bá tròn mắt nói :

- Thằng nào dám ngăn đường cản lối chúng ta. Để tôi vào xem mặt nó ra sao đã!

Nguyên Bá toan đi nhưng có viên thượng tướng của Đường vương cho đi kèm nguyên Bá là Lương Sư Thác mặt vàng râu đỏ, tay cũng mang đồng chùy mắng rằng :

- Thiên Tuế bất tất nhọc lòng để tiểu tướng đánh chết thằng hỗn láo ấy cho.

Nguyên Bá cho đi, Lương Sư Thái gò ngựa trước ải quan, gọi Thiên Tích ra đua tài cao thấp. Lát sau cổng ải mở toang. Thiên Tích thấy Lương Sư Thái dữ dội có ý hạ ải trước, bèn cầm lưu kim đang xông lại đánh. Sư Thái đỡ, thấy cánh tay rời rụng. Hiệp thứ năm, Sư Thái mặt tái xanh, Thiên Tích đánh luôn nhát nữa, đầu Sư Thái vỡ tan ra, rơi xuống ngựa.

Lý Nguyên Bá thét vang như sấm tiến ngựa lên. Thiên Bá trông thấy Thiên tướng cầm chùy thì kinh hãi, lui ngựa cầm ngang cây kim đang xá mà rằng :

- Không ngờ có Thiên Tuế đi khảo võ Thiên Tích tôi xin rộng cửa ải quan đón mời Thiên Tuế.

Nguyên Bá hầm hầm quát :

- Mày giết thượng tướng của ta. Ta không cho mày sống.

Rồi giơ chùy đánh tới. Thiên Tích giơ kim đang đỡ, vũ khí gãy làm đôi. Tích hoảng hốt quay ngựa chạy. Bá với tay nắm được áo nhấc lên, tung bổng Tích lên trời, đón lấy hai chân xé làm hai mảnh.

Tuế chạy. Khi đó Thiên Tích mới ba mươi mốt tuổi!

Nguyên Bá vẫy gọi chúng phản vương vào trong ải. Chợt gia tướng đến báo tin Đường vương gọi Nguyên Bá về bởi vì có Cao Ly quốc vương đem quân quấy rối ngoài bờ cõi thế mạnh như lang sói.

Nguyên Bá phải vội vã quay về.

Các phản vương đi như nước chảy tới Dương Châu. Ngày hôm sau có thư của Cô Sơn vương mời tất cả vào giáo trường thí võ. Chúng vương vào đứng ra hai bên chờ lệnh.

Khi đó ở núi Thanh Bình sơn có một loài kinh đắc đạo thành bậc đại chân nhân, biết rằng ở giáo tràng Dương Châu kẻ gian thần mưu hại chúng sinh trong số đó có vị Chân chúa của Đại Tùy. Chân nhân sai ngay đồ đệ dùng phép tàng hình đến, dùng ống nứa đựng thuốc tiên tưới ướt các ngòi pháo phát hỏa để cứu mọi người.

Giám quan là Phong Đức Nghi lên võ đài ngồi, các phản vương đến chào. Duy có Hùng Khoát Hải, Nguyên soái của Bạch ngữ vương Cao Đàm Khánh là chưa thấy đến.

Phong Đức Nghi sai lấy khôi giáp võ trạng nguyên treo trên tường diễn võ, rồi truyền lệnh :

- Hễ ai võ nghệ cao cường thì giật áo trạng nguyên, bằng kém cỏi thì đừng mong ước mà uổng mạng.

Tức thì chiêng trống nổ vang trời. Định Dương vương ở Sơn Hậu tên gọi Bình Cừ Nhi cầm búa xông ra, một lúc đánh chết ba phản vương. Bá Dương hổ tướng ở Kim Dung nóng mắt xông ra đánh với Cừ Nhi, dùng tên bắn Cừ Nhi nhào xuống chết. Đại tướng của Lão Anh vương nước Đột Quyết tên gọi Thiết Mộc Kim dùng thiết bổng đánh Bá Dương lui.

Mộc Kim khỏe quá, Bá Dương chịu thua lui ra ngoài đứng.

Ngữ Vân Thiệu cần gỡ danh dự cho tướng ải Kim Dung, múa thương ra đánh Mộc Kim. Kim mới chịu nổi ba hiệp đã bị thương của Vân Thiệu đâm lòi ruột. Mộc Kim ôm ruột nhét vào bụng đánh trả thù. Vân Thiệu lại đâm nhát nữa. Mộc Kim cứ lăn vào, nhưng rồi máu ra nhiều quá, rơi xuống ngựa kêu to một tiếng rồi mới chết.

Bỗng đại tướng nước Cao Ly là Tả Hùng ra đánh Vân Thiệu. Hùng cưỡi con ngựa không đuôi tên là Mộc Vĩ Câu. Chừng mười hiệp, Hùng vỗ ba cái vào mông ngựa. Mộc Vĩ Câu thét lên một tiếng vươn ra cái đuôi dài hơn một trượng đánh trúng đầu Vân Thiệu vỡ óc, lăn xuống chết.

Thế là trong có ba ngày, anh em Vân Thiệu, Thiên Tích rủ nhau về âm phủ mà việc lớn vẫn chửa xong.

Tần Thúc Bảo thấy Vân Thiệu chết, nghiến răng xông đánh Tả Hùng. Hùng lại dùng lối vỗ mông Mộc Vĩ Câu. Đuôi ngựa lại thò ra đánh luôn hai ba cái. Thúc Bảo dùng tài khôn khéo nghiêng mình lánh khỏi nhưng đuôi Mộc Vĩ Câu đánh trúng đầu Hồ Lôi Báo. Lôi Báo gầm lên một tiếng, mồm phun ra khói đen khiến Mộc Vĩ Câu ngã chổng bốn vó. Thúc Bảo đâm chết Mộc Vĩ Câu trước rồi kết liễu Hùng sau.

Tướng Sở vương Lôi Đại Bằng tên gọi là Lưu Đức Minh chạy ra tỉ thí với Thúc Bảo. Đức Minh chịu thua chạy, rút chùy ra đánh trúng cánh tay Thúc Bảo.

La Thành thấy anh bị thua, nổi giận múa thương đánh Đức Minh, ba hiệp, Đức Minh đã lăn ra chết dưới vó ngựa La Thành.

Khi đó anh hùng thứ nhất là Lý Nguyên Bá đã không có mặt, thứ hai là Bùi Nguyên Khánh đã chết rồi, thứ ba là Võ Văn Thành Đô thì còn bảo giá, thứ tư là Hùng Khoát Hải còn đang đi ở dọc đường chưa đến kịp vì bận việc ở Võ Lâm, thứ năm là Ngữ Vân Thiệu đã toi mạng vừa rồi, thứ sáu là Thiên Tích đã bị Nguyên Bá xé xác ở ải quan, bấy giờ, La Thành anh hùng thứ bảy một mình đâm chết hai mươi tư tướng, không còn ai dám địch, thế là áo mũ võ trạng nguyên về tay công tử chiến.

Các phản vương đang rục rịch ra về thì nghe tiếng pháo nổ. Đó là những pháo con. Còn pháo lớn thì quân lính của Cô Sơn vương loay hoay đốt mãi mà không thấy nổ vì ngòi ướt. Chúng phản vương thấy động bèn ồ ạt xô nhau chạy ra ngoài võ trường. Ba tiếng cồng đánh, cánh cửa thành bằng đá to như trái núi buông ngay xuống.

Đúng lúc này, Hùng Khoát Hải phi ngựa đến vội vàng bỏ yên, nhảy vừa tới đất thì cánh cửa đá rơi xuống đầu. Khoát Hải ghé vai đón đỡ, miệng hỏi to :

- Thằng Cô Sơn vương mưu hại chúng ta đó phải không?

Chúng phản vương đồng thanh đáp :

- Dương Lâm toan dùng hỏa lôi, nay lại đóng cửa thành hại chúng tôi. Xin hảo hán cứu chúng tôi thoát nạn.

Khoát Hải nói :

- Ta nâng cửa đá lên đây, các người chạy ra mau.

Các phản vương và các Đại vương giặc cướp ùa chạy ra thoát cả.

Hùng Khoát Hải chạy suốt đêm ngày lại đói khát mệt nhọc quá, vừa đến đây chưa kịp thở đã phải nâng một tấm cửa đá ngàn cân trong một hồi lâu, lại hàng vạn con người thúc đẩy va chạm mãi nên đuối sức dần.

Chờ cứu cho mọi người ra thì kiệt lực ngã khuỵ xuống, bị tấm đá ngàn cân kia đè chết.

Thương thay tấm thân chọc trời khuấy nước, đã chết một cách anh hùng, cổ kim chưa từng thấy ai như Hùng Khoát Hải. Năm ấy Khoát Hải ba mươi tuổi!

Chúng phản vương chạy thẳng về phía nam. Đến trái núi Long Lân sơn, quân mai phục đổ ra. Cô Sơn vương chận đường đón đánh.

La Thành cả giận múa tít ngọn thương đánh Dương Lâm. Đánh chừng hai mươi hiệp, La Thành dùng độc thủ dứ một thương rồi cho ngựa lùi lại một bước, Dương Lâm đuổi theo, La Thành quay đốc thương đánh Cô Sơn vương vỡ đầu làm đôi lăn xuống chân ngựa chết tươi, đền tội ác đã làm bao nhiêu anh hùng hào kiệt toi mạng ở võ trường ban nãy.

Thúc Bảo cả cười :

- Miếng hồi thương của họ La thật là thần kinh quỷ khóc, thiên hạ không ai địch nổi.

Âu Nhạc xông ra đánh, Thúc Bảo Sơn Nhạc múa thương đánh tơi bời. Được mười hiệp, Bảo vờ chạy, tay trái cầm thương, tay phải rút kim giản. Ngọn thương vừa quặt sau lưng thanh giản kia đã vèo tới đầu địch thủ. Âu Bằng kêu một tiếng mà theo Cô Sơn vương nốt. La Thành tấm tắc khen :

- Sát thủ giản đó khó có người tránh nổi!

Rồi hai anh em cùng cười. Lại ra sức đánh giết đám phục quân, xác chết đầy chân núi.

Tùy Dạng Đế thấy chưa trừ nổi chúng phản vương mà Dương Lâm đã chết, biết là lòng trời định diệt, khóc với Tiên phi và các mỹ nhân :

- Phen này ta tất chết. Thôi thì được cùng chư ái khanh say sưa được lúc nào hay lúc ấy, rồi thì vinh hoa phú quý đành trả lại cho thiên hạ.

Các mỹ nhân nghe nói đều rụng rời khóc thảm. Dạng Đế nói :

- Nay đã mất Tràng An ta đành ở lại Giang Đô này chờ một thác, chứ biết làm sao được.

Khi đó Võ Văn Hóa Cập cũng biết rằng vận mệnh Tuỳ Dạng Đế đã tàn rồi, bèn mưu sự cướp ngôi. Rồi đó sai con là Võ Văn Thành Đô đang đêm đem quân vào nội điện.

Đại tướng Đột Cố Thiên chạy đến thét to :

- Cha con thằng giặc già kia mưu thoán nghịch đó chăng? Trời đất nào dung cha con mày nữa.

Chưa dứt lời bị Đô phóng lưu kim đang đâm chết. Mọi người đều quỳ lạy hết. Dạng Đế thấy động vội bỏ mỹ nhân, ném mũ quẳng áo tìm lối trốn. Bất ngờ vừa chạy đến hành lang gặp Thành Đô, Dạng Đế run lập cập :

- Trẫm có tội gì dâu?

Đô cười nhạt :

- Mày giết cha, thắt cổ anh, lấy dì ghẻ, hiếp chị dâu, phá của kho dân chung, không biết việc triều chính là gì. Để mày làm gì cho bẩn ngai vàng.

Nói rồi tiến lên toan đâm chết.

Dạng Đế kêu to :

- Thiên tử không chết bởi gươm đao.

Đô ném sợi dây lụa cho Đế thắt cổ. Kế đấy, Đô đi giết hết cả họ hàng thân thích Dạng Đế ở trong thành.

Hôm sau, Võ Văn Hóa Cập lên ngôi Thiên tử. Nước đổi lại là Đại Hóa, phong Đô làm Võ Văn vương Chi Cập. Sĩ Cập làm tả hữu thừa tướng. Bốn cha con: bố đế con thần, coi thiên hạ không ra gì cả!

Ba hôm sau tin đó mới đến tai Đường vương Lý Uyên. Đường vương cả buông tiếng khóc. Rồi đặt hương án cùng với các tướng mặc đồ tang, quỳ lễ Dạng Đế ba tuần rượu. Mọi người xin rước Đường vương lên ngôi.

Đường vương vẫn một mực chối từ.

- Ta bạc đức vô tài đâu dám dương việc ấy. Thiên hạ sẽ cười chê.

Cung Đế Hựu biết ý trời đã gây dựng nghiệp đế cho nhà Đường, bèn truyền ngôi cho Đường công Lý Uyên.

Khi đó, Đường công phải nhận mũ miện, hoàng bào lên ngôi Hoàng đế, tục là Cao Tổ Thần Nghiêu Hoàng đế.

Bách quan vào triều kiến tung hô. Cao Tổ cải hiệu nước là Đại Đường, đổi niên hiệu là Võ Đức, phong Thế tử Kiến Thành làm Ân vương và lập làm Thái tử.

Thế Dân làm Tần vương, Nguyên Cát làm Tề vương, Nguyên Bá làm Triệu vương.

Đoạn phong Lý Tĩnh làm Ngụy quốc công, Mã Tam Bảo làm Khai quốc công. Ân Khai Sơn làm Định quốc công. Lý Tĩnh lạy tạ Cao Tổ, rồi ít ngày sau đi vân du các núi mà tu luyện.

Lại nói Tây Ngụy vương Lý Mật nghe tin cha con Võ Văn Hóa Cập cả gan giết vua tự lập làm Thiên tử thì nổi giận, viết thư đi hẹn các phản vương phải hội quân mã đánh Hóa Cập. Nếu ai không dự thì bị tội là phản tặc. Các phản vương vui lòng hội quân ở Cam Tuyền quan.

Đường Cao Tổ biết việc ấy cũng phái hùng binh vòng về phía tây để đánh mặt sau Hóa Cập, mục đích giết Hóa Cập để chiếm lấy Trung Quốc Ngọc tỷ. Lý Thuần Phong nói :

- Bệ hạ muốn lấy ngọc tỷ, không sai Triệu vương Lý Nguyên Bá thì không xong việc.

Viên Thiên La bấm độn, rồi thầm nghĩ: “Phen này Lý Nguyên Bá có đi mà chẳng có về. Tiếc thay, Đại Đương này nghìn năm sau nữa cũng chẳng còn có tướng nào anh hùng hơn Nguyên Bá nữa!”

Thiên La chỉ nghĩ thế thôi chứ không dám lộ thiên cơ.

Lý Nguyên Bá nhận thánh chỉ đem ba nghìn quân kéo ra ải Đồng Quan.

Lại nói các phản vương bàn định cử một người làm Đại nguyên soái thống lĩnh quân mười tám nước. Chúng bàn :

- Ở đây biết bao người tài giỏi biết ai hơn ai mà cử làm chức đó.

Từ Mậu Công nói :

- Tôi xin hiến kế này: bây giờ đóng cửa ải quan, rồi trong chúng ta hè gọi ba tiếng tự nhiên cửa mở ra thì người đấy làm Nguyên soái mười tám nước.

Mọi ngươi cười lớn :

- Thế thì họa may có phép tiên mới sai được thần lục đinh lục giáp mở cho. Người phàm tục như chúng ta thì gọi sao cho mở cửa.

Giảo Kim cười nói :

- Khi trước ta làm vua hô một tiếng thì cờ vút bay lên, huống chi cái cửa chết bầm này. Để ta gọi cho coi!

Rồi thét :

- Nếu ta là quỷ tinh trên Thiên Đình sai xuống báo hại cái đời này thì khá mở cửa ra cho mau.

Dứt lời, một trận cuồng phong nổi dậy. Hai cánh cửa lập tức mở toang ra. Mọi người cả sợ xúm lại đặt Giảo Kim lên vai rước ba vòng rồi đặt lên võ đài, trao cho cờ và ấn kiếm nguyên nhung thống lĩnh cả binh mã mười tám nước.

Chúng tướng lạy chào đủ mặt. Duy có Tạ Ứng Đăng của Tây Ngụy không có đấy vì Ứng Đăng đã được chân nhân Tạ Hùng đón lên núi tu rồi.

Hôm sau, khao thưởng ba quân xong, Giảo Kim truyền đại binh tiến đánh Giang Đô. Võ Văn Hóa Cập nghe tin mười tám nước như dông bão, bèn nghĩ cách đem nàng Tiên phi trốn theo sông Hoài, chỉ để lại một em là Sĩ Cập giữ Dương Châu.

Sĩ Cập vốn nhát, lại có ý ghét anh, nên quân Giảo Kim chưa đến đã mở cửa sẵn để xin hàng.

Giảo Kim hài lòng cho kéo vào thành một nửa quân, còn một nửa sai đuổi Hóa Cập đem về xử tội. Các tướng kéo đi như nước.

Đây nói Lý Nguyên Bá đi vòng đường sau đánh ấp Đồng quan. Tới nơi Bá ra khiêu chiến. Thành Đô thấy Lý Nguyên Bá thì bảy vía còn ba, chân tay luống cuống. Nhưng đã trót xuất trận rồi. Đô đành ngửa mặt than :

- Ta với thằng bé con này có lẽ nợ nhau từ kiếp trước, đến bây giờ có lẽ ta chết vì tay nó. Nhưng cũng liều một trận xem sao.

Nghĩ rồi liền múa lưu kim đang lừa chỗ hiểm đâm, Bá né mình cặp chặt mũi kim đang vào nách kéo mạnh cả người cả ngựa Thành Đô lại rồi thét to một tiếng nhấc bổng Đô lên.

Sư phụ Nguyên Bá xưa kia đã dặn rằng nếu giết người cầm lưu kim đang thì tất trái ý trời nên lần trước thí võ không nỡ hại. Nhưng lần này thấy Thành Đô quyết tử chiến với mình, Bá nổi giận quên lời thầy dặn, bèn ném bổng Đô lên rồi đón lấy xé tung làm hai mảnh.

Kể tiếp: binh mã của chúng phản vương đuổi kịp Võ Văn Hóa Cập.

Hai bên giáp chiến, đốt đuốc lên mà đánh. Hóa Cập bỏ cả bạc vàng và ái phi, cắt râu, cởi áo lủi về Tử Kim Sơn.

Đậu Kiến Đức bắt được Tiên phi, Lý Mật bắt được ngọc tỷ. Rồi lại đốt đuốc theo Hóa Cập. Hóa Cập chạy được mười dặm ngoảnh lại sau lưng quân reo ngựa hí đuốc đỏ rực trời, nhìn về trước mặt cũng thấy quân reo ngựa hí đèn đuốc sáng choang. Một tướng phi ngựa như bay tới chính là Triệu vương Lý Nguyên Bá đó.

Hóa Cập tiếc không còn lỗ mà chui xuống. Trước thì Nguyên Bá, sau thì Kiến Đức, Hóa Cập khóc rống lên :

- Võ Văn Thành Đô con ơi, sao con không cứu bố?

Chưa dứt lời đã bị một đao của Kiến Đức xả làm hai đoạn.

Khi đó Lý Nguyên Bá đã ranh mãnh lẻn ra phía Tử Kim Sơn, đứng chặn trước cửa thành giơ đôi chùy lên nói :

- Ai cướp được ngọc tỷ mau đưa ta coi nào!

Giảo Kim thấy chúng vương kinh hãi lùi cả lại thì nổi giận tiến lên quát :

- Thằng cháu ba đời ta kia, không biết có Đại nguyên soái Trình Giảo Kim đây à?

Nguyên Bá gầm một tiếng tưởng chừng trời đổ sụp. Giảo Kim giật bắn người, chưa kịp đánh đã đâm đầu chạy biến.

Nguyên Bá múa tít chùy xông vào giữa thiên binh vạn mã đánh đến nôi thây chất cao ngang đầu chiến mã. La Thành chưa biết sức của Nguyên Bá coi thường múa thương đâm. Ngờ đâu chùy vừa nhẹ đưa ra, cây thương đã gãy làm đôi. La Thành tê điếng cả thịt xương, ù té chạy.

Nguyên Bá tung hoành trong một trăm tám mượi vạn tinh binh, khác nào cọp dữ vồ đàn dê con, máu xương lênh láng đến nỗi trời sầu đất thảm.

Lý Mật kinh sợ quá, đành hai tay dâng ngọc tỷ, Nguyên Bá quát :

- Ta lấy ngọc tỷ rồi nhưng chúng phản vương phải viết hàng biểu quỳ xuống dâng ta, nếu chậm trễ ta không cho toàn tính mạng.

Chúng phản vương đành lập cập viết hàng biểu dâng lên. Khi đó, trời sáng rõ, Lỗ Châu vương Từ Nguyên Lãng không chịu quỳ dâng, vuốt râu ung dung nói :

- Cha con ngươi cũng là phản vương, ta đây cũng vậy, ngươi còn bé à không biết điều lễ nghĩa. Trời nào cho ngươi sống nữa.

Nguyên Bá ngồi trên ngựa với tay nắm Từ Nguyên Lãng làm đôi ném vào mặt các phản vương. Mọi người hết vía không còn ai dám ngửa mặt trông Nguyên Bá nữa.

Đến lượt Đậu Kiến Đức, Đức nói :

- Cháu ôi, ta là cậu cháu. Cậu ruột như là mẹ. Lẽ nào cháu làm nhục mẹ hay sao! Trời đất không dung đâu cháu ạ.

Bá cười :

- Đó là chuyện trong nhà. Ở đây chỉ có phép công. Cậu không quỳ lạy thì khá coi Từ Nguyên Lãng đó.

Kiến Đức thở dài :

- Thôi thì ta cũng đành. Hoàng thiên không dung được cháu nữa đâu!

Rồi quỳ dâng lá biểu lên, nước mắt rơi lã chã. Nguyên Bá thu mười tám hàng biểu, phi ngựa trở về Đồng Quan tức khắc.

Khi đó các phản vương mới dám ngửng mặt đứng lên. Giảo Kim cũng lóp ngóp bò dậy, trừng mắt nhìn theo Nguyên Bá đến nỗi rách cả mi mắt máu rỏ ròng ròng xuống má. Kim nghiến răng trỏ theo Nguyên Bá mà rằng :

- Ta cầu cho Trời đánh chết thằng nhãi con đi để ta chiếm đoạt Tràng An cho thằng cha mày xơi một búa.

Chúng cương ai nấy thu binh tàn tướng bại, giáp rách râu phờ, ngựa ốm người đau, lủi thủi ra về, buồn rầu lắm.

Tây Ngụy vương Lý Mật đi đường nghĩ đến cái nhan sắc nghiêng thành đổ quán của Tiên phi mà ngậm ngùi than lớn một câu. Tiếng than ấy đến tai một tên quân hầu cận.

Nó bẩm rằng :

- Tiên phi đã bị Hạ Ninh vương bắt.

Lý Mật cúi đầu suy nghĩ rồi nói :

- Ta có lòng luyến ái Tiên phi. Nay ngờ đâu về tay Đậu Kiến Đức. Ý ta muốn lấy bạc vàng mà đem đổi, có ai vì ta mà đi chăng?

Giảo Kim tình nguyện xin đi.

Lý Mật đôi ba lần cảm tạ, đưa vàng bạc cho Giảo Kim, lại rót rượu tiễn hành.

Giảo Kim ra sức phóng ngựa suốt ngày đêm đuổi kịp Hạ Ninh vương. Giảo Kim chặn ngang đầu ngựa nhảy xuống dưới mà kể rõ ý tình Lý Mật. Đậu Kiến Đức vuốt râu cười vui vẻ :

- Kẻ kia là một đứa phu nhân trăng gió, ta có giữ cũng như nuôi ong tay áo mà thôi. Lòng Lý Mật đã muốn dùng, ta tiếc gì mà không tặng.

Đoạn, trao nàng Tiên phi cho Giảo Kim. Vàng bạc không cần lấy.

Đây nói chuyện Đường vương nghe thám tử báo Triệu vương Nguyên Bá đã phá tan các phản vương thu được ngọc tỷ, và đã trở về, Đường vương mừng lắm, sai Sài Thiệu đem quân đi đón.

Hai người gặp nhau sóng cương ngựa cùng đi.

Khi qua một chân núi, tự nhiên đất trời tối đen lại, sấm sét và chớp nhoáng tựa như điên đảo cả núi sông. Nguyên Bá cho ngựa phóng nhanh cười khanh khách. Nhưng ngựa chạy đến đâu sấm sét càng theo đến đấy. Trời đang lúc ban ngày bỗng tối như đêm giơ tay không thấy rõ. Sấm rền rĩ trên đầu, chớp và sét lóe trời xé đất đánh ầm ầm ngay đầu ngựa. Nguyên Bá trước còn cười, sau nổi giận thi với sét :

- Thằng trời kia, mày làm gì mà vô lễ với ta như thế. Có thôi sấm sét không? Ta đánh chết cho coi này!

Nói rồi tung cả cặp chùy vút lên cao. Trời càng tối hơn và sét đánh liền hai ba tiếng liền quanh đầu Nguyên Bá. Nguyên Bá tung chuỳ rồi ngửa mặt nhìn, giơ tay cho chuỳ rơi xuống đón. Nhưng trời tối quá lại tiếp một tiếng sét ngang đầu khiến Nguyên Bá hoa cả mắt. Thế là thương ôi, cặp chùy oan nghiệt đã từng giết bao nhiêu vạn hồn oan, cặp chùy nặng nghìn cân vèo vèo rơi trúng mặt. Nguyên Bá ngã nhào xuống ngựa.

Sài Thiệu chạy đến. Sấm sét lại xé trời xé đất, mưa đổ ầm ầm như thác. Sài Thiệu không dám đến gần, cùng quân sĩ vào hang đá ẩn. Một lát tạnh mưa, trời yên, mây sáng, Sài Thiệu chạy ra, chỉ còn thấy khôi giáp để lại, còn người ngựa và chùy biến đi đâu mất!

Sài Thiệu khóc rống lên, rồi nhặt khôi giáp và ngọc tỷ, cùng quân sĩ về Tràng An. Thiệu vào quỳ dưới bệ Cao Tổ khóc kể sự tình.

Cao Tổ chết ngất đi rồi lại tỉnh, khóc rồi lại thiếp dần. Luôn nửa tráng trời Cao Tổ bỏ ăn, khóc đến chảy máu mắt ra.

Vương Thế Sung ở Lạc Dương nghe biết Lý Nguyên Bá bị trời đánh chết thu xác lên Thiên Đình thì cả mừng cười lớn :

- Thằng bé con anh hùng thứ nhất trong thiên hạ ấy đã chết thì thù ta báo được.

Rồi cắt đại binh đến Lão Khẩu quan. Trương Phương là tướng trấn ải quan cáo cấp về Tràng An. Cao Tổ cả kinh chưa biết tính sao thì Tần vương xin đi đánh. Cao Tổ dặn cẩn thận.

Tần vương cùng Ân Khai Sơn Mã Tam Bảo cùng nhiều dũng tướng kéo quân đến Lão Khẩu quan, Trương Phương ra đón vào ải.

Hôm sau, Tần vương đem tướng sĩ, xuất ải bày trận thế. Thế Sung trỏ mặt Tần vương :

- Hôm nọ thằng bé Lý Nguyên Bá bắt bọn chúng ta phải quỳ dâng hàng biểu. Ngờ đâu trời đã trị cái tội vô lễ của nó mà đánh chết. Thực là Thượng Đế chí công. Bữa nay trả cái thù kia mà quyết lấy Tràng An đó.

Ân Khai Sơn nổi giận múa kích đâm Thế Sung. Đại tướng của Thế Sung là Trinh Hồng vội múa đại đao đối địch. Liền đó các thượng tướng của Tần vương đổ cả ra đánh, Thế Sung liệu thế không địch nổi, vẫy quân phá chạy. Tần vương cho tướng sĩ đuổi theo tới Lạc Dương. Thế Sung chạy lọt vào thành. Quân Tần vương đóng chung quanh Lạc Dương đông như kiến.

Đêm ấy trời quang trăng sáng. Cờ trên quan ải bay phơ phất trong trăng thu. Trống điểm canh nhặt khoan theo tiếng chim kêu vượn hót ở núi rừng quan ải. Tần vương ngậm ngùi nghĩ đến Lý Nguyên Bá lại thở dài. Sau thấy trăng sáng đẹp, rủ hai tướng Ân, Mã ra ngoài thành du ngoạn.

Ba ngựa so cương lững thững đi trên đường trăng sáng. Đột nhiên có một con hươu trắng chạy nhởn nhơ trước ngựa. Vương giương cung bắn. Hươu trắng mang cả tên mà chạy. Tần vương thúc ngựa đuổi theo.

Theo mãi, theo mãi, quay lại không thấy hai tướng kia đâu nữa. Mà nhìn về trước mắt thấy một thành trì. Nhìn kỹ té ra Kim Dung ải. Tần vương cả sợ, toan quay trở lại. Bất ngờ lúc đó Trình Giảo Kim và Thúc Bảo đi tuần đêm nghe tiếng nhạc ngựa reo vang trong ánh trăng. Hai người lắng nghe nhạc ngựa mà tìm đến. Thấy bóng Tần vương, Giảo Kim quát lớn :

- Giặc nào dám do thám ải ta đó nói mau.

Tần vương đành đứng lại :

- Tôi là con thứ hai của Đường Hoàng đế tên gọi Thế Dân đây.

Giảo Kim nổi giận :

- Ta đang định phá Tràng An giết cha con ngươi thì ngươi dẫn xác đến đây chịu chết. Thằng em ngươi là Lý Nguyên Bá cậy có đôi chùy lớn dám bắt lũ chúng tao quỳ dâng hàng biểu. Ta còn thù chưa quên được.

Nói rồi giơ búa bổ. Tần vương đỡ rồi quay ngựa chạy, Giảo Kim và Thúc Bảo đuổi theo. Khi đó bỗng mây mù trăng lặn, lá cây ào ào trút xuống, cú kêu thảm thiết trong đêm khuya. Tần vương chạy trước, nhìn chung quanh toàn những núi rừng, không còn biết nấp vào đâu, cầm chắc cái chết ở trong tay.

Thúc Bảo nhận thấy trên đầu Tần vương có một vầng ánh sáng long lanh ngũ sắc, trong ánh sáng đó, một con rồng vàng bay lượn như che chở cho Tần vương. Thúc Bảo biết là chân minh Thiên tử. Hai người đuổi theo tới sáng rõ, Tần vương rẽ qua trái núi, thấy cái miếu Lão Quân đường thì dắt cả ngựa vào gài then cửa, ẩn sau bệ thờ thần.

Giảo Kim, Thúc Bảo tới nơi, Giảo Kim đoán Tần vương vào miếu liền bổ toang cánh cửa, vào lôi Tần vương ra toan bổ luôn một nhát.

Thúc Bảo vội giơ tay gạt búa ngăn cản. Giảo Kim chịu nghe trói lại, đặt trên yên ngựa của Tần vương giải về quan ải.

Lý Mật thấy Tần vương đập án nổi lôi đình sỉ mắng, nhắc đến cái tội Lý Nguyên Bá đã bắt mình quỳ dâng hàng biểu. Rồi sai chém. Mậu Công hết lời ngăn cản :

- Thế Dân đối với chúa công có chút công ơn, sao lại đang tâm giết?

Lý Mật hỏi :

- Ta với Thế Dân tưởng có công ơn gì đâu?

Mậu Công nói :

- Ngày trước chúa công bị Dạng Đế bắt tội. Chu Sán xin cho. Dạng Đế sai Thế Dân, Nguyên Bá đi đuổi. Thế Dân nghĩ tình mà bảo Nguyên Bá quay về. Nay ơn cứu sống không nghĩ báo thì thôi, sao nỡ giết?

Lý Mật ngẫm nghĩ tha chết, giam vào thiên lao. Chờ một năm mới chém.

Mã Tam Bảo thấy mất tích Thế Dân, sợ hãi về Tràng An tâu với Cao Tổ. Cao Tổ giật nảy mình khóc ngất đi. Thành ra một tháng trời khóc hai con, Cao Tổ bỏ cả việc triều chính suốt ngày than thở. Nhưng Ân vương, Tề vương mừng thầm.

Một hôm có tin báo Tam nguyên Lý Tĩnh xin vào yết kiến. Cao Tổ cho vời vào.

Cao Tổ hỏi :

- Bấy nay tiên sinh ở đâu không cho trẫm biết.

Lý Tĩnh đáp :

- Hạ thần đi du ngoạn khắp nơi non nước, nay nghe Tần vương bị nạn ở ải Kim Dung, vội đến tâu bê hạ chờ cho chỉ trong trăm ngày Tần vương sẽ được tha về. Hạ thần xin bày một kế nhỏ, nhưng bây giờ hãy giữ kín, chờ ngày Tần vương về rồi sẽ biết.

Nói rồi đứng dậy. Cao Tổ tiễn ra khỏi Kim Loan điện, mừng không sao tả hết. Lý Tĩnh đến thẳng Tào Châu xin yết kiến Tống Nghĩa vương Mạnh Hải Công.

Thấy Lý Tĩnh, Mạnh Hải công hỏi :

- Tiên sinh tới đây tất có điều gì chỉ giáo?

Lý Tĩnh đáp :

- Đại vương là một vị sao Bắc cực giáng trần, vốn là chân chính Đế tinh, bần đạo khuyên Đại vương nên cất quân lấy Kim Dung rồi chiếm Tràng An, thống nhất cơ nghiệp. Sao lại an phận nằm gối đầu lên đất Tào Châu nhỏ hẹp, mà quên việc thu thiên hạ vào tay áo? Trời dành cho không lấy, trời sẽ lấy đi cho kẻ khác, có đáng tiếc và đáng trách không?

Mạnh Hải Công nghĩ ngợi rồi ngẩng lên tươi cười :

- Tiên sinh không hạ cố chỉ giáo cho, tôi đâu có biết. Vậy ngày nào cất quân?

Lý Tĩnh nói :

- Bần đạo xem khí vận Đại vương đang sáng sủa, hôm nay cất quân thì hợp với thời vận của Đại vương. Xin đề binh lập tức, lấy Kim Đê rồi đoạt Kim Dung.

Mạnh Hải Công hài lòng, cất mười vạn quân đi chinh phục. Đến Kim Đê, Lý Tĩnh mới đánh trận đầu dã dùng thuật làm giông bão đánh bại hai tướng giữ Kim Đê Dã Nhuận Phủ, Liễu Chư Thần.

Hải Công vây gấp Kim Đê. Lý Tĩnh nói :

- Mười ngày ải này sẽ vỡ bởi quân ta. Bần đạo tạm đi Nam Hải mượn thêm bảo bối. Rồi về chờ quân Lý Mật đến đánh cho mảnh giáp không còn.

Hải Công mừng rỡ. Lý Tĩnh ra đi thẳng về non xanh rừng rậm mà học đạo như xưa.

Nói về Lý Mật ở Kim Dung tiếp được thư cáo cấp vội thống lãnh đại binh đi cứu Kim Đê. Từ Mậu Công ở lại Kim Dung trấn thủ.

Nghỉ một hôm, La Thành xuất trận. Nguyên soái của Mạnh Hải Công địch sao nổi thương pháp họ La, chỉ chớp mắt đã gãy cánh tay, gục xuống ngựa mà chạy trốn. Lý Mật phất cờ thúc tam quân đuổi theo, giết quân Tào Châu máu và xác ngổn ngang. Mạnh Hải Công dẫn tàn binh ôm đầu chạy về Tào Châu, không còn hồn vía.

Lý Mật chiếm đóng Kim Đê phủ dụ nhân chúng, tịch thu công khố, treo cờ Tây Ngụy lên trên ải, khao thưởng tướng sĩ rất vui vẻ, sau đó lại thả hết các tội nhân bị nhốt ở các nhà lao bất kể tội trọng hay tội nhẹ.

Tu soạn quân, viết xong chiếu chỉ dâng cho Lý Mật xem. Xem xong, Lý Mật cau mày cầm bút phê sau chiếu chỉ: “Mãn lao tội nhân đại xá miễn.

Bất xá Nam lao Lý Thế Dân” nghĩa là tội tù khắp ngục đều tha cả.

Không tha Thế Dân trong Nam lao.

Mậu Công nhận được chiếu, bảo thầm Ngụy Trưng :