Tình Mẫu Đơn

Chương 22




Lời Nhân nói đã đánh thức khao nỗi khát hoàn thành công trình trong tôi, nhưng tôi chưa hẳn đã sẵn sàng và cả Nghi cũng vậy. Đã mười lăm năm kể từ khi tôi xem vở kịch. Trong suốt thời gian đó tôi nghĩ rằng mình đã thuần phục được những bản năng gây hại của mình, nhưng với đứa trẻ mới trong nhà tôi cần phải chắc chắn hơn.

Nghi cũng cần học tập thêm nữa trước khi nó hiểu Mẫu Đơn Đình. Tôi sắp xếp để Lý Thư, Nhân và Ngô phu nhân giúp tôi chuẩn bị cho người chị em chung chồng của mình. Rồi sau hai năm nữa, trong thời gian ấy tôi sẽ chăm lo cho gia đình không gặp phải chuyện gì ngoài ý muốn, rốt cuộc tôi đã để chồng mình đưa cho Nghi tập Mẫu Đơn Đình mà Trắc và tôi đã cùng bình chú.

Mỗi buổi sáng, sau khi Nghi mặc đồ và trang điểm, nó tới vườn hái một đóa mẫu đơn. Rồi nó dừng lại ở bếp để lấy một trái đào tươi, một bát anh đào hay một trái dưa. Sau khi dặn dò người đầu bếp, nó mang đồ cúng tới từ đường. Thoạt tiên nó thắp hương và cúi rạp mình thi lễ với các vị tổ tiên nhà họ Ngô, rồi nó đặt phần trái cây trước bài vị Trắc.

Khi làm xong những chuyện này, nó tới căn phòng để hình nhân của tôi và cắm đóa mẫu đơn vào bình. Nó nói với chiếc bài vị vùi bên trong hình nhân về hy vọng của mình với con trai và mong chồng cùng mẹ chồng luôn mạnh khỏe. Rồi chúng tôi đi tới Vọng Nguyệt Đình, ở đó Nghi mở Mẫu Đơn Đình ra và đọc tất cả những ghi chú về tình yêu đã được viết lên lề sách.

Nó đọc đến chiều muộn. Tóc nó buông xõa xuống lưng, tấm áo dài xòa quanh người, gương mặt hơi nhíu lại khi nó suy ngẫm một đoạn văn nào đó. Thi thoảng, nó dừng lại ở một dòng, nhắm mắt lại ngồi yên lặng như thể đang đắm mình sâu hơn vào câu chuyện. Tôi nhớ lại, khi mình xem kịch, nàng Lệ Nương cũng làm điều ấy, sử dụng sự tĩnh lặng như là cách để khán giả vươn tới nội tâm họ hầu tìm thấy những cảm xúc sâu sắc nhất.

Mơ mộng, mơ mộng, mơ mộng, chẳng phải những giấc mộng là thứ cho chúng ta sức mạnh, hy vọng và khao khát hay sao? Đôi khi tôi và Nghi gác việc đọc sách lại mà lang thang cho tới khi nó tìm thấy Nhân, Lý Thư hay Ngô phu nhân. Rồi tôi để nó hỏi họ về vở kịch, vì biết rằng càng học hỏi thì tâm trí nó càng rộng mở.

Tôi để nó hỏi về những bản bình chú được những người phụ nữ khác viết, nhưng khi nghe nói rằng những gì họ viết ra đã bị thất lạc hay hủy hoại thì nó trở nên trầm ngâm. “Tại sao,” nó hỏi Lý Thư, “lại có quá nhiều ý tưởng của phụ nữ lại chỉ như những đóa hoa trong gió, trôi giạt theo dòng nước và biến mất không vết tích?” Suy nghĩ của nó khiến tôi ngạc nhiên, chứng tỏ rằng nó đã tiến bộ đến mức nào.

Sự tò mò của Nghi chưa bao giờ khiến nó trở nên ngạo mạn, làm người khác khó chịu hay quên lãng bổn phận làm vợ, làm dâu và làm mẹ. Nó say mê vở kịch, nhưng tôi trông chừng để đảm bảo rằng nó không bao giờ rơi vào ám ảnh. Qua nó, tôi học được thêm rất nhiều về cuộc sống và tình yêu so với hồi tôi còn sống hay khi tôi dẫn dắt người chị em chung chồng đầu tiên.

Đã qua rồi những quan niệm thời con gái về tình yêu lãng mạn và vềtình yêu đầy nhục dục. Ở Nghi, tôi đã học được giá trị của tình yêu nơi sâu thẳm con tim. Tôi đã thấy điều đó khi Nghi mỉm cười bao dung với Nhân lúc chàng bảo không sợ ma để làm nguôi đi nỗi sợ hãi của nó khi mang bầu.

Tôi thấy điều đó trong cách nó nhìn Nhân khi chàng ôm con trai vào lòng, làm diều với con và dạy con trở thành người đàn ông sẽ chăm lo cho Nghi khi nó thành quả phụ. Tôi thấy điều đó khi Nghi ngợi ca chồng vì những gì chàng đạt được mặc dù chúng nhỏ bé. Chàng không phải là một đại thi hào như trong tưởng tượng của tôi khi còn là cô gái, cũng không phải hạng đàn ông xoàng xĩnh mà Trắc đã làm bẽ mặt.

Chàng chỉ là một người đàn ông, với những tính tốt và tính xấu. Qua Nghi, tôi thấy rằng tình yêu nơi sâu thẳm con tim có nghĩa là yêu ai đó bất chấp và bởi vì những hạn chế của người ấy. Một hôm, sau nhiều tháng đọc và suy ngẫm, Nghi tới chỗ cây mai nơi tôi sống. Nó rót rượu cúng vào rễ cây rồi nói, “Cây này là một biểu tượng của Đỗ Lệ Nương và tôi trao lòng mình cho nàng.

Hãy làm ơn mang tôi tới gần hai người chị em chung chồng của mình hơn.” Lệ Nương đáp lại sự ân cần này bằng một trận mưa hoa; còn tôi, tôi quá thận trọng nên không thể làm điều gì đó phô trương như thế, nhưng lời khẩn cầu của Nghi chứng tỏ rằng nó đã sẵn sàng để bắt đầu viết.

Tôi dẫn nó dọc theo hành lang tới Vân Đường. Căn phòng nhỏ nhắn dễ thương, tường sơn màu xanh da trời. Cửa sổ được lắp kính xanh. Những bông huệ trắng trong chiếc bình màu ngọc bích đặt trên một bàn giấy giản dị. Nghi ngồi xuống cùng với bản Mẫu Đơn Đình của chúng tôi, mài mực và cầm bút lên.

Tôi liếc nhìn qua vai nó. Nó lật lại cảnh khi hồn ma Lệ Nương quyến rũ Mộng Mai, và viết: Tính cách Lệ Nương thể hiện qua vẻ u sầu ở nàng khi nàng đến gần chàng thư sinh. Có thể nàng là một hồn ma nhưng nàng trong trắng từ trong bản chất. Tôi thề là mình đã không gieo những lời này vào đầu nó.

Nghi đã tự viết chúng, nhưng chúng phản ánh điều tôi tin tưởng. Tuy vậy, điều nó viết tiếp theo đó thuyết phục tôi rằng những băn khoăn của nó khác xa với những gì tôi đã suy ngẫm trên giường mình từ rất lâu về trước: Người mẹ có thận trọng mấy cũng không thừa khi cô con gái bắt đầu nghĩ về chuyện mây mưa.

Rồi nó trở lại với những giấc mộng thời con gái của mình và nhấn mạnh thực tế của việc trở thành đàn bà: Lệ Nương bẽn lẽn và e thẹn khi nàng nói, “Hồn ma mong manh có thể nhượng bộ nỗi đam mê; nhưng một người phụ nữ thì phải để ý đến lễ nghĩa.” Nàng không phóng đãng.

Nàng là một phụ nữ thực sự, một người phụ nữ muốn được chồng yêu thương. Những lời lẽ này sao mà giống suy nghĩ của tôi đến thế! Tôi đã chết trẻ, nhưng trong thời gian lang thang tôi đã hiểu ra thế nào là làm vợ chứ không chỉ làm cô gái mơ mộng một mình trong phòng. Trắc đã rèn nét chữ của mình giống hệt như của tôi.

Sao lại không thế được một khi tôi đã điều chỉnh bàn tay nó thường xuyên như thế? Tôi đã hy vọng rằng khi nhìn thấy nét chữ như thể từ cùng một bàn tay viết ra, Nhân sẽ hiểu được rằng tất cả những ngôn từ ấy đều là của tôi. Nhưng lúc này tôi không quan tâm đến điều đó nữa.

Tôi muốn Nghi cảm thấy tự hào về việc nó đang làm. Nó viết thêm một chút nữa rồi ký tên vào. Ký tên! Tôi chưa từng làm điều đó. Tôi chưa từng để Trắc làm điều đó. Trong những tháng tiếp theo, Nghi tới Vân Đường hàng ngày và bổ sung thêm các lời bình chú lên lề sách. Dần dà, một điều gì đó bắt đầu diễn ra.

Tôi tiến tới đối thoại với nó. Tôi thì thào, còn nó viết: Tiếng kêu thê lương của chim chóc với côn trùng, tiếng rền gió táp mưa sa. Chất ma quái mà ta cảm thấy trong ngôn từ và giữa những dòng chữ khiến ta choáng ngợp. Khi đã hoàn thành ý nghĩ của tôi, nó chấm mực rồi viết thêm những lời của mình: Đêm u ám mà đọc thứ này một mình thì thật kinh khủng.

Nó nhớ lại trải nghiệm của bản thân khi viết: Ngày nay, nhiều đám cưới tốt lành bị trì hoãn vì người ta cầu kỳ trong chuyện địa vị gia đình và khăng khăng đòi những món hồi môn lớn. Làm sao nó không thể hiểu được rằng tình yêu, chứ không phải tiền bạc, địa vị hay việc kết thông gia, mới là điều quan trọng trong hôn nhân khi mà chính nó đang sống trong một cuộc hôn nhân như thế? Với tôi, đôi khi ngôn từ của nó như những bông hoa tuôn ra từ ngòi bút: Mộng Mai đổi tên vì một giấc mộng.

Lệ Nương lâm bệnh vì một giấc mộng. Mỗi người đều có niềm đam mê. Mỗi người đều có một giấc mộng. Cả hai đều coi giấc mộng của mình là thật. Bóng ma chỉ là giấc mộng và giấc mộng chẳng là gì ngoài một bóng ma. Khi đọc thấy điều này, tôi quên đi những năm tháng ám ảnh của mình, lòng dậy lên cảm giác tự hào về sự thấu hiểu và kiên trì của Nghi.

Nghi đáp lại những điều tôi đã viết và đôi khi đáp lại những điều xuất phát từ ngọn bút của Trắc. Trong suốt thời gian đó, tôi dần hiểu được Trắc trong những đoạn nó viết ra, rõ ràng như thể nó vẫn ở bên chúng tôi. Sau bao năm qua, tôi nhận ra rằng nó đã đóng góp nhiều hơn rất nhiều so với tôi nghĩ.

Mặc dầu Trắc chẳng có vẻ gì là muốn cùng tương tư với chúng tôi, nhưng cứ như là nó đang mời gọi chúng tôi vậy. Tôi lấy làm hoan hỉ về thành tựu của Nghi và gắng hết sức để giúp nó. Ban đêm, khi Nghi thức khuya để đọc, tôi làm ánh nến sáng hơn để nó không phải căng mắt.

Khi nó mỏi mắt, tôi nhắc nó rót một cốc trà xanh và thoạt tiên giơ lên trước một mắt rồi đến mắt bên kia để làm tỉnh táo và dịu đi màu hoe đỏ. Mỗi khi hiểu được một đoạn, hay tháo gỡ được một điển tích nào đó, mỗi khi cảm nhận được và viết lại về những khoảnh khắc đầy xúc cảm, tôi lại thưởng cho người chị em chung chồng của mình.

Tôi giữ cho con trai nó an toàn khi thằng bé lang thang trong vườn, ngăn không để thằng bé ngã khỏi hòn non bộ, bị côn trùng đốt hay thoát ra ngoài cổng trước. Tôi cảnh báo những tinh linh nước để đảm bảo rằng họ không lừa thằng bé chết đuối trong ao và các tinh linh cây cối để họ không làm thằng bé vấp rễ cây.

Tôi cũng bắt đầu thay đổi và bảo vệ toàn bộ khu trang viên. Khi Trắc còn sống, phần lớn những gì tôi biết chỉ là phòng ngủ. Trước đó, tôi đã so sánh nơi này với trang viên nhà họ Trần một cách không mấy thiện chí. Nhưng thứ mà tôi nghĩ là đẹp đẽ ở nhà mình thật ra lại lạnh lẽo và xa cách vì sự giàu sang, quá nhiều người, không riêng tư, không yên tĩnh, và tất cả những chuyện tầm phào, móc máy, mưu cầu vị thế.

Còn nơi đây là ngôi nhà của một nghệ sĩ đích thực. Đồng thời cũng là ngôi nhà của một nữ sĩ. Dần dần, Nghi biến Vân Đường thành nơi nó có thể ẩn náu khỏi những đòi hỏi của gia đình, viết trong yên bình và mời chồng tới trong những đêm thanh vắng. Tôi tận dụng khả năng của mình để khiến căn phòng thậm chí còn dễ chịu hơn bằng cách gửi hương hoa nhài qua cửa sổ, thở vào các ô cửa để làm chúng mát mẻ hơn và lướt ngón tay trên những nụ hoa nở trong vườn để cánh hoa in lên tường những chiếc bóng rung rinh.

Tôi khiến thế giới tự nhiên mở ra và tuân phục trước tôi. Tôi khiến người ta biết tới cảm xúc của mình qua những đóa mẫu đơn nở rộ dịp xuân về, hy vọng rằng nhà họ Ngô sẽ nhớ đến tôi khi thấy vẻ đẹp và hương thơm của chúng; qua những vạt tuyết rơi xuống cây cối vào mùa đông, là mùa khi tôi chết; qua làn gió nhẹ phảng phất qua rặng liễu, loài cây nhắc Nhân rằng với tôi chàng mãi mãi giống như Liễu Mộng Mai; và qua những trái mai trĩu trịt trên cây, bởi chắc chắn rằng họ hiểu rõ giá trị điều huyền diệu đó.

Chúng là những món quà của tôi tặng Nhân, Nghi và con trai họ. Việc hiến rượu cần phải được đền đáp và ưu đãi. Một hôm, khi Nghi đang hong sách trong thư phòng Nhân, vài tờ giấy trúc rơi ra từ một cuốn sách. Nghi nhặt những tờ giấy giòn tan và nứt nẻ ấy lên đọc to, “Ta đã học thêu hình hoa hình bướm...” Tôi đã viết bài thơ này ngay trước khi chết rồi giấu cùng những bài khác trong thư phòng cha.

Bảo đã bán chúng cho Nhân khi Trắc đang hấp hối. Người chị em chung chồng của tôi đọc những tờ khác, tất cả đều ố vàng và mỏng tang vì năm tháng. Nó khóc còn tôi nghĩ xem mình đã chết được bao nhiêu năm. Những mảnh giấy vụn nhắc nhở tôi rằng ở nơi nào đó thân xác tôi cũng đang mục nát.

Nó đem những bài thơ trở lại bàn viết đọc đi đọc lại. Đêm đó, nó đưa cho Nhân xem. “Em nghĩ giờ mình đã hiểu chị Đồng. Ôi phu quân ơi, em đọc những gì chị ấy viết và cảm thấy em biết chị ấy, nhưng ta đã mất mát quá nhiều thứ.” Nhân đã có những mối quan tâm khác khi chàng mua những bài thơ từ em nuôi của tôi, nên đến giờ chàng mới đọc.

Những bài thơ ấy đầy nữ tính và non nớt nhưng mắt chàng đầy lệ và long lanh khi nhớ đến tôi. “Nàng sẽ quý mến cô ấy thôi,” chàng nói, điều này cũng gần như chàng từng thừa nhận với ai đó rằng chúng tôi đã gặp gỡ. Tôi bay bổng với niềm vui ấy. Ngày hôm sau, Nghi chép lại những bài thơ của tôi sang giấy mới, thêm một vài câu của nó vào những chỗ đã bị bong tróc mất.

Như thế, chúng tôi trở thành một. Khi nó đang làm việc này thì một cuốn sách trên giá rơi xuống làm cả hai chúng tôi ngạc nhiên. Cuốn sách nằm mở tung trên sàn, vài trang giấy thò ra ngoài. Nghi nhặt chúng lên. Đây là câu chuyện “thực” về việc bình chú mà tôi đã bắt Trắc viết và nó xé ra giấu đi, chỉ duy nhất có Nhân tìm thấy và lại giấu đi.

Những tờ giấy này không cũ kỹ, phân hủy hay tan mảnh. Chúng vẫn mới. Khi Nghi đưa chúng cho Nhân, những bài thơ của tôi bị quên đi khi nỗi buồn của chàng dâng lên và trào ra từ con tim đôi mắt. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã hiểu ra: tôi phải xuất bản công trình của mình. Những nữ văn sĩ từ hai nghìn năm trước, các nữ tác giả của số sách cha mẹ tôi đã sưu tập trong thư phòng và nhóm Tiêu Viên Ngũ Tử được nhớ đến và vinh danh, vì tác phẩm của họ đã được xuất bản.

Tôi thì thầm ý tưởng của mình với Nghi rồi chờ đợi. Vài ngày sau, nó dồn tất cả đồ trang sức của mình lại gói vào một chiếc khăn lụa. Sau đó, nó tới thư phòng Nhân, đặt chiếc khăn lên bàn và chờ chàng nhìn lên. Khi ngước lên, Nhân thấy ánh mắt nặng trĩu phiền muộn của nó.

Lấy làm lo lắng, chàng hỏi xem có chuyện gì và chàng giúp gì được nó. “Chị Đồng viết một bản bình chú cho nửa đầu vở kịch và chị Trắc viết cho phần thứ hai. Chàng đã nổi tiếng nhờ những gì họ viết ra. Em biết là chàng đã cố chối chuyện đó, tuy nhiên tên tuổi các chị ấy vẫn bị bưng bít và lãng quên.

Nếu chúng ta không tiết lộ sự thật và làm cho các chị ấy được mọi người biết tới, liệu họ có thấy thỏa nguyện ở thế giới bên kia chăng?” “Thế nàng muốn ta làm gì?” Nhân thận trọng hỏi. “Hãy cho phép em xuất bản bản bình chú đầy đủ.” Nhân không tích cực như tôi hy vọng.

“Đó là một việc tốn kém,” chàng bảo. “Đó là lý do em sẽ dùng đồ nữ trang của mình để trả cho việc in ấn,” Nghi đáp. Nó lật mảnh lụa ra để lộ nhẫn, vòng cổ, hoa tai và vòng tay của mình. “Nàng sẽ làm gì với những thứ này?” Nhân hỏi. “Mang tới hiệu cầm đồ.” Tới những nơi như thế là không đúng khuôn phép, nhưng tôi sẽ đi cùng nó, hướng dẫn và bảo vệ nó.

Nhân bẹo cằm trầm ngâm rồi bảo, “Thế vẫn chưa đủ tiền.” “Vậy thì em sẽ đem cầm quà cưới của mình nữa.” Nhân cố thuyết phục nó không làm việc đó. Chàng cố làm một người chồng nghiêm khắc và mạnh mẽ. “Ta không muốn nàng hay bất cứ người vợ nào của ta bị mang tiếng kẻ háo danh,” Nhân ấp úng.

“Tài năng của phụ nữ thuộc về nội đường.” Những lời giải thích như thế không giống chàng, nhưng Nghi và tôi vẫn không nao nhúng. “Em không quan tâm nếu họ gọi em là kẻ háo danh vì em không phải thế,” nó phản đối một cách dễ dàng. “Em làm việc này vì những người chị em chung chồng của mình.

Chẳng lẽ họ không đáng được công nhận ư?” “Nhưng họ chưa bao giờ muốn nổi danh! Mẫu Đơn không để lại gì gợi ý rằng cô ấy muốn người ngoài đọc những gì cô ấy viết ra. Còn Trắc hoàn toàn không muốn được biết đến.” Chàng nói thêm, cố bình tĩnh lại, “Cô ấy biết địa vị một người vợ của mình.” “Và giờ đây họ phải hối tiếc về việc đó.” Nhân và Nghi đi tới đi lui.

Nghi bình tĩnh lắng nghe chàng nhưng không thay đổi quan điểm. Nó quả quyết đến nỗi cuối cùng chàng tiết lộ nỗi lo lắng thực sự của mình. “Việc bình chú vở kịch đã mang lại những kết cục không hay cho Mẫu Đơn và Trắc. Nếu có điều gì xảy đến với nàng...” “Chàng đã lo lắng cho em quá nhiều.

Đến bây giờ chàng phải thấy rằng em mạnh mẽ hơn vẻ ngoài rồi chứ.” “Nhưng ta thực sự lo lắng.” Tôi hiểu điều đó và tôi cũng đang lo lắng cho Nghi nhưng tôi cần việc này được thực hiện. Và Nghi cũng thế. Trong suốt những năm tôi biết nó, nó chưa bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì cho bản thân cả.

“Hãy nói đồng ý đi, phu quân.” Nhân nắm tay Nghi chăm chú nhìn vào mắt nó. Cuối cùng chàng bảo, “Ta sẽ đồng ý với hai điều kiện: nàng ăn uống điều độ và đi ngủ sớm. Nếu bắt đầu thấy khó ở, nàng phải từ bỏ việc ấy ngay tức khắc.” Nghi đồng ý và ngay lập tức bắt tay vào việc, nó chép lại mọi thứ Trắc và nó đã viết từ ấn bản mua ở Thiệu Hy sang một bản Mẫu Đơn Đình mới để đưa cho các nhà in khắc gỗ.

Tôi lén đằm mình vào mực và dùng các ngón tay mình như những sợi lông bút khi chúng quệt qua trang giấy. Chúng tôi hoàn thành vào một buổi tối đầu mùa đông. Nghi mời Nhân tới Vân Đường để ăn mừng. Ngay cả khi lò sưởi đỏ lửa, cái lạnh vẫn lan tỏa khắp căn phòng. Bên ngoài, những cây trúc nứt gãy răng rắc trong không khí giá lạnh và một cơn mưa tuyết nhẹ bắt đầu đổ xuống.

Nghi thắp nến và hâm nóng rượu. Rồi hai người so sánh những trang mới với bản gốc. Đây là một công việc tỉ mỉ nhưng tôi quan sát, sợ hãi và nín thở, khi Nhân lật từng trang, dừng lại chỗ nào đó để đọc những gì tôi viết ra. Thi thoảng chàng mỉm cười. Liệu chàng có nhớ tới cuộc đối thoại của chúng tôi trong Vọng Nguyệt Đình? Hơn một lần mắt chàng nhòa đi.

Liệu chàng có đang nghĩ đến tôi cô đơn trên giường, tuyệt vọng với nỗi khao khát? Chàng hít một hơi, vểnh cằm và ưỡn ngực lên. Ngón tay chàng đặt trên những dòng cuối cùng tôi đã viết khi còn sống, Người ta yêu khi sống, người ta vẫn yêu khi chết, và chàng nói với Nghi, “Ta tự hào vì nàng đã hoàn thành việc này.” Khi những ngón tay của chàng vuốt ve nét bút của tôi, tôi hiểu cuối cùng chàng đã hiểu tôi.

Cuối cùng cũng được thỏa mãn rồi. Hả hê, phấn chấn, đê mê. Nhìn Nhân và Nghi, tôi thấy họ cũng mừng rỡ và sung sướng như tôi vậy. Vài giờ sau Nghi nói, “Tuyết hẳn đã bắt đầu rơi rồi.” Nó bước tới bên cửa sổ. Nhân cầm cuốn sách mới lên và đến với nó. Họ cùng mở cửa sổ.

Tuyết lớn choàng lên các cành cây những hạt lấp lánh tinh khiết như ngọc. Nhân reo lên, choàng lấy vợ và cùng nó chạy ra ngoài trong cơn mưa tuyết, họ nhảy nhót, cười đùa và ngã vào đống tuyết. Tôi cùng cười với họ, lấy làm vui sướng khi thấy họ thảnh thơi đến thế. Có cái gì đó khiến tôi quay lại đúng lúc thấy tàn lửa bay ra khỏi ngọn nến và rơi xuống ấn bản mua ở làng Thiệu Hy.

Không! Tôi bay qua căn phòng nhưng đã quá trễ. Những trang giấy bốc cháy. Khói cuồn cuộn tuôn ra. Nghi và Nhân chạy lại. Chàng chộp lấy bầu rượu và hắt vào ngọn lửa, song chỉ khiến mọi thứ tồi tệ thêm. Tôi sợ phát điên. Tôi không biết phải làm gì. Nghi chộp lấy một tấm chăn và dập tắt ngọn lửa.

Căn phòng trở nên tối tăm. Nghi và Nhân ngã xuống sàn, thở hổn hển vì kiệt sức, tê liệt thất thần. Nhân choàng cánh tay quanh người vợ đang nức nở. Tôi sụp xuống cạnh họ và cuộn mình quanh Nhân, cả tôi cũng cần sự an ủi và che chở của chàng. Chúng tôi giữ nguyên như thế trong vài phút.

Rồi Nhân chậm rãi, ngập ngừng dò dẫm quanh phòng tìm nến và thắp lên. Chiếc bàn sơn mài cháy đen thui. Rượu chảy ra mọi hướng trên sàn. Không khí nặng mùi cồn, chăn lông ngỗng cháy và khói. “Có lẽ hai người chị chung chồng của em không muốn bút tích của mình lưu lại nhân thế này chăng?” Nghi hỏi, giọng run run.

“Phải chăng linh hồn họ đã gây nên chuyện này ư? Có giống quỷ thần nào ghen ghét tìm cách hủy hoại công trình này không?” Hai vợ chồng thất thần nhìn nhau đờ đẫn. Lần đầu tiên kể từ đám cưới của họ, tôi rút lên xà nhà treo mình, run rẩy trong đau khổ và thất vọng. Tôi đã cho phép mình hy vọng vậy mà giờ đây tôi tan vỡ.

Nhân giúp Nghi đứng lên và dẫn nó tới một chiếc ghế. “Nàng hay đợi ở đây,” chàng nói và trở ra ngoài. Một lúc sau chàng quay lại với vật gì đó trong tay. Tôi ở trên xà nhà trườn xuống để xem đó là gì. Chàng cầm phiên bản bình chú mới mà Nghi đã soạn cho các ấn quán.

“Ta đã đánh rơi cái này khi chúng ta thấy ngọn lửa,” chàng nói và đưa cho Nghi xem. Nó đến chỗ chàng và chúng tôi cùng lo lắng theo dõi khi chàng phủi tuyết khỏi bìa sách và mở sách ra để chắc chắn rằng nó chưa bị hư hại. Nghi và tôi thở dài nhẹ nhõm. Ổn rồi. “Có lẽ vụ hỏa hoạn này là phúc lành chứ không phải là điềm xấu,” chàng bảo.

“Chúng ta đã mất bản gốc của Mẫu Đơn viết từ rất lâu về trước. Và giờ tập sách ta mua cho Trắc đã bị hủy hoại. Nghi ơi, nàng không thấy ư? Giờ cả ba nàng sẽ ở cùng trong một tập sách.” Chàng hít một hơi rồi nói thêm, “Nàng đã rất vất vả. Giờ đây sẽ không gì ngăn cản cuốn sách này được xuất bản nữa.

Ta sẽ đảm bảo điều đó.” Nước mắt biết ơn của ma đói hòa lẫn với nước mắt của người vợ chung chồng. Sáng hôm sau, Nghi sai gia nhân đào một chiếc hố dưới gốc mai. Nó gom tất cả tro và những mảnh cháy của ấn bản mua ở Thiệu Hi, gói trong mảnh lụa thô rồi chôn dưới gốc cây, chúng về với tôi ở đó và để nhắc nhở về chuyện đã xảy ra và nhắc tôi, chúng tôi, cần tiếp tục một cách thận trọng thế nào.

Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý tưởng tốt nếu để vài người khác đọc những gì chúng tôi viết trước khi nó ra với thế giới rộng lớn hơn. Những độc giả tôi tin tưởng nhất, cũng là những độc giả duy nhất tôi biết, là Tiêu Viên Ngũ Tử. Tôi rời trang viên, ra bờ hồ và gặp lại họ lần đầu tiên sau mười sáu năm.

Họ thậm chí còn nổi tiếng hơn hồi tôi bám theo họ trong thời gian tự lưu đày. Mối quan tâm của họ đối với tác phẩm của những phụ nữ khác lớn lên cùng với thành công của họ. Vì thế với tôi không khó để thì thào vào tai họ về một phụ nữ sống trên núi Vu Sơn, người có một công trình độc đáo mà cô ấy đang hy vọng xuất bản và họ sẽ được tiếp đón bằng sự nồng nhiệt và lòng ham hiểu biết.

Vài ngày sau, Nghi được mời tham gia một cuộc du ngoạn trên thuyền cùng Tiêu Viên Ngũ Tử. Nghi chưa bao giờ đi du ngoạn hay gặp gỡ những phụ nữ tài nghệ và danh tiếng đến vậy. Nó sợ hãi, Nhân lạc quan còn tôi thì lo lắng. Tôi làm hết sức để đảm bảo cho Nghi được đón tiếp một cách tích cực.

Tôi giúp nó ăn vận theo phong cách giản dị và khiêm tốn rồi bám vào vai nó khi nó bước qua trang viên. Ngay khi bước vào chiếc kiệu đưa chúng tôi xuống bờ hồ, Nhân nói, “Nàng đừng lo. Họ sẽ thấy được sự quyến rũ của nàng mà.” Và đúng là như thế. Nghi nói với những người phụ nữ trong Tiêu Viên Ngũ Tử về nỗ lực và luận chứng của mình, rồi nó đọc những bài thơ tôi viết và cho họ xem bản Mẫu Đơn Đình có bút tích của chúng tôi trên lề sách.

“Chúng tôi có cảm giác như thể chúng tôi quen biết Trần Đồng vậy,” Cố Dư Linh nói. “Như thể chúng tôi đã nghe giọng cô ấy trước đây,” Lâm Dĩ Ninh cũng nói. Những người phụ nữ ấy thậm chí còn khóc vì tôi, người thiếu nữ tương tư không biết rằng cái chết sắp đến.

“Các chị có sẵn lòng viết vài lời để em cho vào những trang cuối công trình của mình không ạ?” Nghi hỏi. Cố Dư Linh mỉm cười và bảo, “Chị rất vui lòng viết một lời bạt cho em.” “Cả chị cũng vậy,” Lâm Dĩ Ninh xen vào. Tôi mừng rỡ. Tôi và Nghi tới thăm họ vài lần nữa để những người phụ nữ ấy có cơ hội đọc và thảo luận những gì tôi đã viết cùng hai người chị em chung chồng của mình.

Tôi không can thiệp vào theo bất cứ cách nào, bởi tôi mong muốn rằng diễn giải của họ hoàn toàn là của họ. Cuối cùng đã đến ngày những người phụ nữ lấy bút, mực và giấy ra. Cố Dư Linh nhìn ra ngoài qua mặt hồ tới chỗ sen đang nở rồi viết: Nhiều độc giả trong khuê phòng, chẳng hạn như Hiểu Khánh, đã thực sự thấu hiểu được MẫuĐơn Đình.

Tôi tiếc là không bản bình chú nào của họ được đến với thế gian. Giờ chúng ta có một bản bình chú của ba người vợ ở nhà họ Ngô. Họ giải thích vở kịch đầy đủ đến nỗi ngay cả những ý nghĩa ẩn giấu trong những dòng chữ cũng có thể dễ dàng hiểu được. Đó chẳng phải là một điều may mắn lớn sao? Rất nhiều phụ nữ hy vọng tìm thấy sự chia sẻ,tình chị em tri kỷ, từ những người khác giống như mình.

May mắn làm sao cho ba người vợ này khi họ tìm thấy điều đó trong tác phẩm của mình. Tôi lướt tới Lâm Dĩ Ninh và thấy cô viết: Ngay chính Thang Hiền Tổ cũng không thể bình luận về vở kịch của mình hay như thế. Đáp lại những ai cho rằng Lệ Nương không đứng đắn và gây ảnh hưởng xấu tới những phụ nữ trẻ, cô viết thêm: Nhờ công trình của ba người vợ, Lệ Nương đã được minh oan.

Nàng hoàn toàn ở trong giới hạn của khuôn phép và cốt cách tao nhã của nàng còn phảng phất đâu đây. Với những ai có thể không đồngtình, cô có những lời lẽ gay gắt: Những kẻ thô lỗ không đáng để nói chuyện. Cô cũng không có nhiều khoan dung với những ai muốn dồn phụ nữ trở lại nội đường, để họ không thể được người khác nghe thấy tiếng nói của mình.

Ở đây chúng ta có ba người vợ, tất cả đều có tài, đã nối tiếp nhau viết lên bản bình chú bất hủ đến nỗi từ giờ trở đi bất cứ ai trong thế gian mênh mông này muốn lĩnh hội tri thức hay nắm được các học thuyết văn chương bậc thầy phải bắt đầu bằng cuốn sách này. Công trình vĩ đại này sẽ trường tồn.

Hãy tưởng tượng xem cảm giác của tôi như thế nào khi đọc điều đó. Trong vài tuần tiếp theo, tôi và Nghi đem bản Mẫu Đơn Đình với những chú giải trên lề tới cho những người khác như Lý Thư và Hồng Chí Trạch xem. Họ cũng quyết định cầm bút lên ghi lại suy nghĩ của mình. Lý Thư viết rằng cô đã rơi nước mắt khi đọc nó.

Hồng Chí Trạch nhớ lại lúc là một bé gái ngồi trong lòng cha và nghe Nhân thú nhận rằng chàng không viết bản bình chú đầu tiên, chàng đã cố cứu những người vợ khỏi bị chỉ trích. Cô viết thêm: Tôi tiếc là mình sinh ra quá trễ không thể gặp hai người vợ đầu. Giờ khi tôi và Nghi đang đi du ngoạn, tôi chỉ thấy rằng những phụ nữ này thật gan dạ và dũng cảm khi thừa nhận và bảo vệ công trình của chúng tôi.

Thời thế đã thay đổi. Hầu hết đàn ông quả quyết rằng sáng tác là mối đe dọa và là chuyện không dành cho phụ nữ. Những ngày đó, rất ít gia đình tự hào rằng mình đã xuất bản sách cho đàn bà con gái trong nhà. Nhưng Nghi và tôi không chỉ đang tiến xa hơn trong việc xuất bản mà còn đang đem những người phụ nữ ủng hộ mình lại với nhau.

Chúng tôi tìm được một họa sĩ vẽ minh họa in khắc gỗ và Nghi đề nghị Nhân viết đề từ cùng một phần vấn đáp về công trình mà trong đó chàng kể lại sự thật. Với mỗi từ chàng viết, tôi nhận ra rằng chàng vẫn yêu tôi. Rồi Nghi chép những bài thơ của tôi lên lề phần Nhân đã viết: Tôi rất xúc động trước những khổ thơ mà tôi kèm theo đây, hy vọng rằng các nhà sưu tập tác phẩm của phụ nữ trong tương lai sẽ tìm thấy điều gì có ích từ hương thơm còn phảng phất.

Như thế, Nghi đã đặt tôi cạnh Nhân mãi mãi, một món quà lớn đến nỗi tôi không biết đền đáp bằng cách nào. Đến lúc này, Nhân đã thấu hiểu được niềm đam mê của chúng tôi dành cho công trình. Chàng tham gia cùng chúng tôi khi đi gặp những nhà bán sách. Thật vui xiết bao khi ba chúng tôi khi cùng nhau như thế, nhưng sự thật là chúng tôi không cần sự giúp đỡ của chàng.

“Tôi muốn các bản khắc gỗ phần nội dung được chế tác thật đẹp,” Nghi nói với người thứ năm mà chúng tôi tới gặp. Chúng tôi được xem những bản mẫu, nhưng tôi lo về mặt phí tổn. Tôi thì thào vào tai Nghi, nó gật đầu rồi nói thêm, “Ông có bản nào đã dùng rồi của mẫu này mà có thể tái sử dụng không?” Nhà buôn nhìn Nghi cân nhắc rồi dẫn chúng tôi tới một căn phòng phía sau, “Những bản khắc gỗ này gần như còn mới,” ông ta khẳng định.

“Tốt rồi,” Nghi nói sau khi xem xét. “Chúng tôi sẽ tiết kiệm tiền mà không phải hy sinh chất lượng.” Đây là điều tôi bảo nó nói nhưng nó thêm vào một ý mới, “Tôi cũng đang nghĩ đến độ bền. Tôi muốn in hàng ngàn bản.” “Thưa phu nhân,” nhà buôn nói, thậm chí không buồn che giấu thái độ coi thường.

“Phu nhân sẽ không thể bán được bất cứ bản nào đâu.” “Tôi đang hy vọng sẽ có nhiều ấn bản và rất nhiều độc giả,” nó gay gắt ngắt lời. Nhà buôn đề nghị với phu quân chúng tôi, “Nhưng thưa ngài, có những công trình quan trọng khác có thể dùng đến những mẫu bản khắc này.

Chẳng phải sẽ khôn ngoan hơn nếu để dành chúng cho tác phẩm của ngài sao?” Nhưng Nhân không quan tâm đến những tập thơ tiếp theo của mình hay những lời phê bình sẽ đến sau đó. “Hãy làm công việc của mình cho tốt rồi thì chúng tôi sẽ trở lại đặt ấn bản tiếp theo,” chàng nói.

“Nếu ông không làm tốt, một nhà khác sẽ giúp chúng tôi.” Cuộc thương lượng khá căng thẳng, chúng tôi thỏa thuận được giá tốt, rồi chúng tôi tìm một nhà in, chọn mực tốt và quyết định cách thức trình bày. Những gì đã được viết trên lề hay giữa các dòng được chuyển lên đầu trang với phần nội dung vở kịch ở phía dưới.