Trạch Thiên Ký

Quyển 1 - Chương 190: Ánh sáng trong lịch sử




Bức họa thứ tám trong Lăng Yên các là Vương Chi Sách.

Với người biết lịch sử đều rõ ràng huyền thoại về Vương Chi Sách, hắn xuất thân bần hàn, không có tư chất tu hành lại có thể thành công tiến vào Thiên Đạo Viện học tập, thời thái tổ luôn ở trong triều đảm nhiệm thư lại bình thường, cho đến hơn bốn mươi tuổi bỗng nhiên một đêm ngộ đạo, tinh quang tỏa sáng cả tòa thành Trường An, trực tiếp từ tẩy tủy lên Thông U, trở thành cường nhân một đời.

Càng làm người ta tán thưởng chính là Vương Chi Sách học thông nam bắc, còn có trù tính, bày trận quân sự, đi theo Thái Tông Bệ Hạ bắc chinh, cuối cùng trở thành phó Thống soái liên quân, suất lĩnh đại quân phá chủ lực Ma tộc, thậm chí mang theo một con tinh kỵ đột phá cánh đồng tuyết, giết Hạ Lan Sơn cách Tuyết Lão Thành chưa đầy tám trăm dặm.

Nếu chỉ tính toán quân công, hoặc là chỉ suy xét tầm quan trọng của trận chiến năm đó, Vương Chi Sách là vì sao rực rỡ chói mắt nhất, là người duy nhất có thể đứng song song với Thái Tông Hoàng Đế bệ hạ. Lấy công huân hiển hách đương nhiên là có tư cách xếp hạng tám trong các bức họa công thần trong Lăng Yên, thậm chí dựa theo các nhìn dân gian, hắn còn có thể xếp cao hơn, ít nhất cũng phải tiến vào trước Tam Tài.

Hắn ở đây Lăng Yên các xếp hạng thứ tám, nguyên nhân rất đơn giản, cũng là vì chiến công và địa vị trong dân gian quá cao, thậm chí đã đến mức công cao lấn chủ, càng mấu chốt là khi trong trận kinh biến ở Bách Thảo Viên, hắn cũng không có như Triệu quốc công, Trần Cung, Tần Trọng, Vũ Cung và những người khác tỏ thái độ của mình, kiên định đứng bên Thái Tông Bệ Hạ, cũng bởi vì thế, hắn không được Thái Tông Bệ Hạ tín nhiệm tuyệt đối, sự trung thành của hắn bị ngờ vực vô căn cứ, vì thế sau khi đại chiến chấm dứt, hắn liền cáo lão hồi hương, từ đó về sau không hỏi chính sự.

Đứng trước bức họa, nhìn người tay cầm ngọc thước, vẻ mặt yên lặng, Trần Trường Sinh đã trầm mặc rất lâu, sau đó tiếp tục nhìn xuống.

Kế tiếp, hắn nhìn thấy Tần Trọng và Vũ Cung, hai vị này là thần tướng tùy tùng năm đó của Thái Tông Bệ Hạ, oai phong một cõi, giờ cả cái tên cũng được lưu truyền, bởi vì ở trên cửa cung hay cửa nhà ngoài dân gian đều khắc họa hình của họ, bức họa đó và hình trong Lăng Yên các giống nhau như đúc.

Hai vị thần tướng cũng giống các tiền bối trong Lăng Yên các, vốn là nhân, giờ đã thành thần.

Trần Trường Sinh chậm rãi di động, tầm mắt chậm rãi di động, ngọc đuốc vẫn nằm chặt trong tay hắn, u ám trên tường biến mất, những người trong bức họa dường như có thêm rất nhiều cảm xúc.

Những người trong bức họa cũng giống Vương Chi Sách, đều là huyền thoại —— nhưng trong không khí trang nghiêm của Lăng Yên các, mỗi người đều có vẻ khác biệt, có người vẻ nhẹ nhàng khoan khoái, tỷ như thần tướng Trình Minh Lễ, có người dị thường nghiêm túc lạnh lùng, tỷ như Trịnh quốc công.

Không mất bao lâu, Trần Trường Sinh đã xem xong hai mươi bốn bức họa, năm đó Thái Tông Hoàng Đế lập Lăng Yên các là để gia thưởng đám công thần. Mấy bức họa sau, theo thứ tự là công thần sau khi tiên đế và Thánh Hậu nương nương chấp chính.

Trần Trường Sinh thêm trầm mặc. Từ thái tổ phản tiền triều đến Thái Tông định giang sơn đến Thánh Hậu nương nương đăng cơ, lịch sử ngàn năm đã xảy ra rất nhiều đại sự, những người trong Lăng Yên các đều là những nhân vật chân chính tồn tại trong lịch sử, nói cách khác, bọn họ chính là lịch sử.

Đi lại trong Lăng Yên các chính là đi dọc theo chiều dài của lịch sử. Bức họa có tang thương lịch sử, cũng có vô số bí mật của lịch sử. Nếu các tiền bối trong bức họa có thể sống lại, hoặc nói để lại tinn tức gì bị cho hậu nhân đọc hiểu, vậy sẽ không còn tiếc nuối.

Xem hết các bức họa trong Lăng Yên các mất tầm nửa canh giờ, Trần Trường Sinh đi về chỗ bồ đoàn, đứng tại chỗ bắt đầu tự hỏi.

Một lát sau, có chuông vang lên, tiếng chuông đến từ mặt đất có chút xa xôi, cho nên phá lệ thanh u, lại khiến hắn từ trong trầm tư tỉnh lại, không thể tĩnh tâm.

Theo tiếng chuông này, cây đuốc trong tay lập tức tắt ngúm, Lăng Yên các tối đen không có lấy một tia sáng.

Trần Trường Sinh nhìn bóng tối xung quanh. Người đứng đầu Đại Triều Thí phải ở Lăng Yên các yên tĩnh suy nghĩ một đêm. Lăng Yên các không có ngoại vật quấy nhiễu, ngoài tiếng chuông thanh u khi nãy thì không còn thấy thứ gì, ngoại trừ tĩnh tọa trên bồ đoàn suy ngẫm thì không còn chuyện gì để làm.

Đại Chu triều hy vọng hơi thở của người đi vào Lăng Yên các hòa cùng các bức họa cho đến khi đồng điệu, kiên định vì triều đình hoàng tộc, vì Thánh Hậu nương nương cống hiến.

Mấy năm trước người đứng đầu Đại Triều Thí không phải đệ tử Ly Sơn kiếm tông cũng là người phía nam, không có nhiều sự trung thành với Đại Chu triều, khi vào trong sẽ nảy sinh khí tức mâu thuẫn.

Trần Trường Sinh là người Chu, có thể hoàn thành ước nguyện của người ban đầu thiết kế Lăng yên các, chỉ có điều khi hắn vào Lăng Yên các lại không thể tĩnh tâm, ý nghĩ của hắn không ở rộng lớn, thống nhất thế giới loài người mà rất nhỏ, hoặc là nói rất cá nhân.

Thời gian thong thả trôi qua, lặng yên không tiếng động, vẫn không có một tia sáng xuất hiện.

Trần Trường Sinh không như những người đi trước ngồi vào bồ đoàn để lẳng lặng vượt qua một đêm này, hắn tháo đoản kiếm, tay trái nắm lấy vỏ kiếm. Trong Lăng Yên các tối om, đưa tay không thấy được năm ngón, đương nhiên cũng không thấy đoản kiếm, nhưng từ sau khi rời khỏi Tây Ninh trấn, đoản kiếm này rất ít khi rời khỏi hắn, hắn phi thường quen thuộc, tay phải nâng lên chuẩn xác cầm vào chuôi kiếm.

Hai cánh tay chậm rãi tách ra, nhưng đoản kiếm không tách khỏi vỏ, thứ hắn rút ra không phải kiếm mà là ánh sáng, ánh sáng giống như ánh sáng mặt trời mới mọc, cả Lăng Yên các trong nháy mắt được chiếu sáng lên.

Một viên dạ minh châu hiện ra trong lòng bàn tay phải.

Ánh sáng dịu nhẹ chiếu lên bức tường màu xa, cũng xuyên thấu qua khe hở chiếu sáng sàn nhà, ở phía sau hắn kéo ra một cái bóng thật dài, theo ánh sáng của dạ minh châu dần dần đậm lên.

Hắn xác nhận cửa sổ Lăng Yên không lộ ra ánh sáng, cho nên cũng không lo lắng.

Hắn giơ dạ minh châu đi đến bức họa.

Đi lại nhẹ nhàng trong Lăng Yên các, bóng đêm bị ánh sáng trong lòng bàn tay hắn xua tan, dần lộ ra chân tướng. Hắn nhìn những người trên bức họa, lại cảm thấy họ đang nhìn mình.

Hắn cố ngăn cảm giác quái dị này, đi tới bức họa của Vương Chi Sách.

Hắn nắm đoản kiếm, dùng mũi kiếm đâm vào gạch xanh bên cạnh bức họa, thong thả tiến dần lên, tay nắm chuôi kiếm run nhè nhẹ, ngón giữa trắng bệch.