Trời Quang Mây Tạnh (Tễ Thanh)

Chương 3




Đứa trẻ bảy tuổi, lúc bị ôm lên đạo quán Hoa Sơn, hôn mê đã mấy ngày, có người nói là bởi hoảng sợ, có người lại nói bởi vì người yếu trúng lạnh.

Nhưng mà đám đạo sĩ rất lo sợ, cho rằng tai họa ngập đầu sắp giáng rồi. 

Hôn mê đến ngày thứ ba, cuối cùng cậu bé cũng tỉnh lại, có điều chẳng chịu nói, trong đôi mắt đẹp kia thậm chí vô hỉ vô nộ. Cậu bé rất tuấn tú, trắng trẻo thuần khiết, mặt mày như vẽ, đánh tiếc tính cách lạnh lùng, lại giống như một kẻ không có trái tim. 

Ở đạo quán một năm, chưa ai từng thấy cậu bé cười hay là khóc. Đám đạo sĩ cung phụng cậu giống như thần linh, săn sóc cẩn thận, bọn họ đã từng vô số lần hỏi cậu bé muốn gì, có thích thứ gì hay không. 

Hạc ven hồ, chim chóc sâu bọ trong rừng, trái cây quý hiếm, đồ chơi đám trẻ con yêu thích, cậu đều không thích. 

Sau đó, cậu sẽ đến hồ băng ở sườn Bắc đạo quán, ở bên đó ngắm tuyết rơi trời quang, một lần là ngắm nguyên ngày. 

Đám người đó cách mấy cũng đều không thấu được tâm tư của cậu, cũng may là cậu bé quá yên lặng, trông nom rất dễ. 

Nơi đây vốn là đạo quán của Hoàng gia, hàng năm vàng bạc vải vóc được ban có vô số, và hàng năm cũng cần phải tiếp đãi vài nhóm quý nhân hoàng thất. 

Mỗi dịp này, sẽ chẳng thấy bóng dáng cậu bé đâu, đám đạo sĩ phải tìm thật lâu mới có thể tìm được cậu. 

Có một lần, thậm chí tìm một ngày một đêm, mới phát hiện ở sườn núi, có một đứa bé bị đông lạnh đến mất cả tri giác. 

Cậu bé bị đưa đến gặp mặt quán chủ Tĩnh Huyền, Tĩnh Huyền hỏi: Có bằng lòng đến biệt quán trên đỉnh núi phía Nam không, địa thế bên đó hiểm trở dị thường, vào đông tuyết lớn phong núi, chim thú tuyệt tích. Cậu bé nói bằng lòng.

Mọi người đều than thở se sẽ, giống như đưa thần linh, cung tiễn cậu bé đến biệt quán Lạc Nhạn trên đỉnh núi phía Nam. 

Một đường núi hiểm vách đá treo leo, khói mây vờn quanh lấy bầu trời bên trên con đường hiểm trở, tới phía cuối cùng lối đi, xích sắt ngàn dặm, như mắc vào trời cao. Cậu bé được một vị đạo sĩ trẻ tuổi địu trên lưng, bên dưới xích sắt là vực sâu vạn trượng, đạo sĩ không hề sợ hãi, lướt nhanh như bay.

Biệt quán Lạc Nhạn, muốn lên chẳng dễ, muốn xuống lại càng khó. 

Đó là nơi thuận lợi nhất để cầm tù người khác.

Biệt quán cũng có một vị quán chủ, tên là Tử Huyền chân nhân. 

Trời đông giá rét, tuyết lớn bay tán loạn, chân nhân chỉ mặc một tấm đạo bào, đạo bào mỏng tạc ra khung xương cao lớn, gương mặt tiều tụy vô cảm, hắn có một khuôn mặt cực kỳ đoan chính, mái tóc đen như tổ quạ rối tung trên vai, hắn trông như mới hai mươi tuổi, rồi lại dường như phải hơn ba mươi tuổi, không có cách nào phân rõ.

Chân nhân cúi đầu hỏi cậu bé tên gì, hiếm lắm mới có lần cậu bé gặp hỏi mà đáp, chân nhân nói, sau này tên là Thanh Quân đi, cũng theo họ Lý của ta. 

Cậu bé nhớ mình từng trốn xuống núi, ở sườn núi từng bắt gặp một biển trúc, trải dài vài dặm, không thấy cuối cùng, nghe gió trúc nghe khe suối, cậu lưu luyến chẳng muốn rời. 

Về sau, cậu bé biết được họ thật của chân nhân không phải là Lý, chân nhân và mình  có cùng chung một dòng họ. 

Biệt quán chỉ có chân nhân và cậu bé ở. 

Gạo củi dầu muối do các đạo sĩ đưa tới mỗi tháng, nhưng ăn uống may mặc, đương nhiên không được như ở đạo quán chính.

Tuyết ngày đông, đóng băng biệt quán.

Cậu bé theo chân nhân sớm tối tụng kinh, ngồi khoanh giữ im lặng, tập võ múa kiếm, quét dọn điện đường[0]. Cậu bé không lại ngẩn người, cũng không lại như một thứ không có sinh mệnh nữa. Có một lần chân nhân phát hiện cậu cứu một con khỉ đói rét, đây là một con khỉ già đơn độc, bị trục xuất khỏi bầy, người nó có một vết cào rất sâu, có lẽ do già bệnh mà bị vứt bỏ. 

[0] Ở đây là gian nhà dùng để thờ phụng thần linh.

Con khỉ già cũng không sống qua mùa đông năm ấy, dù rằng có sự chăm sóc miệt mài của cậu bé, nó vẫn chết rất nhanh. Cậu bé yên lặng chôn nó trong tuyết, rồi yên lặng đứng trong tuyết thật lâu.

Chân nhân nói sống chết đâu do mình, vạn vật đều cực khổ.

Đêm ngày mai táng con khỉ già đó, cậu bé gặp ác mộng, khóc rất thê lương ở trong mộng, khóc đến tê tâm liệt phế.

Khi tỉnh lại, người đang nằm trong vòng ôm của chân nhân, chân nhân vỗ về an ủi: “Đừng sợ, đừng sợ.”

Giọng nói của hắn dư âm, ôn hòa, trầm tĩnh như vậy. 

Chân nhân tóc dài rối tung ẩn trong đêm mờ mịt, dáng vẻ cúi đầu lẩm bẩm, khiến người ta phảng phất lầm tưởng thành một người phụ nữ dịu dàng.

Trước khi cậu bé được đưa lên Hoa Sơn, mẹ của cậu chết, cậu tận mắt nhìn thấy mẹ của mình bị vô số người nhấc lên, bà gào khóc giãy giụa, bất lực, bị tàn nhẫn treo cổ, lơ lửng lắc lư trên xà gỗ.

Đám người đưa cậu bé lên núi, cũng đàm luận xôm tụ về nhà ông ngoại cậu bị diệt môn suốt trong đêm, không hề mảy may kiêng dè sự có mặt của cậu.

Trẻ nhỏ, người lớn, đàn bà, đàn ông, giết ra làm sao, bọn họ khóc lóc cầu xin như thế nào, nhưng rồi không hề có một người nào còn sống. 

Cậu dường như thấy tận mắt chứng kiến tình cảnh thảm thiết kia nhà ông ngoại, bọn họ chết như thế nào, từng người một cậu đều nghe thấy rõ ràng. Tuy cậu còn nhỏ, nhưng đã biết những việc này xảy ra với những thân nhân đó có cảm giác thế nào. 

Đầu mùa xuân, băng tuyết tan ra, biệt quán tĩnh lặng, nghênh đón một vị khách ghé thăm.

Đó là một người đàn ông cao lớn anh tuấn, thân đeo bảo kiếm, giọng nói hắn vang dội, hắn chỉ vào cậu bé rồi hỏi chân nhân: “Đây chắc chắn chính là con rơi của ngươi rồi, quá giống ngươi khi còn bé đấy.” 

Chân nhân trách cứ: “Chớ có nói bậy.” 

Người đàn ông phát ra tràng cười vui vẻ, hù dọa đám chim chóc đậu lại trong rừng. 

Người này là bạn bè của chân nhân, tuy nói là năm nào cũng tới thăm chân nhân, nhưng chân nhân lại đối xử với hắn khá hờ hững. 

Người đàn ông đó cũng không phải đến một mình, hắn còn dẫn theo một cậu bé chín tuổi, người cậu bé đó cũng đeo kiếm, là một thanh kiếm rất lớn, tua kiếm thật dài tới tận eo, trên tua kiếm rủ xuống có một hạt châu, trên hạt châu khắc một chữ “Hàn”.

Rất nhiều năm sau đó, Hàn Kỳ Minh từng miêu tả lại tình cảnh hai người lần đầu tiên gặp nhau, nhưng cậu bé cũng không còn nhớ rõ.

Người đàn ông đeo kiếm chỉ là tới luận kiếm và đàm đạo.

Chân nhân luôn luyện kiếm vào buổi đêm, cậu bé cầm đuốc soi đứng nghiêm một bên, lẳng lặng quan sát. Chân nhân múa kiếm trong đêm tuyết, một chiêu vẻ chán chường, lại tuấn dật phảng phất tựa như thần tiên.

Cậu bé cũng có một thanh kiếm, là một thanh kiếm do chân nhân đẽo từ khúc gỗ, chế tác rất nhẵn nhụi tỉ mỉ.

Đám đạo sĩ, thường ngày trừ bỏ tụng kinh, cũng thường thường tập võ, tu thân dưỡng tính, cường thân kiện thể.

Hàn Kỳ Minh nói: “Sang năm ta tặng ngươi một thanh kiếm.” 

Cậu bé đứng trong tuyết không đáp lời, y ngừng múa kiếm, thu tay áo rộng, ngươi muốn ta cũng không muốn cùng với ngươi.

(ý là ngươi muốn tặng nhưng ta chưa chắc muốn nhận)

Hàn Kỳ Minh lấy mứt, bánh ngọt ra nói: “Trên núi không có, ngươi ăn đi.” 

Cậu bé không thèm nhìn, đứng dậy đi khỏi. 

Hàn Kỳ Minh đuổi kịp nói: “Một bé gái như ngươi, mặc áo đơn mà không lạnh sao? Ta cho ngươi mượn áo lông của ta nè.”

Cậu bé không kìm được, một kiếm móc rớt áo lông của thiếu niên. 

Hàn Kỳ Minh nhất quyết không tha, nhặt áo lông lên nói: “Vì sao ngươi không nói tiếng nào thế, là do không nói được à?” 

Tất cả trong mắt Hàn Kỳ Minh đều là cảm thông, là đau lòng.

Thật sự rất ồn ào.

Bạn bè của chân nhân không nhiều lắm, lại thường vãng lai, trừ bỏ cha con họ Hàn, thỉnh thoảng có vài kiếm khách chẳng biết lai lịch, nhưng mà những kiếm khách này đều là mộ danh mà đến, sau đó bị sập cửa vào mặt mà đi. 

Cậu bé lớn dần, đến khi y mười bốn tuổi, đến đạo quán chính lấy gạo củi, gặp phải khách hành hương, lại bị vây xung quanh.

Quần áo y đơn bạc, mái tóc đen nhánh được dùng trâm trúc tùy tiện búi lên, chân xỏ một đôi giày sứt, kẽ hở có mụn vá. Mọi người nhét quần áo, trái cây, thậm chí là cả bạc vụn vào lòng y. 

Lý Thanh Quân trẻ tuổi không thể lý giải được, cực kỳ bối rối, buồn phiền, y nóng lòng muốn tránh đoàn người, đành phải thi triển võ công, y vọt lên, giống như khỉ mà nhảy lên đường núi, tay kéo túi gạo, lưng địu củi, nhưng thân nhẹ như yến. Đám đông thấy thế liên tục lấy làm kỳ lạ. 

Người từng chứng kiến một màn này không chỉ có khách hành hương, mà còn có cả đám đạo sĩ. 

Quán chủ Tĩnh Huyền rất khó có dịp đến biệt quán, mời chân nhân và Thanh Quân đến ở lại đạo quán chính, nói là biệt quán lâu năm thiếu tu sửa, không tiện ở tiếp. 

Chân nhân cũng không giải thích gì, chỉ nghe theo mà thôi. 

Thầy trò hai người, từ đó trở đi liền ở lại trên hồ băng sườn Bắc đạo quán chính. Trên hồ băng có gian nhà gỗ đã nhiều tuổi, gió lùa mưa dột. 

Cảnh trí cũng vô cùng đẹp, hơn nữa lại hẻo lánh vắng vẻ. 

Chính lúc Thanh Quân đương ở đó, thì gặp được Thẩm Chi Bạc theo huynh trưởng đến bái phỏng quán chủ.

Nhà họ Thẩm đời đời ở phía Tây, lớp lớp danh y. 

Chi Bạc gặp mặt Thanh Quân, cản lại Thanh Quân trên thềm đá mà đùa rằng: “Hà vật lão ẩu sinh trữ hinh nhi[1]“. Chỉ bằng câu này, cũng đủ khiến cho huynh trưởng Thẩm Chi Tế của hắn sợ đến tái mét mặt, ấn chặt đầu Chi Bạc, mắng to: “Ngươi muốn chết hả tổ tông của con!”

[1] Nghĩa đen của câu là Tại sao một người phụ nữ đã già mà sinh được một đứa trẻ tuyệt đẹp như vậy, ý ở đây là tại sao một nơi nát như cái đạo quán đó mà lại có một người đẹp như Lý Thanh Quân.

Chi Bạc không cho là đúng, Thanh Quân thì hờ hững bỏ đi. 

Anh em nhà họ Thẩm trụ lại trên núi hết một tháng, một tháng này, Chi Bạc ngày ngày đến nhà gỗ ven hồ tìm người chơi cờ. 

Tuổi tác Chi Bạc và Thanh Quân xấp xỉ, hắn lại thông minh lanh lợi. Mỗi lần đều mượn cớ cùng chơi cờ với chân nhân, nhưng thật ra là đều tới đây quấn Thanh Quân, có điều ngược lại chân nhân đối xử với hắn rất nhiệt tình. 

Chân nhân nói: “Thanh Quân, đừng luyện kiếm nữa, ngươi và Chi Bạc chơi cờ đi.” 

Chân nhân nói: “Thanh Quân, bảo Chi Bạc bắt mạch cho ngươi đi, đêm qua nghe thấy ngươi ho rất nhiều lần.”

Chân nhân nói: “Thanh Quân, dù cho có là người cô tịch đi chăng nữa, cũng sẽ có một hai người bè bạn.” 

Một trong một hai người bè bạn này, đại khái là Hàn Kỳ Minh – người hàng năm đầu xuân đều tới rồi, hắn đã trở thành một mỹ thiếu niên nhanh nhẹn, cứ nói đến chuyện thuở nhỏ trông lầm Thanh Quân thành con gái, là lại cười sang sảng dọa sợ cả đám chim chóc trong rừng.

Thanh Quân có rất nhiều trường kiếm do hắn tặng, mỗi năm một thanh, đều là do Hàn Kỳ Minh tự mình đúc ra.

Thanh Quân nói: “Ta cần một thanh là đủ rồi.”

Thế nhưng mỗi phần lễ mà Hàn Kỳ Minh tặng, y đều cất rất kỹ.

Đây là khoảng thời gian đẹp nhất, đầu mùa xuân năm mười bốn tuổi, Thẩm Chi Bạc và chân nhân chơi cờ trên bàn, hồ yên tĩnh, tiếng ương ca[2] văng vẳng. Thanh Quân đứng trên mỏm núi ngẩn ngơ nhìn đám hạc giương cánh ven hồ, bỗng nhiên như linh cảm điều gì đó, ngẩng đầu nhìn ra xa, y thấy bóng dáng cha con họ Hàn đang tiến tới chỗ khúc quanh đường núi, Hàn Kỳ Minh mặc cẩm y đã cao lên so với năm ngoái không ít, tuấn tú hào hiệp. Nhìn thấy có người tới thăm, Thanh Quân thầm vui vẻ, mặc dù không nói một lời, nhưng khuôn mặt khó nén nổi ý cười.

[2] Nguyên văn: 落子 (lạc tử): nó là một loại nghệ thuật dân gian bắt nguồn từ phương Bắc tiền thân của bình kịch bây giờ, có đặc điểm biểu diễn là hát như đọc nhấn chữ rõ ràng, ca từ dễ hiểu, nội dung gắn liền với cuộc sống sinh hoạt. chi tiết m.n có thể tra cụm tiếng trung ở trên nhé.

Hai năm sau, Lý Thanh Quân mười sáu tuổi, Hàn Kỳ Minh mười bảy tuổi, gặp lại ở biệt quán điêu tàn. Lần cuối cùng Hàn Kỳ Minh tặng trường kiếm Thanh Quân, chính là bội kiếm tùy thân Đoạn Thủy của hắn.

Năm đó tuyết trên Hoa Sơn rơi nhiều tuần, ở trong tầng tuyết đọng dày vài thước, Chi Bạc tìm được thi thể lạnh băng của Hàn Kỳ Minh, và một kẻ ngồi trong đống tuyết ôm chuôi huyết kiếm, một Thanh Quân tựa như con rối. 

–. –. –

Ngoi lên lặn xuống, bạn Ney múa tung tăng ~~~ lặn lặn lặn ~

Edit by NEY