Truy Tìm Bức Tranh Thánh

Chương 17: Nhà trắng Washington DC Ngày 17 tháng 06 năm 1966




- Tôi không muốn là vị Tổng thống khốn khổ đầu tiên trong lịch sử Mỹ phải trao trả lại một bang của nước Mỹ chứ không phải là thành lập ra nó.

Viên ngoại trưởng nói:

- Thưa Tổng thống, tôi thông cảm với điều đó. Nhưng...

- Về mặt pháp lý thì vị trí của chúng ta ra sao, ông Dean?

- Thưa Tổng thống, chúng ta cũng không mạnh gì hơn. Abraham Brunweld, chuyên gia có uy tín nhất về hồ sơ hiện nay khẳng định rằng thời hạn thuê chín mươi chín năm ràng buộc cả hai phía. Hợp đồng thuê do Edward de Stoeckle thay mặt nước Nga và ngoại trưởng lúc đó là William Seward đại diện cho phía Mỹ ký kết.

Tổng thống quay lại phía Nicholas Katzenbach, chuyên viên phụ trách pháp luật của mình hỏi:

- Thỏa ước ấy có thể đến nay vẫn còn hiệu lực chứ?

Viên Chưởng lý nói:

- Thưa Tổng thống, chắc chắn là vẫn còn hiệu lực. Nhưng chỉ với điều kiện là họ phải đưa ra được bản gốc. Nếu họ đưa được bản gốc ra thì Liên Hiệp Quốc và tòa án quốc tế ở Hague sẽ không có cách nào khác là phải ủng hộ yêu cầu của Nga. Nếu không thì người ta sẽ không tin vào bất kỳ thỏa ước quốc tế nào do chúng ta đã ký hoặc sẽ ký trong tương lai nữa.

Tổng thống nói:

- Điều mà ông đang đòi hỏi tôi phải làm là nằm xuống và vẫy đuôi như một con chó tha mồi Lambrader đoạt giải ba trong cuộc thi chứ gì.

Viên Chưởng lý nói:

- Thưa Tổng thống, tôi hiểu tình cảm của ngài. Nhưng trong việc này tôi có trách nhiệm lưu ý Tổng thống về tính pháp lý của vấn đề.

- Trời ơi, chẳng lẽ lại có một tiền lệ ngu ngốc như vậy cho một nguyên thủ quốc gia hay sao?

Dean Rusk nói xen vào:

- Người Anh sẽ đối mặt với Trung Quốc năm 1999 trong một vấn đề tương tự như vậy về Đất Mới Hồng Kông. Họ đã sẵn sàng chấp nhận thực tế của tình hình và thực chất họ đã nói với chính phủ Trung Quốc là muốn tiến tới một thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề này.

Tổng thống nói:

- Đó chỉ là một ví dụ và tất cả chúng ta đều biết người Anh và chính sách ngoại giao "fair play" (chơi đẹp) của họ.

Rusk nói tiếp:

- Cũng vậy, năm 1898 người Nga đã đạt được Hiệp ước thuê cảng Lữ Thuận ở miền Bắc Trung Quốc trong thời gian chín chín năm. Cảng này có tầm quan trọng sống còn đối với họ bởi vì khác với Vladivostok, quanh năm nó không bị đóng băng.

- Tôi chẳng có một ý niệm nào về việc người Nga có một cảng ở Trung Quốc.

- Thưa Tổng thống, họ không còn nữa. Năm 1955 người Nga trả lại Lữ Thuận cho Mao Trạch Đông như một cử chỉ thiện chí giữa những người cộng sản.

Tổng thống nói:

- Ông có thể tin chắc là người Nga sẽ không trao lại mảnh đất ấy cho chúng ta như một cử chỉ bày tỏ thiện chí! Tôi có còn một giải pháp nào khác không?

Viên Ngoại trưởng trả lời:

- Chỉ thiếu một hành động quân sự để ngăn chặn người Nga đòi bồi thường theo quyền của họ nữa thôi, thưa Tổng thống.

- Vậy là năm 1867 có một ông Johnson mua đất của người Nga và năm 1966 một ông Johnson khác phải bán lại nó. Tại sao Seward và Tổng thống lúc đó đã chấp nhận một ý kiến mới nghe đã thấy nực cười như vậy?

Viên Chưởng lý bỏ kính xuống, nói:

- Hồi đó giá mua đất đặt ra là bảy phẩy hai triệu đô la và lạm phát lúc đó thật sự không đáng kể. Andrew Johnson không bao giờ có thể hình dung được sau này người Nga muốn chuộc lại đất đó cao hơn 99 lần so với giá trị ban đầu, có nghĩa là bảy trăm mười hai phẩy tám triệu đô la bằng vàng đã được ghi thành một điều kiện hẳn hoi. Trên thực tế các năm lạm phát đã làm giá đặt ra rẻ đi. Và người Nga đã chất đủ số tiền vào ngân hàng New York để chứng tỏ điều đó.

Tổng thống nói:

- Vậy thì chúng ta cũng chẳng hy vọng họ sẽ không trả tiền đúng thời hạn.

- Thưa Tổng thống dường như là không.

- Nhưng tại sao Sa hoàng Alexander trước hết lại muốn cho thuê cái mảnh đất khỉ ho cò gáy ấy? Điểu đó cứ làm tôi suy nghĩ mãi.

- Thời gian ấy ông ta gặp rắc rối với bộ trưởng trong chính phủ về việc bán vùng đất thuộc Nga ở Đông Á này. Sa hoàng nghĩ là sẽ dễ thuyết phục nhóm bộ trưởng đó bằng cách giải thích rằng đó chỉ là một hợp đồng cho thuê lâu năm với điều khoản sẽ mua lại chứ không phải là bán đứt.

- Thế tại sao Nghị viện không phản đối?

Rusk giải thích:

- Sau khi Nghị viện đã phê chuẩn Hiệp ước chính, việc sửa đổi không nhất thiết phải được Hạ nghị viện thông qua, bởi vì Chính phủ Hoa Kỳ không phải chi tiêu gì tiếp theo nữa. Mỉa mai thay, Seward rất tự hào về việc ông ta đã đòi được một giá cao như vậy trong điều khoản tiền chuộc. Lúc ấy ông ta có đủ mọi lý do để tin rằng người Nga không có khả năng chuộc lại đất.

Tổng thống nhìn qua cửa sổ Phòng Bầu dục về phía tượng Washington, nói:

- Còn bây giờ thì số tiền đó chỉ bằng giá trị dầu mỏ khai thác được ở đó trong một năm, chưa kể đến sự hỗn loạn về quân sự sẽ dấy lên ở đất nước này một khi người ta đã nắm chắc trong tay bản sao của hiệp ước. Đừng bao giờ quên rằng tôi là vị Tổng thống đã yêu cầu Nghị viện chi hàng tỷ đô la để lập một hệ thống báo động nhanh tại vùng biên giới ấy, để nhân dân Mỹ có được giấc ngủ bình yên.

Không vị cố vấn nào dám phản đối ý kiến của vị tổng thống do mình bầu ra.

- Vậy đối với những chuyện này người Anh có hành động gì không?

- Thưa Tổng thống, như thường lệ, họ hành động vì quyền lợi sát sườn. Người Anh nghĩ rằng họ đã nắm trong tay hiệp ước hòa bình và dường như họ rất tự tin rằng sẽ hớt tay trên được bức tranh Thánh của người Nga, như vậy họ có thể trở thành Đấng cứu thế của chúng ta.

Tổng thống nói:

- Kể cũng hay khi đến lượt người Anh cứu chúng ta. Nhưng trong khi ấy chẳng lẽ chúng ta cứ ngồi chết dí một chỗ chờ người Anh cố giải quyết khó khăn cho chúng ta hay sao?

- Thưa Tổng thống, không phải như vậy đâu. CIA đã nhảy vào cuộc hơn một tháng nay rồi.

Không ai cười cả.

- Vậy tôi phải làm gì tiếp theo đây? Ngồi chờ người Nga lấy bảy trăm mười hai triệu đô la bằng vàng từ Ngân hàng New York chuyển vào Kho bạc Mỹ trước nửa đêm thứ Hai ư?

Rusk nói:

- Muốn như vậy họ còn phải đưa ra được bản gốc thỏa ước cho chúng ta nữa. Mà họ chỉ còn có sáu mươi giờ nữa để làm việc đó mà thôi.

Tổng thống hỏi:

- Thế lúc này bản gốc của chúng ta đang ở đâu?

- Nó nằm sâu ở đâu đó trong hầm ngầm của Lầu Năm góc. Chỉ có hai người biết rõ nơi nó lưu trữ. Kể từ hội nghị Yalta bản hiệp ước đó chưa bao giờ được đưa ra xem xét cả.

- Tại sao trước đây người ta chưa bao giờ nói tới chuyện này? Ít ra thì tôi cũng đã có thể ngăn chặn được các chi phí lớn như vậy.

- Trong hơn năm mươi năm chúng ta vẫn tin là bản của người Nga đã bị hủy. Năm tháng qua đi, Nga chấp nhận nó như một việc đã rồi. Nhưng hẳn là trong tháng vừa rồi vị lãnh đạo cấp cao của họ đã phát hiện ra một điều gì đó khiến ông ta tin chắc bản của họ chỉ bị thất lạc mà thôi.

- Lạy Chúa, tháng sau thì chúng ta đã ngồi chơi xơi nước mất rồi.

Ngoại trưởng nói:

- Đúng như vậy.

- Dean, ông có hình dung ra việc gì nếu đúng nửa đêm thứ hai tới người Nga xuất hiện trước văn phòng ông với bản gốc thỏa ước đó không? Lúc đó tất cả những gì tôi có thể làm được là chấp tay lạy trời mà thôi.