Tục Huyết Hải Thâm Thù

Chương 8: Không Động phái cựu sự




Mạnh Hoa chấn động tâm thần khi nghe câu ấy vội vàng hỏi :

- Chưởng môn yêu cầu vãn bối đến Không Động sơn, phải chăng vì việc cũ của tam sư phụ?

- Đúng vậy, hiện tại ta có thể cho thiếu hiệp nghe về nội dung bức thư của Chưởng môn Không Động phải đựng trong hôïp gấm này.

Đường Kính Thiên đưa ra một bức thư :

- Đây là thư của Động Chân Tử gởi riêng cho ta, thiếu hiệp hãy xem đi!

Nghe nói là thư riêng gửi Đường Kính Thiên, chàng e dè :

- Xin Chưởng môn cứ kể cho vãn bối nghe được rồi!

- Thư viết rất dài, ta xin nói vắn tắt. Động Chân Tử định tháng ba sang năm chiêu khai Không Động phái đại hội, người đã quá thất tuần nên nhân đại hội này lập người kế vị Chưởng môn nhân. Do đó mời ta đến dự lễ.

Theo quy củ của các đại môn phái, lễ lập tân Chưởng môn nhân thường phải mời tất cả các Chưởng môn của môn phái khác tới tham dự để buổi lễ thêm phần long trọng, bất quá việc này chỉ là “đại sự” với môn phái đối với người ngoài cũng chỉ là việc thường.

Mạnh Hoa hồi hộp hỏi :

- Chỉ có vậy thôi ư?

Đường Kính Thiên kế tục nói :

- Đây là một đại hội tuyển lập tân Chưởng môn đồng thời thanh lý môn phái. Động Chân Tử báo với ta lần đại hội này tiến hành song song hai việc cho nên khẩn khoản mời ta tới trước là dự lễ và sau là chủ trì việc phân xử.

Chàng càng hồi hộp hơn :

- Thanh lý môn phái phải chăng là để đối phó với tam sư phụ của vãn bối?

- Đúng vậy, nhưng việc này ta cảm thấy rất khó, do đó ta suy đi tính lại chỉ có thiếu hiệp thay thế ta là tốt hơn cả.

- Tam sư phụ của vãn bối đã sớm bị trục xuất sao lại còn phải thanh lý môn phái?

- Lập tân Chưởng môn nhân là phải giải quyết hết những rối rắm còn lại của môn phái. Đúng là ba mươi năm trước tôn sư thiếu hiệp đã bị trục xuất nhưng đây là một cái án đến nay vẫn chưa kết thúc.

Chàng căm phẫn :

- Gia sư đã chịu cái nhục bị trục xuất trốn vào Thạch Lâm không màng đến môn phái nữa, vãn bối không hiểu sao chưa kết thúc? Tại sao họ lại khinh nhờn sư phụ vãn bối đến thế? Không cho sư phụ vãn bối có đất dung thân nữa ư?

- Theo Động Chân Tử giải thích thì thoạt đầu khi biết chuyện xấu xa trong môn phái không dám cho ai biết do đó chỉ tuyên án trục xuất môn hộ đối với tôn sư và cũng không dám tuyên bố lý do với người ngoài. Nhưng cứ theo họ nói sau khi tam sư phụ của thiếu hiệp rời Không Động phái rồi bản chất vẫn không chịu thay đổi - xin lỗi, ta dùng chữ trong bức thư này, thiếu hiệp đừng giận - ngoài ra bọn trưởng lão Không Động lần đại hội này muốn yêu cầu tân Chưởng môn phải đem việc cũ này xử phân dứt khoát, và cố ý dùng “thanh lý môn phái” xử tội tiếp Đan Khâu Sinh.

Chàng giận dữ :

- Sao không nói là họ muốn giết chết tam sư phụ của vãn bối mới thỏa lòng?

- Ta e rằng đúng như thế!

- Sư phụ vãn bối phạm tội gì lớn đến thế?

- Đây vẫn là một nghi án, nói cho thực ta cũng không dám khinh suất luận đoán.

- Vãn bối không thể nào tin được tam sư phụ là người bại hoại phạm tội gì trầm trọng đến vậy. Tuy vãn bối biết rằng trong nghi án này có uẩn khúc gì đây nhưng vãn bối tin chắc người đã bị vu hãm.

Đường Kính Thiên băn khoăn như có điều gì chưa tiện nói với chàng, cuối cùng ông bảo :

- Nếu thiếu hiệp tin chắc như vậy để sau này chúng tra sẽ còn thời gian điều tra lại. Hiện tại ta cần nói với thiếu hiệp một việc.

- Xin Chưởng môn cho biết.

- Cứ theo Động Chân Tử, họ đã phong thanh nghe tin Kim đại hiệp chuẩn bị thay thế tam sư phụ điều đình việc này.

Chàng mừng rỡ :

- Nếu có Kim đại hiệp lo liệu thì càng tốt chứ sao?

Chàng vui vì đoán chắc có việc này là nhờ Kim Bích Y xếp đặt giùm chàng, bất giác chàng nghĩ: “Tháng ba sang năm Không Động phái đại hội, Kim đại hiệp nhất định sẽ đến, không biết Y muội có theo cha nàng đến hay không?” Chàng rất hy vọng gặp được Kim Bích Y trên núi Không Động.

Chàng đang mơ tưởng vui vẻ, bỗng nghe Đường Kính Thiên thở dài :

- Thiếu hiệp vui mừng hơi sớm đấy. Ta chỉ sợ ngoài ra còn sinh lắm chuyện rắc rối nữa.

- Sao vậy thưa Chưởng môn?

- Không Động phái cũng đã biết tin này, mọi người đều mười phần phẫn nộ, bất mãn Kim đại hiệp che chở “nghịch đồ” của môn phái họ, do đó Động Chân Tử nhất định yêu cầu ta chủ trì việc xử phân.

- Bọn họ muốn Chưởng môn phải đối đầu với Kim đại hiệp ư? Vãn bối không biết gia sư phạm trọng tội gì nhưng Kim đại hiệp chịu đứng ra điều giải là người cũng đã biết gia sư bị oan uổng rồi.

- Chính đó là điều khó khăn cho ta vì cả hai bên Kim đại hiệp và Không Động phái ta đều có thâm tình không thể nghiêng về bên nào. Suy đi tính lại ta chỉ có thể nhờ thiếu hiệp thay ta điều giải việc này.

Trong thời gian chờ đợi đến ngày đại hội Không Động phái, Đường Kính Thiên và chàng đàm luận võ học trong thiên hạ. Chàng đem toàn bộ Vô Danh kiếm pháp đọc lại cho Chưởng môn nghe, Đường Kính Thiên lại lấy bí kíp võ công văn tự Ba Tư dịch ra Hán ngữ cùng chàng tham cứu. Do thời giờ dồn hết vào việc học tập võ thuật nên bao phiền não của chàng cũng có giảm được nhiều phần.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, Lãnh Băng Nhi và Tang Đạt Nhi nhân họa gặp phúc, trú lại Thiên Sơn vài tháng, y đã học được một phần võ công.

Chàng dự định từ giã Thiên Sơn cùng lúc với bọn Tang Đạt Nhi. Họ trở về quê hương còn chàng lên đường tới núi Không Động. Bộ tộc Ngõa Nạp nằm trên đường tới núi Không Động tuy có phải đi vòng một chút nhưng đường dài thiên lý có bạn đồng hành dù chỉ là một đoạn cũng bớt cô tịch.

Trước ngày lên đường Đường Kính Thiên đem chiếc hộp gấm trao cho chàng :

- Thiếu hiệp sắp vì ta làm khách nhân của Không Động phái tham dự cái gọi là “Thanh lý môn phái” của họ nếu không biết hoàn toàn mọi việc e khó ứng phó và trong lòng thiếu hiệp chắc cũng khó an ổn. Ta đã suy nghĩ kỹ thấy cần phải cho thiếu hiệp biết tất cả những gì người khác nghĩ về vụ án tam sư phụ thiếu hiệp. Đây là chiếc hộp đựng thư của Đông Chân Tử gởi cho ta có quan hệ rất tường tận tới việc sư phụ thiếu hiệp. Thiếu hiệp hãy đọc kỹ rồi sẽ có ý kiến sau.

Chiều đó, Mạnh Hoa giở chiếc hộp ra, đó là một tập dày thuật lại toàn bộ việc cũ của Đan Khâu Sinh.

* * * * *

Chuyện xảy ra mười năm trước. Lúc ấy Chưởng môn nhân Không Động phái chưa phải là Động Chân Tử mà là vị sư huynh Động Diệu Chân Nhân (đồng thời là sư phụ của Đan Khâu Sinh).

Đệ tử của Không Động phái một phần là đạo gia, Động Diệu Chân Nhân có ba người sư đệ quan trọng theo thứ tự :

Động Chân Tử, Động Huyền Tử và Động Minh Tử. Trừ Động Chân Tử là người xuất gia từ nhỏ còn Động Huyền Tử và Động Minh Tử gia nhập môn phái sau khi đã có vợ con rồi mới xuất gia là đạo sĩ.

Riêng tam sư phụ Đan Khâu Sinh của chàng bị cha mẹ vất bỏ từ khi còn tấm bé do đó được Động Diệu Chân Nhân nuôi nấng, Đan Khâu Sinh dường như được trời sinh ra để theo nghiệp võ nên tuổi còn trẻ đã tinh thông tất cả các môn võ nghệ của môn phái, tất cả các bạn đồng môn đều cho là tay kiệt xuất đến nỗi, các sư thúc đều tự thẹn vì không bằng. Động Diệu Chân Nhân do đó càng yêu đồ đệ của mình coi như con đẻ.

Ngoài nhân tài kiệt xuất Đan Khâu Sinh, Không Động phái còn có một thiếu niên ưu tú là con trai của Động Huyền Tử. Động Huyền Tử tục danh họ Hà tên Nguyên, con trai y tên là Hà Lạc.

Hà Lạc lớn hơn Đan Khâu Sinh một vài tuổi nhưng võ công lại thấp hơn Đan Khâu Sinh. Đồng môn đều tin tưởng Đan Khâu Sinh hoặc Hà Lạc, một trong hai sau này chính là người kế vị Chưởng môn.

Bất ngờ Không Động phái xảy ra một việc chấn động đến nay vẫn chưa ai biết rõ ràng ra sao.

Đan Khâu Sinh đã hai mươi tuổi vẫn chưa có ý lập gia đình còn Hà Lạc đã có hôn thê ngụ tại huyện Mễ Chi tỉnh Thiển Bắc là con gái duy nhất của Mâu Nhất Hạnh.

Mâu Nhất Hạnh là một người thanh danh cực lớn trong năm tỉnh miền bắc, khinh tài trọng nghĩa được xưng là “tiểu Mạnh Thường Quân” và con gái duy nhất của y nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn lại thêm võ nghệ cao cường. Không biết bao nhiêu thiếu niên anh tuấn đã đến cầu hôn với nàng nhưng cuối cùng Mâu Nhất Hạnh chọn Hà Lạc. Chính Động Diệu Chân Nhân đứng ra làm mai mối cho cuộc hôn nhân này.

Nhưng sau đó có tin đồn thực tâm thoạt đầu Động Diệu Chân Nhân muốn mai tiểu thư họ Mâu cho đồ đệ yêu của mình là Đan Khâu Sinh nhưng vì sư đệ Động Huyền Tử nài nỉ người hãy làm mai cho con trai Hà Lạc của mình nên Động Diệu Chân Nhân chiều ý vì một là muốn giữ tình hào hỏa giữa sư huynh đệ, hai là không muốn giữa Đan Khâu Sinh và Hà Lạc sinh ra chuyện tranh chấp nên đành chiều ý sư đệ.

Đột nhiên mới trên năm mươi tuổi, Mâu Nhất Hạnh qua đời. Xét về võ công cao cường, y không thể chết sớm như thế do đó khi qua đời rồi có nhiều dư luận cho rằng hoặc y bị bệnh nan y không thể chữa, hoặc y luyện công tẩu hỏa nhập ma mà chết, hoặc y bị kẻ thù giết chết.

Mâu Nhất Hạnh chết rồi, Mâu phu nhân bán hết gia sản, chuẩn bị đem con gái độc nhất về nhà cha mẹ ruột. Nào ngờ họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai, không biết bà do vì bi thương quá độ hay chăng liền ngã bệnh. Sau khi bán xong gia sản, Mâu phu nhân cũng chết theo chồng. Thế là hai vợ chồng kế tục qua đời để lại một con gái duy nhất.

Động Huyền Tử biết tin bất hạnh cho thân gia, liền sai con trai đến Mễ Chi đem vị hôn thê về, chuẩn bị cho nàng mãn tang là làm lễ thành hôn.

Trong số các bạn đồng môn Hà Lạc giao tình rất thân với Đan Khâu Sinh, nhưng trong mắt người ngoài thì Đan Khâu Sinh và Hà Lạc đang tranh nhau kế vị ngôi Chưởng môn nhân. Vậy mà hai người hoàn toàn không biết chú ý đối với nhau vẫn hết sức thân mật như anh em ruột. Lộ trình xa diệu vợi nên Hà Lạc rủ Đan Khâu Sinh cùng lên đường đón vị hôn thê với mình.

Bọn họ đi đã hơn hai tháng, theo lộ trình thì đã trở về nhưng không hiểu sao biệt vô âm tín. Động Huyền Tử lo lắng vì con đang định lên đường đến Mễ Chi, bỗng tin dữ đưa lại. Trên đường về giữa đường núi hoang sơ có ngôi cổ miếu người ta đã phát hiện thi thể của Hà Lạc và ba người nô bộc nhà họ Mâu còn Đan Khâu Sinh và Mâu tiểu thư biến mất.

Ngồi cổ miếu này cách xa Mễ Chi ba ngày đường, quan án sở tại thoạt đầu coi đây là vụ án không có thủ phạm nhưng khi đệ trình lên quan phủ, phủ quan lại tìm gặp được một trong ba tên nô bộc nhà họ Mâu. Phủ quan cho quân thi thể ba xác bộc nhân gửi về Mễ Chi nhờ tra xét và báo tin về Không Động phái.

Động Huyền Tử vội vàng đến Mễ Chi triệu tập quần hùng và quan sở tại khai quật ba thi thể, nhân thấy cả ba đều bị một kiếm xuyên qua yết hầu còn xác Hà Lạc đầy thương tích ngang dọc hiển nhiên là chết sau một trận giao đấu rất kịch liệt.

Động Huyền Tử xem xét các vết thương của con trai, lập tức biến sắc không nói một lời cho quàn xác con lại rồi đem tiền hối lộ bọn quân quan gấp rút đem quan tài con về Không Động sơn.

Nguyên do vì Động Huyền Tử đã nhận ra vết thương giết chết con mình chính là chiêu pháp Thất Tinh Bạn Nguyệt chém đúng bảy chỗ trên xác con. Chiêu Thất Tinh Bạn Nguyệt chính là tuyệt chiêu sát thủ của Không Động phái rất khó luyện thành.

Trong ba đời đệ tử Không Động phái chỉ có hai người sử dụng được chiêu Thất Tinh Bạn Nguyệt này, một là sư đệ Động Minh Tử xưng là Không Động phái đệ nhất kiếm thuật và hai là sư điệt Đan Khâu Sinh, chính Động Huyền Tử cũng chỉ luyện được dở dang chiêu kiếm này nên chỉ có thể chém trúng sáu nơi trên người đối phương mà thôi, y vẫn lấy điều này làm thẹn với sư điệt.

Do vì Đan Khâu Sinh là ái đồ của sư huynh Đông Diệu Chân Nhân nên khi còn ở Mễ Chi, y không muốn nói cho người ngoài biết. Trong quy củ võ lâm trong môn phái có nhiều chuyện bất hạnh gì thì đem gia pháp ra trừng trị, không cần mượn tay người ngoài.

Y đem quan tài về núi, bẩm báo với Chưởng môn. Thoạt đầu Động Diệu Chân Nhân không tin đệ tử mình có hành động đồi bại ấy nhưng chứng cứ rành rành khiến chân nhân cũng phải sinh nghi.

Đến Chưởng môn nhân còn nghi ngờ, huống gì chúng đệ tử Không Động phái, trăm người như một điều khẳng định Đan Khâu Sinh là thủ phạm.

Điều khẳng định ấy không phải không có nguyên cớ. Ngoài vết thương do chiêu Thất Tinh Bạn Nguyệt còn có các lý do vững vàng: một, Mâu tiểu thư nhan sắc diễm lệ ai thấy cũng ưa; hai, Mâu tiểu thư đem theo vàng bạc hồi môn rất nhiều và quan trọng là ba, người tranh chấp ngôi vị Chưởng môn gay gắt nhất với Đan Khâu Sinh chính là sư huynh Hà Lạc!

Trong thư Động Chân Tử rõ ràng muốn kể tội Đan Khâu Sinh là do động lòng vì sắc đẹp, vì tiền tài nên hạ độc thủ, “cướp tài cướp sắc” là cái án đè xuống người Đan Khâu Sinh khó có thể hóa giải được. Nhưng điều này mới làm Mạnh Hoa thêm kinh ngạc: dĩ nhiên Không Động phái nghi Đan Khâu Sinh, phát lệnh gọi về núi, nhưng đã qua hai tháng không hiểu Đan Khâu Sinh trốn ở nơi nào, Mâu tiểu thư cũng biệt tích theo. Ai cũng cho rằng Đan Khâu Sinh sau khi gây tội ác không dám trở về môn phái và vì chiếm được cả sắc đẹp lẫn tiền tài nên không thèm trở về.

Bất ngờ đến tháng thứ ba Đan Khâu Sinh trở lại môn phái, không thèm biện hộ một lời, chỉ xin gặp sư phụ.

Sau khi gặp sư phụ, Đan Khâu Sinh chấp nhận bị đuổi khỏi môn phái và chịu viết một tờ “cam kết”.

Mạnh Hoa có thể không tin những điều trần thuật trong thư của Động Chân Tử nhưng kèm theo đó có cả tờ “cam kết” của tam sư phụ chàng. Chàng nhận ra đó là chữ viết của Đan Khâu Sinh.

Bất qua, tờ “cam kết” văn phong ngữ điệu rất hàm hồ, nói là nhận tội cũng được mà nói không nhận tội cũng được. Đan Khâu Sinh chỉ viết một câu: “Đệ tử xử sự không xứng đáng để đến nỗi giết chết sư huynh, cam chịu tùy ý bản môn xử tội”. Ngoài biên tờ “cam kết”.

có lời phê của Động Diệu Chân Nhân bốn chữ: “Trục xuất môn phái”.

Chàng xem xét cẩn thận bản cáo trạng và tờ “cam kết” của sư phụ chàng, càng coi chàng càng phát hiện ra nhiều điểm khả nghi. Cáo trạng viết như đã tường tận hết mọi chi tiết nhưng thật ra nhiều đoạn rất sơ lược.

Đang phân vân hoài nghi bỗng chàng nghe có tiếng nói :

- Đừng khổ sở quá, sự tình là chân hay giả cuối cùng sẽ rõ cả thôi.

Té ra trời đã sáng rõ. Đường Kính Thiên đã đến tự lúc nào.

Đường Kính Thiên hỏi :

- Thiếu hiệp đã đọc hết vụ án cũ rồi chứ?

- Đã đọc toàn bộ nhưng vãn bối vẫn không thể tin.

- Tờ “cam kết” này có phải bút tích của Đan Khâu Sinh?

- Vãn bối nhận là chính bút tích của sư phụ, nhưng vãn bối thấy sự kỳ quái cũng là ở tờ “cam kết” này đây.

- Vì sao?

- Giả như sư phụ vãn bối thật sự phạm đại tội ấy, Đông Huyền Tử sao không báo thù cho con, vì sao lại để Chưởng môn sư huynh chỉ xử “trục xuất môn phái”?

- Động Chân Tử chẳng giải thích trong thư rồi sao? Ấy là Không Động phái muốn đợi sau khi Chưởng môn nhân qua đời sẽ đem chân tướng ra xử lại.

- Động Chân Tử nói việc này gác lại nhưng vãn bối không tin ngày ấy sau khi sư phụ vãn bối đã viết “cam kết” người có tội thật họ lại tha người đi. Vả lại tờ “cam kết” viết rất hàm hồ. Sư phụ vãn bối chỉ thừa nhận “xử sự không xứng đáng” mà thôi, cớ sao Động Diệu Chân Nhân không truy xét đến cùng?

Đường Kính Thiên hơi suy nghĩ rồi nói :

- Vụ này là một nghi án lớn trong giới võ lâm. Sau đó còn nhiều dư luận về vụ việc này và trong các đệ tử không phải ai cũng kín miệng, có người còn đem chuyện Đan Khâu Sinh trở về núi tiết lộ ra ngoài, ta có nghe đồn mấy nguồn tin. Nhưng đến bây giờ ta vẫn chưa biết đúng sai ra sao.

Mạnh Hoa khẩn khoản :

- Đường chưởng môn có vui lòng kể cho vãn bối nghe chăng? Vãn bối rất muốn biết sự thực.

- Ta cũng đâu biết được hết sự thực, nhưng có một thuyết bảo rằng :

Đan Khâu Sinh đột nhiên trở về bị sư thúc chất vấn không thèm nói một lời chỉ ưng đem mọi việc bẩm báo trực tiếp với sư phụ. Chuyện Đan Khâu Sinh bẩm báo với sư phụ những gì đương nhiên không ai hay biết chỉ biết ngày hôm sau Động Diệu Chân Nhân quay lại biện hộ cho đệ tử.

Chàng vội vàng hỏi :

- Động Diệu Chân Nhân nói ra sao?

- Cư nghe nói thì Hà Lạc bị một cao thủ che mặt giết chết, truy ra thì tên này là cựu thù của nhà họ Mâu. Bản lãnh tên này thập phần cao cường, chính Đan Khâu Sinh cũng bị hắn đả thương. Sở dĩ Đan Khâu Sinh biệt tích mấy tháng vì phải ẩn mình trong rừng sâu dưỡng thương. Nhưng dù sao đây cũng là lời giải thích của Động Diệu Chân Nhân với sư đệ Động Huyền Tử mà thôi, ta không thể xác định đúng hay sai.

- Vãn bối tự nghĩ nếu tên cao thủ kia bản lãnh cao cường hắn cũng có thể âm mưu từ trước, cố học Thất Tinh Bạn Nguyệt, để vu họa cho sư phụ vãn bối lắm, huống gì sư phụ cũng bị thọ thương kia mà? Vãn bối tin tưởng sư phụ vãn bối không bao giờ bịa đặt vu cáo cho người khác.

- Ta cũng tin tưởng vào sư phụ thiếu hiệp nhưng tiếc rằng môn hạ Không Động phái không tin như thế.

- Như thế là các môn hạ không tin lời giải thích của Chưởng môn mình sao?

- Ta đã nói ta không hiểu nổi chân giả ở chuyện này. Cứ thuyết thì Động Huyền Tử vì nể nang sư huynh nên bấm bụng chịu xử Đan Khâu Sinh “trục xuất môn phái” trước đã. Đợi sư huynh Chưởng môn qua đời sẽ đem nghi án này ra xử lại. Bây giờ đã đến lúc ấy.