Tướng Minh

Chương 103-2: Trận chiến đầu tiên (1) (2)




Công bộ Thượng thư Vũ Văn Khải ăn mặc một thân quan văn đứng ra nói:
- Hãy để ta trải đường cho hai vị Đại tướng quân, cầu nổi mà làm xong, cam đoan đại quân qua Liêu Thủy như giẫm trên đất bằng!

Y vung tay lên, thủ hạ huy động cờ xí. Mấy ngàn dân phu mang hai tòa cầu nổi thật to đi tới. Vũ Văn Khải từng đốc thúc xây thành Đại Hưng Đông đô, chính là người giỏi tay nghề số một đương thời. Vì lần này đánh Liêu, y cố tình tự mình đốc thúc dựng vài tòa cầu nổi dài đến vài chục trượng. Cầu nổi này được làm từ trước rồi chứ không phải gặp nước mới phái người xuống sông đóng cọc. Vũ Văn Khải thiết kế nhiều công trình được người người ca tụng là xảo đoạt thiên công (khéo léo tuyệt vời), vài tòa cầu nổi vô cùng đơn giản này đương nhiên không làm khó được y.

Theo lệnh kỳ huy động, mấy ngàn dân phu theo hiệu lệnh nâng cầu nổi thật lớn lên dưới sự giám sát của đội đốc chiến tiến vào giữa sông Liêu Thủy lạnh đến tận xương tủy. Đang lúc tháng ba trời mới vừa ấm áp nhưng vẫn còn lạnh, nước Liêu Hà lạnh buốt. Bắp chân của bọn dân phu mới vừa bước vào lòng sông ngay lập tức bị đông cứng không khỏi run lên cầm cập. Nước sông chạm vào thân thể đau buốt giống như dao cứa vào da thịt. Bọn dân phu hô lớn lên một tiếng nhằm giúp cho họ có thêm can đảm và xua đuổi rét lạnh. Cầu nổi thật dài thật giống như một con rết khổng lồ chậm rãi bò vào trong nước, dân phu lúc nhúc ở hai bên chính là vô số các chân của con rết.

Các dân phu đi ở đàng trước khiêng cầu nổi nặng trịch, bước thấp bước cao đi ở phía trước vô cùng vất vả. Rất nhanh, môi của bọn họ đều bị đông lạnh thành màu đỏ tía.

Ở bờ đông Liêu Thủy, Đại tướng Cao Cú Lệ là Ất Chi Văn Đức cau mày nhìn hai tòa cầu nổi cực lớn giống như quái thú đang từ từ bò vào trong nước.

- Người tới! Dùng nỏ xe ngăn cản người Tùy dựng cầu nổi!

Gã lớn tiếng ra lệnh.

Rất nhanh, hai mươi mấy nỏ xe được bọn lính kéo đến bờ sông, theo một tiếng ra lệnh của Ất Chi Văn Đức, hai mươi mấy mũi tên thật lớn xé gió bắn qua. Ba mũi tên lớn dài cả ba mét to chừng cánh tay chính là một vũ khí sắc bén số một giết địch trước trận của hai quân! Uy lực của mũi tên thật lớn, ngoài trăm mét có thể xâu người thành một chuỗi. Đợt bắn tên thứ nhất bởi vì vấn đề khoảng cách và góc độ bắn nên chỉ có vài mũi tên ít ỏi bắn trúng mục tiêu, dù vậy, vẫn như cũ có vài chục dân phu bị đóng đinh chết ở trong nước. Mũi tên thật lớn có thể xuyên ngang người ta thành hai đoạn, căn bản không phải là sức người có thể ngăn cản được.

Theo mệnh lệnh của quan chỉ huy, binh sĩ Cao Cú Lệ bắt đầu điều chỉnh góc độ, chuẩn bị đợt bắn thứ hai.

Tả Vũ Vệ đại tướng quân Vũ Văn Thuật đứng ở bờ tây Liêu Hà, tự mình huơ lệnh kỳ:
- Nỏ xe, đẩy tới đây đập nát người Cao Cú Lệ cho ta!

Hơn trăm cái nỏ xe Đại Tùy được chế tạo khéo léo từ từ được đẩy tới, trong khoảnh khắc đã có hơn trăm mũi tên lớn xé gió bắn ra. Chỉ thấy binh Cao Cú Lệ phía đối diện lập tức bị bắn ngã nghiêng ngã ngửa, nỏ xe cũng bị đánh bể bảy tám cái. Ất Chi Văn Đức đau lòng vì số nỏ xe không nhiều, hạ lệnh cho nỏ xe rút lui về phía sau, tiếp tục nhắm bắn về phía dân phu và cầu nổi giữa sông. Có bốn năm mũi tên cắm ở phấn trước cầu nổi, lập tức đánh cho cầu nổi nổ thành nhiều mảnh vụn.

- Đẩy nỏ xe lên cầu nổi! Cung tiễn thủ, lên đi!

Vũ Văn Thuật lớn tiếng ra lệnh .

Các phủ binh Đại Tùy được huấn luyện nghiêm chỉnh phụ giúp đẩy nỏ xe nặng nề lên cầu nổi, lập tức bọn dân phu đứng ở giữa sông cũng cảm giác trên vai thật nặng. Có người gánh không được mà buông lỏng tay ra, lại bị đội đốc chiến bắn chết ở trong lòng sông.

- Không được buông tay! Ai cũng không được phép buông tay!

Tướng quân của đội đốc chiến chạy tới chạy lui ở bến sông, lớn tiếng la lên.

- Các tướng sĩ!

Tả đồn vệ Đại tướng quân Mạch Thiết Trượng cầm trong tay một cây gậy bằng thép ròng hết sức nặng nề, nhảy lên cầu nổi chỉ về phía trước:
- Tả đồn vệ!

Hổ Bí lang tướng Tiền Thế Hùng ở phía sau ông ta mặc áo giáp, cầm giáo dài trong tay, vung cánh tay hô lên:
- Tiến về phía trước!

Hơn vạn tên tinh binh Tả đồn vệ cùng hô to:
- Tiến về phía trước!

Mạch Thiết Trượng xông lên phía trước nhất, các thân binh của lão ta giơ thuẫn lên bảo vệ hai bên trái phải của lão. Lúc này phía sau chính là Hổ Bí lang tướng Tiền Thế Hùng và Ưng Dương lang tướng Mạnh Xoa. Hơn một ngàn tên phủ binh Tả đồn vệ tinh nhuệ hợp thành đội công kích thứ nhất. Mà trên một tòa cầu nổi khác được mấy trăm tên thuẫn bài thủ hộ, hơn mười chiếc nỏ xe tổng số có một trăm tên cung tiễn thủ từ từ tiến về trước, ép các tên lính của Cao Cú Lệ ở bên kia bờ sông lui về phía sau một chút.

- Trường mâu thủ, đi tới!

Vũ Văn Thuật rống lớn.

Hơn ngàn tên binh sĩ phủ binh Đại Tùy thấp kém nhất trong quân đội, chỉ mặc một cái áo giáp nhẹ cầm trong tay một cây trường mâu xông lên cầu nổi, cung tiễn thủ đi theo phía sau xông về phía bên kia bờ sông.

Nỏ xe ở hai bên bờ sông vẫn còn đang bắn lẫn nhau. Cung tiễn thủ của Cao Cú Lệ bắt đầu bắn tập trung vào dân phu ở giữa sông và các phủ binh Đại Tùy đang áp tới. Mưa tên dày đặc thật giống như nạn châu chấu náo loạn, thậm chí che đi cả ánh nắng mặt trời. Chiến tranh ngay từ lúc bắt đầu đã gay cấn, trong khoảnh khắc nước sông Liêu Hà liền biến thành màu đỏ, đỏ tươi đẹp như vậy, rõ ràng như vậy.

Mắt thấy cầu nổi ở tận cùng bên kia bờ sông, Đại tướng quân Tả đồn vệ Mạch Thiết Trượng hét lên một tiếng mạnh mẽ:
- Tả đồn vệ, giết!

- Giết!

Hơn một ngàn tên binh lính tinh nhuệ, tiếng hô như sấm.


Tả đồn vệ Đại tướng quân Mạch Thiết Trượng nhảy lên bờ đông Liêu Thủy, mười mấy tên thân binh theo thật sát phía sau lão. Một trận mưa tên của Cao Cú Lệ áp tới bị thân binh của Mạch Thiết Trượng dùng thuẫn ngăn cản. Mạch Thiết Trượng thân cao chín thước cực kỳ dũng mãnh, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tất nhiên làm gương cho binh sĩ. Lão quét cây gậy sắt, lập tức đập ngã nhào vài tên binh sĩ Cao Cú Lệ đang xông tới.

Người này từng là người Trần, sau khi Nam Trần bị diệt Dương Quảng bởi vì yêu thích sự dũng mãnh nên mới thu dụng. Nghe nói lão đã từng là cướp biển, bị thứ sử Quảng châu Nam Trần bắt được sau đó dâng cho Hoàng đế Nam Trần làm người hầu cầm lộng (dù), nhưng người này tính xấu chưa sửa, ban ngày thì cầm lộng cho Hoàng đế, đến tối lại lén lút chuồn đi mấy trăm dặm trong đêm đến nam Từ Châu gây án, cầm gậy cầm đuốc cướp của. Sáng ngày hôm sau vẫn cầm lộng cho Hoàng đế như cũ không hề chậm trễ, cứ thế vài chục lần rốt cục bị người nhận ra bẩm báo cho Hoàng đế. Hoàng đế không tin người này có thể đi trong đêm cả mấy trăm dặm, vì thế Thượng thư Nam Trần là Thái Chinh nghĩ ra một biện pháp.

Hoàng đế sau khi nghe biện pháp của Thái Chinh bèn trong một buổi bãi triều kia bỗng nhiên đề xuất một yêu cầu, lấy một trăm lượng bạc trắng làm tiền công, chọn một người đi đứng lanh lẹ đến phía nam Từ Châu đưa một công văn khẩn cấp, nhất định trước lúc lâm triều ngày hôm sau phải nhanh chóng trở về đem biên nhận giao đến tay Hoàng đế. Mọi người nhận thấy nếu tính thời gian đi đường ngay cả khi cỡi ngựa tốt chạy không ngừng nghỉ cũng không thể quay về kịp lúc, vì thế không có một ai dám nhận lời. Mạch Thiết Trượng nào biết đâu bị tính kế, đứng ra tỏ vẻ nguyện ý thử một lần.

Y cũng không cưỡi ngựa mà là đi bộ lên đường, cả đêm đi về. Lúc này Hoàng đế mới tin tưởng kẻ cướp tài vật của người ở nam Từ Châu đúng là Mạch Thiết Trượng, nhưng lại không nỡ phạt nặng chỉ phạt đánh mười gậy.

Mùa đông năm thứ tám Khai Hoàng, khi Dương Quảng lúc ấy là Tấn vương, Ung Châu mục, Nội Sử Lệnh suất lĩnh năm mươi mốt vạn đại quân phạt Trần. Mạch Thiết Trượng giả vờ đầu hàng, sau đó nổi lên giết mười mấy tên binh sĩ bị thủ hạ của Đại tướng quân Dương Tố bắt được, Dương Tố cũng yêu mến sự dũng mãnh của y cho nên thu ở dưới trướng.

Về sau ở Giang Đông có người tạo phản, Mạch Thiết Trượng theo Dương Tố chinh phạt. Y một thân một mình vượt sông tìm hiểu tình hình sau đó trở về, Dương Tố liền phái y lãnh binh qua sông. Nhưng binh lực của kẻ địch hơn của Mạch Thiết Trượng rất nhiều, y liều mình chiến đấu rồi bị bắt. Nguyên soái của quân phiến loạn là Lý Lăng phái ba mươi người áp giải Mạch Thiết Trượng hồi doanh, dọc đường Mạch Thiết Trượng làm ra vẻ mệt mỏi đói khát không ngừng cầu xin, quân phiến loạn liền cởi dây trói để cho y ăn cơm, Mạch Thiết Trượng bèn đoạt một thanh đao, giết sạch ba mươi tên binh quân phiến loạn sau đó trở về đại doanh quân Tùy.

Năm thứ mười sáu Khai Hoàng, Mạch Thiết Trượng làm Xa kỵ Tướng quân theo Dương Tố chinh phạt Đột Quyết, nhiều lần lập được chiến công. Sau này khi Dương Quảng kế vị lại đi theo Dương Tố bình định phản loạn Tịnh Châu, được phong làm trụ quốc, phong Thái Thú Nhữ Nam, trong lúc đương chức, Mạch Thiết Trượng học cách cai quản, trọng dụng hiền tài, pháp lệnh nghiêm minh, trăm họ an cư, có nhiều công lao nên được phong làm Đại tướng quân Tả đồn vệ.

Cuộc đời của người này có thể nói như một huyền thoại, với một hương vị nồng đậm dân dã giang hồ.