Ung Châu Tàng Cốc

Chương 8: Hùm tinh Thập Vạn




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Men theo bờ suối để đi, có sự hướng dẫn từng trải của con sói đại ngàn A Lang, kèm theo trí nhớ của giáo sư trong lần thám hiểm trước. Sau nửa ngày chúng tôi tìm về được hang động lưng núi. Trước đây tôi và Lủ chưa được thấy hang động bao giờ, lúc gặp rồi thì tiu nghỉu, vì nó không giống trong tưởng tượng. Hang động này khá nhỏ, nhìn như một cái hốc giữa lưng chừng một ngọn núi đá. Cửa hang cách mặt đất khoảng mười lăm mét tây, chằng chịt dây leo, nếu không để ý thì không tài nào phát hiện được. Sườn núi này cũng khá thoải, không khó để có thể leo lên, sau khi cột đám ngựa, từng người thay nhau leo vào cửa hang. Bên trong hang rộng hơn, có thể đứng thẳng mà không sợ bị đụng đầu, tuy nhiên do thiếu ánh sáng nên không khí ngập mùi ẩm mốc. A Lủ không quen nên hắt xì hơi liên tục, tôi bảo nó ra phía cửa hang ngồi xem có đỡ hơn không, tiện coi lũ ngựa, và đặc biệt là để nó khỏi làm cái hang động nhỏ bé này thêm chật chội.

Chúng tôi được An đưa cho một số đèn pin đội đầu, loại chuyên dùng trong các hầm mỏ, rất thích hợp cho việc thám hiểm. An và giáo sư Minh đang rà soát lại, xem có manh mối nào sót lại trong hang động này không, vừa làm, ông vừa nói:

- Các mẫu vật còn lại lần trước đã thu dọn hết rồi, dường như không còn gì. Theo kết quả xét nghiệm tôi nhận được, dựa trên các mẫu giáp, binh khí sót lại, có thể khẳng định xác cổ lần trước đã biến mất ở đây có thể một vị tướng Đại Việt, thời nhà Lý. Giả thiết đặt ra như sau: trên đường rút quân từ Ung Châu, mang theo kho tàng của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã cho một đội quân tách ra, lo việc tìm cách chôn cất, mặt khác ông công bố ra bên ngoài là kho tàng đã bị hủy với lý do cần rút quân nhanh, không thể vận chuyển được. Do vậy, việc tồn tại của kho tàng sẽ không có nhiều người biết đến, kèm theo thời gian sau đó chiến sự liên miên, Đại Việt không chỉ phải đánh nhau với nước Tống mà còn chiến đấu với cả liên minh Tống – Chiêm – Chân Lạp, cho nên câu chuyện kho tàng Ung Châu cũng chìm sâu vào quên lãng. Đồng thời việc này cũng có thể lấy làm lý do giải thích tại sao nhà Lý, hay Lý Thường Kiệt không tổ chức các cuộc tìm, vận chuyển kho tàng về Đại Việt. Hơn nữa một người hầu như dành suốt cuộc đời của mình để chống giặc ngoại xâm, giữ vững bờ cõi như Việt quốc công - Lý Thường Kiệt thì hẳn ông biết rõ kết quả nếu như các cuộc tìm kiếm kinh động đến phía nhà Tống. Đổi kho tàng lấy sự bình yên của biên giới lúc bấy giờ mới là thức thời và vô cùng đáng giá.

Cả đoàn cùng tìm kiếm lại khắp hang động, đúng là không còn sót lại bất cứ thứ gì mang giá trị thông tin nữa. Họa đồ đã phai mờ, không thể phục chế được rồi, không nhẽ bây giờ đi dò dẫm từng mét đất, lật tung Thập Vạn Đại Sơn lên tìm? Tôi đã sớm thất vọng, còn giáo sư thì vẫn sôi sục nhiệt huyết ban đầu, ông tự tin bảo rằng, vị tướng của đoàn vận chuyển kho tàng tọa họa ở đây, có nghĩa là kho tàng cũng sẽ không xa nơi này. Dựa theo những câu thơ trên họa đồ, có thể xác định được kho tàng chắc chắn nằm trong lòng một dòng thác lớn. Giáo sư đang quả quyết thì có tiếng ngựa hí náo loạn, A Lủ hét vọng vào từ phía cửa hang:

- Ối Thiên ơi! Mau, xem ông phỉ...ông hổ cắn bầy ngựa.



Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tay cầm chắc cây đao, tôi và A Lang lao ra, theo hướng tay của A Lủ, chúng tôi nhìn thấy cảnh hết sức dị thường bên dưới. Lẫn trong đám cỏ cao tới bụng người, một con hổ lớn, đang cắn xé bầy ngựa như say máu cách chỗ chúng tôi khoảng vài chục mét. Con hổ này màu xám, vằn màu đen chứ không phải loại hổ vàng như tôi từng biết. Mà điểm dị thường tôi muốn nói đến, là trên lưng con hổ, có người đang ngồi, hơi cúi xuống như không thèm nhìn chúng tôi, mà người này chúng tôi không lạ. Chính là một trong bốn tên thổ phỉ đã chết, và lại là một trong hai tên mà tôi cùng A Lang chính tay đào lỗ chôn xuống sáng nay. Sao chuyện này lại xảy ra được...tôi nhìn qua A Lang, anh ấy cũng đang ngơ ngác như chưa hiểu gì. A Lủ thấy con ngựa của nó cưỡi bị cắn cổ đến chết liền sôi máu lên, rút khẩu Pạc Họoc ra bắn liên tiếp về phía con hổ, mặc kệ là hổ hay phỉ, nó cũng mặc kệ đám ngựa chung quanh, bắn được ba bốn phát thì bị kẹt đạn cạch cạch, nó bực mình cầm luôn khẩu súng đứng từ phía trên cửa hang ném mạnh về con hổ, miện chửi um lên: "Chết mẹ mày!". Cây súng rớt ngay trước mặt con hổ, nó cúi xuống hít hít, rồi ngẩng nhìn chúng tôi hằn học, rống lên những tiếng "uuum uuummmm, gruu...gruuu..." đầy tức giận. Rõ ràng là loạt đạn của A Lủ không thể gây ra uy hiếp gì đến nó. Tên thổ phỉ vẫn ngồi trên lưng hổ cúi mặt xuống bất động, tôi cũng tức mình rút súng ra định bắn thì An đứng sau khẽ nói:

- Để em...

Đoạn An lách người bước tới, lên đạn cho khẩu súng ngắn, nheo mắt nhắm kỹ, đoàng một phát, tôi thấy con hỗ hơi khụy chân trước xuống, có vẻ phát bắn đã trúng chân, nó gầm gừ nhìn chúng tôi, lui lại mấy bước như không cam lòng, rồi quay người cõng theo gã thổ phỉ biến mất vào rừng sâu. Lúc này tất cả mới trấn tĩnh lại, từ từ leo xuống. Lúc mải nhìn con hổ tôi không để ý, giờ mới thấy rõ, không biết do ăn ở thế nào mà hai con ngựa bị cắn chết lại là của tôi và A Lủ, tôi sợ phải đi bộ là một chuyện, sợ phải vác đồ là chuyện khác. Đồ đạc lỉnh kỉnh bây giờ phải chia đều ra năm con ngựa. A Lang vừa nói vừa chỉ tay:

- Men theo hướng kia sẽ có một ngôi làng Miêu, lúc đứng trên cửa hang cao tôi đã nhìn thấy khói bếp rồi. Đi đến đó có thể bổ sung ngựa.

- Ừ, cũng chưa tìm được gì, đến đó biết đâu dò hỏi được manh mối.- Giáo sư Minh đồng ý, cả đoàn liền khởi hành. Vì vừa gặp hổ, chúng tôi vô cùng cảnh giác, chia đội hình ra để đi. Tôi và A Lang đi trước, giáo sư ở giữa, cuối cùng là A Lủ và An. Vừa đi tôi vừa hỏi chuyện A Lang:

- Ở chỗ anh cũng có mấy ông hổ cõng người à?

- Cũng có là thế nào tôi không hiểu? Không lẽ ở chỗ anh thì có sao?- A Lang ngạc nhiên. Tôi thật thà kể tiếp:

- Cũng là một số chuyện ly kỳ tôi được nghe thầy tôi kể lại thôi, trước kia ở khu vực Long An gần chỗ tôi ở, có xuất hiện những giai thoại. Một trong những điều kì lạ nhất là nơi đây trước kia chỉ có rừng rú hoang sơ nên cọp, beo rất dữ dằn. Rồi có một sư thầy thấy đất ở đấy tốt, lại có bàu nước quanh năm trong mát nên chặt che, hái lá dựng ngôi chùa nhỏ để tu tập. Trước khi có ngôi chùa lá, mặc dù biết bàu nước này trù phú cá tôm nhưng người dân không ai dám đến đánh bắt, lấy nước. Cách xa hàng trăm cây số, vào những đêm thanh vắng, người dân đều nghe rõ tiếng gầm vang trời của cọp lớn. Các loài khác cũng tụ tập về đây uống nước, tắm táp nên cọp beo thường xuyên xuất hiện săn mồi. Tuy nhiên, sau khi có chùa, hùm beo nơi đây không những không gây hại mà còn im ắng. Thậm chí, chúng còn vào khuôn viên chùa nghe kinh Phật. Có hai con cọp một đực, một cái to lớn vào chùa nằm nghe kinh. Mỗi khi chùa tụng kinh lại thấy chúng dắt nhau về nằm ngoài sân nghe. Sau này, chúng không đi nữa mà ra góc chùa, chui vào bọng gốc cây củ chi khổng lồ ở luôn. Bây giờ, những dấu móng cọp cào vào thân cây, gốc cây khi chúng giỡn vẫn còn in trên gốc cây này và có một dấu in rõ năm móng cọp cắm sâu vào thân cây cao hơn đầu người. Vết này cứ lớn lên theo cây, đến giờ, nó lồi to ra, nhìn vị trí và dấu móng thì cũng có thể tưởng tượng con cọp to nhường nào. Ngoài chuyện li kì trên, thầy cũng kể giai thoại, cọp đực nửa đêm vào nhà bà mụ trong chùa, cõng bà này đi đỡ đẻ cho "cọp vợ". Cho nên tôi nghĩ cọp ở đây cũng thế. 

A Lang lắc đầu, tỏ vẻ không biết và không đồng tình với câu chuyện cổ tích của tôi. Thằng Lủ đi sau nghe thấy, nó cười:

- Hô hô! Mày bị ông già phỉnh rồi, làm mẹ gì có chuyện đấy. Hổ ở đây mà nghe kinh Phật thì đã không cắn chết con ngựa của tao rồi, mẹ nó!

Thấy nó bắt đầu tức tối chửi bậy, tôi hỏi vọng lại:

- Vậy còn chuyện nó cõng thằng thổ phỉ đã chết, mà chính tay tao chôn xuống, cả A Lang cũng làm chứng, thì mày giải thích thế nào?

Thật ra đây là câu hỏi rất lớn đang lởn vởn trong đầu mỗi người chúng tôi. Tôi hỏi nó cũng như hỏi đang cả đoàn. Đáp lời tôi vẫn là sự im lặng, không có lời giải thích nào cả, mọi người lại lầm lũi dong ngựa đi trong sự nghi hoặc. Cứ thế, đi được một lúc lâu A Lang bảo mọi người dừng lại, chỉ tay xuống dưới sườn dốc. Theo hướng đó, chúng tôi nhìn thấy một quả đồi trọc nhỏ, trong đầu tôi và Lủ cùng lóe lên một ý nghĩ: Đây chính là quả đồi trong câu chuyện của thầy tôi hai mươi năm về trước, cũng chính là nơi mà mẹ A Lủ bị rắn độc ma cắn phải vong mạng. Quay lại nhìn, nó khẽ gật đầu với tôi với vẻ mặt nghiêm túc, ra vẻ hiểu ý. Tôi kể lại ngắn gọn cho cả đoàn câu chuyện của gia đình Lủ, trừ giáo sư đã biết một phần từ thầy tôi, còn lại nghe rất chăm chú và đặc biệt để tâm đến chi tiết có tìm thấy nhiều dấu vết mũ giáp, binh khí của quân lính thời cổ. Tôi nói với mọi người:

- Nếu đây là ngọn đồi năm xưa, thì bản Mèo nơi chôn cất mẹ A Lủ cũng gần đây và khả năng là bản mà A Lang đã nhìn thấy lúc ở hang động. Vì cũng là một phần của chuyến đi, tôi đề nghị chúng ta nên dừng lại đây để xem xét trước.

Giáo sư và An đồng tình đầu tiên, gì chứ chuyện thám hiểm những di tích thế này không phải dễ mà gặp được. Tôi và A Lủ thì muốn tận mắt chứng kiến xem bọn rắn độc thực hư lợi hại thế nào, tiện tay có thể diệt hết bọn chúng để trả thù không, A Lang cũng cho rằng không thể di chuyển ngay đến bản trong đêm nên cả đoàn quyết định dừng tại đây, không dựng trai mà chỉ nghỉ ngơi một chút rồi cùng nhau thám hiểm ngọn đồi ngay trong đêm nay.