Ván Cờ Người

Quyển 2 - Chương 4: Bài vạn tự




Tiếu Nhu như người nghiện, cứ vài ba ngày lại hẹn Xuyên Thanh đi uống nước, ăn cơm. Xuyên Thanh khó lòng chiều theo ý cô, anh sợ ảnh hưởng đến cả hai, dù sao thì anh cũng là người có tiếng tăm ở thành phố này.

Đó là những cuộc hẹn hò Xuyên Thanh không muốn, chỉ là uống nước, nói chuyện, ăn cơm. Tiếu Nhu muốn gì?

Anh chỉ sợ Tiếu Nhu nói chuyện yêu đương, sợ tình cảm của cô thăng hoa sau lần đụng chạm xác thịt.

Trong sự trải nghiệm của Xuyên Thanh, anh không rung động đối với những trường hợp gặp gỡ kiểu Tiếu Nhu như thế này, quan hệ “siêu hình” không bắt đầu từ “hữu hình”, cũng không kết thúc ở “hữu hình”. Anh có thể rất khéo léo nhẹ nhàng bỏ rơi Tiếu Nhu, giống như một số người, coi như không có việc gì xảy ra, để sự việc qua đi vĩnh viễn trở thành quá khứ.

Nhưng sự việc không đơn giản như thế, anh đã từng gây tổn thương cho cô, làm cô nhiễm bệnh, gây nên rắc rối, làm chồng cô đòi li hôn. Cho dù bệnh của cô đã khỏi, chồng không đòi li hôn nữa, anh cũng không dám bỏ rơi, càng không dám chọc tức để rồi sự việc ra sao thì ra. Anh chỉ dám à ơi, muốn tìm cách dần dần thoát khỏi cô ta.

Lấy người để nói việc là đặc điểm của Xuyên Thanh. Anh lấy việc của mình để áp cho ngườikhác và nói cho mọi người nghe. Tuy là mượn tiếng người khác để nói mà cũng là để nghe ý kiến của người khác.

Sau khi nói chuyện với Hồ Bằng, thuyết “cai sữa” đã gợi ý cho anh. Anh không còn mượn cớ để tránh mặt Tiếu Nhu, mà chủ động xuất kích, liên tục hẹn gặp, địa điểm là khách sạn, nhà hàng nội đô. Trong những trường hợp ấy Tiếu Nhu không thể ung dung xuất hiện, mười cuộc thì tám chín cuộc lỗi hẹn, cuối cùng bên trách cứ lại là Xuyên Thanh chứ không phải Tiếu Nhu.

Một vài lần Tiếu Nhu bất ngờ xuất hiện, Xuyên Thanh chỉ đùa đùa với cô.

Có lần vội vã xong việc rồi đi ngay; lại có lần, từ đầu đến cuối cuộc gặp anh chỉ nói chuyện chồng Tiếu Nhu. Mặt Tiếu Nhu nặng trĩu, vài ba lần ngắt lời Xuyên Thanh nhưng không tác dụng gì, cuối cùng không thể không đẩy anh xuống khỏi người mình, bảo anh đừng nói đến chuyện chồng cô nữa.

Xuyên Thanh biết chuyện của chồng Tiếu Nhu, anh ta làm xây dựng, vì đánh bạc bị phạt tù, sau khi đi cải tạo lao động về anh mở công ty xây dựng tư nhân, là một ông chủ suốt ngày cờ bạc, rượu chè, trai gái.

Đúng là oan gia, có lần Xuyên Thanh đã gặp anh ta trong một bữa tiệc.

Đó là con người để lại ấn tượng sâu sắc, tóc rẽ ngôi giữa bóng có thể soi gương, mặt đỏ bừng bừng như người uống nhiều rượu, trên tay lại cầm một cốc sữa Thái tử. Buồn cười nhất là giữa mùa đông rét buốt anh ta vẫn diện bộ đồ Tây màu sáng kẻ ô vuông, đi đôi giày da mõm nhọn màu kem. Anh ta đưa danh thiếp cho Xuyên Thanh, tự giới thiệu: “Tôi là chồng của cô Tiếu Nhu, vợ của anh và vợ của tôi là bạn chơi bài với nhau. Hai người thường xuyên chơi mạt chược, vợ anh hay nói về anh, anh là cây bút lớn tôi vô cùng khâm phục”.

Xuyên Thanh dùng rượu che mặt, không thấy cái vẻ bối rối, anh cười khiêm tốn, nâng ly rượu lên: “Chúng ta cũng là bạn với nhau, xin nâng cốc chúc mừng”. Chồng Tiếu Nhu uống cốc sữa Thái tử, đưa tay ra nắm tay Xuyên Thanh.

Hôm sau, Tạ, Trưởng phòng Quảng cáo của tòa soạn, mời Xuyên Thanh đi ăn cơm, bảo có ông Lộ, một vị Giám đốc mời. Xuyên Thanh nghe không ra, tưởng là ông Lục, Giám đốc Công ty cấp nước, không ngờ lại là Lộ Hiến Dũng.

Hiến Dũng vẫn phong cách ấy, bộ đồ Tây kẻ ô vuông đổi sang màu khác, giày màu cà phê. Anh ta nói, chỉ là cuộc gặp mặt bạn bè, không đi khách sạn mà gặp ngay ở Công ty. Tạ giống như khách quen ở đây, bảo trong cái bếp nhỏ của Công ty có một đầu bếp lớn, là một đầu bếp cấp đặc biệt của khách sạn Châu Á ở Bắc Kinh.

Phòng ăn bên cạnh phòng họp, có cửa sổ trời khiến Xuyên Thanh hết sức ngạc nhiên. Cực kì xa hoa, còn hơn cả phòng riêng sang trọng trong khách sạn, chắc chắn đây là nơi chiêu đãi khách đặc biệt.

Người ngồi đủ cũng chỉ sáu vị, Hiến Dũng bảo có một người đến muộn, không phải chờ.

Món nguội đưa lên Xuyên Thanh mới thở phào nhẹ nhõm, sáu đĩa thức ăn tanh rất bình thường. Anh chỉ nghĩ là bữa ăn bình thường, chỉ là bữa cơm, đến lấy lệ. Anh không muốn qua lại quá nhiều với Hiến Dũng, vì Tiếu Nhu, cũng vì không thích những loại người này.

Bữa ăn có rượu Ngũ Lương Dịch, Hiến Dũng bảo đổi rượu Ngũ Niên Trần, hôm nay là khách quan trọng, một nhà văn hóa rất đáng kính. Xuyên Thanh thầm kêu khổ, theo khẩu khí của anh, lẽ ra hôm nay anh đến để gánh chịu tình bạn của Hiến Dũng mới đúng.

Xuyên Thanh thường đi ăn uống đây đó, tuy không phải là nhà hàng cao lương mĩ vị, nhưng cũng là người sành ăn. Xem ra món khai vị của Hiến Dũng cũng rất tùy ý, hương vị độc đáo.

Món nấm linh cô trông giống như bào ngư, vị giống bào ngư, cho vào miệng nhai, trơn, tươi, non, đậm đà…

Tạ nói thầm gì đó với Xuyên Thanh, anh không để ý. Mĩ vị là gì? Nhà ẩm thực học Uông Tăng Kì nói rất đúng, “Ăn vào miệng nửa ngày không muốn nói chuyện”.

Lại một bát ba ba, mỗi người một con, Xuyên Thanh không muốn đụng đũa, anh không thích, chê tanh, chỉ uống tí nước nhạt.

Bắt đầu vào bữa ăn Hiến Dũng bảo anh ta không uống rượu, để mọi người tùy ý, hôm nay nâng ly rượu là phá lệ, muốn chúc mừng Xuyên Thanh. Một li rượu đầy, Xuyên Thanh cụng li, một hơi uống cạn.

Xuyên Thanh nhìn mặt Hiến Dũng, mặt anh ta càng đỏ hơn, đỏ như sắc hoa đào. Anh thấy buồn cười, cũng ngửa cổ uống cạn.

Rượu vào, Hiến Dũng hưng phấn hẳn lên, anh ta bật ngón tay, món cua đưa lên. Tay chỉ vào cái mai cua đỏ như mặt anh ta, nói: “Đều là cua cái, mỗi con phải hai ba lạng trở lên, ngoài chợ làm gì có”. Tạ phụ họa: “Cho dù lúc chợ đầy cua nhưng cũng không thấy cua này, hơn nữa bây giờ là cuối đông sang xuân”. Thấy vẻ nghi hoặc của Xuyên Thanh, Hiến Dũng rất bí ẩn, nói: “Tôi để trong tuyết, lúc chúng ngon nhất mời chúng vào tủ lạnh, có thể đấy là kĩ thuật cao, là để lúc tôi cần xin gì đó”. Xuyên Thanh rất khâm phục, tâm phục khẩu phục, gật đầu.

Hiến Dũng gọi điện giục vị khách bí mật chưa đến kia, bảo tiết mục tiếp theo sắp bắt đầu. Ngườiở đầu kia đường dây rất sốt ruột, nói rất to, bảo sẽ đến ngay.

Món cá nóc bày lên bàn, người khách đến muộn cũng đã kịp thời đến. Xuyên Thanh quen ngườinày, anh ta là Diêu Đức Càn, Phó giám đốc Sở Xây dựng. Anh ta chào những người có mặt, bảo có một công trình cần xem xét. Hiến Dũng ngắt lời anh ta: “Chúng tôi không được phép nghe bí mật công tác của anh, đừng nói nữa”. Đức Càn nói: “Tôi đến muộn, xin uống bù sau đấy sẽ nâng ly chúc mọi người”. Nói xong, anh ta uống hết li rượu, lại rót đầy li, nói một mình: “Rượu ngon thế này mà các anh không uống”.

Người đầu bếp đi tới, mời mọi người thưởng thức món cá nóc, rồi lặng lẽ đứng sang một bên. Hiến Dũng xua tay bảo người đầu bếp ra ngoài, nói với mọi người: “Đầu bếp nếm rồi, chúng ta yên tâm thưởng thức”.

Con cá nóc rán vàng, thơm ngon hấp dẫn. Nhân viên phục vụ đặt trước mặt mỗi người một cái đĩa, tiếp cho mỗi người một miếng cá. Đức Càn như am hiểu: “Chưa ăn cá nóc, coi như chưa biết vị cá, ăn miếng cá nóc, coi như các mùi vị khác không còn”. Tạ nói: “Nóng quá, cá để nguội vị cũng kém hẳn đi”.

Đức Càn lại uống một li nữa. Tạ ăn miếng cá thật nhanh, thật gọn. Anh mút xương cá hai lần. Đúng là cá rán giòn, Xuyên Thanh chỉ ăn da cá và gan cá.

Hiến Dũng nói, bây giờ khó kiếm được cá nóc tự nhiên như thế này, cá nuôi công nghiệp không thể ngon bằng. Mọi người đều biết, cá nóc tươi ngon nhưng độc tính cũng rất cao, chỉ cần nửa mi-li-gam độc tố của nó cũng có thể gây chết người, cái gọi là “liều chết ăn cá nóc” không phải không nghe, tay nghề đầu bếp có giỏi đến đâu thì sự mạo hiểm chết người vẫn tồn tại, vẫn sợ hãi. Xuyên Thanh nói: “Những người ăn cá nóc sành sỏi bao giờ cũng có chút độc, ăn vào cảm thấy môi tê tê, giống như trạng thái uống rượu, có cảm giác hưng phấn mới thích”.

Đức Càn bảo môi anh ta đã tê. Tạ bảo, vì Đức Càn hút nhiều thuốc, môi cậu ta tê mới chính là cảm giác ăn cá nóc. Đức Càn phản đối, bảo chính Tạ uống nhiều rượu mới tê môi, mọi ngườiphá lên cười.

Bữa tiệc kết thúc, Hiến Dũng nói: “Người mời ăn cá nóc sẽ tự chịu trách nhiệm, không ai được bỏ đi, ở lại đây đánh mạt chược, qua thời hạn nguy hiểm mới được về”.

Người giơ tay tán thành đầu tiên là Đức Càn, anh ta lôi Xuyên Thanh, bảo chưa bao giờ gặp Tổng biên tập báo trên bàn mạt chược.

Xuyên Thanh cười: “Các anh chơi đi, từ lâu rồi tôi không chơi mạt chược, tôi ngồi xem, xem chiến trận”.

Đức Càn nói: “Thôi đi! Không nể mặt anh Dũng à, nói gì thì nói hôm nay tôi phải lôi anh xuống nước”. Đức Càn ấn anh ngồi xuống bên bàn mạt chược.

Tạ bảo có việc phải về trước, xem ra anh ta kiếm cớ để chuồn. Chơi mạt chược có Đức Càn, Hiến Dũng, và Triệu, Phó giám đốc công ty của Hiến Dũng.

Hiến Dũng lấy ra bốn tệp tiền, phát cho mỗi người một tệp: “Mỗi người một tệp, thua thì thôi, được đem về”.

Xuyên Thanh chợt giật mình, anh từ chối: “Anh Dũng, thế này…”.

Đức Càn ngắt lời Xuyên Thanh: “Đối với anh Dũng đừng khách khí, không phải người nhà không ngồi cùng. Anh cứ coi tệp tiền này là giấy, là thẻ bài, đừng băn khoăn gì, đừng để anh Dũng không coi chúng ta là bạn”.

Xuyên Thanh vẫn do dự, lẽ nào phá giới ở đây? Chơi với Hiến Dũng, liệu có xảy ra chuyện gì không? Không thể biết trước điều gì.

Chừng như Hiến Dũng nhận ra tâm sự của Xuyên Thanh: “Người nhà với nhau, ở đây an toàn lắm, giống như ngồi trong thùng vậy. Anh Thanh lần đầu đến đây, chúng tôi ngày nào cũng chơi”.

Cho dù an toàn, nhưng lâu rồi Xuyên Thanh không chơi mạt chược, thấy mạt chược lại ngứa ngáy chân tay, đã ngồi xuống đây rồi, liệu còn nói gì được nữa?

Xuyên Thanh gặp vận may, xem ra bài của anh đẹp nhất, anh ù nhiều ván lớn. Hiến Dũng thua khá nhanh, sớm vào “vườn hoa”, chơi với mọi người chỉ một nửa thời gian.

Chơi bài cho đến trời sáng, trong tay Xuyên Thanh tính cả vốn lẫn lãi được những ba mươi nghìn. Anh đẩy tiền trên mặt bàn về phía Hiến Dũng, nói tiền về với chủ.

Hiến Dũng lại đẩy tiền trả lại Xuyên Thanh: “Đây là tiền được của anh, là của anh”.

Xuyên Thanh cười: “Chơi vui, thắng thua lại thật”.

Hiến Dũng nói: “Bạn bè với nhau lửa là lửa, nước là nước, đừng khách khí”. Xuyên Thanh vẫn ngượng.

Hiến Dũng đành lấy mấy nghìn tượng trưng, bảo chỉ thu hồi vốn, còn nữa bắt Xuyên Thanh phải nhận.

***

Xuyên Thanh báo với Tiếu Nhu, anh và chồng cô ta kết giao bạn bè.

Tiếu Nhu nói: “Thế thì tốt, anh ấy làm ăn buôn bán, anh cẩn thận với tiền thối tha của anh ấy. Cũng cẩn thận đừng để anh ấy mua chuộc”.

Xuyên Thanh cười: “Anh ấy mua anh liệu có ích lợi gì? Chẳng qua danh bất hư truyền, anh ấy là con người nghĩa khí, anh không nhầm người”.

Tiếu Nhu: “Em thừa nhận lời anh nói, anh ấy là con người nghĩa khí. Nhưng em lại chết vì cái nghĩa khí của anh ấy. Trái tim anh ấy để ở buôn bán làm ăn không để ở em, em cũng quen rồi. Anh làm bạn với anh ấy kể ra cũng buồn cười. Anh em nghĩa khí vẫn nói ‘bạn bè là tay chân, nữ nhân là áo quần’, em sẽ không bị anh bán rẻ chứ?”.

Xuyên Thanh cam kết với Tiếu Nhu, cô bắt anh thề: thứ nhất, quan hệ hai người đến đây chấm dứt, không để xảy ra chuyện gì thêm nữa; thứ hai, tuyệt đối không để lộ cho Hiến Dũng biết chuyện của hai người.

“Điều này đúng là bắt kẻ phạm tội ăn thịt. Không vấn đề gì”. Xuyên Thanh hứa như đinh đóng cột.

Chợt Tiếu Nhu nhớ ra, lâu nay Xuyên Thanh không chơi mạt chược, cô hỏi: “Anh bảo gần đây không chơi mạt chược cơ mà?”.

Anh giải thích, chỉ là ngẫu nhiên, người mời chơi lại là chồng của Tiếu Nhu, anh không tự chủ nổi.

Tiếu Nhu cười Xuyên Thanh không bằng Cát Hồng, Cát Hồng nói không chơi là không chơi.

Từ sau ngày phá giới, Xuyên Thanh lại nghiện mạt chược. Những lúc buồn lại chạy đến hội Hữu Ngư xem họ chơi. Vì sĩ diện, anh không dám nói gần đây lại chơi, anh đứng bên bàn chầu rìa. Thấy người khác chơi, Xuyên Thanh càng khó chịu, cứ muốn có ai đó lôi anh vào cuộc. Nếu được như vậy anh sẽ không khách khí.

Gặp Hồ Bằng chầu rìa, hỏi cái cậu phóng viên kia đã hết rắc rối chưa. Ngớ ra một lúc, Xuyên Thanh nói, vấn đề đã được giải quyết.

Lại một cuộc “giết lợn” Có đến hai hiệp Văn Hòa không ù, mà cũng không tấn công. Trên bàn chỉ ù nhỏ, người đang mát tay là Đức Lâm và Hữu Ngư. “Lợn” là Giám đốc Công ty thời trang Nhân Hòa, anh ta bận bịu với việc chi trả, bận hơn cả đánh bài.

Cuối chầu, trừ Văn Hòa ra, bài của những người khác giống như ôn dịch. Văn Hòa liên tục ù lớn. “Lợn” bị xẻ thành tám mảnh, Văn Hòa lấy mảnh lớn nhất, Đức Lâm lấy “cái thủ kèm khấu đuôi”, Hữu Ngư nhặt mớ “thịt vụn”.

Tan cuộc, Xuyên Thanh và Hồ Bằng phân tích bài. Xuyên Thanh bảo Văn Hòa ù mấy ván lớn, ù ván nhỏ không khí không sôi động, một ván lớn bằng bảy, tám ván nhỏ, thậm chí một ván được cả trời đất, âm dương. Hồ Bằng nói, Văn Hòa được là bởi tâm thái vững vàng, biết trên bàn ai là người cho anh tiền, anh không sợ thua, không thể thua nổi.

Phân tích của Hồ Bằng đã gợi ý cho Xuyên Thanh, anh thắng Hiến Dũng và những người kia là bởi tâm thái, Văn Hòa cũng tương tự như vậy. Có được mười nghìn của Hiến Dũng để làm vốn, Xuyên Thanh không bị áp lực. Tâm thái vững, chơi bài cũng vững tâm. Anh ù mấy ván to, thậm chí có ván không nghĩ mình ù, đi nhầm, liên tiếp nhầm. Vận may đến, núi cũng không ngăn nổi.

Xuyên Thanh coi mình là người thứ ba, lấy danh nghĩa người khác để nói chuyện, anh thuật lại cuộc chơi với Hiến Dũng hôm trước. Hồ Bằng nghe, cho rằng thuần túy chuyện giết lợn, ngườimời chơi xả thân làm “lợn”, chịu đổ máu.

Xuyên Thanh không thừa nhận Hồ Bằng nói “giết lợn”, “đổ máu”, anh bảo người bạn này của anh và người mời không có quan hệ nghề nghiệp, hai người cách xa nhau tám dặm.

Hồ Bằng tin ở sự phán đoán của mình: “Anh cứ nhìn đấy, họ có còn gọi bạn của anh đi chơi mạt chược nữa không, sau này bốn hiệp chơi thắng thua sẽ là, hiệp một không thắng không thua, hiệp hai thua ít, hiệp ba thua to, hiệp bốn được lớn”. Xuyên Thanh nói: “Mong lời cậu nói như thánh chỉ, nếu đúng vậy tớ sẽ tôn cậu làm sư phụ”.

Gần một tháng sau Xuyên Thanh mời Hồ Bằng đến nhà hàng Hương Tụ Viên ăn cơm, tôn Hồ Bằng làm sư phụ, Hồ Bằng hỏi có phải anh nói đúng không. Xuyên Thanh lắc đầu: “Thánh thật!”.

Xuyên Thanh tôn Hồ Bằng làm sư phụ là chuyện đùa, điều thật sự muốn biết là, mong Hồ Bằng bảo với anh cách phán đoán.

Hồ Bằng nói: “Đơn giản lắm. Hiệp một, tiền của bạn anh được sẽ không muốn để thua. Chủ nhà lần trước chơi với anh ta lần này sẽ không cho tiền nữa. Bạn của anh phải giữ vốn, bài chơi cũng rất bảo thủ, cách chơi bảo thủ trong trường hợp này không sai, sẽ không thắng không thua; sang hiệp hai, bạn của anh coi trọng hơn chuyện thắng thua, sẽ không bỏ qua cơ hội ù nhỏ. Anh biết kết quả không chơi lớn rồi đấy, anh ta sẽ thua nhỏ hoặc thắng nhỏ, tôi bảo anh ta sẽ thua nhỏ, tâm thái anh ta mỗi lúc một không vững, chỉ có thua không thể thắng; sang hiệp ba chắc chắn thua lớn, dốc hết những gì được ở các hiệp trước ra. Tại sao? Vì anh ta bắt đầu nôn nóng, tâm thái loạn lên, trong tình huống này đối phương muốn cho anh ta thắng cũng không thắng nổi, dứt khoát để thua cho xong. Sang hiệp thứ tư, chắc chắn anh ta sẽ được, trừ phi tôi nhầm đối tượng, người ta không muốn cho anh ta tiền nữa, sẽ không lôi anh vào cuộc chơi”.

Xuyên Thanh thán phục: “Cậu nói đúng rồi, bốn hiệp đúng như thế, tớ phải gọi cậu bằng sư phụ, sư phụ Hồ Bằng”.

Hồ Bằng nói: “Nhiều tiền chẳng nói làm gì, tiền bạn của anh coi như được, theo như anh nói, được nhiều nhất là ba mươi lăm nghìn, người khác sẽ không bằng lòng, mà cũng không thể khác. Với lại, anh ấy thích chơi bài vạn tự, cứ để anh ta đổi sang chơi bài đồng tự”.

Xuyên Thanh giật mình, đúng là anh thích xem bài vạn tự. Hiệp thứ tư thật ra chưa bắt đầu, anh nghĩ, nếu được, Hiến Dũng và những người kia cho anh “giết” nhất định có mục đích của họ.

Đúng là hiệp bốn Xuyên Thanh thắng, thắng lớn như đã dự đoán.

Anh không thể giải thích nổi: “Bọn họ nịnh mình làm gì? Hay là uống nhầm thuốc?”.

***

Ông Chấn Vũ được bầu làm Phó thị trưởng. Hội đồng nhân dân vừa kết thúc cuộc họp, ông ta nhắn tin cho Xuyên Thanh chỉ hai chữ: qua rồi.

Xuyên Thanh đã biết cái tin mừng ấy, phóng viên báo buổi chiều từ hội nghị gửi tin về.

Xuyên Thanh vô cùng phấn khởi, thành công của ông Vũ có tâm huyết của anh ta, anh là công thần trong bóng tối. Trung Quốc có chế độ bầu cử của Trung Quốc, không thích cái chuyện tranh cử, anh chỉ đứng phía sau. Điều làm anh cảm thấy thất vọng đó là, sau kì họp của Hội đồng nhân dân, ông Vũ mời bạn bè đến nhà ăn mừng. Có một người tham gia cho rằng Xuyên Thanh sẽ đến dự, gọi điện hỏi anh có nên đem tặng phẩm hay không. Xuyên Thanh không dám nói ông Vũ không mời, mà nói dối bận không đến được.

Về nhà Xuyên Thanh rất buồn, đúng lý ra, ông Vũ phải mời anh trước tiên. Phiếu bầu của ông chỉ quá bán chút ít, ba phiếu, nếu không phải là anh vận động đám cán bộ huyện, thị trấn, ông ta trượt đầu nước. Tại sao ông Vũ không hiểu điều đó?

Cát Hồng đắp mặt nạ chạy vào buồng, xua khói thuốc trước mặt, lôi Xuyên Thanh đang nằm hút thuốc sang phòng khách.

“Lại có chuyện không vui rồi à?”. Mỗi lần biết chồng có chuyện không vui chị đều như thế.

Ti vi đang phát tin thời sự của thành phố. Cát Hồng thấy ông Chấn Vũ đang dùng tiếng địa phương pha lẫn tiếng phổ thông phát biểu cảm tưởng sau khi được bầu, chị hỏi chồng: “Anh bảo, ông Vũ lên Phó thị trưởng có gì tốt cho anh không? Ông ấy không quan tâm gì đến gia đình anh, không đề bạt nổi anh. Nhưng ai cũng biết quan hệ giữa anh và ông ấy, cho rằng anh có chỗ dựa vững chắc, em thấy chẳng xơ múi gì”.

Xuyên Thanh cảm thấy vợ nói có lý, nhưng anh không muốn bàn chuyện này với vợ, làm như vậy anh càng buồn hơn.

Trong bữa ăn tối, Xuyên Thanh nói với Cát Hồng về chuyện chơi mạt chược với Hiến Dũng, Cát Hồng cảnh giác hỏi vừa rồi anh buồn có phải chơi bài được thua lớn không. Xuyên Thanh bảo chơi mạt chược không thua, mà còn được chút ít. Anh không dám nói với vợ chơi mạt chược được lớn, chỉ nói gần đây anh chơi bài đang gặp may. Cát Hồng bảo chơi bài là như thế, lúc tốt, lúc xấu, tùy vận may từng ngày. Ngược lại với Xuyên Thanh, chị không muốn nói chuyện mạt chược, mà muốn nói chuyện ông Vũ.

Cát Hồng lại lôi anh vào chuyện ông Vũ, bên ngoài đồn cánh tay ông Vũ rất dài, nhiều người nhờ vả biếu ông ta khá nhiều lộc, với bạn tốt cũng tính toán minh bạch.

Xuyên Thanh có phần cảm khái: “Ông ấy đối với phụ nữ còn được; đối với nam giới, mẹ kiếp, hỏng lắm”.

Cát Hồng biết nhiều chuyện về ông Vũ, chị kể ra một loạt tin đồn về ông trong nhà máy bột giấy.

Ông ta rất táo tợn, buổi tối uống say xỉn đưa một cô vào văn phòng chơi, bảo vệ ở phòng thường trực cũng rất gấu, để cho hai người chơi đến độ cháy bỏng, vào gõ cửa, nói: “Em biết bác Giám đốc đang bận, thật tình em đang khó khăn, con em sắp đến ngày khai giảng mà học phí vẫn chưa tìm đâu ra”. Ông Vũ không dám mở cửa, ở trong phòng nói vọng ra: “Anh biết tôi bận mà còn đến làm phiền, ngày mai tôi sẽ giải quyết cho anh”. Hôm sau, anh kia được nhận hai trăm đồng trợ cấp.

Xuyên Thanh cười: “Chuyện vỉa hè. Đừng nói đến ông ấy nữa, có chúng ta đang ghen với ông ấy? Ông ấy lên Phó thị trưởng, chúng ta phải mừng cho ông ấy mới phải”.

Cát Hồng nói: “Vui, vui, anh vui mà nằm trên giường hút thuốc?”.

Xuyên Thanh không biết nói gì. Cát Hồng là vậy, chị chỉ cần chọc một mũi kim là đúng huyệt.

Hôm sau Hiến Dũng lại mời Xuyên Thanh uống rượu, đánh mạt chược. Trên bàn mạt chược Hiến Dũng nói: “Ông Vũ lên Phó thị trưởng, anh là người có công lớn”.

Xuyên Thanh cười ngượng: “Làm gì có chuyện, người ta được Hội đồng nhân dân bầu lên, đừng nói vậy”.

Hiến Dũng nói, ông Vũ lên Phó thị trưởng rất được, nếu ông ta có thể cho mở Trung tâm thời trang, đúng là tạo phúc cho thành phố.

Nói đến chuyện Trung tâm thời trang, Xuyên Thanh rất đắc ý, đó là ý tưởng của anh, bản kế hoạch cũng do anh viết. Hiến Dũng bảo anh ta biết chuyện này, khen người đưa ra ý tưởng đúng là một cây bút lớn.