Ván Cờ Người

Quyển 3 - Chương 7: Mò kim đáy bể




Ban Kiểm tra - kỉ luật thành ủy Tứ Phương thực hiện cách li đối với Văn Hòa và qui định cho anh trong một thời gian nhất định và tại một địa điểm nhất định yêu cầu anh khai báo những hành vi vi phạm kỉ luật Đảng, vi phạm luật pháp.

Trước khi bị cách li Văn Hòa không hề nghe thấy một chút gì. Ông Trương, Giám đốc ngân hàng gọi điện mời Văn Hòa đến khách sạn Phong Cốc ăn cơm, đó là việc hết sức bình thường. Văn Hòa đẩy cửa phòng ăn riêng của khách sạn bước vào, trông thấy mấy khuôn mặt lạ, cho rằng khách của ông Trương. Anh chờ ông Trương giới thiệu với khách thì phát hiện sắc mặt ông Trương không bình thường.

Trước khi bị người của Ban Kiểm tra - kỉ luật đưa đi, mồm Văn Hòa vẫn cứng, anh ta nói với ông Trương: “Anh cứ yên tâm, tôi không có vấn đề gì đâu, tôi là người được Đảng giáo dục nhiều năm nay”. Ông Trương sốt ruột, xua tay, nói gọn lỏn: “Thôi, đi đi!”

Tai họa từ trong nhà. Vì có người báo cáo với Ban kiểm tra - kỉ luật chuyện của Văn Hòa, sau đấy cấp trên của ngân hàng tổ chức thanh tra đột xuất, phát hiện Văn Hòa lạm dụng hơn một triệu đồng tiền công quĩ.

Trước đó có người báo với Sở Công an thành phố Văn Hòa cho vay nặng lãi phi pháp. Ông Đào Triệu Quốc, đội trưởng đội trinh sát tìm cách điều tra, vận động người bị hại trình báo sự việc. Ngay trong hôm Văn Hòa bị cách li, ông Quốc mời Đại Trung đến đội trinh sát.

Tin Văn Hòa bị cách li bắt đầu lan truyền trong cơ quan, có người đến báo cho Hồ Bằng biết chuyện này. Hồ Bằng biết chuyện, ngồi tần ngần trước bàn làm việc, tự hỏi việc Văn Hòa bị cách li là tốt hay xấu? Anh chưa thể nghĩ ra nổi.

Buổi trưa về nhà, Hồ Bằng thấy Oánh Oánh ngẩn ngơ trong bếp, đoán chị đã nghe tin, anh vờ như không biết, không nhắc đến một tiếng nào.

Oánh Oánh không nhịn nổi, nói với Hồ Bằng: “Anh Hòa có chuyện rồi”.

Hồ Bằng chậm rãi hỏi: “Chuyện gì?”. Oánh Oánh nói: “Bị Ban kiểm tra - kỉ luật mời đi”.

Hồ Bằng tỏ vẻ khinh thường: “Anh ấy bị công an hay viện kiểm sát bắt thì có liên quan gì đến chúng ta? Oánh quan tâm chuyện ấy làm gì?”. Nghe khẩu khí Hồ Bằng, Oánh Oánh không nói gì nữa, chị xới cơm cho anh, nhưng không cùng ngồi ăn, về phòng lặng lẽ lên giường nằm, lấy một cuốn tạp chí lật giở nhưng không tập trung xem.

Bữa cơm hôm ấy Hồ Bằng ăn cũng không ngon, anh đặt bát xuống liền vào phòng ngủ, hỏi với thái độ không bình thường: “Không đến nỗi như dao cắt chứ?”.

Oánh Oánh không để ý đến, anh lại hỏi: “Nếu Bằng bị bắt, tâm trạng Oánh có như vậy không? Nếu như vậy, Bằng có ngủ cũng phải dậy mà cười”.

Oánh Oánh tức run lên, chỉ vào Hồ Bằng: “Bằng quá đáng lắm!”

Hồ Bằng lớn tiếng: “Có gì mà quá đáng, cô thì không quên tình cũ, bảo tôi phải cảm động và ca ngợi hay sao?”. Anh tức tối đóng sầm cửa bỏ đi. Buổi tối Hồ Bằng về, thấy trên bàn bày đầy những món ăn anh thích, biết rằng Oánh Oánh lấy từ nhà hàng ăn Đầu bếp Du. Anh không gọi Oánh Oánh cùng ăn, mà ngồi xuống, cầm đũa ăn một mình.

Oánh Oánh cười cười ngồi trước mặt anh, Hồ Bằng hỏi: “Còn tâm trạng ăn không?”. Oánh Oánh bực mình: “Oánh biết Bằng đang quan tâm đến Oánh”.

Hồ Bằng nặng mặt: “Oánh còn tâm trạng ấy, Bằng buồn lắm”. Oánh Oánh vẻ mặt đau khổ: “Oánh biết, Oánh giúp đỡ Văn Hòa thì Bằng khó chịu. Oánh li hôn với anh ấy hai người đã thỏa thuận nếu anh ấy có chuyện gì thì Oánh sẽ giúp đỡ. Những quan hệ của anh ấy chỉ có Oánh biết, bạn bè của anh ấy chỉ có Oánh tìm được”.

“Oánh Oánh có định nhờ anh Thụy giúp không?”, Hồ Bằng như nhìn thấy tâm tư Oánh Oánh. Oánh Oánh lắc đầu: “Không bao giờ”. Hồ Bằng nói: “Thế thì tốt, đừng lôi anh Thụy xuống nước. Cán bộ Đảng sợ nhất người thân phạm tội, nhổ củ cải sẽ lôi cả đất lên theo. Gia đình nào có vấn đề gì phải phân rõ ranh giới, giữ nguyên tắc Đảng”.

Oánh Oánh thở dài, nói anh Thụy xưa nay không thích Văn Hòa, cũng đã từng nói riêng với chị, nếu cảm thấy Văn Hòa có vấn đề thì đừng hùa theo anh ta. Bao giờ Văn Hòa có chuyện, có thể tìm bất cứ ai, nhưng với anh Thụy thì không thể.

“Như vậy là đúng”. Hồ Bằng ăn bát canh vịt hầm. Tuy Oánh Oánh ngồi trước bàn ăn nhưng chị không ăn, chị như tự nhủ: “Bây giờ chỉ có thể chúng ta mới giúp được anh ấy”.

Oánh Oánh nhấn mạnh hai chữ “chúng ta”.

Hồ Bằng đặt đũa xuống, nhìn Oánh Oánh: “Chúng ta thế nào? Oánh với anh ấy một ngày vợ chồng là nghĩa trăm năm, Bằng có liên quan gì đến anh ấy? Bằng là tình địch của anh ấy. Từ sau ngày anh ấy biết chuyện chúng ta, không nói gì đến chuyện đánh cho Bằng vỡ mặt gãy răng, mà còn đi nói xấu Bằng không bằng con chó. Bằng đúng là không có máu, để cho anh ta chửi, để anh ta đánh. Lúc này Bằng không đánh lại anh ta như đánh con chó ngã xuống nước là nhân nghĩa lắm rồi”.

Oánh Oánh đứng dậy, nói: “Cũng đúng, ai cũng có thể giúp anh ấy. Nếu là Bằng, thật sự làm khó cho Bằng. Bằng coi như Oánh không nói câu đó”. Nửa đêm Hồ Bằng thức giấc, thấy Oánh Oánh ngồi sững sờ. Anh ôm Oánh Oánh vào lòng, Oánh Oánh tưởng anh đòi chuyện kia, nói lúc này không còn tâm trạng nào.

Hồ Bằng nói: “Bằng đồng ý với Oánh, hai người cùng giúp anh Hòa”. Oánh Oánh không dám tin, hỏi có đúng vậy không. Hồ Bằng nói: “Đúng vậy, cuối cùng thì chúng ta đang sống đàng hoàng, còn anh ấy thì không. Với lại, Bằng cũng muốn Oánh là con người trọng tình, trọng nghĩa”.

Oánh Oánh hôn lên khuôn mặt Hồ Bằng, nói anh thật tốt bụng. Chị giải thích, từ lâu không còn tình cảm gì đối với Văn Hòa.

Hồ Bằng cảm thấy cái hôn của Oánh Oánh là vì anh đồng ý giúp Văn Hòa, còn chị bảo không tình nghĩa gì với Văn Hòa e rằng không thật. Anh rất buồn, châm một điếu thuốc, rít mạnh.

Oánh Oánh nghĩ rằng, Hồ Bằng đang lo lắng chuyện của Văn Hòa, nhìn anh rất cảm kích.

Hồ Bằng nói: “Chuyện này mà đi nhờ người, đi cửa sau sợ rằng tốn công vô ích, như múc nước bằng rổ thưa, Oánh đừng mong”.

Oánh Oánh ôm chặt Hồ Bằng: “Còn nước còn tát. Chúng ta cứ làm, đừng bỏ qua. Nếu Oánh không làm thế, anh Hòa sẽ trách Oánh”.

***

Oánh Oánh bảo Văn Hòa không có chỗ dựa. Chị đến tìm tất cả những ai có thể giúp, cầu xin những ông, những bà xưa nay có quan hệ thân sơ với Văn Hòa, họ thấy Văn Hòa có chuyện đều trốn tránh, liệu ai có thể dẫn lửa tự đốt mình?

Hồ Bằng lặng lẽ thăm dò địa điểm Văn Hòa bị cách li, anh muốn cho Văn Hòa biết anh và Oánh Oánh cố gắng giúp, cảm thấy điều này còn quan trọng hơn nhiều so với giúp đỡ trên thực tế.

Oánh Oánh không tán thành Hồ Bằng làm như vậy, cho rằng rất mạo hiểm, là cách báo tin theo gió, là chơi với lửa.

Hồ Bằng có lý do của mình, lý do này không thể nói với Oánh Oánh. Anh sợ vụ việc của Văn Hòa dính đến Oánh Oánh, cái gọi là cháy thành vạ lây. Hồi đầu Oánh Oánh bảo cho anh một triệu, anh biết tiền ấy ở đâu ra, không ai tin rằng tiền ấy Oánh Oánh tích góp lương và thưởng mười năm ở Cục Thuốc lá. Lợi ích của Oánh Oánh bây giờ là lợi ích của anh, dù không muốn nhưng anh vẫn phải giúp Văn Hòa.

Hồ Bằng cho rằng, lúc này Văn Hòa gặp cảnh ngộ đau buồn sẽ nghĩ đến chuyện li hôn với Oánh Oánh, trong lòng không khỏi oán hận. Nếu lúc này Oánh Oánh không giúp anh ta, anh cảm thấy Oánh Oánh là con người tuyệt tình. Trong bước tuyệt vọng anh ta có thể phá bĩnh, rất có khả năng lôi Oánh Oánh vào cuộc. Nếu để Văn Hòa biết Oánh Oánh đang giúp anh ta, tạo các mối quan hệ cho anh ta, anh ta cũng sẽ được an ủi phần nào, biết đâu sẽ nhận mọi việc về mình.

Hồ Bằng còn nghĩ, chắc chắn Ban kiểm tra - kỉ luật sẽ gọi Oánh Oánh để tìm hiểu tình hình về Văn Hòa. Văn Hòa khai ra, nhất định sẽ tìm đến Oánh Oánh; Văn Hòa không khai ra, Ban Kiểm tra - kỉ luật cũng sẽ tìm đến. Trong con mắt của anh, Oánh Oánh sẽ là đột phá khẩu, nhất định họ sẽ điều tra nguồn tài sản của Oánh Oánh. Nếu điều tra ra đấy là nguồn tài sản bất minh, Oánh Oánh cũng sẽ can án như vậy.

Hồ Bằng hỏi Oánh Oánh, nếu Ban Kiểm tra - kỉ luật sờ đến thì thế nào?

Oánh Oánh làm ra vẻ không có chuyện gì: “Ai ốm thì người ấy uống thuốc, tìm Oánh làm gì?”

Hồ Bằng bảo tốt nhất vẫn phải thận trọng, người của Ban Kiểm tra - kỉ luật như thầy thuốc, trước mắt họ tất cả điều là con bệnh.

Sự thản nhiên của Oánh Oánh là giả vờ, lời nói của Hồ Bằng đã đánh trúng tim chị phần nào. Chị bảo Hồ Bằng suy nghĩ, nghĩ xem Ban Kiểm tra - kỉ luật sẽ hỏi chị những gì.

Hồ Bằng liệt kê một loạt vấn đề có thể gặp phải, thiết kế thành câu hỏi để Oánh Oánh trả lời. Với những câu trả lời của Oánh Oánh, Hồ Bằng đứng trên góc độ của người hỏi để dự đoán, gây khó dễ, cố gắng để Oánh Oánh trả lời thật thông suốt.

Suốt hai ngày Hồ Bằng giúp Oánh Oánh diễn tập nhiều lần, thậm chí lúc ăn cơm, lúc ngủ cũng bất ngờ hỏi.

Oánh Oánh nói Hồ Bằng là chỗ dựa chính, nếu không có anh, chắc chắn chị không biết phải làm thế nào. Hồ Bằng cười cười, trong bụng không cho rằng Oánh Oánh nói thật. Anh biết rất rõ, Oánh Oánh không phải là người phụ nữ bình thường.

Cán bộ Thanh tra của Ban Kiểm tra - kỉ luật thông qua tổ chức Đảng của Cục Thuốc lá bắt đầu tiếp xúc với Oánh Oánh. Họ nói, chồng cũ của chị vi phạm kỉ luật của Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước, tổ chức đang điều tra, rất mong chị hợp tác, khai ra tất cả những hành vi vi phạm kỉ luật Đảng, luật pháp nhà nước của Văn Hòa. Họ cũng nói rõ chính sách, biết mà không khai báo, che giấu cũng là phạm pháp.

Oánh Oánh nói, tuy không phải là Đảng viên nhưng chị hiểu rõ pháp luật, trong gia đình có người làm công tác lãnh đạo kiểm tra - kỉ luật, vẫn thường dặn dò, giáo dục chị.

Nói xong, chị thăm dò những người của Ban Kiểm tra - kỉ luật đang nói chuyện với chị, thấy họ đã hiểu, có người trao đổi ánh mắt, cười hiểu ý nhau. Oánh Oánh biết, chắc chắn họ đã hiểu quan hệ giữa chị và Hà Thụy, khiến chị thêm mạnh dạn.

Một nhân viên bắt đầu nêu vấn đề, hỏi tại sao li hôn với Văn Hòa? Bởi theo họ biết, chị đã kiện ra tòa. Oánh Oánh cúi đầu, rất thận trọng hỏi lại có thể không trả lời chuyện này được không, chị bảo đấy là chuyện riêng tư tế nhị giữa hai người, nói ra với mọi người rất xấu hổ. Chị đề nghị họ nên tìm hiểu chuyện này tại tòa án, thẩm phán phiên tòa biết.

“Tôi li hôn với anh Hòa lâu rồi, bây giờ đã lấy chồng... Lúc li hôn, tòa chia phần tài sản cho tôi hơn sáu chục nghìn đồng, tôi nghĩ, đấy là khoản thu nhập sạch của tôi. Tôi đòi li hôn với anh Hòa, vậy làm sao anh ấy có thể cho tôi nhiều tiền được, làm sao có thể may áo cưới cho tôi? Nếu các anh điều tra ra tôi tham nhũng, lạm dụng, chiếm đoạt, nhận hối lộ, cho tôi biết tôi đã vi phạm điều nào, tôi sẵn sàng vào tù. Nếu không có chuyện gì xin đừng ghép chuyện của anh ấy vào cho tôi, tôi hiện tại có cuộc sống riêng, không liên quan gì đến cuộc sống của anh ấy”.

Không chờ những người kia hỏi tiếp, Oánh Oánh nói hết những suy nghĩ của mình.

***

Hồ Bằng nghe Oánh Oánh kể lại chuyện người của Ban Kiểm tra - kỉ luật tìm chị, cảm thấy họ ném chuột sợ vỡ bình, phải nghĩ đến quan hệ giữa chị với Hà Thụy, không thể tùy tiện. Anh nghĩ, phải cho Văn Hòa đang bị cách li biết, để giảm sức ép cho anh ta. Đêm dài lắm mộng, nếu Văn Hòa không chống đỡ nổi thì rắc rối to.

Theo thông lệ của Ban Kiểm tra - kỉ luật, họ sẽ tìm một khách sạn hoặc một chiêu đãi sở nào đó để cách li cán bộ. Văn Hòa bị đưa đi từ khách sạn Phong Cốc, Hồ Bằng tìm người thăm dò, Ban Kiểm tra - kỉ luật không thuê phòng tại đấy. Mấy địa điểm trước đây Ban Kiểm tra - kỉ luật vẫn mượn để cách li cán bộ cũng không có bóng dáng người của chuyên án, cũng không có khả năng Văn Hòa bị cách li ở một địa điểm khác, vậy ở đâu? Hồ Bằng suy nghĩ nhiều về chuyện này, không biết Văn Hòa bị cách li ở đâu, không biết ai là người trực tiếp xử lý vụ này?

Thăm dò được ai là người xử lý vụ việc của Văn Hòa thì tốt hơn, hoặc có thể ít nhiều thăm dò được tình hình, theo họ, cũng có thể tìm được nơi tổ chuyên án làm việc. Nếu tùy tiện đến tổ chuyên án để tìm hiểu tình hình coi như tự mình bộc lộ, phải tốn công tốn sức nhưng khó có được những bí mật cần thăm dò.

Khó khăn lắm Hồ Bằng mới nhờ người thăm dò được nhà một người thân trong ban chuyên án, chị ta bảo chồng chị ta rất nguyên tắc, nhận nhiệm vụ rồi từ đấy không về nhà, cùng ăn cùng ở với người phạm sai lầm. Đi vô hình đến vô ảnh, ngay cả điện thoại cũng không gọi về, nhà có việc cần kíp chỉ có thể liên hệ với Ban Kiểm tra - kỉ luật.

Thật may mắn, Hồ Bằng phát hiện ra nơi tổ chuyên án làm việc. Sở Tài nguyên và Sở Thủy lợi ở gần nhau. Hôm ấy đi làm, Hồ Bằng tình cờ gặp ông Hứa vốn là Bí thư của Sở Thủy lợi đã được điều lên Ban Kiểm tra - kỉ luật công tác, bỗng trong đầu anh lóe lên một ý nghĩ, có thể ông Hứa là người phụ trách tổ chuyên án này, chẳng nhẽ ông ta đưa ê kíp làm việc về căn cứ địa cũ?

Điều này rất có thể. Điều kiện nhà khách Sở Thủy lợi rất tốt, cũng rất yên tĩnh, tổ chuyên án ở đấy tuyệt đối kín đáo.

Tìm thấy số điện thoại nhà khách không khó, Hồ Bằng ra phố gọi điện nhờ ở một trạm điện thoại công cộng, bảo thường trực nhà khách nối máy với tổ chuyên án, điện thoại trong phòng của họ cũng đã bị cắt.

Hồ Bằng mừng thầm, đúng là đi cho rách giày cũng chẳng được gì. Anh lại nghĩ, người của Ban Kiểm tra - kỉ luật rất tốt, không biết có phải là những người điều tra vụ Văn Hòa hay không. Cho dù Văn Hòa ở trong đó, nhà khách rộng lớn, không biết ở phòng nào vào tìm cũng coi như uổng công.

Hồ Bằng quyết định nhờ một người ở trong nhà khách của Sở Thủy lợi thăm dò giúp. Người này nhất định phải là nông dân, vừa có thể nắm được tình hình trong đó, vừa không để lộ động cơ của mình. Anh nghĩ đến Nhị Hiến, cháu họ xa người dưới quê.

Nhị Hiến làm việc này rất thích hợp. Cậu ta buôn bán vặt, đi lại giữa thành phố và làng quê, đã có lần Hồ Bằng giúp cậu ta, hễ gọi là đến ngay.

Hồ Bằng đưa cho Hiến năm trăm đồng, bảo cậu ta vào ở trọ trong nhà khách Sở Thủy lợi, chi phí được bao toàn bộ, mỗi ngày ba chục tiền ăn, thêm một bao thuốc Hồng Mai. Hồ Bằng nói với cậu ta hình dáng của Văn Hòa: “Chưa đến năm mươi tuổi, lùn hơn tớ một nắm tay; mặt tròn, mập mạp, béo tốt, da rất trắng, mắt húp…”. Hiến bảo như vậy rất dễ nhận, da trắng bắt mắt, chỉ cần điều đó là đủ.

Hồ Bằng bảo nếu được việc sẽ có tiền thưởng. Hiến vui lắm, một việc vô cùng nhẹ nhàng.

Hiến vào ở nhà khách, ngay hôm sau báo cho Hồ Bằng biết, đã tìm thấy người ấy.

Hiến khoe công, bảo không dễ dàng chút nào, người của Ban Kiểm tra - kỉ luật đóng chặt cửa như cái thùng thép, ngay cả một khe hở cũng không có. Cậu ta cứ phải quanh quẩn, sợ bị lộ. Cậu ta suy tính, các phòng của nhà khách không có nhà vệ sinh riêng, họ phải để cho Văn Hòa đi nhà vệ sinh, anh ngồi chờ trong nhà vệ sinh, ngồi cho đến tê chân, ngửi mùi thối để chờ. Văn Hòa và người của Ban Kiểm tra - kỉ luật ra nhà vệ sinh, cậu ta căng mắt, đúng là da trắng, mắt húp. Hiến nhìn số phòng, phòng số 1105.

Hồ Bằng bảo Hiến tiếp tục quan sát, tìm hiểu thời gian ăn cơm chiều của nhà khách, cho dù thấy người kia đi một mình cũng không được hỏi chuyện.

Tin tình báo của Hiến có rất nhanh. Anh bảo những người trong Ban Kiểm tra - kỉ luật không xuống nhà ăn, mà nhân viên phục vụ đưa cơm lên tận phòng.

Hồ Bằng đến nhà khách đúng bữa cơm chiều, anh cầm cái cặp vờ như đến tìm người, tìm phòng 1105. Cửa đóng, bên trong có tiếng người nói chuyện, không nghe rõ họ nói gì. Hồ Bằng đứng ngay ở cửa. Do dự giây lát, anh sang phòng số 1107 bên cạnh gõ cửa. Gõ cửa hồi lâu, bên trong không có người. Bất ngờ phòng số 1105 mở cửa, một người thò đầu ra ngó, anh ta nghiêm giọng hỏi Hồ Bằng: “Anh tìm ai?”.

Hồ Bằng nói: “Tôi không gõ nhầm cửa chứ? Tôi tìm anh Dương Lâm (tên em trai Oánh Oánh), làm việc ở Trạm điện nông nghiệp Hoàng Kinh”.

“Ở đây không có ai tên là Lâm, căn phòng ấy chúng tôi thuê”. Người trả lời Hồ Bằng tỏ ra sốt ruột, muốn rụt đầu vào ngay. Hồ Bằng nhìn mảnh giấy trên tay, miệng lẩm bẩm: “Nhân viên phục vụ bảo anh ấy ở phòng 1107, tại sao lại không có?”.

“Nhầm rồi, nhầm rồi, anh đi đi”. Lần này thì giọng đối phương rất nghiêm và rất bức xúc, như ra lệnh.

Hồ Bằng vờ như khó hiểu, lớn tiếng: “Thật kì lạ, anh Thụy đến mời ăn cơm, khách đã đông đủ mà anh này vẫn không thấy đến”.

Hồ Bằng bực tức bỏ đi, ra đến cửa nhà khách, anh bịt miệng cười, cảm thấy đã đạt mục đích.

Lúc ấy Văn Hòa không ở trong phòng 1105, anh đang giặt đồ ở vòi nước công cộng trước nhà vệ sinh, người canh giữ anh giặt tất. Anh nghe thấy tiếng Hồ Bằng, Hồ Bằng đi rồi anh mới về phòng 1105.

Văn Hòa nhận ra những âm thanh bên ngoài câu nói của Hồ Bằng: anh Hà (Hà Thụy) đã đến, biết anh “không thấy”.

***

Ban Kiểm tra - kỉ luật một lần nữa cho người đến Cục Thuốc lá tìm Oánh Oánh để điều tra về Văn Hòa.

Không phải người lần trước, mà là một người khác. Người này trông rất nghiêm khắc, lạnh lùng, hỏi sâu và chi tiết hơn.

Thời gian nói chuyện cũng lâu hơn, bảo là nói chuyện, đúng hơn là truy vấn. Mấy người luân phiên nhau hỏi Oánh Oánh, cuối cùng thì Oánh Oánh bật khóc. Nhận thấy khóc là chiêu đắc dụng, chỉ khóc, nhớ lại mọi chuyện đau lòng, để nước mắt chảy không ngừng..

Về đến nhà, thấy Hồ Bằng, Oánh Oánh lại khóc, bảo mình chịu tội quá đủ. Hồ Bằng bảo, người của Ban Kiểm tra - kỉ luật không đến không mục đích, họ muốn điều tra Oánh Oánh để làm điểm đột phá, chứng tỏ Văn Hòa không khai ra điều gì, nếu không Ban Kiểm tra - kỉ luật sẽ cho đối chất, xác nhận qua Oánh Oánh. Anh bảo với Oánh Oánh, anh đã thông tin cho Văn Hòa biết ở ngoài đang chạy cửa. Oánh Oánh sụt sùi: “Vấn đề là chúng ta cũng không thể giúp gì được…”. Hồ Bằng nói: “Vậy chúng ta phải làm thế nào?”.

Oánh Oánh mất ngủ nhiều hơn, từ ngày Văn Hòa có chuyện, không đêm nào chị ngủ đẫy giấc, mơ mơ màng màng một lúc rồi bị ác mộng đánh thức, uống gấp ba lần thuốc ngủ mà vẫn không có tác dụng. Người gầy chỉ còn nắm xương, giống như cành củi khô. Oánh Oánh viết một bản di chúc và đưa cho Hồ Bằng xem. Di chúc đại ý, cả gia tài của chị chỉ có hơn một triệu những mong sống cùng Hồ Bằng đến bạc đầu, nếu chị tự tử là do Hồ Bằng phản bội, còn nói thêm, khi chị chết, tro hài cốt đem rắc ở Tây hồ, không để lại chút nào trong nhà. Hồ Bằng xé nát di chúc của Oánh Oánh: “Bằng lấy Oánh không phải vì tiền, điều này thì Oánh biết, Oánh hỏi Bằng bao nhiêu lần, Bằng cũng đã giải thích bấy nhiêu lần. Hơn nữa, tiền ấy đối với Bằng chỉ như cái bánh vẽ, một chút mật bôi lên chóp mũi. Tiền kia ở trong túi Bằng hay Bằng đã trông thấy, đã sờ thấy?”

Oánh Oánh nói vì sợ nên có ý nghĩ chết, một triệu đồng là toàn bộ gia tài, nếu có gặp tai họa bất ngờ thì tiền kia cũng không còn ý nghĩa.

“Bằng bảo, Oánh có trông mong gì ở Bằng không? Bằng có bảo vệ được Oánh không?”. Oánh Oánh hỏi Hồ Bằng, mong anh trả lời.

Hồ Bằng nói: “Oánh nói xem nào? Nếu không tin ở Bằng, hồi ấy Oánh lấy Bằng làm gì?”. Oánh Oánh định nói gì đó nhưng lại thôi.

Đêm, Hồ Bằng thức dậy, thấy Oánh Oánh trở mình, anh thở dài, nói: “Ngủ đi!”

Oánh Oánh không nói gì, Hồ Bằng lại nói tiếp: “Oánh thử nghĩ xem, nếu Oánh không li hôn với anh Hòa, bây giờ sẽ như thế nào? Chuyện trước mắt Oánh đừng sợ, có Bằng đây rồi”.

Oánh Oánh nói: “Hôm nay Oánh thu xếp nhà cửa, cho dù người của Ban Kiểm tra - kỉ luật đến khám xét cũng sẽ không bắt được gì, nhưng Oánh vẫn sợ khoản tiền gửi, nếu họ biết… Oánh sẽ không giải thích nổi”.

Hồ Bằng cười: “Oánh lo chuyện đó, Bằng rất yên tâm, sẽ không có chuyện gì”. Oánh Oánh nói: “Bằng thử nghĩ xem có cách nào an toàn?”. Hồ Bằng khẳng khái: “An toàn đến độ Oánh muốn tìm cũng không tìm nổi”.

Oánh Oánh thở phào nhẹ nhõm: “Vậy thì Oánh yên tâm”. Hồ Bằng nói: “Oánh vẫn không ngủ được, Bằng khẳng định là như vậy”. Chừng như nhớ ra điều gì, Oánh Oánh hỏi Hồ Bằng tại sao ở nhà có thêm một cái đồng hồ Thụy Sĩ, xem ra đồng hồ loại tốt, có phải vừa mua không. Hồ Bằng sững sờ: “Thì ra Oánh thu dọn nhà cửa thật cẩn thận. Đồng hồ Bằng mua đấy, Bằng lấy bốn, năm nghìn đồng để mua thì sao?”. Oánh Oánh nói: “Ý Oánh hỏi không phải vì thế, cũng mong trên cổ tay Bằng có một cái, Bằng lấy ra đeo cho Oánh xem”.

Hồ Bằng do dự một lúc, anh dậy lấy cái đồng hồ, miệng lầm bầm: “Phiền phức, không để ngủ yên”.

Oánh Oánh trông thấy cái đồng hồ Hamilton của Xuyên Thanh đưa cho Hồ Bằng, cái Omega định biếu Hà Thụy anh giấu ở nhà mẹ đẻ.

Anh lấy ra một cái hộp màu xanh đậm, lấy đồng hồ đeo vào cổ tay sáng loáng. Đồng hồ mặt đá xanh chống xước, dây đeo bằng da màu vàng nhạt. Anh rất bằng lòng: “Cũng là của Thụy Sĩ, sản xuất cho người Yuppies bờ biển miền Tây nước Mĩ, chống nước sâu 50 mét, tự động lên dây cót”.

“Đẹp lắm!”, Oánh Oánh khen. Hồ Bằng nói: “Bằng rất thích đồng hồ, đồng hồ là đồ trang sức của nam giới”.

Oánh Oánh cầm cái hộp đựng đồng hồ, bàn với Hồ Bằng: “Cái đồng hồ này đẹp lắm, đeo vào nhiều người ghen tị, cứ để qua trận này rồi hãy đeo, có được không?”.

“Được! Nghe lời Oánh”. Hồ Bằng uể oải trả lời rồi nằm xuống ngủ. Một lúc sau anh nhỏm dậy, nói với Oánh Oánh những lời khác thường: “Oánh bảo, sống với Oánh có gì hay? Ngay cả cái đồng hồ mình mua cũng không được đeo”.

Oánh Oánh vội an ủi anh: “Oánh xin lỗi, sau này Oánh sẽ mua cho Bằng cái đồng hồ đẹp hơn, mua cái Omega, Rolex, Breguet, IWC… Oánh biết các loại đồng hồ nổi tiếng”.

Hồ Bằng không cho là thật: “Hãy đợi đến mùa quýt chứ?”.

***

Ban Kiểm tra - kỉ luật của thành phố Tây Phương tuyên bố kết thúc đợt cách li đối với Văn Hòa.

Nghe tin này, Văn Hòa vui mừng “ồ” lên một tiếng, giọng run run: “Cảm ơn tổ chức, cảm ơn lãnh đạo, tối nay tôi sẽ chiêu đãi mọi người tại khách sạn Sangri-La…”. Chưa dứt lời thì có hai kiểm sát viên mặc đồng phục bước vào, đọc “Lệnh bắt giữ” đối với anh ta, lệnh do Viện trưởng viện kiểm sát kí.

Mặt Văn Hòa biến sắc, hai tay cứng đơ tiếp nhận cái bút do kiểm sát viên đưa. Anh ta nói như cầu xin: “Cho tôi ngồi… ngồi xuống… ngồi để kí có được không?”

Trước khi xét xử, Văn Hòa bị giải đến trại tạm giam của thành phố, anh ta nhờ Oánh Oánh mời giúp một luật sư.

Oánh Oánh nhờ người mời luật sư hình sự Từ Tiêu Hàn rất nổi tiếng ở tỉnh, luật sư Hàn đề xuất nên mời một luật sư hình sự trợ lý ở thành phố Tứ Phương để tiện cho ông liên hệ với tòa án.

Luật sư Hàn đến trại tạm giữ gặp Văn Hòa, câu đầu tiên anh ta hỏi ông hiện tại Oánh Oánh thế nào, ông nói cho Oánh Oánh biết, chị rất cảm động, khóc thầm một lúc.

Vụ án của Văn Hòa rất phức tạp, dính đến lạm dụng công quĩ, lừa đảo huy động vốn, hai tội này dính đến hơn chục triệu. Luật sư nói, số tiền này bây giờ không ở trong tay Văn Hòa, chỉ tìm được hơn sáu triệu, còn nữa bị Văn Hòa tiêu xài và chi trả lãi suất cao.

Oánh Oánh không tin nổi Văn Hòa lại tiêu xài nhiều như vậy, luật sư Hàn nói, chính Văn Hòa đã cho biết như vậy, tiền ăn chơi nhậu nhẹt không nhiều, phần lớn dùng đánh bạc. Anh ta không khai ra những người cùng chơi mạt chược, cũng không muốn thêm một tội danh đánh bạc.

Oánh Oánh hỏi luật sư, tội như Văn Hòa có nặng không, phải ngồi mấy năm tù? Luật sư nói, để xem số tiền thu hồi được bao nhiêu, mức án tùy thuộc vào số tiền, nặng thì tử hình hoặc tù chung thân, nhẹ cũng phải hai mươi năm trở lên. Thấy hậu quả vô cùng nghiêm trọng, Oánh Oánh lại khóc. Những chuyện đó chị không nói với Hồ Bằng.

Trước ngày bị xét xử, Oánh Oánh yêu cầu được gặp anh, anh không đồng ý gặp. Văn Hòa chuyển lời cho Oánh Oánh, đề nghị chị chăm sóc thằng con Trình Thực sắp thi đại học, bảo con cố gắng thi vào một trường đại học tốt nào đó. Luật sư nhấn mạnh với Oánh Oánh: “Anh ấy yêu cầu chị phải thực hiện bằng được”. Oánh Oánh cúi đầu, nói khẽ đấy là việc mà chị phải làm.

Về thằng con, lúc này Oánh Oánh thấy có lỗi, vì lúc sinh nó làm chị đau đớn, cho nên chị không thích nó. Chị là người mẹ không nuôi con, mà cũng không nghĩ mình phải đảm đương những gì, con do ông bà nội nuôi nấng, điều kiện của ông bà rất tốt.

Oánh Oánh về Dương Châu, đến thăm thằng con đang học trung học ở trường trung học Hàn Giang. Bố mẹ Văn Hòa đều là cán bộ bình thường về hưu, ở khu chung cư Đầm Sen gần Bạch Tháp. Thấy Oánh Oánh, hai ông bà rất lạnh nhạt, nếu như trước đây gặp trường hợp này Oánh Oánh bỏ đi ngay, bây giờ chị phải làm bộ tươi cười, tìm vài câu chuyện ấm lòng ông bà.

Bố mẹ Văn Hòa rất oán Oánh Oánh, nhưng họ không nói một câu nào về chuyện Văn Hòa. Họ hỏi, tại sao lúc này chị mới nghĩ đến con, phải chăng vì con đã lớn, đã thành tài. Nhận ra tâm tư hai ông bà sợ chị đưa con đi, chị giống như lũ phản động cướp đoạt thành quả thắng lợi.

Sắp thi đại học, Trình Thực tan học rất muộn, Oánh Oánh ngồi chờ con ở phòng khách. Hai ông bà già bỏ mặc chị ngồi một mình xem phim “Thế giới động vật”. Đã hơn một năm nay Oánh Oánh chưa gặp con, trước đây hễ Tết đến, chị cùng Văn Hòa về thăm con. Sau khi li hôn, điều chị lo nhất là con, không biết phải giải thích với nó thế nào về chuyện bố mẹ chia tay. Bây giờ Văn Hòa bị bắt, trước thằng con Oánh Oánh đúng là khó khăn thêm khó khăn. Không còn cách nào, chị phải cố nhịn nhục để thăm nó.

Đi học về thấy mẹ, Trình Thực không có biểu hiện gì, chỉ gật đầu, như bất đắc dĩ phải chào hỏi một người hàng xóm, rồi nó xách cặp vào phòng của nó.

Oánh Oánh theo nó vào phòng đã thấy nó ngồi bên bàn học, cúi đầu đọc sách. Sợ ảnh hưởng đến việc học của con, Oánh Oánh đã chuẩn bị những lời quan tâm đến nó, nhưng lúc này không sao nói nên lời. Chị ngồi xuống cạnh giường con một lúc rồi đứng dậy, vỗ nhẹ vai con, nói: “Bố rất mong con thi được vào đại học”.

Thằng con không nói gì mà cũng không có biểu hiện gì. Lúc chị đi, hai mẹ con cũng không chào nhau.

Về đến nhà, Hồ Bằng hỏi tình hình chị đi Dương Châu thế nào, chị chỉ nói tốt, con rất hiểu biết, đang học ở trường trung học Hàn Giang rất nổi tiếng, thành tích học tập rất khá.

“Thằng Thực rất giống cậu Lâm nó, giống lắm, giống như tạc, người cũng cao…”. Trước mặt Hồ Bằng chị cứ nhắc đi nhắc lại những điều ấy, tưởng như trong lòng rất dễ chịu.

Cho dù gặp chuyện không may, Oánh Oánh vẫn cảm thấy như được an ủi. Thằng Thực thi đại học đạt điểm cao, gọi điện lên hỏi ý kiến chị nên học ngành nào. Chị dặn nó, trừ ngành tài chính - tiền tệ, học ngành gì cũng được.

Trình Thực thi vào đại học Nam Kinh, thành tích trong học tập nó có thể vào đại học Thanh Hoa, đại học Bắc Kinh, nhưng để gần ông bà, nó chọn đại học Nam Kinh.

Sau ngày khai giảng, Oánh Oánh và Hồ Bằng đến thăm nó ở đại học Nam Kinh. Oánh Oánh mua cho nó cái máy tính xách tay hiệu Lenovo, cho nó một thẻ tín dụng của ngân hàng Công thương trong đó có năm chục nghìn đồng, mật mã là ngày tháng năm sinh của nó.

“Mẹ không mong gì ở con sau này, mẹ đã có bảo hiểm, mẹ…”. Oánh Oánh cứ lẩm rầm với con, bảo chị không trông mong gì, không mong con đền đáp công ơn. Thằng con cũng không nói gì sau này sẽ phụng dưỡng chị, không nói câu nào. Nó còn làm tổn thương chị, chỉ vào Hồ Bằng bên cạnh chị, vẻ mặt lạnh lùng, nói: “Con phải gọi người này là anh hay là chú?”