Vân Vũ

Chương 2




Published on November 27, 2014 by Bách Hợp



Lý Thương Vân đem chuyển hết vàng ngọc y có thành ngân phiếu cho nhẹ, dự định thuê một cỗ xe ngựa, mang theo Tiểu Thuần bỏ đi.

Thương nghiệp Lý gia rất lớn, đâu đâu cũng có thể gặp người quen.Nếu không cải trang, chỉ e đi chưa quá ba dặm đã bị bắt về.Vì vậy, y mua son phấn, váy vóc, hóa trang thành nữ nhân.Cái thứ xiêm y tầng tầng lớp lớp rối rắm như thế này tốn của y không ít công sức nghiên cứu cách sử dụng. Y vốn không cao to cường tráng, phẫn nữ trang không đến nỗi kinh dị, trái lại, còn khá thanh tú dễ nhìn. Ban đầu chưa quen, váy áo vướng víu làm y rất bực bội; đi hai bước ngã hụt một lần, hết vấp tà trước lại vướng tà sau, mất mấy ngày mới thích nghi được. Ngắm vuốt mấy lượt, thấy có vẻ ổn, y nở nụ cười hài lòng.Thật ra phẫn nữ trang cũng có cái thú của nó.

Hai vị chủ tớ một đường hướng đến mạn bắc.Ngày thường, y ham chơi, thích nơi ấm áp cảnh đẹp ý vui ở miền Nam.Nhưng lần này, y quyết đi lên phía bắc. Thứ nhất là y đoán cha mẹ sẽ xuôi nam tìm kiếm; thứ hai, con heo kia chẳng phải ở Nam Giang sao? Lỡ vô phúc chạm trán thì toi đời. Thôi thì dạt lên miền bắc cho lành, tuy hơi lạnh nhưng an toàn.

Trong suốt hành trình, Lý Thương Vân không gặp phải trở ngại nào.Mặc dù “thân gái” dặm trường nhưng nhan sắc của “gái” này chỉ thường thường bậc trung nên chẳng bị ai tròng ghẹo. Y cứ ung dung vừa đi vừa thăm thú đó đây, nhàn nhã vô cùng.

*

Khi đi ngang trấn Yên Ninh, trong lúc lơ đãng nhìn ra phía bên ngoài từ cửa sổ xe ngựa, Lý Thương Vân chợt thấy một nữ nhân ước chừng mười sáu, mười bảy tuổi quỳ bên vệ đường, trước mặt đặt cái biển đề “bán mình chôn cha.” Y khẽ thở dài. Thiên hạ thái bình, nhưng không có nghĩa nơi nơi đều an ổn ấm no. Y sai Tiểu Thuần đưa cho nàng mấy tờ ngân phiếu.

“Cô nương, công…à…tiểu thư nhà ta cho ngươi chỗ tiền này. Ngươi đem về an táng cho cha. Còn thừa bao nhiêu lấy làm vốn mà mưu sinh.”

Cô gái níu áo Tiểu Thuần, hướng về phía mã xa dập đầu:

“Tiểu thư, ơn này của tiểu thư, Diệu Thủy xin nhận. Nhưng Diệu thủy bán thân, không phải xin tiền. Người nếu đã có lòng giúp đỡ, xin cho Diệu Thủy theo hầu hạ.”

Giọng điệu của nàng tuy nhỏ nhẹ nhưng rất kiên quyết. Lý Thương Vân thò đầu khỏi xe, xua xua tay:

“Không cần, không cần. Nàng cứ lo an táng cha cho thoả đáng đi.”

Đương nhiên, Lý Thương Vân đã đánh giá quá thấp sự cố chấp của phụ nữ. Diệu Thủy nhất quyết quỳ mọp dưới đất khẩn cầu:

“Tiểu thư, nếu người không nhận Diệu Thủy, Diệu Thủy sẽ chôn cùng cha.”

Cả hai giằng co hồi lâu, Diệu Thủy từ đầu đến cuối đều tỏ vẻ không sờn chí.Lý Thương Vân biết chẳng thể đổi ý nàng, bèn thở dài chấp thuận. Nàng ta mừng rỡ liên tục khấu đầu cảm tạ:

“Tạ ơn tiểu thư đã thu nhận Diệu Thủy. Từ nay Diệu Thủy sống chết đều làm người của tiểu thư.”

Mọi chuyện được dàn xếp ổn thoả, cả ba ngồi lên xe ngựa, một đường hướng về phía Bắc mà đi. Trong xe trở nên khá yên tĩnh, Lý Thương Vân tranh thủ gác tay lên trán chợp mắt một lúc. Bỗng xe ngựa dừng lại đột ngột, làm cả người y lao thẳng về phía trước, suýt phi luôn ra ngoài. Y xoa xoa hai đầu gối toan đứng dậy, loáng thoáng nghe thấy giọng Tiểu Thuần giận dữ:

“Cô nương kia! Đi đường kiểu gì vậy? Có biết là rất nguy hiểm hay không?”

Bên ngoài truyền đến âm thanh khẩn cầu:

“Xin các vị mở lòng từ bi cứu lấy tiểu nữ!”

Lý Thương Vân vén rèm nhìn ra bên ngoài. Đập vào mắt y là bộ hỷ phục đỏ thẫm nay đã lấm lem bùn đất, mà chủ nhân của bộ hỷ phục kia đang không ngừng khấu đầu. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, cô nương kia cũng ngày càng gấp gáp, liên tục run rẩy. Nhận thấy tình hình cấp bách, Lý Thương Vân vẫy nàng leo lên xe. Vừa vặn lúc này, một đoàn người ngựa hung hăng kéo đến. Tên cầm đầu dùng ánh mắt truy xét lần lượt đánh giá Diệu Thủy, Tiểu Thuần, rồi dừng lại trên người Lý Thương Vân.

“Các người có thấy cô nương nào mặc hỷ phục chạy qua đây không?”

“Không…Không…Không có!”

Tiểu Thuần lắp bắp, đôi mắt không tự chủ đảo về phía chiếc xe ngựa. Tên cầm đầu lộ vẻ hoài nghi, lớn giọng chất vấn:

“Không có tại sao lại nói lắp? Hay là tiểu tử ngươi có tật giật mình?”

Lý Thương Vân tiến lên trước một bước, cố gắng tỏ ra thật tự nhiên đáp: “Quan gia, thằng nhỏ này có tật nói lắp từ bé, các vị chớ hiểu lầm. Chúng ta quả thật không nhìn thấy người nào mang hỷ phục nào.Chuyện này nếu chúng ta nói dối cũng đâu được ích lợi gì?”

Y đổi mặt, làm ra vẻ nguy hiểm, đanh giọng tiếp: “Còn nữa, các người mau tránh đường. Chủ nhân chúng ta không quá kiên nhẫn, các ngươi mà còn kì kèo ở đây chọc người nổi giận, e là mạng khó bảo toàn.”

Vừa nói, y vừa dùng ánh mắt kính sợ nhìn về phía chiếc xe ngựa. Đám người trước mặt nghe y nói có lý, lại chẳng muốn tự dưng chuốc lấy phiền phức, lỡ vô phúc vị chủ nhân nào đó kia là đại ma đầu thì toi cả bọn. Chúng lưỡng lự một lát rồi kéo nhau bỏ đi.

“Công…Tiểu thư!Sợ chết ta!”

Tiểu Thuần vỗ vỗ ngực, nhìn theo đám người đã đi khuất.

Lý Thương Vân vừa nãy cũng sợ toát mồ hôi lạnh, nay mới dám thở phào nhẹ nhõm. Y quay lại xe ngựa, từ từ hỏi rõ ngọn ngành. Cô nương kia sau khi rối rít cảm tạ cũng bắt đầu kể lại đầu đuôi sự việc. Thì ra nàng tên Phi Yến, vốn là con gái một hộ nông gia trong vùng. Thấy nàng lớn lên xinh đẹp, gã trọc phú giàu có nhất nhì thành sinh lòng tà ***, ép nàng phải gả cho lão làm thiếp thứ mười một.Nhà Phi Yến thế cô lực mỏng, làm sao chọi được với lão, đành vờ như chấp thuận, ngoan ngoãn thay y phục chờ kiệu hoa đến khênh đi.Được nửa đường đi, nàng kêu đau bụng, xin xuống kiệu rồi tìm cách thoát thân.

Diệu Thủy đứng một bên nghe nàng thuật lại thì rơm rớm nước mắt, xót xa đồng tình.Lại đến Tiểu Thuần, nó chớp mắt tội nghiệp nhìn Lý Thương Vân. Lý Thương Vân nhẹ giọng quát:

“Nhìn ta cái gì?Người chứ có phải gà chó đâu mà đi một bước lại nhặt một mạng hả?”

Phi Yến vốn đang mong chờ, nghe thấy vậy bèn gục mặt vào lòng bàn tay than khóc ai oán. Diệu Thủy cũng híc híc không thôi.Trên đời này đàn ông sợ nhất là gì? Chính là phụ nữ khóc ỉ eo. Lý Thương Vân không thấu, giơ tay đầu hàng:

“Thôi được rồi, đừng khóc nữa.Cùng đi vậy.Nhưng ngươi trốn đi thế này, người nhà tính sao?”

Phi Yến đáp:

“Ta đã dặn trước cha mẹ. Sau khi đưa ta lên kiệu, hãy lập tức bỏ về quê, bỏ lại hết đồ sính lễ. Lão trọc phú kia cũng chẳng thiết tha tới mức phái người đi tìm cha mẹ ta đâu.”

Lý Thương Vân ậm ừ coi như chấp nhận.Chuyện đó y cũng chẳng quản được. Cô ta muốn theo thì cho theo, cũng chẳng tốn kém thêm là mấy, không biết chừng lại giống cóc kiện trời, về sau có ích.

Bốn người lại tiếp tục cuộc hành trình.Lý Thương Vân tự hứa với lòng bớt lo việc bao đồng đi cho đỡ nặng nợ.

*

Cả bọn đi được thêm vài canh giờ thì nhuốm mệt. Tiểu Thuần cho xe dừng lại trước một khách ***. Bốn người gọi chút thức ăn, vừa bồi bổ cho lại sức, vừa buôn chuyện tâm sự. Bỗng đâu, từ căn nhà đối diện, ba bốn thím trung niên lôi xềnh xệch một cô gái váy xống đầu tóc tả tơi ra, vừa tát túi bụi vừa chửi. Cô gái kia chống đỡ kịch liệt, miệng kêu ầm ĩ:

“Bớ người ta, đánh chết người rồi!Mau mau báo quan!”

Một thím giơ bàn tay hộ pháp vả thật mạnh vào má nàng, lớn giọng phỉ nhổ:

“Phi! Con tiện nhân đi câu dẫn chồng người khác như mày chết không ai cứu.”

“A…Các người không về soi lại mặt của mình đi.Nhăn nhúm như quả mơ ngâm.Nhìn đã buồn nôn, đừng nói chi đến chuyện chăn gối.Chồng mấy người tìm đến ta trước.Về nhà mà giữ chồng. A! Khốn kiếp! Không được đánh vào mặt!”

Những cú đánh long trời lở đất đồng loạt đánh xuống. Cô nương kia tuy ăn đòn đau nhưng miệng vẫn không chịu thua, ra sức sỉ vả; nào là bọn già ngực chảy sệ, nào là lũ khọm mông teo…Thôi thì bao nhiêu điều nữ nhân ghét nghe nhất, nàng đều phun ra bằng hết. Rốt cuộc, một đại nương máu nóng dồn lên não, nghiến răng toan xé toang y phục của nàng. Lý Thương Vân không thể chứng kiến thêm, lập tức chạy đến căn ngăn:

“Các vị có gì bình tĩnh nói chuyện.Nơi đây là chốn đông người, sao có thể ẩu đả gây mất trật tự?”

Các vị nương nhìn thấy người trước mắt ăn mặc cao sang nhã nhặn, nghĩ không biết thiên kim tiểu thư nhà nào, có chút kiêng dè:

“Cô nương, con hồ ly tinh kia quyến rũ lão gia nhà chúng tôi.Bao nhiêu tiền của trong nhà dốc sạch ra cho nó.Vợ con không thèm đoái hoài.Cô nương bảo làm sao chịu nổi?”

Lý Thương Vân nghe xong, rút trong tay áo ra một tấm ngân phiếu:

“Để ta làm chủ chuyện này. Các vị nể mặt ta mà tha cho ả.… Chẳng hay chừng này đã đủ chưa?”

Mấy mợ già nhìn tờ chi phiếu mệnh giá lớn phấp phới trong tay Lý Thương Vân, liếc nhau ra hiệu. Một người có vẻ lớn tuổi nhất đại diện nhận lấy:

“Là ta nể mặt cô nương đó!”

Miệng nói, tay giật lấy tấm ngân phiếu, nhanh chân kéo nhau chuồn thẳng như sợ Lý Thương Vân đổi ý, không quên ném lại một câu:

“Con hồ ly tinh kia! Xem như hôm nay ngươi may mắn.”

Nử nhân bị gọi là “hồ ly tinh”, đứng dậy sửa sang lại xiêm y, hừ mũi:

“Hứ! Lũ khọm già xấu xí.Bổn cô nương đây không thèm sợ các ngươi.”

Rồi ngay lập tức sửa sang bộ dáng nói cười tươi tắn quay sang Lý Thương Vân:

“Đa tạ tiểu thư ra tay tương trợ.Người đẹp như hoa, lại còn lương thiện. Trời Phật phù hộ tiểu thư cả đời nhung lụa, ăn sung mặc sướng, con cháu đầy đàn…”

Lý Thương Vân phất tay áo ngắt lời:

“Không cần khua môi múa mép nữa.Ngươi cũng nên bỏ nghề đi.Làm việc này vừa nguy hiểm vừa không lâu dài.”

Nữ nhân kia chợt khóc váng lên:

“Tiểu thư, nô tì ở đây không còn đất dung thân rồi. Xin tiểu thư cho nô tì theo hầu.”

Hả? Ta sinh vào ngày giờ gì mà cung nô bộc đông vui thế này? Lý Thương Vân cười méo xệch:

“Ta nhận hai người rồi. Đừng đòi theo nữa.”

Nàng kia nước mắt nhòe nhoẹt bấu chặt lấy gấu váy Lý Thương Vân, giật lia lịa làm y tưởng sắp tụt quần đến nơi, vội xốc xốc lên:

“Được rồi, được rồi.Đứng lên đi.”

Nghe được câu này, nàng đứng phắt dậy, mắt ráo hoảnh, cười toe: “Đa tạ tiểu thư. Nô tì tên là Yên Hoa.” Nàng hạ giọng nói thầm: “Có nô tì ở đây, cứ làm theo kỹ thuật nô tì bảo, bảo đảm tiểu thư không bao giờ phải lo tướng công hồng hạnh xuất tường.”

Lý Thương Vân nghĩ thầm, “ta trốn còn không được đây.”

*

Đi hơn ba tuần, thì đến Cao Bắc. Thành này khá gần biên giới, thời buổi thái bình, thông thương phát triển, là một trong tứ đại phú thị miền Bắc. Nơi này cũng có sản nghiệp của Lý gia nhưng Lý Toàn rất ít khi lui tới. Lý Thương Vân quyết định dừng chân tại đây.

Y thuê một gian khách *** ở tạm. Ngày hôm sau bắt tay vào nghiên cứu thị trường, tính xem vùng này buôn bán gì lời nhất. Nơi này rất sầm uất, không thiếu mặt hàng gì, duy chỉ kỹ viện là chưa có. Lý Thương Vân cân nhắc: ẩm thực nam nữ không ai không cần, hạng mục này Lý gia cũng chưa động đến, nếu mình chọn làm sinh ý sẽ không phải cạnh tranh trực tiếp với lão gia. Y bàn qua ý này với bọn Yên Hoa, vốn tưởng các nàng sẽ phản đối, ai dè, Yên Hoa vỗ tay khen:

“Ý kiến hay.Bổn cô nương đây giỏi nhất là chuyện phòng the, đảm bảo huấn luyện các nàng làm khách hàng dục tiên dục tử.”

Diệu Thủy gật gật đầu:

“Vậy đặt tên là Dục Tiên lâu đi.”

Phi Yến hưởng ứng:

“Được, được. Ta nấu ăn cũng không tồi, sẽ phụ trách phòng bếp.”

Nội bộ thông suốt, mấy ngày sau, cả bọn chia việc ra làm. Lý Thương Vân bỏ tiền chọn mua một tòa nhà hợp phong thủy, vừa cho tiến hành sửa sang trang trí, vừa đăng thông báo tuyển người, từ cô nương đến bảo kê…

Người dân vùng này rất phóng khoáng, không câu nệ lễ nghi.Các cô nương tự nguyện làm kỹ nữ khá nhiều. Đương nhiên, Lý Thương Vân đưa ra quyền lợi rất thỏa đáng: lương thưởng hậu hĩnh, được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, còn có ngày nghỉ mỗi tháng, tự do chọn khách…

Công việc chuẩn bị đâu ra đấy, y xem lịch vạn sự, định ngày tốt mở hàng.

*

Cũng khoảng thời gian đó, Đào Thiên Vũ phi thân qua tường, mua một con ngựa, chạy lên phía Bắc. Các mối quan hệ của cha mẹ hắn chủ yếu ở phương Nam, để tránh tai mắt, cứ lên mạn Bắc là hơn.

Đào Thiên Vũ tự xét mình chẳng có nghề ngỗng gì ngoài võ công, nghe nói thành Cao Bắc gần biên giới vừa phồn hoa vừa thượng võ, đến đó mở võ đường không chừng ăn nên làm ra. Nghĩ sao làm vậy, hắn ruổi ngựa hăng hái trực chỉ Cao Bắc thành.

Tới nơi, hắn nhận ra chốn này quả thực là miền đất hứa.Dân miền bắc cao lớn, khỏe mạnh, hào sảng.Ngày xưa, khu vực này vắng vẻ hoang sơ, người dân ai cũng luyện võ để có thể tồn tại giữa núi rừng.Ngày nay, rừng rú hóa thị thành nhưng thói quen rèn luyện của dân chúng vẫn giữ nguyên.Chẳng qua, từ xưa tới giờ chỉ toàn tập quyền cước tự biên tự phát, nhờ thể lực tốt mà phát huy uy lực chứ chưa bao giờ đánh đấm ra bài ra bản. Đào Thiên Vũ vét sạch tiền, mua một căn nhà, đăng tuyển người quản lý. Tiêu chí rất đơn giản, chỉ cần biết sổ sách, thật thà. Hắn xưa nay chỉ biết tập võ, tính toán tiền nong gì gì đó không quan tâm, về sau lấy vợ quẳng cho vợ là nhẹ nợ.

Tiền lương Đào Thiên Vũ đưa ra khá hấp dẫn nên người dự tuyển không ít.Hắn chọn một người họ Trần trung tuổi, thoạt nhìn cẩn thận, chắc chắn làm cộng sự.Người này chỉ còn họ hàng dưới quê cách thành Cao Bắc mấy ngày đường, không vợ con, có thể toàn tâm toàn ý với hắn. Hai người hì hục đặt làm một cái biển thật to, treo lên cao; sửa sang tòa nhà thành võ đường, chọn ngày lành tháng tốt khai trương.