Vợ Quan

Chương 60




Tối về đến nhà, Lâm Như nhìn thấy dáng vẻ mệt mỏi của Thiếu Phong liền hỏi ông bị làm sao.

Thiếu Phong chỉ còn biết đem chuyện Chung Học Văn muốn giao công trình kể lại cho cô nghe một lần nữa.

Lâm Như nghe xong cũng cảm thấy thật là khó, vốn dĩ công trình này ai cũng đều biết hết cả, nếu như giao cho Chung Học Văn thì thật là đáng tiếc, ông ta gần như chẳng có tác động gì đối với sự nghiệp của Hứa Thiếu Phong. Nếu như không giao cho ông ta, lại e rằng công việc của Thiếu Phong sau này không dễ thực hiện, vì rốt cuộc ông ta vẫn quản lý Cục Văn hóa Truyền thông Nghe nhìn, vẫn là cấp trên của chồng cô, giờ lại là Ủy viên Thường vụ tỉnh, Phó Thị trưởng Thường trực thành phố. Nghĩ đi nghĩ lại, cô chỉ có cách nhường bước liền nói: “Hay là ông cứ giao cho ông ta đi để tránh sau này ông ta khỏi gây khó dễ cho ông”.

Hứa Thiếu Phong nói: “Giao cho ông ta vậy về phía bạn của bà thì làm thế nào? Hơn nữa, Mã Trung Tân ở trên tỉnh cũng muốn, em gái ông ta ở Thâm Quyến cũng chạy đến xin được giao công trình, tôi không biết nên đối phó thế nào?”.

Lâm Như nói: “Thế gian đều vì ham lợi. Vì lợi ích, những vị lãnh đạo lớn này cũng không ngoại lệ. Nếu như đúng là như vậy dứt khoát ông phải giao công trình cho họ, để cho họ tranh giành, tranh đấu càng quyết liệt càng tốt, nói không chừng, trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi”.

Hứa Thiếu Phong nghe xong thầm cười trong bụng, Lâm Như bề ngoài nói là từ bỏ nhưng thực tế trong tâm vẫn đầy hy vọng. Cũng chẳng trách, cái lợi trước mắt ai mà chẳng động lòng, huống chi đây lại là một công trình hơn một trăm triệu tệ.

Có điều, lời nói đó của Lâm Như đã gợi ý cho ông, dứt khoát phải bảo Mã Được Được thông báo một tiếng cho anh trai cô ấy rồi để anh trai cô liên hệ với Chung Học Văn, nếu Chung Học Văn mua thầu thì cũng dễ làm, nếu không mua thì sẽ có một cuộc đấu ngầm, đến lúc đó có thể thoát khỏi các bên liên quan. Nếu như công trình này không được giao đến tay Trần Tư Tư, để Lâm Như nhận thầu cũng được, chỉ cần nước không chảy vào đồng người khác thì thế nào cũng được. Nghĩ như vậy, ông nói với Lâm Như: “Ý kiến không tồi, vì coi trọng ý kiến của bà, tôi dứt khoát chuẩn bị một món quà, thứ bảy tới sẽ lên tỉnh gặp Mã Trung Tân, một là đến để bày tỏ sự biết ơn, hai là để anh ta trực tiếp ra mặt thông báo cho Chung Học Văn”.

Lâm Như nghe xong bỗng thấy vui mừng, hai người đang bàn nhau nên chuẩn bị quà gì, Lâm Như cuối cùng nghĩ ra chiếc đồng hồ vàng kia, liền nói: “Lần trước chưa tặng được cho Vu Quyên Tú, lần này quyết định tặng cho vợ của Mã Trung Tân đi”.

Hứa Thiếu Phong: “Cũng được, bà quyết vậy thì tôi đồng ý với bà, chẳng phải thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn sao?”.

Thứ bảy đã đến, Hứa Thiếu Phong nói với Lâm Như là ông phải lên tỉnh. Lâm Như bảo ông đi đường cẩn thận. Hứa Thiếu Phong nói, ông không lái xe mà đi xe taxi. Lâm Như nói như vậy cũng tốt, đi xe taxi lên tỉnh an toàn hơn.

Hứa Thiếu Phong đi khỏi nhưng không phải là lên tỉnh. Ông vốn dĩ không nghĩ đến việc sẽ lên tỉnh gặp Mã Trung Tân, lúc nói chuyện với Lâm Như ông đã nghĩ kỹ, muốn hẹn Trần Tư Tư đi Thâm Quyến một chuyến. Những ngày gần đây, ông đã phải cố kiềm chế bản thân, nhân dịp đến thăm Mã Được Được lần này, ông muốn cùng cô ấy bàn một chút với Được Được về dự án kia. Sau khi nói cho Tư Tư kế hoạch của ông, cô ấy rất vui, liền gọi điện cho Mã Được Được nói rằng hơn 10h sáng thứ bảy cô và Hứa Thiếu Phong sẽ đến Thâm Quyến. Họ không tự lái xe, từ Hải Tân đến Thâm Quyến mất hai đến ba tiếng lái xe, còn đi tàu cánh ngầm chỉ mất một tiếng. Họ chọn cách đi tàu cánh ngầm, một là có thể thử vị gió biển mặn nồng, hai là sẽ không quá mệt.

Họ cũng giống như những người khác, ở cảng khẩu cũng phải đăng ký, cũng lên tàu, sau khi quan sát xung quanh không có người quen, Hứa Thiếu Phong mới dám ngồi cạnh Trần Tư Tư.

Trần Tư Tư nói: “Yên tâm được rồi, trong này không ai biết ai, anh không phải sợ nữa”.

Hứa Thiếu Phong đỏ mặt cười nói: “Vẫn phải cẩn thận một chút, bị người quen bắt gặp thì không hay chút nào”.

Trần Tư Tư nói nhỏ: “Vậy sau này anh đừng chạm vào em nữa”.

Hứa Thiếu Phong nói: “Đợi đến lúc không có người”.

Trần Tư Tư liền chạm vào chân Thiếu Phong một cái: “Để em mát xa cho anh”.

Hứa Thiếu Phong liền cười, từ từ nắm lấy tay Tư Tư rồi nói: “Để tối nhé!”

“Đôi bàn tay mềm mại làm sao”, anh nghĩ và ngắm nhìn Trần Tư Tư, khuôn mặt rạng rỡ tựa hoa nở, một lúc sau bỗng dưng nhớ ra phải cảm ơn sự xuất hiện của Mã Được Được, anh liền nói: “Tư Tư, chúng ta đến Thâm Quyến ghé thăm bạn em cũng không thể đi tay không được. Đúng dịp nhà anh có một chiếc đồng hồ đeo tay của phụ nữ, anh mang đến tặng cho cô ấy, đến nơi em giúp anh tặng cho cô ấy để bày tỏ cảm ơn”.

Trần Tư Tư nói: “Đồng hồ đeo tay phụ nữ? Không phải của bà lớn nhà anh đó chứ”.

Hứa Thiếu Phong nghĩ, không có gì giấu nổi cô ấy, liền cười nói: “Là của người khác tặng cho bà ấy, giá của nó cũng tạm, anh nói muốn tặng cho vợ của Mã Trung Tân một món quà, nghĩ đi nghĩ lại không biết nên tặng gì, bà ấy liền đem cái đồng hồ này ra. Với lại cô ấy cũng chưa đeo nó, không phải là không coi trọng Mã Được Được”.

Trần Tư Tư nói: “Lần trước đến Thâm Quyến, em đã thay anh cảm tạ Được Được rồi, em mua tặng cho cô ấy một chiếc nhẫn kim cương, giá của nó cũng không tồi, thực tình anh không cần phải cảm ơn nữa đâu”.

Trong lòng Hứa Thiếu Phong cảm thấy ấm áp lạ thường, anh lại xoa xoa bàn tay Trần Tư Tư nói: “Sao em không nói với anh?”.

Trần Tư Tư nói: “Đàn ông làm đại sự, những chuyện nhỏ thế này anh không cần phải bận tâm”.

Hứa Thiếu Phong nhận thấy cô ấy đúng là một người phụ nữ tốt, tận tâm, chu đáo và rất hiền lành. Mọi việc cô ấy làm đều khiến anh cảm động. Liền nói: “Vậy cũng tốt, không cần tặng cô ấy nữa, tặng em luôn”.

Trần Tư Tư cười: “Em cũng không cần, không cần đồ của vợ anh”.

Hứa Thiếu Phong cũng tự thấy mình nói không đúng bèn chữa ngay: “Một khi đã mang đi rồi giờ lại mang về thì dễ bị nghi ngờ”.

Trần Tư Tư nói: “Nếu vậy thì tặng cho Được Được đi. Nghĩ đến việc cô ấy giúp đỡ lần trước, tặng một món quà nữa cũng tốt”.

Hứa Thiếu Phong liền cười nói: “Vậy thì tặng chiếc đồng hồ này cho cô ấy, đến Thâm Quyến, anh sẽ tặng em món quà mà em thích”.

Trần Tư Tư nói: “Đừng vì em mà tiêu tiền, chỉ cần anh nghĩ đến em là được rồi”.

Hứa Thiếu Phong nói: “Một người đàn ông, nếu muốn tặng quà cho người phụ nữ của anh ta mà không tặng được trong lòng sẽ rất khó chịu”.

Trần Tư Tư liền nói khẽ bên tai Thiếu Phong: "Để đến tối cho anh đền cái khó chịu đó”, nói xong liền cười khúc khích.

Hứa Thiếu Phong liền xoa đùi Tư Tư một cái, sợ ảnh hưởng đến người bên cạnh bèn bỏ tay cô ấy và ra ngoài mạn tàu.

Tàu ra đến giữa biển mới thấy được cái xanh thẳm của dòng nước.

Hai người họ dựa vào lan can ngắm cảnh phía xa, màu của dòng nước, tất cả như mù mịt mênh mông tựa sương khói. Hứa Thiếu Phong không khỏi trầm tư: “Hải đảo vô biên thiên tác an, sơn đăng tuyệt đỉnh ngã vị phong”.

Trần Tư Tư nói: “Đúng là đối hay và có khí phách, Thiếu Phong, là thơ của ai vậy?”.

Hứa Thiếu Phong nói: “Đây là câu đối dán trên đỉnh núi Nga Mi Sơn Kim, sau khi Lâm Tắc Từ lên núi đã sửa lại chữ 'tuyết' thành chữ 'ngã', sau đó mới đổi thành câu thơ đó. Chỉ thay một chữ mà khiến hai câu thơ từ bị động chuyển sang chủ động, làm cho ý nghĩa thăng hoa, khiến nội dung phong phú, làm cho tư tưởng và khí phách của nhân vật đều trỗi dậy. Cái từ 'ngã vị phong' trong câu thơ đó vừa hay mà lại trùng với tên Hứa Thiếu Phong của anh nên anh rất thích câu thơ này".

Trần Tư Tư nói: “Anh biết không, lúc em mới quen anh, vừa nghe tên anh không hiểu sao đã thích anh rồi, em thấy tên anh thật đặc biệt, có phải là từ câu thơ này mà ra?”

Hứa Thiếu Phong cười nói: “Không phải đâu, cái tên này là do bố anh đặt cho đấy, tên của bọn anh là đặt theo hàng lứa, khi đặt đến hàng của bọn anh là chữ “Thiếu”, bố anh không biết chữ, thường ngày sinh sống ở khe núi nên chỉ biết là ở phía Đông của làng có một đỉnh núi cao, qua đỉnh núi mới thấy được đường lên thành phố. Để thuận tiện, bố anh đã đặt tên cho anh trai anh là Hứa Thiếu Sơn còn anh là Hứa Thiếu Phong.

Trần Tư Tư nói: “Thật không ngờ, một người nông dân lại có thể đặt những cái tên hay như vậy, chẳng trách con của người đó lại ưu tú đến thế”.

Hứa Thiếu Phong chợt nhớ đến bố mình, đã hai năm rồi không về thăm nhà, thỉnh thoảng chỉ gửi về ít tiền, vẫn chưa làm tròn đạo hiếu của một đứa con, nghĩ vậy bỗng nhiên ông cảm thấy có lỗi. Ông dự định tết năm nay nhất định phải về thăm nhà, thăm bố và họ hàng ở quê.