Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 42: Anh linh thần võ tộc việt




Thiên-đài đại đại phân Nam-Bắc,

Lĩnh địa niên niên dữ Việt-thường.

(câu đối tại Thiên-đài)

Nghĩa là:

Núi Thiên-đài thời thời phân ra Nam, Bắc.

Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt-thường.

Hôm ấy là ngày chín tháng ba, chỉ còn một ngày nữa là ngày giỗ Quốc-tổ của tộc Việt. Từ mấy nghìn năm trước, cứ đến mồng mười tháng ba, là võ lâm, nhân sĩ, quan lại các nơi đổ đồn về núi Thiên-đài để hành hương, viếng thăm di tích thời lập quốc. Bởi Thiên-đài là nơi vua Đế-Minh tế cáo trời đất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc tức vua Nghi.

Phong cho con thứ làm vua Lĩnh-Nam tức vua Kinh-Dương. Ngài chỉ trời đất thề rằng:

"Từ nay đến muôn đời sau, Bắc không xâm Nam; Nam chẳng lấn Bắc. Nếu ai trái lời thì tuyệt tử tuyệt tôn".

Từ đấy Thiên-đài trở thành di tích lập quốc của tộc Việt.

Hôm ấy tuy mới mồng chín, nhưng năm nay là năm đầu tiên kể từ thời vua Trưng bị Hán xâm; núi Thiên-đài được người Việt chiếm lại, và người Việt nô nức kéo nhau đi dự lễ.

Một cỗ xe lớn, do bốn ngựa kéo, đang ì ạch theo đường Nam-Bắc tiến đến chân núi Ngũ-lĩnh. Trên xe, thầy đồ Bắc ngạn cùng một người đàn bà xấu xí, ruổi ngựa theo hướng Bắc. Chỉ còn cách chân núi mười dặm, thì gặp một đạo quân Đại-Việt đóng dài bên đường. Viên đội trưởng bước ra vẫy tay cho xe ngừng lại, rồi anh ta hỏi:

- Phải chăng quý khách đi dự giỗ tổ ?

- Đúng thế.

Anh đội trưởng chỉ lên ngọn núi :

- Xin ông bà cứ theo đường có cờ kéo mà đi.

Thấy binh lính lễ phép thì thực lễ phép, nhưng họ nói tiếng Việt lơ lớ, nho sinh đánh xe hỏi:

- Anh em thuộc đội quân nào? Dưới quyền ai?

Người đội trưởng cung tay:

- Chúng cháu thuộc đạo quân U-bon do trấn Bắc thượng tướng quân U-bon quận vương, phò mã Lê Văn cùng trưởng công chúa An-nan Tam-gia La-sun tổng chỉ huy.

Người phụ nữ ngồi cạnh móc trong bọc ra một đĩnh vàng, trao cho viên đội trưởng:

- Nhân ngày giỗ Quốc-tổ, tôi tặng anh em chút tiền, để uống rượu.

Người đội trưởng cung kính nhận vàng:

- Kính chúc ông bà được thụ ân Quốc-tổ.

Chiếc xe lại lên đường cùng với những xe khác, kéo thành một đoàn dài. Nho sinh đánh xe cười với người đàn bà ngồi cạnh:

- Quân của Lê Văn có khác, ôn nhu, lễ độ vô cùng. Nhị muội cho họ một đĩnh vàng, thì e đến một vạn người uống rượu cũng đủ.

Người đàn bà nhìn ra sau xe, nơi có hai người nằm dài trùm chăn:

- Em lo quá. Lỡ ra hôm nay Thiệu-Thái không lên đây dự lễ, thì e Bảo-Hòa, Thanh-Nguyên nguy mất. Hai người mê man đã hơn một ngày rồi. Tuy em điểm huyệt để chúng bớt đau, nhưng độc chất mỗi lúc một phát tác rộng ra.

- Hôm qua, ta sai chim ưng đi tìm Thiệu-Thái, cùng sư bá Hồng-Sơn, mà không thấy. Từ hôm Thiệu-Thái về Tiên-yên dùng thần công trị độc cho Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu tới giờ, y biến mất. Bình-Dương cũng không rõ y ở đâu.

Xe bắt đầu leo dốc. Con đường được sửa chữa, cắt cây, làm cỏ sạch sẽ. Tới đỉnh, thầy đồ đánh xe vào khu dành cho xe, ngựa đậu, rồi bước xuống cột ngựa vào gốc cây. Xung quanh đã có hàng trăm xe đậu từ bao giờ. Người người nô nức đi dự giỗ Tổ.

Có hai người lính Việt chạy ra hỏi:

- Ông bà có cần chúng tôi giúp đỡ gì không?

- Tôi muốn hai chú cho xin bát nước uống.

Hai người lính chạy vào trong, rồi bưng nước ra, hai tay trịnh trọng đưa cho khách:

- Xin mời ông bà xơi nước chè.

Thầy đồ và người đàn bà xấu xí đưa tay tiếp bát nước. Nhanh như chớp, một người lính bật tay lên điểm vào huyệt Khúc-trì thầy đồ. Trong khi người kia điểm vào huyệt Dương-khê người đàn bà. Hai tay bị tê liệt. Thầy đồ, người đàn bà kinh hãy, nhảy lùi liền hai bước, thì phía sau, ai đó vung roi. Roi trúng huyệt Phong-thị. Thế là thầy đồ với người đàn bà xấu xí bị tê liệt hoàn toàn. Hai người lính ôm ông bà để lên xe, rồi nhìn nhau cùng cười khúc khích.

Người đàn bà quát lớn:

- Bọn mi là ai?

Một người lính đến ôm lấy ngang lưng người đàn bà, rồi nới lớn:

- Ngộ là ông mai lớ. Cái lày ngộ tem pà gả chồồng lớ.

Nghe tiếng quen quen, người đàn bà quát:

- Người là ai?

Người lình càng ôm chặt hơn, rồi cười khành khạch.

Người lính kia mở cửa xe, đỡ Bảo-Hòa, Thanh-Nguyên dậy, bỏ vào miệng mỗi người một viên thuốc. Hai người rùng mình rồi bước xuống đất. Thanh-Nguyên hô lớn:

- Xuất hiện đi thôi.

Từ trong đền thờ Quốc-tổ, một đoàn người ào ra. Khai-Quốc vương đi đầu, rồi tới Tạ Sơn, Đinh Hương-Tử; Mỹ-Linh, Thiệu-Thái ; Tôn- Đản, Cẩm-Thi ; Kim-Thành, Thuận-Tông; Trường-Ninh, Thiện-Lãm; Thiệu-Cực, Thanh-Trúc; Tôn Mạnh; Trần Anh, Tĩnh-Ninh; Tôn Trọng, Đào Phương-Hồng; Tôn Quý, Phùng Kim-Thanh. Còn có cả Thường-Kiệt, Dư Phi; Nùng Trí-Cao, Tạ Thuần-Khanh.

Thanh-Nguyên chạy ra trước xe, tay lột mặt nạ người đàn bà xấu xí. Mọi người cười ồ lên, vì chính là vương phi Thanh-Mai. Bà lại gỡ mặt nạ thầy đồ Bắc ngạn ra. Mọi người lại cười ồ lên, vì chính là Thông-Mai.

Hai người lính tự lột mặt nạ ra, chính là Kinh-Nam vương Tư-Mai, và Hoa-sen vương Lê Văn. Thanh-Nguyên giải huyệt cho anh chị, rồi nói:

- Anh cả, chị hai à. Anh chị có giận triều Lý là giận chư vương chỉ ham phú quý mà làm loạn. Nay chư vương quyền không ra khỏi căn nhà, uy không ra khỏi phòng ngủ. Còn cái chí của chúng ta, đã đạt đưực. Anh cả, chị hai cũng nên xuất hiện đi thôi.

Thanh-Mai chỉ Tự-Mai:

- Mưu này do mi bầy ra hẳn?

Tự-Mai lắc đầu:

- Không phải em.

Bà chỉ Thiệu-Cực:

- Chắc là y?

- Thưa mợ không phải cháu.

- Thế thì là ai?

Thanh-Nguyên chỉ xuống sườn núi, nơi có bẩy người, năm nam, hai nữ đang dạo chơi, đó là Quốc-sư Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn tử, Hồng-Sơn đại phu với Huệ-Phương; đại hiệp Tự-An với Đào Hà-Thanh và đại hiệp Đặng Đại-Khê:

_- Chính Quốc-sư đã chỉ cho em làm. Chị Bảo-Hòa với em giả trúng độc; anh Thiệu-Thái biệt tăm; anh Tự-Mai, Lê Văn phục ở đây đều do Quốc-sư ban từ dụ cả.

Chỉ có Thường-Kiệt ngơ ngơ ngác ngác hỏi Thông-Mai:

- Thưa sư thúc, cháu thấy sư thúc không phải là thầy đồ Bắc-ngạn, mà là...

Dù Thường-Kiệt đã thành đại tướng, Thanh-Mai vẫn yêu thương cháu như hồi xưa. Vương phi cầm chiếc roi vung ra, cuốn lấy y, rồi rung tay một cái, Thường-Kiệt bay lên ngồi bên cạnh bà:

- Để cô dạy khôn cho. Trong tất cả chúng ta đây, ai cũng là Ưng-sơn được cả, chúng ta giả trang giống nhau để lừa thiên hạ. Thầy đồ hôm ở Bắc-ngạn là sư thúc Thông-Mai. Thầy đồ trêu cháu với Thuần-Khanh ở Bắc-biên là Tôn Đản. Thầy đồ dán hịch hôm cháu bị tĩnh thân là ta. Thầy đồ cứu bà Thuần-Anh là bố ta. Thầy đồ giết chết Tây-Sơn đạo sư trong trận Khúc-giang là thái sư phụ Đặng- Đại-Khê. Thầy đồ phục kích bắt mấy trưởng lão bang Hoàng-Đế tại Như-hồng là ta. Còn thầy đồ nướng chả bọn chúng thì chính là sư thúc Thông-Mai.

Bảo-Hòa hỏi Tự-Mai:

- Tình hình quân Tống mặt Bắc ra sao?

- Khi nghe tin Nùng Trí-Cao lên ngôi, tự xưng là Nhân-Huệ hoàng đế, cải tên nước là Đại-Nam. Triều Tống cử em trấn từ Bắc Ngũ-lĩnh tới Trường-sa. Em án binh bất động, rồi dâng biểu về triều rằng em không thể đem quân Tống đánh quân Việt, lại càng không thể đem quân Việt đánh quân Tống. Em xin nhà vua cho treo ấn từ quan, về điền viên. Biểu gửi đi hơn mười ngày, thì một hôm em mời Lê Văn, Nong-Nụt tới hồ Động-đình chơi. Lúc thuyền về đến Trường-sa thì Quách Qùy, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt, Khúc Chẩn đem quân làm phản, định vây bắt em. Nhưng khi em cùng công chúa đối diện với ba quân, thì quân tướng sợ uy, không dám ra tay. Em xung vào trận bắt Quách Qùy; Văn bắt Triệu Tiết; công chúa bắt Tu Kỷ; Nong-Nụt bắt Yên Đạt. Khúc Chẩn trốn thoát. Em tra khảo, chúng xì ra đạo mật chỉ của nhà vua dặn rằng khi thấy em có hành vi phản bội Tống, thì lập tức đem binh bắt giết ngay. Vì vậy, chúng thấy em với Lê Văn chơi hồ Động-đình, thì ra tay. Em bỏ tất cả chúng xuống thuyền, rồi đe Quách Quỳ: từ nay trở đi, nếu để cho em thấy mặt thì em đập nát thây. Văn đệ đe Triệu Tiết: nếu để Văn đệ thấy mặt, thì Văn đệ sẽ thiến. Sau đó em cho thuyền về Bắc.

Nắng tháng ba chói chang trên đỉnh Thiên-đài. Khai-Quốc vương chỉ con sông Tương uốn khúc tới hồ Động-đình nói với vương phi:

- Em nhìn kìa, kia là Tương-Nam, Tương-Trung, Tương-Bắc, kia là cánh đồng Tương. Chỗ chúng ta ngồi ngày hôm nay, là nơi mà Quốc-tổ, Quốc-mẫu đã ngồi.

Vương quay lại, thì Bảo-Hòa, Thông-Mai đang khoan thai dạo bước dưới sườn núi; còn bọn Tự-Mai, thì đang ở trong đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu.

Một đám mấy trắng trôi qua, đâu đó tiếng tiêu dìu dặt vọng về, hòa với tiếng thông reo, như tiếng Quốc-tổ, Quốc-mẫu thì thầm dặn con cháu.

***

-Khởi thảo ngày 10 tháng 3 năm Mậu-Thân (1968)

-Hoàn thành ngày tết Nguyên-Đán năm Quý-Mão (1975)

-Sửa bản thảo lần thứ nhất sau chuyến Hoa du năm 1978

-Sửa bản thảo lần thứ nhì sau chuyến Hoa du năm 1982

-Sửa bản thảo lần thứ ba sau chuyến Hoa du năm 1986

-Sửa bản thảo lần thứ tư trong khi bị ma quỷ ám tháng 6-89 đến tháng tháng 11 năm 1990.

-Sửa bản thảo lần thứ năm từ 10 tháng 12 năm 1990 đến 13 tháng 12 năm 1992, sau khi nghe giáo sư Lương Kim-Định, văn hữu Hồ Trường-An và bào đệ Trần Huy-Quyền góp ý kiến.

-Kiểm lỗi chính tả xong tại Pontault-Combault, ngày 8 tháng năm năm 1993, kỷ niệm lễ chiến thắng của nước Pháp.

-Viện Pháp-á Paris xuất bản lần thứ nhất 1993. Xuân-thu, California Hoa-kỳ ấn thành.

-Tái bản lần thứ hai 2001, Thư-viện Việt-Nam (), California Hoa-kỳ ấn hành.