Anh Ở Phía Sau Em

Chương 19: Không thể tha thứ




Tôi nhìn túi hoa quả đặt trên tủ đầu giường, nhẹ giọng hỏi:

- Bố có muốn ăn táo không, con gọt nhé?

Thật ra tôi chẳng muốn làm gì, chỉ là không khí quá mức nặng nề, cần phải có người lên tiếng trước.

Bố tôi lạnh lùng nhìn tôi, nhắm mắt lại vẻ khó chịu.

- Sau khi cô hiến gan xong, tôi sẽ bảo Huệ Lan đưa tiền cho cô.

Tôi mỉm cười châm chọc.

Diệp Chí Minh, ông còn muốn bỏ tiền ra mua gan của con gái mình sao?

Nếu không muốn có liên quan gì đến tôi, không muốn thấy tôi, ông cứ việc bắt hai thằng con bảo bối của ông hiến tạng là xong, còn dùng thủ đoạn ti tiện bắt ép tôi làm gì chứ!

- Bố, con không cần tiền của bố. Con chỉ muốn hỏi bố hai câu.

Bố tôi hơi hé mắt ra, khoé miệng nhếch lên nụ cười lạnh lùng.

- Cô muốn hỏi gì?

- Câu đầu tiên, con muốn biết việc bà ta ép con hiến gan bố có đồng ý không?

Cho dù đã nhiều năm không gặp mặt, tôi vẫn hy vọng rằng chí ít bố tôi sẽ không phải là loại người tuyệt tình tàn nhẫn đến mức ấy. Nếu ông ta cũng đồng ý hành động của Trương Huệ Lan thì chứng tỏ trong mắt ông ta tôi chẳng qua chỉ như một con thú nuôi lớn để giết thịt chứ không phải con ruột của ông ta.

- Biết, Huệ Lan đã nói với tôi rồi. Con gái như cô có tác dụng gì đâu, tôi là bố cô, cô hiến gan cho tôi cũng là lẽ đương nhiên.

Phải, con cái cứu cha mẹ là lẽ đương nhiên. Nhưng ông ta xứng làm cha tôi sao? Bởi vì tôi là con gái nên ông ta vứt bỏ tôi, bởi vì tôi là con gái nên tôi không phải là người sao, đều là con cái sao ông ta có thể thiên vị tới như vậy, coi hai thằng con phá phách kia là bảo bối, còn tôi chỉ là thứ vứt đi.

Tôi cố ổn định lại nội tâm đang dậy sóng, có một tảng đá vẫn luôn đè nặng trong lòng tôi những năm qua, hôm nay tôi muốn trút bỏ tất cả một lần.

- Câu thứ hai, con muốn biết năm ấy… có phải bố đã giết mẹ không?

Bố tôi cứng người lại, trong mắt xuất hiện tia hoảng loạn nhưng rất nhanh đã trở nên điềm tĩnh. Ánh mắt sắc bén lướt qua gương mặt tôi.

- Cô muốn nói gì?

Tôi đứng dậy, nghiêm túc nhìn thẳng vào mắt ông ta không chút sợ sệt.

- Con chỉ muốn biết sự thật, bố cứ yên tâm, con sẽ không báo cảnh sát đâu. Năm đó con đã im lặng thì bây giờ cũng sẽ như vậy. Con chỉ muốn nghe sự thật!

Cái đêm trước khi mẹ tôi mất tích rồi được tìm thấy ở ven sông, bố mẹ đã cãi nhau to. Tôi đứng trên cầu thang lặng lẽ nhìn hai người họ cãi vã.

Sau đó bố kéo mẹ lên ô tô đi suốt đêm không về. Tôi gà gật ngủ trên ghế dài chờ bố mẹ, không hiểu sao lúc ấy trong lòng tôi cũng dấy lên một nỗi lo lắng mơ hồ. Sáng sớm hôm sau, bố tôi về nhà một mình, không thấy mẹ tôi đâu cả.

Ba ngày sau, người ta vớt được mẹ tôi ở ven một khúc sông ở ngoại thành. Cảnh sát kết luận mẹ tôi không may rơi xuống nước chết đuối.

Thật nực cười, làm sao một người phụ nữ giàu có sống ở một trong những toà biệt thự sang trọng nhất thành phố lại lần mò tới cái con sông hẻo lánh đó chứ?

Cảnh sát hỏi tôi rất nhiều, tôi đều nói không biết, không nhớ rõ. Tôi vẫn luôn nuôi hy vọng rằng cái chết của mẹ không liên quan đến bố, cho dù tôi biết điều đó là không thể.

Tôi cố che giấu tội lỗi của bố mình, nhưng sau này khi đã trưởng thành, tôi hiểu rất rõ rằng ngay cả khi ấy tôi nói ra sự thật thì mọi việc cũng sẽ không có gì thay đổi, bố tôi vẫn sẽ bình an vô sự không mất một sợi tóc.

Bởi vì có điều tra bao lâu, bao nhiêu lời khai, cảnh sát đều sẽ đi đến kết luận là tự sát hoặc tai nạn, tuyệt nhiên không có ẩn tình gì khác.

- Cô phiền phức quá đấy, mẹ cô chết là do tai nạn.

- Vậy vì sao ba ngày mẹ mất tích bố không hề lo lắng? Tối hôm ấy bố đã đi cùng mẹ, bố dám nói rằng cái chết của mẹ không liên quan đến bố sao?

Bố tôi tức giận cầm cái cốc trên bàn ném về phía tôi, chiếc cốc thuỷ tinh đập mạnh vào vai tôi rồi rơi xuống nền, vỡ tan thành nhiều mảnh.

- Mày cút ngay! Đồ mất dạy, mày dám chỉ trích tao à? Mẹ mày chết cũng là đáng đời!

Ông ấy đã nói ra rồi. Sau chừng ấy năm cuối cùng ông ấy cũng thừa nhận. Trái tim tôi lạnh lẽo đến mức sắp đóng thành băng.

- Con hiểu rồi, cảm ơn đáp án của bố! Sau khi hiến gan xong con không nợ gì bố nữa, đây cũng là lần cuối cùng con gọi bố là bố.

Tôi quay người ra khỏi phòng bệnh, đóng sầm cửa lại.

Trong lòng tôi, kể từ thời khắc này, bố tôi thật sự đã chết.

Làm phẫu thuật hiến gan cần phải nằm viện vài ngày, tôi xin nghỉ ở văn phòng luật, chuẩn bị đồ dùng cá nhân, thuê luôn người chăm sóc trong viện mấy ngày đầu sau khi mổ.

Kết quả tất yếu của lấy trứng chọi đá là tự làm mình bị thương. Tôi không muốn làm hại đến gia đình cậu, hiện giờ tôi cũng không có năng lực chống đối lại bố tôi và Trương Huệ Lan.

Những gì họ làm với tôi nhất định sẽ có ngày tôi đáp trả. Năm năm, mười năm, hai mươi năm, chỉ cần Diệp Thư tôi còn sống thì bọn họ chắc chắn sẽ phải trả giá.

Bà tôi đã sai, quên hận thù đi không phải là lựa chọn tốt nhất. Có những kẻ không đáng được tha thứ, chẳng có ông trời nào trừng phạt bọn họ.

Gieo gió gặt bão sao? Bọn họ đã gieo đầy gió rồi, nhưng ai sẽ mang bão đến trả? Trông chờ ông trời à? Đám thủ lĩnh Khơ-me đỏ giết hàng triệu người, tàn ác đến mất hết nhân tính, cuối cùng ông trời trừng phạt chúng như thế nào? Toà án công lý xét xử còn chưa xong thì những kẻ giết người không gớm tay đó đã chết già rồi ấy chứ.

Hiến gan xong rồi, tôi không còn nợ nần gì bố tôi nữa. Ông ấy cho tôi sinh mạng, là cha tôi, nhưng ông ấy đã hại chết mẹ tôi, vứt bỏ tôi, hết lần này đến lần khác hãm hại người thân của tôi.

Ông ấy không đáng được tha thứ, ai cũng phải trả giá cho tội lỗi của mình.

Tôi giao chìa khoá nhà cho Ngọc Kỳ, dặn nó mấy ngày tôi đi vắng thì cứ qua nhà tôi ở. Nó mới về nhà được vài ngày hàng xóm xung quanh đã xì xào về chuyện nó bị bắt, nhìn thấy Ngọc Kỳ đều sợ hãi tránh đi, rõ ràng nó không làm gì nhưng lại bị người ta kì thị. Cái gọi là dư luận quả nhiên rất đáng sợ.

Tối hôm tôi nhập viện, Ngọc Kỳ đột nhiên gọi điện thoại cho tôi, giọng nói rất tức giận.

- Chị Diệp Thư, chị có coi em là em chị không?

Tôi ngạc nhiên hỏi nó:

- Chị đương nhiên coi em là em chị, em làm sao thế?

Ngọc Kỳ hét lên qua điện thoại.

- Vì sao chị lại giấu em? Chị rõ ràng có bằng chứng chứng minh bố em trong sạch, vì sao chị không báo cảnh sát, chị muốn bảo vệ bố chị phải không, uổng công em bao nhiêu năm qua đều nói tốt cho chị trước mặt mẹ em, còn tin chị thật sự thương bọn em.

Tôi ngẩn người ra một lúc, trong đầu thoáng nghĩ đến tập tài liệu trong ngăn kéo.

Ngọc Kỳ chắc đã nhìn thấy tập tài liệu ấy.

- Ngọc Kỳ, ai cho phép em lục lọi đồ của chị?

- Chị đừng đánh trống lảng, chị giải thích đi, sao chị lại làm thế với gia đình em? Mẹ em nói đúng, chị cũng cùng một giuộc với bố chị!

Trước những lời buộc tội của Ngọc Kỳ, tôi không muốn phản bác. Không thể nói rằng trong mấy năm qua tôi chưa từng có ý nghĩ bảo vệ bố tôi.

Phải, ông ấy có lỗi, nhưng trước khi ông ấy tuyệt tình nói ra sự thật về mọi chuyện, tôi vẫn coi ông ấy là bố. Nếu ngày ấy thật sự có bằng chứng gì có giá trị có lẽ tôi cũng sẽ do dự đưa ra.

Bây giờ tôi không muốn bao che cho bố tôi nữa, nhưng tập tài liệu kia không thể mang ra toà được, hoàn toàn không có tác dụng gì.

- Ngọc Kỳ, em nghe chị nói, em đừng nóng vội! Sáng mai chị em mình nói chuyện tiếp…

Tút! Tút….

Tôi chưa dứt lời thằng nhóc đã cúp máy, gọi lại mấy lần nó đều không nghe.

Bây giờ nó đang giận, giải thích thế nào cũng không được. Dù sao ngày mai cũng chưa đến lịch mổ, tôi sẽ tìm nó nói chuyện cho rõ ràng.

Nhưng tôi đã đánh giá thấp sự thù hận của Ngọc Kỳ với bố tôi, trước khi tôi kịp giải thích với nó thì Ngọc Kỳ đã làm ra hành động không thể cứu vãn được.