Bán Ngâm

Chương 43: Có xương cốt thép, cũng có lòng dạ mềm




NGÂM NGA

Chương 43: CÓ XƯƠNG CỐT THÉP, CŨNG CÓ LÒNG DẠ MỀM.

***

Suốt một ngày nay, tim Nguyễn Niệm Sơ treo lơ lửng. Vốn dĩ cô tưởng mình sẽ không ngủ được, nhưng kỳ diệu là nằm trong lòng Lệ Đằng, cô ngủ rất say.

Khi tỉnh dậy, ngoài Trời đã sáng.

Nguyễn Niệm Sơ mở mắt, đảo đôi con ngươi, xoay đầu thì thấy Lệ Đằng vẫn đang ngồi cạnh bên, vẻ mặt lạnh lùng. Máu quanh miệng vết thương trên vai phải đã khô, đóng thành vẩy màu nâu sẫm. Nom cả người anh vẫn ổn, chẳng khác ngày thường là bao. Phải cái, tơ máu trong mắt đã nhiều thêm.

Nguyễn Niệm Sơ nhăn mày: "Tối hôm kia anh đã không ngủ, tối qua lại thức suốt đêm. Nghỉ ngơi một lát nhé?"

Lệ Đằng từ chối với giọng điệu hời hợt: "Ra ngoài trước đã rồi nói sau!" Hiện tại tình hình còn chưa rõ, dây thần kinh của anh đang ở trạng thái căng thẳng cao độ, muốn ngủ cũng không nổi.

Nguyễn Niệm Sơ lặng im, không khuyên nữa.

Hai người rời hang núi.

Sáng sớm, lại sau cơn mưa, Trời quang mây tạnh, trong núi ngập tràn mùi bùn đất tươi mới.

Nguyễn Niệm Sơ vừa đi vừa nhìn bốn phía. Những ngọn núi lớn xung quanh biên thành này đều chưa được khai phá. Cảnh quan núi non vẫn là dáng vẻ nguyên sinh, cây xanh núi xanh, đâu đâu cũng một màu xanh biếc.

Nhưng phong cảnh đẹp là một chuyện, đường khó đi lại là chuyện khác.

Ngọn núi này chẳng thể so với những danh lam thắng cảnh, không có cáp treo, không có bậc thang đá, chỉ toàn bùn đất, cỏ dại um tùm, bụi gai đầy đường. Sinh ra và lớn lên ở một thành phố lớn, đây là lần đầu tiên Nguyễn Niệm Sơ đi kiểu đường không tính là đường này, nên cô hết sức cẩn thận.

Trong lòng thấp thỏm, tự nhiên bước đi của cô cũng chậm lại, một phút mới đi được 10 mét.

Thấy thế, Lệ Đằng bẻ một cành cây khô, đưa cho cô làm gậy chống, tiện thể dùng để gạt bụi gai. Sợ cô trượt chân ngã, anh nắm tay cô, bảo cô mỗi bước đều giẫm lên dấu chân anh để lại.

Cứ thế, đỡ hơn được một chút, tốc độ của Nguyễn Niệm Sơ từ 10 mét một phút, lên đến 20 mét một phút.

Sau mấy phút, Lệ Đằng khom người, đưa lưng về phía cô.

Nguyễn Niệm Sơ nghi hoặc: "Anh làm gì đấy?"

Lệ Đằng: "Lên đi, anh cõng em."

"Không cần đâu." Cô lắc đầu, xua tay với anh: "Đường núi vốn đã khó đi, anh chưa được nghỉ ngơi, trên vai còn có vết thương. Cõng em nữa chẳng phải càng mệt thêm à?"

Lệ Đằng cau mày, mất kiên nhẫn, hai cánh tay vòng ra sau đùi Nguyễn Niệm Sơ, nhấc một phát, xốc luôn cô lên lưng. Nguyễn Niệm Sơ khẽ kêu ra tiếng, vô thức ôm chặt cổ anh.

Lệ Đằng cầm lấy cành cây khô trên tay Nguyễn Niệm Sơ, vừa cõng cô vừa thản nhiên nói: "Thế này tính là gì. Kỷ lục dài nhất của anh là không chợp mắt suốt một tuần kìa."

Nguyễn Niệm Sơ giật mình: "Một tuần không ngủ? Vì sao ạ?"

Lệ Đẳng đáp: "Tìm kiếm, giải cứu người bị thương."

"Cứu nạn ạ?"

"Ừ."

Giữa núi rừng yên tĩnh, chỉ thỉnh thoảng truyền tới một vài tiếng chim. Nguyễn Niệm Sơ nhìn sườn mặt tuấn tú lãnh đạm của Lệ Đằng, sực nhớ ra điều gì đó, cô hỏi: "Tại sao anh lại làm lính?"

Lệ Đằng hờ hững: "Tốt nghiệp đại học không quân, không làm lính thì làm gì."

Hự. Nguyễn Niệm Sơ nghẹn họng luôn, ".... Ý em hỏi anh là tại sao thi vào đại học không quân."

"Mẹ anh bảo anh thi."

"...." Thật đúng là một lý do không thể phản bác.

Một thoáng im lặng, Lệ Đằng nói với giọng điệu dửng dưng: "Thời thiếu niên anh quậy phá lắm, hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, bắt nạt người khác, chuyện xấu gì cũng làm. Duy có thành tích học còn được. Mẹ anh sợ anh lớn lên trở thành phần tử nguy hại cho xã hội, bảo anh phải thi vào trường quân đội."

"Hóa ra trước kia anh là một thiếu niên hư. Không nhìn ra, còn tưởng anh là học sinh giỏi chăm ngoan cơ đấy." Nguyễn Niệm Sơ tấm tắc cảm thán: "Cơ mà cũng khéo thật. Hồi đại học cũng là mẹ em bảo em thi. Lúc ấy, bà cũng là nghe người ta nói đại học C tốt thế nào, liền bảo em đi thi. Nhưng thành tích của em kém, bố mẹ hết cách, bèn cho em đi học khoa nghệ thuật."

Nghe vậy, Lệ Đằng nhướn mày: "Đại học C?"

"Vâng." Cô hất hất cằm với anh, vẻ mặt đầy đắc ý: "Không ngờ chứ gì? Em tốt nghiệp đại học C, học viện hàng đầu đấy, cũng không tính là không xứng với anh nhỉ."

Lệ Đằng nói: "Thiếu chút thì anh là sinh viên khoa quốc phòng của trường bọn em đấy."

"Ý anh là sao ạ?"

"Nguyện vọng hai của anh là đại học C. Nếu không đỗ đại học không quân thì anh sẽ học đại học C."

Nguyễn Niệm Sơ mếu miệng, tiếc nuối: "Tiếc thật đấy. Bằng không chúng ta đã là bạn học. Nói không chừng còn quen biết nhau sớm hơn rồi."

Lệ Đằng liếc cô nàng sau lưng một cái: "Cô gái này, em ngốc thế hả. 16 tuổi anh thi đại học. Lúc anh 16 tuổi, em bao lớn? Tự tính đi!"

"Ba mươi ba trừ đi hai sáu là bảy..." Quả nhiên Nguyễn Niệm Sơ vạch ngón tay ra tính, còn lẩm nhẩm trong miệng, "Mười sáu trừ đi bảy... Ô, năm đó em 9 tuổi."

Lệ Đằng khẽ "xùy" một tiếng: "Con nít ranh."

Nguyễn Niệm Sơ híp mắt, giơ nắm tay trước mặt anh, huơ huơ: "Anh bảo ai là con nít ranh?"

"Em."

"...."

Lệ Đằng nói tiếp: "Trước kia là vậy, giờ cũng vậy."

Nguyễn Niệm Sơ "A" hai tiếng, nghiến răng: "Em không chê anh già, ngược lại anh chê em nhỏ? Nào có người như anh hả?" Nói đoạn, cô lảm nhảm một mình: "Với cả em cũng 26 rồi. Nhỏ chỗ nào chứ."

Đôi mắt Lệ Đằng toát lên nét cười nhàn nhạt. Anh cong khóe môi, giọng điệu thờ ơ: "Ờ, thực ra thì dáng người cũng được. Không nhỏ."

"...." Nghe ra ý tứ sâu xa trong lời anh, Nguyễn Niệm Sơ đỏ mặt, tức khí nhéo cánh tay anh: "Thả em xuống, nhanh lên! Em không cần đồ lưu manh nhìn trộm người khác tắm cõng."

Lệ Đằng cau mày: "Em ngoan ngoãn cho anh! Có tin lưu manh ném em xuống núi không?"

Nguyễn Niệm Sơ hừ một tiếng, "Không tin. Anh nỡ sao."

Lệ Đằng phì cười: "Không nỡ."

Nghe câu này, tâm trạng buồn bực lâu ngày của Nguyễn Niệm Sơ bỗng nhiên chuyển biến. Cô vểnh môi, hai tay ôm lấy cổ anh lần nữa. Đột nhiên, mặt cô hơi biến sắc: ".... Phải rồi, tối qua Trần Quốc Chí chạy ra ngoài cùng chúng mình. Làm sao đây? Chúng ta có cần tìm gã không anh?"

Lệ Đằng đáp tỉnh bơ: "Tên đó còn tinh ranh hơn khỉ, chỉ có gã "chơi" người khác chứ người khác không "chơi" nổi gã đâu."

"Vậy giờ chúng ta đi đâu trước ạ?"

"Quay lại chỗ tối qua xem sao."

"Vâng."

Núi không cao, đi xuống chỉ mất chưa đầy một tiếng.

Dựa theo trí nhớ, Lệ Đằng dẫn Nguyễn Niệm Sơ trở lại.

Khi hai người về đến căn nhà ngói ấy, bà lão nhiệt tình tối qua đang ngồi trong sân khâu quần áo. Bên chân bà, mấy con gà kêu quang quác, mổ giun ăn. Lệ Đằng cùng Nguyễn Niệm Sơ quan sát một chốc, sau khi chắc chắn trong nhà và gần đó không có ai khác thì mới xuất hiện.

Bà lão hỏi tối qua hai người đã đi đâu, sao áo Lệ Đằng bị rách tả tơi, rồi cả vết thương trên vai anh.

Lệ Đằng nghiêm túc bịa chuyện.

Bị dọa đến độ sửng sốt, bà lão ấy thế mà tin thật. Bà không hỏi thêm, đưa quần áo đã hong khô cho họ, còn lấy cả rượu thuốc trị ngoại thương và băng gạc trong nhà ra.

Nguyễn Niệm Sơ giúp Lệ Đằng bôi thuốc, thay quần áo.

Bà lão ở bên nhìn, vẻ mặt lo lắng, lại nói: "Đám trẻ các cháu ra ngoài phải cận thận chứ. Để thân thể bị thương nhiều, không tốt đâu. Đi, già đưa các cháu lên thị trấn bắt xe."

Lệ Đằng mỉm cười với bà: "Không cần đâu bà. Đường đi thế nào, bà cứ nói sơ qua, tự chúng cháu đi là được."

Không lay chuyển nổi, bà lão đành chỉ đường đi cho họ

Hai người không ngớt cảm ơn bà lão, còn dặn bà: "Nếu có ai hỏi bà chúng cháu đi đâu, bà cứ bảo, tối qua sau khi chúng cháu đi khỏi thì không quay lại nữa. Bà cũng không biết."

Bà lão gật đầu nhận lời.

Sau đấy, Lệ Đằng và Nguyễn Niệm Sơ rời đi.

May thay, vừa ra đến đường cái thì có một chiếc xe tải nhỏ chạy qua. Bác lái xe rất nhiệt tình, cho họ đi nhờ xe, còn mời Lệ Đằng một điếu thuốc cuốn.

Xe tải nhỏ lắc lư trên con đường núi.

Suốt dọc đường toàn là quang cảnh ruộng vườn, đường đất nhỏ, cánh đồng cải dầu, ruộng ngô, và khói bếp bay lượn trên đỉnh đầu. Nguyễn Niệm Sơ ngồi cạnh hàng thổ sản ở đuôi xe. Một lát, không nhịn nổi, cô kéo tay áo Lệ Đằng, nhỏ giọng: "Này, em lại thấy nhé!"

Lệ Đằng vừa hút thuốc vừa nhìn phong cảnh quanh núi, không đáp lời.

Nguyễn Niệm Sơ nói tiếp: "Em trông thấy anh để lại tiền trong nhà bà lão ấy rồi!"

Cô dứt lời, Lệ Đằng im lặng mấy giây mới bình thản nói: "Bữa cơm tối qua có gà có thịt, không hiếm lạ gì với chúng mình. Nhưng đối với bà cụ mà nói, có lẽ chính là cỗ Tết. Chúng mình không thể chiếm lợi của người khác được."

"...." Nguyễn Niệm Sơ hơi cong khóe miệng, túm tay áo Lệ Đằng kéo xuống, nắm lấy bàn tay dày rộng của anh, nhéo nhéo nghịch chơi, "Em phát hiện anh luôn như vậy."

Lệ Đằng lật bàn tay, nắm lấy tay cô, nghiêng mắt hỏi: "Như thế nào?"

"Ngoài lạnh trong nóng." Cô chớp chớp mi, "7 năm trước em đã nhìn ra."

Anh cười nhạt một tiếng: "Phải không."

Cô cũng cười: "7 năm trước, hôm chúng ta tách ra, anh bảo Tori cứ ở cạnh trông chừng em là bởi anh biết người của anh sẽ không làm hại em. Cậu ấy ở cùng em cũng sẽ rất an toàn. Tuy anh không hề nói gì cả, nhưng anh đang bảo vệ cậu ấy."

Nguyễn Niệm Sơ nói xong, Lệ Đằng nhìn thẳng vào cô: "Hình như em rất hiểu anh?"

Nguyễn Niệm Sơ thoáng suy tư rồi đáp: "Trước kia không hiểu được, giờ thì có phần đã hiểu. Về sau hẳn là sẽ hiểu hơn."

Lệ Đằng: "Em muốn hiểu anh thì phải năng giao lưu với anh vào!"

Cô gật đầu tán thành, thật thà hỏi: "Vậy anh cảm thấy, chúng ta còn phải giao lưu thế nào nữa?"

Ngón tay anh như có như không gãi gãi lòng bàn tay cô, nói bốn chữ: "Giao lưu "chuyên sâu"."

Nguyễn Niệm Sơ nín thinh. Chỉ biết anh vĩnh viễn không đứng đắn nổi 3 giây mà.

Bấy giờ, bác tài ngoảnh đầu, vui vẻ hỏi bằng tiếng địa phương: "Nghe giọng vợ anh không giống người ở đây ta?"

Lệ Đằng duỗi tay xoa đầu Nguyễn Niệm Sơ, trả lời bằng tiếng địa phương: "Vâng! Tôi cuỗm được từ thành phố Vân đấy!"

Bác tài bật cười: "Cuỗm được cô vợ xinh thế này cũng giỏi lắm ta!"

Lệ Đằng nhướng môi, không nói gì.

Nghe hai người họ, anh một câu, tôi một câu, Nguyễn Niệm Sơ mù mờ, không ghìm lòng nổi liền hỏi Lệ Đằng: "Vừa rồi hai người nói gì vậy?"

Lệ Đằng đáp: "Bác ấy bảo anh giỏi."

"Vì lẽ gì ạ?"

"Bởi vì em xinh đẹp."

Hai câu này có liên quan đến nhau không? Nguyễn Niệm Sơ nghiêm túc ngẫm nghĩ một lúc, cảm thấy dường như có, lại dường như không. Cô không hiểu, đành cong môi, nở một nụ cười ngượng nghịu với anh.

Dưới ánh Mặt Trời, đằng sau là non xanh và bầu Trời bao la, cô gái với làn da trắng như tuyết Tây Tạng, cười tươi như hoa.

Nhìn cô, Lệ Đằng chợt hỏi: "Nguyễn Niệm Sơ, em muốn nghe một khúc không?"

Nguyễn Niệm Sơ quá đỗi ngạc nhiên: "... Anh mà biết hát á? Không phải chứ!"

Lệ Đằng không trả lời, anh cúp mắt, thấy một chiếc lá vừa vặn rơi bên cạnh bao tải củ cải. Anh nhặt lấy, phủi qua chút bụi rồi đưa lên giữa đôi môi. Chẳng mấy chốc, lại thổi nên giai điệu thật này.

Nguyễn Niệm Sơ còn chưa kịp thán phục tài thổi sáo lá của anh thì đã nghe ra ca khúc mà anh thổi, "Là bài "Khi mái tóc đẹp của em phất qua họng súng anh", do Diêm Duy Văn hát ạ?"

Lệ Đằng gối đầu lên cánh tay trái, nửa nằm lên một tải khoai tây, sắc mặt điềm tĩnh, thổi lá cây, hơi thở kiểm soát nhịp rung của chiếc lá.

Chống cằm nhìn Lệ Đằng, Nguyễn Niệm Sơ bất giác hát theo anh: "Khi mái tóc đẹp của em phất qua họng súng anh, đừng trách anh luôn giữ gương mặt lạnh lùng..."

Mấy đứa trẻ chăn trâu chạy trên đường, cười đùa vui vẻ. Con trâu già chậm rãi theo sau.

"Thực ra anh có xương cốt thép, cũng có lòng dạ mềm. Chẳng qua, ngọn lửa thanh xuân ấy phải tạm thời ướp lạnh đấy thôi..."

Tiếng hát, tiếng sáo lá tản mát trong tiếng gió lúa rì rào chốn thôn quê.

"Đừng nói anh không hiểu tình cảm, chỉ biết cứng rắn. Thế giới này tuy khói lửa chiến tranh, nhưng cũng có hương hoa thơm..."

Dần dần trôi xa.

***

Cuộc tìm kiếm của Vasa và Đoạn Côn đương nhiên là kết thúc không có kết quả. Từ trên núi xuống, thậm chí họ còn vọng lại thôn lúc trước tìm một lượt, vẫn không thấy bóng dáng hai người Lệ Đằng và Nguyễn Niệm Sơ.

Sau khi ra ngoài, Vasa tức điên, không ngừng chửi rủa bằng tiếng Khmer.

Đoạn Côn nghe đến nỗi ngoáy lỗ tai, bất lực nói: "Cô cáu giận cũng vô ích. Còn chẳng bằng tiếp tục tìm cơ hội, giành thắng lợi lần sau."

Vasa nghiến răng: "Lần này náo loạn đã thua liểng xiểng, kết quả công dã tràng. Lần sau? Đương nhiên càng khó thành công."

Nghe vậy, hai mắt Đoạn Côn sáng lên, vỗ tay hoan hô: "Wow, tiếng Trung của Vasa lại tiến bộ hơn rồi! Dùng đúng cả thành ngữ lẫn câu bỏ lửng* này."

(*Nguyên văn là "yếu hậu ngữ", một loại hình ngôn ngữ đặc biệt được dân gian sáng tạo nên trong quá trình hoạt động thực tiễn. Nó được cấu tạo bằng hai vế, nửa phía trước thường ví von bằng những hình tượng, như là vế đố. Vế sau thì giải thích, nói rõ, như là lời giải, rất tự nhiên mộc mạc. Trong ngữ cảnh cụ thể, thông thường chỉ nói ra phần nữa phía trước, rồi ngắt phần phía sau không nói, nhưng ta cũng có thể hiểu và đoán ra được được ý của câu nói, vì vậy mà gọi là Yết hậu ngữ (câu nói bỏ lửng))

"...." Vasa tát vào mặt Đoạn Côn một phát, gằn giọng: "Ngu đúng là ngu. Anh có biết làm hỏng chuyện này, Dan sẽ không vui, sẽ trách chúng ta không hả?"

Đoạn Côn ôm má, tội nghiệp lẩm bẩm: "Cô chỉ biết mỗi Dan, Dan thôi."

Vasa lườm hắn. Bị cô lườm, Đoạn Côn chột dạ, nhưng vẫn bấm bụng nói tiếp: "Cô lườm tôi, tôi vẫn phải nói. Chuyện cô thích Dan, mọi người đều biết. Nhưng chuyện Dan không để ý tới cô, mọi người cũng biết cả. Những năm nay, cô đã làm bao nhiêu việc cho hắn ta. Hắn ta có ngó ngàng đến cô không? Lần nào chả bảo cô đối mặt với nguy hiểm, bảo cô đi vào chỗ chết."

Ánh mắt Vasa bỗng lạnh buốt, trầm giọng: "Nhưng tôi chưa có chết."

Đoạn Côn hừ một tiếng: "Tôi thấy sắp rồi. Nhân lúc còn mạng, sớm tỉnh ngộ đi!"

Một chốc, Vasa hít sâu một hơi, thở ra, đoạn nói: "Tôi bằng lòng làm gì cho Dan đó là chuyện của tôi, không cần anh lo. Anh chỉ là thằng ngu, anh thì hiểu cái gì?" Dứt lời, cô ta xoay người đi thẳng không buồn ngoái đầu.

Đoạn Côn bĩu môi, đứng một mình bên đường hồi lâu mới nhớ ra đuổi theo, "Vasa! Chờ tôi với!"