Bán Yêu Tư Đằng

Quyển 3 - Chương 1




Nhan Phúc Thụy gọi điện thoại cho Tần Phóng thông báo ngoại trừ Thẩm Ngân Đăng ra thì đoàn người đã đến Thanh Thành đông đủ, im lặng chờ đến buổi “thịnh yến” ngày mai. Nhưng trước đó ông muốn đến thăm Nhà Ngói, ngoài ra giáo sư Bạch Kim cũng muốn đến thăm hỏi tiểu thư Tư Đằng trước.

Tư Đằng ngồi dưới mái hiên đọc sách, nghe nói như thế cũng không nhướng mí mắt lên: “Đợi đến ngày mai sẽ chết sao?”

Vị giáo sư Bạch Kim kia thì đành thôi, nhưng Tần Phóng vẫn cố tranh thủ cho Nhan Phúc Thụy: “Nhan đạo trưởng nuôi Nhà Ngói từ nhỏ đến lớn, xem như con ruột của mình, nhiều ngày không gặp như vậy đương nhiên phải lo lắng rồi.”

“Vậy lo lắng thêm một ngày nữa cũng đâu có chết.”

Tuy giận nhưng quả thật đó là kiểu quy tắc của Tư Đằng, Tần Phóng cảm giác mình cũng đã quen rồi. Lúc anh định bỏ đi thì vô tình nhìn thấy tên quyển sách cô đang cầm trên tay – “Liên Thành Quyết”.

So sánh với Xạ Điêu, Thần Điêu thì Liên Thành Quyết hẳn là một quyển chẳng có danh tiếng gì trong số truyện võ hiệp của Kim Dung. Nhưng suy nghĩ kỹ lại hình như mấy ngày nay Tư Đằng chỉ đọc đi đọc lại mỗi một bộ này. Tần Phóng không khỏi dừng mắt một chút, hành động này cũng không quá lộ liễu nhưng Tư Đằng lại chú ý đến, cô giơ sách về phía anh hỏi: “Xem chưa?”

“Xem rồi.”

“Thích không?”

Thích không ư? Tần Phóng cẩn thận suy nghĩ sau đó lắc đầu: “Bình thường.”

“Tại sao?”

“Hình như nam chính là một thanh niên nhà quê…” – Tần Phóng chỉ xem truyện này một lần, nhiều nội dung không còn nhớ rõ – “Truyện Kim Dung tôi chỉ thích loại đại hiệp thế gia, danh môn đại phái, Hoa Sơn Luận Kiếm gì đó thôi.”

Anh nhớ ra bản thân Kim Dung cũng đề cập đến “Liên Thành Quyết” được lấy đề tài từ câu chuyện về một người tàn phế quê ở Hải Ninh. Trong thế giới võ hiệp nhân vật chính không có gia thế ly kỳ lừng lẫy sẽ không hay. Không giống với Dương Quá có cha là tiểu vương gia nước Kim, mẹ là nữ hiệp khách, nhận Tây Độc Âu Dương Phong là cha nuôi, bái Tiểu Long Nữ phái Cổ Mộ làm sư phụ… Ngoài ra, tên chương đầu tiên của Liên Thành Quyết là “Nhà quê vào thành” nghe quê mùa chết được…

Có điều anh vẫn không nhớ ra được nội dung của truyện này, anh hỏi Tư Đằng: “Truyện này chủ yếu viết về cái gì?”

“Viết về chuyện đồ đệ giết sư phụ, cha giết con gái, anh em bất hòa vì giành báu vật, vì giành gái mà vu oan hãm hại người khác. Tóm lại là người đời đều hung ác, người tốt không được báo đáp, thế giới vô tình, cuộc đời bi thảm, tả thực.”

Đây là khi dễ anh chưa xem sao? Tần Phóng bực bội: “Sao tôi nhớ là kết thúc hạnh phúc mà? Cái này có thể gọi là tả thực sao? Cô cũng quá bi quan rồi, cô chưa từng nghe nhân gian tự có chân tình hay sao?”

Tư Đằng cười khẩy đứng dậy: “Nhân gian tự có chân tình à? Đúng vậy đó Tần Phóng, bản thân cậu nhận được nhiều chân tình quá nhỉ.”

Cô đưa tay vuốt đỉnh đầu Tần Phóng, Tần Phóng chỉ cảm thấy da đầu râm ran, lùi về sau hai bước theo bản năng rất cảnh giác nhìn cô: “Cô làm gì?”

“Có làm gì đâu, chân tình rơi xuống đầu cậu nhiều quá nên tôi chỉ giúp cậu phủi thôi mà.” – Tư Đằng mỉm cười nhìn Tần Phóng – “Dĩ nhiên tôi không lạc quan được như cậu. Cậu với vị hôn thê chung giường chung gối mà vẫn không biết được cô ta có lòng dạ khác, bị hại chết yểu tại Nang Khiêm mà còn nói với tôi nhân gian tự có chân tình. Hôm nào cậu không có cơm ăn thì chân tình sẽ cho cậu ăn no đấy… Ồ đúng rồi, vị hôn thê cậu đã tra ra được gì chưa?”

Tần Phóng lạnh lùng nhìn cô chằm chằm, một hồi lâu mới tức tối thốt ra hai chữ qua kẽ răng: “Chưa có.”

Nhưng thật ra là có. Tiếp tân khách sạn Kim Mã trả lời điện thoại nói cho anh biết hai ngày đó người ở phòng 188 là một vị khách tên là Triệu Giang Long, có hôm nửa đêm được xe cứu thương chở đi, người đi chung nói rằng bị ngộ độc thức ăn.

Anh nói manh mối này cho Đơn Chí Cương biết. Đơn Chí Cương gần như là nhảy bật dậy: “Cái tên Triệu Giang Long này rất có tiếng ở huyện Li, ai mà không biết ông ta chứ! Nghe nói lúc ông ta khấm khá nhất còn đồng thời nuôi ba ả nhân tình.”

Nói xong câu đó, hai người đều im lặng thật lâu: Quê của An Mạn không phải ở huyện Li hay sao?

Có manh mối này, Đơn Chí Cương bắt đầu đột phá cực nhanh. Ngày hôm sau đã gửi hai tấm hình đến cho anh. Một tấm là bản sao giấy chứng minh nhân dân tên là An Tiểu Đình. Tấm thứ hai là ảnh chụp chung của Triệu Giang Long và An Mạn. Hình như là vào lễ cắt băng khánh thành một khách sạn lớn nào đó. Chắc là chụp nhiều năm trước, An Mạn nhìn vẫn còn ngây thơ nhưng lại mặc áo khoác len vô cùng sang trọng, đeo túi LV, trên cổ còn đeo sợi dây chuyền vàng và đôi bông tai ngọc bích nặng trịch.

Đây là An Mạn mộc mạc kia sao? Lòng Tần Phóng như có thứ gì đó sụp đổ tan tành. Đơn Chí Cương nói cho anh biết mấy năm trước Triệu Giang Long làm ăn xảy ra vấn đề nên bị công an địa phương lập án điều tra. Mấy ả tình nhân kia cuốn gói gom tiền bỏ đi hết, An Tiểu Đình cũng trong số đó. Vào thời khắc mấu chốt vợ của ông ta về quê ở Thanh Hải bán hết toàn bộ nhà cửa của nhà mẹ đẻ đổi ra tiền mặt giúp ông ta ra tù làm lại từ đầu. Nhưng vừa xảy ra một chuyện xui xẻo, nghe nói là gặp nạn bị đâm một dao, bây giờ trở về huyện Li tịnh dưỡng.

Thành thật mà nói Đơn Chí Cương thật sự không muốn điều tra tiếp chuyện này. Anh ta đã nhận định An Mạn là loại phụ nữ không đứng đắn, cảm thấy người anh em của mình bị chơi xỏ, may là ông trời có mắt phát hiện manh mối trước đám cưới. Có điều vẫn phải hỏi ý kiến Tần Phóng xem có nên tiếp tục điều tra không?

Tần Phóng rối rắm suy nghĩ, anh nói: Cậu để tôi ngẫm lại đã.

Vẫn phải điều tra, tuy không phải liên quan đến tình cảm, nhưng An Mạn sống hay chết có liên quan đến nhân mạng. Cô ta có lừa gạt anh, có lỗi với anh thì cũng là vị hôn thê mà anh đã chọn. Có điều là tên Triệu Giang Long cho người ra tay giết anh tối hôm đó tất nhiên cũng chẳng phải người lương thiện gì. Đơn Chí Cương không biết nội tình, không thể liên lụy cậu ta.

Buổi Hồng Môn Yến của Tư Đằng vẫn tổ chức đúng ngày như đã định. Nhà hàng hạng sang tọa lạc bên bờ hồ đối diện với núi. Chiếc bàn tròn lớn chạm trổ hoa văn đủ cho mười lăm người ngồi. Treo trên vách tường là một chiếc gương đồng mỹ nghệ chạm rồng khắc hoa. Chính giữa bàn là một bức tranh Bát Tiên Quá Hải, các vị tiên đều cầm bảo khí, dưới chân là biển rộng sóng lớn.

Thấy đã đến giờ, Tần Phóng dẫn Nhà Ngói đến đợi ở cửa nhà hàng. Đám người Nhan Phúc Thụy vừa xuất hiện thì Nhà Ngói đã khóc đến mức có thể gọi là kinh thiên địa, khiếp quỷ thần. Cậu chùi nước mắt nước mũi vào áo của Nhan Phúc Thụy. Tần Phóng vô cùng bình tĩnh chào hỏi mọi người trong khung cảnh Nhà Ngói khi thì gào khóc, lúc thì nghẹn ngào.

Trong số khách mời dễ nhận ra nhất chính là quan chủ Thương Hồng núi Võ Đang lớn tuổi nhất. Danh hiệu này đặt thật hay, rất có cảm giác thướt tha. Chân nhân Trương Thiếu Hoa núi Thanh Thành gầy gò nho nhã, vô cùng giống với thầy nho thời cổ đại. Đạo trưởng Mã Khưu Dương núi Long Hổ trắng trẻo mập mạp, mặt tròn sáng sủa. Lưu Hạc Tường tiên sinh núi Tề Vân là người duy nhất không mặc đạo bào trong bốn đạo môn, quần áo nghiêm chỉnh giống như một vị cán bộ ủy ban. Liễu Kim Đính động Không Động đầu hói tráng kiện. Phan Kỳ Niên động Đào Nguyên vóc dáng thấp bé, chỉ đứng đến vai người bình thường. Đinh Đại Thành vừa cất lời nói chuyện đã lộ rõ giọng Thiên Tân. Giáo sư Bạch Kim đeo một cặp mắt kiếng vừa nhìn đã thấy vẻ trí thức của giáo sư đại học. Cuối cùng là Vương Càn Khôn đã gặp lúc trước.

Duy chỉ có thiếu mỗi Thẩm Ngân Đăng động Ma Cô.

Tần Phóng khách sáo đưa mọi người vào phòng riêng, trên đường đi không ít nhân viên phục vụ và khách dùng cơm nhìn ngó. Bà chủ nhà hàng rất khẩn trương, thừa dịp không ai để ý liền kéo Tần Phóng ra chất vấn anh: “Không phải nói là mời khách dùng cơm sao? Cậu làm gì vậy? Tà giáo hả?”

Tần Phóng dở khóc dở cười: “Người ta là đạo giáo chính tông, đừng nói bậy nói bạ.”

Bà chủ nói thẳng: “Đạo sĩ không ở nhà niệm kinh đến đây làm gì?”

“Đạo sĩ không biết ăn cơm à?”

Bà chủ nửa tin nửa ngờ, lúc rời đi còn xác nhận lại nhiều lần với anh: “Cậu chắc chứ, chỉ ăn một bữa cơm thôi à. Tôi nhát gan lắm cậu đừng dọa tôi nha.”

Tần Phóng thầm buồn cười: Mới có mấy đạo sĩ mà bà ta đã sợ đến vậy. Nếu như bà ta biết có một con yêu quái đang ngồi trong phòng nghỉ ngơi cạnh phòng VIP thì sẽ thế nào?

Nhiều đạo sĩ chưởng giáo tập trung dưới một mái nhà như vậy quả thật rất có cảm giác Hoa Sơn Luận Kiếm. Tần Phóng có chút hưng phấn khó hiểu, sau khi mời các vị khách ngồi vào chỗ liền đi đến phòng kế bên mời Tư Đằng. Tư Đằng ngồi vững như núi, cô nói: “Để họ đợi đi.”

Cô vẫn bình thản lấy cọ quét nhẹ phấn mắt màu vàng kim, từ từ trang điểm. Tần Phóng không thể làm gì: “Tư Đằng, khách khứa cũng đã đến rồi, cô còn là chủ tiệc, nếu ra trễ không hay lắm đâu.”

Tư Đằng kề gần đến chiếc gương trang điểm, ngón tay phủi đuôi lông mày: “Đã đến đủ rồi hả?”

“Có một người tên Thẩm Ngân Đăng không đến.”

Tay Tư Đằng hơi ngừng lại một chút, Tần Phóng còn tưởng rằng cô tức giận nào ngờ cô suy nghĩ rồi buông một câu thờ ơ: “Người động Ma Cô luôn chẳng có bản lĩnh gì, có lẽ cũng chẳng giúp được gì cho tôi.”

Tần Phóng thật sự không ưa cái kiểu tự cao tự đại này của cô, anh sầm mặt nói một câu: “Thuyền hư cũng còn ba ký đinh, động Ma Cô người ta có thể chiếm giữ một vị trí trong bảy đạo động nhất định là có chỗ độc đáo. Cô khinh địch như vậy nói không chừng sau này bị lật thuyền trong mương ở động Ma Cô đó.” (1)

(1) *Thuyền hư vẫn còn ba ký đinh: Dù có rách nát thế nào cũng có chỗ hữu dụng.

**Lật thuyền trong mương: xảy ra chuyện không đáng.

Tư Đằng không nhìn anh, thuận tay lại tô chân mày, nói một câu đầy hàm ý: “Tần Phóng, gần đây tôi khách sáo với cậu quá rồi hả?”

Quả nhiên nói sai một câu đã chạm nọc của lão phật gia. Có điều nhiều ngày sống chung với nhau như vậy, Tần Phóng ứng đối cũng trở nên nhanh nhạy: “Không phải là cô chịu đủ gian truân muốn báo thù rửa hận à? Tôi cũng chỉ đóng vai diễn viên khách mời thỉnh thoảng nói một câu lời thật mất lòng, để luôn luôn nhắc nhở cô đừng kiêu ngạo mà nắm chắc phần thắng thôi.”

Tư Đằng ngẫm nghĩ rồi lại gật đầu: “Kẻ có chí chuyện ắt thành, đập nồi dìm thuyền, Quang Trung hiểm trở cuối cùng cũng thuộc Sở. Người vất vả trời không phụ, nằm gai nếm mật, ba nghìn quân Việt cũng nuốt được nhà Ngô (2). Đoạn thơ tả thực này giống tôi.”

(2) Hai câu trong Tự Miễn Liên do Bồ Tùng Linh biên soạn. Đoạn thơ này nêu cao hai việc, một là việc Hạng Vũ nhà Sở dẫn binh qua sông đã đập nồi dìm thuyền không cho binh lính có đường quay về để họ quyết sống mái đánh tan quân Tần; hai là việc Việt Vương Câu Tiễn sau ba năm phục dịch và chịu nhục ở nước Ngô, ông đã giành được sự tin tưởng của Phù Sai và được Ngô Vương cho quay về nước Việt và sau đó cải cách cai trị lại đất nước và đánh bại nước Ngô vào năm 473 TCN. Ý của cả đoạn thơ này mang hàm nghĩa là “có chí thì nên”.

Cô vui giận thay đổi cực nhanh, thình lình lại nói cười nhẹ nhàng, tay đặt lên thái dương đứng dậy. Ngắm nhìn mình trong gương một lần nữa: “Đi, đừng để khách quý của chúng ta chờ sốt ruột.”

Ngoại trừ quan chủ Thương Hồng ra chưa ai từng được gặp Tư Đằng. Họ cũng phần nào mường tượng ra dáng vẻ của cô. Cứ tưởng là loại mặt xanh nanh vàng xấu xí vô cùng, chẳng ai muốn đến gần, chưa từng nghĩ rằng cô lại xinh đẹp rực rỡ đến nhường này. Nhưng kỳ lạ chính là khi thật sự nhìn thấy, trong lòng mỗi người đều nói: Đúng, cô ta chính là yêu quái, yêu quái là phải như vậy.

Quan chủ Thương Hồng nhìn Tư Đằng thướt tha đi đến, từ từ ngồi vào vị trí, tim ông đập loạn nhịp: Nhìn dáng vẻ thì giống, nhưng số tuổi lại không giống. Lúc đó mình thấy rõ ràng Tư Đằng là một phụ nữ trung niên, lẽ nào yêu quái này có thuật bảo dưỡng sắc đẹp biến già thành trẻ hay sao?

Thức ăn thịnh soạn, mùi thơm nức mũi được bày đầy trên bàn nhưng không ai động đũa. Tư Đằng nói: “Mọi người đừng khách sáo mà. Là thức ăn không hợp khẩu vị sao?”

Cô gắp một miếng nếm thử trước.

Ai còn có tâm tình ăn uống chứ? Mọi người như ngồi trên bàn chông, đều hướng mắt nhìn quan chủ Thương Hồng. Quan chủ Thương Hồng cũng biết nói về tình về lý thì mình nên lên tiếng, ông ngồi thẳng người khẽ hắng giọng hai tiếng: “Tiểu thư Tư Đằng.”

Tư Đằng liếc mắt nhìn sang: “Ơi?”

Khi nãy Tần Phóng đã miêu tả từng người cho cô nghe, ông già sắp gần đất xa trời này chắc là Thương Hồng rồi.

Bốn mắt nhìn nhau, Thương Hồng khẩn trương đến nỗi máu đều dồn lên não, chỉ sợ sau một khắc sắc mặt cô sẽ sa sầm nói một câu “Tôi đã gặp ông”. Sau giây lát khẩn trương, thấy cô không có phản ứng, lòng ông dần trấn tĩnh lại: “Tiểu thư Tư Đằng lần này muốn đòi nợ đạo môn chúng tôi sao?”

Tư Đằng cười cười, lấy khăn ăn lau nhẹ khóe miệng trước, rồi đặt đũa lại trên miếng sứ gác đũa: “Không thù không oán sao lại nói vậy?”

Không thù không oán ư? Quan chủ Thương Hồng thật sự sợ cô cố ý nói kháy: “Nhưng đời trước của chúng ta…”

“Lão quan chủ cũng đã nói là đời trước rồi, đều đã nhiều năm như vậy cứ để cho quá khứ trôi qua đi thôi. Con người tôi rất rộng lượng và biết lý lẽ, sẽ không có chuyện mà nợ cha con trả liên lụy đến cả con cháu đâu.”

Lời này vừa nói ra, tất cả mọi người đang lắng nghe đều an tâm. Chỉ có Tần Phóng đang giơ cao tách trà nghe thấy mấy chữ “rộng lượng và biết lý lẽ” liền bị sặc một cái. Ánh mắt Tư Đằng liếc sang, Tần Phóng thấy vậy nhiệt độ quanh người đều giảm xuống. Anh ho khan ngồi thẳng lên, niềm nở nhìn mọi người nói: “Nước trà nóng quá, mọi người đợi lát nữa hãy uống.”

Đạo trưởng Mã Khưu Dương không nhịn được: “Vậy cô còn hạ độc bọn tôi làm gì?”

Tư Đằng ngạc nhiên nói: “Không hạ độc các người thì sao mấy người đến dùng bữa cơm này chứ? Nếu không hạ độc tôi bảo các người làm việc thì làm sao các người chịu ngoan ngoãn đi làm? Mã đạo trưởng mới ba tuổi sao, mấy hiểu biết thông thường này mà cũng không biết à?”

Đạo trưởng Thương Hồng biết cô dường như đang nói chuyện khách sáo nhưng thật ra là ngầm ép buộc bắt họ phải chấp nhận. Ông vội vàng ra hiệu bằng ánh mắt ngăn Mã Khưu Dương lại: “Vậy tiểu thư Tư Đằng muốn chúng tôi làm chuyện gì?”

Tư Đằng không hề trả lời thẳng thắn, cô đổi đề tài hỏi ngược lại ông: “Nhiều năm qua các vị có từng nghe, từng bắt hoặc là từng thấy yêu quái khác không?”