Bảy Thanh Hung Giản

Quyển 1 - Chương 21




Thời thiếu nữ dại khờ, bởi kém hiểu biết mà sinh mông muội.

Sau này khi số tuổi ngày càng tăng lên, Lý Á Thanh mới lại càng nhận ra câu này quả là có đạo lý.

Nếu đổi lại là một Lý Á Thanh của ngày hôm nay, đã kinh qua bao chặng đường gian khổ, trở nên thờ ơ lạnh nhạt với rất nhiều sự đời, coi núi cao chỉ như hòn đá trong tay, Trường Giang Hoàng Hà chỉ là con lạch dưới chân, có thể mỉm cười ôn hòa dẫn đường chỉ lối cho người sau, một Lý Á Thanh như thế chắc chắn sẽ không bao giờ vì một kẻ cặn bã như Trương Quang Hoa mà thần hồn điên đảo.

Nhưng thuở ban đầu lại không phải vậy, trước đây, trong mắt bà, Trương Quang tuấn tú nho nhã, ăn nói hài hước, áo da quần nhung kẻ mà bọn con trai ngổ ngáo hay mặc, lên người y lại vô cùng có phong cách, người cũng như tên, rực rỡ sáng chói, đứng ở nơi nào là lập tức người nơi ấy đều ảm đạm vô vị.

Chưa đến hai mươi, bà đã có mang.

Trương Quang Hoa dỗ bà đi phá thai, đưa bà đến một phòng khám thấp kém trong ngõ hẻm, vào đó, tấm vải trắng trên bàn mổ loang lổ vết máu, mụ bác sĩ còn chẳng thèm đeo găng tay cao su, lấy từ ngăn kéo ra một cái kéo nạo thai mỏ vịt, khuấy vài cái trong nước nóng để khử trùng, bảo bà: “Nằm lên đó.”

Bà từ nhỏ đã được giáo dục kĩ lưỡng, mẹ bà thường xuyên nhắc bà phải chăm rửa tay, nói là “Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều loại vi khuẩn virus không nhìn thấy”, dụng cụ nạo thai thế này, có thể sạch sẽ ư? Không biết đã qua sử dụng bao nhiêu lần rồi nữa.

Mặt Lý Á Thanh trắng bệch, tông cửa xông ra ngoài, sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng vẫn khóc lóc cầu xin mẹ mình giúp đỡ.

Còn nhớ sau khi mẹ bà nghe xong, đã ngã ngồi trên ghế salon, tay ôm ngực, nói: “Mẹ không thở được.”

Mẹ bà là một trí thức có tu dưỡng, dù tức giận thì tư thái vẫn rất tao nhã lễ độ.

Cha mẹ bàn tính một đêm, đến cuối tuần, một nhà ba người cứ như đi ăn trộm, quàng khăn trùm đầu đeo khẩu trang bịt kín mặt, ngồi xe sang huyện bên, đi tìm người bạn làm việc ở khoa sản đã lâu không gặp lại của mẹ bà. Mẹ bà nói với người ta: “Là con cháu thân thích, con bé không được đi học, bị người đời lừa gạt.”

Phẫu thuật xong trở về, thái độ của cha mẹ đối với bà xuống dốc không phanh, thế nhưng cũng tùy lúc, trước mặt người ngoài vẫn là phụ từ nữ hiếu, nhưng một khi đã vào nhà thì lập tức lạnh lùng như hầm băng, cả mấy ngày trời mới khó khăn lắm nói với nhau được một câu.

Về sau bà mới biết, đó cũng là một loại bạo lực gia đình, bạo lực lạnh.

Có lần cửa phòng ngủ của cha mẹ đóng không chặt, bà nghe hai người họ nói chuyện với nhau, lời nói thể hiện sự thất vọng tột độ về bà, dùng từ cũng rất đay nghiến, “Sao có thể làm ra chuyện như thế chứ”, “Đức hạnh suy đồi”, “Chẳng còn mặt mũi đi gặp người khác nữa”, “Đời này đúng là số khổ, một đứa con gái thì tìm về không được, đứa còn lại thì khiến cha mẹ không ngóc đầu lên được”, “Sớm biết thế này thì hồi trước đã giữ đứa kia, cho quách đứa này đi rồi”.

Chuyện này bà đã biết từ lâu, cha mẹ bà ngày trước khó khăn đói kém, đẻ ra một cặp con gái song sinh mà nuôi không nổi, bèn đem một đứa cho một nhà hảo tâm ở nông thôn, sau này thời loạn qua đi, ổn định được lập lại, vị trí của trí thức được đề cao ngất ngưởng, muốn tìm lại con về, nhưng gia đình kia đã sớm chuyển đi nơi nào không hay.

Bà thầm lưu tâm, nghĩ rằng, nếu có thể tìm được cô em gái ruột kia về, quan hệ với cha mẹ có khi nào sẽ được cải thiện không?

Thời gian cứ bình thản trôi đi, nhưng xen kẽ trong đó là một vài chuyện vi diệu không sao bình thản được.

Một là, Trương Quang Hoa năm đó không được đề bạt, còn bị điều chuyển đến thành phố Linh Bảo tỉnh Hà Nam nửa năm để “trao đổi học tập”.

Hai là, mẹ bà nhờ người, giới thiệu cho bà một người bạn trai hơn bà vài tuổi, làm công tác bàn giấy ở đồn công an, tên là Lý Thản.

Lý Thản đối với bà vừa gặp đã yêu, hệt như một thanh niên mới lần đầu rơi vào lưới tình, cho bà mượn sách, hẹn bà đi công viên tản bộ, đôi lúc còn vẽ một vài bức tranh phong cảnh bằng bút mực, ngập ngừng ấp úng nhờ bà cho ý kiến.

Bà không thích Lý Thản, trước đó đã có Trương Quang Hoa nên Lý Thản dù làm thế nào bà cũng không ưng ý, nhưng vì để thỏa lòng cha mẹ, bà đành lễ phép nhận lời. Lý Thản đối xử với bà tự nhiên là rất tốt, mỗi lần đi công tác về đều mua quà tặng bà, khăn quàng tơ lụa, giày da cao gót, áo len đan máy, còn mua biếu cha mẹ bà đồ thủy sản, thịt khô, mộc nhĩ dày thịt không rễ nữa.

Khi đó bà không cảm nhận được tấm lòng thành của ông, chỉ cảm thấy cả người ông ta đều toát ra mùi tục tằng tầm thường.

Nhưng có lẽ còn bởi, khi đó, bà vẫn đang âm thầm trao đổi thư từ với Trương Quang Hoa.

Chữ viết bằng bút máy của Trương Quang Hoa rất đẹp, phong lưu dào dạt, kể về lai lịch ải Hàm Cốc cho bà đọc, “Ải ở trong cốc, sâu hiểm khó vào”, y thường dẫn bạn bè vào đó du ngoạn, hồi tưởng lại tiếng ngựa hí vang vọng chiến trường. Trong phong bì còn gửi kèm một hạt đậu đỏ, khuấy đảo tâm trí khiến bà ruột gan rối bời.

Lấy vật này tỏ nỗi tương tư (*).

(*) Đậu đỏ ở Trung Quốc còn được gọi là đậu tương tư, biểu trưng cho nối nhớ nhung, niềm tương tư trong tình yêu đôi lứa.

Bà mở lịch ra đếm ngày, mong ngóng đợi Trương Quang Hoa trở về, mắt thấy đã đến ngày, mẹ bà lại chợt bảo: “Mẹ thấy con với Lý Thản cũng đã tương đối rồi, hôm nào ăn một bữa, định một ngày, ít nhất cũng đính hôn trước đi.”

Mẹ bà cũng biết Trương Quang Hoa đã quay lại, phòng bà chưa hết lòng gian nên ra tay chặn đường trước.

Bữa ăn đó, Lý Thản đi một đôi giày da bóng loáng, tóc vuốt keo, mỗi ngọn tóc đều nghiêng về một phía đâu vào đấy, lúc ăn cơm thì liên tục một tràng “dạ dạ vâng vâng”, nụ cười trên mặt như muốn ép ra cả nếp nhăn.

Thật sự cam nguyện gả cho một người như vậy sao?

Ăn cơm xong, bà lấy cớ đau đầu, xin nửa ngày nghỉ phép, ngồi trên salon, lấy ngón tay cào lên bức tranh phong cảnh của Lý Thản cho hả giận, từng vết, từng vết.

Đúng lúc đó, điện thoại chợt vang lên.

Bà cả người bốc hỏa, hung tợn bắt máy: “Alo?”

Người kia như bị dọa, khiếp sợ dè dặt hỏi: “Cho hỏi, đây là nhà giáo sư Lý phải không ạ?”

Cuộc gọi ấy, thật sự là bước ngoặt thay đổi cả đời bà.

Người gọi tới, là Hoắc Tử Hồng.

Tình tiết giống như trong một bộ phim truyền hình cũ kỹ, cha mẹ Hoắc Tử Hồng sau khi dẫn theo cô ấy ra khỏi thôn, kỳ thật cũng gián tiếp biết được tin tức giáo sư Lý bên kia đang tìm lại con gái, vậy nhưng lại bị tâm lý tiểu nhân quấy nhiễu, cảm thấy nuôi con bao năm như vậy, trả lại không công thế này thì thật không cam lòng, hơn nữa Hoắc Tử Hồng còn rất chịu thương chịu khó đỡ đần việc nặng cho nhà, nấu cơm giặt giũ, ra chợ bán rau, lanh lợi chăm chỉ biết bao, vậy nên gắng hết sức tránh né, chưa từng hồi đáp.

Cho đến tận ngày tai họa bất ngờ ập lên đầu, hai vợ chồng gặp tai nạn giao thông, Hoắc Tử Hồng đứng ngoài phòng phẫu thuật mà khóc đến đứt gan đứt ruột, khiến cha cô đột nhiên tỉnh ngộ hoàn toàn, trong lúc hấp hối mới liều mạng dùng hơi thở cuối cùng, nói cho Hoắc Tử Hồng biết về xuất thân thật sự của cô, danh tính và quê quán của cha ruột.

Nhưng rốt cuộc thì chuyện xảy ra bất ngờ, không có căn cứ chứng thực rõ ràng, qua tang sự, Hoắc Tử Hồng do dự mãi, cuối cùng vẫn nghe ngóng lấy được số điện thoại nhà họ Lý từ tay người khác, sợ sệt gọi tới hỏi thử.

Thật đúng là chuyện tốt vô cùng, Lý Á Thanh mừng đến quên cả sầu bi, bà dặn Hoắc Tử Hồng trước đó đừng để lộ vội, hôm sau tự mình rời nhà, ngồi xe về nông thôn.

Hoắc Tử Hồng đón bà ở bến xe, vừa thấy mặt, cả hai đều sửng sốt, chẳng cần phải chứng cớ xác thực gì nữa, chỉ cần khuôn mặt này là chứng minh được hết thảy.

Lý Á Thanh mừng rỡ cầm lấy tay Hoắc Tử Hồng lay lay: “Hai ta cứ như đúc ra từ cùng một khuôn vậy.”

Hoắc Tử Hồng hơi tự ti, từ một khuôn đúc ra ư, cô lại không nghĩ thế, Lý Á Thanh là người thành thị, ăn mặc kiểu thành thị, đi giày da, khoác áo măng tô, túi xách cũng bằng da, mà cô thì, trên đầu buộc khăn, ống quần không biết dính lá rau từ bao giờ, rõ rành rành là dáng vẻ kiếm ăn trong bùn đất.

Cô ấp úng hỏi Lý Á Thanh: “Nhà mình…điều kiện nhà mình có tốt không?”

Hướng tới tài phú là thói đời thường tình, Hoắc Tử Hồng cũng muốn được sống cuộc sống sung túc, có cha mẹ có năng lực làm đại thụ để dựa vào.

Trong đầu Lý Á Thanh chợt hiện lên một ý nghĩ: Nếu em ấy có thể thay mình gả cho Lý Thản thì tốt quá.

Rồi bà lại lắc mạnh đầu, cười nhạo suy nghĩ của mình đúng là hoang đường.

Lý Á Thanh ở nhà Hoắc Tử Hồng cả một buổi chiều, dù sao cũng là chị em, trời sinh đã thân thiết, cả hai rủ rỉ trò chuyện, mấy lần cùng nhau bật ngửa cười rũ rượi. Bà nói: “Cha mẹ tìm em đã lâu, tin này chị cũng chưa nói ra vội, phải tính toán cẩn thận trước đã, đến lúc đó chị sẽ dẫn em trịnh trọng ra mắt, tặng cho họ một niềm vui lớn!”

Trong nhà mây đen giăng kín bấy lâu, đã đến lúc đón một niềm vui bất ngờ về cho lòng người phấn khởi.

Hoắc Tử Hồng xử lý căn nhà cũ, chỉ nói với người ngoài là muốn vào thành phố làm công, sau khi đến hồ Lạc Mã, cô cố ý chọn thuê một căn nhà cách nhà Lý Á Thanh thật xa để tránh chuyện chưa đến “niềm vui bất ngờ” đã gặp phải người nhà họ Lý, trước mặt hàng xóm cũng chỉ nói là mình bán rau, thỉnh thoảng có người hỏi cô chuyện rau dưa, cô trả lời rõ ràng rành mạch.

Lý Á Thanh cứ cách hai ngày lại tới thăm cô, mỗi lần đều đeo khẩu trang đội mũ vành cúi thấp đầu, vào phòng rồi, cả hai chị em đều đang đầy một lòng bí mật mới không nhịn được phì cười. Lý Á Thanh mang cho cô quần áo của mình, dầu gội, kem dưỡng da, dạy cô thoa kem dưỡng lên da tay, làm vậy da sẽ mịn hơn đôi chút, lại giúp cô đổi kiểu tóc, dạy cô bắt chước giọng điệu của mình, thậm chí cả vẻ mặt khi hờn dỗi cũng giống nhau như đúc.

Mấy ngày nữa là tới sinh nhật cha, bà và Hoắc Tử Hồng đã lên kế hoạch xong xuôi, đến lúc đó hai người sẽ mặc quần áo giống nhau, để Hoắc Tử Hồng ở bên ngoài ứng đối, bà thì trốn vào tủ quần áo trước, đến khi Hoắc Tử Hồng ứng phó không nổi nữa hoặc cha mẹ thật sự tin vào quả lừa này, bà sẽ thình lình xuất hiện.

Big surprise, hoàn hảo!

Hoắc Tử Hồng còn hơi vướng mắc: “Thật sự không nói gì với cha mẹ trước sao? Em sợ đột ngột quá, họ sẽ không nhận em.”

Lý Á Thanh trấn an cô: “Cha mẹ vẫn luôn tìm em, sẽ không sao đâu, có chị ở đây, chị sẽ liều chết chứng minh cho em!”

Nghĩ đến mà cả cõi lòng lâng lâng.

Chỉ có một chuyện duy nhất khiến bà phiền muộn: Trương Quang Hoa không đến tìm bà, thỉnh thoảng chạm mặt, y cũng nhanh chóng tách ra, ngay cả đánh mắt nhướng mày ám hiệu cũng không có.

***

Đến ngày đã hẹn, canh lúc cha mẹ không để ý, bà lén lút dẫn Hoắc Tử Hồng vào nhà, bản thân thì cười trộm chui vào tủ quần áo, trước khi đóng cửa thì nháy mắt ra dấu với Hoắc Tử Hồng, ý là: Không sao đâu.

Đơn vị Lý Thản có việc, gọi điện thoại đến nói cả nhà cứ bắt đầu trước, không cần chờ ông ta.

Ngồi trong tủ quần áo cũng có chút phát rầu, Lý Á Thanh buồn chán muốn chết, bà kỳ thật còn mong Lý Thản gặp được Hoắc Tử Hồng: cùng một khuôn mặt, có khi ông ta lại thích kiểu người như Hoắc Tử Hồng hơn không chừng.

Trong nhà có vẻ như rất náo nhiệt, chắc là đồ ăn đã được dọn lên bàn, có tiếng kéo ghế, tiếng bát chén va chạm, còn có cả… Chợt, tiếng đập cửa vang lên.

Lý Thản lại có thể đến sớm vậy sao?

Bà nghe cha mình cực kỳ không vui nói một câu: “Cậu sao lại tới…”

Còn chưa nói hết, bỗng vang lên một tiếng nghèn nghẹt, tiếp đó là một hồi hỗn loạn, lật tay áp lên cửa tủ, Lý Á Thanh chắc chắn rằng mình đã nghe thấy tiếng hét chói tai ngắn ngủi của mẹ mình và cả tiếng Hoắc Tử Hồng giãy giụa như đang đấm đá loạn xạ, thế nhưng không biết bắt đầu từ giây phút nào, tất cả lại chìm vào yên lặng.

Trong Lý Á Thanh trống rỗng.

Xảy ra chuyện rồi, bà liều mạng bịt miệng mình, ngồi trong tủ quần áo mà không khống chế được run cầm cập, trong đầu lũ lượt hiện lên những cảnh tượng máu me be bét.

Tiếng ồn bên ngoài vang lên không dứt, kéo ghế, đạp tường, di chuyển, kẻ sát nhân vẫn chưa đi sao?

Bà nghi ngờ, cẩn thận từng li từng tí, nhẹ nhàng, nín thở, đẩy cửa tủ ra thành một khe hẹp bé tẹo.

Hoắc Tử Hồng nằm nghiêng trên mặt đất, dưới thân là một vũng máu, miệng khẽ nhếch, mắt trừng lớn, con ngươi không có chút thần sắc nào.

“Nhà mình…điều kiện nhà mình có tốt không?”