Bụi Trần Lắng Đọng

Chương 22: Phu nhân Anh quốc




Chú và chị gái của tôi về.

Chú từ Calcutta, Ấn Độ, còn chị thì từ Anh quốc về.

Chị về Ấn Độ nơi chú ở, sau đấy hai chú cháu về qua đường Tây Tạng. Họ xuống ngựa, lên lầu, tắm rửa sạch bụi đường, ăn uống, tôi không nói chuyện gì với cả hai người, chỉ nhìn hai người cho thật rõ.Tôi rất thích khuôn mặt của chú. Chú hơi giống cha, nhưng mặt tròn hơn, béo hơn, tươi hơn.Theo tôi hiểu, chú không phải là người thứ gì cũng muốn vơ về mình. Những người không muốn nhặt nhạnh thu vén từng thứ là người thông minh. Nói thật, tuy tôi ngốc, nhưng lại thích người thông minh.Tôi nói thử xem người thông minh mà tôi thích là như thế nào nhé. Họ không nhiều, đếm không đủ năm đầu ngón tay. Đó là Thổ ti Mạch Kỳ, ông đặc phái viên Hoàng Sơ Dân, người thư ký không có lưỡi, thêm vào đấy là chú tôi. Đấy, chỉ mới bốn ngón tay, vẫn còn một ngón nữa, kiểu gì cũng không co xuống nổi, đành để ngón út đứng thẳng, trông rất cố chấp.

Chú nói chuyện với tôi "Cháu chơi ngón tay à?" Ông vẫy tôi lại, lồng cái nhẫn mặt đá vào ngón út của tôi.

Mẹ nói "Món quà quý, chú cho nó quà quý như thế, rồi nó coi cái nhẫn ngọc thạch của chú như thứ đồ chơi, vứt đi cho mà xem".

Chú cười "Ngọc thạch cũng là đá, vứt thì thôi". Chú còn cúi xuống hỏi tôi "Cháu không vứt quà của chú đi chứ?"

"Cháu không biết, ai cũng bảo cháu ngốc".

"Tại sao chú không nhìn ra?"

Cha nói "Chưa đến lúc đấy thôi".

Lúc này chị cũng nói chuyện với tôi "Em đến đây".

Tôi không hiểu ngay chị nói gì, tưởng rằng mình lại ngốc.

Thật ra không phải tôi ngốc, mà do chị tôi nói tiếng mẹ đẻ lưỡi không cuộn tròn lại. Chị hoàn toàn biết câu ấy phải nói thế nào nhưng lưỡi không cuốn lại nổi. Chị nói không rõ ràng "em lại đây".Tôi không nghe rõ chị nói gì, nhưng thấy chị đưa tay ra, tôi hiểu chị bảo đến với chị.Trước đấy, thư chị viết cho tôi lời lẽ hết sức thân mật. Ví dụ nói về tôi, thư của chị viết "Thằng em trai mà chị chưa được gặp mặt thế nào, chắc là rất đáng yêu". Chị còn nói "Đừng nói nó ngốc, tất nhiên, nếu thật vậy cũng không sao, ở Anh có bác sĩ chữa khỏi bệnh tinh thần đấy". Mẹ nói, chị là người tốt, chị định đưa con sang Anh. Bây giờ người chị tốt bụng ấy đã về, nói một câu nghe không rõ rồi đưa tay ra cho tôi.Tôi đi tới, chị không kéo tay tôi như chú, mà đưa tay và ánh mắt lạnh lùng ngăn tôi lại.Trong nhà rất ấm, vậy mà chị vẫn đi găng tay trắng. Có thể chú hiểu ý chị, bảo tôi ghé miệng vào mu bàn tay chị. Chị cười, lấy từ trong ví ra những đồng bạc xanh xanh đỏ đỏ, xoè rộng ra, ấn vào tay tôi. Chú dạy tôi "Cháu cảm ơn đi nào".

Tôi hỏi "Trong tiếng Anh phu nhân là chị có phải không?"

"Phu nhân là quý bà".

Chị đã lấy một người Anh có chức tước gì đấy rồi. Cho nên chị không còn là chị tôi nữa, mà là quý bà, là phu nhân.

Chị cho tôi một tờ bạc nước ngoài, còn mới. Chị từ Anh về, bạc của những nước mà chị đã đi qua.Tôi nghĩ, tại sao chị không cho tôi một vài đồng tiền vàng, nghe nói ở Anh quốc có những đồng tiền vàng đẹp lắm cơ mà? Tôi nghĩ, thật ra chị không thích tôi.Tôi cũng không thích chị.Trước đây tôi rất muốn được gặp mặt chị, ấy là vì thường được xem ảnh chị. Lúc xem ảnh chị, chung quanh là bầu không khí lãnh địa nhà Mạch Kỳ, không khí từ trong khuôn viên nhà Mạch Kỳ. Nhưng lúc này chị ngồi kia, trên người là mùi hoàn toàn khác. Chúng tôi vẫn thường nói, người Hán không có mùi, nếu có thì chỉ là mùi nước, điều ấy cũng có nghĩa là không có mùi gì. Người từ Anh quốc về có mùi, trong đó có mùi cừu như tôi vẫn tưởng tượng.Trên người có mùi ấy đúng là người dã man, giống như chúng tôi. Nếu dùng cái mùi khác để át đi cái mùi ấy là người văn minh, ví dụ người Anh, ví dụ chị ở Anh quốc về. Chị cho tôi tiền, còn áp môi vào trán tôi, một mùi hỗn hợp từ trên người chị toả ra, làm tôi suýt buồn nôn.Thấy đấy, người Anh đã làm cho chị tôi không còn ra gì nữa!

Chị cho cha tôi một cái mũ dạ, cái mũ cao và cứng, trông như cái xô úp xuống. Mẹ tôi được cái vòng thuỷ tinh sáng long lanh. Bà Thổ ti biết cái thứ ấy không đáng một đồng. Mẹ lột một cái nhẫn nhỏ nhất đang đeo trên tay cũng có thể đổi được cả trăm xâu vòng ấy.

Sau đấy chú mới tặng quà cho mọi người. Ngoài cái nhẫn chú đeo vào ngón tay tôi, chú còn cho tôi một thanh bảo kiếm Ấn Độ có nạm đá quí. Chú nói "Cháu thông cảm, quà của cháu bé nhất so với mọi người. Số cháu là thế". Chú còn hỏi tôi "Cháu có thích chú không?"

Tôi nói "Cháu không thích chị".

Chú hỏi "Vậy anh cháu?"

Tôi nói "Trước đây anh thích cháu, nhưng bây giờ thôi rồi".

Không phải họ về chỉ để thăm chúng tôi.

Họ về vào lúc vùng người Hán, chính phủ quốc dân và đảng Cộng sản đang đánh nhau với Nhật. Hồi ấy chính phủ trung ương không còn đóng ở Bắc Kinh nơi tổ tiên chúng tôi vẫn đến, mà đã dời về Nam Kinh chúng tôi không quen. Phật sống Ban Thiền cũng đã đến nơi ấy, cho nên chúng tôi cho rằng chính phủ trung ương là chính phủ tốt. Phật sống của người Tạng không bao giờ đến cái nơi không có công đức. Chú tôi buôn bán từ Ấn Độ về Tây Tạng thường xuyên qua Nhật Cách Tắc có chùa Trát Thập của Ban Thiền vĩ đại. Chính vì vậy, chú buôn bán về tận Nam Kinh. Chú còn góp cho chính phủ Nam Kinh hẳn một chiếc máy bay đánh nhau với quân Nhật ở trên trời. Về sau chính phủ Quốc Dân mất Nam kinh. Chiếc máy bay chú tôi xuất tiền và một phi công người Nga rơi xuống con sông lớn nhất thiên hạ. Chú nói thế này "Máy bay của chú và phi công người Nga rơi xuống dòng sông lớn nhất thiên hạ". Phật sống Ban Thiền về Tây Tạng, chú đem tiền của đi đón, tiện thể về thăm quê. Xem ra, hồi ấy cha tôi nhượng quyền cho chú, chắc là chú cũng không làm Thổ ti, tất nhiên chú vẫn có ý kiến đối với gia đình.

Chú nói, thứ nhất, từ trong vòng xoáy của cuộc đấu tranh đã thoát ra rồi, không nên trồng thuốc phiện nữa.

Thứ hai, nhà Mạch Kỳ đã lớn mạnh hơn bao giờ hết, cũng đừng nên tỏ ra quá lớn mạnh. Chú nói, bây giờ không như ngày trước, Thổ ti sẽ không tồn tại lâu nữa đâu. Sẽ có ngày Tuyết Thành phía tây sẽ ngả theo Anh quốc, các Thổ ti phía đông tất nhiên phải quy thuận quốc gia người Hán

Thứ ba, xây dựng thị trường trên biên giới là suy nghĩ không gì tốt hơn. Chú nói, nếu sau này nhà Mạch Kỳ vẫn còn, biết đâu sẽ giàu lên vì buôn bán trên biên giới.

Thứ tư, chú đem cháu gái về để lấy một ít đồ cưới.

Cha nói "Tôi giao nó cho chú, chú không lo đồ cưới cho nó được à?"

Chú nói "Lúc cần đồ cưới, nó chỉ mong có vài ba người có tiền".

Cha nói "Thấy đấy, chú đã dạy nó thành người thế đấy".

Chú cười, không nói gì.

Cả nhà không ai thích cách biểu hiện của chị. Chị ở trong căn phòng cũ, người quản gia bảo chị căn phòng này ngày nào cũng có người quét dọn, giống như những ngày chị có nhà. Nhưng chị vẫn nhăn mũi, xịt nước hoa khắp phòng.

Chị nói với cha "Bảo người đưa đến cho con một chiếc máy thu thanh".

Cha hừm một tiếng, nhưng vẫn bảo người đưa đài đến cho chị. Chú cũng không ngờ chị đưa cả bình ắc qui về. Chỉ lát sau, trong phòng chị có tiếng nói lạ hoắc vang ra. Chị xoay những cái nút trên máy, chỗ nào cũng có cái tiếng ấy. Chú nói "Cháu biết đấy, không có đài nào có các tiết mục ở vùng này".

"Về Luân Đôn cháu không có chuyện gì để kể với mọi người". Chị nói tiếp "Tại sao cháu lại sinh ra ở cái nơi dã man, lạc hậu thế này!"

Thổ ti bực lắm, gọi con gái ra "Con về để lấy đồ cưới phải không? Lấy được đồ cưới thì cút ngay về nước Anh cho rảnh!"

Anh trai nghe tin, vội vàng từ biên giới phía bắc quay về. Nói ra cũng lạ, cả nhà chỉ có anh là thích chị, hình như chị làm ra vẻ một phu nhân Anh quốc mới thật sự là thân nhân của anh. Nhưng chị thân yêu nói với anh "Nghe nói cậu cứ đi ve vãn mấy đứa con gái dưới bản, một quý tộc mà chẳng biết thể diện là gì. Cậu phải làm bạn với mấy cô gái con nhà Thổ ti chứ". Anh nghe mà dở cười dở khóc. Hình như chị không biết phải cưỡi ngựa đi mấy ngày đường mới đến được các cô gái con nhà Thổ ti, không phải hễ đêm nào có trăng chỉ cần vài bước chân là đến được.

Anh bực tức nói với tôi "Nhà Mạch Kỳ toàn là những quái nhân!"

Tôi cũng muốn phụ hoạ với anh vài câu, nhưng nghĩ lại, anh vơ đũa cả nắm, có cả tôi trong đó.

Chị về, cha cho chị hai thồ bạc trắng và một ít đá quý. Chị đi đâu cũng không yên tâm, bảo người đưa từ dưới kho tầng hầm lên phòng chị trên tầng bốn. Cha hỏi chú "Thế nào, nó ở Anh khó khăn lắm à?"

Chú nói "Cuộc sống của nó tốt hai bác ở đây khó mà tưởng tượng nổi. Nó biết sẽ không bao giờ về lại quê hương, cho nên mới cần nhiều bạc như thế. Nó muốn có cuộc sống tốt đẹp mà hai bác ở nhà đây không hình dung nổi, nên mới cần những thứ ấy".

Cha nói với mẹ "Trời đất ơi, tôi không thích nó một chút nào, vậy mà hồi nhỏ ai cũng thích nó. Phải cho nó thêm một ít vàng".

Mẹ nói "Dù sao thì mấy năm trồng thuốc phiện, nhà Mạch Kỳ giàu hơn bất cứ ai ở trên đời này rồi".

Thổ ti nói "Nó giống mẹ nó lắm".

Bà Thổ ti nói "Được vàng rồi bảo cô ấy đi khỏi đây sớm một chút".

Chú nói "Hai bác khỏi phải đau lòng, tôi cho cháu còn nhiều hơn rất nhiều so với hai bác cho".

Được vàng rồi, chị nói "Phải đi thôi, phải về bên ấy".

Bà Thổ ti nói "Phu nhân không ở chơi ít lâu?"

Chị nói "Trai xa gái lâu ngày sẽ có chuyện, cho dù anh ấy là một người có thế lực ở Anh quốc".

Trước khi đi, chị và anh tôi ra đi chơi, tôi và chú cũng đi chơi.Thấy đấy, chúng tôi cũng biết một ít thói quen của người phương Tây. Anh tôi càng cử động càng buồn cười. Người mà mọi người không thích thì anh tỏ ra rất thích. Lúc hai người đi với nhau nói những gì tôi không biết, mà cũng không muốn biết. Nhưng tôi đi dạo với chú thật vui. Chú nói với tôi "Chú nhớ cháu nhiều".

Tôi hỏi chú một lần nữa "Có phải cháu ngốc thật không?"

Chú nhìn tôi hồi lâu, nói "Cháu là đứa trẻ rất đặc biệt".

"Đặc biệt?"

"Ấy là cháu không giống với những đứa trẻ khác".

"Cháu không thích chị".

"Đừng phải suy nghĩ vì chuyện ấy, chị cháu sẽ không về nữa đâu".

"Chú cũng không về nữa à?"

Chú nói "Chú có thể trở thành người Anh được à? Chú có thể trở thành người Ấn Độ được à? Không, chú phải về, ít ra là lúc chết, chú phải nhắm mắt dưới bầu trời này".

Hôm sau, họ lên đường. Chú đi nhưng cứ quay đầu nhìn lại. Chị thì thay một bộ đồ Anh quốc trắng, mũ còn có tấm mạng đen. Lúc chia tay, chị cũng không vén tấm mạng ấy lên.

Chị sẽ vĩnh viễn xa chúng tôi, xa quê hương. Nhưng cha vẫn lo cho tương lai của chị, cha hỏi chú "Bạc đưa sang Anh cũng có giá đấy chứ? Cũng là tiền nhỉ?"

Chú nói "Là tiền, đem sang Anh cũng là tiền".

Chị hỏi chú dọc đường sẽ qua những đâu.Tôi nghe thấy chị nhiều lần hỏi "Chúng ta có ngồi kiệu của người Trung Quốc không?"

Chú nói "Nếu cháu muốn".

"Cháu không tin người Hán mặc đồ đen khiêng cả cái nhà nhỏ trên vai mà đi".

Anh nói "Đúng đấy, tôi cũng đã ngồi rồi".

Chú nói "Chú không lo chuyện ấy, chỉ lo dọc đường gặp bọn thổ phỉ".

Chị nói "Nghe nói người Trung Quốc sợ người Anh, cháu có hộ chiếu Anh quốc".

Lúc nói chuyện, họ đã đi đến cửa núi, chúng tôi đứng lại, nhìn theo họ đi xa. Chị đi không quay lại, còn chú thì cứ chốc chốc lại quay lại, vẫy vẫy chúng tôi.

Họ đi rồi, anh tôi lại tốt với tôi. Anh nói, đợi đến lúc anh lên làm Thổ ti sẽ thường xuyên cho tôi gái.

Tôi cười ngốc nghếch.

Anh xoa đầu tôi "Chỉ cần em nghe lời anh. Cái con Ta Na của em mông chả có, ngực cũng không. Anh sẽ cho chú mày một cô mông to vú nở".

"Cứ để anh làm Thổ ti đã".

"Con gái như thế mới là con gái. Anh sẽ cho chú mày một đứa con gái đích thực".

"Cứ chờ anh lên làm Thổ ti đã".

"Phải cho chú mày thưởng thức mùi vị con gái thật sự".

Tôi hết chịu nổi, nói "Anh thân mến, nếu anh lên làm Thổ ti".

Mặt anh liền biến sắc, không nói nữa, nhưng tôi hỏi "Anh cho em mấy cô?"

"Mày cút đi, mày không phải là ngốc".

Lúc ấy Thổ ti xuất hiện, ông hỏi hai cậu con trai đang tranh luận chuyện gì.Tôi nói "Anh bảo con không ngốc".

Cha nói "Trời đất ơi, mày không ngốc thì ai ngốc?"

Người kế thừa Thổ ti trong tương lai nói "Cái bà người Hán dạy nó giả vờ ngốc đấy".

Thổ ti thở dài, khẽ nói "Có một thằng em ngốc còn chưa đủ, thằng anh cũng sắp trở thành ngốc nữa hay sao?"

Anh cúi đầu, vội vã bỏ đi. Mây đen thoáng hiện trên mặt cha.Tôi phải nói ra nhiều lời ngốc nghếch cha mới dần dần nở nụ cười. Cha nói "Cha muốn con không ngốc, nhưng con chính là một thằng ngốc".

Cha xoa đầu tôi, nơi sâu thẳm của lòng tôi bỗng xao động. Nơi ấy có một tia sáng rọi vào, tôi đang định xem trong ấy có những gì thì tia sáng vụt kia vụt tắt.