Bướm Trắng

Chương 2




Sau khi nhiếp ảnh viên – cảnh sát làm xong nhiệm vụ, xác chết được bốc lên cáng mang đi. Thời kỳ đó vào năm 1956, nạn nhân là phụ nữ, da đen không cho đăng lên báo.

Xong rồi Quinten Naylor, Roland Hobbes và tôi cùng lên chiếc Chevrolet của Naylor. Gã còn chuông kiểu xe đời 1948.

“Vào ngành cảnh sát, ông không có xe riêng sao?”, tôi hỏi.

“Tôi đang ở nhà nghe gọi đi thẳng tới đây luôn”.

“Ông không mua nổi một chiếc ôtô à?”

Tôi ngồi ở băng ghế trước, Roland Hobbes ngồi ở băng sau. Cái gã khác người lúc nào cũng tỏ ra lịch sự biết điều, tôi thì chả thèm tin vô cái mã bề ngoài đó.

“Cần gì xe đời mới, có được chiếc này chạy cũng ngon ra phết”, Naylor nói.

Tôi nhìn xuống ghế ngồi, lớp đệm mút lòi ra ngay dưới chỗ đang ngồi.



• •

Bọn tôi chạy xe thẳng ra phố trung tâm – Central Avenue. Thời đó khung cảnh vùng ngoại ô chưa đến hồi xuống cấp. Đường phố sạch bóng ít khi nhìn thấy kẻ say rượu. Đi một chặng từ phố 100 Street qua phố Florence Boulevard có tới mười lăm nhà thờ. Tới cuối góc phố là hãng vỏ xe Goodyear. Đấy là hai tòa nhà cao ngất giữa một vùng đất mênh mông trải dài theo hướng đông bắc với một nhà xưởng Goodyear Blimp nữa. Nhìn về phía bên kia đường là trạm xăng dầu World. Đây là nơi lý tưởng cho mấy tay đua xe mô tô có nước sơn mạ kền bóng loáng từ bên Mễ qua.

Naylor cho xe dừng trước cổng hãng Goodyear chìa tấm thẻ ra. Xe chạy tới bãi đậu xe tráng nhựa phẳng phiu chứa hàng trăm chiếc đậu thẳng hàng như bày bán đấu giá. Bãi lúc nào cũng đông xe ra vô và hãng hoạt động 24/24 suốt cả tuần.

“Ta xuống xe đi bộ đi”. Naylor nói.

Bọn tôi xuống xe. Hobbes ngồi lại trong xe, tay nhặt tờ báo Jet mà Naylor bỏ lại, gã giở ra ngay trang giữa tờ phụ trang quần áo tắm.

Bên ngoài là một vùng đồng cỏ bao la. Trời vừa sẩm tối, xe chạy có vài chiếc đã bật đèn sáng trên xa lộ.

Tôi không muốn hỏi Naylor định đi tới đâu. Thì ra gã muốn cho tôi thấy có thể ngang nhiên đi băng qua bãi cỏ xinh đẹp như thế này.

“Ông có nghe chuyện con bé Juliette Leroi chưa?”, Quinten hỏi tôi.

Tôi đã nghe qua chuyện con bé bị giết chết nhưng giả vờ hỏi lại “Ai nhỉ?”

“Nó là người xứ Guiana thuộc địa Pháp, làm nghề phục vụ khách uống rượu cocktail ở quán bar Champagne Lounge”.

“Vậy hở?”, tôi hỏi xen vô.

“Nó bị giết chết cách đây cả tháng. Xác chết bị hãm hiếp cắt cổ quăng bỏ trong thùng rác ở phố Slauson”.

Tin đăng tải ở trang sau, đài phát thanh, truyền hình không nói gì về vụ này. Đa số dân da đen đã hay tin.

“Kế đến vụ con bé Willa Scott bị trói vô ống nước trong căn hộ bỏ hoang ở phố Hoover, miệng dán băng keo, đầu dập một mảng”.

“Một vụ hiếp nữa?”

“Mặt mũi còn dấu vết tinh dịch đàn ông, chưa thể xác định trước hay sau khi nó bị giết. Trước đó một người có thấy nó ở quán bar Black Irish”.

Tôi cảm thấy ruột gan đau nhói.

“Giờ phải đối phó vụ con bé Bonita Edwards”. Tôi đứng nhìn đồng cỏ với những sinh hoạt nhộn nhịp bên phía vùng Florence vừa nghe Naylor kể. Trời đã nhá nhem tối, xa xa đèn ôtô chiếu sáng lấp lánh.

“Con bé này tên vậy sao?”, tôi hỏi lại.

Đến đây rồi tôi mới cảm thấy ân hận. Tôi không muốn dính vô mấy vụ này. Khu hàng xóm đầy tai tiếng tôi không muốn nghe đến nữa.

“Ờ”, Quinten gật gù. “Nó là diễn viên múa cũng là gái bán bar. Cả bọn ba đứa đều là gái làng chơi thế đấy”.

Bãi cỏ xanh phủ đầy bụi đường xám xịt.

Vừa đi tôi vừa hỏi “vậy ông kể cho tôi nghe làm gì?”

Xác của Juliette LeRoi bị quẳng vào thùng đã hai ngày, bốc mùi thối. Xác chết ngay đơ. Mãi đến khi tin loan đi mới tìm thấy dấu vết để lại trên xác chết”.

Ruột gan tôi muốn lộn tùng phèo.

“Cả Willa Scott và Bonita Edwards cùng mang dấu vết như nhau”.

“Dấu vết ra sao?”

Mặt mũi Quinten tối sầm lại. “Cháy sém”, gã nói. “Dấu vết xì gà dí vô… vô hai bên vú”.

“Vậy là cùng một thủ phạm?”, tôi hỏi. Tôi chợt nghĩ đến Regina và Edna, tôi muốn quay về ngay để coi cửa ra vào đã khóa kỹ chưa.

Gã gật đầu: “Chắc vậy. Tên sát thủ muốn tỏ cho mọi người biết hắn là ai”.

Quinten nhìn vào mắt tôi. Phía sau lưng gã, thành phố Los Angeles đã lên đèn lấp lánh.

“Ông định tìm gì vậy?”, tôi hỏi gặng.

“Chúng tôi phải nhờ đến ông, vụ này gay đấy”.

“Chúng tôi” là thế nào? Là ai vậy. Hay là tôi với ông? Hay ta còn thuê mướn ai nữa?”.

“Ông hiểu ý tôi muốn nói gì rồi, ông Rawlins”.

Trước đây tôi đã từng làm việc với đủ mọi thành phần giáo dân, nhà buôn, dân áp phe với cả bọn cớm nữa. Tôi trở thành một cộng tác viên đáng tin cậy đại diện cho những người cô thế. Vì vậy tôi luôn có việc làm, có lúc bọn cớm phải nhờ đến tôi.

Lần mới đây tôi cộng tác với Naylor chiêu dụ tên sát thủ Lark Reeves ở tận Tijuana. Lark chơi cờ bạc gian lận tổ chức tại Compton, gã lo lót hai mươi lăm đôla cho thằng nhóc Chi-Chi Mac Donald trong khu phố ổ chuột. Đến lúc Chi- Chi đòi tiền với bộ mặt vênh váo, Lark rút súng chĩa vào mặt. Viên đạn sướt qua còn để lại dấu vết, Quinten muốn bắt giam Lark để được tưởng thưởng.

Đúng ra tôi không thể làm chuyện truy bắt một tên da đen nộp cho Nhà nước. Ngay lúc Quinten đến nhờ vả, tôi lại có việc cần. Số là một tuần trước ngày cưới Regina, nàng có người bà con bị bắt vì tội trộm. Robert xô xát với người chủ siêu thị. Gã mua nhầm một lô sữa bị chua, người bán hàng bảo gã nói láo, Robert chộp ngay một bình sữa bốn lít bỏ đi nhưng bị nắm áo gọi bảo vệ tới ngăn chặn.

Bob nói ngay, “Ông có phe phái, tôi có dao, chơi luôn”.

Với một con dao nhỏ Bob bị đi tù vì can tội cướp có hung khí.

Regina bênh vực bà con nên lúc Quinten đến nhờ lo vụ Lark tôi mới nhờ vả lại. Tôi mới cho hay đang tổ chức sòng bài ở khu phố Watts và bắn tiếng nhờ Lark trông coi. Trò chơi này hắn không thể bỏ qua.

Thua bạc Lark phải vô nhà giam San Quentin. Hắn không hay biết vụ tôi dàn cảnh với bọn cớm tại sòng bạc để bắt hắn dẫn về bót cảnh sát nhận dạng.

Qua vụ này Quinten được thăng cấp, do cấp trên tin là gã đã nắm vững từng tên một trong xóm bọn da đen. Nói toạc ra, tất cả công lao nhờ tôi mới được vậy. Mấy tên Nergo như tôi không màng tới chuyện lắm khi phải liều mạng.

Tôi từ giã mấy chuyện đó từ lúc lấy vợ tới nay. Tôi không thèm làm không công cho bọn cớm.

“Tôi có hay biết gì về vụ mấy con bé bị giết chết đâu. Ông tưởng là tôi sẽ báo cáo lại cho ông nghe hết hay sao? Ông tưởng tôi có thể sai khiến bọn chúng thôi đừng chém giết phụ nữ da đen nữa hay sao? Ôi, tôi còn vợ đẹp con ngoan đang mong ở nhà kia mà…”

“Vợ ông bình yên chứ?”

“Ông biết vậy à?”. Tôi cảm thấy máu hai bên màng tang dồn lại.

“Thủ phạm sát hại bọn gái làng chơi. Hắn không động đến những người làm việc ở bệnh viện?”

“Regina vẫn đi làm. Nàng phục vụ trong bệnh viện có khi tối mịt mới về. Lúc đó hắn có thể bám theo”.

“Vậy nên tôi mới nhờ đến ông, Easy”.

Tôi lắc đầu: “Không phải đâu, ông ơi. Tôi làm sao giúp được. Lấy gì mà giúp”.

Nghe vậy Naylor chới với. “Ông giúp chúng tôi một tay”, gã nói muốn hụt hơi.

Gã thất vọng. Gã chờ nghe tôi chỉ vẽ, bởi bọn cớm không thể ra tay chộp một tên sát thủ vốn chẳng hề làm chúng động tâm. Bọn chúng ra tay hành động nhanh một khi đó là kẻ ra tay giết vợ mình hay kẻ cho vay nặng lãi đi đòi nợ. Bọn chúng biết cách hỏi nhân chứng, nếu nhân chứng là người da trắng. Dù là một tên cướp da đen Quinten Naylor cũng không nhận được cảm tình của dân ở khu phố Wats, nơi đây là chốn dung thân của thành phần bất hảo.

“Ông đã làm được gì rồi nào?”, tôi hỏi bởi muốn tỏ lòng cảm thông/

“Chưa được gì sất. Ông sành đời hơn tôi”.

“Ông nhờ đến lực lượng chuyên nghiệp lo giùm cho”

“Làm gì có. Mỗi mình tôi thôi”.

Tiếng ôtô chạy vòng ngoài đường xa kêu vù vù như muỗi vo ve bên tai.

“Đã có ba đứa bị giết chết?”, tôi nói. “Hình như mọi người đang trông nhờ vào ông?”.

“Chỉ có Hobbes đứng về phía tôi”.

Tôi lắc đầu, giá mà tôi có thể làm rung chuyển mặt đất dưới chân mình.

“Tôi không thể giúp ông được”, tôi nói.

“Cũng phải có người giúp chứ, nếu không đố ai biết sẽ còn bao nhiêu đứa nữa sẽ bị giết chết?”.

“Có lẽ các ông đã thấm mệt cả rồi, Quinten”.

“Ông phải giúp chúng tôi một tay, Easy”.

“Không được rồi! Ông đang bị ám ảnh như trong cơn ác mộng, thưa ngài cảnh sát. Làm sao giúp ông được. Giá như tôi biết được tên thủ phạm hoặc một vài manh mối nào đó. Thế mà bao nhiêu chứng cứ đều do cảnh sát nắm giữ trong tay. Một người làm sao làm hết việc”.

Tay chân gã run lên vì tức giận. Thay vì giơ tay ra đấm vào mặt tôi, Quinten Naylor quay lại bước đi vênh váo ra tới chỗ bãi xe. Tôi chậm rãi bước theo không muốn đi gần gã. Quinten nhận lấy gánh nặng căm hờn của đồng loại trên hai vai. Bị bọn da màu căm ghét bởi gã ăn nói như một tên da trắng, được người da trắng bố trí việc làm. Đồng nghiệp thì xa lánh. Tên cuồng sát nào đó đang ra tay sát hại phụ nữ da đen,Quinten cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Chả ai muốn giúp và số nạn nhân nữ lại tăng lên.

“Ông về phe bọn tôi chứ, Easy?”. Roland Hobbes hỏi. Gã đặt tay lên vai tôi, Naylor nhấn ga cho xe chạy tới.

Tôi ngồi lặng thinh, Hobbes bỏ tay xuống. Tôi mong về tới nhà cho kịp. Nghĩ lại tôi cảm thấy áy náy vì không nhận lời. Tôi cảm thấy đau xót khi nghe tin về mấy con bé bị giết chết nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn. Tôi còn phải lo cho cuộc sống – có phải vậy không?