Búp Bê Bắc Kinh

Chương 55: Phụ lục




(Các bài báo về Xuân Thụ 

Và trào lưu văn học Linglei ở Trung Quốc) 

GIỌNG VĂN NỮ TRUNG QUỐC LÀM NGẠC NHIÊN THẾ GIỚI 

Giọng nói tự tin nhưng vẫn ngây thơ của một thiếu nữ 17 tuổi ở Bắc Kinh đã phơi bày những cấp độ của sự cô đơn vừa sôi sục nhưng cũng vừa vô cớ trong giới trẻ đô thị ở Trung Quốc, thế hệ mà coi thường học tập và khao khát khoái lạc đã trở thành một đặc tính rõ rệt nơi rất nhiều người. 

Búp bê Bắc Kinh chính là tác phẩm mà nhiều người hoài nghi có thể cho là một phiên bản Bắc Kinh của Bảo bối Thượng Hải – một tác phẩm best-seller với đầy những mối quan hệ nhục dục ướt át và cuộc sống đồi bại ở chốn đô thị của nữ tác giả Vệ Tuệ vào năm 1999. 

Thế nhưng những gì Xuân Thụ, tác giả Búp bê Bắc Kinh viết thì ít tự-ý-thức hơn là bộc lộ sự chân thành hơn nhiều đối với độc giả trẻ. Bút danh của cô – Xuân Thụ, nghĩa là “Cây mùa xuân” – chẳng hề khoa trương, bởi nó chỉ bộc lộ cái tuổi trẻ trung của nữ tác giả. 

Cuốn sách trần thuật của Xuân Thụ đã cất lên tiếng nói của thế hệ cô – một típ thiếu nữ đô thị không có những đặc quyền cũng như nền tảng gì, và được sinh ra ở đại lục vào cuối những năm 1980, mê đắm với nhạc rock tiên phong và “tinh thần punk”, theo đuổi tình yêu lâu bền và sự nồng say trong cái vòng của sự tha hóa và những khoái lạc chóng vánh. 

Trong cuốn sách của mình, Xuân Thụ đã tuyên bố rằng cô “ghét trường học”. “Tôi đã không vào trung học,” cô viết, “nhưng kể cả tôi có vào đi nữa thì có gì khác nhau nào? Tôi sẽ chẳng hạnh phúc hơn hay may mắn hơn.” 

Xuân Thụ đã chẳng để ý gì đến cái giọng khiêu khích của cô trong một đất nước vốn vẫn ám ảnh với bằng cấp và học vị sau khi cả một thế hệ đã không có cơ hội đến trường trong những năm Cách mạng Văn Hóa (1966-1976). Bởi lẽ cô thuộc về một thế hệ trẻ ngấp nghé hai mươi mà ký ức chẳng phải in dấu sự nhục nhằn và cơ cực. Và cô cũng chẳng quan tâm đến điều vẫn ám ảnh Vệ Tuệ trong Bảo bối Thượng Hải – một cuộc tìm kiếm cá tính và nền tảng đạo đức trong một đất nước đang thay đổi các giá trị. 

Xuân Thụ đắm mình trong sự truy tìm chính khoái lạc của mình và cô không ngần ngại kể ra trần trụi những chuỗi ngày đầy những nhục dục, nhạc rock và tụ tập bạn bè sống theo “tinh thần punk” của mình. Và, dù thiếu vắng rõ rệt sự tự vấn lương tâm trong cuốn truyện của mình, Xuân Thụ vẫn hấp dẫn độc giả hơn Vệ Tuệ bởi văn chương của cô ít tự-ý-thức về danh vọng của nhà văn hơn nhiều so với lối viết đầy tính toán của Bảo bối Thượng Hải. “Tôi nghĩ cô ấy độc lập và chân thành hơn Vệ Tuệ”, một độc giả Trung Quốc đã nhận xét như vậy trên một diễn đàn văn học. 

Sau khi xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 5.2002, Búp bê Bắc Kinh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản nước ngoài tại Đức, Anh và Mỹ để mua bản quyền xuất bản cuốn sách. 

Inter Press Service 

QUẬY KHÔNG CẦN NGUYÊN NHÂN

Trong Búp bê Bắc Kinh, người hay phải là người trẻ, và sống vô mục đích. 

Khi Vệ Tuệ viết Bảo bối Thượng Hải vào năm 1999, chị đã không chỉ khởi đầu một cuốn sách, mà là cả một thể loại: tự truyện, và luôn đầy nhục dục, những tác phẩm vừa hư cấu vừa kèm cả sự thật – được viết bởi những phụ nữ mới vào nghề nhưng đã muốn phơi bày cả cái hệ tư tưởng của lối sống cứng nhắc trong một đất nước Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng. Và tác phẩm mới nhất vừa trình làng chính là Búp bê Bắc Kinh của nữ tác giả Xuân Thụ, một người trẻ tuổi đập phá các khuôn mẫu. Cuốn tiểu thuyết nửa tự truyện được in lần đầu tiên vào năm 2002 khi Xuân Thụ mới mười bảy tuổi này, mới đây đã được dịch sang tiếng Anh, kể về cuộc sống sôi sục của một cô bé bỏ học trung học, và cũng có trùng tên với tác giả. Với Xuân Thụ, trường học là một sự câu thúc khó chịu ngăn trở cô đến với những mối quan tâm cấp thiết hơn như các bạn trai, các câu lạc bộ punk-rock, các trung tâm mua bán và cửa hàng McDonald. Sau khi bỏ học để viết cho một tờ báo lá cải thời thượng, Xuân Thụ trở lại trường học. Nhưng cô không thể chịu đựng được sự độc đoán cũng như các giáo viên khi ra lệnh cho cô phải làm thế này, phải sống thế nọ, và cô lại bỏ học lần nữa, lần này là vĩnh viễn. 

Thế giới của Xuân Thụ là một chốn quậy phá ầm ĩ, nơi mà âm nhạc của Sonic Youth và REM chia sẻ công chúng cùng các ban nhạc rock-alternative đại lục như Bàn Cổ, PK14. Đó là một thế giới mà các bậc cha mẹ dễ dãi nuông chiều những đứa con hư của họ - mẹ của Xuân Thụ đã từng đem cô từ Bắc Kinh đi Khai Phong để chơi bời với ban nhạc Tinh Noãn, một ban nhạc punk mà cô tôn sùng, rồi ở lại một mình trong một nhà khách cho đến khi Xuân Thụ sẵn lòng trở lại Bắc Kinh vào bốn hôm sau. 

Búp bê Bắc Kinh đã mở một cánh cửa về cái thế giới mới dường như vô mục đích của giới trẻ đô thị Trung Quốc. Xuân Thụ đã chứng tỏ sự tự do của mình bằng cách bỏ học và nhuộm tóc. Và ở Trung Quốc hiện nay, đó là sành điệu và quậy lắm. 

JACOB ADELMAN (Times) 

MỸ NỮ LINGLEI TRÀN NGẬP VĂN ĐÀN TRUNG QUỐC

Văn đàn Trung Quốc thời gian qua đã rầm rộ các loạt bài viết về cái gọi là “tiểu thuyết linglei”, “văn học linglei”, “nhà văn linglei”, “tiểu thuyết nhân loại mới”,… mà các nhà văn nữ trẻ như Vệ Tuệ, Miên Miên, hay Xuân Thụ,… luôn là tiêu điểm. 

Họ thuộc lớp nhà văn “vãng sinh đại” (thế hệ sinh sau) ra đời vào những năm 1970, tuổi đời còn rất trẻ. Song với những tác phẩm như: Đường (của Miên Miên); Điên cuồng như Vệ Tuệ, Bảo bối Thượng Hải (của Vệ Tuệ); Búp bê Bắc Kinh (của Xuân Thụ),… các nữ tác giả linglei này đã trở thành tâm điểm của báo chí Trung Quốc với những luồng khen, chê lẫn lộn. 

Xu hướng khen thì cho rằng “họ đa nói toạc ra những điều thầm kín nhất trong lòng”, hoặc là “đem đến cho văn học gương mặt mới”,… Khuynh hướng chê thì trách họ “viết bằng thân thể chứ không phải viết bằng đầu”, rồi thì “viết bằng khí quan”,… 

Tuy nhiên, dù sao đi nữa, linglei cũng là xu hướng văn học phản ánh một xu thế tồn tại thực trong xã hội Trung Quốc. Đó là thế hệ linglei, một lớp người tự xưng là “tân hiện đại” (đã có cả tạp chí mang tên Tân hiện đại), theo đuổi lối sống bất cần, nổi trội, và tự do làm những gì họ thích. 

Và đó là nền tảng để các nhà văn mỹ nữ Trung Quốc làm mưa làm gió. Như Vệ Tuệ, được mệnh danh là bà tổ của “nhà văn thân thể”, chẳng những dùng thân thể để sáng tác mà còn dán cả thân mình lên trang bìa, rồi bộc bạch đó chính là “tôi”. 

Tiếp theo phải kể đến Miên Miên, tuy rằng tác giả này không thoát khỏi khuôn sáo cũ của Vệ Tuệ, tuy không nổi đình nổi đám bằng; rồi Xuân Thụ, với tự truyện Búp bê Bắc Kinh, cô gái bỏ học cấp 3 (dù có bố là sĩ quan quân đội cao cấp) viết về chính những kinh nghiệm tình ái của mình và đã có một best-seller xịn. 

Để làm thành thế hệ nhà văn mỹ nữ này, phải kể thêm cả Cửu Đan ở Singapore về và viết Quạ đen, tác phẩm kể về việc các cô gái Trung Quốc du học phải bán thân hoặc cặp bồ với người nước ngoài để mưu sinh; rồi đến Hồng Ảnh, nữ tác giả từ Anh về, lại có kế khác: ra sách, làm một vụ kiện, cũng nổi tiếng; sau cùng, phải kể đến An Ni Bảo Bối, một nữ tác giả chỉ chuyên viết trên mạng của đại lục với các nhân vật nữ đều chỉ có tên là An, nhân vật nam chỉ có tên là Lâm. Vậy mà An Ni Bảo Bối đã trở thành “nhà văn trên mạng thành công nhất ở Trung Quốc”. 

Các nhà văn mỹ nữ hiện chiếm đa số các best-seller ở Trung Quốc và gây một sức ép lớn. Đến nỗi các nhà văn già, thế hệ trước cũng phải noi theo, viết sách khêu gợi. Thiết Ngưng chẳng thẹn gì khi viết Đại dục nữ; Trương Kháng Kháng viết Tác nữ; còn Trì Lợi thì tỏ ra thẳng thừng với Hễ sướng thì hét lên; ngay cả Tất Thục Mẫn, một nữ tác giả vốn nghiêm chỉnh cũng đã xuất bản cuốn sách có tên: Hãy cứu lấy bầu vú,…Ảnh hưởng của thế hệ nhà văn mỹ nữ ở Trung Quốc quả thực chẳng phải là nhỏ. 

TRẦN MINH SƠN, (Lao động) 

LINGLEI LÀ GÌ?

Thế hệ những người trẻ coi thường lề thói ở đại lục gia tăng nhanh chóng đến nỗi, cũng như giới beatnik hay hippie ở Mỹ, shinjinrui ở Nhật, giới trẻ quậy phá này cũng đã có được biệt danh của riêng họ: linglei. Từ này từng có nghĩa là lưu manh, du côn. Giờ thì không. Năm 2004, Từ điển mới Tân Hoa - Từ điển chính thức của Trung Quốc đã định nghĩa linglei là lối sống năng động, và không hề chua thêm một chút gì ý nghĩa tiêu cực. Không giống như những trào lưu phản-văn-hóa ở Phương Tây vốn có động cơ là lo âu về kinh tế hoặc thất vọng về chính trị, sự nổi loạn chống lại các lề thói xã hội của các linglei của Trung Quốc chỉ là một hình thức của sự thể hiện bản thân, một cách mới để chứng tỏ sành điệu. (Times) 

Hết.