Bút Vẽ Giang Sơn, Mực Tô Xã Tắc

Quyển 1 - Chương 9: Học lễ, học văn




Trong sự mong chờ của Nguyễn Phong, một ngày trôi qua nhanh chóng. Sáng ngày hôm sau, Nguyễn Phong đi đến Trường Quý Thư Ốc từ rất sớm. Lúc hắn đến, vẫn còn chưa có một học sinh nào đến.

Nguyễn Phong đứng một mình trước cửa thư ốc, lặng yên ngắm nhìn những chữ viết trên tấm bảng. Hắn vẫn luôn hoài nghi, những chữ viết này có quan hệ với chữ viết ở thế giới của mình, chỉ là dù hắn cố nhìn kiểu gì đi chăng nữa, cũng không nhận ra được trên bảng đề những chữ gì. Cho đến khi mặt trời đã lên khỏi ngọn tre, những tia nắng đầu tiên cũng chiếu rọi lên tấm bảng. Chỉ trong một khắc, Nguyễn Phong lại cảm giác như mình nhìn thấy hình ảnh của thầy đồ, rồi lại như nhìn thấy khi hắn vui mừng treo tấm bảng đề tên trường lên, người dân xung quanh vui vẻ chúc mừng. Cả một phen tâm huyết cố gắng của một thầy đồ, như đều được gửi gắm vào trong những chữ viết kia. Chỉ là lần này, hắn không có thất thần quá lâu, mọi hình ảnh chỉ lướt qua mắt hắn trong một khoảnh khắc, và cũng không để lại trong lòng hắn quá nhiều cảm xúc như bức thư pháp ở đền Đô kia. Rõ ràng, hắn đọc không hiểu những chữ trên tấm bảng, nhưng tại sao hắn lại vẫn nhìn thấy ý niệm của người viết truyền vào trong đó? Và vì lí do gì, mà lần này cảm xúc trong lòng hắn lại không trào dâng mãnh liệt như trước đây? Nguyễn Phong suy nghĩ muốn vỡ đầu cũng không tìm ra được lời giải đáp. Nhưng không đợi hắn suy nghĩ thêm, từ phía đường làng đã truyền đến tiếng ríu rít của trẻ con, chắc là những học sinh đang đến lớp.

Buổi học bắt đầu với không khí hồ hởi của đám học trò, trong mắt đứa nào cũng có sự háo hức được học chữ. Thầy đồ cũng không để cho những học sinh của mình chờ lâu, đã bắt đầu lên tiếng giảng bài

“Cổ nhân có câu, tiên học lễ, hậu học văn. Đó chính là khuyên răn con người phải rèn luyễn lễ nghi, đạo đức trước khi bắt đầu học văn hóa. Đạo đức chính là cái gốc của con người. Người không rèn luyện đạo đức, khó mà trưởng thành. Nói một cách hình tượng, đạo đức giống như gốc rễ của cây, ngọn nguồn của sông suối. Gốc rễ có chắc, mạnh thì cây mới phát triển được cao. Nguồn nước có dồi dào, thì sông mới kéo dài, bền vững. Đạo đức có được rèn luyện, con người mới biết phân biệt đúng sai. Sự khác biệt giữa con người và con vật, chính là ở chỗ người biết suy xét, còn con vật thì chỉ làm theo bản năng. Có đạo đức tốt, con người mới có thể trưởng thành, bằng không, chỉ thích làm theo ý mình, làm theo bản năng thì con người cũng không khác con vật là bao” Nói đến đây, Vũ Ngôn dừng lại một chút, như để cho học sinh thời gian thấu hiểu những lời mình vừa nói.

“Chính vì vậy, việc đầu tiên thầy muốn dạy cho các trò, chính là lễ nghi, đạo đức. Các trò có thể bắt đầu rèn luyện đạo đức từ những việc đơn giản nhất. Đó là trung với vua, hiếu thuận với cha mẹ, gắn bó hòa thuận với anh em. Lại phải biết thương người như thể thương thân, biết duy trì đạo lý, lẽ phải. Trước khi làm việc phải biết suy xét, nói phải đi đôi với làm, đã hứa thì phải thực hiện. Làm được những điều này, có thể nói các trò đã giữ vững được đạo đức cơ bản. Sống trên đời, mọi việc luôn có đúng sai, giữ vững bổn tâm, làm việc đúng với lương tâm, thì các trò đã có thể coi là một con người có đạo đức tốt”.

“Được rồi, bây giờ thầy sẽ nói đến các quy định trong lớp học. Bước vào lớp học, trước tiên các trò phải chào thầy, đây là truyền thống tôn sư trọng đạo. Tiếp theo là các trò phải tôn trọng bạn học, xưng hô phải phép với bạn bè. Trong lớp không được làm việc riêng, phải giữ trật tự, tập trung nghe giảng, có gì không hiểu thì phải giơ tay phát biểu. Thầy chỉ yêu cầu những điều đơn giản này, các trò có làm được không?” Vũ Ngôn hỏi học trò, ngôn ngữ rất nhẹ nhàng, nhưng lại mang theo ý chí sắt đá, dường như có trò nào mà trả lời không, thì chắc chắn sẽ bị cho nghỉ học.

“Dạ thưa thầy, trò làm được ạ” Tất cả học sinh đều đồng thanh đáp lại.

“Tốt lắm. Bây giờ thầy sẽ giới thiệu cho các trò về những kiến thức mà thầy sẽ dạy”

Nguyễn Phong chăm chú lắng nghe, cảm thấy rất bất ngờ khi những kiến thức được dạy lại không hề xa lạ với hắn. Tam tự kinh, tứ thư ngũ kinh, hắn đều đã đọc qua, hoặc ít nhất cũng là được nghe ông nội hắn nhắc đến. Nguyễn Phong càng thêm chắc chắn với suy luận rằng mình đã ngược dòng thời gian về lại thời cổ đại.

Bài học vỡ lòng với các học trò, vẫn là Tam tự kinh đơn giản. Nguyễn Phong trước đây từng bị ông nội hắn bắt học thuộc lòng Tam tự kinh, vì vậy bây giờ hắn có nhắm mắt cũng đọc ra được. Sau bài học về tam tự kinh, thầy đồ bắt đầu hướng dẫn học trò cách viết chữ. Khởi đầu với những nét cơ bản nhất là nét ngang, nét sổ, nét phẩy, nét chấm. Mỗi nét chữ, thầy đều yêu cầu các trò về nhà luyện tập. Đối với Nguyễn Phong, hắn dù đã biết hết các nét này, nhưng vẫn chăm chú nghe giảng một lần. Hắn muốn tìm hiểu thật sâu về thư pháp, bắt đầu từ những nét chữ cơ bản nhất này.