Cát Bụi Giang Hồ

Chương 18: Hôn lễ thành đấu trường




Thật lâu, Trương Hảo Nhi lắc đầu thở dài sườn sượt :

- Thật hết biết nổi cô rồi. Tôi đã làm hết sức để tạo cho cô có được cơ hội tốt, chắc cô cũng biết điều ấy chớ?

Thư Hương gật gật :

- Tôi biết...

Trương Hảo Nhi cau mặt :

- Biết thì tại sao lại làm vậy? Khi không rồi phát... đuổi người ta? Cô có biết cơ hội tốt sẽ không bao giờ đến với mình hoài chớ?

Thư Hương ấp úng :

- Tôi... tôi sợ...

Trương Hảo Nhi nhướng mắt :

- Sợ? Mà sợ cái gì? Bộ hắn ăn thịt cô sao mà sợ dữ vậy?

Nói đến đây rồi hình như nghĩ ra việc gì, cô ta lại sặc cười :

- Bây giờ cô đâu phải cô bé lên năm lên bảy gì mà lại sợ cái chuyện kỳ cục như thế? Cái chuyện đó ai lại chẳng đi qua một lần, trừ phi cô muốn đi tu.

Thư Hương đỏ mặt :

- Thế nhưng... nhưng hắn... hắn làm gì... dữ quá, làm gì như là... như thế làm sao tôi chẳng sợ.

Trương Hảo Nhi cười :

- Điên ơi là điên, người ta chỉ sợ lạnh nhạt chớ ai lại đi sợ vồn vả? Ngu ơi là ngu, cô không hiểu đàn ông một chút nào à? Chính những người... hối hả như thế là những người thương mình nhất, thích mình nhất đó. Chớ không lẽ cô lại muốn như khi mới gặp à? Người ta lạnh nhạt với mình thì chính là lúc mà người ta nghĩ tới kẻ khác đó, biết chưa?

Thấy Thư Hương cúi mặt làm thinh, Trương Hảo Nhi hỏi :

- Như vậy là cô không phải sợ đâu. Thật là hết chỗ nói, cô thấy như thế là gấp quá, vội quá phải không?

Thư Hương ửng mặt gật gật đầu...

Trương Hảo Nhi cười, cô ta bước lại vuốt cuốn tóc Thư Hương, y như một người chị thấy em mình khờ khạo và cô ta dịu giọng :

- Thật thì cũng không phải tại cô, dầu sao cô cũng là con gái, nhưng khi cô đến cái tuổi của tôi rồi, cô sẽ thấy chính thái độ nôn nả của người đàn ông như thế là cái mà mình cầu không được đó. Cô không nghe người ta kể về Ngọc Hồ sao? Hắn là con người rất nhiệt tình, trừ phi người hắn không yêu. Nhớ không, lần đầu tiên hồi sáng đó, hắn chưa yêu cô nên hắn đâu có vồn vã với cô, nhưng khi hắn đã yêu rồi thì... thì đó là nhiệt tình, biết chưa?

Thư Hương ngập ngừng :

- Nhưng nếu hắn yêu tôi thì hắn phải có vẻ tôn trọng...

Trương Hảo Nhi “xì” một tiếng thật dài :

- Như vậy mà cũng nói tới ái tình. Cô không hiểu gì cả, có nhiều người khi đã quá yêu rồi, người ta còn không nói một tiếng nữa đó, người ta cứ như thế, cô không biết ái tình cũng như... một cơn đói, khi đã quá đói rồi thì ai ở đó mà nhởn nhơ, người ta phải cào cấu, người ta phải và, phải lùa, phải cho bụng được lưng lửng rồi mới có thể nghiền ngẫm, chậm rãi thưởng thức mùi vị được chớ? Ý cha, thật khó giải thích ghê đi... Đúng rồi, tự nhiên là phải tôn trọng, nhưng đó là chuyện trước mọi người, còn khi trong phòng kín, mình phải thông cảm, phải độ lượng trước... tình yêu, mình phải chiều người ta mới gọi là đáp lại sự nồng nhiệt ấy chớ.

Cô ta chớp chớp mắt và nói hơi nhỏ :

- Sau này rồi cô sẽ biết, chỉ cần một chút đó thôi, một chút vậy chớ ghi rất sâu vào tâm khảm của họ, có thể nói rằng sau lần đầu đó, người đàn ông họ dám đem cả sanh mạng của họ để bảo vệ người đàn bà, vì họ thấy người đàn bà đã yêu họ, bộc lộ qua sự hưởng ứng nồng nhiệt đó. Nói theo cách của võ lâm... thì, khi muốn nắm hết sanh mạng của đàn ông, người đàn bà chỉ cần mỗi một “chiêu” đầu, biết chưa? Đồ điên!

Hai vành tai của Thư Hương đỏ ửng lên, như bao nhiêu máu trong người dồn lên nơi đó, nàng cứ cúi riết mặt xuống chớ không dám ngẩng lên.

Trương Hảo Nhi cười :

- Thôi bỏ đi, sau này rồi rút kinh nghiệm. Bây giờ tôi hỏi cô, cô có thật tâm thật ý muốn được gả về cho hắn hay không?

Thư Hương ấp úng :

- Hắn đâu?

Trương Hảo Nhi nói :

- Đừng có hỏi hắn, cứ trả lời cho tôi biết rồi tôi sẽ liệu cho, chớ bây giờ cô có mời thỉnh hắn cũng không thể đến được đâu. Cô không biết cái tự ái của đàn ông, nhất là cái tự ái chánh đáng của một bậc anh hùng ngang dọc như Lữ Ngọc Hồ.

Thâu hết tất cả cam đảm từ dưới mắt cá đem lên, Thư Hương hỏi :

- Nếu tôi bằng lòng thì phải làm sao?

Trương Hảo Nhi đáp :

- Nếu như cô toàn tâm toàn ý thì tôi sẽ tìm cách sắp xếp hôn lễ hẳn hòi để nội đêm nay hai người động phòng hoa chúc.

Thư Hương lại hoảng :

- Trời ơi, gấp thế vậy sao?

Trương Hảo Nhi cau mặt :

- Nữa, cũng vậy nữa. Ngày mai này hắn đã phải về Giang Nam rồi, tôi không có cách gì cầm lại được. Nếu cô muốn được cùng đi với hắn thì phải làm lễ thành hôn, chỉ có thế hai người mới rong ngựa bên nhau trẩy hội Giang Nam, danh mới chánh, ngôn mới thuận, không sợ miệng đời đàm tiếu.

Thư Hương ngập ngừng :

- Nhưng... nhưng cũng phải để tôi tính...

Trương Hảo Nhi chắc lưỡi lắc đầu :

- Đúng là dở chứng, suy nghĩ rồi, đã quyết tâm bỏ nhà đi tìm người ta, bây giờ như thế là thỏa nguyện, vậy mà còn tính? Tính cái gì nữa chớ?

Và như đâm ngán cái tánh tình dị hợm của Thư Hương, Trương Hảo Nhi nói xẵng :

- Thôi, được rồi, tính thì cứ tính, nhưng tôi chỉ bảo đảm nội đêm nay, chớ ngày mai, con tuấn mã lướt gió Giang Nam thì tôi không biết làm sao nữa đó nghe. Tôi chỉ giúp theo cái mà tôi có thể cố gắng được thôi.

Thấy Thư Hương vẫn cúi đầu, Trương Hảo Nhi nói tiếp :

- Tôi thấy đây là cơ hội tao phùng ngàn năm một thuở của trai tài gái sắc, cô không chụp kịp cơ hội đó, tôi chỉ sợ ngày sau rất khó khăn.

Thư Hương mân mê vạt áo :

- Nhưng... nhưng Trương cô nương thấy như thế có gấp lắm không?

Trương Hảo Nhi thở dài :

- Nói thật nghe, nếu là tôi thì khỏi đi, tôi có thể đi ngay với hắn bây giờ, tôi chỉ sợ cách đến một đêm nay rồi không biết có gì ngoài ý muốn hay không. Bây giờ thì nói gấp, nhưng khi mà về đến Giang Nam, nghe người ta đón tiếp reo hò, nghe người ta vỗ tay hoan hô “Lữ phu nhân” thì chắc chắn sẽ tiếc rằng sao để cho trể quá!

Thư Hương nhắm mắt lại...

Phảng phất nàng thấy thiên hạ bu quanh, bàn tán: “Phải như thế chớ, phải một tuyệt sắc giai nhân như thế mới cùng với Lữ đại hiệp xứng đôi vừa lứa”.

Và nàng cũng phảng phất thấy trong đám đông đó có một cái đầu thật lớn của một tên lùn mập, thụt vô thụt ra, trong con mắt nhỏ mà dài của hắn bắn ra đầy những tia ngưỡng mộ mà cũng đầy đố kỵ...

Và cũng phảng phất nàng thấy rõ Trương... Óc Mít như phát khóc lên vì tức tối...

Nhưng Thư Hương tỉnh cái mơ màng vì Trương Hảo Nhi lại nói :

- Tôi thấy cô nên quyết định nhanh đi, nếu không thì ba cái tiếng “Lữ phu nhân” vang dội khắp đại Giang Nam Bắc đó sẽ bị người ta cưỡm mất đấy nghe.

Thư Hương vẫn cúi đầu.

Nhưng bây giờ thì nàng đã thấy rõ ràng rồi.

Nàng đã thấy đúng như Trương Hảo Nhi đã nói: “Cơ hội tao phùng chỉ đến một lần mà thôi”.

Nàng cũng nhớ hồi buổi sớm rồi, suýt chút nữa là nàng đã mất...

Nàng thấy nàng thật là may mắn, giá như không nhờ vào lòng tốt của Trương Hảo Nhi thì chắc chắn là bao nhiêu mộng ước vừa mới tới đã vuột khỏi tầm tay...

Nàng vụt nói lớn lên :

- Không, không ai xứng đáng mang danh vọng của Phu Nhân cả, không ai có thể cướp mất cái đó của tôi...

* * * * *

Áo cưới màu hồng.

Mặt của Thư Hương càng hồng hơn nữa.

Từ trong tấm gương, nàng nhìn khuôn mặt của mình và bất giác muốn khen lên vài tiếng.

Nhưng đã có người khen rồi.

Trương Hảo Nhi.

Cô ta quấn quýt bên cạnh Thư Hương để phụ lo trang điểm cho nàng, cô ta vừa lăn xăn không ngớt tay, vừa trầm trồ luôn miệng.

Lòng của Thư Hương bây giờ thật rạng rỡ như hoa, thứ hoa xuân tình ái.

Thư Hương chắc lưỡi :

- Thật quả đúng là thiên sanh giai ngẩu, Lữ Ngọc Hồ quả đã tu nhiều kiếp, mà “Lữ phu nhân” công tu chắc cũng không phải ít...

Cô ta cười nói tiếp :

- Đào Đại Gia khi nhận được tin con gái mình chọn đúng cho ông ta một người con rể xứng đáng như thế này, nhất định ông ta sẽ vô cùng thỏa mãn...

Thư Hương bỗng nghe lòng mình có muôn ngàn vị ngọt.

Một cái mộng tuy đã quyết tâm thực hiện, nhưng thật không có gì chắc chắn, bây giờ thì đã nắm gọn trong tay...

Chỉ tiếc một điều là không có Đào Liễu...

Nghĩ đến Đào Liễu là lại nhớ đến Tiểu Lan, nàng hỏi :

- Tiểu Lan đâu?

Trương Hảo Nhi đáp :

- Không biết cái con điên điên khùng khùng đó từ sáng đến giờ đâu mất biệt.

Thư Hương nói :

- Tôi có một đứa a hoàn giống nó như đúc, tên là Đào Liễu.

Trương Hảo Nhi nhướng mắt :

- Vậy nữa sao? Giống lắm à?

Thư Hương cười :

- Nói ra chắc khó tin, mới đầu đến đây tôi thiếu điều bật ngửa, tôi ôm nó và hỏi tại sao nó ở đây, làm con bé hết hồn, nó tưởng tôi điên.

Trương Hảo Nhi cười :

- Đã thế thì tôi cho nó theo luôn cô đó.

Thư Hương thở ra :

- Thật là buồn, không có Đào Liễu ở đây...

Trương Hảo Nhi hỏi :

- Chớ vậy nó đi đâu?

Thư Hương lắc đầu :

- Ai mà biết, từ ngày lạc nhau tại cái ổ của Vương đại nương thì tôi không còn gặp nó nữa, cũng mong là nó được bình yên...

Trương Hảo Nhi nói :

- Không có Đào Liễu thì tôi sẽ đi gọi Tiểu Lan cho, có nó thì cũng không đến đổi buồn đâu.

Cô ta nói xong là xăn xái đi ra...

Vừa ra khỏi cửa thì mặt cô ta nặng xuống...

Có bóng người thấp thoáng ngoài vườn, Trương Hảo Nhi xăm xăm đi về hướng đó và khẽ hỏi :

- Tiểu Lan đâu?

Người núp sau bụi hoa đáp :

- Tôi đã cho người coi chừng nó rồi.

Trương Hảo Nhi bước lại gần hơn :

- Coi chừng, đừng cho nó lãng vãng gần Thư Hương, đừng bao giờ cho nó có cơ hội nói chuyện.

Người đứng sau bụi hoa cười :

- Nếu muốn nó không nói được thì tôi sẽ làm cho nó... nín luôn.

* * * * *

Người thiếu phụ phù dâu tuy không lớn tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm.

Họ gồm một bọn mấy người, người nào cũng rất thông thạo lo về hôn lễ.

Có lẽ họ là những người chuyên môn sống về nghề đó.

Họ giúp cho Thư Hương trang điểm và thay áo thật nhanh.

Phấn son tuy có giúp cho người ta rạng rỡ nhưng phấn son nào cũng không thể so được với nét mặt của Thư Hương.

Sắc thái con người do lòng hân hoan mà tươi đẹp, lòng hân hoan pha lẫn thẹn thùa, đã làm cho vẻ mặt cô dâu trở thành đặc biệt mà bất cứ người nào cũng không có được, cho dầu đó là người đẹp, vì thế, từ ngàn xưa, tân nương nào cũng đẹp.

Vì vị tân nương này lại là Thư Hương, nàng đã có sẵn hương trời sắc nước..

Tiền viện văng vẳng tiếng sên phách, tiếng nhạc, tiếng cười, nội thanh âm đó không thôi cũng đủ nói lên đầy đủ ý nghĩa của tiệc cưới rồi.

Tuy hôn lễ cử hành có vẻ vội vàng, nhưng sự chuẩn bị cũng rất là chu đáo, tân khách đến dự cũng không phải ít.

Trương Hảo Nhi quả là con người giao du thật rộng.

Trong nhà, cái gì cũng có, nhưng chỉ không có nước trà.

Đó là lệ chung cho những buổi tiệc thành hôn.

Cô dâu đã chuẩn bị xong rồi, nhất định không được uống một giọt nước nào, bởi vì khi đã đội vòng hoa, khi đã phủ rèm mặt, thì không thể cởi ra cho đến khi động phòng, cho nên, nếu lỡ chừng mà cô dâu phải đi ra nhà tiểu thì quả là làm trò cười suốt cả đời người, ngoài ra, như thế là điều mà phong tục rất ư cấm kỵ.

Cho nên, bất cứ một đám cưới nào, cô dâu luôn luôn nhịn khát.

Trương Hảo Nhi thật là chu đáo.

Nàng chuẩn bị kỷ càng từng chút, không để lầm lỗi có thể xảy ra.

Thế nhưng không hiểu tại sao, Thư Hương vẫn thấy không được ổn.

Không ổn ở chỗ nào, nàng cũng không biết, nhưng nàng cứ cảm thấy như thế.

Lòng mong ước được gả về cho Lữ Ngọc Hồ, bây giờ thì đã hoàn toàn toại nguyện.

Lữ Ngọc Hồ chẳng những là bậc anh hùng, phong nhã mà lại còn nhu hòa hơn trong tưởng tượng của nàng nhiều.

Một người con gái được gả về cho hạng người như thế nhất định là thỏa mãn...

Nhưng đến khi về đến Giang Nam, có lẽ sự thỏa mãn, nơi đó là quê quán của chàng, thân bằng quyến thuộc sẽ vì hạnh phúc của chàng mà ca tụng, “Lữ phu nhân” lúc đó mới thật là huy hoàng.

Nơi đó hiện có nhiều người đang chờ đón.

Tất cả đều mỹ mãn, đều đúng với lý tưởng, thế nàng còn có chỗ nào gọi là không ổn?

Phải chăng bất cứ người thiếu nữ nào khi chuẩn bị đi vào “thiếu phụ” đều có cái bất an như thế?

Thư Hương trở ra, nàng dặn lòng hãy gạt ra cho kỳ hết những cái thuộc về “bất an” để hoàn toàn đẫm mình trong ao hạnh phúc.

“Cha mình biết mình thành hôn với Lữ Ngọc Hồ, nhất định người sẽ hân hoan, nhất định người sẽ không trách mình gì cả”.

Cho dầu không thỏa mãn ở điểm nào, nhất định cha nàng cũng thấy Lữ Ngọc Hồ ăn đứt Trương... Óc Mít.

Nghĩ đến tên Đại Đầu Quỷ là Thư Hương bỗng hơi cau mặt...

“Cho dầu như thế nào, đáng lý mình phải thỉnh hắn uống chén rượu mừng, nếu hay tin mình thành hôn, chắc chắn mặt hắn sẽ tươi hơn”.

Nhưng không hiểu sao, Thư Hương cảm thấy rằng chắc chắn từ đây về sau sẽ không bao giờ gặp lại hắn nữa.

Nàng bỗng thấy nhớ nhớ tên Đại Đầu Quỷ ấy vô cùng...

Một người con gái trước giờ thành thân, tâm sự ra sao? Cô ta nghĩ gì nhiều nhất?

Chắc chắn đám đàn ông không ai biết được.

Nó là một sự vi diệu lạ lùng mà bất cứ cô gái nào cũng không chịu nói ra.

Tiếng pháo xé tai.

Tiếng pháo thật ồn, nhưng cũng thật là êm tai, chắc chắn không tiếng ồn “điếc con ráy” nào mà lại... êm tai như thế ấy.

Tiếng pháo vừa dứt, tiếng người phụ lễ xướng lên :

- Nhất bái thiên địa...

Những người phù dâu vịn Thư Hương bước ra, họ dùng cùi chỏ thúc nhẹ nhẹ vào nàng, ngầm bảo hãy mau quì xuống.

Thư Hương biết rằng sau một lạy này, nàng sẽ không còn là “Đào tiểu thơ” nữa, sau một lạy này, nàng sẽ nghiểm nhiên là “Lữ phu nhân”.

Đám phù dâu hình như bắt đầu nôn nóng, họ thì thầm :

- Lạy mau đi!

Thư Hương chỉ nghe tiếng chớ không thấy người.

Bức “màn trinh tiết” bằng lụa đã phủ mặt nàng, không thấy được ai, không thấy được bất cứ cái gì.

Trong lòng của Thư Hương bỗng nhiên nổi lên một sự kinh hoàng kỳ dị...

“Tại làm sao lại không được nhìn”. Kết hôn là chuyện quang minh chính đại, mà lại không dám để mặt nhìn người?

Tập tục thật lạ kỳ.

Nhưng bây giờ thì không phải Thư Hương thắc mắt về tập tục, nàng đang sợ sệt.

Nàng bỗng nhớ lại cái hôn lễ mà “Tân nương chính là nàng”... hôm đó.

Hôm đó, lão già đánh xe đã nói một câu mà đến chết nàng cũng còn... ớn óc :

“Tân nương chính là cô đó”.

Nhưng bây giờ thì sao đây?

Bây giờ tân lang là ai?

Tự nhiên là Lữ Ngọc Hồ.

Lữ Ngọc Hồ có thể biến thành Lưu tiên sinh không?

Nhất định là không. Nhất định là không, Thư Hương lập đi lập lại trong lòng như thế.

Nhưng tại sao nàng vẫn sợ?

Thư Hương cảm nghe quanh mũi nàng ngưa ngứa, nàng đã rịn mồ hôi.

- “Tân nương sao còn chưa chịu lạy?”

Phía tân khách đã có nhiều tiếng xầm xì...

Đám phù dâu lại càng nôn, họ đẩy Thư Hương quì xuống.

Không biết bằng vào phản ứng tự nhiên nào, Thư Hương vụt cứng như khúc gỗ, nàng nói :

- Khoan, chờ một chút.

“Ủa, Tân nương sao lại nói?”

Có tiếng cười trong hàng tân khách và tiếp theo lại có nhiều tiếng xì xầm...

Đám phù dâu tái mặt.

Đây là nghề “chuyên môn” của họ, họ đã làm cái nghề này đã gần hai chục năm nay...

Có thể nói cuộc đời của họ sống nhờ vào đám cưới, thế nhưng có đám cưới nào cô dâu dị kỳ như thế?

Hàng mấy trăm đám rồi, đám nào cô dâu cũng đâu như cái máy, cứ hể nhích tay một chút là đã râm rấp làm theo, thế sao cô này bỗng đâm... trục trặc ngang như thế?

Rất may là Trương Hảo Nhi đã đi ngay lại và nói nhỏ bên tai :

- Tới rồi, tới giờ rồi còn chờ gì nữa?

Thư Hương cắn răng thật chặt và bật nói :

- Tôi... tôi cần phải nhìn hắn.

Trương Hảo Nhi cau mặt :

- Nhìn ai?

Thư Hương trả lời tiếng một :

- Hắn!

Tự nhiên Trương Hảo Nhi đã biết “hắn” là ai rồi, cô ta phát giận nhưng rồi lại bật cười :

- Gấp cái gì dữ vậy? Chờ chút xíu nữa động phòng rồi thì cô cậu mặc sức mà nhìn nhau, sợ lúc đó rồi đỏ mặt không dám nhìn thẳng đấy.

Thư Hương nói :

- Nhưng bây giờ thì tôi cần phải thấy hắn.

Trương Hảo Nhi dậm chân :

- Cái gì kỳ vậy? Tại làm sao lại phải thấy bây giờ?

Thư Hương nói :

- Tôi... nếu tôi không thấy rõ hắn là ai thì tôi làm sao yên tâm...

Đúng là bao nhiêu ngàn năm nghi lễ đã bị hủy bỏ ở tay nàng, thế nhưng Thư Hương vẫn nói tỉnh bơ, nàng không cần đến nghi thức gì cả, nàng phải được yên lòng...

Trương Hảo Nhi tức muốn chết nhưng lại cũng tức cười :

- Chẳng lẽ đến bây giờ mà lại sợ lầm người?

Thư Hương gật gật đầu.

Trương Hảo Nhi chắc lưỡi :

- Thật là hết chỗ... nhưng cũng được, tân nương cần thấy tân lang thì có ai làm sao cản được?

“Tân nương cần thấy mặt tân lang cũng đâu phải là chuyện trái với đạo thường”?

Tất cả tân khách đều cười ồ.

Nhưng Thư Hương không cần.

Ai nghe chuyện như thế mà cười thì người đó kỳ cục chớ không phải nàng kỳ cục.

Tấm “màn trinh tiết” được giở lên.

Trước mắt Thư Hương sáng rực.

Tân lang tự nhiên là đứng trước mặt nàng.

Mặc dầu tia mắt sáng có nhiều kinh dị vì hành động ngược đời của cô dâu nhưng cũng không vì đó mà làm giảm được vẻ tuấn tú khôi ngô của chú rể.

Hắn nhìn nàng, cái nhìn mang theo nụ cười nhu hòa thê thiếp.

Không có gì ngoài tưởng tượng.

Quả đúng là hắn.

Tân lang quả đúng là Lữ Ngọc Hồ.

Thư Hương thở phào và má nàng lại ửng hồng.

Bây giờ thì nàng cảm thấy đúng là “chim bị tên thấy cây cong cũng sợ”, nàng sợ quá rồi nên đâm ra không gì làm được yên lòng.

Nhưng bây giờ thì đã yên lòng, quá yên lòng.

Phải như vậy mới được chớ.

Bây giờ nàng đã “lớn” rồi, nàng đã khôn rồi, không một ai có thể gạt được nàng nữa cả.

Trương Hảo Nhi hỏi :

- Đủ chưa?

Thư Hương bẽn lẽn cúi đầu, đôi má hồng hồng của nàng bây giờ mới đúng là hoa nở...

Nàng cúi đầu thật thấp.

Bây giờ thì nàng không còn sợ nữa, những vẻ nơm nớp đã trở thành e thẹn và rộn lên niềm vui sướng...

Vuông lụa màu hồng lại được choàng lên.

Mặt của Thư Hương được che lại như cũ để hành lễ cho đúng với nghi thức.

Bây giờ thì nàng không khó chịu vì vuông khăn nữa, trái lại nàng cảm thấy có vuông khăn đỡ quá, nó giúp nàng giấu được vẻ mặt đỏ rần như say rượu của nàng.

Bên ngoài tiếng pháo lại nổi lên.

Hình như đây là ngoại lệ, người lo hôn lễ quyền biến cho đốt thêm tràng pháo nữa để cho nghi lễ thêm phần ấm cúng, vì từ nãy giờ có vẻ “lạnh lùng” quá.

Người xướng lễ cất giọng thật cao, hình như có cao giọng được nhiều, nuốt đồng tiền mới ngọt :

- Nhất bái thiên địa...

Bây giờ thì không còn gì trở ngại.

Bây giờ thì Thư Hương nhất định là phải lạy rồi!

Lần này mà nàng lạy thì quả là một lầm lẫn lớn lao.

Cũng không ai biết được lầm lẫn ấy tại chỗ nào?

Cũng không ai biết được lầm lẫn tại chỗ nào.

“Trai lớn phải lấy vợ, gái lớn phải lấy chồng”.

Đó là chuyện chính đáng hơn bất cứ chuyện chính đáng nào, nhất là đối với Thư Hương, nàng đã hoàn thành mộng tưởng, nàng đã toại nguyện thì làm sao lầm lẫn được?