Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

Chương 13




Mẹ tôi nói hôm bà ngoại mất mẹ không ở bên bà.

“Mẹ ở bên bà lâu như thế không ngờ vừa về thành phố một lúc thì bà mất”. Hôm ấy chỉ có mợ tôi ở thị trấn, mẹ không ở đó, dì cũng về dưới làng, cậu hai ở Thành Đô, cậu út thì bận rộn ở cửa hàng. Mợ tôi nói, hôm ấy tinh thần của bà rất tốt, còn bảo mợ tôi giúp bà đánh răng rửa mặt cẩn thận. “Sau đó bà bảo mợ lên gác xem ông đã ngủ chưa, bà bảo vậy mợ liền đi ngay, lúc mợ xuống gọi bà thì bà đã không đáp lại nữa, nhìn bà giống như đang ngủ”.

Tôi nghĩ chắc bà biết thời gian không còn nhiều, chỉ muốn giữ thể diện khi ra đi, không muốn bất cứ ai nhìn thấy lúc mình mất. Trước khi tới nhà tang lễ, bà ngoại được đặt nằm trong quan tài bằng thủy tinh, lúc trông đêm, thỉnh thoảng tôi lại đứng bên bà, chốc chốc lại bật khóc.

Trong thời gian diễn ra tang lễ của bà ngoại thì bất ngờ mẹ tôi lại đến tháng, theo tập tục mẹ tôi không được trực tiếp chạm vào bà ngoại, cũng không được trông đêm, đốt vàng… Mẹ tôi vô cùng buồn bã: “Con trai à, con phải giúp mẹ đốt nhiều tiền vàng cho bà ngoại con”.

“Mẹ ơi, mẹ, mẹ thực sự không muốn con tiễn mẹ chặng cuối cùng ư! Từ nay về sau con không còn mẹ nữa, mẹ còn không cho con chạm vào, con thực sự rất đau buồn, mẹ ơi…”. Trước khi hạ huyệt, phụ nữ trong nhà tôi đều vây quanh bà ngoại khóc lóc thảm thiết, mẹ tôi buồn lắm nhưng vẫn không dám tiến lại quá gần quan tài bằng thủy tinh.

“Mẹ ơi, mẹ ơi…”. Dì út khóc nức nở, trước giờ dì không khéo miệng nên cũng không biết nói gì, chỉ biết khóc lóc.

“Chị ơi, bà chị khốn khổ của em ơi, sao chị lại đi như thế? Chị của em ơi, chị của em ơi, chị đi rồi em biết tìm ai gọi chị đây?”. Bà dì tôi kêu khóc như vậy. Bà ngoại có một em gái, một em trai, dịp tết hàng năm chúng tôi đều lên nhà ông cậu ở trên núi, rất hẻo lánh, núi ở khu ấy mười năm cũng không có gì thay đổi. Tôi nghĩ những con đường trên ấy ngày bé có lẽ bà ngoại tôi đã từng đi qua.

Phụ nữ trong nhà đều khóc lóc vô cùng thương tâm, tôi không kiềm chế được bèn lên gác.

Cậu út nói với cậu hai: “Anh bảo mọi người đừng khóc nữa, bố nghe mọi người khóc như vậy e rằng sẽ không chịu nổi mất”.

“Cứ để họ khóc đi”. Cậu hai nói xong liền đi thăm ông ngoại.

Nhiều năm trước ông ngoại bị trúng gió, đi lại không mau lẹ, chừng mười năm trước ông ngoại đã chụp ảnh thờ. Cả nhà tôi hầu như ai cũng cảm thấy chắc chắn ông sẽ đi trước bà, không ai ngờ tới ngày hôm nay. Trong suốt thời gian tang lễ, ông ngoại đều ở trên gác, ngoài ăn cơm và ngủ ra ông đều ngồi trên ghế, thỉnh thoảng chào hỏi khi họ hàng tới thăm. Lúc này ông đứng dậy, khi cậu hai bước vào ông ngoại loạng choạng mấy bước, bám vào vai cậu, dựa vào người cậu, bật khóc.

Tôi thực sự không chịu nổi nữa, nấp vào trong phòng khóc lớn. Một lúc sau cậu hai bước vào: “Cháu đừng khóc nữa, có lòng hiếu kính là được rồi, ông ngoại nghe thấy lại buồn”. Mắt mũi nhòe nhoẹt, tôi bước xuống dưới lầu, nhưng vẫn không ngăn được nước mắt, tôi trốn vào phòng bà ngoại mất. Tôi là người rất ít khi khóc, tôi nghĩ hôm ấy tôi đã khóc hết nước mắt trong mười năm

Thực sự nói lời tạm biệt với bà ngoại, có lẽ là lúc ở nơi hỏa táng. Cả nhà từng người một bước lên, bà ngoại đã không còn nằm trong quan tài thủy tinh nữa, mọi người đưa tay là có thể chạm vào mặt bà. Em họ tôi là trưởng tôn, nhỏ hơn tôi tám tuổi, bật khóc dường như chẳng có nhiều điều phải bận tâm, lúc ấy em đã khóc nức nở, em vừa lau mặt cho bà vừa nói chuyện. Từng giọt nước mắt của dì út rơi xuống má bà, trong suốt như thủy tinh.

“Cháu mau đi lau mặt cho bà ngoại, lau hộ mẹ cháu nữa, mẹ cháu không được chạm vào bà”. Nỗi đau buồn của mẹ tôi lúc ấy, tôi nghĩ mình không thể nào biết được. và tới lúc tôi chạm vào bà, tôi mới hiểu thế nào là chết chóc. Khuôn mặt bà lạnh băng, dường như đã ở thế giới bên kia.

Vĩnh biệt, bà ngoại.

Giây phút bà bị đưa vào lò hỏa thiêu, hai chân mẹ tôi mềm nhũn, cả người đổ gục ra mặt đất, “Mẹ ơi”, mẹ tôi lẩm bẩm thốt lên.

Thời gian hỏa táng rất dài, cả nhà tôi có tổng cộng ba, bốn mươi người đi, mọi người đều an ủi lẫn nhau, đến khi hỏa táng xong tất cả đều đã bình tĩnh hơn.

Mẹ tôi nói: “Khi mẹ nhìn thấy tro cốt của bà sau khi hỏa táng, mẹ cảm thấy thanh thản hơn nhiều. mẹ nghĩ, linh hồn mẹ của mình đã cùng thể xác lên tới trời cao, bà sẽ không bao giờ phải chịu khổ nữa”.

Tro cốt của bà ngoại rất hoàn chỉnh, người ở khu hỏa táng chia ba túi đựng đầu, thân, chân do tôi, cậu út và dì út cùng ôm ngồi ở hàng ghế sau, cậu hai nâng di ảnh của bà ngồi bên ghế phụ. Theo lời dặn dò của bà mợ, chỉ đường về nhà cho bà ngoại để linh hồn của bà có thể thuận lợi về tới nhà. Tôi không biết cậu út và dì út nghĩ gì nhưng tôi chắc chắn họ không hề sợ hãi. Chúng tô ngồi trên xe, không ai nói với ai câu gì, chỉ chốc chốc lại nhìn mọi người, mỉm cười một cái. Tro cốt bà ngoại tôi đang ôm vẫn tỏa ra hơi ấm, giống như hồi nhỏ bà ôm tôi vậy, tôi rất an tâm.


Sau đó, tôi luôn muốn viết cho bà ngoại một bài văn nhưng viết mãi cũng không xong, thực ra bài viết này cũng không vừa ý. Trong quá trình viết tôi phát hiện có quá nhiều hồi ức ùa về, những cảnh tượng sống động như thật không ngừng hiện ra, giống như bà ngoại vẫn còn sống vậy.

Sau khi lớn lên tôi không thân thiết với bà như hồi còn nhỏ nữa, thời gian gặp bà ngoại trong một năm vốn đã rất ít, bây giờ hàng năm cũng chỉ có dịp tết mới lên núi thắp hương cho bà được. Mỗi lần trở về, căn nhà cũ trên núi không người ở lại xập xệ thêm một chút, chỉ có những bông cải dầu ngoài ruộng vẫn vàng rực rỡ, mọi thứ vẫn y như ngày tôi còn nhỏ. Trong thâm tâm tôi luôn tự nhủ, bà ngoại chưa từng ra đi.

Chỉ là tôi quên gọi điện thoại cho bà mà thôi.

Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một người không thích liên lạc với người khác thường xuyên, người thân đến mấy dường như chỉ sống trong kí ức của tôi. Số điện thoại của bà ngoại tôi được làm sau khi bà ốm, một năm trước khi bà mất, cho đến khi bà mất tôi cũng không gọi lấy một lần.

Đêm khuya sau khi bà ngoại mất được một năm, nhìn thấy số điện thoại này trong danh bạ, tôi bấm nút gọi, thấy thông báo đã tắt máy.

Tôi mới hiểu ra, có nhiều việc lúc đó không làm sau này mãi mãi chẳng có cơ hội nữa.

Tôi mới hiểu ra, mẹ tôi nói: “Từ bây giờ trở đi, mẹ không còn mẹ nữa”.

Ở quê tôi, mọi người gọi bà ngoại là “gia gia”, cả đời này, tôi chẳng còn cơ hội nói “ Gia gia, cháu về rồi” nữa.

Tôi không còn được nhìn thấy gia gia của tôi nữa, hàng lông mày của bà cong lên mỗi khi cười, giọng nói sang sảng của bà. Bà từng rất béo, béo tới nỗi quần áo tôi mua cho, bà cũng không mặc vừa, vậy mà sau đó bà gầy rộc đi, gầy tới mức độ một cơn gió thổi qua tôi cũng lo lắng liệu nó có thổi bà đi mất không nữa.

Trong tang lễ, câu điếu từ cuối cùng của một người già trong hội người cao tuổi là: “Muốn mẹ con gặp nhau lần nữa, trừ phi mơ giấc mộng Nam Kha”(*). Nhưng bao lâu như vậy rồi tôi không mơ thấy bà.

Cháu muốn được ôm bà nội một lần nữa, gọi bà một câu “gia gia”.

___________

(*) Mộng Nam Kha: Trong tiếng Hán có một câu thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha”, được dùng để chỉ cõi mộng hoặc một giấc mộng không tưởng, không thể thực hiện được của một người nào đó. Thành ngữ này có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Tiểu sử Nam Kha Thái Thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc thế kỉ IX công nguyên.