Còn Có Thể Bên Người Bao Lâu Nữa

Chương 14




Sau đó, tôi luôn muốn viết cho bà ngoại một bài văn nhưng viết mãi cũng không xong, thực ra bài viết này cũng không vừa ý. Trong quá trình viết tôi phát hiện có quá nhiều hồi ức ùa về, những cảnh tượng sống động như thật không ngừng hiện ra, giống như bà ngoại vẫn còn sống vậy.

Sau khi lớn lên tôi không thân thiết với bà như hồi còn nhỏ nữa, thời gian gặp bà ngoại trong một năm vốn đã rất ít, bây giờ hàng năm cũng chỉ có dịp tết mới lên núi thắp hương cho bà được. Mỗi lần trở về, căn nhà cũ trên núi không người ở lại xập xệ thêm một chút, chỉ có những bông cải dầu ngoài ruộng vẫn vàng rực rỡ, mọi thứ vẫn y như ngày tôi còn nhỏ. Trong thâm tâm tôi luôn tự nhủ, bà ngoại chưa từng ra đi.

Chỉ là tôi quên gọi điện thoại cho bà mà thôi.

Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một người không thích liên lạc với người khác thường xuyên, người thân đến mấy dường như chỉ sống trong kí ức của tôi. Số điện thoại của bà ngoại tôi được làm sau khi bà ốm, một năm trước khi bà mất, cho đến khi bà mất tôi cũng không gọi lấy một lần.

Đêm khuya sau khi bà ngoại mất được một năm, nhìn thấy số điện thoại này trong danh bạ, tôi bấm nút gọi, thấy thông báo đã tắt máy.

Tôi mới hiểu ra, có nhiều việc lúc đó không làm sau này mãi mãi chẳng có cơ hội nữa.

Tôi mới hiểu ra, mẹ tôi nói: “Từ bây giờ trở đi, mẹ không còn mẹ nữa”.

Ở quê tôi, mọi người gọi bà ngoại là “gia gia”, cả đời này, tôi chẳng còn cơ hội nói “ Gia gia, cháu về rồi” nữa.

Tôi không còn được nhìn thấy gia gia của tôi nữa, hàng lông mày của bà cong lên mỗi khi cười, giọng nói sang sảng của bà. Bà từng rất béo, béo tới nỗi quần áo tôi mua cho, bà cũng không mặc vừa, vậy mà sau đó bà gầy rộc đi, gầy tới mức độ một cơn gió thổi qua tôi cũng lo lắng liệu nó có thổi bà đi mất không nữa.

Trong tang lễ, câu điếu từ cuối cùng của một người già trong hội người cao tuổi là: “Muốn mẹ con gặp nhau lần nữa, trừ phi mơ giấc mộng Nam Kha”(*). Nhưng bao lâu như vậy rồi tôi không mơ thấy bà.

Cháu muốn được ôm bà nội một lần nữa, gọi bà một câu “gia gia”.

___________

(*) Mộng Nam Kha: Trong tiếng Hán có một câu thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha”, được dùng để chỉ cõi mộng hoặc một giấc mộng không tưởng, không thể thực hiện được của một người nào đó. Thành ngữ này có nguồn gốc từ cuốn tiểu thuyết “Tiểu sử Nam Kha Thái Thú” của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc thế kỉ IX công nguyên.