Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 25: PHẦN 7 - CÔNG CỤ Ở KHÁCH SẠN CÁ HEO: Dịch chuyển hoàn thành tại rạp chiếu phim; đến khách sạn Cá Heo




Trong cả chuyến bay, cô ngồi cạnh cửa sổ ngắm phong cảnh bên dưới. Tôi ngồi cạnh cô đọc cuốn Những Cuộc Phiêu Lưu Của Sherlock Holmes. Không hề có lấy một gợn mây trong suốt quãng thời gian, máy bay bay trên bóng của nó trên mặt đất. Hay nói chính xác hơn, vì chúng tôi ở bên trong máy bay, bóng chúng tôi cũng hiện ra bên trong bóng máy bay đang lướt qua núi non và cánh đồng kia. Thế có nghĩa là chúng tôi cũng được in vào đất.

"Em thật sự thích cái ông đó," cô nói sau khi uống nước cam.

"Cái ông nào?"

"Người lái xe."

"Hừm," tôi nói, "anh cũng thích ông ấy."

"Và thật là một cái tên hay, "Cá Trích"."

"Chắc chắn rồi. Tên hay. Có lẽ con mèo ở với bác ta sướng hơn là ở với anh."

"Đừng có "con mèo", mà là "Cá Trích"."

"Đúng vậy. "Cá Trích"."

"Tại sao anh không đặt tên cho con mèo suốt bấy lâu nay?"

"Quả vậy, tại sao nhỉ?" tôi bối rối. Rồi tôi châm thuốc bằng chiếc bật lửa khắc hình con cừu. "Chắc tại anh không thích tên. Về cơ bản, anh không thấy có gì là sai khi gọi anh là "anh" hay em là "em" hay chúng ta là "chúng ta" hay họ là "họ"."

"Hừm," cô nói. "Dù vậy, em thật sự thích từ "chúng ta". Nó có một vẻ gì đó của Kỷ Băng hà."

"Kỷ Băng hà ư?"

"Như "Chúng ta đi về phía Nam" hay "Chúng ta đi săn voi ma mút" hay..."

Khi chúng tôi bước ra ngoài sân bay Chitose, trời lạnh hơn chúng tôi tưởng. Tôi mặc một cái áo bò bên ngoài áo phông, cô áo gi lê len bên ngoài áo sơ mi. Mùa thu đã đến trên vùng đất này trước Tokyo cả một tháng.

"Chúng ta không phải đi vào Kỷ Băng hà, đúng không?" cô hỏi tôi trên xe buýt đến Sapporo. "Anh đi săn voi ma mút, em nuôi con."

"Nghe khá là hấp dẫn đấy," tôi nói.

Chẳng bao lâu cô ngủ thiếp đi, để mặc tôi trông qua khung cửa sổ xe, nhìn đăm đăm những dải rừng sâu nối dài bất tận hai bên đường.

Khi tới thành phố, đầu tiên chúng tôi nhảy vào một tiệm cà phê.

"Ngay bây giờ, chúng ta hãy lên lịch hành động," tôi nói. "Mình sẽ phải chia nhau ra. Thế tức là, anh đi tìm phong cảnh trong bức ảnh. Em đi tìm con cừu. Làm thế sẽ tiết kiệm được thời gian."

"Rất thực tế."

"Ấy là nếu mọi việc tiến triển tốt," tôi bổ sung. "Dù sao thì, em có thể tìm những trang trại nuôi cừu chủ yếu ở Hokkaido trước đây và tìm hiểu các giống cừu. Em có thể tìm những gì mình cần tại một cơ quan chính quyền hoặc thư viện địa phương."

"Em thích thư viện," cô nói.

"Vậy thì tốt."

"Em bắt tay vào việc ngay chứ?"

Tôi nhìn đồng hồ. Ba giờ rưỡi. "Thôi, cũng muộn rồi. Hãy bắt đầu vào ngày mai. Hôm nay mình cứ thư thả thôi, kiếm một chỗ nghỉ, ăn tối, tắm táp và ngủ một chút."

"Em sẽ không từ chối đi xem một bộ phim," cô nói.

"Một bộ phim ư?"

"Mình tiết kiệm được bao nhiêu thời gian do đi máy bay mà."

"Ý hay đó," tôi nói. Thế là chúng tôi tạt vào rạp chiếu phim đầu tiên mình thấy.

Rốt cuộc chúng tôi xem một suất đúp phim hình sự – siêu nhiên. Hầu như không có một mống nào trong rạp. Lâu lắm rồi tôi không vào một rạp chiếu phim vắng như vậy. Tôi đếm số người trong rạp để giết thời gian. Tám, gồm cả chúng tôi. Trong phim còn nhiều nhân vật hơn.

Hai bộ phim này là ví dụ điển hình của phim tồi. Loại phim làm người ta cảm thấy muốn quay ra khỏi rạp ngay lúc đầu đề hiện ra sau tiếng gầm của con sư tử MGM. Thật đáng kinh ngạc là phim như thế vẫn còn tồn tại.

Phim đầu là phim siêu nhiên. Con quỷ, sống trong căn hầm dột nát ẩm thấp của nhà thờ thị trấn và thao túng mọi thứ qua nhà thuyết pháp yếu đuối, đã chiếm thị trấn. Nhưng câu hỏi thật sự ở đây là tại sao con quỷ lại muốn chiếm thị trấn cơ chứ. Cả thị trấn chẳng có gì ngoài mấy khối nhà thảm thương bao quanh là cánh đồng ngô.

Tuy nhiên, con quỷ này bị cái thị trấn ấy ám ảnh khủng khiếp và nổi cơn thịnh nộ khi một bé gái duy nhất không chịu khuất phục bùa mê của nó. Khi con quỷ điên lên, thân thể nó lắc lư như đám thạch màu xanh run rẩy. Phải thú thật là có một vẻ gì đó đáng yêu trong cơn giận dữ đó.

Ngay đằng trước chúng tôi là một người đàn ông trung niên ngáy như còi báo hiệu sương mù. Ở phía tận cùng bên phải đang diễn ra màn hôn hít sờ soạng nặng đô. Đằng sau, người nào đó đánh một cái rắm to đùng. To đến mức khiến người đàn ông trung niên dừng ngáy mất một lúc. Một cặp nữ sinh trung học cười khúc khích.

Theo phản xạ, tôi nghĩ đến Cá Trích. Và chỉ khi đó tôi mới chợt nhận ra chúng tôi đã thực sự rời Tokyo và hiện đang ở Sapporo.

Đó mới thật buồn cười.

Giữa những ý nghĩ này tôi thiếp đi. Trong giấc mơ tôi gặp con quỷ xanh đó, nhưng nó không đáng yêu chút nào. Nó yên lặng mãi và tôi chỉ quan sát mưu đồ của nó.

Trong khi đó, bộ phim kết thúc, đèn bật lên, và tôi thức dậy. Mỗi khán giả đều ngáp như thể theo thứ tự được định trước. Tôi đến quầy bán đồ ăn nhẹ mua kem cho chúng tôi. Kem cứng như đá, có lẽ còn thừa lại từ mùa hè trước.

"Anh ngủ trong suốt bộ phim à?"

"À há," tôi nói. "Phim thế nào?"

"Khá thú vị. Cuối cùng, cả thị trấn nổ tung."

"Ái chà chà."

Rạp chiếu phim yên lặng một cách chết chóc. Hoặc đúng hơn là mọi thứ quanh chúng tôi yên lặng một cách chết chóc. Không phải là một việc hay xảy ra.

"Này," cô nói, "có vẻ như cơ thể ta đang ở trong trạng thái dịch chuyển hay sao ấy?"

Giờ khi cô nói ra, nó đúng là như vậy.

Cô cầm tay tôi. "Hãy cứ ở yên như thế này nhé. Em sợ."

"Được thôi,"

"Nếu không ở yên như thế này, chúng ta có thể bị chuyển đến một nơi nào khác. Một chỗ điên rồ nào đó."

Trong khi bên trong rạp lại tối dần và bộ phim mới tiếp tục, tôi vén tóc cô qua một bên và hôn tai cô. "Không sao đâu. Đừng sợ."

"Có lẽ anh đúng," cô nói khẽ. "Xét cho cùng, em nghĩ lẽ ra chúng ta nên đi lại trên phương tiện vận chuyển có tên."

Trong một giờ rưỡi sau đó, từ lúc bắt đầu cho đến lúc hết phim, chúng tôi ở trong trạng thái di chuyển yên lặng trong bóng tối. Đầu cô dựa trên vai tôi suốt cả quãng thời gian ấy. Vai tôi trở nên ấm và ẩm vì hơi thở của cô.

Chúng tôi ra khỏi rạp chiếu phim và tản bộ dọc con phố trong ánh chạng vạng, tay tôi khoác vai cô. Chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Sự hối hả của khách bộ hành đem lại cảm giác khuây khỏa; những ngôi sao mờ nhạt chiếu sáng trên bầu trời.

"Liệu hai chúng ta có thật sự đang ở đúng thành phố không?" cô hỏi.

Tôi nhìn lên trời. Sao Bắc Đẩu ở đúng vị trí, nhưng không hiểu sao trông nó giống như sao Bắc Đẩu giả. Quá lớn, quá sáng.

"Anh cũng không biết," tôi nói.

"Em cảm thấy như mình ở không đúng chỗ," cô nói.

"Đó là cảm giác khi đến một thành phố mới. Cơ thể người ta chưa hoàn toàn quen với nó."

"Nhưng sau một hồi người ta sẽ quen với nó, đúng không anh?"

"Sau hai ba ngày em sẽ ổn thôi," tôi nói.

Khi đã mệt vì đi bộ, chúng tôi vào tiệm ăn đầu tiên mình thấy, uống bia hơi, gọi cá hồi và khoai tây. Chúng tôi bước vào đó tình cờ không hoạch định gì và gặp may. Bia thật vừa ý tôi và thức ăn thật ngon.

"Xem nào," tôi nói sau chầu cà phê, "em nói sao nếu chúng mình kiếm một chỗ nghỉ?"

"Em đã hình dung ra chỗ ấy rồi," cô nói.

"Như thế nào?"

"Đừng bận tâm. Hãy lấy ra danh sách khách sạn và đọc tên theo thứ tự."

Tôi nhờ người hầu bàn mang ra cuốn danh bạ và bắt đầu đọc những cái tên liệt kê trong mục "Khách sạn, Quán trọ". Sau bốn mươi tên, cô ngắt lời tôi.

"Chính nó đó."

"Cái nào?"

"Cái anh vừa đọc."

"Khách sạn Cá Heo," tôi nói.

"Đó là nơi chúng ta sẽ nghỉ."

"Chưa bao giờ nghe đến."

"Nhưng em không thể hình dung chúng ta ở bất cứ khách sạn nào khác."

Tôi trả lại cuốn danh bạ điện thoại, rồi gọi tới khách sạn Cá Heo. Một người đàn ông với giọng nói không có gì đặc biệt trả lời, cho biết họ còn phòng đôi và phòng đơn. Thế có loại phòng nào khác ngoài phòng đôi và phòng đơn không? Không. Chỉ có phòng đôi và phòng đơn thôi. Rối tung rối mù, tôi đặt một phòng đôi. Giá: rẻ hơn bốn mươi phần trăm giá tôi dự tính.

Khách sạn Cá Heo nằm cách rạp chiếu phim chúng tôi đến xem ba khối nhà về phía Tây và một khối nhà về phía Nam. Một chỗ nhỏ thôi, hoàn toàn không có gì nổi bật. Sự thiếu nổi bật của nó rất siêu hình. Không đèn hiệu neon, không bảng hiệu lớn, thậm chí không có một lối đi vào thật sự. Cánh cửa kính đằng trước trông như lối bếp cho nhân viên, cạnh nó chỉ là một tấm bảng bằng đồng khắc chữ KHÁCH SẠN CÁ HEO. Thậm chí không có lấy một hình cá heo.

Tòa nhà cao năm tầng, nhưng nom chẳng khác gì một hộp diêm khổng lồ dựng thẳng lên. Nó không đặc biệt cũ kỹ; tuy vậy nó vẫn ọp ẹp một cách đáng báo động. Nhiều khả năng nó đã ọp ẹp từ lúc mới xây.

Đây là khách sạn Cá Heo của chúng tôi.

Tuy vậy, có vẻ như cô yêu thích chốn này ngay từ lúc nhìn thấy nó.

"Không phải một khách sạn tồi, anh nhỉ?" cô nói.

"Không tồi ư?" tôi đáp lại lời cô.

"Ấm áp, không điệu đàng kiểu cách."

"Không điệu đàng kiểu cách," tôi nhắc lại. "Khi nói điệu đàng kiểu cách, anh chắc là em có ý khăn trải giường sạch sẽ hay bồn rửa không bị rò rỉ hay máy điều hòa hoạt động hay giấy vệ sinh mềm một cách hợp lý hay xà phòng mới hay rèm cửa chống say nắng."

"Anh lúc nào cũng nhìn vào mặt trái của vấn đề," cô cười. "Dù sao thì mình đến đây có phải để du lịch đâu cơ chứ."

Khi mở cửa, tôi nhận ra tiền sảnh rộng hơn tôi tưởng. Ở giữa sảnh là bộ bàn ghế phòng khách và một chiếc ti vi màu lớn đang có một chương trình thi đố trên ti vi. Chẳng thấy một ma nào.

Những chậu cây cảnh lớn nằm hai bên cửa trước, lá cây đã héo, gần ngả màu nâu. Tôi đứng đó quan sát mọi thứ. Tiền sảnh thật ra chật hẹp hơn nhiều so với cảm nhận ban đầu. Trước nó có vẻ lớn vì có quá ít đồ đạc. Bộ bàn ghế dùng cho phòng khách, đồng hồ quả lắc và một tấm gương.

Không còn gì hết.

Tôi lại gần xem xét kỹ chiếc đồng hồ và tấm gương. Cả hai đều là quà kỷ niệm nhân một sự kiện nào đó. Đồng hồ sai bảy phút; tấm gương làm đầu tôi vặn vẹo trên thân.

Bộ bàn ghế dùng cho phòng khách cũng ọp ẹp như bản thân khách sạn vậy. Chiếc xô pha màu cam không chút quyến rũ, loại màu cam có được khi ta bỏ mặc vải dệt bị nắng thiêu đốt một cách có chủ đích ra ngoài trời mưa trong một tuần, rồi quẳng vào hầm cho tới khi nó bị mốc lên. Đây là loại màu cam từ những ngày đầu của phim màu.

Nhìn kỹ hơn thì thấy một người đàn ông trung niên đang trên đà hói, nằm thẳng đuột như con cá khô, ngủ trên chiếc ghế tựa dài của bộ bàn ghế. Thoạt tiên, tôi nghĩ ông ta đã chết, nhưng mũi ông ta giật giật. Có cả vết lõm của kính mắt trên sống mũi ông ta, nhưng không thấy kính đâu. Điều đó có nghĩa ông ta không ngủ thiếp đi khi xem ti vi. Thế sẽ không hợp lý.

Tôi đứng ở bàn tiếp tân mà nhìn qua quầy. Không có ai ở đó. Cô rung chuông. Tiếng chuông vang khắp tiền sảnh.

Chúng tôi đợi ba mươi giây nhưng không ai trả lời. Người đàn ông trên chiếc ghế tựa dài không hề cựa quậy.

Cô rung chuông lần nữa.

Giờ thì người đàn ông trên chiếc ghế tựa dài cằn nhằn. Một kiểu cằn nhằn tự tố cáo. Rồi ông ta mở mắt và nhìn chúng tôi một cách vô hồn.

Cô rung chuông lần thứ ba, một hồi chuông ra trò.

Người đàn ông nhảy bật dậy và lao qua tiền sảnh. Ông ta đi ngang tôi và đến sau quầy. Ông ta là lễ tân.

"Tôi thật tệ quá," ông ta nói. "Tôi thật sự tệ quá. Ngủ thiếp đi trong lúc đợi anh chị."

"Xin lỗi đã đánh thức ông," tôi nói.

"Không sao cả," người lễ tân nói. Ông ta mang ra một thẻ đăng ký và một chiếc bút bi. Tay trái ông ta bị khuyết đầu ngón út và ngón giữa.

Tôi điền tên mình lên tấm thẻ nhưng nghĩ lại liền vo tròn tấm thẻ đút vào túi. Tôi lấy một tấm thẻ khác rồi điền một cái tên và địa chỉ giả. Một cái tên và địa chỉ bình thường thôi, nhưng không đến nỗi nào đối với một cái tên và địa chỉ tạo nên do-tình-thế-bắt-buộc. Nghề nghiệp thì tôi ghi là kinh doanh nhà đất.

Người lễ tân nhặt cặp kính gọng celluloid dày cộp bên cạnh điện thoại lên rồi nhìn kỹ tấm thẻ đăng ký.

"Suginami, Tokyo,... 29 tuổi, kinh doanh nhà đất."

Tôi lấy một tờ giấy lau trong túi ra chùi mực ở ngón tay.

"Anh đến đây công tác à?" người lễ tân hỏi.

"Ờ, đại loại thế," tôi nói.

"Anh ở bao nhiêu đêm?"

"Một tháng," tôi nói.

"Một tháng?" Ông ta ném cho tôi một cái nhìn ngạc nhiên. "Anh sẽ ở đây cả một tháng ư?"

"Thế có gì không ổn không?"

"Không, à, không có gì không ổn cả, nhưng mà, chúng tôi muốn anh trả tiền ba ngày một lần."

Tôi đặt túi xuống sàn, đếm hai mươi đồng mười ngàn yên, đặt lên quầy.

"Còn nữa nếu số đó hết," tôi nói.

Người tiếp tân vốc tiền lên bằng ba ngón tay trái và đếm chúng bằng tay phải. Rồi ông ta viết hóa đơn. "Anh có yêu cầu đặc biệt gì về phòng ốc không?"

"Nếu được thì một phòng trong góc xa thang máy."

Người lễ tân quay đi và nheo mắt nhìn bảng treo chìa khóa. Sau một lúc chần chừ, ông chọn phòng 406. Bảng treo chìa khóa hầu như còn đầy. Một câu chuyện thành công thật sự, khách sạn Cá Heo.

Không có thứ gọi là người trực tầng, thế là chúng tôi khiêng túi ra thang máy. Như cô nói, không điệu đàng kiểu cách. Thang máy lắc lư như con chó già bị bệnh phổi.

"Nếu ở dài ngày, không gì tốt hơn một khách sạn nhỏ, cơ bản."

"Khách sạn nhỏ, cơ bản" – một lối diễn đạt không đến nỗi nào. Giống như được lấy ra từ trang du lịch của một tạp chí thời trang cho phụ nữ: "Sau một chuyến đi dài ngày, một khách sạn nhỏ, cơ bản chính là điều bạn cần."

Tuy thế, việc đầu tiên tôi làm khi mở cửa phòng khách sạn nhỏ, cơ bản của chúng tôi là nhặt một chiếc dép để đập con gián đang bò trên khung cửa sổ. Rồi tôi nhặt hai chiếc lông mu cạnh chân giường lén thả vào sọt rác. Nhìn thấy gián ở Hokkaido là một trải nghiệm mới cho tôi. Trong lúc đó, cô điều chỉnh nhiệt độ nước trong buồng tắm. Và tin tôi đi, cái vòi nước ấy ồn kinh khủng.

"Anh đã bảo mà, chúng ta nên ở một khách sạn tốt hơn," tôi mở cửa buồng tắm và nói tướng lên với cô. "Chúng ta có thừa tiền mà."

"Đây không phải vấn đề tiền nong. Cuộc săn tìm cừu của chúng ta bắt đầu ở đây. Không tranh luận gì nữa, nó phải là ở đây."

Tôi nằm duỗi dài trên giường, hút một điếu thuốc, bật ti vi lên, thử tất cả các kênh rồi tắt đi. Thứ duy nhất tử tế ở đây là sóng thu. Lúc này đây, tiếng nước chảy vào bồn tắm ngừng và quần áo cô bay vèo ra ngoài, theo sau là âm thanh của vòi hoa sen cầm tay.

Kéo rèm cửa sang hai bên, tôi nhìn ra một nhóm lô xô những tòa nhà bẩn thỉu cũng khó hiểu như khách sạn Cá Heo của chúng tôi. Tòa nhà nào cũng có màu xám tro dơ dáy và chỉ nhìn thôi cũng biết chúng sặc mùi nước đái. Mặc dù đã chín giờ, tôi có thể trông thấy những người trong vài khung cửa sổ sáng đèn đang bận rộn làm việc. Tôi không thể đoán được đó là loại công việc gì, nhưng không một ai trông thật sự hạnh phúc. Tất nhiên, trong mắt họ, có lẽ trông tôi cũng hơi đau khổ.

Tôi kéo rèm lại và quay về giường, lăn tròn trên tấm khăn trải giường được hồ cứng như nhựa đường, nghĩ về cô vợ cũ. Tôi nghĩ về người đàn ông hiện cô ta đang sống cùng. Tôi biết hầu hết mọi thứ cần biết về hắn ta. Xét cho cùng hắn từng là bạn tôi, vậy sao tôi không biết chứ? Hai mươi bảy tuổi. Một tay ghi ta nhạc jazz không nổi tiếng lắm, nhưng đủ chuyên nghiệp so với những tay ghi ta nhạc jazz không nổi tiếng lắm. Một thằng cha không đến nỗi nào. Dù không có phong cách gì. Năm nay hắn trôi giạt giữa Kenny Burrell và B.B.King, năm tới đã lại giữa Larry Coryell và Jim Hall.

Tại sao cô ta bỏ tôi để theo hắn, tôi không hiểu được. Phải thừa nhận là người ta có thể chọn ra những tính cách đặc biệt của cá nhân. Tuy nhiên điều duy nhất hắn hơn tôi là hắn biết chơi ghi ta và điều duy nhất tôi hơn hắn là tôi có thể rửa bát đĩa. Hầu hết những tay chơi ghi ta không thể rửa bát đĩa. Nó làm hỏng ngón tay và mọi thứ sẽ đi tong.

Rồi tôi chợt nhận ra mình đang nghĩ đến chuyện làm tình với cô ta. Vậy là một cách tự nhiên tôi cố thử đếm số lần chúng tôi quan hệ trong bốn năm lấy nhau. May mắn lắm thì tôi sẽ có một con số xấp xỉ, và phải thú nhận là một con số xấp xỉ có nghĩa lý gì đâu? Lẽ ra tôi nên ghi nhật ký. Hoặc ít nhất là đánh dấu gì đó vào trong sổ. Nếu làm thế tôi đã có thể có được con số chính xác. Số chính xác đem lại ọi thứ một cảm giác hiện thực.

Vợ cũ tôi lưu giữ những ghi chép chính xác về tình dục. Nói thế không có nghĩa cô ta ghi nhật ký theo nghĩa thông thường. Cô ta chép vào một cuốn sổ mọi thông tin chính xác về các kỳ hành kinh của cô ta ngay từ năm đầu tiên và ghi cả chuyện sinh hoạt tình dục để tham khảo thêm. Tổng cộng có đến tám cuốn sổ như thế, tất cả đều được giữ trong ngăn kéo có khóa cùng với những giấy tờ và bức ảnh quan trọng. Cô ta không cho ai xem những thứ này. Tôi chỉ biết cô ta lưu giữ những ghi chép về tình dục. Cô ta viết như thế nào và bao nhiêu, tôi không hề biết. Và giờ đây khi chúng tôi không cùng nhau nữa, tôi có lẽ sẽ không bao giờ biết.

"Nếu em chết," cô ta từng nói với tôi, "hãy đốt những cuốn sổ này đi. Hãy tẩm xăng và để chúng cháy thành tro bụi, rồi đem chôn. Em sẽ không bao giờ tha lỗi cho anh nếu còn sót lại một từ."

"Nhưng anh là người ngủ với em. Anh biết rõ gần như từng centimet trên người em. Đã đến lúc này thì việc gì phải xấu hổ?"

"Tế bào cơ thể tự thay thế mỗi tháng. Ngay cả chính lúc này đây," cô ta nói, ấn mạnh mu bàn tay gầy guộc trước mắt tôi. "Hầu hết mọi thứ anh nghĩ anh biết về em chỉ là kỷ niệm."

Người phụ nữ đó – trừ khoảng thời gian một tháng trước khi ly dị – đã đặc biệt ngăn nắp trong suy nghĩ. Cô ta nhận thức một cách hoàn toàn thiết thực về cuộc đời mình. Điều đó có nghĩa không có cánh cửa nào từng đóng lại mà lại còn mở ra nữa, cũng như theo quy tắc không có cánh cửa nào hoàn toàn mở rộng.

Giờ đây, tất cả những gì tôi biết về cô ta chỉ còn là kỷ niệm. Và những kỷ niệm này ngày càng nhạt nhòa trôi xa dần như những tế bào bị thay thế. Điều này chỉ thuần túy sinh học thôi sao?