Đại Đế Cơ

Quyển 1 - Chương 37: Sắp tới




Mùa hè, người dân ở thành Trường An trở nên lười biếng hơn, dù đang mặc những chiếc áo mỏng nhưng ánh nắng oi bức cũng khiến cho những người đi đường cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên khi tết Đoan Ngọ dần tới gần, bầu không khí trong thành đã thay đổi trở nên thoải mái hơn, giống như cành liễu trở nên tươi mát hơn sau một trận mưa.

“Thường là phải ăn bánh chưng đó...”

Noãn Noãn ngồi trong sân, vừa gói bánh chưng vừa trả lời câu hỏi của Tiết Thanh.

“Còn cái gì nữa không?” Tiết Thanh hỏi, nàng không phụ gói bánh chưng bởi vì người xưa thường có quan niệm đàn ông con trai nên tránh xa nhà bếp, không được làm những chuyện này. Mặc dù bản thân nàng cũng không ủng hộ quan niệm này lắm.

“... ăn Bạch đoàn, Phấn đoàn (1), kẹo trái cây...” Noãn Noãn vừa kể vừa chảy nước miếng.

Tiết Thanh cười cầm cái lá gói bánh đánh nhẹ lên đầu cô bé.

“Ngoài ăn ra thì sao?” Tiết Thanh hỏi.

“Có thi đấu thuyền rồng.” Giọng Thiền Y từ bên ngoài truyền vào.

Tiết Thanh cười, vẫy tay với bé gái đang đứng ngoài cửa sân, lúc này Thiền Y đang đứng ló đầu vào nhìn nàng.

Thiền Y bưng một mâm bánh ú bước vào.

“Mẫu thân tớ vừa mới nấu đó.” Nàng nói.

Noãn Noãn thấy vậy cũng không thèm gói bánh chưng nữa mà nhanh chóng chạy tới bưng cái mâm bánh ú để lên bàn rồi lột ăn, đương nhiên cô bé cũng không quên lột một cái đưa cho Tiết Thanh.

“Đến lúc đó rất náo nhiệt, tất cả mọi người đều đi xem đấy.” Thiền Y nói tiếp: “Chỗ thi đấu cũng khá gần với thư viện nhà cậu.”

“Dưới núi Lục Tuyền có một con sông, nước suối đều chảy đến đó, những con sông nhỏ khác cũng uốn khúc chảy xuôi và hợp với con sông đó tạo thành một con sông lớn. Người dân thành Trường An thường dẫn nước sông tạo thành các kênh mương để tưới cho các đồng ruộng của mình.

Tiết Thanh gật đầu.

“Vậy thì tớ cũng phải đi xem thử mới được.”

“Thanh Tử cậu không phải muốn tham gia thi đấu bóng đá sao? Ngày mai đã bắt đầu rồi, cậu chuẩn bị xong hết chưa?” Thiền Y nói.

Tiết Thanh cũng đã từng nghe Trương Liên Đường nói qua, trận thi đấu bóng đá của xã Trường Lạc sẽ diễn ra vào trước tết Đoan Ngọ một ngày, nhưng so với trận thi đấu thuyền rồng thì trận đấu bóng này vẫn còn chưa đủ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên để chúc mừng và góp vui thêm cho ngày tết Đoan Ngọ, địa điểm thi đấu được chọn cũng là ở bờ sông nơi mọi người thi đấu thuyền rồng.

Bóng đá là một môn thể thao mà cả người lớn lẫn trẻ con đều có thể chơi, thế nhưng trên thực tế thi đấu bóng đá giữa các thiếu niên mới chỉ được bắt đầu trong khoảng thời gian gần đây.

Vốn dĩ cái này là do một thiếu gia con quan tri phủ bắt đầu, vị thiếu gia này là một người rất thích chơi xúc cúc. Do vậy vì để lấy lòng quan tri phủ, những người trong các gia tộc quyền thế thường bảo các con cháu trẻ tuổi của mình đến đó chơi cùng với vị thiếu gia kia. Sau này khi vị quan tri phủ đó rời đi nhậm chức ở nơi khác, vị thiếu gia kia cũng đi theo cha mình. Các thiếu niên đã chơi xúc cúc cùng với cậu ta vẫn tiếp tục duy trì môn thể thao này, dần dần tạo thành một cách giao lưu giữa những người trẻ tuổi ở thành Trường An. Đặc biệt là họ còn thành lập những đội bóng chuyên môn ở xã của mình, nên ngoại trừ mối quan hệ bạn bè cùng trường, cùng xã, những người trẻ tuổi này còn có thêm một loại quan hệ khác, đó là quan hệ đồng đội.

Thành Trường An có bốn dòng họ lớn là Bùi, Trương, Vương và Liễu. Còn theo mối quan hệ hoàng gia, cả văn lẫn võ lại có tám gia tộc lớn, quan hệ giữa bọn họ vô cùng phức tạp, hợp tác hay chia rẽ nhau cũng chỉ vì lợi ích riêng.

Người đầu tiên thành lập đội bóng ở xã chính là Vọng Tiên Kiều - con cháu của nhà họ Liễu, đây là đội bóng Ngũ Lăng xã, thành viên trong đó bao gồm tất cả những thiếu niên có quan hệ thân thiết với nhà Liễu thị.

“Ngũ Lăng niên thiếu Kim thị đông

Ngân yên bạch mã độ xuân phong (2).” Tiết Thanh nói.

Thiền Y kinh ngạc nhìn nàng.

“Thanh Tử, cậu đang làm thơ sao? Đi học mới mấy ngày mà cậu đã có thể làm thơ rồi?”

Tiết Thanh cười.

“Đây là thơ Lý Bạch.” Nàng đáp.

Mặc dù ở đây có nhiều khác biệt nhưng có một số tên người vẫn giống như trong lịch sử nàng đã học, giống như Lý Bạch, ở đây vẫn giống như cũ, Lý Bạch vẫn được mệnh danh là tiên thơ. Chỉ có điều mặc dù có địa danh Ngũ Lăng nhưng thành Trường An ở đây lại không nổi tiếng như thành Trường An trong lịch sử. Bài thơ này có phải Lý Bạch làm ra hay không nàng cũng không rõ lắm, bởi vì sách cần phải đọc quá nhiều nên nàng không có nhiều thời gian, cũng không quá hứng thú trong việc tìm hiểu hết tất cả các bài thơ của ông.

Quả nhiên ở đây, Lý Bạch vẫn là người rất nổi tiếng, đến ngay cả người chưa từng đi học như Thiền Y cũng biết đến, nàng ấy đang đọc lại một lần bài thơ khi nãy.

“Hóa ra là như vậy.” Thiền Y nói: “Thanh Tử cậu đi học nên biết nhiều thật đó.”

Hiểu được mấy cái này cũng không phải vì nhờ nàng được đi học trong mấy ngày hôm nay, vì thế Tiết Thanh chỉ cười.

“Vậy còn xã Trường Lạc của Liên Đường thiếu gia thì sao? Cũng nói giống câu thơ kia luôn ư?” Thiền Y lại hỏi.

“Cái đó chắc là “Tri túc thường lạc” (3) hoặc là “Trường An đắc lạc” (4) rồi.” Tiết Thanh cười nói.

Câu nói này Thiền Y có thể hiểu được, đây chính là một câu tục ngữ đó nha.

“Nhưng mà cũng không có khí thế bằng thơ viết cho xã Ngũ Lăng.” Thiền Y hơi thất vọng.

Tiết Thanh bỏ vào miệng miếng bánh ú cuối cùng, sau đó liếm ngón tay.

“Cũng không nên vội kết luận như vậy được. Tục ngữ càng nhã nhặn hơn, cũng càng có khí thế hơn chứ.” Tiết Thanh nói.

Ngũ Lăng xã của dòng họ Liễu cũng giống với tên gọi của nó, đều là những người thuộc tầng lớp cao cấp trong xã hội. Thành viên trong đó phần lớn đều là con cháu của những nhà quyền quý. Nếu không phải là người của bốn dòng họ lớn hoặc tám gia tộc nổi tiếng, bọn họ sẽ không thu nhận. Đội bóng này lấy thân phận và địa vị để làm rào cản riêng, khiến cho những người khác không thể nào vượt qua được, chỉ có thể âm thầm ngưỡng mộ mà thôi.

Nhưng xã Trường Lạc của Trương Liên Đường thì lại khác hẳn. Mặc dù Trương Liên Đường xuất thân từ đại gia tộc Trương thị nhưng hắn ta lại thích kết bạn với những người khá giả, thậm chí là con cháu của nhà bình dân. Có lẽ theo suy nghĩ của hắn ta, vương hầu danh tướng không phải tự nhiên mà có, mà phải qua nỗ lực phấn đấu thì mới có được thành công, thế nên hắn ta không quan tâm xuất thân của họ là gì.

Mặc dù chỉ là trận đấu bóng bình thường nhưng ngoài mặt để giao lưu vui vẻ ra, đằng sau nó còn chứa đựng nhiều ý tứ sâu xa khác. Nó thể hiện sự đối đầu giữa một số gia tộc với nhau.

Cuộc sống ở đâu cũng có tranh đấu cả, cũng may nàng chỉ là một người ngoài cuộc, yên lặng nhìn xem mọi chuyện diễn ra là được rồi.

Tiết Thanh chùi sạch bàn tay bị dính bánh, sau đó đứng dậy.

“Tớ đi luyện võ đây. Thiền Y, cậu có muốn đi theo tớ học không?”

Thiền Y che miệng cười.

“Cậu học cái gì là lại muốn lôi kéo tớ cùng học theo cái đó hả?” Nàng nói.

Tiết Thanh cũng cười, đáp: “Học nhiều thêm một chút sẽ tốt hơn chứ. Nhưng mà nếu không học cũng chẳng sao.”

Nàng nói xong liền phất tay đi ra ngoài.

Thiền Y chống tay nhìn theo bóng lưng Tiết Thanh.

“Tiết Thanh cũng thật cố gắng.” Nàng thở dài nói: “Bộ dạng cũng không tệ, tại sao Quách tiểu thư lại không thích chứ?”

Con gái mỗi khi bàn luận đến con trai thường hay thấy ngại ngùng. Chính vì vậy mặt Thiền Y đỏ lên, hơi xấu hổ quay đầu nhìn Noãn Noãn, “a” lên một tiếng.

“Sao muội còn ăn nữa, coi chừng đau bụng đó...”

“Ăn ngon lắm... Muội vẫn chưa ăn xong đâu, để muội chừa lại cho thiếu gia và thím mấy cái...”

...........

Mùng bốn tháng năm, trời vừa rạng sáng, Tiết Thanh đã thức dậy, giống như mọi khi, nàng chuẩn bị mặc quần áo nhưng lần này không phải mặc trường sam nữa mà là đồng phục của đội bóng.

“Nhớ phải luôn cẩn thận đó.” Tiết mẫu thân vừa đưa Tiết Thanh ra cửa vừa không ngừng căn dặn: “Đừng để người khác đụng vào người, nếu được thì con cứ ráng cố gắng tránh cả người lẫn bóng luôn đi.”

Tiết Thanh nghe thấy thế liền cười, còn chưa lên tiếng thì ngoài cửa đã truyền đến một tiếng hừ thật lớn.

“Như vậy thì còn gì là bóng đá nữa.”

Tiết Thanh và Tiết mẫu thân cùng nhìn lại, trong màn sương sớm, hai người nhìn thấy Quách Tử An đang đứng sát bên góc tường... Cậu nhóc này, thật không ngờ lại đến đây chờ nàng đi cùng.

“Tử An thiếu gia, mong cậu giúp đỡ, chiếu cố nhiều hơn cho Thanh Tử.” Tiết mẫu thân thấp giọng nói.

“Mẫu thân đừng lo lắng, con chỉ là người thay thế, không cần phải ra sân đâu.” Tiết Thanh cười nói, sau đó vỗ cánh tay của bà bảo: “Con đi nhé.”

Nói xong liền đi đến chỗ Quách Tử An đang đứng.

“Đi thôi.”

Quách Tử An cười, lạnh lùng đứng yên tại chỗ.

“Đi thôi? Hừ, ta không có chờ ngươi, ta chờ Tử Khiêm.”

Vậy thôi, Tiết Thanh nhún vai, không nói gì nữa mà nhanh chân chạy đi, tiếng bước chân vang lên trên đường.

Tiết mẫu thân nhìn Quách Tử An vẫn đứng yên ngay cửa, tính nói vài câu nhờ vả nhưng Quách Tử An đã nghiêng đầu sang chỗ khác. Vì thế Tiết mẫu thân liền vào nhà, để lại một mình Quách Tử An đứng trước cửa.

...........

Ngày mùa hè, trời mau sáng, có lẽ bởi vì tết Đoan Ngọ đang đến gần nên người đi lại trên đường phố cũng nhiều hơn, tiệm rèn sắt vẫn bận rộn như cũ, trong những ngày mùa hè này tiệm rèn nóng như một cái nồi hấp.

Thậm chí Tiết Thanh còn cảm thấy hình như bác thợ rèn sắt ở đây làm việc bận đến nỗi cả ngày cũng chưa từng nghỉ ngơi. nàng nhanh chân chạy qua tiệm rèn sắt, rất nhanh đã tới cửa hàng bán cá bên này.

“Chào dì...” Lần này không đợi người phụ nữ bán cá mở miệng, Tiết Thanh đã chủ động chào trước.

Người phụ nữ bán cá liền “ồ” một tiếng.

“Đừng gọi ta là dì. Gọi đại tỷ nghe hay hơn đó.”

Từ xưa đến nay, phụ nữ ai cũng đều thích được người khác khen trẻ hơn, Tiết Thanh nghe vậy liền cười đáp.

“Đại tỷ, hôm tay con có trận thi đấu bóng đá. Người nhớ đến xem nha.”

Việc Tiết Thanh tham gia thi đấu bóng đá ở Quách gia không có nhiều người biết việc này, nàng cũng không muốn nói cho bọn họ biết nhưng không biết vì sao nàng lại muốn nói cho người phụ nữ này biết.

Có lẽ bởi vì gặp người lạ thì thoải mái hơn nhiều so với người quen.

Người phụ nữ bán cá lại “ồ” một tiếng.

“Được, cậu bé, nếu thắng nhớ mua thiệt nhiều cá của ta đó nghen.”

Tiết Thanh phất tay chạy đi, ra khỏi thành nàng liền đi chậm lại. Mặc dù không biết hôm nay có thể ra sân hay không nhưng nàng vẫn sẽ chuẩn bị thật tốt mọi thứ, nhất là bảo tồn thể lực của mình để sẵn sàng chiến đấu.

Đây là lần đầu tiên nàng tham gia hoạt động xã giao ở cổ đại, giống như lần đầu tiên tham gia câu lạc bộ ở trường vậy, Tiết Thanh vui vẻ mỉm cười, chậm rãi đi đến chỗ diễn ra trận đấu bóng.

Trời đã sáng hẳn, Quách gia cũng trở nên ồn ào hơn.

“Mẫu thân à, nhanh lên đi, đi trễ sẽ không giành được chỗ ngồi tốt đâu.” Quách Bảo Nhi hối thúc.

Quách đại phu nhân vừa cài cây trâm lên tóc vừa đi tới.

“Con gấp làm gì, cũng không có bao nhiêu người đến xem, sao mà không có chỗ ngồi được.” Bà cười nói.

Đây chỉ là trò chơi giữa các thiếu niên, ở trong thành không phải là việc lớn gì, cũng không phải là trận thi đấu chuyên nghiệp giống như thi đua thuyền rồng nên người xem sẽ không nhiều. Đa số người đến xem đều là người nhà, bạn bè của các thiếu niên đó, có một số là những người yêu thích bóng đá, hoặc là những người đang có tâm trạng không tốt, nhân dịp ra ngoài đi lại xem náo nhiệt và ngắm mấy thiếu nữ nhà người ta thôi.

Mặc dù trong đội bóng có Quách Tử An và Quách Tử Khiêm nhưng trước đây Quách Bảo Nhi chưa từng đi xem mấy trận đấu bóng này bao giờ. nàng cho rằng bóng đá chỉ là một đám người ngu ngốc chạy theo một trái bóng, thật sự rất nhàm chán.

“Sao lần này con lại muốn đi cổ vũ bọn Quách Tử An thế?” Quách đại phu nhân hỏi, bà kéo tay Quách Bảo Nhi cùng đi ra khỏi phòng, mấy nha đầu, vú già trong sân thấy vậy liền vội vã đi theo.

“Con muốn đến xem cái đồ chó ghẻ kia bị mất mặt.” Quách Bảo Nhi hừ đáp.

Quách đại phu nhân “a” một tiếng, bây giờ bà mới biết được hóa ra Tiết Thanh cũng tham gia trận đấu bóng.

“Cái này là do Tử An sắp xếp sao?” Bà khẽ nhíu mày: “Mấy đứa không nên làm như vậy.”

Mặc dù ngoài miệng thì nói như vậy nhưng vẻ mặt và giọng điệu bà cũng không giống đang trách cứ chút nào.

***

(1) Bạch đoàn, Phấn đoàn: Tên các loại bánh ở Trung Quốc, hình tròn, làm bằng bột.

(2) Ngũ Lăng niên thiếu Kim thị đông, Ngân yên bạch mã độ xuân phong: Chàng tuổi trẻ, ở đất Ngũ Lăng đến phía đông chợ Kim, cưỡi ngựa trắng yên bạc đi trong gió xuân.

(3) Tri túc thường lạc: Biết thỏa mãn thì sẽ luôn được vui vẻ.

(4) Trường An đắc lạc: Người trong thành Trường An luôn vui vẻ.