Đại Đường Song Long Truyện

Chương 431: Nhân vi tài tử




Trương Tiệp Dư hôm nay tâm tình không tốt. Nguyên lai Lý Uyên đã hứa sẽ dẫn nàng ta và Duẫn Đức phi cùng đi Chung Nam Biệt Cung. Ngờ đâu sáng nay Hoàng thượng lại thay đổi chủ ý, ra lệnh cho hai ái phi lưu lại Trường An.

Trước khi Khấu Trọng bày tỏ nguyện vọng muốn cầu kiến Trương Tiệp Dư, Trịnh công công đã mấy lần cảnh cáo gã rằng nếu không cần thiết, tốt nhất là để ngày khác hãy nhập cung. Lão còn ngấm ngầm ám thị rằng dù với thân phận Mạc Thần y hiện nay, Khấu Trọng cũng không chắc sẽ được tiếp kiến. Nếu Trương Tiệp Dư động nộ giận lây sang lão thì đúng là phen này Trịnh công công đã gặp xui xẻo.

Khấu Trọng nghe lão nói tình hình nghiêm trọng như vậy, cũng chả còn hứng thú muốn đi nữa. Bất quá, nghĩ lại câu Thường Hà đã nói “một lời của Trương Tiệp Dư bằng mười lời của Lý Kiến Thành”, gã đành miễn cưỡng đến gặp nàng. Trịnh công công bị mắng là việc nhỏ, nàng giận lây cả Thường Hà và Sa gia mới là chuyện lớn. Sau khi cân nhắc nặng nhẹ, Khấu Trọng quyết định mạo hiểm một phen.

Đợi được một lúc, Trịnh công công quay lại nói:

- Phu nhân đúng là đối với tiên sinh thật vô cùng đặc biệt. Khi biết tiên sinh đến, phu nhân đã tạm thời không nghĩ đến những việc khác nữa. Người muốn gặp tiên sinh trước đã.

Khấu Trọng rất muốn hỏi Trương Tiệp Dư tạm thời không nghĩ tới những việc gì, nhưng tự biết là hỏi như thế thì không hợp lễ, gã chỉ đành hỏi dò:

- Phu nhân nộ khí đã bình thường trở lại chưa?

Trịnh công công trả lời mà giọng vẫn chưa hết sợ sệt:

- Phu nhân vừa ném vỡ tan một cái bình hoa Đại Thực Quốc mà Hoàng thượng ban cho, nhưng người lại không cho ai thu dọn! Ngươi nói xem nộ khí phu nhân đã giảm chưa?

Khấu Trọng thực lòng muốn quay đầu bỏ đi, chỉ phiền là lệnh trên đã truyền ra, đặt gã vào thế cưỡi hổ. Gã đang tự hỏi trong tình cảnh đó, mình mà nói đến việc ly khai Trường An thì nàng sẽ có phản ứng thế nào?

Trịnh công công thúc giục:

- Tiên sinh mau đi đi, đừng để phu nhân phải đợi lâu!

Trong đầu Khấu Trọng hiện giờ chỉ có sáu chữ “tự tác nghiệt, không thể sống”. Tóc gáy dựng đứng, gã từ từ tiến vào nội viện.

Trương Tiệp Dư tiếp gã ở thư trai, hiển nhiên không phải là nơi nàng đã tiết hận vừa rồi. Sàn nhà bóng loáng sạch sẽ. Sau lưng là các tỳ nữ đang run sợ, gằm mặt đứng hầu, chỉ dám nhìn xuống đất.

Trương Tiệp Dư thần sắc tức giận ngồi trên Thái sư ỷ, thấy Khấu Trọng thì miễn cưỡng gật đầu, lạnh lùng nói:

- Tiên sinh mời ngồi!

Khấu Trọng tuy vốn tự phụ có tài hùng biện hơn người, nhưng trong tình hình này cũng không dám xuất ngôn, chỉ rụt rè ngối xuống đối diện với nàng ta.

Trương Tiệp Dư nhìn ra ngoài song cửa, đột nhiên thở ra một hơi, thanh âm dịu lại nhưng vẫn giữ ngữ khí băng lãnh và cương ngạnh, nàng nói:

- Tiên sinh không theo Hoàng thượng đến Chung Nam Sơn sao?

Khấu Trọng suýt nữa buột miệng “Trương nương nương ở đây, tiểu nhân đâu dám rời xa!”, cũng may gã chợt nghĩ lại sau khi nói mấy lời vỗ mông ngựa này rồi thì làm sao nói lời từ tạ được nữa nên đành lắc lắc đầu.

Trương Tiệp Dư tú my khẽ nhíu lại, lạnh lùng hỏi:

- Tiên sinh tới gặp ta có việc gì?

Dứt câu, chợt cảm thấy đã hơi nặng lời với ân nhân cứu mạng đang ngồi trước mặt, Trương Tiệp Dư nhẹ giọng nói tiếp:

- Tiên sinh đừng lấy làm kỳ quái. Giờ tâm tình ta không được tốt!

Khấu Trọng gượng cười nói:

- Tiểu nhân vì thấy phu nhân hôm nay tâm trạng không được thoải mái, nên có vài sự tình muốn bẩm báo lại không dám nói ra.

Trương Tiệp Dư hơi ngạc nhiên, liếc qua Trịnh công công. Cả đám người hầu sợ hãi cúi gằm mặt xuống. Trương Tiệp Dư xẵng giọng:

- Các ngươi ra ngoài hết cho ta. Ta muốn một mình nói chuyện với tiên sinh!

Trịnh công công và mọi người chỉ chờ đợi có vậy, ngay lập tức tứ tán ly khai. Trong lòng ai nấy đều cảm kích Khấu Trọng.

Trong phòng chỉ còn lại hai người, Trương Tiệp Dư rời Thái sư ỷ, một tay ấn mạnh lên mặt bàn, thanh âm tràn đầy tức giận:

- Mạc tiên sinh ngươi hãy nói cho ta một chút đạo lý đi! Đổng Phi là cái thứ gì, Hoàng thượng lại để ta và Duẫn Đức phi ở lại, dẫn nàng ta cùng đi Chung Nam, không phân biệt tôn ty trật tự. Thiên hạ làm gì có việc bất công, vô lý đến vậy?

Khấu Trọng nghe thấy thế, tròn mắt ngây ngốc. Gã chợt hiểu vấn đề thì ra chỉ là vậy. Bất quá, tuy Trương Tiệp Dư để lộ mặt ngang ngược của mình, nhưng dáng người và nhan sắc nàng lại rất dễ nhìn, thần thái tức giận kia vẫn đẹp đến rung động lòng người.

Không hỏi cũng biết, Lý Uyên để hai sủng phi ở lại trong cung đích thực là vì lo lắng cho sự an toàn của bọn họ. Y cho Đổng Thục Ni theo rất có thể vì đã biết quan hệ giữa ả và Dương Hư Ngạn. Thế nhưng sự thật có phải như thế hay không thì chỉ có mình Lý Uyên là biết rõ.

Lúc này đây Trương Tiệp Dư càng nói càng tràn đầy uất khí, đôi mắt đẹp dần dần đỏ ửng lên. Nàng hằn học nói:

- Khi Tần Vương đem con Hồ ly tinh từ Lạc Dương về, ta và Duẫn Đức Phi đã sớm lo lắng thị sẽ mê hoặc Hoàng thượng. Bây giờ sự việc lại còn tệ hơn thế nữa!

Khấu Trọng sợ rằng nàng mà khóc thì sự tình càng khó kiểm soát, một lời chào để mà đi cũng chẳng thể thốt ra được. Gã vội vàng nói:

- Mong nương nương bớt giận. Tiểu nhân có một kiến giải khác.

Trương Tiệp Dư ngạc nhiên hỏi:

- Kiến giải gì?

Khấu Trọng lập tức giở ngón nghề vẽ rồng vẽ rắn:

- Tiểu nhân sau khi nhập cung, trên đường vào đây đã gặp Hoàng thượng, khi đó Thái tử điện hạ cũng có ở đó. Nghe tiểu nhân tâu rằng cần vào cung hội kiến phu nhân, Hoàng thượng liền lộ thần sắc vô cùng quan tâm, người lại truyền rằng tiểu nhân cần thị hầu phu nhân cho thật tốt, việc này có Thái tử điện hạ làm chứng!

Gã cố nhiên không ngại ra sức khoa trương vì khẳng định Lý Kiến Thành không có cơ hội chứng thực với mình. Vốn dĩ Trương Tiệp Dư sợ nhất là bị thất sủng, nghe vậy liền bán tín bán nghi hỏi lại:

- Hoàng thượng nếu như thực sự quan tâm tới ta, tại sao trước khi khởi trình lại không tới nói một lời tạm biệt?

Khấu Trọng hiện tại có thể khẳng định Trương Tiệp Dư không thể là người của Âm Quý Phái, chính bởi sự đau khổ và đố kỵ này hoàn toàn phát xuất từ trong phế phủ, đây căn bản là thứ biểu cảm không thể trá ngụy. Gã bèn gia tăng ngữ khí nói tiếp:

- Nếu như tiểu nhân không lầm, Hoàng thượng sợ nếu gặp phu nhân sẽ không thể ly khai, hoặc không kìm lòng được lại mang phu nhân đi Chung Nam. Thế nhưng nguyên nhân vì sao lại thế thì tiểu nhân không được biết.

Gã dừng lại một chút, rồi hạ giọng nói liền một mạch:

- Tiểu nhân vốn giỏi nhất là khoa nhìn người. Hà! Người ta có câu “Vọng, văn, vấn, thiết”. Vọng ở đây chính là chỉ cách nhìn người. Hoàng thượng vì có tâm sự nên tâm hỏa tăng cao, lưỡng quyền đỏ dừ. Việc ngài đi Chung Nam Sơn không hề đơn giản, có thể khẳng định đó là việc cơ mật nghiêm trọng phi thường. Phu nhân nếu có biết cũng chỉ nên để ở trong lòng, ngàn vạn lần không nên tiết lộ cho người khác, kể cả Duẫn Đức nương nương và Thái Tử điện hạ trong cung. Nếu không, chắc là Hoàng thượng sẽ không vui đâu!

Trương Tiệp Dư lộ xuất thần sắc ngưng trọng. Nàng không tự chủ được lại quay về ghế ngồi xuống, rồi gật đầu nói:

- Nhờ có tiên sinh phân tích, ta mới chợt nhớ ra Hoàng thượng mấy ngày nay hành vi có phần cổ quái, có thể thấy tâm sự trùng trùng. Bỗng nhiên lại phân phó Lưu Chánh Hội phong bế cửa ngang thông từ lưỡng cung sang chính cung. Người lại đột nhiên triệu Thái tử và Tần Vương đến nói chuyện. Kỳ quái nhất là vụ giao chức tổng vệ Huyền Vũ Môn cho Bùi Tịch hoàn toàn phụ trách, Kiến Thành Thái tử chỉ có thể thủ thành. Đúng là an bài không được hợp tình hợp lý.

Khấu Trọng thầm rủa Lý Uyên đả thảo kinh xà. Bất quá từ lập trường của Khấu Trọng gã mà nói thì gã chẳng thèm quản đến chuyện thối tha con bà nó của nhà lão.

Trương Tiệp Dư khẽ xoa ngực, thở ra một hơi dài nói:

- Hiện tại tâm tư ta đã khôi phục tốt hơn nhiều rồi! Tiên sinh không những chỉ biết chữa bệnh tật, mà lại còn có thể trị tâm bệnh cho người ta nữa. Tiên sinh đến đây hôm nay có vấn đề gì vậy? Chỉ cần trong khả năng của ta, nhất định sẽ làm cho tiên sinh thỏa ý.

Khấu Trọng ngấm ngầm hít một hơi. Sau khi giở hết tài năng kinh nghiệm, cuối cùng gã đã có cơ hội để nói ra mục đích của mình.

o0o

Bất ngờ gặp phải Từ Tử Lăng, Vân Soái nói:

- Ta đã nghĩ là sẽ không gặp lại ngươi nữa.

Từ Tử Lăng thầm nghĩ, bằng vào tuyệt thế khinh công của y chắn chắn có thể trong bóng tối dò ra động tĩnh của quân Đường, liền hỏi:

- Quốc sư có thấy gì không?

Vân Soái dõi ánh mắt thâm thúy nhìn Từ Tử Lăng qua chiếc mũi cao và khoằm đặc biệt của mình, nhãn thần lộ xuất một tia cao thâm mạt trắc cộng với một chút giảo hoạt. Y nói:

- Ta nghe thấy âm thanh phá cửa cường liệt từ Tây Ký Viên của Độc Cô Phủ truyền ra. Khi chạy đến nơi thì thấy Lý Nguyên Cát và người của Độc Cô gia đang đứng vây kín xung quanh miệng giếng. Sau đó Lý Uyên và một đội cấm vệ cũng đến. Rốt cuộc là có chuyện gì vậy?

Chỉ nghe Vân Soái tùy tiện nói ra miệng danh xưng Độc Cô Phủ, Từ Tử Lăng liền biết y đã có điều tra qua. Phá cửa để thu hút sự chú ý của người khác, không cần nói cũng biết là do Chúc Ngọc Nghiên làm. Mụ thà để Tà Đế Xá Lợi tạm thời lọt vào tay Lý gia còn hơn để cho Dương Hư Ngạn đoạt được.

Từ Tử Lăng bỗng chốc hối hận rằng đã cùng với Vân Soái hợp tác. Dựa vào thứ nhãn thần bất định của y, Tử Lăng bằng trực giác cảm thấy mọi hành động của hắn đều xuất phát từ mục đích vụ lợi, tất yếu sẽ có lúc trở mặt vô tình. Y lại là người Ba Tư, sống ở Tây Đột Quyết rồi làm đến Quốc sư, cũng giống như Triệu Đức Ngôn - Quốc sư người Hán của Đông Đột Quyết. Chính sự liên tưởng này khiến cho Từ Tử Lăng sinh lòng cảnh giới. Nếu như Vân Soái nảy sinh dã tâm đối với Tà Đế Xá Lợi, đó sẽ là việc vô cùng đau đầu khó giải quyết.

Đột nhiên gã hạ quyết tâm cần phải khiến Vân Soái rời khỏi trường thị phi này. Diễn biến thực tế càng cho thấy tình hình càng biến đổi khôn lường, kế hoạch vốn vạn vô nhất thất của bọn họ càng khó có thể y kế thi hành.

Từ Tử Lăng bèn gật đầu nói:

- Tối qua đã xảy ra sự tình nghiêm trọng ngoài ý muốn. Khi chúng ta tiến nhập bảo khố thì bị người của Lý Nguyên Cát giám thị động tĩnh dưới lòng đất phát hiện. May là chúng ta theo bí đạo dưới lòng sông chạy thoát, đành phải đề nghị Vân Soái hủy bỏ kế hoạch.

Vân Soái chấn động hỏi:

- Tà Đế Xá Lợi sao rồi?

Từ Tử Lăng lúc này lại càng có cảm giác Vân Soái đối với Xá Lợi không phải không có tham niệm. Thế nhưng lại cảm thấy lừa gạt một người cho đến giờ phút này vẫn hợp tác với mình là việc bất nghĩa, gã cười nhẹ trả lời:

- Xá Lợi chính là đang ở trong tay chúng ta!

Vân Soái ngạc nhiên hỏi:

- Nếu là như thế, sao lại phải thủ tiêu kế hoạch?

Từ Tử Lăng bật cười lắc đầu:

- Vấn đề ở chỗ chúng ta đã nói có Tà Đế Xá Lợi ở trong tay nhưng chẳng ai tin. Trong tình hình như thế, nếu chúng ta y kế tiến hành, đảm bảo sẽ tự đưa đầu vào lưới của Triệu Đức Ngôn đã giăng sẵn.

Vân Soái chợt hỏi:

- Nếu như người của Lý gia không tìm thấy Xá Lợi trong nội khố, lo gì bọn chúng không tin tưởng?!

Từ Tử Lăng đáp:

- Hiện tại trong nội khố chứa đầy thán khí. Người của Lý gia chỉ có thể vội vội vàng vàng nhìn qua một chút mà thôi. Tình cảnh đó không cho phép bọn họ điều tra triệt để.

Gã không hề nói dối Vân Soái nửa câu, chỉ là giấu không nói đến chân khố.

Vân Soái trầm ngâm một lúc nói:

- Tà Đế Xá Lợi rốt cuộc là cái gì vậy?

Từ Tử Lăng thản nhiên trả lời:

- Ta chưa từng xem qua.

Vân Soái thất thanh kêu lên:

- Cái gì?

Từ Tử Lăng hạ giọng nói:

- Tà Đế Xá Lợi được cất trong một chiếc hộp đồng đã phong bế kỹ càng. Hộp không to lắm, nhưng bên trong chứa đầy dung dịch không rõ là gì. Chúng ta lại không dám mở ra. Vì thế Tà Đế Xá Lợi vẫn y nguyên như cũ!

Vân Soái song mục xạ xuất thần quang lấp loáng, tựa như muốn nhìn thấu suy nghĩ của Từ Tử Lăng, y nhíu mày hỏi:

- Các ngươi đối với dị bảo mà người người Ma Môn đều muốn chiếm đoạt lại không chút hiếu kỳ ư?

Từ Tử Lăng mỉm cười tiêu sái:

- Đúng là không hề hiếu kỳ!

Vân Soái liền hỏi tiếp:

- Các ngươi không cần xử dụng Tà Đế Xá Lợi để tiến hành kế hoạch, vậy định xử trí nó thế nào?

Từ Tử Lăng thờ ơ đáp:

- Chúng ta sẽ có thể chôn vùi nó ở một địa phương nào đó. Quốc sư có ý kiến nào tốt hơn không?

Vân Soái lập tức trả lời:

- Ta nghĩ nên y kế thi hành. Chỉ cần Xá Lợi là thật thì chúng ta có thể lợi dụng nó thao túng khống chế cục diện, làm Triệu Đức Ngôn trúng kế.

Từ Tử Lăng nói:

- Ta cần thương lượng kỹ với Khấu Trọng. Trước giờ Dậu tối nay sẽ phúc đáp chắc chắn với Quốc sư.

Vân Soái đột nhiên thở dài, cất tiếng:

- Ài, ta có một việc muốn thương lượng với ngươi. Nếu như y kế thi hành, khi người người ra tay tranh đoạt Tà Đế Xá Lợi, ta cũng muốn ra tay cướp lấy, lúc đó hai ngươi có thể giúp ta không?

Từ Tử Lăng không nghĩ hắn lại thành thật như vậy, chẳng hề giấu diếm mình điều gì. Gã tự nhiên lập tức tăng thêm hảo cảm trong lòng, đoạn thành thực đáp:

- Điều ta và Khấu Trọng hy vọng nhất là Tà Đế Xá Lợi rơi vào tay Sư Phi Huyên. Bất quá, theo tình thế trước mắt, khả năng nàng ta xuất hiện ở đó không nhiều. Trong tình hình đó, chúng ta có thể xuất thủ tương trợ Quốc sư, chỉ không biết ngài đã nghĩ qua hậu quả sẽ như thế nào chưa?

Vân Soái cười khổ trả lời:

- Hậu quả là nếu như chúng ta đắc thủ đoạt được Xá Lợi, trên đường về tất sẽ cửu tử nhất sinh. Nhưng đối với các vị chỉ có lợi mà không có hại. Bằng vào cước lực của ta, lúc đầu tất bọn chúng không làm gì được, nhưng do ta không quen đường đi lối lại, thế nào cũng bị truy cản. Mặc dù vậy, ta vẫn muốn mạo hiểm một phen.

Từ Tử Lăng nói:

- Quốc sư dù có đoạt được Xá Lợi mà không biết cách dùng thì cũng chỉ là phế vật. Thế nhưng lại bỏ qua cơ hội giết Triệu Đức Ngôn, xem ra thật không đáng phải làm vậy.

Vân Soái từ tốn đáp lời:

- Ngươi trước tiên hãy cùng Khấu Trọng thương lượng kế sách. Khi nào các ngươi quyết định về việc thực hiện kế hoạch, chúng ta sẽ suy nghĩ kỹ thêm.

Từ Tử Lăng ngầm thở ra một hơi, lại tự cảnh cáo mình “người chết vì tài vật, chim chết vì thức ăn”, chính là câu mà cổ nhân vẫn thường nói.

o0o

Đội quân tùy tùng săn bắn của Lý Uyên rầm rộ ra khỏi Chu Tước đại môn, tiến vào Chu Tước đại nhai. Người dân bên đường tung hô nhiệt liệt không dứt.

Từ cổ đến kim, các đời đế vương tông thất khi đi săn đều không giống với người thường. Mỗi vương triều đều có một khu vực là vườn săn của Hoàng gia, người thường không được phép vào trong săn bắn. Đại Đường vương triều sau khi vào Trường An đã chọn Chung Nam Sơn làm khu săn bắn của hoàng gia.

Trong lịch sử đã có nhiều biến cố liên quan đến việc này. Triều Hạ thời viễn cổ, thiên tử Thái Khang vì trầm mê săn bắn, bị thủ lĩnh Đông Di tộc là Hậu Nghệ lật đổ. Y nhân lúc Thái Khang xuất thành đi săn đã phát động tấn công, rồi tự mình lên ngôi Hoàng đế. Nhưng Hậu Nghệ không lấy bài học đó làm gương, tiếp tục đi vào vết xe đổ của triều đại trước, mê mải đi săn không xử lý quốc vụ, cuối cùng cũng gặp phải kết cục bi thảm như Thái Khang. Đời nhà Chu đã lập ra chế độ tạ ơn và điền liệp, đưa săn bắn lên thành quốc gia đại sự, cũng coi đó là một cách lựa chọn nhân tài.

Có rất nhiều vị quân chủ say mê săn bắn như: bá chủ Sở Trang Vương của thời chiến quốc; Hán Vũ Đế của Hán triều; Tào Tháo của Tam quốc;…; nhưng tối ngu xuẩn chính là Ngụy Minh Đế, tại Huỳnh Dương thiết lập cấm uyển (vườn cấm), rộng hơn ngàn dặm. Trong cấm uyển nuôi hơn sáu trăm con hổ, ba trăm chó sói, một vạn hồ ly, ngoài ra vô số phi cầm tẩu thú. Y lại không cho người dân trong vùng làm tổn hại tới điểu thú của cấm uyển. Vì vậy trong khu vực đó mãnh thú hoành hoành khắp nơi, gây hại cho người dân không biết bao nhiêu mà kể. Ai ai cũng bi thán về nạn mãnh hổ, người dân vì thế coi nhà Vua giống như ác thú.

Lý phiệt kế thừa truyền thống điền liệp, coi đó là biểu tượng của một vương quốc hưng vượng. Săn bắn và người đẹp là hai lạc thú của Lý Uyên mà người khác không thể bì kịp. Bất quá lần này, việc săn bắn lại liên quan đến cuộc đấu tranh giữa Ma Môn và chính đạo, giữa tiền triều và tân triều, lạc thú đã giảm đi rất nhiều.

Khấu Trọng rời cung, đi về phía Bắc lý. Trong lòng gã vô cùng cảm khái, lý trí hoàn toàn bị một loại tâm tình khác xâm chiếm.

Người gã muốn gặp tiếp theo là thiên hạ đệ nhất danh kỹ Thượng Tú Phương. Dù tối qua nàng không cho người đến tìm, gã vẫn thấy cần phải nói lời từ biệt.

Tâm tư Khấu Trọng mâu thuẫn vô cùng. Nhớ lại khi gặp Thượng Tú Phương, gã đã mê luyến phong thái kiều mỵ xúc động lòng người của nàng, quên hết thế gian hiểm ác. Lại ngấm ngầm tự thấy bản thân đang đùa với lửa, có thể gặp họa thiêu thân.

Chợt có tiếng bước chân rầm rập vang lên.

Một cỗ xe ngựa từ Chu Tước đại môn tiến ra, trước sau đông đặc cấm vệ quân hộ giá. Cỗ xe tiến đến chỗ Khấu Trọng liền dừng lại. Thanh âm của Tú Ninh công chúa từ trong màn gấm vọng ra:

- Mạc tiên sinh định đi đâu đó? Có thể cho Tú Ninh tiễn một đoạn hay không?

Đứng giữa đại đạo rộng lớn, không còn lựa chọn nào khác, Khấu Trọng chỉ còn cách lên xe, đối diện với người mà gã không muốn gặp nhất trên đời!

o0o

Từ Tử Lăng chậm rãi thả bộ, mục đích là tới Nhạc Tuyền Quán ở Bắc lý. Trong lòng gã vốn muốn vào lại bảo khố để quan sát tình hình. Thế nhưng lúc này ban ngày ban mặt, hai bờ kênh Vĩnh An tấp nập người qua lại như thế này, gã khó có thể ngấm ngầm hạ thủy trước bao nhiêu con mắt như thế.

Cơ hội hạ sát An Long đã trở nên mờ mịt, nhưng vẫn còn một tia hy vọng. Chỉ cần hôm nay hắn có đến được Nhạc Tuyền Quán thì gã có thể thích sát thành công.

Quãng đường đến khu vực phụ cận Nhạc Tuyền Quán bình an vô sự. Gã tiện thể bèn tìm một thực quán, ăn uống một chút rồi mới tiếp tục kế hoạch.

Với tu vi của Từ Tử Lăng hiện nay, nhịn ăn nhịn uống vài ngày không thành vấn đề, nhưng chuyện ăn uống lại là một loại lạc thú, một kiểu hưởng thụ của con người.

Đi qua Minh Đường Oa và Lục Phúc đổ trường, Tử Lăng vẫn thấy người ra kẻ vào đông đúc, song không tấp nập xếp hàng rồng rắn như hai ngày trước. Khẳng định là phần lớn đổ khách đã thua sạch túi, không còn khả năng đến tham gia nhiệt náo được nữa.

Lý Thế Dân chủ trương cấm cờ bạc, nhưng Minh Đường Oa thì có phụ thân ác bá Duẫn Tổ Văn của Duẫn Đức Phi chống lưng, Lý Nguyên Cát lại là chỗ dựa vững chãi của Lục Phúc đổ quán. Chỉ xem việc Đại Tiên Hồ Phật và con gái Hồ Tiểu Tiên có thể công nhiên xuất hiện trong dạ yến Hoàng cung thì biết do sự chi trì của Thái Tử và các phi tần, Lý Uyên đã dung dưỡng cho hai đại đổ trường này tồn tại. Từ một điểm này, xem ra Lý Uyên không thể là một ông vua tốt.

Trong lúc đang suy tư, một tiếng oanh vàng từ cửa chính Lục Phúc đổ trường vọng tới.

Từ Tử Lăng không nghĩ tiếng gọi này nhắm vào mình, nên không phản ứng gì mà tiếp tục tiến bước. Đến khi nghe có tiếng bước chân đuổi theo, gã mới dừng bước quay đầu nhìn lại.

Hiện ra trước mắt gã là gương mặt mỹ nữ Kỷ Thiến, người đã từng biểu diễn trong dạ yến Hoàng cung. Lúc này nàng ngực phập phồng hơi thở chạy đến chặn gã lại, làm mọi người đều tò mò ngoái nhìn.

Từ Tử Lăng cảm thấy vô cùng đau đầu, biết nữ tử này khó mà đụng đến.

Kỷ Thiến đến bên Từ Tử Lăng, giận dỗi hỏi:

- Ngươi làm sao thế? Càng gọi lại càng đi nhanh là sao? Người ta không hiểu được ngươi xưng hô thế nào?

Từ Tử Lăng rất muốn giả như không nhận ra nàng, nhưng biết làm thế sẽ không hợp tình lý. Nhân vì bất luận nam nữ, chỉ cần nhìn thấy nàng một lần, tuyệt sẽ không thể quên. Nghĩ đoạn, gã làm bộ ngạc nhiên nói:

- Đây không phải là vị cô nương mà ta đã từng gặp trong Lục Phúc đổ trường hay sao? Không hiểu cô nương gặp tại hạ có việc gì?

Kỉ Thiến buông hai ống tay áo xuống đáp:

- Chúng ta kiếm chỗ nào đó hãy ngồi nói chuyện. Ta không phải muốn hỏi ngươi để mượn ngân lượng đâu mà lo.

Từ Tử Lăng chẳng còn cách nào, không tự chủ được bị nàng kéo đi.