Đại Đường Song Long Truyện

Chương 528: Sinh tử chi đạo




Thượng Tú Phương mở cẩm hộp ra với sự giúp đỡ của Tông Tương Hoa. Bên trong một cây trúc tiêu xuất hiện trước mắt Từ Tử Lăng. Dù gã đối với nhạc khí không có nhiều kiến thức nhưng cũng có thể từ phong cách tạo hình cực kỳ tinh mỹ mà nhìn ra đây chính là một tinh phẩm trong tiêu khí, so với loại tiêu được chế tạo ở Trung Thổ quả là có điểm đặc dị riêng.

Thượng Tú Phương đưa cả cẩm hộp đưa cho Từ Tử Lăng, nghiêm trang nói:

- Từ công tử có thể chuyển giúp Tú Phương cây Thiên Trúc tiêu này cho Thanh Tuyền tiểu thư chăng? Nàng là người Tú Phương đã ngưỡng mộ lâu nay, chỉ hận chưa có duyên gặp mặt.

Liệt Hà hân hoan nói:

- Thì ra việc Tú Phương tiểu thư tìm kiếm Thiên Trúc tiêu là có mục đích và ý nghĩa như vậy.

Từ Tử Lăng cung kính nhận cẩm hộp, ngạc nhiên hỏi:

- Tú Phương tiểu thư làm sao biết ta quen với Thanh Tuyền cô nương?

Thượng Tú Phương đưa mắt nhìn gã một cái, mỉm cười:

- Sáng nay khi Tú Phương được Liệt công tử khẳng khái tặng nhạc quyển đã đến Thánh Quang tự lạy tạ thần ân nên mới nhận được lời chỉ bảo.

Từ Tử Lăng trong lòng ngạc nhiên, biết rằng Thượng Tú Phương sáng nay đến Thánh Quang tự là để gặp Sư Phi Huyên, từ chỗ của nàng ta mới biết gã là người có tư cách đến được U Lâm Tiểu Trúc ở Ba Thục gặp mặt Thạch Thanh Tuyền.

Ài! Sư Phi Huyên rõ ràng là muốn kết hợp gã và Thạch Thanh Tuyền. Thế nhưng nàng ta không biết Thanh Tuyền đối với chuyện tư tình nam nữ tâm đã như khô mộc, căn bản là không có chút hứng thú nào. Bản thân gã nếu gặp nàng thêm lần nữa cũng chỉ khiến cho vết thương lòng thêm sâu sắc mà thôi.

Lại nghĩ khi Thượng Tú Phương gặp Sư Phi Huyên xong, trên đường hồi cung ghé thăm Khấu Trọng đã bị tên tiểu tử đó gần như cưỡng bách hôn lên môi nàng. Lúc đó gã cảm thấy hành vi của Khấu Trọng thật quá ty tiện. Thế nhưng hiện tại đối diện với mỹ nữ thiên sinh lệ chất lay động lòng người, thân thể tràn đầy mị lực này, gã lại không kìm chế được nảy sinh cảm giác thấu hiểu và đồng tình với hành vi lỗ mãng “tình bất tự cấm” của tên huynh đệ của mình.

Từ Tử Lăng đột nhiên tưởng tượng lại mỹ cảnh ngày đó tại căn phòng nhỏ trong thành bảo của Giải Huy ở Thành Đô, Thạch Thanh Tuyền ngồi bên cửa sổ tấu tiêu cho gã nghe. Lúc đó gã cũng xung động muốn ôm nàng vào lòng mà hôn, chỉ là không như Khấu Trọng đối với Thượng Tú Phương đem ra làm thật mà thôi.

Đôi mắt đẹp của Thượng Tú Phương chăm chú nhìn khuôn mặt thoáng mơ màng lại chợt đượm vẻ u buồn của Từ Tử Lăng, tỏ vẻ hối hận như đã thất thố điều gì nói:

- Tú Phương không phải đã gợi lại tâm sự của Từ công tử chứ? Nếu vậy Tú Phương quả thật đắc tội rồi!

Từ Tử Lăng ngượng nghịu mỉm cười, cất cẩm hộp vào trong bọc, trong lòng đấu chí lại dâng cao, thầm nghĩ tối nay không thể để bị người ta giết được, nếu không làm sao có thể hoàn thành tâm nguyện của Thượng Tú Phương. Gã cương quyết gật đầu:

- Tú Phương tiểu thư yên tâm. Tiêu này nhất định sẽ được đưa tận tay Thanh Tuyền tiểu thư.

Liệt Hà vẫn chưa tha cho gã, cười nói:

- Từ huynh còn chưa hồi đáp câu hỏi của Tú Phương tiểu thư về tâm sự của huynh.

Từ Tử Lăng mắng thầm trong bụng, rốt cuộc cũng biết vì sao Khấu Trọng và Khả Đạt Chí đều muốn giết tên tiểu tử này, chính vì hắn thật thâm hiểm. Gã bèn mỉm cười đáp lời:

- Ai lại không có tâm sự chứ? Chỉ là không thể nói ra thôi!

Thượng Tú Phương u uất thở dài, mục quang hướng về phía hai người Khấu, Khả đang trò chuyện trên bình đài, khẽ cúi đầu nhỏ giọng:

- Tú Phương hiểu rõ cách chế ngự nhạc khí, các vị hiểu rõ cách chế ngự binh khí. Thế nhưng chúng ta chỉ e vĩnh viễn cũng không hiểu làm sao chế ngự được lòng mình. Thật là hết cách!

Liệt Hà khẽ run người, lộ xuất thần sắc trầm tư.

---oOo---

Lúc này Bái Tử Đình và Mã Cát đã trở lại đại sảnh. Lập tức mọi người đang phân tán trò chuyện đều tập trung chú ý vào hắn.

Bái Tử Đình trước tiên liếc nhìn Khấu Trọng và Khả Đạt Chí vẫn đang tựa vào lan can mải miết trò chuyện trên bình đài, rồi cười ha hả cất tiếng:

- Còn có một vị quý khách mà Bái Tử Đình ta ngưỡng mộ đã lâu vẫn chưa đại giá quang lâm. Nếu các vị không phiền chúng ta đợi thêm một khắc rồi mới nhập tiệc được không? Cũng là để cho Thiếu Soái và Khả tướng quân thêm chút thời gian hàn huyên.

Thượng Tú Phương vui vẻ hỏi:

- Quý khách mà Đại Vương nói có phải là Tống nhị công tử không?

Từ Tử Lăng lúc này mới biết Tống Sư Đạo cũng được mời, bất quá chuyện này đúng là vô cùng hợp lý vì Bái Tử Đình vốn rất hân thưởng văn hóa Trung Thổ. Trong khi đó, Tống Sư Đạo lại đến từ môn phiệt có quyền thế nhất ở phương Nam, luôn kiên trì bảo tồn văn hóa chính thống của Hán thất, đương nhiên y chính là đối tượng mà Bái Tử Đình ngưỡng mộ. Thế nhưng gã có chút lo lắng không biết Tống Sư Đạo gặp phải chuyện gì mà đến muộn như vậy.

Bái Tử Đình chuyển sang hướng Phó Quân Tường, Hàn Triều An và Kim Chính Tông ba người nói:

- Xem ra ba vị và Quốc sư đàm đạo thập phần cao hứng, nhất định là đang bàn đến đề tài rất thú vị. Sao không nói ra cho mọi người cùng thưởng thức?

Phó Quân Tường hân hoan đáp:

- Quốc sư đang nói đến vấn đề sinh tử luân hồi, thật khiến người phải suy ngẫm, Quân Tường quả là thu được lợi ích không nhỏ.

Thượng Tú Phương tỏ vẻ vô cùng hứng thú góp lời:

- Tú Phương cũng đang quan tâm đến những vấn đề thuộc phương diện này, mong được Quốc sư chỉ điểm nhiều.

Từ Tử Lăng ngầm lưu ý Liệt Hà, chỉ thấy hắn nhìn Phục Nan Đà sát cơ thoáng hiện rồi lại biến mất.

Thanh âm cực kỳ dễ nghe và đầy sức thu hút của Phục Nan Đà lại vang lên trong đại sảnh. Từ Tử Lăng cuối cùng cũng được đích thân lãnh giáo tài biện bác hùng hồn, pháp lý cao thâm của vị ma tăng đến từ Thiên Trúc này.

---oOo---

Khấu Trọng hỏi:

- Tông Tương Hoa đã nói gì về Âm Hiển Hạc?

Khả Đạt Chí thẳng thắn đáp:

- Trừ phi bọn họ nói về tên vô lại Liệt Hà, còn không thì ta cũng chẳng bận tâm lắng nghe. Ta lờ mờ nhớ được là khi rời khỏi cung môn, Tú Phương tiểu thư thấy Tông Tương Hoa đặc biệt lưu ý đến những người đang đi trên đường bèn hỏi nàng đang nhìn gì. Tông Tương Hoa trong tình huống đó đã nhắc đến ba chữ Âm Hiển Hạc.

Khả Đạt Chí rõ ràng đối với quan hệ giữa Tông Tương Hoa và Âm Hiển Hạc không hề hứng thú, hắn lập tức chuyển đề tài:

- Chỉ cần ngươi và Tử Lăng có thể tự giữ mình, về phía kia thì ta có thể sắp xếp ổn thỏa, không để cho Thâm Mạt Hoàn biết ta đang theo giết hắn, vậy có thể khiến... Ài! Giả như Đỗ Hưng thật như ngươi nói, ta sẽ khiến hắn không nhìn ra bọn ta còn có đại kế khác.

Khấu Trọng trầm ngâm nói:

- Hiện tại còn có một vấn đề làm ta đau đầu vô cùng. Nếu không hiểu rõ được điều này, ta và Lăng thiếu gia có thể không còn mạng đi giết Thâm Mạt Hoàn với huynh đâu.

Khả Đạt Chí chau mày hỏi:

- Chuyện gì mà nghiêm trọng vậy?

Khấu Trọng đáp:

- Chính là quan hệ giữa Thôi Vọng, Hứa Khai Sơn và Bái Tử Đình ba người.

---oOo---

Liệt Hà đợi Phục Nan Đà nói vài lời tự khiêm mới ung dung hỏi:

- Đại Vương có thể để kẻ ngu muội này thỉnh giáo Quốc sư một vấn đề không?

Từ Tử Lăng kêu thầm “Tới rồi!”, Liệt Hà cuối cùng cũng nhịn không được xuất chiêu với Phục Nan Đà. Nếu có thể biện luận thắng vị Thiên Trúc Cuồng Tăng này, so với việc dùng đao thật thương thật đánh bại lão ta cũng không phân biệt gì. Chính vì Phục Nan Đà lợi hại nhất là tài hùng biện, cũng chính nhờ vào tài năng này để thao túng các nhân vật của Mạt Hạt tộc.

Bái Tử Đình liếc nhìn Liệt Hà bật cười:

- Có gì không được chứ? Mọi người cùng nhàn đàm thôi!

Liệt Hà vui mừng đáp:

- Như vậy kẻ ngu muội này không khách sáo nữa.

Đoạn quay sang Phục Nan Đà mỉm cười:

- Xin hỏi Quốc sư tại sao lại rời Thiên Trúc đến thảo nguyên?

Mục quang Phục Nan Đà trước hết hướng đến Từ Tử Lăng khẽ mỉm cười rồi chuyển sang Thượng Tú Phương, đôi mắt uyên thâm như không có đáy ánh lên một cái sau đó mới nhìn về phía Liệt Hà thản nhiên đáp:

- Sở học cả đời của Phục Nan Đà ta có thể khái quát trong bốn chữ “Sinh tử chi đạo”. Nơi để đàm luận “Sinh tử chi đạo” lý tưởng nhất chính là chiến trường. Chỉ có ở đó mỗi cá nhân đều phải đối diện với sinh tử, muốn tránh cũng không tránh được. Tử vong có thể xảy ra trong bất kỳ thời khắc nào, cảm giác sinh tồn vô cùng mạnh mẽ! Vì thế đây chính là địa phương thuyết pháp tốt nhất. Ngoài vấn đề này thử hỏi còn đề tài nào có thể làm cho người ta mê hoặc hơn nữa chứ?

---oOo---

Khả Đạt Chí ngạc nhiên hỏi:

- Cung Kỳ lại chính là Thôi Vọng sao? Thật khó để người ta đoán ra được. Sáng nay ta đã gặp người này, quả là tinh minh lợi hại, về mặt võ công lại che giấu rất giỏi, khiến người ta khó mà đoán biết, thật có đủ điều kiện để làm kẻ dẫn đầu của đám lang tặc đó. Ngươi khẳng định không nhìn lầm hình xăm của hắn chứ?

Khấu Trọng quay đầu nhìn vào trong một cái, rồi ghé sát tai y nói:

- Lão Phục bắt đầu thuyết pháp rồi! Bọn ta có nên vào nghe qua một chút lẽ thiền không?

Khả Đạt Chí tỏ vẻ không vui:

- Ngươi còn nhàn rỗi vậy sao? Phục Nan Đà bản thân bất chính, thuyết pháp cũng chỉ là tà pháp mà thôi. Giả như bọn lang tặc kia là kỳ binh do Bái Tử Đình một tay bồi dưỡng, vậy thì với Hứa Khai Sơn có quan hệ gì?

Khấu Trọng đáp:

- Hôm nay ta và Lăng thiếu gia đã tra xét ba tên người Hồi Hột chín phần là lang tặc. Bọn chúng đều xưng là thủ hạ của Liệt Hà, do đó có thể thấy lang tặc chính là người của Đại Minh tôn giáo. Điều bọn ta nghĩ không ra chính là Đại Minh tôn giáo và Phục Nan Đà là đối địch, vì sao Cung Kỳ lại làm việc cho Bái Tử Đình? Bên trong nhất định còn chuyện gì mà bọn ta chưa biết. Hiện tại Khấu Trọng ta sợ nhất là sau đại yến, Bái Tử Đình sẽ phái Cung Kỳ hộ tống bọn ta ra về, nếu cự tuyệt Hàn Triều An sẽ sinh nghi. Như vậy sẽ có thêm nhiều biến đổi.

Khả Đạt Chí thở ra một hơi:

- Bây giờ ta sẽ đi ngay để an bài mọi chuyện tối nay, đồng thời kiểm tra xem có phải Cung Kỳ đã nhiều năm không ở Long Tuyền không. Với bản lĩnh tùy cơ ứng biến của Thiếu Soái và Lăng thiếu gia, đêm nay nhất định có thể binh tới tướng cản, nước đến đắp đê.

Khấu Trọng nhắc nhở hắn:

- Khi ngươi bỏ đi, hãy làm như nộ khí xung thiên không thể bàn bạc được gì với ta vậy. Không! Như vậy lộ liễu quá, hay là làm như không có gì nhưng trong mắt lại lộ ra sát cơ.

Khả Đạt Chí không nhịn được bật cười:

-Yên tâm đi! Không ai tin được bọn ta có thể bàn bạc hợp tác như huynh đệ vậy đâu.

---oOo---

Thượng Tú Phương cảm thấy rất hứng thú nói:

- Tú Phương lần đầu nghe nói chiến trường là nơi thích hợp nhất để thuyết pháp. Nói vậy Quốc sư quả là biết cách lựa chọn. Hiện tại Trung Thổ tứ phân ngũ liệt, binh hoang mã loạn, ở đại thảo nguyên thì các bộ tộc tranh giành nhau không có lấy một ngày an lành. Chỉ là không biết “Sinh tử chi đạo” nghĩa là gì?

Phục Nan Đà pháp tướng trang nghiêm, lúc đó dù nhìn ở góc độ nào cũng chỉ có thể cho rằng lão ta là một cao nhân hữu đạo, không thể nào liên tưởng lão lại là một ma tăng dâm tặc được.

Phục Nan Đà lộ xuất thần sắc chăm chú lắng nghe Thượng Tú Phương nói, đoạn cúi đầu đáp:

- Sinh tử chính là việc mà mỗi cá nhân đều phải trải qua, vì vậy mọi người dù là đế vương, quan tướng, hiền nhân hay kẻ ngu muội đều phải đối diện với vận mệnh không thể tránh khỏi này. Thế nhưng cho dù là vậy, khi chúng ta nghĩ đến cái chết thì lại làm như là chuyện không thể xảy ra. Thậm chí còn phát sinh ảo giác bản thân mình là một ngoại lệ, sẽ không bị chết, đối với cái chết thế nào cũng đến kia lại như nhìn mà không thấy. Chúng ta muốn hiểu được “Sinh tử chi đạo” trước tiên phải thay đổi tư tưởng đáng cười này.

Từ Tử Lăng thầm kêu lợi hại, quả là có thể so với Tứ Đại Thánh Tăng. Phục Nan Đà thuyết pháp đả động nhân tâm nhất là ở chỗ vấn đề có quan hệ trực tiếp đến mọi người, vừa gần gũi lại vừa gây chấn động. So ra Thiền cơ Phật ngữ của Tứ Đại Thánh Tăng tuy chứa đầy trí tuệ nhưng đối với một số người lại quá xa vời, cứ như hư vô ảo mộng, không hợp với nhu cầu thực tế.

Lúc này Khả Đạt Chí nét mặt thâm trầm đi vào trong sảnh, ngắt ngang lời thuyết pháp của Phục Nan Đà, tiến tới bên Từ Tử Lăng nói khẽ:

- Hãy khuyên vị hảo huynh đệ kia của ngươi đi! Đại Hãn đối với hắn đã khoan dung lắm rồi.

Từ Tử Lăng thì lại vì sự quyết liệt giữa y và Khấu Trọng mà lo lắng, lộ ra nét mặt buồn khổ, nhún vai tỏ vẻ mình không có năng lực làm chuyện này. Biểu hiện đó quả là không có một chút giả dối nào, lại càng khiến người ta tin tưởng.

Đặc biệt là bọn Hàn Triều An tất nhiên sẽ tự tác thông minh mà cho rằng Khả Đạt Chí muốn cùng Khấu Trọng đến bình đài trò chuyện là để thuyết phục gã quy phục Hiệt Lợi, giống như bọn Lưu Vũ Chu, Lương Sư Đô làm chó săn cho Hiệt Lợi.

Khả Đạt Chí lại hướng đến Bái Tử Đình cáo lỗi:

- Tiểu tướng có việc gấp cần xử lý nên phải quay về, Đại Vương không cần đợi tiểu tướng.

Nói xong quay đầu bỏ đi. Ngay cả Từ Tử Lăng cũng nghĩ hắn vì thương thảo không thành với Khấu Trọng nên mới dẫn thủ hạ rời khỏi. Những người khác lại càng không cần phải nói.

Sau khi Khả Đạt Chí bỏ đi, Mã Cát cười nói:

- Đến phiên ta nói vài câu với Thiếu Soái rồi!

Dứt lời lão liền bỏ ra ngoài, đi về phía Khấu Trọng lúc này đang đứng dựa vào lan can trên bình đài.

Sự chú ý của mọi người lại tập trung về phía Phục Nan Đà.

Kim Chính Tông cất tiếng:

- Quốc sư nhìn vấn đề thật thấu triệt. Đó quả là thái độ đối với tử vong của nhiều người, song chúng ta cũng chỉ là bất đắc dĩ. Chính vì không ai tránh được cái chết, không ai có thể cải biến kết cục này, vậy thì thay vì suốt ngày lo âu sợ sệt, chi bằng quên hẳn nó đi là xong.

Phục Nan Đà ung dung mỉm cười niệm hai câu Phạn ngữ mà mọi người không ai hiểu là gì rồi thản nhiên nói:

- Đạo sinh tử của ta chính là đạo đối diện với tử vong. Không những nhìn nhận chân diện mục của cái chết mà còn muốn vượt qua cái chết. Biến cái chết thành một dạng thăng tiến chứ không phải là một sự kết thúc.

Liệt Hà nhạt giọng hỏi:

- Vậy thì có phân biệt gì so với thuyết nhân quả luân hồi của Phật giáo?

Từ Tử Lăng cũng rất muốn biết Phục Nan Đà sẽ trả lời thế nào. Nếu như Phục Nan Đà nói không ra sự khác biệt giữa Thiên Trúc giáo và Phật giáo vốn cũng đến từ Thiên Trúc thì thuyết về đạo sinh tử của lão sẽ không có gì đặc sắc.

---oOo---

Mã Cát bước đến bên cạnh Khấu Trọng, nhẹ nhàng nói:

- Thiếu Soái đang nghĩ gì vậy? Trong đại sảnh mọi người đang thảo luận về đạo sinh tử.

Khấu Trọng vẫn mải mê hân thưởng vẻ đẹp bốn bên của hồ nước, nhạt giọng đáp:

- Ta đang suy nghĩ về một vài vấn đề. Sao Cát gia không lưu lại nội sảnh nghe cao nhân thuyết pháp?

Mã Cát than:

- Tục vụ tại thân, ta đâu còn nhàn tình nhã hứng đi nghe mấy chuyện sinh sinh tử tử khiến người ta nhức đầu đó chứ. Bạt huynh sao lại không đến dự yến hội vậy?

Khấu Trọng nhìn về phía lão, hai người bốn mắt nhìn nhau không chút nhân nhượng.

Mã Cát mỉm cười:

- Thiếu Soái không cần phải trả lời câu hỏi đó. Tám vạn tấm da dê kia Thiếu Soái không cần bỏ ra một lượng bạc nào cũng có thể thu về đủ số. Còn đối với số hàng hóa của Bình Diêu thương nhân thì có một số khó khăn, nhưng ta sẽ vì Thiếu Soái mà cố gắng.

Khấu Trọng thầm mắng Mã Cát giảo hoạt. Lão hồ ly này và Bái Tử Đình có quan hệ mật thiết, e rằng cả Hiệt Lợi cũng bị qua mắt. Muốn tìm về số da dê và số hàng hóa của Bình Diêu thương, chỉ cần Mã Cát chịu bỏ tiền chuộc, lại thêm số cung tên đó có thể uy hiếp Bái Tử Đình thì chỉ nhấc tay là làm được. Song lão lại nói ra như vậy, làm như chỉ là thiếu nợ trả tiền, hy vọng Khấu Trọng bỏ qua không truy cứu ai đã đánh cướp tám vạn tấm da dê và không đòi lại công đạo cho những thủ hạ đã bỏ mạng của Đại tiểu thư Trác Kiều.

Khấu Trọng chau mày hỏi:

- Ta muốn thỉnh giáo Cát gia một vấn đề. Chính là Bái Tử Đình rốt cuộc có sức hấp dẫn gì khiến Cát gia có thể cam tâm tình nguyện cùng hắn tuẫn thành.

Mã Cát biến sắc thốt lên:

- Mấy câu này của Thiếu Soái có ý gì?

Khấu Trọng thản nhiên nhún vai đáp:

- Vì đến giờ phút này ngươi vẫn ủng hộ Bái Tử Đình. Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, huống hồ những chuyện lớn như giết người phóng hỏa. Giả sử Đột Lợi không tha ngươi, ngươi nghĩ Hiệt Lợi có vì ngươi mà ra mặt không?

Mã Cát không vui hỏi lại:

- Ta sao lại ủng hộ Bái Tử Đình, Thiếu Soái đừng ngậm máu phun người.

Khấu Trọng quay hẳn người lại, dựa nhẹ vào lan can, lạnh lùng cười nói:

- Ta biết Cát gia vẫn tưởng rằng Khấu Trọng ta không hiểu rõ chân tướng sự việc. Đây có thể nói là cơ hội cuối cùng của Cát gia, quyết định xem ngươi được an hưởng tuổi già hay là không được chết yên ổn. Hiện tại cuộc chiến tranh giành thiên hạ đã biến thành cuộc chiến giữa Hiệt Lợi, Lý Thế Dân và Khấu Trọng ta, không ai có thể đoán trước được kết quả. Nếu Mã Cát ngươi không biết quan sát tình thế mà chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt thì thời cơ qua rồi sẽ không trở lại nữa. Đêm nay mà để ta giết được Thâm Mạt Hoàn thì ngày mai ta sẽ không còn hứng thú nghe ngươi nói bất cứ chuyện gì nữa đâu.

Mấy câu này của Khấu Trọng vô cùng gay gắt, thẳng thắn bác bỏ những lời chiêu dụ an ủi của Mã Cát, bức lão phải xác định lập trường.

Cho dù Mã Cát là kẻ âm mưu thâm hiểm cũng không biết ứng phó thế nào, bất giác hơi thở của lão trở nên gấp gáp, ánh mắt hung dữ sáng lên lấp loáng.

---oOo---

Phục Nan Đà nghiêm mặt nói:

- Bất kỳ tư tưởng tôn giáo nào, khi phát triển đến một trình độ nhất định sẽ hình thành một loại quyền uy tối thượng, không cho phép bất cứ kẻ nào nghi ngờ. Tôn giáo cổ xưa nhất ở nước Thiên Trúc ta là đạo Bà La Môn, dựa vào Vệ Đà Kinh và Du Già để tu hành. Thế nhưng khi đạo Bà La Môn biến thành một loại uy quyền không thể nghi vấn thì xuất hiện những luồng tư tưởng đối lập với thứ uy quyền đó của một số thầy tu. Trong đó bao gồm Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, Ni-kiền-đà Nhã-đề của Kỳ Na giáo, lãnh tụ của Sinh Hoạt phái là Mạt Già Lê Câu Xá Lê, A-kì-đà Sí-xá-khâm-bà-la của Thuận Thế phái, họ đều là những bậc tông chủ khai sơn lập giáo. Đáng tiếc bọn họ đều không thể thoát khỏi cái bóng của đạo Bà La Môn, chẳng hạn đều coi trọng nghiệp báo luân hồi và lại thờ cúng các vị thần khác. Bọn họ tuy nhìn ra lẽ tất yếu phải có cải cách, thế nhưng lại đổi bình mà không đổi thuốc, khiến cho hậu thế bước theo vết xe đổ của đạo Bà La Môn, sùng bái đa thần và thực hành các loại cúng bái tế lễ.

Từ Tử Lăng cảm thấy ý tưởng này rất mới mẻ. Gã tuy không phải là tín đồ của Phật giáo nhưng cũng cảm thấy Phật giáo cao cao tại thượng vô cùng siêu việt, người thường không thể lý giải được. Hiện tại nghe vị Quốc sư đến từ Thiên Trúc này nói về sự tích bình sanh của Phật tổ vốn cũng là người Thiên Trúc, lại còn đưa ra lời phê bình, gã chợt có cảm giác Phật tổ cũng là một con người, hoặc ít ra cũng từng là “người”.

Thượng Tú Phương cất tiếng phản bác:

- Phật giáo Thiền tông chú trọng “đốn ngộ“, không trọng tụng kinh hay tế lễ, Quốc sư chỉ trích như vậy tựa hồ không đúng sự thật.

Từ Tử Lăng trong lòng thầm khen, Thượng Tú Phương tuyệt không vì địa vị và quyền thế của Phục Nan Đà mà e dè, lại dám vì lòng tin của mình mà biện hộ. Gã đã từng gặp gỡ Thiền Tông Tứ Tổ là Đạo Tín đại sư, rất có hảo cảm đối với tư tưởng “trực chỉ nhân tâm, đốn ngộ thành phật” siêu nhiên giải thoát, không vương vấn đến ngoại vật, đạt đến cảnh giới phong lưu, tiêu dao tự tại.

Phục Nan Đà mỉm cười, chậm rãi đáp:

- Tú Phương tiểu thư nói không sai. Bất quá Thiền Tông chính là Phật giáo đã được Trung Thổ hóa. Chữ Phạn gọi Thiền là “Thiền Na“, nghĩa là “Tĩnh Lự“, được phát triển thành chữ “Thiền“ của Phật giáo mà người người ở Trung Thổ đều biết. Như vậy càng chứng tỏ những kẻ sĩ hiểu biết ở Trung Thổ đã nhìn ra khuyết điểm của Phật giáo từ nước ta truyền tới. Đáng tiếc Thiền Tông vẫn còn khiếm khuyết một chút, đó là quá coi trọng “bản ngã“ của một cá nhân. Thế nhưng so với trọng tụng kinh, trọng sùng bái thần linh, trọng nghi thức tất nhiên cao minh hơn nhiều.

Thượng Tú Phương khẽ nhướng mày, tuy không thể hoàn toàn chấp nhận luận điểm của Phục Nan Đà nhưng cũng không tìm được lời nào có thể bài bác lão ta.

Phục Nan Đà không trực tiếp giải đáp vấn đề của Liệt Hà nhưng lại từ vấn đề đó mà phát huy, chỉ ra điểm thiếu sót của Phật giáo, lại càng khiến người khác mong mỏi biết được tư tưởng của bản thân lão ta.

Bái Tử Đình chắp tay sau lưng đứng cạnh Phục Nan Đà, chỉ làm kẻ đứng ngoài quan sát chứ không gia nhập thảo luận.

Từ Tử Lăng cuối cùng cũng không nhịn được lên tiếng:

- Nếu như không trọng bản ngã thì còn dựa vào cái gì? Trọng bản ngã chính là đại biểu cho “trực chỉ nhân tâm“, không chú trọng đến sùng bái thần phật, bỏ hết những lễ nghi phiền phức và những điển tích cổ hủ, không chút câu thúc, thâm nhập tìm hiểu Phật tính Chân Như vốn có của mỗi cá nhân.

Phục Nan Đà cười một tràng dài:

- Hai chữ “Chân Như” nói hay lắm. Khó mà được Từ công tử có nhã hứng như vậy. Không biết công tử có hứng thú dành chút thời gian nghe ta thuyết pháp về đạo “Phạm Ngã như nhất” không?

Phó Quân Tường động dung nói:

- Xin đại sư chỉ điểm bến mê!

-----------------------------------------------

Tạm chú thích (bởi bác yeshe):

1.Ni-kiền-đà Nhã-đề tử (Phan: Nirgrantha Jnatiputra, Pàli: Nigantha Nataputta) sáng lập Kỳ Na(Kì Ni) giáo. Ông cho rằng, khổ lạc được tạo ra từ đời trước, không thể tu mà diệt được mà phải chịu đền trả đời này. Ông này chắc là Sakyamuni Futuomo mà Huỳnh Dị nhắc tới.

2. Mạt-già-lê Câu-xá-lê tử (Phạn: Maskari Gosaliputra; Pàli: Makkhali Gosala) chủ trương thuyết Tự nhiên thuộc Túc mệnh luận, cho rằng mệnh của con người không tùy thuộc vào nghiệp quả, không liên can gì đến những hành động đang làm.

3. A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la (Phạn: Ajita Kesakambala, Pàli: Ajita Kesakambala) theo thuyết Duy vật, Khoái lạc, cho rằng sự kham nhận khổ ải nhất định đưa đến khoái lạc.

Nguồn Quangduc.com: Nói về ngoại đạo lục sư. Ngoại đạo lục sư là sáu vị giáo chủ với sáu giáo thuyết khác nhau, thịnh hành lúc Phật còn tại thế.